Lời tựa cho bộ Dương Tiêu Sơn Tiên Sinh Ngôn Hạnh Lục

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Con người bẩm thụ chánh khí của thiên địa mà sanh ra, thường phỏng theo đức cao dầy, che chở của trời đất để giúp cho sự sanh thành, trưởng dưỡng, kế tục đời trước, mở mang đời sau, ngõ hầu chẳng thẹn đứng cùng trời đất thành ba ngôi, xưng tên là Tam Tài. “Trung, hiếu, tiết, nghĩa” chính là giềng mối chánh yếu của đạo làm người. Nếu không có những điều ấy, con người khác gì cầm thú? Dẫu vào thời dân chủ, cũng chẳng thể nào không dạy trung nghĩa! Bởi “trung” chẳng phải chỉ có nghĩa là trung với vua. Vì thế, Tăng Tử dùng “trung thứ” (trung thành, rộng lượng) để tỏ rõ đạo của Phu Tử, thường phản tỉnh “hằng ngày vì người khác mưu toan công việc, bản thân có hết lòng trung hay không”. Vì thế, biết một chữ Trung có ý nghĩa xuyên suốt vạn hạnh! Thờ vua chỉ là một khía cạnh mà thôi!

Trộm nghĩ: Trung có nghĩa là “tận hết tấm lòng của chính mình, chân thành, không dối trá”. Nếu con người giữ tấm lòng trung, ắt sẽ có hiếu với cha mẹ, kính anh, hòa thuận với họ hàng, bạn bè tin cậy, xót thương kẻ côi cút, giúp đỡ người góa bụa, nhân từ với mọi người, yêu thương loài vật, chẳng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành, vì sao vậy? Do trung nên chẳng dối, do chẳng dối nên trọn hết bổn phận. Do trọn hết bổn phận nên đối với những chuyện thuộc về bổn phận của chính mình đều chăm chú thực hiện, quyết chẳng mắc lỗi đối phó vờ vĩnh cho xong chuyện, chẳng tận hết lòng, hết sức mình. Trong đời gần đây, tuy đã lật đổ đế chế nhưng mọi sự đều phải nói đến trung thì mới chẳng đến nỗi “ta dối gạt, ngươi mắc lừa”, luông tuồng, không chuẩn mực vậy! Đắc thế bèn hùa nhau phò tá, sa cơ kéo nhau bỏ đi, hoặc còn đâm ra công kích, chà đạp lẫn nhau, trọn chẳng ngưng dứt. Đấy đều là vì chẳng màng đến trung nghĩa mà ra. Trung nghĩa chẳng màng tới thì quan hệ cha – con, vợ – chồng đều coi như mảy lông! Coi nhẹ lâu ngày, những quan hệ ấy sẽ trở thành gông cùm. Mang những gông cùm ấy chẳng được tự do, chẳng thể nào không diễn ra những vở tuồng tồi tệ giết cha, giết mẹ, nghịch trời, trái lý, hòng mặc tình tùy ý, chẳng bị câu thúc gì! Than ôi! Chẳng nói đến trung nghĩa, họa hại tới mức cùng cực như thế đó, há chẳng đau đớn tuôn lệ, thở dài sườn sượt ư?

Cư sĩ Trầm Di Sanh muốn đẩy lùi ngọn sóng cuồng, tính ấn hành những chuyện tận trung báo quốc, tận tụy hành hiếu đễ, di huấn [để lại] cho con cháu của tiên sinh Dương Tiêu Sơn[1] hòng lưu truyền rộng rãi để mong sao ai nấy có hiếu với cha mẹ, kính trọng anh, hòa thuận với họ hàng, bạn bè tin cậy, thương kẻ côi cút, giúp người góa bụa, nhân từ với người khác, yêu thương loài vật, lòng thành sắt son vì nước, nhiệt tâm cứu đời, mỗi mỗi đều phỏng theo tiên sinh Tiêu Sơn để thực hiện, cốt sao trọn hết chức phận của chính mình, chẳng ôm lòng chần chừ, lười nhác, hư giả chút nào! Như vậy thì lòng người đã chuyển, nhân họa tự mất. Một khi nhân họa đã mất, lòng trời tự thuận; đương nhiên sẽ mưa nắng đúng thời, vật mạnh, dân khỏe, thiên hạ, thái bình, nhân dân yên vui!

Đọc hai tờ sớ xin dẹp chợ bán ngựa, giết tặc thần, có thể nói là [tiên sinh] chỉ biết vì nước, chẳng màng đến thân. Đang trong lúc tặc thần chuyên quyền, bậc chánh nhân quân tử hễ hơi kình chống bèn mắc họa ngay, [tiên sinh] vẫn dám dâng sớ, xin bãi chức, xin giết, nếu không phải là hạo khí ngập trời đất, lòng tinh trung lòa nhật nguyệt, há được như thế ư? Tuy vì thế mà mất mạng, nhưng người trăm ngàn năm sau thảy đều kính ngưỡng. So ra những kẻ địa vị chót vót một thời, nhưng chẳng tạo lập công nghiệp gì làm sao bằng được? Huống chi lúc sắp bị hành hình, [tiên sinh] soạn ra Niên Phổ và những bài văn khuyên vợ, răn con, đúng là tâm như gương sáng, chiếu rọi tỉ mỉ, nếu chẳng phải là người hàm dưỡng thuần túy, gác chuyện sống chết ra ngoài thì làm sao được như vậy?

Nay để thuận tiện cho những người bình thường nên xếp bài răn dạy con lên đầu, kế đến là lời khuyên vợ, tiếp đó là Niên Phổ, rồi đến hai bài sớ. Tiếp đó là tiểu truyện của tiên sinh, sao cho vừa mở sách ra liền được lợi ích thật sự, chẳng đến nỗi do văn chương dài dòng, chẳng liên quan thiết thực đến phận mình bèn ngán đọc! Lòng Trung của Tiêu Sơn, chẳng phải chỉ là thờ vua. Đọc kỹ lưỡng Niên Phổ của ông, thì thờ cha mẹ, kính anh, đãi người, tiếp vật, không một chuyện nào chẳng bắt nguồn từ lòng Trung. Phải biết tám sự “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, tám pháp “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều phải lấy Trung làm giềng mối! Do Trung nên tận tâm thực hiện sao cho trọn vẹn hết khả năng mới thôi. Do vậy, nên nói: Đạo Trung xuyên suốt muôn hạnh, lòng Trung tăng thêm sự thành tựu cho muôn sự. Bất luận chuyện mình hay chuyện người, không có lòng Trung quyết khó thể thành tựu lớn lao được! Xưa nay, những vị lập đại công, tạo đại nghiệp, cùng lý tận tánh, mong thành thánh thành hiền, ai không lấy lòng Trung làm gốc? Vì nếu chẳng dốc sức nơi lòng Trung, sẽ ngả theo biếng nhác, chần chừ, vì chính mình còn chưa thể được, huống là vì xã hội, nước nhà ư? Người thời nay chẳng những không màng đến thực hiện lòng Trung mà ngay cả hiếu và tiết nghĩa cũng chẳng chú ý. Tôi thường muốn khuyên chỉ, nhưng chẳng cách nào phát khởi được!

Khéo sao cư sĩ Bành Mạnh Am đưa truyện người con gái có hiếu ở Hồ Nam cho đọc. Cô con gái có hiếu ấy chỉ biết có mẹ, người con gái tiết hạnh chỉ biết đến nghĩa, sự sống chết của chính mình chẳng thèm màng đến nữa. Tuy đã thể hiện gương táng thân vì mẹ, vì nghĩa, nhưng chẳng thể [dùng gương ấy để] răn dạy người tầm thường được; tuy vậy, lòng thành tận hiếu, tận nghĩa, ngay đến cả thiên địa, quỷ thần cũng bị cảm động, huống chi những người sẵn cùng một cái tâm ấy ư? Những kẻ chẳng nghĩ đến ân dưỡng dục, tùy ý tự do luyến ái, thấy nghe những chuyện này há chẳng thẹn muốn chết, do đó bèn đau đáu sửa đổi lỗi trước, dốc lòng tu đức sau ư? Điều này liên quan đến thế đạo nhân tâm cũng lớn lắm. Hơn nữa, tiết tháo như Tần Chiêu[2], ngay trong khi ấy mà giữ được lòng chẳng loạn lại càng sâu sắc gấp trăm lần. Do [giữ cho] một lúc chẳng loạn thì dễ, nhưng nhiều ngày chẳng loạn thì khó lắm. Huống chi ông Đặng X… đã nói: “Nếu chẳng thể kiềm chế được thì cô gái ấy sẽ thuộc về anh” đó ư? Thêm nữa, thiếu niên nam nữ trong mấy chục hôm, ngày cùng ăn, đêm cùng ngủ, mà có thể trọn chẳng có chuyện nam nữ tình dục, chẳng xáo trộn thiên lý, chẳng phải là kẻ trọn chẳng có nhân dục mà làm được ư? Tôi đem chuyện này ghi thêm vào An Sĩ Toàn Thư và Thọ Khang Bảo Giám. Hai cuốn sách ấy đã in hơn hai mươi vạn cuốn, nay lại ghi kèm [câu chuyện trên đây] vào cuốn sách này, hợp thành truyện trung hiếu tiết nghĩa để làm nhát kim đâm xuống đỉnh đầu những gã phế trừ luân lý, ngõ hầu căn bệnh đã lậm vào tạng phủ được mau lành, khôi phục chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, không làm các điều ác, vâng giữ những điều lành. Gia huấn của Lục Phóng Ông chú trọng nơi kiệm ước, trung hậu, khoan dung, phần dạy về tang chế quả thật là món thuốc mầu nhiệm để trị chứng bạc bẽo của thế tục, nên cũng in kèm vào sau sách để cùng được phổ biến lưu truyền, ắt những vị nhân từ, đầy đủ chánh tri chánh kiến, quan tâm đến thế đạo lòng người sẽ đề xướng lớn lao, khiến cho [mọi người] trở về với sự thuần chân, chất phác, khôi phục lại cõi đời hưng thịnh bình trị tột bậc!

[1] Dương Kế Thịnh (1516-1555), tự Trọng Phương, hiệu Tiêu Sơn, người Dung Thành, tỉnh Hà Bắc, làm quan nhà Minh nhằm thời Gia Tĩnh. Ông tánh tình thẳng thắn, cương nghị, không xu nịnh, làm quan đến chức Thị Lang bộ Binh. Khi quân Thát Đát (Tartar) xâm nhập biên giới cướp phá, Hàm Ninh Hầu Cừu Loan dâng sớ xin triều đình mở chợ buôn bán ngựa với bọn Thát Đát để xoa dịu quân cướp. Kế Thịnh dâng sớ đàn hặc, nhưng gian thần Nghiêm Tung bênh vực Cừu Loan, sàm tấu với vua, nên Kế Thịnh bị giáng chức làm Địch Đạo Điển Sứ. Sau đó, ông lại dâng sớ đàn hặc, xin vua tru diệt gian thần Nghiêm Tung, chỉ đích danh Nghiêm Tung phạm năm tội gian, mười đại tội. Nghiêm Tung bèn giả mạo thánh chỉ, tống giam Kế Thịnh vào ngục, phạt đánh một trăm trượng, cắt đứt gân cốt, bêu xác ngoài chợ. Lúc sắp chết, ông ung dung đọc thơ: “Hạo khí hoàn thái hư, đan tâm chiếu thiên cổ” (khí thiêng trả lại hư không, tấm lòng son sắt chiếu ngời ngàn năm). Mười hai năm sau, khi Minh Mục Tông lên ngôi, ông mới được minh oan, được phong thụy hiệu là Trung Mẫn.

[2] Theo sách Thọ Khang Bảo Giám, câu chuyện này như sau: Tần Chiêu là người đời Nguyên, quê ở Dương Châu, đến năm 20 tuổi lên kinh sư, lúc lên thuyền, bạn của ông ta là Đặng X… đem rượu tiễn chân. Hai người đang chén chú, chén anh, chợt một cô gái xinh đẹp bước tới. Họ Đặng bảo cô ta chào Tần Chiêu, rồi nói: “Cô gái này do tôi mua cho vị đại nhân nọ ở bộ kia làm thiếp, nhân tiện nhờ anh dẫn theo lên kinh”. Tần Chiêu ba bốn lần chối từ, họ Đặng nghiêm mặt bảo: “Sao anh cố chấp thế? Nếu anh không kiềm chế được, cô gái này liền thuộc về anh, chẳng qua chỉ có hai ngàn năm trăm đồng thôi mà”. Tần Chiêu bất đắc dĩ phải nhận lấy, đem theo. Khí trời đã nóng, muỗi mòng quá nhiều, cô gái khổ sở vì không có màn, Tần Chiêu đành phải cho cô ta nằm chung màn. Thuyền đi mấy chục ngày mới đến kinh đô. Họ Tần dẫn cô ta đến giao cho chủ nhân. Chủ nhân hỏi: “Anh có dẫn theo gia quyến hay không?” Tần Chiêu thưa: “Chỉ có một mình tôi!” Chủ nhân lộ vẻ khó chịu, nghi ngờ, nhưng do có thư giới thiệu của Đặng X… nên miễn cưỡng tiếp nhận. Đến tối, mới biết cô ta vẫn còn trong trắng, cảm thấy rất xấu hổ đã nghĩ oan cho Tần Chiêu, cấp tốc gởi thư cho họ Đặng biết chuyện, rồi đến xin lỗi Chiêu, nói: “Các hạ đúng là bậc quân tử thịnh đức”.