Đ a n g t i d l i u . . .

Lời tựa sách Học Phật Thiển Thuyết

Lời tựa sách Học Phật Thiển Thuyết

Lời tựa sách Học Phật Thiển Thuyết

(năm Dân Quốc 13 – 1924)

Phật pháp rộng sâu như biển cả, chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột nguồn đáy. Chín pháp giới kia dù thánh – phàm, lợi – độn khác nhau, ai nấy đều tùy theo khả năng của chính mình để tu tập hòng chứng nhập. Ví như Tu La, hương tượng[1] và muỗi mòng uống nước biển cả, mỗi loài uống no bụng rồi đi. Nếu muốn một hơi hút cạn hết, trừ phi là kẻ có dung lượng bằng biển cả mới làm được. Nếu không, chỉ có thể đích thân nếm vị nước biển, chưa dễ gì thấu tột nguồn đáy được! Nhưng Phật pháp chính là pháp sẵn có trong tâm của hết thảy chúng sanh, ngoài cái tâm của chúng sanh ra, trọn chẳng có pháp nào thêm vào được vì bản thể của tâm hết thảy chúng sanh và tâm Phật chẳng hai! Nhưng do mê muội chưa ngộ, bèn khởi Hoặc tạo nghiệp, theo nghiệp chịu khổ, đến nỗi trí huệ đức tướng sẵn có nơi cái tâm ấy bị phiền não, ác nghiệp che lấp giống như mây phủ kín mặt trăng, chẳng thấy được tướng sáng. Tuy chẳng thấy được tướng sáng, nhưng tướng sáng của mặt trăng vẫn tự thường chẳng biến đổi, trọn chẳng bị giảm suy. Do vậy, đức Như Lai khởi lòng Từ vô duyên, vận lòng Bi đồng thể, tùy thuận cơ nghi thuyết pháp. Tuy tùy theo căn cơ đặt ra Đại, Tiểu, Quyền, Thật, Thiên, Viên, Đốn, Tiệm, đủ mọi thứ sai khác, nhưng bổn ý của đức Phật không lúc nào chẳng nhằm làm cho hết thảy chúng sanh đều trái trần hiệp giác, bỏ mê về với ngộ, thoát khỏi sanh tử huyễn vọng, thành tựu Phật đạo vốn sẵn có mới thôi!

Do chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng chưa dễ gì tiêu trừ, nên Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật để hết thảy dù phàm hay thánh, dù ngu hay trí, đều cùng nương vào hoằng thệ nguyện lực của đức Di Đà vãng sanh Tây Phương hòng khôi phục tâm tánh sẵn có, thành vô thượng Bồ Đề dễ dàng. Từ khi Phật pháp được truyền vào Chấn Đán (Trung Hoa), hơn một ngàn tám trăm năm qua, phàm là bậc vua thánh, tôi hiền, vĩ nhân, danh sĩ, không ai chẳng tuân phụng lời Phật dặn dò mà hộ trì, lưu truyền, bởi lẽ Phật pháp tuy thuộc pháp xuất thế, nhưng tất cả đạo xử thế trong cõi đời đều được bao gồm chẳng sót. Phàm những gì Phật pháp đã nói về cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành đều chẳng khác gì với những điều thánh nhân thế gian đã nói. Thánh nhân thế gian chỉ dạy dỗ con người trọn hết tình nghĩa, trọn hết bổn phận, còn đức Phật dạy rõ báo ứng thiện – ác của việc trọn hết tình nghĩa, trọn hết bổn phận và không trọn hết tình nghĩa, không trọn hết bổn phận. Trọn hết tình nghĩa, trọn hết bổn phận thì chỉ có thể dạy bậc thượng trí; còn nếu là kẻ bẩm tánh ương bướng, kém cỏi, nếu không giả vờ làm, ắt sẽ chống trái. Nếu biết báo ứng thiện – ác thì muốn làm lành ắt sẽ gắng sức, muốn làm ác ắt chẳng dám làm. Đối với những pháp nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo do đức Như Lai đã nói, kẻ sâu sắc sẽ thấy là sâu sắc, kẻ nông cạn sẽ thấy là nông cạn. Dùng những pháp ấy để tu tâm sẽ có thể đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử. Dùng những pháp ấy để giữ yên cõi đời sẽ thắng được tàn bạo, bỏ được giết chóc, bỏ sự bạc ác trở thành thuần lương. Gần đây, thế đạo nhân tâm suy hãm đã đến cực điểm, đua nhau đề xướng cách thức mới, vứt bỏ đường lối cũ. Ngay như cả mối quan hệ cha – con, vợ – chồng họ còn muốn đạp đổ, huống chi những mối quan hệ nhỏ hơn ư?

Vì thế, thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống! Những người có tâm lo cho thế đạo muốn cứu vãn, đều khuyên khắp mọi người nghiên cứu Phật học, kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật, đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành, từ một truyền mười, từ mười truyền trăm, cho đến ngàn, đến vạn, không ai chẳng ngả theo chiều gió mong sao thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Đây quả thật là pháp luân căn bản để dứt đời loạn, vãn hồi vận nguy, uốn nắn thế đạo lòng người vậy. Đang trong thời này, nếu chẳng dùng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi để dạy dỗ, dù thánh hiền đều cùng xuất hiện trong cõi đời cũng chẳng biết phải làm như thế nào! Nếu chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để tu, dẫu là kẻ thiên tư cao thượng cũng khó lòng đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử!

Cư sĩ Vương Bác Khiêm túc căn sâu dầy, tâm cứu đời tha thiết, lại còn là chủ bút một tờ báo, nắm mấu chốt thao túng ngôn luận, muốn khiến cho mọi người cùng hàng đều cùng học Phật. Do kinh luận, trước thuật Phật giáo văn sâu nghĩa thẳm, dẫu là văn nhân sẵn đủ trí huệ nghiên cứu lâu ngày vẫn khó thể hiểu được mấu chốt để bước vào chỗ sâu thẳm, huống hồ ngu phu ngu phụ ư? Do vậy, ông ta đem những lý chính mình đã thấy soạn thành Học Phật Thiển Thuyết (những lời bàn nông cạn về sự học Phật) gồm hai mươi thiên, nhất loạt dùng những chữ nghĩa thông tục, nhưng những lời lẽ ấy vốn đều xuất phát từ kinh luận của Phật, Tổ, chẳng qua mượn lối văn đơn sơ, rõ ràng để trình bày, mong sao người nhã kẻ tục cùng xem, trí hay ngu đều thấu hiểu vậy! Do Quang hình tích tuy khác, nhưng chí đạo vốn đồng, [ông Bác Khiêm] đã trống lòng hỏi xuống[2], đem bản thảo gởi cho xem, lầm lạc cậy Quang giám định, sửa chữa để tiện lưu truyền. Do vậy bèn đọc kỹ càng, khôn ngăn hoan hỷ, bày tỏ nỗi lòng ngu độn để tỏ sự đồng ý. Nguyện khắp những người đọc đều sanh lòng tin, bao nhiêu lợi ích sẽ tự chứng biết.

***

[1] Hương tượng (Gandha-hastin) là một loài voi lớn thân có mùi thơm nồng gắt thường tỏa mùi rất hăng trong thời kỳ nó động dục. Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 30 chép: “Trong thời kỳ ấy, hương tượng rất mạnh, tánh chất cực hung bạo, khó thể chế ngự, sức của nó mạnh bằng mười con voi thường”. Vì loài voi này rất mạnh có thể vượt sông dễ dàng, nên kinh thường dùng hình ảnh “hương tượng độ hà” (voi thơm vượt sông) để chỉ bậc đại căn đại lực có thể dũng mãnh thoát dòng sanh tử.

[2] Nguyên văn là “hạ vấn”: Một cách nói khiêm tốn, ngụ ý chính mình ngu hèn, tối tăm, ý kiến không ra gì, hiểu biết thua xa người ta, nhưng người ta vẫn khoan dung, rộng lòng hỏi đến.