Lời tựa lưu thông cho bản in gộp chung hai sách Phật Tổ Tâm Đăng và Thiền Tịnh Song Úc

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Tâm đăng của Phật – Tổ thường luôn sáng ngời. Lý tột cùng Thiền -Tịnh tràn ngập pháp giới, ai nấy đều sẵn có, cần chi phải tán dương? Do vì kẻ chưa hiểu rõ mà phải ghi chú tỉ mỉ bên dưới! Kinh Phạm Võng dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”. Lại nói: “Ngươi là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành”. Trong kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát trông thấy tứ chúng đều lễ bái thưa: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật”. Trong hội Hoa Nghiêm, khi đức Như Lai thành Đẳng Chánh Giác, than rằng: “Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí sẽ được hiện tiền”. Do vậy biết chúng sanh về bản thể là Phật, nhưng vì mê muội nên chưa ngộ, hoặc ngộ nhưng chưa chứng, nên chẳng thể tránh khỏi vẫn là chúng sanh!

Pháp khiến cho họ được ngộ, không chi hơn tham Thiền, tức [tham cứu] điều thường được gọi là “thấy được bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra” nhằm dạy con người hướng về lúc trước khi dấy lên ý niệm để đích thân thấy được chủ nhân ông. Nếu có thể thấy triệt để thì gọi là Ngộ; nhưng phiền não chưa đoạn thì vẫn chẳng thể thoát khỏi luân hồi y như cũ! Nếu có thể đoạn hết sạch Phiền Hoặc thế gian thì mới vượt khỏi được ba cõi. Do vậy, biết rằng Chứng là chuyện lớn lao, chẳng dễ dàng gì! Vì thế, chẳng thể không nương vào tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để mong cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh! Suy nghĩ chín chắn nghĩa này, sẽ biết Như Lai đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ chẳng phải chỉ để tiếp dẫn riêng hạng hành nhân tầm thường mà thật ra còn nhằm bảo vệ những người đã có ngộ chứng trong Tông, trong Giáo, nhưng chưa đạt đến mức “phàm tình lẫn thánh kiến đều bất khả đắc”.

Phiền Hoặc hết sạch đương nhiên sẽ giải thoát. Người đã ngộ đã chứng nhưng chưa đạt đến mức cùng cực, nếu không có pháp môn Tịnh Độ che chở, nhiếp trì thì những hành nhân ấy lại phải thọ sanh, kẻ bị chìm đắm thì nhiều mà kẻ tấn tu thật ít! Cảm ân đức của Phật khiến con người khôn ngăn nghẹn ngào ứa lệ! Đại sư Liễu Nhiên túc căn sâu dầy, từ lúc mới xuất gia bèn dốc chí nơi Tông thừa, nhọc nhằn tận lực tham cứu, lãnh hội được chỗ chỉ quy. Do những bài kệ của Thất Phật[1] và ba mươi ba vị Tổ[2] của Tây Trúc, Đông Chấn (Trung Hoa) văn sâu nghĩa thẳm, thật khó thể lãnh hội, Sư bèn chú thích rõ ràng, thêm vào một vài câu chữ khiến ý nghĩa càng được sáng tỏ, bèn đặt tên là Phật Tổ Tâm Đăng.

Tiếp đó, Sư vân du các phương, nghiên cứu cùng tột kinh luận, mới biết pháp môn Tịnh Độ quả thật là biển pháp rất sâu để chư Phật, chư Tổ tự lợi, lợi người rốt ráo, hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp này, không pháp nào chẳng quy hoàn pháp này. Do vậy, sanh lòng tin chân thật, tận lực tu trì để mong được vãng sanh ngay trong đời này hòng thỏa ý nguyện ban đầu, lúc nhàn hạ bèn nêu tỏ những lý cốt yếu của Thiền và Tịnh, lời lẽ đích xác, thiết thực, khiến người khác tỉnh ngộ sâu xa, đặt tên Thiền Tịnh Song Úc (Thiền và Tịnh cùng ra công gắng sức).

Tuy đề xướng Thiền Tông, nhưng thật ra chú trọng Tịnh Độ ngõ hầu người đã ngộ chứng lẫn kẻ chưa ngộ chứng đều cùng được liễu thoát ngay trong đời này. Bạn của Sư là đại sư Đức Sâm muốn ấn hành lưu truyền, cậy tôi thẩm định và thuật những ý nghĩa cốt yếu; do vậy, bèn thâu tóm những ý nghĩa quan trọng để giãi bày. Điều đáng tiếc là văn tự lẫn ý nghĩa [của hai cuốn sách ấy] hơi sâu, kẻ sơ cơ thông thường chưa thể vừa đọc đã hiểu rõ được ngay, nhưng sách tiếp dẫn kẻ sơ cơ rất nhiều, nên điều này vẫn chưa phải là điều đáng ân hận vậy. Tuy thế, sách này cũng có thể khiến cho kẻ tham thiền nhưng chưa ngộ chứng sẽ có được đạo để hoàn tất ngay trong đời này, có ích cho kẻ tu Thiền lớn lắm. Nguyện những ai thấy nghe đều cùng sanh lòng tin tưởng.

***

[1] Thất Phật là Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật. Sáu vị trước đều là những vị Phật tại thế giới Sa Bà trong quá khứ. Những bài kệ truyền pháp của các vị Phật này được chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục.

[2] Ba mươi ba vị Tổ là những tổ sư nhà Thiền, theo truyền thống Thiền Tông Trung Hoa gồm 28 vị Tổ Ấn Độ và sáu vị tổ Trung Hoa (tổ Đạt Ma được kể là tổ 28 của Thiền Tông Ấn Độ, đồng thời là sơ tổ Thiền Tông Trung Hoa) gồm: 1) Ma Ha Ca Diếp 2) A Nan 3) Thương Na Hòa Tu 4) Ưu Ba Cúc Đa 5) Đề Đa Ca 6) Di Già Ca 7) Bà Tu Mật 8) Phật Đà Nan Đề 9) Phục Đà Mật Đa 10) Hiếp tôn giả (vị này do chưa bao giờ đặt lưng nằm xuống giường nên có tên như vậy) 11) Phú Na Dạ Xa 12) Mã Minh Bồ Tát 13) Ca Tỳ Ma La 14) Long Thọ Bồ Tát 15) Ca Na Đề Bà 16) La Hầu La Đa 17) Tăng Già Nan Đề 18) Già Da Xá Đa 19) Cưu Ma La Đa 20) Xà Dạ Đa 21) Bà Tu Bàn Đậu 22) Ma Noa La 23) Hạc Lặc Na 24) Sư Tử 25) Bà Xá Tư Đa 26) Bất Như Mật Đa 27) Bát Nhã Đa La 28) Bồ Đề Đạt Ma 29) Huệ Khả 30) Tăng Xán 31) Đạo Tín 32) Hoằng Nhẫn và 33) Huệ Năng.