Lời tựa quyên mộ lập hội Một Vạn Người Kết Duyên Cùng Sanh Tây Phương của chùa Kim Đài tại Đan Dương

Đức Đại Giác Thế Tôn thương xót chúng sanh mê trái tự tâm, luân hồi lục đạo trải kiếp lâu xa, không được cứu vớt, không chỗ quay về, chịu các thứ khổ sở, cay đắng không thể thoát khỏi. Do vậy, dấy lòng Vô Duyên Từ, vận lòng Đồng Thể Bi, thị hiện giáng sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội. Trong thời gian ấy, do tùy theo căn cơ mà lập giáo sai khác, do duyên mà pháp khác biệt. Đại, Tiểu, Thiên, Viên, Quyền, Thật, Đốn, Tiệm, thảy đều thuận theo cơ duyên khiến cho mỗi căn cơ đều được lợi ích. Nhưng trong số ấy, tìm lấy một pháp thích hợp cả ba căn, thâu tóm trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn, thực hiện dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà đạt hiệu quả nhanh chóng, chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà được dự vào Hải Hội, nhất định ra khỏi luân hồi ngay trong một đời này thì không gì thù thắng siêu tuyệt bằng “tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương!” Vì thế, các kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v… các vị đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền v.v… các vị đại tổ sư như Mã Minh, Long Thọ v.v… đều cùng cực lực tán thán, khuyên khắp hết thảy mọi người tu trì.

Tới khi đại giáo được truyền sang Đông, Viễn công đại sư ẩn cư tại Lô Sơn, sáng lập Liên Xã, hoằng dương, lưu truyền rộng rãi pháp này. Lúc kết xã lần đầu tiên, cao tăng, đại nho dự hội gồm một trăm hai mươi ba vị. Nếu tính suốt đời Ngài, trong ba mươi mấy năm, những người tham dự Liên Xã niệm danh hiệu Phật, được tiếp dẫn vãng sanh nhiều khôn kể xiết! Từ đấy về sau, đời nào cũng có cao nhân hoằng dương Liên tông, hướng dẫn làm lợi hàm thức. Trong thời hai vua Tống Thái Tông và Tống Chân Tông, pháp sư Tỉnh Thường trụ trì chùa Chiêu Khánh ở Tây Hồ, tỉnh Chiết Giang, hâm mộ di phong Lô Sơn, kết Tịnh Hạnh Liên Xã. Văn Chánh Công Vương Đán là người quy y đầu tiên, trở thành người xướng suất hướng dẫn. Phàm là những vị quan to, hạng quyền thế, học sĩ đại phu xưng là đệ tử dự vào liên xã cũng được một trăm hai mươi mấy vị. Hàng sa-môn lên đến mấy ngàn, còn thường dân khó lòng kể xiết.

Sau này có Lộ Công Văn Ngạn Bác làm quan trải bốn đời vua Nhân Tông, Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông [nhà Tống] ra vào làm quan, làm tướng năm mươi mấy năm, làm quan đến chức Thái Sư, được phong là Lộ Quốc Công, bình sinh dốc lòng tin tưởng Phật pháp. Tuổi già càng dốc sức hướng về đạo, chuyên tâm niệm Phật chưa từng lười nhác chút nào, cùng pháp sư Tịnh Nghiêm ở kinh đô lập hội mười vạn người cầu sanh Tịnh Độ. Trong thời ấy, đa số hàng sĩ đại phu được ông giáo hóa; ông thọ đến chín mươi hai tuổi, niệm Phật qua đời. Ông có làm một bài tụng như sau:

Tri quân đảm khí đại như thiên,

Nguyện kết Tây Phương thập vạn duyên,

Bất vị tự thân cầu kế hoạt,

Đại gia tề thượng độ đầu thuyền.

(Biết anh gan lớn bằng trời,

Tây Phương xin hãy kết mười vạn duyên,

Chẳng nhằm tính kế sống riêng,

Mọi người đều đã bước lên đầu thuyền)

Chùa Kim Đài là chốn thù thắng ở Đan Dương, là đạo tràng Tịnh Độ. Thoạt đầu là đạo quán[1], chính là chỗ Thầm Mẫu[2] đời Tấn tu luyện bay lên vậy. Đến đời Tống đổi tên thành Tiên Đài Quán. Từ đời Tống đến đời Thanh có lúc hưng, lúc suy khác nhau. Trong niên hiệu Hàm Phong, bị đốt trụi trong chiến tranh, trở thành khoảng đất trống. Đến giữa niên hiệu Đồng Trị, đại sư Bảo Lâm và bốn người cùng chí hướng vân du đến nơi đây bèn kết lều tranh để ở, dần dần lập Liên Xã, tiếp đãi người lui tới tu tập. Đến năm Quang Tự 23 (1897), xây dựng đại điện. Do vậy, điện đường, liêu xá mới hơi hoàn bị, kham làm nơi cho Tăng chúng an trụ tu hành. Tông chỉ của họ là chuyên tu Tịnh nghiệp cầu lên thượng phẩm, vì thế đặt tên chùa là Kim Đài (đài vàng).

Năm Dân Quốc thứ năm (1926) đặc biệt lập ra quy ước, vĩnh viễn biến chùa thành thập phương thường trụ, sai pháp đồ là Huệ Môn,Tâm An, Học Tài, Bồi Căn v.v… nối tiếp làm Trụ Trì. Học trò Sư là Phổ Đạo, sau khi xuất gia, tham yết khắp các danh sơn, đến tận Ấn Độ. Phàm những nơi thánh tích rành rành của đức Thích Ca đều đến lễ bái, gặp gỡ cao nhân thật nhiều. Lúc trở về thỉnh được một bức tượng Phật bằng ngọc, mấy viên chân thân xá-lợi của Như Lai, đáng gọi là “mộ đạo, trọng pháp”, chẳng sợ gian nan, cay đắng.

Trụ Trì hiện thời là Bồi Căn, muốn lập mấy gian Niệm Phật Đường để làm chỗ tinh tấn tu trì Tịnh nghiệp quanh năm. Lại lo chùa không có tài sản cố định, sau này sẽ khó lòng duy trì vĩnh viễn, cũng như muốn cho khắp những ai hữu duyên đều được thấm nhuần pháp lợi, thẹn chẳng có đạo phong như Lô Sơn, Chiêu Khánh, lại chẳng có sức của một vị thầy nghiêm túc như Lộ Công. Do vậy bèn châm chước, lập ra hội Một Vạn Người Kết Duyên. Phàm những ai gia nhập hội đều bỏ ra một đồng, dùng công đức của một vạn người để tậu hết ruộng đất, lấy hoa lợi thu được hằng năm để cung cấp chi phí cơm áo cho các vị sư niệm Phật, ngõ hầu có cái vốn để tu trì, hành đạo không bị trở ngại, suốt đời quy mạng, dốc lòng thành cho đến hết báo thân, thoát Sa Bà, sanh về Cực Lạc, vượt dòng phàm, dự vào hội thánh, đều do một vạn người thành tựu.

Chế ra một tấm bảng hình hoa sen ghi tên hết những người bỏ tiền ra, treo hai bên vách của Niệm Phật Đường để mong họ vĩnh viễn được hưởng Phật quang, thường nghe Phật hiệu. Do Phật lực, pháp lực, sức tu trì cầu nguyện khẩn thiết của chúng tăng mà trong đời hiện tại tội chướng sẽ ngầm tiêu, các duyên thuận thảo, thích hợp, sẽ hưởng năm điều phước như Cơ Tử đã luận, trọn đủ tam đa như người được sắc phong ở đất Hoa đã chúc tụng[3]. Lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, giã biệt tám sự khổ trong nhân gian, lìa năm thứ suy trong đường trời[4]. Từ đấy thường hầu Phật Di Đà, hằng dự vào hải chúng, nghe viên âm mau thấu hiểu tự tánh, thấy diệu cảnh triệt chứng duy tâm. Niềm vui ấy chẳng thể nào ví dụ được! Những người giúp cho kẻ khác được thành tựu bằng cách bỏ ra một bữa ăn của chính mình để giúp cho người khác thành tựu sẽ hưởng quả báo đến tận đời vị lai trọn chẳng có lúc nào hết. Có ai muốn siêu độ tiên vong và tự cầu vãng sanh thì xin hãy ghi phương danh, cùng đăng tên trên bảng sen.

***

[1] Đạo quán: Miếu thờ và đạo tràng tu tập của đạo sĩ, còn gọi là đạo viện.

[2] Thầm Mẫu tức Thầm Anh, là người nước Ngô thời Tam Quốc. Theo Thái Thượng Linh Bảo Tịnh Minh Tông Giáo Lục, Thầm Mẫu vốn là người xứ Hoàng Đường, quận Đan Dương, tu tiên, tóc bạc phơ, mặt như trẻ thơ, răng tóc không rụng, nên người đời gọi là Anh Mỗ (bà cụ già có vẻ mặt như trẻ con), dân gian liền đồn đại bà ta đã đắc đạo. Sách Thanh Vi Tiên Phổ ghi: “Thượng Thanh Nguyên Quân Tây Hóa Thánh Mẫu, còn có hiệu là Linh Bảo Tịnh Minh Hoàng Tố Thiên Tôn, chính là nữ chân nhân Thầm Mẫu vậy, được bậc cao tiên cõi trời Thượng Thanh truyền cho ba chương Thượng Minh Ngọc Thư, ngầm tu đạo mầu, cảm được ngọc phù (ấn bùa bằng ngọc), sanh lên cung Tây Hóa Tịnh Quang trên cõi trời”.

[3] Tam Đa là đa phước, đa thọ, đa tử (nhiều phước, lắm thọ, đông con cháu). Đây là một điển tích thường được biết đến bằng từ ngữ “Hoa phong tam chúc”. Điển tích này xuất phát từ đoạn văn sau đây trong thiên Thiên Địa sách Trang Tử: “Nghiêu quán vu Hoa, Hoa phong nhân đối: ‘Thỉnh chúc thánh nhân, sử thánh nhân phú, sử thánh nhân thủ thọ, sử thánh nhân đa nam tử” (Vua Nghiêu đến thăm đất Hoa, người được sắc phong ở đất Hoa thưa: ‘Xin chúc thánh nhân, mong cho thánh nhân giàu có, mong cho thánh nhân sống thọ, mong cho thánh nhân nhiều con trai).

[4] Ngũ suy: Năm tướng trạng hoặc dấu hiệu chứng tỏ một vị trời sắp hết tuổi thọ. Nếu nói chi tiết thì theo như Tăng Nhất A Hàm Kinh, quyển 24, có hai loại:

1) Đại Ngũ Suy Tướng gồm y phục dơ bẩn (y phục chư thiên luôn thơm sạch, sáng láng, lúc tuổi thọ sắp hết tự nhiên sanh dơ bẩn), hoa trên mão tự nhiên bị héo, dưới nách toát mồ hôi, thân thể bốc mùi hôi hám, chẳng còn ưa thích tòa ngồi của chính mình.

2) Tiểu Ngũ Suy Tướng: Tiếng nhạc không còn trỗi lên (do phước báo, cõi trời thường tấu âm nhạc, nhưng đến lúc một vị trời sắp hết thọ mạng, tự nhiên không còn nghe thấy tiếng nhạc), ánh sáng nơi thân bị tắt mất, nước tắm dính vào thân, sanh lòng tham đắm vào cảnh bên ngoài không buông bỏ được, mắt chớp lia lịa.