Lời tựa cho bộ Phóng Sanh Sát Sanh Hiện Báo Lục của tiên sinh Giang Thận Tu

Tiên sinh Giang Thận Tu là một bậc đại học giả đời Thanh trước kia, là bậc quân tử hiểu đạo, ẩn tu, ẩn dật ở Vụ Nguyên[1]. Ông bác học đa văn, không sách gì không đọc, với mỗi cuốn đều nắm được chỗ tinh vi, hiểu được cốt lõi sâu thẳm. Chỉ lấy việc giáo dục bậc anh tài làm vui, chẳng màng đến phú quý, danh lợi, hiển đạt. Năm lên sáu tuổi, vừa được đi học, mỗi ngày nhớ được mấy ngàn chữ. Cha thấy con mẫn tiệp lạ lùng, bèn đem toàn bộ Thập Tam Kinh Chú Sớ[2] dạy cho. Từ đấy, tiên sinh chuyên tâm nghiên cứu mấy mươi năm. Phàm những học thuật về kinh sử, tác phẩm của bách gia chư tử, thiên văn, địa lý, âm vận, phiên thiết[3], không gì chẳng dung hội quán thông. Ông bèn tự đặt trách nhiệm dùng trước thuật để nêu tỏ những nghĩa lý uẩn súc. Những trước tác của ông có đến gần hai mươi thứ, gần đến hai trăm quyển. Những trước thuật của quốc gia và danh nhân khi ấy đa số đều lấy trước tác của ông làm căn cứ. Đến năm Càn Long thứ 37 (1772), lúc đó tiên sinh đã qua đời 11 năm, quốc gia mở ra Tứ Khố Toàn Thư Quán[4], phàm những trước tác của tiên sinh được thâu nhập vào đó tổng cộng là mười ba loại, tức hơn một trăm năm mươi quyển. Ngoài ra, những tác phẩm không được thâu nhập thì được tóm lược nội dung chánh yếu ghi chép trong những sách khác, hoặc được sao chép lại rất nhiều, truyền cho nhau xem, đến nỗi có muốn bị thất lạc cũng chẳng được.

Ôi! Có thể nói tiên sinh là bậc người trời nghiên cứu, công chen tạo hóa vậy. Cùng lý tận tánh, là bậc anh kiệt trong loài người được dự vào hàng thánh vậy. Còn những người như Trịnh Khang Thành đời Hán, Châu Liêm Khê, Thiệu Khang Tiết đời Tống ư? Họ tuy là kẻ bác học đa văn trong cõi đời, nhưng chẳng bàn đến chuyện tận lực thực tiễn tu tập, chỉ lăm lăm dùng từ chương để tiến thân, nghe đến phong cách của tiên sinh há chẳng thẹn đến chết ư? Tiên sinh lại yêu tiếc sanh mạng loài vật, tin sâu nhân quả. Vì thế, đối với thiện báo của việc ăn chay phóng sanh, ác báo của chuyện sát sanh, ăn thịt, bèn ghi lại những gì ông được thấy nghe để khuyên đời. Hậu duệ của ông là cư sĩ Dịch Viên muốn đúc bản kẽm để lưu truyền rộng rãi, ngõ hầu vãn hồi sát kiếp, nhờ Quang viết lời tựa. Quang tâm như mặt lưng tấm gương, học vấn như nhìn vào tường vách, chỉ học đòi ngu phu ngu phụ thật thà niệm Phật, làm sao phát huy được diệu đạo khiến cho những kẻ câu nệ hư giả thấy thấu tột vầng mặt trời để từ đó phát sanh chánh tín đạt lợi ích thật sự cho được? Nhưng việc này liên quan đến kiếp vận, vì nghĩa chẳng thể tạ từ, miễn cưỡng viết lời tựa rằng:

Đại đức của trời đất gọi là Sanh, đại đạo của Như Lai gọi là Từ. Người và loài vật tuy khác, tâm tánh vốn đồng. Như Lai xem khắp tam thừa lục phàm đều như con một. Vì sao vậy? Do họ đều có đủ Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Hãy gác tam thừa lại đó, lục phàm là trời, người, A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, tuy cao – thấp khác hẳn nhau, khổ – vui khác biệt vời vợi, nhưng nói chung đều là chưa đoạn Hoặc nghiệp, chưa thoát sanh tử. Phước trời nếu hết ắt phải đọa xuống. Tội địa ngục nếu diệt, ắt phải sanh lên. Giống như bánh xe, xoay vần lên cao xuống thấp! Ta nay may được thân người, lẽ ra phải nên khéo léo lập cách để che chở, thương tiếc sanh mạng loài vật, thấu hiểu đức hiếu sanh của trời đất, toàn vẹn lòng nhân trắc ẩn trong tâm ta. Bởi lẽ các loài vật và ta cùng sống trong vòng trời đất, cùng được thiên địa sanh thành, dưỡng dục. Lại còn cùng biết tham sống, cùng biết sợ chết.

Người nhân đối với xương khô còn gom nhặt, đem chôn; đối với thảo mộc còn để mọc dài chẳng chặt, lẽ đâu chịu sướng thích bụng miệng mình, khiến cho các sanh vật sống trên đất dưới nước phải chịu nỗi khổ chặt xẻ, nấu nướng ư? Phải biết: Những loài vật ấy từ vô thỉ đến nay, cũng từng thuộc địa vị cao quý, oai quyền hiển hách, chẳng biết nhờ oai quyền để vun bồi đức. Trái lại, cậy vào oai quyền để tạo nghiệp! Rốt cục, ác nghiệp tụ tập như rừng, đọa trong dị loại: Miệng chẳng thể nói được, tâm không có trí khôn, thân không tài khéo, phải mắc vào nạn ấy. Tuy kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu về mặt Sự thì được, nhưng oán hận kết lại không thể không tạo thành ý niệm đời đời kiếp kiếp báo oán hay sao? Nếu con người chẳng nghĩ đến nỗi khổ bị giết chóc của loài vật, chẳng lẽ không sợ do oán nghiệp kết sâu, thường bị chúng nó giết lại hay sao? Lại chẳng sợ tàn hại loài vật của trời, trời sẽ đoạt phước thọ của chính mình ư? Con người chỉ muốn quyến thuộc đoàn tụ, thọ mạng dài lâu, thân tâm yên vui, các duyên như ý, chính ra phải nên phát tâm đại bi, hành nghiệp phóng sanh, khiến cho thiên địa quỷ thần đều thương xót tấm lòng thành thương yêu loài vật của ta thì những điều mong muốn như trên sẽ có thể đạt được.

Nếu cậy ta có tiền tài, ta có trí lực, bày đủ mọi cách để bắt giữ loài vật cho sướng khoái bụng miệng mình, chẳng đoái hoài nỗi đau của chúng, há còn có thể gọi là con người sánh cùng trời đất thành ba ngôi nữa ư? Nhưng ta cùng chúng nó cùng trong sanh tử, từ vô thỉ đến nay, mỗi một kẻ trong số đó đều là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của ta, ta cũng đều là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của mỗi một con vật ấy. Mỗi một kẻ ấy hoặc trong nhân gian, hoặc trong dị loại từng bị ta giết; ta cũng hoặc trong nhân gian, hoặc trong dị loại từng bị kẻ ấy giết, làm người thân kẻ oán, sanh ra nhau, giết hại lẫn nhau. Lặng im suy nghĩ, thẹn chẳng muốn sống nữa! Gấp gáp thay đổi, còn e quá chậm, lẽ nào vẫn cứ giẫm bước theo thói thường, vẫn chấp mê tình, cho là trời sanh ra dị loại vốn để làm thức ăn cho con người hay sao? Ta còn có đủ Hoặc nghiệp, cố nhiên không cách gì thoát ra ngoài luân hồi. Vạn nhất, tội của chúng đã hết, lại được sanh làm con người, thiện căn phát sanh, nghe pháp tu hành, đoạn Hoặc chứng Chân, được thành Phật đạo. Nếu ta đọa lạc, còn mong kẻ ấy rủ lòng Từ cứu giúp hòng thoát khổ được vui, đích thân chứng được Phật tánh. Há có nên cậy vào sức mạnh nhất thời để rồi bao kiếp không được cứu ư?

Xưa có vị cao tăng, cất chân không đạp trùng kiến, có người hỏi nguyên do, Ngài nói: “Ta và chúng cùng trong sanh tử, nếu chúng nó thành Phật trước, còn mong chúng rủ lòng Từ cứu ta. Sao dám khinh miệt chúng?” Do vậy biết: Phật thấy chúng sanh đều là Phật, còn chúng sanh thấy Phật đều là chúng sanh. Phật coi chúng sanh đều là Phật, nên lắm cách giáo hóa, chỉ dạy, đủ mọi cách chiết phục, nhiếp hóa. Dẫu cho kẻ hoàn toàn chẳng có tín tâm, cũng chẳng buông bỏ, khéo léo vận dụng phương tiện khiến kẻ ấy trồng thiện căn. Đợi khi nhân duyên đã đủ, sẽ tự nhiên phát sanh tăng trưởng, y giáo phụng hành. Chúng sanh thấy Phật đều là chúng sanh, nên nghe lời Phật chẳng sanh cảm kích; trái lại, còn dùng tri kiến tà vạy, sai lầm của chính mình để hủy báng nhiều lẽ. Thậm chí phá hủy chùa tháp, thiêu đốt kinh điển, cố kết bè đảng ma phá hoại thanh tu. Đến khi chánh trí hơi mở mang có thẹn hối cũng không kịp! Do vậy, bèn lại quy mạng Như Lai, hưng khởi sùng tín Phật pháp. Xưa nay đa phần đều như thế.

Phải biết: Cha mẹ đối với đứa con ngỗ nghịch còn sanh lòng bỏ bê, chứ Phật đối với những phường nghịch ác bất tín càng sanh lòng thương xót. Vì sao vậy? Thương chúng nó Hoặc nghiệp sâu nặng, đánh mất bổn tâm. Tuy hiện thời trái nghịch với Phật, nhưng thiên chân Phật tánh sẵn có vẫn chẳng mảy may bị mất, như tượng vàng trong khuôn cháy, như bảo châu trong áo rách, như gương Tần bị bụi phủ, như ngọc bích núi Kinh[5] còn chưa gọt dũa. Kẻ ngu chỉ thấy tướng trạng bề ngoài, chẳng biết nội dung, còn Phật bỏ tướng trạng bề ngoài, bàn đến nội dung, nên không một chúng sanh nào bị bỏ qua. Phật còn chẳng khinh chúng sanh, há chúng sanh có nên khinh chúng sanh chăng? Do vậy, đối với hết thảy những chúng sanh sống trên đất, dưới nước đều phải làm cho chúng được sống yên ổn, thường được bay, chạy, bơi lội trong môi trường sống của chúng, để loài nào loài nấy vui với thiên chân, đều hưởng hết tuổi trời. Như vậy thì những thứ thiện báo được nói trong sách này sẽ đạt được đủ cả. Người như thế, đối với loài vật còn chẳng muốn làm cho chúng nó chẳng được sống yên, huống chi đối với con người? Ắt sẽ thân ái đối với nhau, nâng đỡ lẫn nhau, tự nhiên phong tục tốt đẹp, con người hòa thuận, ắt cảm được mưa thuận gió hòa, lẽ đâu muôn vật chẳng đông đảo, dân sung sướng, thời thế yên lành, đất nước thái bình ư? Lại mong những người cùng hàng với tôi chớ nên tự khinh, hãy nghĩ ta có cùng một tâm tánh với Như Lai; vì sao Ngài Hoặc nghiệp hết sạch, phước huệ viên mãn, an trụ Tịch Quang, thường hưởng pháp lạc? Vì sao ta khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, luân hồi lục đạo, chẳng có cách gì thoát lìa vậy? Tâm tánh là một, khổ – vui một trời một vực. Nếu nhường cho một mình đức Như Lai thọ dụng công đức của Phật tánh thì có còn được gọi là đại trượng phu nữa hay chăng?

***

[1] Huyện Vụ Nguyên thuộc tỉnh An Huy.

[2] Thập Tam Kinh là mười ba bộ sách trọng yếu của Nho Giáo, tức kinh Dịch, kinh Thư, kinh Thi, Châu Lễ, Nghi Lễ, Lễ Ký, Tả Truyện, Công Dương Truyện, Cốc Lương Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, Nhĩ Nhã và Mạnh Tử.

[3] Phiên thiết: Một lối phiên âm chữ Hán, dùng hai chữ để ghép lại. Chữ thứ nhất diễn tả phụ âm, chữ thứ hai hình dung âm vận. Các từ điển cũ, chẳng hạn như từ điển Khang Hy, thường dùng lối này để mô tả âm đọc, chua thêm một chữ đơn giản nhiều người biết cách đọc để hình dung thanh âm. Chẳng hạn chữ Diễn 演được từ điển Khang Hy phiên là Dĩ thiển thiết, âm Diễn (以淺切,音衍). Như vậy âm đọc là D + iển, nhưng do hiệp vận với chữ Diễn nên phải đọc thành Diễn. Theo các nhà nghiên cứu, cách phiên thiết này mô phỏng lối ghép chữ cái để ghi âm của tiếng Phạn.

[4] Tứ Khố Toàn Thư là một bộ sách tập thành vĩ đại nhất những tác phẩm đặc sắc nhất trong lịch sử học thuật Trung Quốc, được biên soạn kể từ năm Càn Long 38 (1773), phải mất 9 năm ròng rã mới hoàn thành. Tất cả gồm 3.503 tác phẩm, chia thành 36.304 quyển, gần 320 loại, ước tính đến 800.000 chữ, bao gồm những tác phẩm từ thời Tiên Tần (trước đời Tần Thủy Hoàng) cho đến trước thời Càn Long. Toàn tập được chia thành bốn bộ phận lớn là Kinh, Sử, Tử, Tập (do vậy gọi là Tứ Khố). Ngoài những tác phẩm kinh điển của Nho Gia như Tứ Thư, Ngũ Kinh, còn có những tài liệu vô cùng giá trị như Tư Trị Thông Giám, Thủy Kinh Chú, Quốc Ngữ, Bản Thảo Cương Mục, kể cả những tác phẩm của Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ và các nhà truyền giáo Âu Châu cũng được thu thập. Công việc biên soạn được giao cho một cơ quan mệnh danh là Tứ Khố Toàn Thư Quán, vua sai hoàng tử thứ 15 là Vĩnh Dung làm Tổng Giám Tu, sai quận chúa Vu Mẫn Trung làm Tổng Tài, sai các đại học sĩ, thượng thư, thị lang thuộc sáu bộ làm phó tổng tài. Các học giả nổi tiếng thời ấy như Lục Tích Hùng, Tôn Sĩ Nghị, Đới Chấn, Châu Vĩnh Niên v.v… đều tham gia biên soạn. Số người tham dự chánh thức lên đến 3.600 người, nhân viên sao chép lên đến 3.800 người. Điểm đặc sắc của Tứ Khố Toàn Thư là bao gồm toàn bộ những tác phẩm trọng yếu trong bộ Vĩnh Lạc Đại Điển của thời Minh. Sau khi hoàn thành, sách được chép thành bảy bộ, chia ra cất giữ ở bảy nơi như Văn Uyên Các trong Tử Cấm Thành, Văn Nguyên Các thuộc vườn Viên Minh, Văn Sóc Các thuộc Cố Cung Phụng Thiên, Văn Tông Các thuộc chùa Kim Sơn ở Trấn Giang v.v… Năm Càn Long 52 (1781), vua đọc bộ này, phát hiện có những tác phẩm chê bai Thanh triều, bèn ra lệnh tái thẩm tra Tứ Khố Toàn Thư, bỏ đi 11 bộ sách trong ấy. Năm Gia Khánh thứ 8 (1803), Kỷ Hiểu Lam lại vâng lệnh nhuận sắc, bổ túc sai sót, tạo thành bản hoàn chỉnh. Khi liên quân Anh Pháp tấn công Bắc Kinh năm 1860, vườn Viên Minh bị đốt trụi. Loạn quân Thái Bình Thiên Quốc lại đốt cháy gác Văn Tông, Văn Hội ở Hoa Nam. Như vậy, ba bộ Tứ Khố Toàn Thư bị thiêu hủy. Ngày nay chỉ còn được ba bộ hiện đang lưu giữ tại Đài Bắc Cố Cung Bác Vật Viện (viện Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc), nhưng chỉ có một bộ hoàn chỉnh (theo Wikipedia).

[5] Gương Tần: Tương truyền Tần Thủy Hoàng có một tấm gương báu có thể soi thấu ngũ tạng lục phủ của con người, biết rõ người ấy tà hay chánh. Còn ngọc bích núi Kinh chỉ viên ngọc Biện Hòa. Thời Chiến Quốc, Biện Hòa tìm được tảng đá có ngọc từ Kinh Sơn, đem dâng cho vua, nhưng không ai tin tảng đá xù xì ấy có ngọc. Vua cho là khinh quân, truyền chặt một chân. Vẫn cố dâng, bị chặt nốt chân kia. Biện Hòa ôm tảng đá khóc ngoài đồng, có người thương tình tâu lên vua. Vua truyền phá đá, quả nhiên tìm được viên ngọc quý báu vô song. Tương truyền, viên ngọc này về sau được dùng làm ngọc tỷ (ấn ngọc) truyền quốc của Tần Thủy Hoàng.