Lời tựa cho Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã Lưu Thông Bộ (bộ phận phát hành kinh sách của Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã)

Phật pháp là đèn đuốc cho đêm dài vô minh, là thuyền bè trong biển khổ sanh tử. Giữ thân, xử thế, mong thành thánh, thành hiền, cùng lý, tận tánh, liễu sanh thoát tử, không gì chẳng được [Phật pháp] giúp cho thành tựu từ đầu cho đến cuối. Ấy là vì đức Như Lai thuyết pháp tùy thuận căn cơ của chúng sanh. Đối với kẻ căn cơ nông cạn thì Ngài dạy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thâm nhập sâu dần ắt sẽ có thể đạt đến mức tam nghiệp thanh tịnh, nhất tâm viên minh. Đối với kẻ căn cơ sâu thì Ngài liền giảng diệu lý tâm tánh khiến cho họ lập tức ngộ nhập, nhưng công phu tu trì vẫn chẳng rời những chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận v.v… Đấy gọi là: “Pháp không cạn – sâu. Cạn hay sâu do người. Người căn tánh viên đốn nhận lãnh pháp thì không pháp nào chẳng viên”.

Những kẻ chỉ chú trọng bàn nói điều huyền lẽ diệu, miệt thị sự tướng nhân quả và pháp môn Niệm Phật đều là vì chưa thể thấu hiểu cặn kẽ: Đức Như Lai chứng đắc triệt để tâm tánh, thành Bồ Đề đạo đều do trải bao kiếp tu các điều lành, tích công lũy đức mà ra! Muốn chứng tâm tánh để thành giác đạo, nếu chẳng thực hiện từ “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” thì có khác nào chim không cánh lại muốn bay, cây không rễ lại muốn xum xuê đó ư?

Quang lạm dự vào Tăng chúng đã năm mươi năm, chẳng có ích gì thế gian lẫn xuất thế gian, thường nghĩ thế đạo, nhân tâm ngày càng đi xuống, tính lưu thông thiện thư và những sách Phật đơn giản, gần gũi để mong vãn hồi. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), bèn khắc in An Sĩ Toàn Thư. Sách này dựa ngay trên nhân quả trong thế gian để làm sáng tỏ chân lý của đạo Nho, đạo Thích. Người trí đọc đến sẽ lên thẳng bờ giác, kẻ ngu xem tới cũng thoát đường mê. Đến năm Dân Quốc thứ mười (1921), có người bạn khuyên nên in theo dạng rút nhỏ để lưu truyền khắp cả nước; nhưng do người hèn kém, đức mỏng manh, chỉ quyên mộ in được năm sáu vạn bộ. Sau đấy lại có người tiếp tục in ra, cũng được năm sáu vạn bộ. Ấn Quang Văn Sao cũng in mấy vạn.

Ngoài ra những loại sách chỉ có một cuốn thì cũng có tới mười mấy thứ tùy duyên in ra để biếu tặng. Cuốn Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú của ông Hoàng Hàm Chi đã in mấy vạn bản. Tâm Kinh và Triêu Mộ Công Khóa Bạch Thoại Chú (chú giải khóa tụng sáng tối bằng thể văn Bạch Thoại) cũng là những sách được người học Phật thích xem. Cuốn Quán Âm Bổn Tích Tụng của Hứa Chỉ Tịnh đã in được tám vạn bản. Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ đã in sáu vạn bản. Về sau này, bộ sách này sẽ được in ra đến mấy chục trăm vạn bản, quả thật là một bộ sách sẽ tạo căn cứ lớn lao cho sự vãn hồi thế đạo nhân tâm. Các loại sách ấy đều có lưu lại Chỉ Bản, hoặc hai ba bốn bức khác nhau, để mong sau này sẽ được tiếp tục in. Quang già rồi, muốn diệt tung tích, ẩn náu lâu dài để đợi lúc lâm chung, nhưng các vị Vương Nhất Đình, Thí Tỉnh Chi, Nhiếp Vân Đài, Trầm Tinh Thúc, Quan Quýnh Chi, Hoàng Hàm Chi v.v… và thầy Minh Đạo bàn định thiết lập Lưu Thông Bộ trong Tịnh Nghiệp Xã, cử một hai vị chân tâm thật hạnh, tự lợi, lợi tha để lo liệu chuyện ấn hành, biếu tặng v.v… thì kinh sách sẽ được cuồn cuộn nối tiếp lưu thông không ngớt.

Trừ những loại sách này ra, nếu có những sách nào hợp căn cơ ích lợi cho cõi đời cũng sẽ sắp chữ, ấn loát, lưu thông, chỉ không chấp nhận những thứ sách thâu thập tràn lan, tà – chánh xen tạp v.v… đến nỗi hoại loạn Phật pháp, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, ngõ hầu hết thảy những người cùng hàng trong hiện tại và vị lai đều cùng mở mang chánh kiến, đều cùng gội ân Phật. Từ đấy biết nhân quả, cẩn thận đối với tội – phước, dứt cạnh tranh, đề cao lễ nghĩa, nhân nhượng, thay đổi phong tục, cõi đời sẽ lại được giống như thuở Đường Ngu, vật sung túc, dân bình yên, tự cùng hưởng thái bình nào có khó chi?