Lời tựa lưu thông sách Lịch Triều Danh Họa Quán Âm Thánh Tượng Kha La Bản Ấn
(năm Dân Quốc 27 – 1938)
Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật đã lâu trong vô lượng kiếp trước, hiệu là Chánh Pháp Minh, an trụ trong Tịch Quang Tịnh Độ, thường hưởng pháp lạc chân thường, nhưng do Bi tâm vô tận, Từ thệ chẳng cùng, lòng cứu khổ ân cần, niệm độ sanh tha thiết, nên lại chẳng lìa Tịch Quang, hiện hình trong chín giới. Trong các cõi Phật nhiều như số vi trần trong mười phương, hiện khắp các sắc thân, tầm thanh cứu khổ; nhưng đối với thế giới Sa Bà, càng thương xót sâu đậm hơn. Có những kẻ nào thiện căn chưa gieo, chưa chín muồi, chưa độ thoát, liền dạy họ gieo, khiến cho chín muồi, khiến cho độ thoát, nên dùng thân nào để độ được, bèn hiện thân ấy thuyết pháp. Những thân đã hiện, những pháp Ngài đã nói mỗi mỗi tùy thuận cơ nghi, trọn chẳng nhất định, nhưng hiện tiền được lìa mọi khổ, tương lai thường hưởng chân lạc thì đều giống hệt. Nhiều năm gần đây, thế đạo nhân tâm càng ngày càng đi xuống, giành đất, tranh thành, tàn sát lẫn nhau, nhân họa đã khốc liệt, thiên tai lại xảy đến, lũ lụt, hạn hán, sâu rầy, ôn dịch cùng lúc giáng xuống. Những tai họa ấy đều do những ác nghiệp của mọi người trong đời trước hoặc đời này chiêu cảm.
Nhưng tâm đã tạo được nghiệp thì tâm sẽ chuyển được nghiệp. Đang trong lúc thiên tai nhân họa đồng thời xảy ra này, nếu có thể phát tâm chí thành, niệm thánh hiệu “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, thệ nguyện từ nay trở đi giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì chắc chắn sẽ được Ngài rủ lòng từ che chở, gặp dữ hóa lành, trong các hoạn nạn chẳng bị nguy hiểm, ấy là dùng biệt nghiệp niệm thánh hiệu Bồ Tát trong hiện tại để chuyển Cộng Nghiệp[1] đã tạo trong đời trước hoặc đời này. Vì thế thường được tốt lành. Chư Phật, Bồ Tát coi hết thảy chúng sanh trong lục đạo như con ruột, thường muốn cho họ được lìa khổ hưởng vui. Hiềm rằng chúng sanh mê muội chẳng sanh lòng tin tưởng, đến nỗi uổng phí Từ tâm, chẳng thể được lợi ích. Ví như mặt trời rạng rỡ giữa trời chiếu khắp muôn phương, kẻ đội chậu dù có đứng ngay dưới đó cũng chẳng được chiếu. Lỗi do đội chậu, chứ mặt trời đâu có lỗi!
Gần đây sát kiếp ngập tràn, nhân dân tử vong, lưu lạc, tan tác, khổ chẳng nói nổi! Cư sĩ Phí Huệ Mậu ở Nam Thông muốn bày cách cứu vãn từ lâu, nên đặc biệt sưu tầm những thánh tượng Quán Thế Âm do những nhà danh họa thuộc năm triều Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã vẽ, được một trăm bốn mươi hai bức, dùng loại giấy Tuyên[2] tốt nhất, in theo lối Kha La Bản[3] một ngàn bộ, ngõ hầu người thấy nghe đều cùng sanh chánh tín, cùng niệm thánh hiệu, cùng tiêu trừ ác nghiệp trong đời trước và đời này, cùng gieo thiện căn Bồ Đề.
Phải biết: Bồ Tát vô tâm, lấy tâm của chúng sanh làm tâm, Bồ Tát không cảnh, lấy cảnh của chúng sanh làm cảnh, vì thế hễ cảm liền thông, chẳng phải suy nghĩ để ứng. Ấy là vì bản thể của tâm chúng sanh và bản thể của tâm Bồ Tát tương thông khít khao, do chúng sanh trái giác hiệp trần nên thành ra hiện tượng “tuy thông mà chẳng thông”. Nếu chúng sanh một niệm sanh lòng tin, kiền thành trì thánh hiệu, trái trần hiệp giác, bỏ mê về với ngộ, sẽ lại biến thành hiện tượng “chẳng thông mà thông”. Vì thế, hễ gặp phải hiểm nạn cực lớn, vừa niệm liền được cảm ứng. Lại nữa, Bồ Tát hiện thân chẳng chuyên hiện thân hữu tình. Ngay như núi, sông, cây cối, cầu, bến, thuyền, bè, lầu, đài, nhà cửa, tường, vách, thôn, xóm cũng đều tùy cơ mà hiện, ắt đều khiến cho kẻ đã lâm vào tuyệt địa lại gặp đường thông, không chỗ trốn tránh lại được nơi che đậy lớn lao. Đủ mọi loại cứu vớt, che chở, khó thể tuyên nói trọn!
Hãy nên đọc Quán Âm Bổn Tích Tụng, Quán Âm Linh Cảm Lục, Quán Âm Từ Lâm Tập sẽ biết được đại lược. Đang trong lúc thiên tai, nhân họa liên tiếp giáng xuống này, nếu chẳng sửa ác tu lành, thường niệm thánh hiệu Quán Âm để được nương cậy thì muốn được yên vui sẽ là chuyện khó khăn nhất trong mọi điều khó! Dẫu hoàn toàn chẳng có tai nạn gì, cũng nên thường niệm, ngõ hầu sống sẽ hưởng Ngũ Phước, dự vào địa vị Thánh Hiền cao cả, thác sẽ lên chín phẩm, triệt chứng tâm Đại Giác. Người làm được như thế thì mới an ủi được tâm Bồ Tát cứu khổ. Do Bồ Tát phổ thí vô úy (ban cho khắp tất cả mọi loài sự không sợ hãi) nên [chúng sanh được] viên mãn Bồ Đề rồi thì tâm đại từ bi thí vô úy [của Bồ Tát] mới thôi! Kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có chúng sanh nhiều dâm dục, nóng giận, ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục, lìa sân, lìa si”. Nguyện người thấy nghe đều thường niệm!
***
[1] Biệt Nghiệp (Āvenika-karma) còn gọi là Bất Cộng nghiệp là những người thiện ác do mỗi cá nhân chiêu cảm, còn Cộng Nghiệp (Venika-karma) những nghiệp do mình lẫn người đều phải gánh chịu. Nói cách khác, Cộng Nghiệp là những nghiệp chung mà một tập thể, một đoàn thể, một thành phố, một quốc gia, một dân tộc, nói rộng ra là cả thế giới phải gánh chịu, do trong đời trước đã gây tạo những nghiệp giống nhau nên nay sanh cùng một chỗ, gánh chịu những quả báo do nghiệp thiện hay ác đời trước kết thành. Nhưng trong đó, mỗi cá nhân do nghiệp riêng của chính mình mà cảm thụ sắc thân, thọ mạng, tướng mạo, tài sản, tài năng, bệnh tật, tai ương v.v… khác biệt. Đấy chính là Biệt Nghiệp.
[2] Tuyên chỉ (giấy Tuyên) là một loại giấy nổi tiếng chuyên dùng trong hội họa cổ của Trung Quốc. Đây là một sản phẩm đặc thù của huyện Kính tỉnh An Huy, có những tính chất rất quý như không giòn gẫy khi để lâu ngày, giữ được màu sắc không phai, và không dễ bị hoen ố bởi thời tiết. Đến thời Tống, các xứ Huy Châu, Trì Châu, Tuyên Châu v.v… đều chế được loại giấy này. Do trong thời ấy, những vùng này đều thuộc về Tuyên Châu Phủ nên loại giấy này được gọi chung là Tuyên Chỉ (giấy Tuyên). Giấy này được chế bằng vỏ cây Thanh Đàn, pha lẫn với loại cỏ có tên là Thủy Đạo. Từ đời Tống – Nguyên trở đi, bột giấy còn được pha thêm các loại gỗ dó, dâu, tre, hay đay để tạo thành các loại giấy Tuyên khác nhau nhằm tạo hiệu quả sống động cao nhất cho tranh vẽ.
[3] Kha La Bản là phiên âm của chữ Collotype, là một lối in tranh rất thịnh hành trước khi có kỹ thuật in Offset Lithography. Cách in này cho ra những bản in đẹp và tinh xảo không kém những bản in được khắc trực tiếp trên bản kim loại. Để in, người ta phải chế tác bản in bằng thủy tinh hay kim loại, phủ lên tấm kính một lớp gelatine để khô, rồi phủ lên một lớp mực bằng chất gelatine có pha muối Chrome. Sau đó đem rửa qua bằng nước lạnh ở nhiệt độ 16°C. Bản in sửa soạn xong, được dùng làm âm bản chụp tranh vẽ muốn in. Sau khi chụp xong, lại đem rửa bằng nước lạnh rồi để khô trong chỗ mát khoảng 24 tiếng đồng hồ. Khi in, giấy in loại tốt và mịn được trải trên bản in nói trên rồi ép cho chất bột màu từ bản in dính vào giấy in. Do vậy, cách in này rất tốn công và mắc tiền, nhưng đẹp và sắc sảo hơn in theo lối thạch bản rất nhiều.