Lời tựa cho tác phẩm Kỷ Văn Đạt Công Bút Ký Trích Yếu (Trích yếu bút ký của ông Kỷ Quân)

Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Nếu chẳng đề xướng nhân quả thì thiện chẳng có gì để khuyên, ác không có gì để phạt. Chỉ có bậc đại hiền mới có thể giữ phận tuân đạo, những kẻ khác ai có thể cam lòng chẳng phóng túng tình ý cho sướng khoái một đời ư? Do đã không có “nhân trước, quả sau” thì hễ chết đi sẽ vĩnh viễn diệt mất, Nghiêu hay Kiệt đều chết hết sạch, sao lại không dây tự buộc, khư khư theo lễ giữ phận để đến nỗi mọi việc đều chẳng được tự tại ư? Trong kinh sử Nho Giáo, sự lý nhân quả nhiều không xiết kể! Tiếc rằng những nhà Nho sau này chẳng chịu suy xét sâu xa, thường thấy kinh Phật nói đến nhân quả tường tận, bèn muốn [ra vẻ] khác biệt với tông chỉ nhà Phật, ngược ngạo bảo những gì đức Phật đã nói đều là hư vọng, chẳng biết là đã trái nghịch thánh đạo, diệt thiên lý, chôn vùi cái gốc bình trị, hưng khởi đầu mối loạn lạc, gây nghi ngờ, lầm lạc cho người đời sau, chôn vùi đạo thể, [những chuyện ấy] đều là do những lời lẽ này tạo ra nền tảng vậy, chẳng đáng buồn ư?

Từ khi có nhà Thanh đến nay, trong số những người bác học đa văn thì tiên sinh Giang Thận Tu là bậc nhất. Tiếp đó là ông Kỷ Văn Đạt [1], rồi đến ông Viên Tử Tài. Họ Giang là bậc quân tử ẩn dật cùng lý tận tánh, tuy chưa nghiên cứu Phật học, nhưng đối với Phật pháp cũng chẳng bài bác, lại còn tin sâu nhân quả báo ứng. Vì thế, đối với những quả báo do bảo vệ sanh mạng hay sát sanh, ông đều ghi chép hết để mong khơi gợi thiện niệm, dứt cơ duyên giết chóc. [Từ những điều này] có thể biết được cách suy nghĩ của ông ta. Viên Tử Tài thoạt đầu báng Phật, nhưng từ tuổi trung niên trở đi, do lịch duyệt ngày càng sâu, liền sanh lòng chân tín đối với Phật pháp. Chỉ vì cuồng vọng tự đại, lười nhác, biếng trễ, không chịu thân cận cao nhân, lắng lòng nghiên cứu, tuy những sự tích cảm ứng trong Phật pháp ông ta đều sao chép, nhưng những gì ông ta bàn luận khó thể hợp lý, thích đáng được! Ông Kỷ Văn Đạt từ bé đến già dốc lòng tin tưởng nhân quả, hễ được thấy nghe những sự tích nhân quả nào đều ghi chép hết, trình bày cặn kẽ, sáng sủa, văn bút thông suốt. Do ông ta hoàn toàn chưa từng nghiên cứu Phật pháp nhưng cứ thường muốn bàn bạc thông suốt lý sâu nên có khi bị mâu thuẫn thật nghĩa.

Phật nói “thế trí biện thông, khó thể nhập đạo”, ba ông Giang, Kỷ, Viên học rộng mà vẫn chẳng biết “Phật pháp chính là tâm pháp nơi chính mình” để rồi chuyên tinh nghiên cứu, hòng đích thân chứng được, chẳng đáng tiếc quá ư? Nếu họ bỏ chút thời gian rảnh rỗi, nghiên cứu đại lược, lẽ đâu chẳng phát đại Bồ Đề tâm, chuyên tinh dốc sức, hoằng dương đại pháp để mong ta lẫn người đều cùng thoát khổ luân, đều cùng thành giác đạo, lẽ nào chỉ ghi chép sự tích nhân quả để mở ra một con đường hướng thiện cho người đời mà thôi! Nhưng những sao chép ấy thật sự có lợi ích lớn lao. Vì thế, cư sĩ Trần Địch Châu trích lục một trăm thiên từ bộ Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký[2], tính in ra để phổ biến lưu thông hòng làm tấm gương xét soi cho những kẻ không biết nhân quả trong cõi đời.

Nhân quả giống như bóng theo hình, tiếng vọng đi theo âm thanh. Chưa hề có hình mà không có bóng, có âm thanh mà chẳng có tiếng vọng vậy. Vì thế, kinh Thư nói: “Huệ địch cát, tùng nghịch hung, duy ảnh hưởng”. (Thuận theo đạo lý thì tốt, trái nghịch thì xấu, giống như bóng theo hình, như tiếng vọng đi theo âm thanh vậy). Những kẻ bàn chuyện cao xa, cho nhân quả là hư huyễn, khác gì chấp rằng “mẹ quyết chẳng thể sanh được con, con quyết chẳng phải do mẹ sanh ra” ư? Trong đời nếu có kẻ như vậy, ắt bị người ta coi là điên khùng! Rất lạ là nhà Nho đọc sách thánh hiền, chẳng lấy ngôn luận của thánh hiền làm chuẩn, chẳng lấy sự thật xưa nay làm chuẩn, cứ lấy sự thiên chấp, cái nhìn lầm lạc của chính mình làm chuẩn! Một người xướng, mọi người hùa theo, kẻ mù dẫn lũ đui kéo nhau vào lửa, đến nỗi thế đạo nhân tâm ngày một đi xuống, đến nỗi phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, không hổ thẹn, giành đất, tranh thành, tàn sát lẫn nhau mà vẫn nhơn nhơn tự đắc, cho là ta chú trọng quay về đại đạo, chẳng bắt chước bọn hủ bại đời trước cứ luôn luôn câu nệ, trói buộc, khiến cho con người suốt đời chẳng thể tùy ý làm được gì, [nay] ai nấy đều được tự tại! Từ nay trở đi chúng ta cùng được hưởng hạnh phúc, tự do, nghĩ đến điều gì đều làm được cả! Cõi đời may sao có bọn ta cải cách, con người may sao được sống cùng thời bọn ta! Tà thuyết như vậy đều do những kẻ bài xích nhân quả ươm thành!

Nếu như lý nhân quả được nhà nhà khuyên dạy, giảng giải, cha mẹ dùng đó để dạy con cái, sư trưởng dùng đó để giáo huấn học trò thì có ai chịu diệt lý, rối luân thường, hiện dáng vẻ xấu xí trước gương sáng nữa ư? Chỉ vì bậc đại Nho trong cõi đời thường hay bài xích, kẻ tiểu Nho dẫu biết là sai mười mươi đi nữa, cũng chỉ đành người ta nói sao ta cũng ừ vậy, để khỏi bị mọi người chõ miệng chê bai, khích bác! Nơi trường học đã như vậy thì trong gia đình càng không có lý do gì để bàn đến. Rốt cuộc đến nỗi những kẻ theo tân học hoàn toàn vứt bỏ nhân luân, diệt thiên lý, muốn cho [con người] hoàn toàn chẳng khác gì cầm thú! Mối họa ấy chẳng quy vào những kẻ bài xích nhân quả thì còn quy vào ai đây? Lành thay lời nói của tiên sinh Châu An Sĩ: “Người người đều biết nhân quả, đấy là đạo để bình trị lớn lao; ai ai cũng chẳng biết nhân quả, đấy là con đường đưa đến đại loạn”. Tôi thường thương cõi đời rối ren, nhưng không sức cứu vãn, do lời thỉnh của Trần cư sĩ bèn trình bày đại lược cội nguồn lợi – hại như thế đó.

***

[1] Văn Đạt là thụy hiệu của Kỷ Quân, tên tự là Kỷ Hiểu Lam. Ông Kỷ là người giữ nhiệm vụ Tổng Toản Tu (Tổng Biên Tập) bộ sách đồ sộ Tứ Khố Toàn Thư thời Càn Long.

[2] Duyệt Vi Thảo Đường chính là tên gọi một tòa biệt thự của Kỷ Quân tại Bắc Kinh. Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký là một tác phẩm mang tính tổng hợp những chuyện truyền kỳ thời ấy. Ông Kỷ đã biên soạn tác phẩm này từ năm Càn Long 54 (1789) đến năm Gia Khánh thứ 3 (1798). Ngoài những chuyện về nhân quả báo ứng, khuyến thiện trừng ác, còn có những chuyện hồ ly, thần tiên v.v… và cả những chuyện lạ lùng do chính tác giả đích thân chứng kiến. Xuyên qua những câu chuyện ấy, tác giả dí dỏm đả kích thói hư ngụy giả nhân giả nghĩa của bọn Tống Nho, thói mê tín của người đương thời cũng như kín đáo đả kích pháp luật hà khắc dưới đời Càn Long. Tác phẩm này khá đồ sộ, gồm 24 quyển, có tất cả 1.208 câu chuyện, 40 vạn chữ, và đã được Sun Haichen dịch sang tiếng Anh với nhan đề “Fantastic Tales by Ji Xiaolan” (Kỷ Hiểu Lam Kỳ Quái Cố Sự Tuyển Tập) do nhà xuất bản New World Press ấn hành. Bollati Boringhieri cũng đã dịch bộ sách này sang tiếng Ý với nhan đề “Note scritte nello studio Yuewei” và cho ấn hành tại Torino (Turin).