Lời tựa cho bộ Phóng Sanh Trưng Tín Lục của chùa Pháp Vân

(năm Dân Quốc 21 – 1932)

Xem khắp cổ kim, thời bình trị thì ít, thời loạn lạc lại nhiều. Dẫu cho thịnh trị thì bất quá chỉ được một trăm mấy chục năm mà thôi. Nguyên do vì đâu? Ấy là do cái nghiệp đời trước sát sanh ăn thịt kết thành và do cái tâm tự tư tự lợi trong đời này mà ra! Kết quả của sát nghiệp chỉ có ăn thịt là dữ dội nhất. Cả một đời người chẳng biết ăn thịt mấy trăm ngàn vạn sanh mạng, chỉ mong thỏa thích bụng miệng ta, bất kể nỗi thống khổ của chúng! Tuy là cậy mạnh nuốt yếu mặc sức ta làm, nhưng chất độc oán hận kết lại trong tám thức điền, đời đời kiếp kiếp giết chóc lẫn nhau, chẳng nhổ bỏ cái gốc ấy, khó chuyển được sát kiếp! Huống chi kẻ có trí thức nhưng chẳng biết thật sự thật lý “nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo”, bèn coi chuyện “tự lập, lập người, tự đạt, làm cho người khác đạt” là viễn vông, sai lầm, chỉ muốn đoạt hết của cải người khác về tay ta. Do vậy, tranh thành, giành đất, dẫu giết người ngập thành, ngập đồng vẫn chẳng đoái hoài. Ý họ muốn mở rộng cương thổ của ta, tăng lớn thế lực của ta, để con cháu ta hưởng phước vĩnh viễn! Chẳng biết trời đất lấy hiếu sanh làm đức, đã sống trong khoảng trời đất hiếu sanh ghét giết, sao lại khiến cho con cháu hưởng cái phước nghịch trời trái lý đạt được bởi sự giết người vô lượng ấy? Chính họ khi một hơi thở ra không hít vào được nữa, sẽ vĩnh viễn đọa trong tam đồ ác đạo, sao lại đáng thương như vậy? Con cháu nếu chẳng phải là những người bị ta chiếm đoạt [tài sản trong đời trước nay] đến [sanh vào nhà ta] thì sẽ tuyệt diệt đến hết sạch, trọn chẳng sót một ai!

Thanh Lương Sơn Chí chép: Vào đời Tùy, Triệu Lương Tướng ở Đại Châu giàu nứt đố đổ vách, có hai đứa con, trưởng tên là Mạnh, thứ tên là Doanh. Doanh mạnh mẽ, Mạnh yếu đuối. Lúc sắp mất, Lương Tướng chia tài sản ra làm hai phần, Mạnh được phần hơn. Đến khi Lương Tướng mất rồi, Doanh cướp đoạt sạch, chỉ để lại cho Mạnh một rẻo vườn, nhà. Mạnh làm thuê kiếm sống. Sau đó, Doanh chết đi làm con của Mạnh tên là Hoàn. Mạnh chết đi, đầu thai làm cháu của Doanh tên là Tiên. Hoàn lớn lên làm đầy tớ cho Tiên, lòng hận Doanh cướp đoạt sản nghiệp. Đúng dịp Tiên muốn đi triều bái Ngũ Đài sai Hoàn theo hầu. Vào trong núi, đến chỗ đồng trống không người, [Hoàn] rút dao nói: “Ông nội mày đoạt gia nghiệp của tao, tao sẽ giết mày!” Tiên chạy lẹ, Hoàn đuổi theo. Tiên chạy vào một am tranh, một vị lão tăng ngăn họ lại, trao cho mỗi người một chén trà thuốc. Uống xong, như mộng vừa tỉnh, biết rõ chuyện trước kia, cảm thấy hổ thẹn đau xót. Lão tăng nói: “Doanh là tiền thân của Hoàn, cướp đoạt sản nghiệp của người khác chính là tự vứt bỏ sản nghiệp của chính mình. Tiên là Mạnh đầu thai trở lại để hưởng sản nghiệp trước kia. Lời cha vẫn còn đó!” Hai người bèn xuất gia tu đạo tại Ngũ Đài. Hai người này đời trước có thiện căn nên được Bồ Tát điểm hóa, được kết quả như thế đó. Nay [người đời] coi giết người là vui, quả báo về sau sẽ khó lòng tưởng tượng được!

Năm Dân Quốc 11 (1922), các vị thiện sĩ Phùng Mộng Hoa, Ngụy Mai Tôn, Vương Ấu Nông v.v… do thấy sát kiếp tràn lan, nghĩ cách cứu vãn, bèn tậu đất bên sông Tam Xoa, lập chùa Pháp Vân làm đạo tràng niệm Phật phóng sanh. Đến năm Dân Quốc 12 (1923), đào chín cái ao sâu để phóng sanh theo từng loài. Năm Dân Quốc 13 (1924) liền bắt đầu lo phóng sanh, hoặc chính mình mua về thả, hoặc có thiện sĩ mua đến thả. Tám năm qua, [số lượng loài vật] do chính hội ấy mua về phóng sanh tính ra tổng cộng là ba trăm sáu mươi, bảy mươi gánh, tiền chi phí tổng cộng là bốn ngàn sáu trăm mấy chục đồng, đều do các thiện sĩ nối tiếp nhau thực hiện. Nay đem [số lượng] những con vật được thả và khoản tiền chi dụng trong tám năm lập thành báo cáo, ngõ hầu ai nấy đều biết rõ. Suốt chín năm nay, vị thường sống ở nơi ấy chịu đựng nhọc nhằn, chẳng nề gian khổ, chính là Hòa Thượng Tâm Tịnh. Những người khác tuy cũng tận lực duy trì, nhưng chưa ai chuyên dốc sức vào đấy bằng sư Tâm Tịnh.

Xét ra, hành động phóng sanh vốn nhằm phát khởi cái tâm kiêng giết ăn chay của những người cùng hàng. Nếu có thể kiêng giết, ăn chay thì sát nghiệp chẳng tạo, sát báo sẽ tự dứt. Đối với những nghiệp đã tạo từ trước thì dùng sự kiệt lực tu thiện, chí thành niệm Phật để tiêu diệt. Phải biết: Chùa Pháp Vân phóng sanh quả thật đã đi tiên phong dẫn đường cho hết thảy những người cùng hàng kiêng giết ăn chay vậy. Người có tâm do nghe được chuyện ấy sẽ dấy lòng, cùng sanh tâm từ bi, rộng lòng trắc ẩn, cùng hành đạo nhân từ với người khác, yêu thương loài vật, sẽ thấy lòng người chuyển biến, quyến thuộc trời thường giáng xuống, mưa nắng đúng thời, ngũ cốc sung túc, lễ nghĩa, nhân nhượng hưng thịnh, chiến tranh tiêu diệt, trong ngoài hiệp hòa, thiên hạ thái bình. Đấy chính là điều các vị như ông Phùng vốn dốc chí qua việc tạo dựng chùa Pháp Vân, đề xướng phóng sanh vậy.