Lời tựa duyên khởi cho Đôn Bản Học Hiệu ở Phật Xuyên

Nho – Thích hai giáo về mặt hình tướng tợ hồ khác nhau, về gốc vốn cùng. Có kẻ chấp vào hình tướng mê mất cái gốc thường bài xích Phật pháp, cho là diệt luân lý, gây rối chánh trị nước nhà, vô ích cho xã hội, có hại cho dân sanh. Đức Như Lai gọi những kẻ thế trí biện thông biện luận mù quáng như thế là “kẻ đáng thương xót”, chẳng biết Phật pháp có đủ pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Nếu luận trên pháp thế gian thì đạo “hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ”, pháp “cách vật trí tri, chánh tâm thành ý, tu – tề – trị – bình” của Nho Giáo trong các kinh Đại Tiểu Thừa không gì Như Lai chẳng nói trọn! Nhưng thánh nhân thế gian chỉ căn cứ trên đời này, chỉ dạy con người tận nghĩa, tận phận, còn Phật nói đủ quá khứ – hiện tại – vị lai ba đời, và dạy rõ thiện báo của việc tận phận, ác báo của việc chẳng tận phận. Người thượng căn chỉ nghe được chuyện tận nghĩa, tận phận là chuyện nên làm bèn dốc trọn thân gánh vác, còn hạng trung hạ căn ngoài mặt kính phụng nhưng trong lòng ngầm trái nghịch nên không cách gì đối trị được. Nếu nghe đến nhân quả ba đời, biết tận phận thì được thiện báo, chẳng tận phận mắc ác báo, dẫu là kẻ ngu bướng chắc chắn cũng chẳng vui mừng vì bị tai họa, mang ý niệm tìm chuyện xui, tránh chuyện hên. Do biết tam thế thiện ác báo ứng, dù chẳng muốn tận nghĩa, tận phận, nhưng vì mong mỏi thiện báo, sợ ác báo nên cũng sẽ gắng sức tận nghĩa, tận phận.

Đấy chỉ là luận trên sự việc nông cạn, gần gũi nhất thì đã có thể biến kẻ ngu bướng thành người lương thiện, chuyển thói tục tệ bạc thành phong tục thuần hậu, huống hồ những lợi ích sâu xa thì bọn phàm phu thế gian kia làm sao có thể thấy hết, biết trọn cho được! Chỉ luận về Hiếu thì đã trọn khắp lục đạo cho đến tột cùng đời vị lai. Do vậy, các kinh Phạm Võng, Lăng Già v.v… đều dạy sanh tâm hiếu thuận, tâm từ bi, kiêng giết, phóng sanh, bởi lẽ hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham thành Phật, đều trong vô lượng kiếp đến nay luân hồi sáu nẻo, ai nấy lần lượt làm cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè của nhau. Nói – nghĩ đến đây, lẽ ra phải giúp cho họ được sống yên vui, nỡ nào nhằm thỏa ham muốn của bụng miệng mà tàn hại cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai ư? Huống chi đã tạo sát nghiệp ắt mắc chịu sát báo, ai chịu thỏa nỗi ham muốn tạm thời của miệng bụng để rồi trong đời vị lai thường bị mỗi một chúng sanh từng bị ta giết hại ăn thịt trước kia sẽ giết ăn thịt trở lại chính mình ư? Huống chi binh đao đại kiếp trong thời gần đây thảm thương chẳng nỡ nói, nguyên nhân đều là do sát sanh ăn thịt mà ra. Nếu ai nấy đều y theo Phật pháp, kiêng giết, giữ gìn sanh mạng loài vật, ăn chay, niệm Phật, chẳng gây nhân giết chóc thì tự mình không có quả giết chóc, khó gì chẳng thắng được bạo tàn, trừ khử giết chóc, trở thành yên ổn rất mực ư? Xét ra, thế đạo có thái bình thì cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè ai nấy mới được vui sướng, ai nấy tận nghĩa tận phận không hối tiếc gì thì mới là hợp với tâm hiếu thuận, ý chỉ cốt lõi từ bi mà đức Phật đã nói. Do vậy, nói: “Đức Phật dạy đạo hiếu vừa lớn lao vừa sâu xa!”

Chân Đạt đại sư sanh trong nhà họ Hồ ở Phật Xuyên, tuổi nhược quan (20 tuổi) liền ngộ cõi đời chẳng thường, bèn xuất gia nơi Tam Thánh Đường ở núi Phổ Đà, tinh tu Tịnh nghiệp, mong sanh về Liên Bang. Mấy mươi năm qua, cha mẹ, anh em đều tạ thế cả, không người cúng giỗ. Do lòng hiếu thuận, lại nghĩ đến con em những nhà đói rét, nghèo hèn ở nơi ấy không đủ sức đi học, bèn đem tiền y bát dành dụm được hơn bảy ngàn đồng giao cho người nhiệt tâm công ích trong họ, lập ra một trường học nhỏ mang tên Đôn Bản để con em nơi ấy đều được đi học. Chương trình học chú trọng những chuyện như tận lực thực hành hiếu đễ v.v… Những sách dùng để học chú trọng vào Ngũ Kinh, Tứ Thư v.v… kèm thêm vài phần của cách học mới, ngõ hầu giữ vẹn cái gốc trọng đạo mà chẳng vướng khuyết điểm không hợp thời, chẳng thích ứng vậy. Người trong họ cảm nghĩa ấy, đem các thần chủ[1] cha mẹ, anh em… của Sư thờ cúng trong nhà trường. Nếu trường ấy chẳng bị phế bỏ thì sẽ thờ phụng mãi. So với những người có con cháu nhưng là hạng bất tiếu khiến cha mẹ bị nhục lây, hoặc giữa chừng bỏ lửng không cúng giỗ thì cha mẹ, anh em v.v… của Sư vinh diệu hơn nhiều lắm.

Lại do đất Phật Xuyên vốn nằm trên trục lộ giao thông, thường có người đi đường bị chết không có quan tài khâm liệm, Sư bèn bỏ ra riêng một ngàn đồng giao cho người quản trị nhà trường đầu tư kiếm lời, dùng tiền lời ấy làm chi phí mua gỗ đóng hòm, chôn cất. Người trong địa phương nghèo không mua nổi quan tài cũng thí cho. Ôi! Cao đẹp thay! Tâm của sư Chân Đạt có thể nói là bình đẳng công bình hết mực, trọn không có ý tự tư tự lợi, khiến người trong họ cảm kích, thờ phụng cha mẹ Sư dài lâu, những người chỉ mưu toan cho con cháu có được lợi ích như vậy hay chăng? Nhưng Quang lại muốn cho những người trong họ ấy đều được lợi ích thật sự nên chẳng ngại trình bày đại lược nỗi lòng ngu muội. Trộm cho rằng sư Chân Đạt xuất gia học Phật đem tiền y bát dư ra để làm chuyện công ích cho người quê mình thì người cùng quê cũng phải ngửa noi theo dấu thơm ấy, ai nấy tu Tịnh nghiệp. Gian chính giữa nhà trường nên thờ tượng Tây Phương Tam Thánh. Người quản trị, giáo viên, học sinh trong trường đều nên sáng chiều lễ kính để cầu nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước cao thì mới là lợi ích thật sự rốt ráo. Trong trường cố nhiên nên đoạn dứt vĩnh viễn những thứ tanh tưởi (đồ mặn) thì mới chẳng phụ ân nghĩa của vị Tăng dùng tiền thập phương tín thí để lập học hiệu. Nếu không, chẳng những không hợp với bổn tâm của sư Chân Đạt mà cũng chẳng phải là giữ vẹn cái gốc, tự yêu lấy mình, khiến cho chính mình cùng các học trò hằng ngày được un đúc trong Phật pháp mà hoàn toàn chẳng được lợi ích thật sự gì! Chẳng tiếc lắm ư?

Phải biết Phật pháp chính là gốc của hết thảy các pháp, mà trong Phật pháp một pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ lại là pháp môn vô thượng chí viên chí đốn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, độ khắp ba căn, lợi – độn đều thâu, thành thủy, thành chung, là pháp hết thảy mọi người đều nên tu tập, huống gì nhà trường này ư? Chớ nói Tăng bỏ tiền lập trường nên ép người ta học Phật. Đấy chính là tâm hiếu thuận, tâm từ bi muốn cho hết thảy mọi người trong trường này đều liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, làm đệ tử Phật Di Đà, chứng Phật tánh sẵn có mà thôi! Chẳng thấy hiện thời những người bác học đa văn tri kiến sâu xa quá nửa đều nghiên cứu tu trì pháp môn Niệm Phật đó ư? Nếu sống trong nhà trường này mà chẳng tu trì thì thành ra là gánh gai bỏ vàng, đến núi báu trở về tay không, chẳng đáng tiếc ư?

***

[1] Thần chủ là bài vị thờ người chết, khi xưa chưa có hình ảnh, người ta thường viết tên họ người chết làm bài vị để thờ.