Lời tựa cho Phật Hóa Tùy San

Phật pháp là cội nguồn của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Vì thế đạo ấy không gì lớn lao chẳng bao gồm, không gì nhỏ nhặt chẳng nêu. Lời lẽ rộng lớn dẫu cạn hết biển mực cũng chẳng thể viết hết được. Nói đến Sự thì dù kiếm lấy một chữ cũng không thể được. Phàm là đạo “hiếu – đễ – trung – tín – lễ – nghĩa – liêm – sỉ”, pháp “cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, tu – tề – trị – bình”, không gì chẳng chỉ dạy tường tận không sót, chứ không phải chỉ nói về nhân quả ba đời, nêu rõ thiện ác báo ứng, xiển phát Phật tánh sẵn có nơi tâm, sự lý đoạn Hoặc chứng Chân mà thôi! Ấy là vì hết thảy các pháp đều vốn ở nơi tâm, chỉ cần triệt ngộ tự tâm bèn có thể kiến lập các pháp. Hễ biết được chỗ chỉ quy thì dẫu là phàm phu cũng đều có thể làm được, đạt được. Xét đến cái đạo cùng cực thì dẫu là thánh nhân vẫn có điều không biết. Do vậy, những bậc thông minh duệ trí, những bậc cao nhân lỗi lạc vượt trỗi mọi người thời cổ, không ai chẳng hộ trì, lưu thông, ngầm tu hiển hóa còn e chưa xuể nữa là!

Xét từ thời Đông Hán, Phật pháp được truyền sang Chấn Đán, tìm lấy bậc cao nhân kiệt xuất, đại hưng pháp đạo thì xứ Tần (Thiểm Tây) chúng ta là nhất. Do Phật pháp được hưng khởi mạnh mẽ từ đời Tấn, đương thời Phù Tần, Diêu Tần[1] đều đóng đô tại Trường An[2], và ngài Đạo An đến đất Tần, ngài La Thập vào trong ải[3], phàm những vị kiến giải siêu việt trong hàng Tăng – tục, kiến thức xuất chúng đều quay về thờ hai vị ấy làm thầy. Đến thời Tùy – Đường vẫn đóng đô tại đây. Do vậy, hoằng tuyên pháp đạo vượt trội cổ kim. Vào thời Đường, các tông đều có đủ bởi quốc gia hết sức tôn sùng; do vậy, thủ lãnh các tông đa phần ngụ tại kinh đô, để sở học, sở đắc của mình về mặt ngầm giúp cho việc bình trị, về mặt nổi là giữ yên dân tình, sự thạnh hành của pháp đạo [tại Trường An] xứ khác làm sao sánh bằng cho được!

Về sau, tuy kinh đô được dời sang xứ khác, nhưng những vị hoằng Tông diễn Giáo, ngầm tu thầm chứng vẫn đời đời chẳng thiếu người. Đến cuối đời Thanh, sau cơn loạn giặc tóc dài, giặc Hồi, nhân dân khốn khó, đạo này bị gác lại không ai hỏi đến, nhưng mạch dây vẫn chưa đứt. Mười mấy năm gần đây, thế đạo nhân tâm đã hoại loạn đến cùng cực, nhưng loạn đến cùng cực ắt phải nghĩ đến bình trị, vận bỉ đến cùng cực ắt phải nghĩ đến lúc thái, phàm những người thấy biết thông suốt không ai chẳng dùng việc phô rõ nhân quả, chỉ bày báo ứng, chỉ thẳng nguồn tâm, nêu tỏ tánh thể của Phật pháp làm đạo trọng yếu để vãn hồi thế đạo nhân tâm. Do vậy, dù Tăng hay tục đều đua nhau đề xướng tu trì ngõ hầu mình lẫn người cùng thoát mê đồ, sanh lên bờ Giác. Do vậy, đôn đốc luân thường, tinh tu Tịnh nghiệp, sống dự vào bậc thánh hiền, thác về cõi Cực Lạc.

Do vậy, hội Phật Giáo ở Trường An tưng bừng thành lập, những người cùng tỉnh đã sống nơi xứ khác, nếu chẳng viết thư báo ắt chẳng thể diễn đạt hết ý được. Vì thế, những chuyện được thấy được nghe, những lý được thấu hiểu, được ngộ giải, những phương pháp ngầm tu thầm chứng, những giáo huấn cách ngôn, những lời luận bàn hay đẹp, những nghiên cứu bàn luận giữa bạn bè, những gì phát huy được soi sáng bởi trí huệ, đều chia môn phân loại, chép thành Tùy San. Đây – kia xem xét, bổ trợ lẫn nhau, cốt sao chánh trí được khai phát bởi các lời bàn luận, do giúp lẫn nhau lệ trạch[4] sẽ cùng được tươi tốt rộng khắp. Sẽ thấy do biết nhân quả nên vĩnh viễn dứt được ác tâm “mạnh ăn thịt yếu”, tận tâm giữ vẹn luân thường, cùng ôm ấp thiện niệm thương dân yêu vật, trừ giết chóc, thắng hung tàn, trở về thời Đại Đồng, phong tục thuần mỹ, cùng làm người trong thời Hy – Hoàng. Lợi ích ấy há thể diễn tả được ư?

Do vậy, bèn chúc rằng: “Như Lai đại pháp là nguồn các pháp, hết thảy các pháp không gì chẳng bao hàm. Giữ vẹn luân thường đến tột bực, phát huy không sót; sự lý nhân quả đều thích hợp cơ nghi. Tưởng nghĩ Tần Xuyên xưa kia hiệu là Pháp Quật (hang pháp), Hiền, Từ[5], Mật, Luật đều bắt nguồn từ đây. Thiện Đạo, Pháp Chiếu xiển dương Liên Tông, khiến cho khắp phàm phu cùng thoát lồng rọ. Chúng sanh đời Mạt đoạn Hoặc không dễ, chỉ mình pháp này thật đáng nương tựa. Từ Tấn đến Đường, hơn năm trăm năm, pháp đạo Chấn Đán không đâu hơn được! Từ đấy về sau, đời nào cũng có những bậc cao nhân ngầm tu mật chứng, phần nhiều ẩn mình. Bầu trời chân tánh lý đã già dặn, nhiếp thọ liên trì, trung hưng Tịnh Độ, quả thật bắt nguồn từ đây. Nếu đức không cùng tột, ai chịu khuất phục? Tiếc cho dấu thơm cổ đức đã bị mất nhiều! Đến cuối đời Thanh, chiến tranh liên miên, nhân dân tan tác, truyền hoằng gần tiêu. Gần đây bậc thông nhân tầm mắt rộng mở, biết nếu không dùng Phật pháp sẽ không cách gì vãn hồi tai kiếp. Do vậy, tụ tập Tăng – tục những người đồng chí tùy cơ đề xướng, dựng lập cờ pháp muốn cho khắp tất cả được hưởng pháp lợi, đề xuất Tùy San, lệ trạch tạo ích lợi lẫn nhau, mong ngộ được tánh thiên (bầu trời chân tánh). Phật do tâm làm, đạo do người hoằng, nếu cạn lòng thành đến mức cùng cực, gió thổi cỏ rạp. Quang tuy tầm thường, kém cỏi cũng biểu lộ đồng tình, chẳng nề ngu tối làm người rao đường.

Nguyện những người đồng hành với tôi đều tu tịnh hạnh, ngõ hầu siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này”.

***

[1] Nhà Tiền Tần còn gọi là Phù Tần, do Phù Kiên lập ra ở đất Quan Trung. Vì Quan Trung thuộc đất Thiểm Tây (đất Tần cũ), nên xưng quốc hiệu là Tần. Do tham vọng, Phù Kiên xua quân đánh chiếm Ðông Tấn, nhưng bị thất trận. Trên đường rút lui, Phù Kiên bị một bộ tướng là Diêu Trành hạ sát, soán đoạt vương vị. Diêu Trành vẫn xưng quốc hiệu là Tần. Sử gọi là triều đại ấy là nhà Hậu Tần hay Diêu (Dao) Tần, và gọi triều đại của Phù Kiên là Phù Tần.

[2] Trường An chính là thành phố Tây An ngày nay, thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây.

[3] Do ngài La Thập người xứ Quy Tư (Kuche) ở ngoài quan ải của Trung Hoa, nên việc ngài đến Trường An được gọi là “nhập quan” (vào trong ải)

[4] Kinh Dịch có quẻ Lệ Trạch Đoài, được Khổng Tử giảng là “Quân tử dữ bằng hữu giảng tập” (quân tử cùng bạn bè nghiên cứu, bàn luận, tập tành) nên kinh sách cổ thường dùng chữ Lệ Trạch để chỉ sự thảo luận, nghiên cứu giữa những người cùng chí hướng.

[5] Hiền là Hiền Thủ tông (Hoa Nghiêm tông), Từ là Từ Ân tông (tức Duy Thức tông). Gọi là Từ Ân Tông vì ngài Khuy Cơ, cao đồ của pháp sư Huyền Trang, là người đã xiển dương tông Duy Thức đến cùng tột. Đương thời, ngài Khuy Cơ trụ tại chùa Từ Ân nên tông Duy Thức thường được gọi là Từ Ân Tông.