Lời tựa cho từ đường của Vĩnh Ngộ hòa thượng

(viết thay cho người đứng ra tạo dựng)

Trước không khởi đầu, sau không kết thúc. Bao trọn thái hư nhưng chẳng ở ngoài, vào trong vi trần nhưng chẳng ở trong. Thanh tịch, sáng sạch, trong lặng, thường hằng, không sanh, không diệt, lìa tướng, lìa danh, tuy có nhưng chẳng có, tuy không lại chẳng không. Chân tánh là như thế đó! Nhìn vào cái thân địa – thủy – hỏa – phong chính là do gân, xương, máu, thịt tụ hội, vừa sanh liền diệt, vừa tươi liền héo. Các lóng xương chống đỡ như dùng gỗ dựng nhà, một lớp da trùm lên như dùng đất tô vách. Bên trong toàn là phân, tiểu, mủ, máu, mặt ngoài sanh ghét (hờm), mồ hôi, tóc, lông. Giòi trùng lúc nhúc, chấy rận như sao. Giả gọi là “người”, chứ thật sự không có cái Ngã tồn tại. Lại còn dùng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý sẵn có rong ruổi trong rừng gai góc Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Do vậy, khởi vô minh tham – sân – si, diệt chánh trí Giới – Định – Huệ. Ngũ Uẩn vốn không, ai chịu xét soi; lục trần vô tánh ai nấy đều cho là thật, khiến cho muôn khổ đều nhóm, linh tánh vĩnh viễn tối tăm [nên có] huyễn thân và vọng tâm. Câu kinh Viên Giác: “Hết thảy chúng sanh đủ mọi điên đảo, nhận lầm Tứ Đại là thân tướng của chính mình, tưởng duyên ảnh của sáu trần là tướng của tự tâm”, chính là nói về ý này vậy. Nếu luận trên chân tánh thì chẳng phải phàm, chẳng phải thánh, không có dấu hiệu gì, hằng cổ hằng kim, luôn tự như như. Lấy gì để ghi nhớ năm tháng hầu sắm sửa giỗ chạp. Nếu luận trên huyễn thân thì sống như con rối, chết như bụi đất. Vọng tâm sanh diệt theo cảnh, chẳng có mảy may thật nghĩa nào! Cần gì phải ghi dấu chim bay trên hư không, buộc gió mát trên sông?

Nhưng do quy củ thường hằng của núi này, phàm là Trụ Trì và là vị tăng có danh có đức, đều lập từ đường để lưu niệm cho người đời sau. Tôi từ thuở nhược quan, xuất gia nơi thảo am Viên Thông, cho rằng có mái tranh che đầu, có cái phòng hẹp để khoanh chân là đủ rồi! Nào biết tướng thế gian vô thường biến đổi theo thời, đàn-việt tín chúng ngày càng đông, thí gạo, trải vàng[1], năm lâu tháng chầy, nào biết nào hay đã biến thành một ngôi phạm vũ tinh lam[2] đẹp đẽ. Lại thêm pháp quyến cả núi nghĩ tôi là người thuần hậu lão thành, ép làm chủ nhân chùa Pháp Vũ, nhưng tự thẹn mình đức mỏng, sao đủ sức rạng rỡ, hoằng dương pháp đạo cho được, nhiều lượt thoái thác, chỉ làm trụ trì bốn năm. Nghĩ tưởng đến cổ nhân, thẹn thùng không biết lánh vào đâu, nào dám lấy mình làm gương.

Bọn pháp tử đồ đệ cố thỉnh không ngừng, bèn đổi ý, nghĩ rằng: “Đời tôi chẳng thể hoằng dương, xiển phát Tông phong, lợi ích cho họ. Nếu lập nhà từ đường thì cũng có thể dùng đó làm phương tiện khiến họ giải ngộ, khiến cho họ lúc treo ảnh để cúng tế trong hai kỳ Đông – Xuân, chợt nghĩ rằng: ‘Vị lão nhân này sống vào năm đó, chết vào năm đó. Đến nay đã được bao nhiêu năm tháng đó”. Do vậy, biết mạng người vô thường, nhanh chóng như ánh chớp, một hơi thở ra không hít vào được liền thành đời sau. Từ đấy, phát phẫn tu trì, cầu sanh Tây Phương. Do vậy, trừ sạch thân tâm huyễn vọng, khôi phục chân tánh sẵn có, cùng ông cụ Di Đà vui chơi nơi cõi thanh tịnh tịch diệt, để vĩnh viễn hưởng niềm vui thường – lạc – ngã – tịnh, thì cũng không phải là không giúp cho họ đôi chút vậy! Liền cho dành ra mấy mẫu vườn ruộng để thay phiên nhau trông nom, hòng có tiền chi phí cho hai kỳ cúng tế, nên bèn viết ra lời tựa này.

***

[1] Trải vàng (bố kim): Trưởng giả Cấp Cô Độc đem vàng trải đất để lập tinh xá Kỳ Viên. Dùng tích này để nói đàn-việt bỏ ra tiền của xây dựng điện đường.

[2] Tinh lam: Ngôi chùa đẹp đẽ. Phạm vũ lẫn tinh lam đều chỉ ngôi chùa trang nghiêm, đẹp đẽ.