Đ a n g t i d l i u . . .

Lời tựa cho tác phẩm Chánh Học Khải Mông Tam Tự Tụng Tề Chú

Lời tựa cho tác phẩm Chánh Học Khải Mông Tam Tự Tụng Tề Chú

Lời tựa cho tác phẩm Chánh Học Khải Mông Tam Tự Tụng Tề Chú

(Bài tụng vỡ lòng cho trẻ bằng thể loại ba chữ nhằm hướng dẫn về cái học chánh đáng với lời chú giải của ông Tề Dụng Tu) (năm Dân Quốc 20 – 1931)

Con người cùng một cái tâm này, tâm cùng một lý này, chúng sanh và Phật chẳng hai, thánh – phàm như một. Thánh nhân đạo Nho đạo Thích là những bậc đã thấu hiểu “tâm của chúng ta giống hệt như nhau” trước hết, thương xót chúng sanh vì mê hoặc nên chưa ngộ được [lý ấy], chưa thụ dụng được. Do vậy, mỗi vị đều lưu lại ngôn giáo để dẫn dắt, khơi gợi, mong sao ai nấy đều đích thân chứng được lý đó. Lại còn dùng tiên giác để giác kẻ hậu giác. Nhưng đạo Nho chú trọng cách xử thế nên chú trọng giảng về luân thường, đối với lý tột bực về tâm tánh bất quá chỉ trình bày đại lược đầu mối mà thôi! Nếu có thể nghiên cứu Phật học đến tột cùng, hễ có sở ngộ, lãnh hội thì ngay trong luân thường xử sự hằng ngày sẽ không một điều nào chẳng thấm đẫm Nhất Chân, đâu đâu cũng gặp nguồn. Vì thế, xưa nay những vị lập đại công, dựng đại nghiệp, lòng tinh trung chói lòa nhật nguyệt, hạo khí lấp trời đất, phần nhiều là do học Phật đắc lực mà ra. Đó gọi là “chẳng biết đến Phật pháp sẽ không thể nào biết đạo Nho được!” Chẳng biết đến cái hay của pháp xuất thế sẽ không có cách nào xử thế trọn vẹn được!

Đạo Thích đặt nặng xuất thế; vì vậy, toàn bộ luân thường thế gian và lẽ tột bực về tâm tánh mỗi mỗi đều nêu tỏ đến triệt để, tùy theo căn cơ mà lập giáo, đối bệnh phát thuốc, ngõ hầu hết thảy chúng sanh ai nấy tùy theo cơ nghi đều được lợi ích thật sự. Do đấy, gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, mỗi mỗi đều dạy về nhân đời trước, quả hiện tại, nhân hiện tại, quả đời sau, khiến cho con người có muốn làm ác cũng chẳng dám, không muốn làm điều thiện cũng không thể được! Nếu ai nấy đều biết nghĩa này, há luân thường chẳng được chỉnh đốn, thiên hạ thái bình ư? Phật pháp dạy về Nhân Thừa, Thiên Thừa mà hiệu quả còn được như thế ấy, nếu lại xét đến lợi ích của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật Thừa, há còn có thể suy lường được ư?

Điều đáng tiếc là Tống Nho hẹp lượng! Do học Phật pháp, họ hiểu được tâm pháp của thánh nhân, nhưng muốn suy tôn Nho giáo bèn ngược ngạo bài bác Phật pháp. Thật ra, về căn bản, họ bài bác là vì muốn cho con người thành ý chánh tâm, trọn hết tình nghĩa, bổn phận; nhưng nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo chính là thật lý, thật sự trong thiên hạ xưa nay. Nếu con người biết điều này, há có dám trái tâm nghịch lý để chuốc lấy tội lệ đến nỗi tương lai bị đọa vào chỗ chẳng vừa ý, ắt sẽ tự nhiên chánh tâm, thành ý, trọn hết tình nghĩa, bổn phận! Tống Nho nói: “Phật dùng nhân quả báo ứng, luân hồi sanh tử để dụ dỗ, mê hoặc kẻ ngu tục, chẳng biết con người do bẩm thụ khí trời đất mà sanh, đến khi đã chết rồi, hình hài đã mục nát, thần hồn cũng phiêu tán. Dẫu có hình phạt, lấy gì để thi thố đây?” Họ lầm lạc tưởng chết đi là diệt mất vĩnh viễn, trở thành đại tà kiến. Từ một truyền ra nhiều, di hại cho đời sau, rất trái nghịch đạo “nguyên thủy phản chung, cố tri sanh tử chi thuyết[1](truy xét đến tận nguồn gốc ban đầu cho nên hiểu được lời nói về sanh tử) và ý nghĩa “tinh khí vi vật, du hồn vi biến, cố tri quỷ thần chi tình trạng[2](tinh khí là vật, du hồn biến đổi; từ đó biết được tình trạng của quỷ thần) của thánh nhân. Do vậy, phường gian tà dám làm ác, vì hễ chết đi sẽ vĩnh viễn diệt mất, Nghiêu hay Kiệt đều chết sạch cả, sao còn khư khư giữ chừng mực, chịu đựng ràng buộc, đến nỗi uổng công nhọc nhằn cả đời, sao không buông lung tình ý, mặc lòng thích gì cứ làm để hưởng hạnh phúc tự do tự tại ư? Do đấy, thiện không có gì để khuyên, ác chẳng có gì để phạt, đây – kia bắt chước nhau đến nỗi trở thành hiện tượng phế bỏ kinh điển, phế bỏ luân thường. Trong ý bọn họ (tức bọn Tống Nho), cứ sợ đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi, con người đa số sẽ theo về đạo Phật, nên mới đặc biệt xướng ra chuyện bài xích để ngăn chặn hòng con người không cách nào tiến nhập đạo Phật được, ngõ hầu Nho Giáo hưng thịnh, vĩnh viễn không bị suy sụp. Nào biết là ngược lại khiến cho đạo thánh nhân do vậy bị diệt mất, chẳng đáng buồn ư?

Cư sĩ Giang Dịch Viên[3] ở Vụ Nguyên xưa đã trồng cội đức, phẩm đức cao cả, học vấn ưu tú, thoạt đầu chuyên đề cao Trình – Châu, chẳng biết Phật là người như thế nào; về sau, do đã từng trải sâu xa, tri kiến câu nệ dần dần tiêu tan, thử đọc kinh Phật mới biết giống như lên non Thái, nhìn khắp bốn phương, tâm thần thông suốt, vui sướng không chi ví được, mới biết tiên Nho do tri kiến môn đình khiến cho hậu thế chẳng được hưởng lợi ích nơi pháp, đau tiếc khôn cầm. Vì thế, ẩn cư ở quê nhà, noi theo tu trì; người trong cả làng đều được ông giáo hóa. Lại mong khơi gợi, dẫn dắt cho thế hệ tương lai, mong sao họ được hưởng lợi ích thật sự. Do vậy bèn soạn bài tụng [mỗi câu gồm] ba chữ, lược thuật ý chỉ lớn lao vì sao Nho, Phật lập giáo giác ngộ cõi đời và những nét chánh về [hành trạng] của chư tử[4] trong lịch sử, ngõ hầu người học chẳng bị lầm lạc bởi những lời lẽ mang tính chất môn đình của người xưa, để đều cùng trọn hết luân thường học Nho, tận hết tánh học Phật, lo toan cõi đời hay xuất thế đều gộp thành một việc. Sáng tỏ Minh Đức để ở yên nơi chí thiện, không trụ vào đâu mà sanh tâm, chẳng chấp một pháp nào, tu trọn các điều lành, vĩnh viễn lìa khỏi bốn tướng, phô trọn vạn đức, chứng pháp sẵn có trong tâm ta, kế tục đạo Như Lai đã đắc, xa là thỏa thích bổn hoài của tiên thánh, gần là bù đắp cho lỗi lầm của Tống Nho. Công đức ấy thật chẳng cạn cợt!

Môn hạ của ông ta là Tề Dụng Tu lại chú giải [bài tụng ấy] để người đọc vừa xem liền hiểu rõ. Cư sĩ Lý Viên Tịnh đặc biệt cho ấn hành, cậy tôi viết lời tựa, ngõ hầu lưu truyền rộng rãi. Do vậy, chẳng nài kém cỏi, trình bày đại lược. Nguyện những vị phụ huynh và những người mang chức trách giáo dục hãy bảo con em cùng đọc tụng sách này thì sẽ biết dù Nho hay Thích đều trọn chẳng phải là hai đạo, lo toan cõi đời hay xuất thế vốn là một pháp. Nhân quả tỏ thì tâm tánh tự ngộ, luân thường rành mạch, thiên hạ thái bình, lẽ tất nhiên là như thế ấy! Người sáng mắt chớ nghĩ lời tôi là viễn vông vậy!

***

[1] “Nguyên thủy phản chung”: Phản là suy ngược lại, tìm đến tận cội nguồn. Pháp sư Nguyệt Khê giảng: “Nguyên thủy phản chung là truy ngược lại cái nguồn để biết sanh ra từ đâu, quay ngược lại xem xét chỗ kết thúc để biết vì sao chết”. Giáo sư Cái Kiến Dân lại giảng “nguyên thủy phản chung” là truy xét đến tận nguồn gốc sự vật từ ban đầu cho đến kết thúc. Tổng hợp hai cách giải thích này thì “nguyên thủy phản chung” là cách suy luận dựa trên tình trạng nguyên sơ của sự vật và tình trạng lúc chung cục của chúng để quy nạp lại mà phán đoán, nhận định.

[2] Theo chương Nội Nghiệp trong sách Quản Tử thì “tinh khí” phải hiểu là “hồn thần”. Trịnh Huyền giảng câu “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến” như sau: “Tinh khí là thần, du hồn là quỷ”. Tức là: Quỷ thần là hình thái do tinh khí biến hóa ra. Sách Lễ Ký cũng giảng: “Thể phách tụ xuống đất thành quỷ, bốc lên không thành thần. Những thứ này có tri giác, hưởng thụ nhân gian cúng tế”. Hàn Khang Bạch đời Tấn còn đi xa hơn, chú giải rằng: “Khí tụ lại hiển hiện thành vật chất là Thần, phân tán, ẩn kín thì gọi là Hồn”. Trang Tử, Liệt Tử đều cho rằng Tinh Khí phải hiểu là hình hài thể chất (do đó về sau Đạo Gia chủ trương con người gồm ba phần là Tinh – Khí – Thần), còn du hồn (linh hồn lãng đãng vô định) chính là tinh thần. Nói cách khác, đạo Nho, đạo Lão thừa nhận con người gồm hai phần là tinh thần và vật chất, vật chất (tức thể xác) có biến đổi, hư hoại, nhưng tinh thần còn tồn tại. Thế mà Tống Nho lại chủ trương con người chết đi, thể xác đã diệt mất, thần hồn cũng phiêu tán, không còn đời sau nữa!

[3] Giang Dịch Viên (1876-1942), tên thật là Giang Khiêm, hiệu Dương Phục, người huyện Vụ Nguyên, tỉnh An Huy, vốn thuộc dòng danh sĩ (ông là hậu duệ của học giả Giang Thận Tu). Dịch Viên nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm mười ba tuổi đã biết làm thơ văn, đậu được danh hiệu Bác Sĩ Đệ Tử Viên trong khóa thi Đồng Tử năm mười bảy tuổi. Năm Quang Tự 28 (1902), bỏ thi cử theo lề lối cũ, Trương Quý Trực ở Nam Thông bèn mở trường Sư Phạm, mời Dịch Viên cộng tác, giữ chức Hiệu Trưởng. Ông cực lực áp dụng thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh vào đường lối giáo dục trong nhà trường. Vào đời Tuyên Thống, khi bộ Học lập ra phân cục thống nhất Quốc Ngữ, do biết Dịch Viên tinh thông về ngôn ngữ học đã cung thỉnh ông làm Cục Trưởng. Ông đã nghiên cứu đưa ra đề nghị rất có giá trị về cách dùng phù hiệu để ghi âm tiếng Hán. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ hội trưởng hội giáo dục tỉnh An Huy, nghị viên hội đồng tỉnh An Huy v.v… Năm Dân Quốc thứ ba (1914), ông được cử làm trưởng ty giáo dục tỉnh An Huy, rồi được đưa về làm hiệu trưởng trường Cao Đẳng Sư Phạm Nam Kinh, lần lượt giữ nhiều địa vị danh giá trong giới giáo dục. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), trong khi dưỡng bệnh, ông đã đọc bản Vô Lượng Thọ Kinh do Bành Thiệu Thăng biên tập và Luận Khởi Tín, sanh lòng tin sâu xa, quy mạng Di Đà, nhất tâm niệm Phật, không thuốc thang mà bệnh tự lành. Do vậy, năm Dân Quốc thứ tám (1919), ông từ bỏ mọi chức vụ, chuyên tâm học Phật, giao du mật thiết với các vị đại lão đương thời như Đế Nhàn, Ấn Quang v.v… nghiên cứu rộng khắp kinh tạng. Ông sáng lập Phật Quang Xã ở làng Giang Loan thuộc huyện Vụ Nguyên để đề xướng Tịnh tông. Năm Dân Quốc 12 (1923), ông Giang đến Thượng Hải, gặp được pháp sư Hoằng Nhất và cư sĩ Vưu Tích Âm đang họp nhau ở đó cùng nhau soạn bài văn Công Đức In Kinh Tạo Tượng. Ngài Hoằng Nhất khuyên Dịch Viên nên đọc bộ Linh Phong Tông Luận. Đọc xong, Dịch Viên vô cùng ngưỡng mộ tổ Ngẫu Ích nên đã đề xướng sáng lập Linh Phong Học Xã với mục đích nghiên cứu Nho giáo lẫn Phật giáo. Tiếc rằng ông ta quá say mê cầu cơ nên về sau này đã có nhiều luận thuyết khiên cưỡng, thậm chí pha tạp những tà thuyết của cầu cơ vào trong các tác phẩm của mình cũng như nghiên cứu Phật pháp chưa chuyên tinh, thường ỷ vào trí thông minh để tự diễn giải Phật pháp theo ý riêng. Vì thế, tuy trước tác khá nhiều, các tác phẩm diễn giảng Phật pháp của ông không được những vị tôn túc thời ấy coi trọng.

[4] Các vị triết gia của cổ Trung Hoa, sống vào thời Xuân Thu Chiến Quốc như Mạnh Tử, Tuân Tử, Cáo Tử, Liệt Tử v.v…