Lời tựa cho tác phẩm Chánh Học Khải Mông Tam Tự Tụng Du Chú

(năm Dân Quốc 27 – 1938. Khi soạn hai bài tựa này, vẫn chưa biết nhóm Giang cư sĩ đã chìm đắm quá sâu vào chuyện ‘mâm cát bút gỗ’ (cầu cơ))

Lòng người suy hãm, chánh đạo khó nghe lắm thay! Con người tánh vốn lành, sẵn có Minh Đức, nhưng vì không có người chỉ dạy nên tối tăm chẳng biết. Nhưng có kẻ được chỉ dạy càng thêm mê muội, đến nỗi suốt cả đời chẳng được nghe chánh đạo. Vì thế, Khổng Tử nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ!” (Sáng nghe đạo, tối chết cũng được), đủ thấy cõi đời kẻ sống uổng chết phí nhiều lắm thay! Ấy là vì đạo ở gần lại cầu nơi xa, sự tuy dễ mà cầu nơi khó. Kẻ giảng giải đạo học toan làm sáng tỏ đạo của thánh nhân, lại ngược ngạo làm cho tâm thánh nhân bị tối tăm che lấp là vì chẳng khởi sự từ cội rễ, cứ dốc sức nơi nhánh ngọn, lại còn tưởng cội rễ là nhánh ngọn, tưởng nhánh ngọn là cội rễ. Tuy muốn thành ý chánh tâm, nhưng chẳng chú trọng trừ sạch món vật tư dục trong tâm thì cái tâm này đã bị món vật tư dục che lấp, nên tri kiến đều lấy tư dục trong tâm làm chuẩn mức. Như kẻ yêu vợ thương con, dù vợ con tồi tệ đến đâu đi nữa vẫn cứ cảm thấy là tốt, trọn chẳng biết là tồi tệ. Do tâm chìm đắm trong tình yêu thì sẽ không có chánh tri chánh kiến. Nếu trừ sạch được tư dục yêu thương thì vợ con tốt hay xấu sẽ như gương hiện bóng, tốt – xấu thấy ngay lập tức.

Tư dục đã không có thì chân tri sẽ tự hiện, ý chẳng mong thành mà tự thành, tâm chẳng mong chánh mà tự chánh, thân chẳng mong tu mà tự tu! Tri chính là Minh Đức, “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân” chính là công phu để làm sáng tỏ Minh Đức vậy. Đầy đủ năm điều này thì Minh Đức sẽ sáng tỏ, sau đấy sẽ chú trọng tề gia, trị quốc cho đến thân dân[1] để ở yên nơi chí thiện vậy. Sự lý nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo trong kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch cũng như Sử Ký, Hán Thư đều đã có ghi, chẳng qua chưa thể nói tường tận nguyên do đấy thôi! Có những chuyện ấy thì kẻ [căn cơ] hạng trung hạng hạ biết “làm lành sẽ được điều lành giáng xuống, làm điều chẳng lành, tai ương sẽ giáng xuống”. Đã có những điều mong mỏi, hâm mộ, có những điều sợ hãi [như vậy] thì chẳng muốn “thành ý chánh tâm, mong mỏi thiện báo” cũng không thể được, vì sợ ác báo mà chẳng dám làm [chuyện ác]. Nay có kẻ cho rằng “sự lý nhân quả luân hồi ấy chính là do đức Phật bịa ra để gạt gẫm ngu phu ngu phụ tuân phụng giáo pháp của Ngài, chứ thật ra chẳng có chuyện ấy”. Lại còn cho rằng: “Con người chết đi thần hồn diệt mất, còn ai để chịu hình phạt và thác sanh? Hễ chết sẽ vĩnh viễn diệt mất, Nghiêu lẫn Kiệt đều chết sạch”. Do vậy, thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt, đến nỗi ùa nhau phế kinh điển, phế luân thường, thực hành biến con người thành loài thú, chẳng đáng buồn ư?

Cư sĩ Dịch Viên thoạt đầu chẳng biết Phật, cũng chẳng khỏi “người ta nói sao mình bảo vậy”. Đến khi xem kinh Phật, mới biết trước kia sai lầm, bèn ngầm tu tại gia, người trong cả một làng đều được ông giáo hóa. Do muốn tạo sự hướng dẫn sáng suốt cho thiên hạ đời sau, bèn soạn bài tụng theo lối ba chữ để nêu rõ vì sao Phật là Phật, Khổng, Lão và Phật tuy giống nhau nhưng chẳng giống nhau, Phật và Khổng, Lão tuy khác nhau nhưng chẳng khác nhau. Do con người chưa xem kinh Phật thì không những chẳng biết Phật mà cũng chẳng biết Nho. Đã xem kinh Phật, mới thật sự biết Nho. Vừa xuất thế vừa lo toan cõi đời, vừa tiêu cực vừa tích cực. Tâm pháp nhà Nho, nhà Phật một mực thông suốt. Lại còn trình bày đại lược những điểm quan trọng trong lịch sử đạo học, ngõ hầu mở toang rào giậu, cùng trở về đại đồng. Môn nhân là Tề Dụng Tu đã đặc biệt soạn “tiên chú” (lời chú giải đại lược) để người đọc đều hiểu. Đến năm Dân Quốc 20 (1931), ấn hành lưu truyền trong đời, Quang từng viết lời tựa.

Nay môn nhân là Du Hữu Duy do thấy bản chú giải của ông Tề quá đại lược, kẻ chưa đọc kinh Phật và các sách vở Nho giáo sẽ khó thể thấu triệt, do vậy, bèn viện dẫn kinh luận để [diễn giải] thông suốt, lợi ích không thể kể xiết. Nếu chịu nghiên cứu, ắt mong thâm nhập, từ đấy tuân theo lời Khổng – Mạnh dạy để duy trì thế đạo, tu pháp của Như Lai để triệt chứng tự tâm, ắt sẽ tuân giữ lòng dè dặt kinh sợ tu trì “ba điều phản tỉnh”[2], vâng lãnh “bốn điều đừng”[3], để chẳng thẹn vì phải ẩn giấu những điều nhỏ nhặt, Ngũ Uẩn rỗng rang, chẳng lập mảy trần, tịnh sáu căn, lìa trọn các tướng, đạt thẳng đến chỗ trở về chỗ “không có gì để đạt được” thì mới đắc Bồ Đề viên mãn, làm bậc trượng phu điều ngự, làm đạo sư cho trời người, đều do lấy những điều này làm nền tảng vậy!

***

[1] Theo Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích, chữ Thân trong “thân dân” đúng ra phải đọc là Tân vì thời cổ không phân biệt giữa chữ Thân và Tân. Theo sách ấy, “thân dân” là làm cho dân chúng ngày một đổi mới, tiến bộ không ngừng.

[2] Ba điều phản tỉnh: Trong Luận Ngữ, Tăng Tử đã nói: “Ngô nhật tam tỉnh, hồ ngô thân vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?” Sách Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích giảng nghĩa câu này như sau: “Ta hằng ngày ba lần phản tỉnh: Mưu tính công việc cho người khác, bản thân ta có tận hết sức hay không? Chơi với bạn có giữ được chữ tín hay không? Thầy dạy dỗ có thực hiện, tập luyện được hay không?”

[3] Trong Luận Ngữ, Nhan Hồi hỏi về cách thực hiện lòng Nhân, Khổng Tử dạy: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Điều phi lễ đừng nhìn, chuyện phi lễ đừng nghe, lời phi lễ đừng nói, chuyện phi lễ đừng làm). Câu nói này thường được biết đến với thành ngữ “Nhan Hồi tứ vật” (bốn điều đừng của Nhan Hồi).