Lời tựa cho sách Phổ Khuyến Học Phật Đàm
Phật pháp lớn lao không gì chẳng bao trùm, không gì nhỏ nhặt chẳng được nêu lên. Phàm ai muốn học thì phải nên chú trọng thực hành. Nếu không, sẽ như đọc toa thuốc nhưng chẳng uống thuốc, muốn cầu lành bệnh há có được chăng? Do vậy, người niệm Phật cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết chức phận của chính mình, dứt lòng tà, giữ lòng Thành, đánh đổ những ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, biết nhân hiểu quả, mong thành thánh thành hiền, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Lại còn phải thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật, quyết định cầu sanh thế giới Cực Lạc. Dùng những điều này để tự hành, lại còn dùng để dạy người, khiến cho trong là gia đình, ngoài là người đời đều cùng được thấm nhuần sự giáo hóa của Phật, cùng sanh Tịnh Độ, ngõ hầu chẳng cô phụ sự giáo hóa của đức Phật, chẳng phụ tánh linh của chính mình.
Nếu hờ hững nghiên cứu tràn lan các thứ pháp môn và cũng nương theo đó tu trì thì sẽ có phần làm một vị đại thông gia và hưởng phước báo trời người trong đời sau, chứ muốn liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh sợ khó thể mộng được! Vì sao vậy? Do hết thảy các pháp môn đều phải đoạn Hoặc chứng Chân thì mới hòng liễu sanh thoát tử, chứ không như pháp môn Tịnh Độ: Cậy vào Phật từ lực sẽ có thể đới nghiệp vãng sanh. Phật lực, tự lực khác biệt hệt như một trời một vực! Hiểu rõ điều này sẽ chẳng dám cậy vào tự lực, vứt bỏ Phật lực để kéo dài kỳ hạn liễu sanh tử tới bao nhiêu số kiếp trong vị lai.
Cư sĩ Lưu Đạt Huyền do thấy đại kiếp tràn ngập, chẳng có lúc nào thái bình, bèn lắng lòng nghiên cứu kinh Phật, mới biết “Phật pháp là cái gốc của hết thảy pháp”. Nếu có thể y theo lời Phật dạy để hành thì trên là đoạn Hoặc chứng Chân hòng khôi phục bản tánh, dưới là đổi ác hướng lành để làm hiền nhân. Hiền nhân có thể dùng thân để hướng dẫn người khác, trong là gia đình, ngoài là người đời đều sẽ nhìn theo bắt chước làm lành, thay đổi phong tục nhưng chẳng hay chẳng biết. Mạnh Tử nói: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân” (Hễ cùng quẫn thì riêng mình thiện). Nếu làm được những điều như vừa nói trên đây thì dẫu cùng quẫn vẫn có thể làm cho làng ấp đều cùng được thiện đâu có khó chi? Do vậy, bèn dùng lời văn thông tục để soạn thành mấy chục thiên Phổ Khuyến Học Phật Đàm (những lời bàn luận nhằm khuyên khắp mọi người đều học Phật) để mong người trí lẫn kẻ ngu đều cùng hiểu, ai nấy đều tu trì thì thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui chắc sẽ đích thân thấy được. [Trong lời tựa cho sách này], cư sĩ Phạm Cổ Nông đã nêu bày những điều ẩn kín, Bất Huệ chỉ nói đến sự thực hành trong khi học Phật và đường nhanh tắt để liễu sanh tử nhằm làm cho ai nấy đều cùng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. So với cậy vào tự lực để tu trì hết thảy các pháp khác thì sự khó – dễ còn gấp mấy lần sự khác biệt giữa ngày và kiếp vậy! (Đầu Thu năm Canh Ngọ (1930) thời Dân Quốc)