Lời tựa sách Nhân Quả Thực Chứng

Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Khổng Tử khen ngợi Châu Dịch, vừa mở đầu liền nói: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Nhà nào tích thiện điều vui có thừa, nhà nào tích điều bất thiện tai ương có thừa). Nhìn từ bề mặt, câu nói này luận về sự vui mừng, tai ương ảnh hưởng tới con cháu; chứ nếu luận trên thực tế, sự vui mừng hay tai ương quy về bản thân người ấy càng lớn hơn gây ảnh hưởng đến con cháu nhiều lắm. Cơ Tử trần thuật sách Hồng Phạm, cuối cùng mới nói: “Hưởng dụng ngũ phước, oai dụng lục cực” (Thuận theo lẽ phải thì sẽ được hưởng năm điều phước, hễ trái nghịch thì sẽ hứng chịu sáu điều khổ cực). “Dụng” (用) nghĩa là “sẽ”. “Cực” (極) là khốn cùng, khổ sở, đau đớn. Trên thực tế, Ngũ Phước Lục Cực đã thể hiện cái nhân thiện hay ác trong đời trước và quả báo thiện hay ác trong đời này. Trong kinh điển Nho gia khi nói về tiền nhân hiện quả (nhân đời trước, quả đời này) và hiện nhân hậu quả (nhân đời này, quả đời sau) thì hai câu nói ấy của Khổng Tử và Cơ Tử rõ ràng nhất.

Kinh Phật nói nhân quả ba đời tường tận, chu đáo nhất. Nói toát yếu là: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (Muốn biết cái nhân đời trước thì những gì phải hứng chịu trong đời này chính là nó đấy; muốn biết quả đời sau thì [hãy nhìn vào] những gì đã làm trong đời này). Con người thường gọi khổ – sướng, hên – xui phải hưởng chịu trong đời này là Mạng, cho đó là mệnh lệnh từ cõi trời, nào biết đấy chính là quả báo của những điều thiện – ác do chính mình đã làm trong đời trước. Trời đâu có hạ lệnh hậu đãi người kia, bạc đãi kẻ này? Vì thế, sách Cảm Ứng Thiên chép: “Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu” (Họa – phước không có cửa, chỉ do con người tự chuốc lấy).

Quả báo thiện – ác như bóng theo hình. Nếu biết được lý này thì trên chẳng oán trời, dưới chẳng hờn người, dè dặt, kiêng nể, kinh sợ tu tỉnh, trừ khử những món vật tư dục trong tâm chính mình thì chánh tri sẵn có trong tự tâm sẽ phát hiện. Do vậy, kẻ mất niệm thành cuồng sẽ đều khắc chế được ý niệm mà trở thành thánh. Đấy chính là loại nhân quả được nói bởi Nho giáo mà còn có lợi ích lớn lao như thế, huống hồ đức Phật dạy con người tu Giới – Định – Huệ, đoạn tham – sân – si, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành! Thoạt đầu là đoạn sạch Phiền Hoặc thế gian, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Tiếp đến là dần dần tấn tu cho đến khi Chân cùng, Hoặc tận, huệ mãn, phước trọn, triệt chứng tự tâm, thành Bồ Đề đạo, đều chẳng ra ngoài nhân quả. Do vậy nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”.

Tống Nho cho Phật nói nhân quả ba đời, luân hồi trong lục đạo chính là căn cứ để gạt gẫm hạng ngu phu ngu phụ tuân phụng giáo pháp của Ngài, chứ thật ra không có chuyện ấy. Hơn nữa, con người chết rồi thì hình hài sẽ hư mất, thần thức cũng phiêu tán, dẫu bị chặt – chém – xay – giã sẽ thi thố vào đâu? Hơn nữa, thần hồn đã tản mát rồi, lấy ai để thọ sanh? Họ đả phá, bài xích nhân quả khiến cho con người không có cái để e sợ, không có gì để mong mỏi thì thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để trừng phạt. Do thiện hay ác đều không có nhân quả, Nghiêu hay Kiệt thì cũng đều chết sạch, kẻ không có chí hướng cao xa ai lại chịu khăng khăng làm lành, dè dặt kiêng ác để cầu cái hư danh sau khi đã chết ư? Đả phá, bài xích nhân quả luân hồi, hiểu sai be bét “cách vật trí tri”, chỉ lấy “thành ý chánh tâm, trọn hết tình nghĩa, bổn phận” để làm pháp giác ngộ cõi đời, giáo hóa dân chúng, sáng tỏ đạo, đạt đến bình trị, chẳng biết đôn đốc nơi “trừ khử món vật tư dục trong tự tâm để thấy được chánh tri sẵn có trong tự tâm, chỉ bày nhân quả báo ứng trong đời trước đời này, đời này đời sau” thì có khác gì xoi thủng đê để mong nước đừng chảy tràn lan, bỏ thức ăn mà mong dân chẳng bị chết đói, há có được chăng?

May mắn là ai nấy sẵn có cái tâm có thể làm Nghiêu – Thuấn, có thể thành Phật. Bất hạnh là chẳng được dạy đúng pháp đến nỗi không tránh khỏi làm hạng dân quê, làm hạng chúng sanh chẳng biết quay về cội, trở lại nguồn. Ông Châu Quần Tranh ở Vĩnh Gia từ thời thơ ấu đến lúc nhược quan (hai mươi tuổi) chẳng biết nhân quả, đã lâm vào tình thế “thánh mất niệm thành cuồng”. Đến đầu thời Dân Quốc, do được nghe Phật pháp từ các bậc tiên triết và thiện tri thức trong làng, mới biết nhân quả, mong mỏi được là hạng người “khắc chế ý niệm, trở thành thánh”, khôn ngăn xót mình xót người, thương mình thương người, liền đem những sự tích nhân quả xác đáng, thiết thực do chính mình đã thấy nghe chép lại thành một cuốn sách, đặt tên là Nhân Quả Thực Chứng. Tính đem in ra để mong ai nấy đều biết nhân rõ quả, siêu phàm nhập thánh, xin tôi viết lời tựa dẫn khởi, tôi bèn viết lời tựa này để nêu rõ những điều chánh yếu (Đầu Hè năm Kỷ Mão, tức năm Dân Quốc 28 – 1939)