Lời tựa tái bản cuốn Bát Nhã Dung Tâm Luận

Kim Cang Kinh chính là khuôn mẫu do đức Phật dạy con người phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, xa lìa trọn vẹn phàm tình – thánh kiến để hành lục độ vạn hạnh. Vì thế nói: “Ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt độ nhất thiết chúng sanh dĩ, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả” (Ta hãy nên độ hết thảy chúng sanh, diệt độ hết thảy chúng sanh rồi mà thật ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả). Ấy là vì: Trong chẳng thấy tướng Ta là người hóa độ; ngoài thì chẳng thấy tướng người được độ và tướng chúng sanh; giữa là chẳng thấy có tướng thọ giả[1] chứng đắc Vô Dư Niết Bàn. Xa lìa trọn vẹn bốn tướng, chẳng vướng vào sáu trần, nên được xứng tánh tu trọn khắp lục độ vạn hạnh để trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Đấy gọi là “không trụ vào đâu để sanh tâm, sanh tâm nhưng không trụ vào đâu”. Nếu có trụ thì cái tâm được sanh ấy sẽ đọa trong phàm tình thánh kiến, sẽ trái nghịch với nghĩa “tam luân thể không[2], nhất đạo thanh tịnh”. Do vậy, một câu “hãy nên không trụ vào đâu để sanh tâm” quả thật là cương yếu của bài kinh này, mà cũng là kim chỉ nam cho hết thảy những người hành Bồ Tát đạo.

Dung Tâm Luận của U Khê đại sư đã ước theo tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, Viên) để giải thích, nhưng hội quy về Viên Giáo ngõ hầu người tu trì rốt ráo đạt được lợi ích thật sự, quả thật đã khế hợp sâu xa Phật tâm, hữu ích cho pháp đạo. Tiếc là chưa được lưu thông, khá đáng tiếc nuối! Đại sư Thiện Pháp sao được một bản, cư sĩ Vương Mưu Phụng trông thấy nguyện khắc ván, cậy Quang giảo chánh những chỗ sao chép sai lầm. Do vậy tôi bèn đại lược chọn lấy những nghĩa trọng yếu của kinh Kim Cang để ghép vào đầu sách nhằm mong người đọc luận này sẽ có cái để hướng dẫn. (Cuối Thu năm Đinh Mão, tức năm Dân Quốc 16 – 1927)

***

[1] Thọ Giả tướng (Jīvasamjñā): Theo quan điểm thông tục, mỗi cá thể sẽ có một linh hồn hoặc nhân cách, linh hồn ấy sẽ luân chuyển thọ sanh, tồn tại thật sự. Đó gọi là Thọ Giả Tướng. Trong Kim Cang Bát Nhã Sớ, quyển 3, ngài Cát Tạng đã viết: “Ngoại đạo chấp có Thần Ngã, chết đây sanh kia, trải khắp sáu đường nên gọi là Thọ Giả”. Ngoài ra, theo quyển 2 của kinh Đại Phẩm Bát Nhã thì Thọ Giả chính là một trong mười sáu tên gọi khác của Ngã.

[2] “Tam luân thể không” là lúc bố thí thì người bố thí, kẻ tiếp nhận và vật bố thí đều vốn là không, phá sạch tướng chấp trước. Nói chi tiết hơn thì:

1) Thí Không: Đối với người bố thí thì thân ta vốn là không, đã biết là vô ngã, sẽ không còn có cái tâm mong cầu phước báo, nên gọi là Thí Không.

2) Thọ Không: Đã thấu hiểu không có người bố thí thì cũng không có người nhận, nên chẳng khởi lên ý tưởng ngạo mạn, nên gọi là Thọ Không.

3) Thí Vật Không: Chữ Vật chỉ cho những của cải, vật chất. Đã thấu hiểu hết thảy là không thì dù có được thí cũng thấy như không thí, chẳng khởi ý tưởng tham cầu nên gọi là Thí Vật Không.