Lời tựa cho Linh Nham Khai Thị Pháp Ngữ
(năm Dân Quốc 25 – 1936)
Linh Nham chính là cuộc đất thánh đạo tràng trời tạo đất dựng. Ngô Vương Phù Sai thiếu đức, chẳng tuân theo đạo “chánh tâm thành ý, siêng năng việc nước, yêu dân” của các vị tổ là Thái Vương, Thái Bá, Trọng Ung[1], chỉ chuộng dâm lạc, bèn dựng cung Quán Oa[2] nơi này, mắc tội với trời đất và tổ tông cũng lớn lắm. Cung điện xây xong được mấy năm, nước mất, thân chết, chẳng đáng buồn ư? Đến đời Tấn, Tư Không Lục Ngoạn[3] xây nhà trên đó, sau nghe Phật pháp, bèn biến nhà thành chùa, đấy chính là duyên khởi khai sơn đầu tiên của Linh Nham vậy. Đến đời Lương, ngài Bảo Chí Công cầu xin Vũ Đế, chùa lại được trùng hưng. Trí Tích Bồ Tát nhiều lượt hiện thân tượng vẽ[4], hiển thị đạo nhiệm mầu, dẫn dắt kẻ tục còn đang mê. Đến đời Đường, em trai Tể Tướng Lục Tượng Tiên[5] (người Tô Châu) mắc bệnh ở kinh đô, ngự y bó tay. Một vị Tăng xin gặp, nói có thể trị được bệnh, bảo lấy một chén nước sạch, hướng vào đó niệm chú mấy câu, ngậm nước phun ra, lập tức khỏi hẳn bệnh. Đem mọi vật đáp tạ Sư đều không nhận, nói: “Tôi tên là Trí Tích. Sau này ông trở về Tô Châu, nên đến núi Linh Nham gặp gỡ tôi”. Về sau, người ấy đến núi hỏi thăm, không có ai tên là Trí Tích cả, tâm rất buồn bã, xem khắp các điện đường, thấy hình vẽ trên vách chính là vị Tăng đã trị bệnh cho mình. Vì thế, đặc biệt dựng điện Trí Tích, chùa lại được trung hưng. Từ đời Tấn đến đời Đường, [danh tánh] tất cả Trụ Trì đều chẳng thể tra cứu được.
Đến đời Tống, phàm những vị Trụ Trì núi này đều là bậc đại lão lỗi lạc trong Tông môn, đạo tràng Linh Nham bèn trở thành đứng đầu Giang Tô; do đất thiêng nên mới có người tài giỏi, do người tài giỏi nên đất mới thiêng. Cuối đời Minh, đầu đời Thanh, chùa lại hưng khởi mạnh mẽ, hai đời vua Thánh Tổ (Khang Hy) và Cao Tông (Càn Long), mấy lần tuần du phương Nam, đều nghỉ tại hành cung[6] trên núi. Trong cơn loạn Hồng Dương, chùa bị đốt cháy gần như hết sạch. Về sau, đại sư Niệm Thành trụ trong lòng tháp, nhằm đúng khi ông Bành Cung Bảo Ngọc Lân đi chơi núi gặp gỡ, bèn tra xét ruộng đất [chuộc lại] hơn sáu trăm mẫu, dựng hơn mười gian điện đường, nhà cửa.
Đến năm Tuyên Thống thứ ba (1911), trụ trì là Đạo Minh vốn là quân nhân xuất gia, tánh tình thô bạo, do mất y [ca-sa] mà đánh đập người tới chùa quá đáng, người dưới núi vùng lên đánh đuổi, Đạo Minh bỏ trốn. Đồ đạc trong chùa đều bị khuân sạch, trở thành một ngôi chùa không ai ở. Đây chính là cơ hội để đạo tràng Linh Nham được phục hưng. Nếu không, giả sử như ông ta tận lực vâng giữ Thanh Quy, chắc chắn chùa chẳng thể trở thành đạo tràng Tịnh Nghiệp duy nhất trong cả nước được! Họa – phước dựa dẫm lẫn nhau, chỉ do con người khéo dụng tâm hay không mà thôi. Bắt nguồn từ việc thân sĩ vùng Mộc Độc là ông Nghiêm Lương Xán bảo nhà sư chùa Bảo Tạng là Minh Hú thỉnh thầy của vị sư ấy là hòa thượng Chân Đạt tiếp nhận trông nom chùa. Ngài Chân Đạt bèn phái người đến tiếp nhận, lại sai Minh Hú đứng trông nom tạm thời, ý muốn có người thích hợp sẽ biến chùa thành đạo tràng thập phương chuyên tu Tịnh Độ. Năm Dân Quốc mười lăm (1926), pháp sư Giới Trần[7] đến đây, bèn giao cho Ngài làm Trụ Trì. Tăng chúng thường trụ lấy hai mươi người làm hạn, trừ số tiền huê lợi mấy trăm đồng ra, hễ [chi tiêu] không đủ thì ngài Chân Đạt sẽ bù cho. Chẳng quyên mộ, chẳng làm pháp hội, chẳng truyền pháp, chẳng thâu đồ đệ, chẳng giảng kinh, chẳng truyền giới, chẳng làm chuyện kinh sám thù tạc[8], chuyên nhất niệm Phật. Khóa tụng mỗi ngày đều giống như trong khi cử hành Phật thất thông thường. Trụ trì bất luận Thiên Thai, Hiền Thủ, Lâm Tế, Tào Động đều được, chỉ quan tâm đến thứ tự, không quan tâm đến thế hệ truyền thừa[9], chỉ cần là người giới hạnh tinh ròng, [trì giới] nghiêm ngặt, thông hiểu giáo lý, tin sâu Tịnh Độ là được. Nếu những mặt khác đều khá, nhưng chẳng chuyên chú Tịnh Độ thì quyết chẳng thể mời [làm Trụ Trì].
Từ đấy trở đi, người thường trụ ngày càng nhiều, phòng ốc chẳng đủ, trong năm Dân Quốc 21 (1932), trước hết dựng Niệm Phật Đường, bốn năm năm qua, liên tục xây cất. Nay điện Đại Hùng đã khánh thành, chỉ còn thiếu điện Thiên Vương chưa xây, nhưng cũng chẳng quan trọng chi lắm. Tháng Hai năm Dân Quốc 19 (1930), Quang đến đây, tháng Tư liền bế quan tại chùa Báo Quốc, đã hơn sáu năm rồi. Do già cả, bất tài, toan chết già trong nơi bế quan. Vì các vị trong hội Phật giáo mời mọc, xin Quang trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai[10] mỗi ngày giảng khai thị một lần, tỏ rõ lý “nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo”, đề xướng pháp “tín nguyện niệm Phật, liễu thoát ngay trong đời này” để cứu vãn thế đạo lòng người. Cố sức từ chối chẳng được, bèn vào ngày mồng Sáu tháng này ra khỏi chỗ bế quan đến đất Hỗ (Thượng Hải), nhằm trọn nghĩa vụ hộ quốc của tôi. Ngày Mười Lăm viên mãn, ngày Mười Sáu vì họ nói Tam Quy – Ngũ Giới.
Sáng nay theo đường tắt từ đất Hỗ trở về đây, nhưng các vị cư sĩ ở thành Tô Châu[11] đã đến trước rồi. Lên núi, trông thấy điện vũ nguy nga, Tăng chúng thanh tịnh, hòa thuận, khôn ngăn hoan hỷ tột bậc. Do được Giám Viện là đại sư Diệu Chân mời vào pháp đường, vì các vị diễn nói pháp yếu[12] Tịnh Độ. Nếu chỉ nói pháp yếu, chẳng nêu lai lịch và các nhân duyên hiện thời thì kẻ ở người tới đều chẳng biết duyên do, chắc sẽ coi đạo tràng này giống hệt như các đạo tràng khác! Đối với người thông suốt rộng lớn thì không gì là chẳng được, nhưng với kẻ ngu độn như Quang, lại muốn thoát khỏi ba cõi ngay trong đời này, lên chín phẩm cõi kia thì chưa biết hướng về đâu. Do vậy, trước hết thuật bày duyên khởi vậy.
***
[1] Thái Bá và Trọng Ung là hai người con lớn của Thái Vương. Theo sách Hoài Nam Tử, vì muốn nhường ngôi cho người em út là Quý Lịch, tức cha của Văn Vương, hai người này liền giả vờ đi hái thuốc rồi trốn xuống miền Nam sông Dương Tử, lập ra nước Ngô. Nước Ngô bị Câu Tiễn nước Việt thôn tính và diệt vong dưới thời Phù Sai.
[2] Sau khi Câu Tiễn bị Phù Sai đánh bại nhằm trả thù mối nhục giết cha là Hạp Lư, theo mưu kế của Phạm Lãi, Câu Tiễn đã dâng mỹ nhân Tây Thi cho Phù Sai. Phù Sai bèn xây cung Quán Oa cho nàng Tây Thi ở. Cô Tô Đài cũng thuộc quần thể cung điện này. Khi Câu Tiễn phục quốc, đánh bại Phù Sai, diệt nước Ngô đã cho phóng hỏa đốt trụi cung Quán Oa. Chùa Linh Nham được xây ngay trên nền cũ cung Quán Oa.
[3] Tư Không là một chức quan được lập ra từ thời Tây Châu, là một trong ngũ quan (Tư Mã, Tư Khấu, Tư Sĩ, Tư Đồ). Chức quan này chuyên trông nom về việc thủy lợi, xây dựng. Từ sau thời Hán trở đi, chức quan này không còn tồn tại, mà được thay thế bằng danh từ Công bộ thượng thư. Lục Ngoạn (278-341), còn gọi là Lục Lưu, tự Sĩ Dao, người Ngô Quận (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô), là một thi nhân nổi tiếng thời Đông Tấn, từng giữ chức Tư Không.
[4] Ngoài câu chuyện được nhắc đến trong bài tựa này, Ngài còn nhiều lượt thị hiện chữa bệnh cho người khác. Những ai hỏi đến trụ xứ, Ngài đều bảo đến chùa Linh Nham tìm. Những người được lành bệnh đều nhận ra vị Tăng vẽ trên vách chính là người đã chữa bệnh cho họ. Vì thế, Tổ mới nói “nhiều lượt hiện thân tượng vẽ”.
[5] Lục Tượng Tiên (665-736), người Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô, làm Tể Tướng đời Đường Duệ Tông. Cha ông từng giữ chức Tể Tướng dưới thời Vũ Tắc Thiên. Ông thoạt đầu giữ chức Tham Quân đất Dương Châu, được thăng lên làm Tể Tướng năm Cảnh Vân thứ hai (711). Trước khi ông làm Tể Tướng từng giữ chức Trưởng Sử thuộc Đô Đốc Phủ Ích Châu, quan Tư Mã phủ ấy là Vi Bão Trinh xúi giục: “Tôi nghĩ minh công nên dùng hình phạt nghiêm khắp để ra oai, nếu không, sợ rằng những kẻ dưới quyền lười nhác, không biết kiêng sợ!” Tượng Tiên đáp: “Nếu ông bảo cai trị ngay thẳng thì còn được, chứ dùng hình phạt khốc liệt để tạo oai phong, tổn người lợi mình ích gì? Đấy là việc làm của kẻ thiếu nhân từ đấy”. Ông đối xử với thuộc hạ rất nhân từ, rộng lượng, thường nói: “Thiên hạ vốn vô sự, chỉ có kẻ tầm thường tự khuấy động lên, khiến cho sự tình càng thêm rối, chỉ cần giữ thái độ trầm tĩnh thì hết thảy sự việc sẽ thành đơn giản ngay”.
[6] Hành cung: Cung điện dành cho vua ở tại các địa phương.
[7] Pháp sư Giới Trần (1878-1948) là người xứ Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, họ Khưu, tự là Địch Ngô, xuất gia năm mười chín tuổi, chuyên tu khổ hạnh, sống trong núi Chung Nam, toàn tâm toàn ý tu Thiền. Sau Sư chuyên tu niệm Phật. Dưới thời Quang Tự, Sư vào núi Kê Túc ở Vân Nam chuyên tu pháp Ban Châu Niệm Phật. Năm Dân Quốc thứ ba (1914), Sư đến mở Hoa Nghiêm Đại Học tại Hàng Châu. Về sau, Sư bế quan tại chùa Phật Thản ở Thường Thục, ngầm tu Tịnh nghiệp. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), cùng với các vị Liễu Trần, Từ Châu v.v… lập Hoa Nghiêm Đại Học tại chùa Cửu Liên ở Hán Khẩu. Sư từng đảm nhiệm Trụ Trì chùa Linh Nham một thời gian. Sư thị tịch vào năm Dân Quốc 37 (1948) tại chùa Cùng Trúc ở Côn Minh, thọ 71 tuổi, pháp lạp 53 năm. Trước tác gồm Hoa Nghiêm Nhất Trích, Hoa Nghiêm Thất Xứ Cửu Hội Đồ, Liên Xã Minh Huấn, Tịnh Tông Yếu Ngữ v.v…
[8] Tức là không làm các pháp sự cầu an, cầu siêu, giải hạn, đảo bệnh, cầu phước, cúng sao, chúc thọ v.v… như các đạo tràng khác.
[9] Nguyên văn “chỉ luận thứ số, bất luận đại số”: Quan tâm đến thứ tự (tức tuổi tác, mức độ tu chứng, trì giới), chứ không quan tâm đến thế hệ truyền thừa. Tức là Tăng chúng trong chùa được xếp bậc theo người tu hành lâu năm, giới hạnh tinh nghiêm, chứ không vì người ấy thuộc thế hệ trước hay sau mà coi trọng. Trong các đạo tràng khác, thứ tự truyền thừa rất được coi trọng. Chẳng hạn, một vị Tăng mới xuất gia chưa được bao lâu nhưng vì là đệ tử của một vị ngang vai với thầy của vị Trụ trì hay người thuộc thế hệ cao hơn, nên được coi là sư thúc, sư bá, thái sư thúc. Các vị Tăng khác dù cao tuổi hơn, giới lạp cao hơn nhưng thuộc vai vế thấp hơn, vẫn phải lễ kính vị Tăng trẻ tuổi này.
[10] Hộ Quốc Tức Tai: Bảo vệ đất nước, chấm dứt tai nạn. Thông thường pháp hội Hộ Quốc Tức Tai thường bao gồm cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu cho những oan hồn uổng tử. Theo truyền thống, thường tụng kinh Nhân Vương Hộ Quốc, Pháp Hoa và Kim Quang Minh, kết thúc bằng nghi thức Diệm Khẩu hoặc Vô Già Thủy Lục.
[11] Nguyên văn là Tô Thản. Người Hoa khi xưa thường gọi thủ phủ của một địa phương là Thản. Tô Thản là thủ phủ của đất Tô Châu, tức thành Tô Châu.
[12] Pháp yếu: Những chỗ quan trọng, cốt lõi của một pháp môn.