Lời tựa cho cuốn Vạn Niên Bạ[1] của Linh Nham Sơn Tự

(năm Dân Quốc 21 – 1932)

Chùa Linh Nham do ngài Bảo Chí Thiền Sư[2] đời Lương khai sơn, Trí Tích Bồ Tát[3] trùng hưng, là cuộc đất đạo tràng thù thắng được nhiều đời cao tăng thuộc các tông Thiền, Giáo, Luật trụ trì. Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thù thắng vừa Tiểu vừa Đại, vừa cạn vừa sâu, hết sức bình thường, nhưng hết sức đặc biệt, lạ lùng: Thoát khỏi sanh tử ngay trong một đời này! Cách tu dễ dàng nhất, lợi ích sâu rộng nhất. Nơi cuộc đất tối thắng này, tu pháp mầu nhiệm nhất này, nếu không phải nhiều kiếp vun bồi há được gặp gỡ ư? Nhưng muốn tu hạnh thù thắng, ắt phải nhờ vào các món vật cần dùng. Vì thế, trên là kinh tượng và các món đồ vật, mỗi mỗi phải sắm sửa đầy đủ thì mới có thể thẳng đường tu tập không trở ngại. Nhưng đạo tràng tồn tại vĩnh viễn muôn đời, người thì mấy chục năm đã đổi thay. Tất cả những thứ có được này, nếu không ghi chép vào sổ, lâu ngày có thể bị mất mát. Hơn nữa, qua bao lần thay đổi, cũng không thể truy xét được nguồn gốc ban đầu.

Do vậy, mỗi món đều được ghi lại để phàm những ai sống trong chùa này và làm Trụ Trì, làm Giám Viện, thấy những vật này, tâm liền tự suy nghĩ: “Những vật này là những vật cần dùng để giúp chúng ta tu trì pháp môn Tịnh Độ ngõ hầu tự lợi, lợi tha, để cùng sanh về thế giới Cực Lạc, phải yêu mến như thịt nơi thân mình, giữ gìn như tròng mắt. Chẳng phải là keo tiếc các vật mà chính là kính trọng tấm lòng thành trợ đạo của thí chủ để mong ít cần, bớt dùng, đạo nghiệp sẽ dễ thành tựu. Hết thảy pháp môn nếu chẳng đoạn sạch Phiền Hoặc sẽ chẳng thể thoát lìa sanh tử, chỉ có pháp Tịnh Độ này chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, liền có thể dự vào cảnh giới Phật. Có được đạo tràng tối thắng này, lại tu pháp môn tối thắng này, há chẳng nên càng thêm mến tiếc, giữ gìn, quý trọng những vật cần dùng này ư? Nếu chẳng càng thêm giữ gìn, quý trọng tức là phung phí vật của trời, phụ ân thí chủ. Dẫu có tu trì, cũng khó được tương ứng cùng Phật, vì sao? Do kẻ ấy chỉ cốt sao mình được yên ổn, thảnh thơi, mặc kệ công sức người khác chế tạo, người xưa sắp đặt, lo liệu, đủ mọi nỗi khó khăn. Nguyên do sắm sửa những thứ ấy là để cho ta tu đạo hòng liễu sanh tử. Đã coi thường những vật này, chẳng biết mến tiếc, tâm hạnh ấy hoàn toàn chẳng tương ứng với đạo, làm sao cảm được Phật xót thương nhiếp thọ để được thoát ngay khỏi biển khổ sanh tử!” Phàm những người chân thật tu hành ắt phải nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, hành được những điều người khác chẳng thể hành, chịu nhọc nhằn thay cho người, thành tựu điều tốt đẹp cho người. Được như thế thì tương ứng với đạo, tương ứng với Phật! Nguyện những người sống trong chùa này ai nấy đều cố gắng.

***

[1] Vạn Niên Bạ: Sổ ghi tài sản, đồ vật trong một ngôi chùa.

[2] Bảo Chí (418-514), thường được gọi là Chí Công Hòa Thượng, người huyện Kim Thành, xuất gia từ nhỏ, theo học với Tăng Kiệm chùa Đạo Lâm, chuyên tu Thiền. Trong niên hiệu Thái Thủy (466-471), Sư lên kinh đô, không ở nơi nào cố định, thường làm thơ lời lẽ phảng phất sấm ký, dân chúng đua nhau đến hỏi chuyện họa phước. Tề Vũ Đế cho là Sư dối gạt dân chúng bèn bắt giam, nhưng vẫn thấy Sư hằng ngày ngao du ngoài chợ, vào trong ngục khám xét, vẫn thấy Sư nằm khểnh trong đó. Vua nghe tin, bèn cho đón vào cúng dường trong hoa viên, cấm không cho ra ngoài, nhưng Sư vẫn ngao du các chùa Long Quang, Kế Tân, Hưng Hoàng, Tịnh Danh v.v… Đến thời Lương Vũ Đế lập quốc, mới giải tỏa lệnh cấm, thường vời Sư đến hỏi đạo rất tương đắc. Khi Sư thị tịch, Đế phong tặng thụy hiệu Quảng Tế Đại Sư, lần lượt các đời sau truy tặng Đạo Lâm Chân Giác Bồ Tát, Từ Ứng Huệ Cảm Đại Sư, Phổ Tế Thánh Sư Bồ Tát, Nhất Tế Mật Chân Thiền Sư v.v… Do lời thỉnh của Lương Vũ Đế nhằm cầu siêu giải nạn cho phu nhân Hy Thị, Sư đã tập hợp danh tăng soạn ra bộ Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (thường được gọi là Lương Hoàng Sám).

[3] Trí Tích Bồ Tát nói ở đây là một vị cao tăng Ấn Độ. Theo Linh Nham Ký Lược, Sư từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối đời Tấn, trùng hưng chùa Linh Nham tại Tô Châu, rất nổi tiếng về tài đức. Theo truyền thuyết có một bà lão nghèo không có gì cúng dường, đem một miếng nhựa cây sơn dâng cho Sư, Sư vẫn vui vẻ nhận lấy, nhờ đó bà được khai ngộ. Do vậy, sau này vào ngày sinh nhật Sư, chùa vẫn cử hành lễ kỷ niệm, gọi là Giác Tất Hội. Cũng theo truyện ký của chùa, đại sư nhiều lần thị hiện hóa độ Tăng – Tục rất đông.