Lời tựa cho Đại Tạng Kinh bản Tích Sa[1] đời Tống được in theo lối ảnh ấn[2]

(năm Dân Quốc 25 – 1936)

Đại Tạng Kinh chính là huệ mạng của Như Lai, là mắt cho trời người, là đuốc trí trong đêm dài vô minh, là thuyền Từ trong biển khổ sanh tử, là nguồn pháp để bậc tiên giác giác ngộ kẻ hậu giác, là gốc của đạo thế gian lẫn xuất thế gian. Nếu không phải đời trước đã trồng thiện căn, dù trải cả kiếp còn chưa được nghe tới danh tự, huống là được đích thân thừa sự cúng dường, thọ trì đọc tụng, nương theo đó mà tu tập cho đến khi được viên chứng ư? Pháp được nói trong Đại Tạng chính là pháp sẵn có trong cái tâm của mười pháp giới, chúng sanh, Phật, phàm, thánh, nơi Phật chẳng tăng, nơi chúng sanh chẳng giảm, Phật do rốt ráo chứng nên thường hưởng pháp lạc Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Chúng sanh vì chưa ngộ nên ngược ngạo nương theo sức của diệu tâm này để trái giác hiệp trần, mê chân đuổi theo vọng, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, vĩnh viễn ngụp lặn trong tam đồ lục đạo, trọn chẳng có thuở thoát ra. Tam thừa thánh nhân tuy có ngộ chứng, nhưng chưa đạt đến mức rốt ráo; vì thế, vẫn chưa thể thụ dụng hoàn toàn. Đức Đại Giác Thế Tôn thương xót, thị hiện sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, tùy cơ lập giáo, đối bệnh cho thuốc, để họ theo đường về nhà, trọn chẳng lập ra khuôn khổ nào khác. Với hàng đại căn (căn cơ Đại Thừa) bèn nói thẳng đại pháp Nhất Thừa, khiến họ nhanh chóng chứng được Vô Sanh, với tiểu căn (căn cơ Tiểu Thừa) bèn trước hết dạy nương theo [những pháp môn] Quyền – Tiệm để tu trì hòng vun bồi nền tảng bước vào Đại Thừa, cuối cùng cho họ được nhận lãnh gia nghiệp, tiếp nối hưng thịnh dòng giống nhà Phật. Lời Phật dạy trong cả một đời được chia thành năm thời:

1. Thời Hoa Nghiêm: Chỉ nói đại pháp viên đốn nằm ngoài các giới[3]. Trời, người, Nhị Thừa đều chẳng phải là pháp khí của thời này.

2. Thời A Hàm: Nói pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Quyền, Tiệm, khiến cho họ vào trong hóa thành[4].

3. Thời Phương Đẳng: Bàn trọn tứ giáo[5] thích hợp khắp ba căn.

4. Thời Bát Nhã: Dùng diệu trí Bát Nhã để trừ sạch tình kiến[6] của phàm lẫn thánh.

5. Thời Pháp Hoa – Niết Bàn: Khai Quyền hiển Thật, khai Tích hiển Bổn[7], thọ ký trọn khắp ba căn để họ cùng được nhận lãnh của báu trong nhà sẵn có. Niết Bàn “phù luật đàm thường”[8], là giáo huấn tối hậu để ba nghiệp thân – khẩu – ý đều cùng thanh tịnh như Phật, Tam Học Giới – Định – Huệ cùng được viên mãn như Phật.

Tổng hợp những pháp được nói thì có năm tông, tức là Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Năm tông này tuy tên gọi sai khác, nhưng lý thể là một. Hãy nên chuyên chú vào một môn, nhưng chớ nên sai lệch bỏ phế các môn khác. Như do bốn cửa vào được một thành, như do bốn mùa hợp thành một năm, [những tông ấy] mang công năng duy trì lẫn nhau, phụ trợ lẫn nhau, nếu chẳng phải là kẻ thấu hiểu sâu xa nguồn pháp sẽ chẳng thể nào biết được! Trong ấy, Luật là nền tảng ban đầu để nhập đạo; dù đạt đến viên mãn Bồ Đề vẫn phải nương tựa vào đó. Tịnh là pháp môn phổ độ, dẫu cho đã chứng Đẳng Giác vẫn phải nên hướng lòng về. Chúng sanh đời Mạt nếu không do pháp này sẽ chẳng độ được ! Bậc trí của các tông hãy gấp nên gìn giữ. Nếu không, tất cả tu trì chỉ trở thành cái nhân lành để thành quả Phật trong đời vị lai, muốn ngay trong đời này hễ siêu thoát liền vào thẳng địa vị Như Lai, e rằng chẳng phải dễ dàng đâu! Ngoài các kinh này ra, tất cả các luật Đại Tiểu Thừa, đều thuộc vào năm thời. Do vậy, chẳng cần phải nói riêng. Ngoài kinh, luật ra còn có các bộ luận do các vị Bồ Tát, tôn giả soạn ra để thích kinh, tông kinh[9], nhằm hiển lý, phá Hoặc, hàng ma, chế phục ngoại đạo, ngõ hầu sự giáo hóa của đức Phật sẽ nhờ vào đây mà được phổ biến khắp trong và ngoài nước. Đấy là Tam Tạng Kinh – Luật – Luận từ Phật quốc (Ấn Độ) được dịch ra.

Đến khi đại giáo được truyền sang phương Đông, bậc pháp tượng[10] xuất hiện đông đảo, trước thuật của các tông đẹp đẽ khôn kể xiết. Những tác phẩm được đưa vào Đại Tạng chỉ là một hay mười phần trong trăm ngàn phần mà thôi. Trước đời Đường, để có được kinh sách đều phải sao chép. Thời Ngũ Đại, Phùng Đạo[11] xướng xuất việc in bằng cách khắc ván. Đến đời Tống, sách Nho, kinh Phật đều in bằng lối khắc ván. Đại Tạng Kinh bản đời Tống có mười mấy loại, nhưng ni sư Hoằng Đạo[12] thuộc Tích Sa Diên Thánh Viện chặt tay đề xướng, khắc thành bản in Đại Tạng này có thể nói là bậc trượng phu trong nữ giới, khiến cho mọi người khâm phục, bội phục. Từ đời Tống đến nay, hơn bảy trăm năm, do cõi đời nhiều phen loạn lạc, những kinh đã được in phần nhiều bị mất đi. Hai chùa Ngọa Long và Khai Nguyên ở Thiểm Tây may còn giữ được. Cư sĩ Châu Tử Kiều sang đất Thiểm lo việc phát chẩn trông thấy, bèn cùng với đại cư sĩ đất Hỗ (Thượng Hải) thương lượng in lại bằng phương pháp Ảnh Ấn, nhọc nhằn vất vả khó thể nói trọn được. Nay sắp hoàn thành đợt đầu, sai Quang viết lời tựa. Quang là một ông Tăng chẳng hiểu biết gì, chỉ biết cơm cháo, làm sao có thể nêu tỏ sự quan trọng của Đại Tạng, đành nhờ vào những gì hằng ngày đã quen nghe, gom góp lẫn lộn lại để viết cho xong trách nhiệm. Diệu nghĩa của toàn bộ Đại Tạng người đọc sẽ tự biết, dẫu chưa thể đọc trọn khắp, nhưng hồi quang phản chiếu nơi các pháp “Căn, Trần, Thức, Đại” hiện tiền sẽ đích thân chứng được viên thông, cần chi phải viết tràn lan cho nhiều để gai mắt người nhã ư ?

***

[1] Tích Sa Bản hay còn gọi là Tích Sa Tạng, gọi đầy đủ là Tích Sa Diên Thánh Viện Bản, là một trong năm loại bản in Đại Tạng Kinh thuộc đời Tống (Đại Tạng Kinh được tập thành và tu chỉnh trong nhiều đời. Hiện thời, bản Càn Long Đại Tạng Kinh được coi là bản hoàn chỉnh nhất của Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng đa phần các bản in Đại Tạng Kinh đều căn cứ vào bản đời Tống. Ngay cả Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – bản được coi là tiêu chuẩn của Đại Tạng Kinh Hán truyền hiện thời – cũng chủ yếu dựa vào bản đời Tống). Vào Đoan Bình nguyên niên (1234) đời Tống Lý Tông nhà Nam Tống, có thuyết nói là vào năm Bảo Khánh thứ nhất (1225), Triệu An Quốc, Pháp Âm, Hoằng Đạo v.v… đứng ra quyên mộ, khắc in Đại Tạng Kinh tại chùa Diên Thánh Viện ở phủ Bình Giang (thuộc Ngô huyện, tỉnh Giang Tô). Diên Thánh Viện về sau đổi tên thành Tích Sa Thiền Viện, nên bản in này được gọi là Tích Sa Tạng hay Tích Sa Bản. Cho mãi đến năm Chí Trị thứ hai (1322) đời Nguyên Anh Tông mới in xong, gồm 1.532 bản kinh, được chia thành 6.362 quyển.

[2] Ảnh Ấn: Không rõ đây là kỹ thuật in như thế nào. Thông thường, chữ Ảnh Ấn dùng để dịch nghĩa chữ photocopy, nhưng mãi đến năm 1948, máy photocopy mới được sáng chế bởi Haloid Corporation dựa trên phát minh của Chester Carlson. Do vậy, Ảnh Ấn không thể là kỹ thuật photocopy như hiện thời. Từ điển Từ Hải chỉ giải thích sơ lược: “Ảnh ấn: Phương pháp in bằng cách chụp hình nguyên bản để chế bản in”.

[3] Giới ở đây là pháp giới. Giáo pháp của kinh Hoa Nghiêm đã vượt ra ngoài mười pháp giới nên gọi là “nằm ngoài các giới”.

[4] Hóa thành: Cái thành được biến hóa ra. Đây là một thí dụ được nói trong phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa: Một người dẫn đường dẫn mọi người đến chỗ có kho báu (bảo sở), đường xa gian nan, nguy hiểm, mọi người ngã lòng, muốn quay về, người dẫn đường bèn dùng thần thông biến hóa ra một cái thành lớn lao, tốt đẹp để mọi người vào đó, nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe rồi mới bảo cho mọi người biết đấy chỉ là hóa thành, chỗ có kho báu rất gần, hãy mạnh mẽ lên đường. Cũng vậy, các quả vị thuộc Tiểu Thừa giống như hóa thành do Phật phương tiện bày ra để người tu chứng đắc hòng làm cơ sở tấn tu đạo Nhất Thừa.

[5] Tứ Giáo: Bốn loại lớn trong cách phân chia giáo pháp theo tông Thiên Thai, tức Tạng, Thông, Biệt, Viên.

[6] Tình là những cảm xúc, ý niệm chấp trước, phân biệt, yêu – ghét, lợi – hại v.v… của chúng sanh, đôi khi còn gọi là “tình thức”. Tình kiến là những sự hiểu biết, nhận định dựa theo những cảm xúc, ý nghĩ, ý niệm phân biệt chấp trước ấy.

[7] Khai Quyền hiển Thật: Chỉ ra những pháp đã lập trước kia là quyền biến, chưa thật sự là Nhất Thừa, dạy rõ pháp Nhất Thừa “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật, không có ba thừa, ba thừa chỉ là giả lập tùy theo căn cơ để cuối cùng dẫn dắt chúng sanh về một Phật thừa”. Khai Tích hiển Bổn: Chỉ rõ đâu là những sự thị hiện, chỉ rõ sự thật nơi quả địa. Chẳng hạn, Phật Thích Ca thị hiện thành tám tướng thành đạo trong cõi Sa Bà, thọ mạng tám mươi năm, nhằm khích lệ chúng sanh căn cơ hạ liệt tấn tu, hướng về Phật quả, đó là Tích. Theo như phẩm Thọ Lượng đã dạy: Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành Phật từ rất lâu, thị hiện thành Phật trong các thế giới khác, trong mỗi cõi thị hiện dưới danh hiệu khác, thọ mạng khác biệt, dùng những Phật sự khác biệt để thành tựu chúng sanh. Đó là Bổn.

[8] “Phù luật đàm thường”, còn gọi là “phù luật thuyết thường” là một dụng ngữ của tông Thiên Thai nhằm mô tả giáo thuyết của kinh Niết Bàn. Theo đó, đức Phật thương xót kẻ độn căn đời Mạt dễ khởi lên tri kiến đoạn diệt, hủy phá giới pháp, quên mất giáo thừa, cho Như Lai là vô thường, ham thích đọc tụng sách vở, kinh điển của ngoại đạo, nên đánh mất cả giáo pháp lẫn giới luật. Vì thế, trong kinh Niết Bàn, đức Phật giảng giải cặn kẽ giới luật để phù trợ giới môn (phù luật), cũng như nói đến lý Phật tánh thường trụ (đàm thường) nhằm phụ trợ giáo thừa.

[9] Thích kinh: giải thích tường tận ý nghĩa kinh theo từng câu, từng đoạn. Còn tông kinh là chỉ chú trọng giải thích pháp được giảng dạy, được đề cao bởi bộ kinh đó. Chẳng hạn, Thập Địa Kinh Luận là thích kinh, Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá (Vãng Sanh Luận) là tông kinh.

[10] “Tượng” nghĩa là thợ cả, thợ khéo. Ví như thợ khéo chế thành đồ dùng hữu ích, khéo léo, nên bậc tôn đức hoằng dương đạo pháp khiến cho giáo pháp được hoằng truyền mạnh mẽ, chúng sanh được lợi ích vô cùng sẽ được gọi là “pháp tượng” hoặc “tông tượng”.

[11] Phùng Đạo (822-954), tự là Khả Đạo, sanh vào năm Trung Hòa thứ hai đời Đường Hy Tông, mất năm Hiển Đức nguyên niên đời Hậu Châu. Ông này làm quan suốt năm triều đại thuộc tám dòng họ khác nhau, trải qua mười ba đời vua, nên những sử gia thời cổ thường gọi ông ta là hạng “thò lò muôn mặt”. Theo Ngũ Đại Hội Yếu, trước đó đã có những kỹ thuật khắc ván để ấn loát lẻ tẻ trong dân gian, chứ đa phần vẫn sử dụng lối chép tay. Những kinh điển quan trọng của Nho gia được các vương triều cho khắc lên đá, gọi là Thạch Kinh, nổi tiếng nhất là Khai Thành Thạch Kinh. Tháng Hai năm Trường Hưng thứ ba (933) đời Hậu Đường, Tể Tướng Phùng Đạo dâng sớ kiến nghị triều đình đứng ra triệu tập những Nho sĩ học rộng sao chép lại những bản thạch kinh thật cẩn thận bằng lối chữ Khải cho thật dễ đọc, rõ ràng, giảo chánh kỹ càng, trước khi tuyển thợ khéo khắc những bản kinh ấy lên gỗ, để in ra với số lượng lớn ban cho các châu huyện. Do ảnh hưởng của việc này, việc ấn loát bằng phương pháp mộc bản được tổ chức quy mô và nề nếp, đồng thời xuất hiện những nhà in chuyên nghiệp, khiến cho sách vở được in với giá rẻ hơn, số lượng nhiều hơn, đồng thời những kinh điển được tiêu chuẩn hóa.

[12] Điều rất lạ lùng là sử sách không ghi chép gì thân thế, hành trạng của ni sư Hoằng Đạo ngoài chuyện Ngài chặt tay cúng dường pháp. Một số tài liệu cho biết ni sư Hoằng Đạo, pháp danh là Pháp Trân, pháp tự Hoằng Đạo, do thấy kinh tạng bị thất lạc sai sót, đã không tiếc công sức vận động, quyên mộ khắc in Đại Tạng. Vào khoảng năm Bảo Khánh thứ nhất đời Tống Lý Tông, ni sư Hoằng Đạo đã mời tứ chúng đến tuyên nói công đức in kinh để mạng mạch Phật pháp được lưu truyền, rồi đối trước đại chúng tự chặt tay trái để cúng dường khiến tứ chúng hết sức cảm động hết lòng hỗ trợ công việc ấn loát. Tuy vậy, theo Nguyên Nhất Thống Chí, Thuận Thiên Phủ Chí, quyển một, thì Hoằng Đạo và Pháp Trân là hai vị khác nhau, nhưng đều cùng chặt tay để kêu gọi in Đại Tạng Kinh, bản của Pháp Trân là Kim Tạng (Đại Tạng Kinh được in dưới đời Kim), còn bản của ni sư Hoằng Đạo là Tích Sa Tạng. Cũng theo sách ấy, ni sư Pháp Trân thọ giới tại chùa Thánh An ở Yên Kinh (Bắc Kinh), chùa này được đổi tên thành Đại Diên Thánh Tự trong niên hiệu Tuyên Thống đời Kim Hy Tông, còn ni sư Hoằng Đạo thì trụ trì chùa Tích Sa, chùa này có tên cũ là Diên Thánh Thiền Viện, nên hai vị này thường bị đồng nhất với nhau.