Lời bạt cho bản Thạch Ấn bài Tâm Kinh chép bằng lối chữ thảo của vị Tăng lạ lùng là Thủ Tùng
(do chữ viết liên tiếp nhau, không tách ra được nên chưa in)
Kinh văn này tuy giản lược nhưng nghĩa lý cực rộng sâu, Tánh – Tướng dung thông, Chân – Tục cùng mất! Vạn pháp sâm la nhưng nhất đạo thanh tịnh. Do vậy hễ khởi Quán Chiếu thì xóm làng Ngũ Uẩn nhanh chóng trống rỗng, Thật Tướng phô bày trọn vẹn, sanh lên bờ kia Tứ Đức. Nói đến sự rộng lớn của kinh thì dù cạn hết biển mực cũng chẳng thể thuật hết nghĩa đó. Nói đến sự tinh vi thì tìm lấy một chữ cũng trọn chẳng thể được! Chí viên, chí đốn, tối diệu, tối huyền. Đúng là thầy của chư Phật, là mẹ của Bồ Tát, là cốt lõi của sáu trăm quyển Bát Nhã[1], là cương tông của toàn bộ Đại Tạng thánh giáo. Ấy là vì đức Đại Giác Thế Tôn xét căn cơ thuyết pháp, trí huệ tự tại, hoặc nói rộng, hoặc nói lược, diệu lý đều trọn đủ. Ví như vầng trăng vằng vặc giữa trời, hiện bóng trong những chỗ có nước. Không riêng gì sông to biển cả đều hiện trọn vẹn bóng trăng, mà nhỏ như một chước, một giọt, không đâu chẳng đều hiện trọn vẹn bóng trăng, chẳng hề khiếm khuyết. Cao quý thay, đẹp đẽ thay! Do chúng sanh có đủ diệu tâm “chúng sanh – Phật bình đẳng” nên cảm được đức Như Lai nói kinh mầu nhiệm Chân Không Thật Tướng này! Vì thế, từ thời Đường đến nay, văn nhân danh sĩ thường hay biên chép, trì tụng, có nhiều người đọc đến mấy ngàn vạn lần.
Vị Tăng lạ lùng là Thủ Tùng muốn viết kinh này hòng nạp vào trong tám thức điền của mọi người để tạo chủng tử thành Phật trong tương lai, nên bèn vận dụng thần bút tuyệt diệu chẳng thể nghĩ bàn biên chép lưu thông. Bạn bè được tặng tờ thiếp ấy, muốn đem in thạch bản để lưu truyền rộng rãi. Lại sợ [người đọc] chưa thể nhận hết [mặt chữ] nên chép thêm kinh văn theo lối chữ Khải trong phần sau. Do vậy, tôi bèn viết lời Bạt gồm mấy câu ngõ hầu mình lẫn người đều xa lìa điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết Bàn. Phải biết: Kinh này ở tại đâu thì Phật ở nơi đó, tiêu trừ nghiệp chướng, được nhiều tốt lành. Phải nên dốc lòng cung kính cúng dường, thọ trì, đọc tụng, chớ nên khinh nhờn kẻo phải chuốc lấy tội lỗi, ắt sẽ độ hết thảy khổ, thành vô thượng đạo giống như đưa tờ bằng khoán ra lấy lại vật cũ vậy!
***
[1] Kinh Đại Bát Nhã (Mahā-prajñāpāramitā-sūtra) gồm 600 quyển, do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường. Trong Đại Tạng Kinh, kinh này chiếm hết ba phần tư hệ thống Bát Nhã. Có thể nói, kinh này là một bộ đại tập thành của toàn bộ những kinh văn thuộc hệ thống Bát Nhã. Trước thời ngài Huyền Trang, đã có những bản dịch một phần kinh Bát Nhã như Kim Cang Bát Nhã, Phóng Quang Bát Nhã, Tiểu Phẩm Bát Nhã, Đạo Hành Bát Nhã, Đại Phẩm Bát Nhã v.v… Do vậy, ngài Huyền Trang bèn tập hợp các bản dịch, so sánh với ba thứ bản gốc tiếng Phạn, sai các vị Gia Thượng, Đại Thừa Khâm, Đại Thừa Quang, Huệ Lãng, Khuy Cơ làm Bút Thọ (ghi chép bản dịch), Huyền Trắc, Thần Phưởng làm Xuyết Văn (nhuận sắc sửa đổi câu văn cho hoàn chỉnh, đẹp đẽ), Huệ Quý, Thần Thái, Huệ Cảnh làm nhiệm vụ Chứng Nghĩa để cùng với Ngài dịch lại kinh này tại chùa trong cung Ngọc Hoa, từ tháng Giêng năm Hiển Khánh thứ năm (660) đời Đường Cao Tông đến tháng Mười năm Long Sóc thứ ba (663) mới dịch xong. Tháng Hai năm sau, tuân theo lời thỉnh cầu của Tăng chúng, Ngài cầm bút dịch được mấy trang kinh Bảo Tích bèn ngừng vì biết lúc thị tịch đã đến. Toàn kinh Đại Bát Nhã chia thành mười sáu hội được giảng tại bốn chỗ (núi Linh Thứu ở thành Vương Xá, vườn Cấp Cô Độc, cung trời Tha Hóa Tự Tại và Trúc Lâm tinh xá thuộc thành Vương Xá). Các hội thứ 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15, 16, tổng cộng bảy hội là do ngài Huyền Trang dịch mới, gồm 481 quyển. Bảy hội kia là bản dịch lại những bản cựu dịch.
Hội thứ nhất tương ứng với Phạn Bản là bộ Thập Vạn Tụng Bát Nhã (Śatasāhasrikā-prajñāpāramitā). Hội thứ hai tương ứng với bộ Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã (Pañcavijśatisāhasrikā-prajñāpāramitā) của Phạn Bản. Các bản Hán dịch biệt xuất từ hội này là kinh Quang Tán Bát Nhã, Phóng Quang Bát Nhã, và Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh (27 quyển). Hội thứ tư tương ứng với Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasāhasrikā-prajñāpāramitā), các kinh biệt xuất là Đạo Hành Bát Nhã của ngài Chi Lâu Ca Sấm, Đại Minh Độ Kinh của ngài Chi Khiêm đời Ngô, Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh của ngài Cưu Ma La Thập, Phật Mẫu Xuất Sanh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa của ngài Thi Hộ. Hội thứ sáu giống với kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật do ngài Nguyệt Bà Thủ Na dịch vào đời Trần. Hội thứ bảy tương ứng với Thất Bách Tụng Bát Nhã (Saptaśatikā-prajñāpāramitā) của Phạn Bản. Hội này chính là bản dịch khác của kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa do ngài Tăng Già Ba La dịch và kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa của ngài Mạn Đà La Tiên dịch vào đời Lương (chép trong kinh Đại Bảo Tích). Hội thứ tám chính là bản dịch khác của kinh Nhu Đạo Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phần Vệ Kinh do ngài Tường Công dịch vào đời Tống. Hội thứ chín là kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa. Hội này chính là bản dịch khác các kinh cùng mang tên Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa do các ngài Cưu Ma La Thập, Bồ Đề Lưu Chi, Chân Đế cũng như Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Đa do ngài Cấp Đa dịch, kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào thời Đường. Hội thứ 10 tương ứng với kinh Lý Thú Bát Nhã (Prajñāpāramitā-naya-śatapañcāśatikā), chính là bản dịch khác các kinh Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật Kinh do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch, Đại Nhạo Kim Cang Bất Không Chân Thực Tam Ma Da do ngài Bất Không dịch, kinh Năng Chiếu Bát Nhã Ba La Mật do ngài Thi Hộ dịch v.v… Những hội còn lại không còn Phạn bản, chỉ còn bản dịch tương ứng bằng tiếng Tây Tạng. Ngoài bản dịch của ngài Huyền Trang, Tâm Kinh còn có sáu bản dịch khác nhau:
- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh do Cưu Ma La Thập dịch.
- Bát Nhã Ba La Mật Đa Na Đề Kinh do Bồ Đề Lưu Chi dịch.
- Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh do Bát Nhã và Lợi Ngôn dịch.
- Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh do Pháp Nguyệt dịch.
- Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh do Trí Huệ Luân dịch.
- Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh do Thi Hộ dịch.
Trong số này, bản của Ngài Thi Hộ có ghi đầy đủ nơi xứ thuyết kinh, đương cơ của pháp hội, nhưng lời văn không được cô đọng, trau chuốt, đặc sắc như bản dịch của ngài Huyền Trang.