Lời bạt cho bài văn bia ngự chế của Thanh Thế Tông ở chùa Pháp Vũ tại Phổ Đà

(năm Ất Mão, viết thay cho ông Triệu Hy Y)

Thanh Thế Tông Hiến Hoàng Đế (Ung Chánh) xưa đã trồng cội đức, thừa nguyện tái lai, thâm nhập Kinh Tạng, thấu đạt thẳng vào nguồn Thiền, Tông – Thuyết đều thông, ngộ chứng gần như cùng cực, thông hiểu đạo tân truyền của Linh Sơn, Tứ Thủy, xiển dương diệu đạo “tâm chính là Phật”. Từ khi pháp truyền sang Chấn Đán, hai ngàn năm qua, trong các bậc hoàng đế, Ngài quả là bậc nhất. Nếu chẳng phải là bậc đã chứng Pháp Thân từ lâu, thị hiện trong đời Mạt này, ở trong cõi tục hiểu thấu lẽ chân, rộng độ hàm thức thì sao có thể được như vậy! Phật pháp lợi khắp chúng sanh, Đại Sĩ tùy cơ ứng theo lòng cảm rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không. Nếu không có đại trí huệ sẽ chẳng thể hình dung. Thanh Thế Tông cực lực phát huy những nghĩa lý như mưa đúng thời nhuần thấm muôn vật, có thể nói là khéo léo khế hợp tâm Phật, khó thể thí dụ được! Trước kia, tôi đã đọc sách Chiết Giang Thông Chí thấy bài văn bia này, khôn ngăn khâm phục. Sách Định Hải Sảnh Chí cũng chép đầy đủ. Mùa Xuân năm nay đến lễ Đại Sĩ, thấy trước tấm bia thờ một tượng Phật bằng ngọc, bia bị khám thờ che khuất nên chẳng thể xem rõ được. Là vì khi tượng Phật bằng ngọc được rước đến, được thờ tạm trước bia. Sau do không đất lập điện [thờ riêng], bèn thờ tượng vĩnh viễn ở đó. Tra trong Sơn Chí, lại thấy thiếu mất bản văn bày, buồn rầu khôn xiết. Nhân đó, cầm đuốc cung kính chép lại, bèn xin vị chủ chùa cho khắc vào bản gỗ, treo trong đình. Lại khắc kèm vào bản khắc ván của Sơn Chí, thuật hết duyên khởi ngõ hầu các vị quân tử trong tương lai đều được thấm nhuần mưa pháp, cùng chứng chân thường!