Lời bạt cho sách Phạm Võng Kinh Tâm Địa Phẩm Bồ Tát Giới Sớ Chú Tiết Yếu

Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không. Luận đến chỗ thiết yếu thì chỉ có ba pháp Giới – Định – Huệ mà thôi! Nhưng ba pháp này dung nhiếp lẫn nhau, chẳng thể đứng tách ra một mình được! Sơ tâm nhập đạo thì trì giới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Do vậy, kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ. Đấy gọi là Tam Vô Lậu Học”. Do vậy, lúc đức Như Lai mới thành Chánh Giác, liền nói Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới để hết thảy Bồ Tát cùng chư thiên Thích Phạm, và vua quan, nhân dân dù Tăng hay tục cho đến đào kép, nô tỳ, hết thảy chúng sanh trong ba ác đạo đều cùng thọ trì. Do vậy, biết Giới này chính là lò luyện lớn lao để Như Lai nung phàm luyện thánh vậy.

Ấy là vì lục đạo chúng sanh tuy tôn – ty, sang – hèn khác nhau, đủ mọi thứ bất đồng, nhưng nhất niệm tâm tánh chẳng hai, chẳng khác gì tam thế chư Phật. Chỉ vì thiện – ác đời trước mỗi người mỗi khác nên đời này quả báo bất đồng! Đức Như Lai chỉ nhìn vào Bổn, chẳng bận tâm đến Tích, do vậy, khuyên khắp mọi người thọ trì. Nếu có thể y giáo phụng hành thì ác nghiệp đời trước sẽ nhanh chóng tiêu trừ, phước huệ đời này mau được viên mãn. Thoạt đầu hiểu rõ vọng chính là chân, kế đó chỉ có chân không vọng, tự có thể khôi phục nguồn tâm, tự chứng diệu tánh. Vì thế nói: “Chúng sanh nhận lãnh giới của Phật liền nhập vào địa vị chư Phật, địa vị giống với Đại Giác rồi, thật sự là con của chư Phật”. Lại nói: “Các ông là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành, thường tin tưởng như thế thì Giới Phẩm được đầy đủ”. Đây chính là lời đảm bảo cho hết thảy chúng sanh từ chính kim khẩu của đức Như Lai, há chẳng đáng tin ư?

Cư sĩ Vô Danh xưa đã trồng cội đức, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, muốn cho mình lẫn người cùng thoát luân hồi, bèn chọn lấy những chỗ thiết yếu trong các trước thuật Tịnh Độ soạn thành sách Tịnh Độ Tân Yếu (những điều chỉ bày trọng yếu về Tịnh Độ), ông lại soạn cuốn Tục Biên của sách ấy, tính đem kinh Phạm Võng đặt ở đầu sách. Lại vì kinh văn sâu xa, uyên áo chẳng dễ suy lường hời hợt được, khai – giá – trì – phạm[1] khó thể hiểu rõ; nếu không chú giải quả thật khó thể lợi ích rộng khắp. Do vậy, ông bèn chọn trích những điểm trọng yếu từ sách Phạm Võng Kinh Chú Sớ giản lược của ông Trần Hy Nguyện đời Thanh khiến cho dù văn hay nghĩa vừa xem đến bèn được hiểu rõ.

Muốn hoằng dương Tịnh Độ sao lại đặt kinh Phạm Võng lên đầu? Ấy là vì muốn sanh về Tịnh Độ thì phải tịnh được cái tâm. Hễ tâm tịnh cõi Phật sẽ tịnh! Muốn tịnh cái tâm, không thể nào không trì tịnh giới của Phật! Nếu trì giới thì tâm tham – sân – si sẽ chẳng hiện hành, đạo Giới – Định – Huệ được triệt để phơi bày trọn vẹn, hằng sa công đức, vô lượng diệu nghĩa chẳng cầu tự được, đều hiện trong tâm. Do vậy, nói: “Giới chính là pháp giới, hết thảy pháp quy về Giới, còn gì hơn được”. Huống chi lại thêm chân tín nguyện thiết, chấp trì vạn ức hồng danh của A Di Đà Phật thì cái tâm Năng Niệm và đức Phật được niệm sẽ thầm khế hợp. Trong đời này tâm – Phật đã chẳng hai, lâm chung không sanh Tịnh Độ thì sanh về đâu đây? Nếu như căn cơ kém hèn, chưa thể được như thế, nhưng nghiêm trì giới luật của Phật để thanh tịnh thân tâm, thật sự vì sanh tử, phát tâm Bồ Đề, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật, đến khi lâm chung cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Dẫu là kẻ đới nghiệp vãng sanh cũng đã vĩnh viễn thoát luân hồi, cao siêu tam giới, luôn thân cận Phật Di Đà, nhanh chóng chứng được Pháp Thân, huống gì người nghiệp đã tận, tình đã không ư?

Có những kẻ tự khoe cao minh, miệt thị giới luật và Tịnh Độ, nói: “Tự tánh thanh tịnh, nào có thiện – ác, trì – phạm, ta – người, sạch – nhơ, chỉ mặc sức thiên chân mới chính là Như Như Phật”. Từ đó, miệng xoen xoét nói Không, nhưng chuyện gì cũng Có! Nghe lời lẽ thì cao minh vượt khỏi chín tầng trời, xét đến hành vi tệ hại sâu lún chín tầng đất! Sống làm phường bại hoại trong pháp môn, chết làm chủ nhân cõi Nê Lê (địa ngục). So với những người đới nghiệp vãng sanh thì lấy trời và đất để sánh ví vẫn chẳng thể đủ để diễn tả sự sướng và khổ được; huống gì so sánh với những bậc cao hơn! Những ai muốn được lợi ích thật sự ngay trong đời này, lâm chung quyết định vãng sanh, xin hãy thật sự thực hành bằng việc trì giới niệm Phật, sẽ chẳng uổng công đâu!

***

[1] Khai giá trì phạm là thuật ngữ trong Luật Học Phật Giáo: Khai là có trường hợp vi phạm giới cấm nhưng không bị coi là phạm giới, Giá có nghĩa là ngăn cấm. Trì là vâng giữ, Phạm là vi phạm. Chẳng hạn như nói dối là phạm giới, nhưng trong nhiều trường hợp phải nói dối để cứu người thì không phạm giới.