LỄ PHẬT ĐẦU XUÂN
VU GIA

 

Lễ Phật Đầu Xuân

Quán Kinh có viết: “Tâm này là Phật”, nghĩa là tất cả chúng sinh vốn là Phật, nên ai cũng có thể thành Phật nếu biết giải mê, khai ngộ. Chính vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu thành chánh quả, đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Chuẩn bị cho mấy ngày đầu xuân, nhân dân ta thường chuẩn bị cả tháng trước, với hy vọng có một năm mới tốt lành, đẹp đẽ, lung linh như hoa, trái mùa xuân. Mở đầu bài hát Chùa và xuân (Lời: Phạm Thị Yến. Nhạc: Xuân Trí), có đoạn: “Mùa xuân đến, muôn hoa đua nở/ Mùa xuân đến, con đi lễ chùa vào chùa vái Phật linh thiêng/ Mùa xuân đến, hát ca reo mừng/ Mùa xuân đến, múa vui rộn ràng/ Hương tâm ngát hương đón xuân về”. Phật là bậc giác ngộ. Sau khi giác ngộ, Ngài Thích Ca Mâu Ni thấy rõ manh mối lôi cuốn con người trôi lăn trong dòng sanh tử và biết tột cùng con đường giải thoát sanh tử. Do đó, Ngài chỉ dạy lại cho chúng sinh con đường giải thoát khỏi bể khổ trần gian, chứ không ban phúc, giáng họa cho ai. Vậy làm gì có “Phật linh thiêng”? Nói “Phật linh thiêng” là trái với bản chất đạo Phật.

Cung kính hết thảy

Suy nghĩ vậy không sai, nhưng đối với người Việt Nam từ xưa đến nay thì không đúng lắm. Văn bản viết về đạo Phật đầu tiên ở nước ta là cuốn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, viết vào những năm cuối thế kỷ thứ II, có đoạn Mâu Tử trả lời một số thắc mắc của người đương thời:

“Hỏi: Sao chính gọi là Phật? Phật có nghĩa gì?

Mâu Tử đáp: – Phật là hiệu thụy vậy, như gọi ba vua thần, năm đế thánh. Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn đươc, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy”1.

Phật trong lòng nhân dân là thế. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam cung kính tất thảy, từ Ông Bình Vôi đến Ông Táo, Ông Cọp, Ông Mốc, kể cả… Ông Tý, chứ nói chi đến chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh, chư Thần.

Khi qua truyền giáo ở Việt Nam, Linh mục người Pháp Léopold Cadière cũng nhìn ra nhân dân Việt Nam, “Họ không có ý niệm về một Đấng Tối thượng; họ sống không có Chúa. Nhưng nếu tôn giáo là tín ngưỡng, là sự thực hành tín ngưỡng mật thiết ảnh hưởng trong ứng xử đời sống, tin vào một thế giới siêu nhiên, thì phải nhìn nhận rằng dân Việt có tâm tình tôn giáo ở cấp độ rất cao.

Có thể nói rằng người Việt luôn sống trong siêu nhiên. Họ thấy nơi nơi đều có ảnh hưởng của những sức mạnh thần thiêng bí ẩn đang tác động đến đời sống của mình, lành cũng như dữ. Bất cứ người Việt nào, thuộc giai tầng xã hội nào, đều dấu ấn thâm sâu trong cái siêu nhiên ấy”2.

Qua Tịnh Độ Đại Kinh, Lão Pháp sư Tịnh Không cũng có giảng rằng: “Phật pháp giảng khá nhiều quan hệ! Quan hệ giữa con người và các chiều không gian khác nhau. Trong các chiều không gian khác biệt lại có sinh vật, còn có mối quan hệ giữa con người và hoa cỏ, đó là mối quan hệ thực vật. Quan hệ giữa con người và núi, sông, đại địa; quan hệ giữa con người với trọn khắp pháp giới, hư không giới. Luân lý được giảng hết sức rộng!

Sau khi đã biết quan hệ, đức Phật sẽ dạy cho chúng ta một tâm thái: Cung kính hết thảy! Quý vị thấy sám nghi trong Phật pháp vừa mở đầu bèn: “Nhất tâm đảnh lễ, nhất thiết cung kính” (Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy cung kính). Chúng ta cung kính hoa, cỏ, cây cối, cung kính núi, sông, cung kính vạn pháp trong vũ trụ, không có gì chẳng dùng tâm cung kính”3.

Do vậy, “Mùa xuân đến, con đi lễ chùa vào chùa vái Phật linh thiêng” như lời bài hát đã dẫn, không đi ngược lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tâm này là Phật

“Cúi đầu, con lạy Đức Phật Thích Ca/ Cầu cho gia đình mạnh khỏe/ Cầu cho con cháu chăm ngoan/ Cầu chúc luôn may mắn đến với mọi nhà/ Cầu cho đất nước bình an, nhà nhà an vui, mùa màng thắng lợi/ Mùa xuân ấm êm, thuận hòa, mong một năm ngập tràn yêu thương”… (Chùa và xuân).

Những cầu mong ấy là những ước nguyện đơn giản mà cơ bản nhất của con người. Gia đình không mạnh khỏe, thì làm sao vui được. Con cháu không chăm ngoan, chẳng khác nào tai họa ập đến cho gia đình. Dù anh giàu nứt vách đổ tường, dù anh có quyền nghiêng thiên hạ, mà con cháu chẳng ra gì thì những sự giàu có ấy, quyền lực ấy cũng vứt đi, bởi khi ra đi, ai cũng ra đi với hai bàn tay trắng, chẳng có phép thần thông nào giúp anh mang theo của cải, mang theo quyền lực. Nói theo suy nghĩ của dân gian, gia đình có con cháu như thế là bạc phước, chẳng nên mong. Con cái là tương lai của cha mẹ. Cha mẹ là quá khứ của con cái. Do vậy, khi cha mẹ nhìn tới tương lại thấy tươi sáng là hạnh phúc nhân đôi.

Con cái trưởng thành, nhìn lại quá khứ, không thấy xấu hổ là niềm tự hào gấp bội. Vì thế, những ngày hụp lặn trong bể khổ cõi Ta bà này, chúng ta hãy gắng tu phước.

“Cầu chúc luôn may mắn đến với mọi nhà/ Cầu cho đất nước bình an, nhà nhà an vui, mùa màng thắng lợi”. Đây là tâm Phật, tâm Bồ tát. Mình may mắn, người người cũng may mắn như mình mới thấy đời vui. Mình bình an, gia đình bình an, đất nước bình an, nhà nhà an vui, mùa màng thắng lợi, mới là viên mãn. Phật tại tâm, và chính những ước mong thật lòng này, mới là tâm Phật. Kinh Tịnh Độ, ghi: “Tâm này là Phật. Tâm này làm Phật”. Quán Kinh cũng có viết: “Tâm này là Phật”, nghĩa là tất cả chúng sinh vốn là Phật, nên ai cũng có thể thành Phật nếu biết giải mê, khai ngộ. Chính vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi tu thành chánh quả, đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Một khi “Tâm này là Phật. Tâm này làm Phật”, thì đừng trách ai, hay buồn ai vì họ khác mình, nhất là ở niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là
Phật sẽ thành”, thì Đức Chúa Trời cũng nói: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lê-vi 19:2; Phi-rơ 1:15-16). Các thần, thánh khác cũng cứu giúp con người vượt qua khổ nạn, có cuộc sống yên vui, chứ chẳng ai hại người. Chính vì vậy, con người mới “Nhất tâm đảnh lễ, nhất thiết cung kính”, chứ chẳng dễ gì lừa được con người hết đời này đến đời khác. Nếu chẳng qua có chỗ “vênh” nào đó, chẳng qua tâm bị mê, chúng ta phải thương cho tâm phàm phu vậy. Nếu ai ai cũng là Phật, là Chúa, là Thánh, là Thần cả thì làm gì có tôn giáo, tín ngưỡng, làm gì có khổ đau, có nguyện cầu.

Như chúng ta đã biết, “Nếu Nho giáo phải đến thời Lý mới được thừa nhận thì Đạo giáo hòa trộn với tín ngưỡng ma thuật đến mức không còn ranh giới. Từ Trung Quốc vào Việt Nam, Đạo giáo cũng vẫn giữ hai phái là Đạo giáo nhân gian thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, thần Trấn Vũ (Huyền Vũ), Quan Thánh Đế Quân. Bên cạnh đó, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo còn thờ nhiều vị thần thánh khác của người Việt như Đức thánh Trần, Thánh mẫu Liễu Hạnh, cùng với Tam Phủ, Tứ Phủ, cho thấy sự hòa quyện giữa Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”4.

Trong kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: “Ly nhứt thiết tướng thị danh thực tướng”, nghĩa là trên bước đường công phu tu tập, nếu không có lòng cố chấp, tâm chấp chặt, biết lìa bỏ tất cả các hình tướng bên ngoài, kể cả việc chấp chặt các pháp môn, tông phái, chúng ta sẽ giác ngộ được thực tướng, đó chính là bản tâm thanh tịnh mà tất cả mọi chúng sanh đều đồng nhau, không khác.

Nói một cách khác, không chấp tướng, chúng ta sẽ thành tựu viên mãn việc tu tâm.

Từ suy nghĩ trên, tôi cũng cầu mong “Mùa xuân ấm êm, thuận hòa, mong một năm ngập tràn yêu thương” như lời bài hát. Và những ngày đầu xuân này, chúng ta hãy cùng tụng niệm 3 lần câu chú cuối cùng trong Bát nhã tâm kinh: “Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề tát bà ha” (Cố lên, cố lên, cố lên tí nữa, cố lên thêm tí nữa, bờ giác đã đến rồi, ha… ha… ha… ha…(cười sảng khoái).