KINH XUẤT GIA CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Mất tên người dịch, nay phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa tại nước Tỳ-xá-ly. Lúc này, đến giờ thọ trai, Đức Phật vào thành khất thực.

Bấy giờ, trong thành Tỳ-xá-ly có một Lê-xa tên Tỳ-la-tiện-na (ý dịch là Dũng quân). Ví như và các Thiên nữ đồng vui đùa, thì vương tử này và các thể nữ ở trên lầu vui chơi, đắm đuối trong sắc dục cũng lại như vậy. Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng Nhất thiết trí nghe rõ âm thanh hoan lạc ấy rồi bảo Tôn giả A-nan:

–Ta biết người này tham đắm năm thứ dục lạc, sau bảy ngày nữa thì mạng chung. Như vậy, anh ta sẽ xa lìa mọi sự hoan lạc bên người thân, nhất định phải chết. A-nan! Nếu người này không bỏ dục lạc, không xuất gia thì khi mạng chung có thể bị đọa vào địa ngục.

Khi đó vâng lời chỉ dạy của Đức Phật, muốn đem lại lợi ích cho vương tử ấy, nên Tôn giả A-nan đi đến nhà anh ta. Vương tử nghe Tôn giả A-nan ở bên ngoài, liền đi ra nghênh đón, do tâm tôn kính nên thỉnh Tôn giả A-nan vào nhà an tọa. Tôn giả A-nan vừa an tọa thì vương tử cung kính thưa:

–Quý hóa thay! Người bạn tốt đã đến đây. Hôm nay, thật đúng lúc, tôi gặp được Tôn giả là hết sức vui mừng. Nếu Tôn giả hoan hỷ, có thể dạy bảo tôi về giáo pháp của Phật, giúp tôi được an lạc.

Vương tử thưa thỉnh ba lần như vậy. Tôn giả A-nan vì muốn cho vương tử được nhiều lợi ích nên im lặng không nói. Vương tử lại thưa:

–Đại tiên Tỳ-đà-a Mâu-ni, luôn tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, có hiềm hận gì mà mặc nhiên không nói. Không thấy bảo ban gì dù đã thưa đến lần thứ ba. Tôn giả là người giữ gìn pháp tạng của Phật, luôn đem lại lợi ích cho thế gian.

Tôn giả A-nan buồn bã nói:

–Xin hãy lắng nghe! Sau bảy ngaỳ nữa bạn sẽ qua đời. Nếu bạn cứ ở mãi trong năm dục không giác ngộ, không xuất gia tu tập thì khi mạng chung bạn sẽ bị đọa vào địa ngục. Phật là Bậc Nhất Thiết Trí, lời nói đúng đắn, thuyết giảng đúng đắn, đã nói về bạn như thế. Ví như ngọn lửa thiêu đốt mọi vật, thảy đều không sai, bạn nên suy nghĩ cho kỹ.

Vương tử nghe nói vậy thì lo sợ, buồn rầu, không vui, nói:

–Theo lời chỉ dạy của Tôn giả A-nan, tôi phải xuất gia, nhưng tôi muốn thọ hưởng hoan lạc thêm sáu ngày nữa, đến ngày thứ bảy tôi sẽ giã từ người thân, quyết định xuất gia. Tôn giả A-nan đồng ý.

Đến ngày thứ bảy, Tỳ-la-tiện-na sợ sinh tử nên cầu Phật xuất gia, Đức Phật liền chấp thuận. Qua một ngày một đêm, Tiện-na tu trì tịnh giới rồi mạng chung. Sau khi lo liệu việc hỏa thiêu và cung kính xong, Tôn giả A-nan cùng họ hàng của Tiện-na đến hỏi Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Tỳ-la-tiện-na ấy nay đã mạng chung, thần thức sinh về đâu?

Bấy giờ, Đức Phật Thế Tôn bậc Thầy của hàng trời người, Bậc Nhất Thiết Trí dùng đại Phạm âm hơn tiếng sấm vang, hơn các tiếng hót vi diệu của chim Ca-lăng-tần-già, đã dùng tám thứ âm thanh bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Tỳ-kheo Tỳ-la-tiện-na ấy do sợ khổ của sinh tử nơi địa ngục nên đã xả bỏ dục lạc xuất gia, trong một ngày một đêm hạnh trì tịnh giới, xả bỏ cõi đời này, sinh về cõi trời Tứ Thiên vương, làm con Thiên vương Tỳ-sa-môn ở phương Bắc. Vốn buông tâm thọ hoan lạc nơi năm duc , cũng tham đắm với năm dục nơi các thể nữ cùng vui chơi thọ lạc, thọ mạng ở cõi trời này là năm trăm năm, qua đời thì sinh về cõi trời Tam thập tam, làm con Đế Thích thọ hưởng đầy đủ năm dục, sung sướng bậc nhất nơi cõi trời, thọ mạng một ngàn năm, sau khi mạng chung được sinh nơi cõi Diệm thiên làm vương tử của Diệm Thiên vương, buông tâm thọ hưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc nơi cõi trời, thọ mạng hai ngàn năm, qua đời ở đây thì sinh về cõi trời Đâu-suất làm vương tử, tiếp tục thọ hưởng năm dục. Khi mắt thấy rõ về tướng dục, tâm tự nhàm chán, thường bàn luận về chánh pháp, về trí tuệ giải thoát. Nơi cõi trời có tuổi thọ hơn hết, mãn bốn ngàn năm, mạng chung sinh lên cõi trời Tự tại, làm con của Thiên vương, lại thọ hưởng vô số các thứ dục lạc, ứng hóa theo tâm niệm kéo dài tám ngàn năm, qua đời thì sinh về cõi trời Tha hóa tự tại, cũng được làm con Thiên vương. Cõi trời thứ sáu này, mọi dục lạc ở đây thì năm cõi trời phía dưới đều không thể so sánh. Thọ mạng nơi cõi trời này là một vạn sáu ngàn năm, với đủ loại dục lạc bậc nhất trong sáu cõi trời. Thọ lạc như vậy qua lại bảy lần trong sáu tầng trời cõi Dục. Tỳ-la-tiện-na ấy do một ngày một đêm xuất gia hành trì tinh tấn nên mãn hai mươi kiếp, không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thường sinh nơi cõi trời, cõi người, thọ phước báo tự nhiên. Kiếp sau cùng nơi cõi người sinh vào nhà giàu có, tài sản phong phú, châu báu đầy đủ. Khi tuổi tráng niên đã qua, các căn suy yếu, lo sợ họa hoạn nơi sinh, lão, bệnh, tử, nên Tiện-na nhàm chán ở đời, xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thân mang pháp phục, siêng năng tinh tấn tu tập, giữ bốn oai nghi, thường hành chánh niệm, quán xét về năm ấm là khổ, không, vô ngã, hiểu rõ về pháp nhân duyên, thành Bích-chi-phật hiệu là Tỳ Lưu Đế, lúc ấy phóng hào quang lớn, có nhiều chư Thiên, người phát sinh thiện căn, khiến cho các chúng sinh gieo trồng nhân duyên giải thoát nơi ba thừa.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan chắp tay bạch:

–Kính bạch Thế Tôn! Nếu có người hóa độ cho kẻ khác xuất gia, người xuất gia ấy tu tập hoàn thành được mọi việc cần thiết thì phước đức đạt được như thế nào? Nếu lại có người hủy phá nhân duyên xuất gia của người khác thì thọ tội báo gì? Xin Thế Tôn chỉ dạy rõ.

Phật bảo:

–Này Tôn giả A-nan! Nếu ông sống đủ trong một trăm năm để hỏi ta việc này, ta cũng dùng trí tuệ vô tận đủ trong một trăm năm, trừ những lúc ăn uống, để vì ông mà giảng nói rộng về công đức của người ấy vẫn không thể hết được. Người do luôn được sinh nơi cõi trời, cõi người, thường làm quốc vương, thọ hưởng mọi sự an lạc. Nếu có người, đối với pháp Sa-môn ấy giúp khiến kẻ khác xuất gia, hoặc lại tạo nhân duyên giúp đỡ kẻ kia xuất gia, thì người đó, dù ở trong sinh tử cũng thường thọ nhận diệu lạc. Dù ta có đủ một trăm tuổi để nói về công đức ấy cũng không thể hết. Như vậy, này Tôn giả A-nan! Ông có đủ một trăm năm dành hết cả tuổi thọ đó để hỏi ta, còn ta sống đến khi nhập Niết-bàn, giảng nói về công đức này cũng không thể hết.

Phật lại bảo Tôn giả A-nan:

–Nếu lại có người phá hoại nhân duyên xuất gia người khác tức là cướp mất kho tàng phước đức, tài sản pháp thiện vô tận, hủy hoại nhân Niết-bàn của ba mươi bảy pháp Bồ-đề. Hoặc có người muốn phá hoại nhân duyên xuất gia thì phải khéo quán sát sự việc như vậy. Vì sao? Vì tội báo đó sẽ bị đọa nơi địa ngục, thường bị mù mắt, thọ khổ cùng cực. Nếu làm súc sinh, khi sinh ra cũng bị mù mắt bẩm sinh. Nếu sinh trong cõi ngạ quỷ, sinh ra cũng bị mù bẩm sinh, bị đọa trong ba đường ác khổ ấy không biết bao giờ mới được giải thoát. Nếu sinh làm người, ngay trong thai mẹ cũng lại bị mù. Này Tôn giả A-nan! Ông ở trong một trăm năm luôn hỏi về nghĩa đó, còn ta cũng trong một trăm năm dùng trí tuệ vô tận giải thích về tội báo ấy cũng không thể hết. Người ấy ở trong bốn cõi sinh ra luôn bị mù mắt. Ta rốt cuộc cũng không thể biết người ấy lúc nào thì được thoát khỏi. Vì sao? Vì đã phá hủy sự xuất gia với vô lượng, vô biên công đức được thành tựu từ sự xuất gia ấy. Do phá thiện duyên ngăn cản sự việc xuất gia như thế, nên phải thọ vô lượng tội. Nếu ở trong tấm kính trí tuệ thanh tịnh này thì giúp họ có được các pháp thiện, giải thoát. Nếu thấy người xuất gia tu trì tịnh giới, hướng đến nẻo giải thoát, mà phá công việc xuất gia của người ấy là tạo chướng ngại lớn, do nhân duyên đó nên sinh ra luôn bị mù, không thấy Niết-bàn là do hủy hoại sự việc xuất gia. Luôn quán về mười hai nhân duyên như vô minh nên được giải thoát. Do phá hoại sự xuất gia, hủy hoại con mắt trí tuệ của họ, nên mắt tuệ của mình bị che mờ, từ đời này qua đời khác sinh ra luôn bị mù mắt không thấy rõ về ba cõi là do tạo chướng ngại đối với sự xuất gia. Người xuất gia nên nhận biết rõ về năm ấm, hai mươi kiến chấp nơi ngã nhân hướng tới chánh đạo, mà phá nhân xuất gia là hủy hoại chánh kiến, do đó sinh ra thường bị mù mắt, không thấy chánh đạo. Người xuất gia nên nhận biết tất cả pháp tụ và trụ xứ của pháp thiện, nên quán xét Pháp thân thanh tịnh của chư Phật. Do phá nhân duyên thiện của việc xuất gia nên sinh ra luôn bị mù mắt, không thể thấy được Pháp thân của Phật. Do nhân nơi người xuất gia đã có đủ hình tướng của bậc Sa-môn cùng trì giới thanh tịnh là hạt giống phước điền nơi Phật đạo, nên nguyên nhân phá hoại sự việc xuất gia ấy thì ở trong pháp thiện bị đoạn tất cả hy vọng. Do tội duyên ấy nên đời đời thường bị mù mắt. Người xuất gia nên khéo quán sát tất cả thân tâm đều là khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh, mà phá hoại người xuất gia ấy, là tạo chướng ngại lớn tức như phá hủy đôi mắt của người đó, phá hủy đôi mắt ấy nên không còn thấy bốn Đạo, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Chánh đạo, hướng đến thành Niết-bàn. Do tội duyên như vậy nên sinh ra luôn bị mù, cho đến không thấy các nẻo Không, Vô tướng, Vô tác thanh tịnh, pháp thiện hướng đến thành Niết-bàn. Vì thế người có trí tuệ biết rõ người xuất gia sẽ thành tựu các pháp thiện như thế, nên không phá hoại nhân duyên của pháp thiện đó, như vậy sẽ không bị tội. Ai hủy phá hoại việc xuất gia của kẻ khác là nhân duyên của vị Sa-môn chánh kiến thì mãi mãi không thể thấy được thành Niết-bàn, sinh ra thường bị mù. Nếu có người nào nơi một cõi khác, xuất gia tu trì tịnh giới hơn một trăm kiếp; lại có người ở nơi cõi Diêm-phù-đề này xuất gia trì giới chỉ trong một ngày một đêm, thậm chí chỉ trong khoảnh khắc xuất gia thanh tịnh thì được mười sáu phần, còn người xuất gia trì giới nơi cõi kia chỉ bằng một phần mười sáu người xuất gia ở Diêm-phù-đề. Như có người điên đảo hành dâm chị em nữ, không phải là chỗ hành dâm, bị chống cự rồi sinh ra căm ghét, thì tội báo đó không thể tính kể hết. Hoặc như có người tư duy đúng, có tâm xuất gia, nhắm xả bỏ các thứ xấu ác. Nếu lại có người khác phá hoại nhân duyên xuất gia của người này, không để được mãn nguyện, thì nhân duyên của tội báo đó tăng trưởng hơn trước cho đến trăm kiếp.

Tôn giả A-nan lại bạch:

–Kính bạch Thế Tôn! Tỳ-la-tiện-na này nhờ chỗ gieo trồng thiện căn sinh ra ở chốn tôn quý, thọ hưởng phước lạc là vì đời quá khứ cũng có hành thiện, hay chỉ nhờ vào công đức xuất gia một ngày một đêm nơi hiện tại mà thọ hưởng nhiều phước báo như thế?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông không cần phải quan sát về nhân duyên quá khứ, chỉ đối với một ngày một đêm ấy xuất gia thanh tịnh, thiện căn đạt được đủ để trong sáu tầng trời cõi Dục bảy lần qua lại thọ hưởng phước báo, nơi hai mươi kiếp thường chịu cảnh sinh tử. Đời sau cùng sinh nơi loài người cũng được thọ hưởng cảnh an lạc nhất, cũng sinh trong nhà giàu có, tuổi tráng niên trôi qua các căn suy yếu dần do sợ cái khổ nơi sinh lão bệnh tử nên Tỳ-la-tiện-na xuất gia trì giới, thành Bích-chi-phật.

Phật lại bảo A-nan:

–Ta sẽ nói ví dụ, ông nên khéo lắng nghe. Ví như nơi bốn cõi thiên hạ: Đông Phất-bà-đề, Nam Diêm-phù-đề, Tây Cù-da-ni, Bắc Uất-đan-việt, các bậc A-la-hán trong bốn cõi ấy nhiều như lúa, mè, rừng rậm. Nếu có một người đủ trong một trăm năm tận tâm cúng dường các vị A-la-hán ấy những thứ như y phục, thức ăn, nước uống, thuốc thang trị bệnh, phòng xá, ngọa cụ; cho đến sau khi các vị ấy nhập Niết-bàn lại xây dựng tháp miếu dùng đủ loại châu báu, hoa hương, anh lạc, cờ phướn, lọng báu, kỹ nhạc, giăng treo các loại chuông báu, quét rưới nước hương, dùng những câu kệ tụng tán thán, cúng dường thì công đức đạt được tất nhiên là rất nhiều. Nếu có người vì nhằm giải thoát mà xuất gia thọ giới, dù chỉ một ngày một đêm hành trì tinh tấn, thì công đức này được mười sáu phần, công đức nơi người trước chỉ bằng một phần. Do nhân duyên như vậy các thiện nam nên xuất gia, tu trì tịnh giới.

–Các thiện nam, những người cần tạo công đức, cầu pháp thiện, tự thọ pháp, thì không nên tạo chướng ngại đối với nhân duyên xuất gia mà cần phải tạo phương tiện khuyến khích, giúp họ thành tựu.

Khi ấy, cả đại chúng nghe Phật thuyết giảng pháp thảy đều nhàm chán cảnh đời, đều xuất gia trì giới, có người chứng đắc Tu-đàhoàn, thâm chí có người chứng đắc quả vị A-la-hán, có người gieo hạt giống thiện căn nơi quả vị Bích-chi-phật, có người phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Mọi người rất vui mừng, đảnh lễ nguyện hết lòng phụng hành.