KINH VÔ CỰC BẢO TAM-MUỘI
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu người còn có nhớ nghĩ về khổ vui, thì không lìa khổ vui. Đó là hai pháp. Bồ-tát không lìa chặng giữa, không lìa trên, không thoát ly, không chặng giữa, không chỗ xa lìa; đối với sở tác xa vô tác. Đó là khởi tác như huyễn. Lấy huyễn để thoát huyễn, trong huyễn không huyễn, trong huyễn không danh. Như vậy, cũng không từ nơi pháp được độ, cũng không lìa pháp được độ, trong thoát lại thoát. Đó là không có chủ, chỉ có danh mà thôi.
Đối với chữ không biết danh, đó là đoạn pháp luân.
Xá-lợi-phất nói:
–Pháp luân vốn thanh tịnh, không chỗ có, vậy ai là người đoạn pháp luân?
Bảo Lai nói:
–Người nào không biết luân có xứ sở, thì đó là đoạn.
Phật bảo:
–Người còn tham pháp, là còn nguồn gốc của sinh tử, pháp diệt cũng là sự tạo tác của không trói buộc. Tạo tác của không tạo tác, là không lìa tạo tác. Người lìa mọi tham lam tức là không còn có đoạn. Người không tham lam, không khởi tức là đạo. Không thể chẳng thể, không sinh chẳng sinh, không thức chẳng thức, không chết chẳng chết, không đoạn chẳng đoạn, không xa chẳng xa… những gì có thể không thể thì không thể trụ vào vô tưởng. Lìa vô tưởng, chỗ niệm không niệm, chỗ nói không chỗ nói, Niết-bàn không diệt, lìa nơi không diệt, Niết-bàn không hình lìa nơi không hình, Niết-bàn diệt tận không chỗ tận.
Các pháp vắng lặng, lìa vắng lặng; các pháp không thể chẳng
thể không có chỗ mất; đối với tuệ, lìa căn bản, thì chẳng phải gọi là vô tưởng. Chỗ sáng hay không chỗ sáng, đối với sáng, tối, biết là vô tướng. Ngu si, trí tuệ nhập vào vô tướng, đối với đạo hay không được đạo, hoặc khổ, hoặc vui đều biết là vô tướng. Khởi lên cái vô tưởng, đối với thanh tịnh, không có khó dễ, hóa độ không có chủ thể, chỗ đạt đến là lìa vô tướng.
Các pháp chẳng phải danh, lìa chẳng phải danh, hóa độ như nước chảy, đối với danh không chuyển. Như vậy, tức là đạo. Phật dùng Tam-muội hóa độ, làm cho người vừa ý, dùng vạn vật để tự trang nghiêm, chỉ trang nghiêm vô hình, trang nghiêm cho những ai nhận thức sai lầm, trang nghiêm làm cho thỏa mãn tâm ý, trang nghiêm tưởng đúng, tưởng sai.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các hàng trời, người hôm nay đến tập hội, có bao nhiêu người đạt được Tam-muội này?
Phật bảo:
–Này Văn-thù! Nay các hàng trời, người trong hội, tất cả đều chứng đắc Tam-muội và đạt được công đức này, rồi đây đều sẽ thành Phật, nhận sự thọ ký của Thế Tôn, đoạn trừ năm đường.
Khi nghe Đức Phật dạy, trong chúng hội, có đến tám ngàn ức trời và người đều được pháp Nhẫn vô sở tùng sinh, liền bay lên hư không cách đất ba trăm trượng, trên thân đều có vạn ức hoa hương, sau đó, các vị ấy liền hạ xuống, đến đảnh lễ sát chân Đức Phật.
Bồ-tát A-lâu, Bồ-tát Ha-đề từ chỗ ngồi, đứng dậy bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các thượng nhân này, bay lên hư không, hoa hương trên thân từ đâu mà có?
Phật bảo:
–Này thiện nam! Ví như tấm lụa sạch, vốn tự trong sạch nên rất dễ nhuộm năm màu tươi sáng. Lụa vốn tự trong sạch, sắc vốn cũng sạch, nhân duyên hai vật, nên được tươi sáng đẹp đẽ. Sắc cũng không nhập vào lụa, lụa cũng không nhập vào sắc, do nhân duyên sạch nên được phát sáng. Bởi Bồ-tát thanh tịnh, cho nên phát ra hương hoa. Nhân duyên ây cũng lại như vậy, Bồ-tát cũng không tại hương hoa, hương hoa cũng không dính mắc Bồ-tát. Các hàng trời, người được đoạn niệm tưởng, được phát tuệ sáng, nên hoa hiện ra. Dùng hoa thanh tịnh, cho nên nhân duyên hưng khởi. Pháp cũng như vậy. Người không trụ, nên thành tựu các công đức. Người trụ tưởng hạnh là mở cửa sinh tử. La-hán, Bích-chi-phật xa lìa năm đường là vì nhận thức mười việc sai lầm:
- Thấy các công đức đều là ngôn thuyết. Đó là nhận thức sai lầm
- Thấy năm đường đau khổ, muốn nhập Niết-bàn. Đó là nhận thức sai lầm.
- Thấy vạn vật vô thường, muốn mau chóng xa lìa. Đó là nhận thức sai lầm.
- Cầu an vốn tự nó không căn bản. Đó là nhận thức sai lầm.
- Biết ra khỏi vô gián, lại nhập vào đời vô xứ, tự mình không thoát khỏi, cầu mãi không dứt. Đó là nhận thức sai lầm.
- Khi La-hán muốn Niết-bàn trong thân tự phát ra lửa, lửa cũng không xứ, liền khởi ý tưởng xuất lửa trong thân để tự thiêu đốt, cho nên biết không đoạn được sinh tử. Đó là nhận thức sai lầm.
- Không có khả năng dứt sạch gốc ngọn mà tự cầu dứt sạch. Đó là nhận thức sai lầm.
- Muốn ở trong Niết-bàn mà diệt tận các ác, không biết không chủ tể, trở lại muốn diệt tận. Đó là nhận thức sai lầm.
- Bố thí không phát tất cả ý người, chỉ muốn pháp không đoạn. Đó là nhận thức sai lầm.
- Đối với khổ, vui, bất đẳng, ngôn hạnh thanh tịnh, có hai pháp. Đó là nhận thức sai lầm. Người thực hành đạo Bồ-tát, nên biết việc này, mà mau chóng xa lìa.
Phật bảo Bồ-tát A-lâu, Bồ-tát Ma-đề:
–Nay các hàng trời, người trong hội này ở vào thuở xa xưa đều là người của thời Đức Phật A-ha-nậu, nay ở trước ta đều được ghi nhận; đời trước đã ở trong sáu vạn Đức Phật thọ trì Tam-muội này, nay đối với Tam-muội này đều sẽ được ghi nhận, về sau khi giáo pháp ta tới lúc diệt, khi đó sẽ có bốn mươi vạn người, giữ gìn giáo pháp, khiến không đứt lìa. Về lâu sau, có Sa-môn ác, hoặc có người phá giới thì mới là hoại giáo pháp của ta.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Những Bồ-tát nào bảo vệ giáo pháp, khiến không bị cắt đứt?
Phật bảo:
–Này Tu-bồ-đề! Bốn mươi vạn Bồ-tát đều trụ từ Địa thứ tám trở xuống, đối với giáo pháp, không có ý tưởng phiền hà, thì mới có khả năng bảo vệ giáo pháp, khiến không bị cắt đứt.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Còn những hạng người nào là phá hoại giáo pháp? Ngưỡng mong Thế Tôn chỉ dạy cho!
Phật bảo:
–Này Tu-bồ-đề! Nếu có người chứng đắc La-hán, Bích-chiphật, hoặc Sa-môn và hàng trời, người khởi ý tưởng phiền hà giáo pháp, mong cầu danh lợi, hoại loạn gốc tuệ, vọng pháp tăng giảm, trình bày lệch lạc, lấy giả làm thật, dùng biện loạn đạo, không chỉ tuệ không mà dùng để nghiêm sức; nghe sự chứng đắc của Phật, chí muốn vượt hơn, không biết phương tiện mà không gắng công gieo trồng đức hạnh. Những hạng như thế là pháp tặc, phá hoại đạo của ta.
Lúc đó, trời A-tu-di, trời Phan-na-đề, trời Đề-lâu-ni, trời Câuthuộc-đề, trời Thi-na-lợi, đều cùng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con trọn đời quy y, thọ trì giáo pháp; ngàn, ức, vạn kiếp không có dừng nghỉ, thường khiến chúng con được Tam-muội này.
Đức Phật nói:
–Nếu người có đức phụng hành Tam-muội, như pháp không mất, thì mau chóng được thành Phật, trong số đó, có người phát ý, thực hành Tam-muội này thì cũng ví như trên cõi trời Nê-hoàn, có một loại báu quý nhất trong các loại báu, tối thắng nhất trong thiên hạ. Khi nào có Đức Phật ra đời thì loại báu ấy mới xuất hiện. Báu ấy tên là Nhật tinh ma-ni châu. Ai có được ngọc châu này, đem đặt vào bình hoặc sờ tay vào, thì nhìn thấy bốn mặt, muốn trời mưa châu báu bao nhiêu ngày thì đều được như sở nguyện. Ngọc bảo châu tôn quý này, không có tham tiếc, nó sẽ mưa khắp cả ba cõi, khiến cho ai nấy đều được ngọc báu. Đức của Tam-muội này cũng lại như vậy.
Vua La-duyệt-kỳ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Phật là Đấng được tôn trọng nhất, là Bậc Thầy dẫn đường cho thế gian, thường có lòng đại Từ cứu giúp mười phương, nguyện xin mưa châu báu xuống nước của con, khiến cho nhân dân đều được phước lợi.
Vua vừa thưa xong, Đức Phật liền mỉm cười, thần quang chiếu sáng rực rỡ. Thấy thế, A-nan liền sửa y phục, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn cười, tất có điều cần nói, con nay muốn nghe ý ấy.
Phật bảo:
–Này A-nan! Ông có thấy đại vương này không? Đại vương này muốn trời Nê-hoàn mưa châu báu xuống nước La-duyệt-kỳ để cho nhân dân đều được nhiêu ích, nhưng lại không biết Bảo lai Tammuội đã được báu này.
Phật dạy A-nan xong, liền bảo vua:
–Này đại vương! Thà thấy nhân dân trăm ngày không ăn đều được an ổn, lấy pháp làm vị. Các người nữ lại được hóa thành nam tử, lợi ích của pháp như vậy, cũng không lớn lắm sao?
Nghe Đức Phật dạy như thế, tâm vua vui mừng, liền cởi châu báu, rải lên Đức Phật và Bồ-tát. Châu báu ấy, hóa thành tàn hoa, bay lên hư không. Khoảng cách giữa các tàn hoa đó đều phát ra trăm ngàn tiếng âm nhạc.
Thấy thế, vua vui mừng gấp bội, quên cả ăn uống, liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tàn hoa này từ đâu mà ra?
Phật bảo:
–Này đại vương! Tàn hoa này từ không xứ mà ra.
Vua hỏi:
–Không xứ từ đâu mà ra?
Phật nói:
–Từ chỗ không khởi mà có. Vua hỏi:
–Không khởi từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không chỗ sinh mà có.
Vua hỏi:
–Không chỗ sinh từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không động mà có.
Vua hỏi:
–Không động từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không tạo tác mà có.
Vua hỏi:
–Không tạo tác từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không danh mà có.
Vua hỏi:
–Không danh từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ vô sinh mà có.
Vua hỏi:
–Vô sinh từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không có âm thanh mà có.
Vua hỏi:
–Không có âm thanh từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không hai mà có.
Vua hỏi:
–Không hai từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ không hình mà có.
Vua hỏi:
–Không hình từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ tự nhiên mà có.
Vua hỏi:
–Tự nhiên từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ hóa mà có.
Vua hỏi:
–Hóa từ đâu mà có?
Phật nói:
–Từ lìa hóa mà có.
Vua hỏi:
–Lìa hóa từ đâu mà có?
Phật nói:
–Là lìa không hóa, vô tướng, biết xứ mà có.
Vua hỏi:
–Vô tướng biết xứ từ đâu mà có?
Phật nói:
–Vì đó là các pháp.
Vua nghe Đức Phật dạy, vui mừng càng tăng thêm gấp bội, liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát này đều từ phương xa đến, trưa mai, con xin kính thỉnh đến cung của con.
Đức Phật cho phép, các vị đều nhận lời.
Sau khi các vị Bồ-tát đã nhận lời, vua liền về cung, trang nghiêm đầy đủ. Trên đường đi cho giăng màn, treo cờ phướn đẹp lộng lẫy. Các tòa trong cung đều làm bằng ngọc báu. Phu nhân, thể nữ ăn chay giữ giới, hết lòng cung kính.
Trưa hôm sau Văn-thù và Bảo Lai… cùng các Bồ-tát đến cung vua:
Bồ-tát Bảo Lai nhường Văn-thù:
–Nay các vị Thượng nhân, nên vào trước.
Các Bồ-tát nói:
–Đối với tuệ thì không xứ, đối với ý thì không hình, đối với niệm thì không tưởng, đối với pháp thì không sở thí, sở thí thì không lìa đạo, đã đoạn pháp luân; đối với pháp không có niệm tưởng, không có nhiều ít. Người như vậy, mới là tối tôn, sử dụng nhiều quyền biến; đối với Nhất thiết trí biết là vô tướng, đã mặc áo giáp chánh pháp, đối với Tam-muội không có tăng giảm. Đó là bậc Tối tôn, cho nên vào trước.
Bồ-tát Bảo Lai đáp:
–Nay các bậc Thượng nhân tuổi cao đức trọng, là bậc Tối tôn, cho nên phải vào trước.
Các Bồ-tát nói:
–Tuổi của chúng tôi cũng như cây khô, gốc rễ đã chết, không còn hoa lá để che mát cho thế gian nữa rồi, Nhân giả tuy trẻ, nhưng tuệ thì sâu dày, ví như cây báu, làm lợi ích rất nhiều cho thế gian. Vì thế Nhân giả là người tối tôn, là người tối tôn nên có thể vào trước.
Nghe các Bồ-tát nói thế, Bảo Lai vào trước, các Bồ-tát cùng vào cùng đến tòa ngồi. Phía trên các trời trổi nhạc. Vua sai phu nhân và các thể nữ, đốt các danh hương, dâng lên cúng dường.
Sau khi các vị Bồ-tát thọ trai xong, vua hỏi Bồ-tát Bảo Lai:
–Thưa Nhân giả! Nay con muốn thấy chư Phật trong mười phương, vậy phải được hành pháp nào, thì mới được thấy?
Bồ-tát Bảo Lai đáp:
–Này đại vương! Muốn thấy chư Phật thì nên thực hành chín pháp:
- Thấy mười phương chư Phật giống như đây, không khác.
- Nên thấy con đường, không có đường tắc.
- Thấy tất cả mọi người không có thoát.
- Thấy ăn uống cũng như những gì đã thấy trong hóa.
- Nên biết năm ấm không có thức tưởng.
- Nên biết sáu tình quán nó như huyễn.
- Nên biết cái mình xem xét chỉ là cái thấy sai lầm.
- Đem pháp ban cho hết.
- Nên biết chỗ cho và không chỗ cho.
Đó là chín. Ý bình đẳng, trống không, cái thấy không có đây, kia, chí vắng lặng, đạt được định thanh tịnh. Cái không thấy ấy, tức là thấy hết chư Phật.
Lúc đó, vua khen Bồ-tát Bảo Lai:
–Hay thay! Hay thay! Thật đúng như lời Bồ-tát nói.
Đức Phật liền nói kệ tụng:
Thường nên nguyện kiếp này
Sinh ra gặp Thế Tôn
Lãnh thọ trí tuệ lớn
Trừ sạch rễ ái dục,
Không tham, không ganh ghét
Không cho ác ý sinh
Ở trong vô số Phật
Được nghe Tam-muội này.
Vào trong ba ngàn cõi
Hành Tam-muội tối tôn
Không đối với mọi người
Chỗ có các ngọc báu,
Pháp không từ năm ấm
Cũng không lìa xứ ấy
Từ quán được thoát danh
Tất cả đều như thế.
Từ quán được hoan hỷ
Phát ý không chỗ sinh
Xứ ấy đã như thế
Là Đấng Thiên Trung Thiên.
Nếu ở trong ba cõi
Không sinh cũng không chết
Nê-hoàn và Niết-bàn
Tất cả cũng như thế.
Ý không nên nghĩ xấu
Việc làm không phi pháp
Nếu ở trong ba cõi
Giữ tâm khiến không khởi,
Tiếng vang vọng trở lại
Trong ngoài đều ứng nhau
Không khởi đều vắng lặng
Các pháp cũng như thế.
Ba ngàn các cõi Phật
Danh tự đều như vậy
Không nghe cũng không thấy
Phi pháp chỗ cần bàn.
Tam-muội không tính toán
Dùng số trì ra nhiều
Người tuệ hiểu lời này
Được vô thường xứ Phật.
Pháp thảy đều thanh tịnh
Rộng lớn không gì bằng
Thường tạo vô biên nước
Phủ khắp cả ba ngàn,
Ý nguyện Đà-lân-ni
Phát ý không có trước
Pháp đã là như vậy
Tất cả nên phụng hành.
Khi ta nghĩ cầu pháp
Đến nay bao nhiêu kiếp
Ý chí thường xuất gia
Với dục không chỗ cầu,
Thường theo Thiện tri thức
Được dự học chánh pháp
Khi ấy trong đại hội
Được nghe tôn Tam-muội,
Ý chí rất vui mừng
Liền bay lên hư không
Cách đất trăm, bốn trượng
Chắp tay đứng bên Phật.
Nay có các Bồ-tát
Ghi nhận đúng như vậy
Ý càng thêm vui mừng
Được nghe các Tam-muội,
Liền từ một cõi Phật
Bay đến các Đức Phật
Không lay cũng không động
Chấn động trong các cõi.
Long vương rất vui mừng
Liền mưa vạn thứ hương
Hóa thành các ao nước
Trên đến trong ba ngàn
Hoa hương tự nhiên có
Gió nhẹ tự nhiên thổi
Trăm thứ các âm nhạc
Đều trụ nơi không trung.
Lúc đó Bồ-tát Bảo Lai, hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Các hương hoa này, từ các cõi khác đến và các âm nhạc vang trong hội, đó là nhờ oai thần của Đức Phật hay là lực của Bồ-tát?
Văn-thù đáp:
–Sức thần biến của Đức Phật và Bồ-tát đều không thể thấy biết, tiếng nhạc này là tiếng nhạc vô danh, pháp âm sở tại xứ là vô danh. Nếu nhạc là nhạc xứ thì sở hữu như hóa, là nhạc. Pháp không hai, là nhạc. Đối với La-hán, Bích-chi-phật đều muốn độ thoát, là nhạc. Thấy các dị đạo, đều muốn làm cho thành Phật, là nhạc. Hóa độ không có chủ tể, là nhạc. Nhất thiết xứ không chỗ, không chỗ khởi, đối với Tam-muội không phiền hà, là nhạc. Nhất thiết, xứ không có danh, là nhạc. Các sở hữu đều như hóa, là nhạc. Phi âm xứ, vô sở sinh xứ, là nhạc. Pháp có chỗ cho, không có chỗ cho, là nhạc. Trong cõi đại thiên, vô thường xứ, là nhạc. Khiến tất cả mọi người được và tin không nắm bắt, là nhạc. Quá khứ, vị lai, hiện tại ba nơi, tận không chỗ tận, là nhạc. Khiến trở lại như cũ không chỗ thấy, là nhạc. Thấy pháp luân tức là không chỗ thấy, là nhạc. Trong ba ngàn cõi, tất cả bình đẳng, là nhạc. Tạng cây chánh pháp trong mười phương ba ngàn, là nhạc. Mười phương cõi, chỉ có danh, là nhạc. Sắc dục hợp, là nhạc. Đối với danh tự không có chủ tể, là nhạc. Không bờ bến, tất cả vắng lặng, là nhạc. Tất cả sáng hợp cùng với tối, là nhạc. Các sở hành không mất giới, là nhạc. Các sở niệm không lìa Tam-muội, là nhạc. Châu báu cả hư không hóa độ vô cực, là nhạc. Các tuệ giác không có xứ sở, là nhạc. Những gì có thể, là nhạc. Người không lãnh thọ tất cả quyết, là nhạc. Trong ba cõi không bằng nhau, là nhạc. Ham thích pháp không tiếc thân mạng, là nhạc. Tất cả sáng, khiến càng sáng thêm, là nhạc. Các sở hữu chỉ là nhận thức sai lầm, người nhận thức đúng, là nhạc. Bố thí không mong báo đáp lại, là nhạc. Ý vô cực, làm vị thuyền trưởng giỏi, là nhạc. Vườn vô biên, giải thoát vô cực, là nhạc. Ý vắng lặng, là nhạc. Vô sở định, là nhạc. Các môn Tam-muội không có điên đảo, là nhạc. Cũng không tiếng, cũng không nghe, là nhạc. Các sở niệm không phải là ý chân chánh, là nhạc. Tất cả mọi người không giải thoát, là nhạc. Các sở độ cũng như huyễn, là nhạc. Mới phát ý Tam-muội, đều là nhạc. Chỗ của các Bồ-tát đến không có xứ sở, là nhạc. Ý của các Bồ-tát khắp mười phương, là nhạc. Không phải xanh vàng, trắng, đen, không có ngõ tắc, là nhạc.
Như vậy, này Bảo Lai! Muốn biết oai thần của Phật và Bồ-tát, tiếng nhạc của âm nhạc là như vậy.
Bồ-tát Bảo Lai nói kệ tụng:
Ý Văn-thù-sư-lợi
Tuệ tôn không có trước
Bố thí khắp ba ngàn
Trí ấy thật tối tôn.
Oai thần đã hành thí
Đều từ trong ba ngàn
Không ham muốn các nhạc
Chỉ vì không thoát thí.
Pháp nhạc là hơn hết
Đối với hóa không độ
Chỗ cho cùng pháp nhạc
Nếu không là không độ.
Pháp cùng nhạc song hành
Không có lỗi là báu
Nhạc không có chủ tể
Nếu không không xứ sở.
Thâm nhập các vi diệu
Hiểu rõ hết mọi người
Khiến họ được đại pháp
Siêng đoạn diệt gốc khổ.
Tất cả người thế gian
Đều có ý không hiểu
Dùng pháp làm giác ý
Dùng tuệ cứu tất cả.
Lúc đó, từ xa Đức Phật vì
Bồ-tát Bảo Lai mà nói kệ:
Lìa không chẳng tưởng
Tưởng này chẳng không
Với pháp không khởi
Đó chính là khởi.
Ý nên mềm mỏng
Tịnh không sở hữu
Sắc dục đồng hợp
Nhập vào vô tướng.
Nói là không hình
Không lìa có hình
Pháp do như mộng
Không có ngằn mé.
Là tịch lìa tịch
Không lìa chẳng tạo
Các pháp không chủ
Có thể như hóa,
Đều không chỗ thọ
Pháp không chỗ xả
Nhận thức sai lầm
Tất cả đều vậy.
Chẳng sắc lìa sắc
Không lìa sắc này
Pháp ấy như sắc
Xứ này như vậy.
Chẳng phải âm vang
Không nghe chẳng thấy
Không thính không quán
Sở hữu như vậy,
Với hóa không danh
Tự nói là vậy
Pháp không tính toán
Hóa độ như vậy.
Không có thấy huyễn
Thấy cái lìa thấy
Lìa các tham dục
Phi pháp sở nghi.
Với dục không nhơ
Chẳng trước không lìa
Thấy đúng như vậy
Không có người thấy.
Với tịnh lìa tịnh
Mười phương không tạo
Có thể như thật
Như hóa không chủ.
Biết Đức Phật đã nói xong, ở trong cung Bồ-tát Bảo Lai nói kệ tụng:
Nghi vốn không hiểu
Pháp đều là vậy
Vốn trụ vô thường
Nghi tuệ như vậy.
Với tưởng không nhọc
Thức niệm không khổ
Nếu danh trụ chữ
Chẳng phải cầu pháp.
Với gốc không thể
Không hoàn không vậy
Có thể không thể
Xa lìa không thể.
Thoát sinh không diệt
Đó chính là diệt
Với diệt không tưởng
Đó là chẳng diệt
Với pháp không sinh
Cũng không tưởng thành.
Tại sao như vậy?
Các pháp đều không
Cũng không cầu nói
Ta lìa Niết-bàn
Vì sao như vậy?
Gốc ngọn thanh tịnh
Không tận mười phương
Nêu lên làm chứng
Có nói là ngã
Đó chính là chứng.
Luôn trong chánh niệm
Niệm trong mười phương
Pháp không hai pháp
Liền được vô danh.
Pháp chẳng tư tưởng
Có thể đạt được
Khởi hành như vậy
Không thấy tôn pháp.
Cốt yếu hiểu tuệ
Không sợ vi diệu
Thâm hành không chủ
Gọi là diệt môn.
Bồ-tát Bảo Lai hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Nay những người mới phát ý ở trong hội, tôi muốn làm cho họ được pháp vô cực, vậy phải làm cách nào mới đạt được?
Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Đối với tưởng mà không khởi tưởng, thì là được pháp vô cực.
Bảo Lai lại hỏi:
–Sao gọi là không tưởng tác?
Văn-thù nói:
–Phải được chín pháp báu:
- Ý không xứ sở, là báu.
- Quán pháp không chủ tể, là báu.
- Không thấy có đương lai, quá khứ, là báu.
- Đối với pháp không có sự tạo tác, là báu.
- Ban cho chỉ có ban cho kinh pháp, là báu.
- Không lay chuyển, khi thấy đau khổ của năm đường, là báu.
- Đã giác ngộ không xa lìa phương tiện khéo léo, là báu.
- Thấy thẳng các pháp không pháp xứ có hai, là báu.
- Đến Niết-bàn cũng như hóa, là báu. Đó là chín pháp báu.
Lúc đó Văn-thù-sư-lợi nói kệ:
Không có các mong muốn
Trụ vào trong vô thường
Hư không không có dơ
Phật cười có lý do.
Cười không chẳng lìa ngọn
Như gốc, không có cười
Đã trụ các pháp danh
Tất cả đều như cười.
Gốc ngọn đều tự nhiên
Không có người qua lại
Người cười có hoàn báo
Không hoàn cũng không cười.
Pháp, đều chỉ là một
Đã cười liền có hai
Với hai không danh tự
Thế nên là Tối Tôn.
Đã cười không chỗ nhiễm
Chỉ vì cho các pháp
Đã động, không chỗ động
Nên là Đấng Vô Thượng
Người cười không hoàn báo
Tất cả không chủ tể
Cười đó không lìa gốc
Nên là Thiên Trung Thiên.
Cái cười đã không khởi
Chỉ vì thấy sai lầm
Với pháp đều vắng lặng
Vắng lặng cũng vốn không.
Cái cười không lìa hóa
Dùng hóa ban cho nhiều
Với hóa không nêu danh
Thế nên mới là pháp.
Với pháp không có vậy
Chỉ vì cho không thoát
Đã thoát, không vì thoát
Phật cũng lại như vậy.
Nên ở trong đại hội
Luận bàn độ, không độ
Với pháp đã ban cho
Không có gì sánh bằng.
Xá-lợi-phất hỏi Bảo Lai:
–Thưa Nhân giả! Muốn làm cho tất cả những người có học trong mười phương, đều được các Tổng trì Đà-lân-ni, vậy phải tu pháp gì mới được môn ấy?
Bảo Lai đáp:
–Muốn được Tổng trì Đà-lân-ni cần phải thực hành ba mươi hai pháp báu:
- Muốn làm cho tất cả người chưa phát ý, đều được độ như hóa, không có gì ngại.
- Người chưa phát đạo ý Vô thượng Chánh chân, đều có thể làm cho họ trụ chánh pháp.
- Thấy tam thiên đại thiên cõi nước đều bình đẳng không khác.
- Nếu còn hạn trụ thì làm cho xa lìa các dục tại nơi tuệ môn, không động, không chuyển, đạt đến Niết-bàn.
- Người nói có trời, không trời chí không lay động lui sụt.
- Chí đạo vững chắc, ý không khiếp nhược.
- Tất cả không trở lại thọ sinh, thấy quá khứ, vị lai không có hai.
- Quán các thiền Tam-muội vắng lặng, không có xứ sở.
- Các chỗ mình độ không có chủ tể, tất cả từ không đến không.
- Chư Phật trong tam thiên đại thiên, ta đều theo để thọ lãnh giáo pháp.
- Những vị từ phương khác, đến nghe kinh, đều khiến cho họ được thọ ký.
- Các cõi Phật có hoa hương, người đến cũng không vui, người không lại cũng không mong cầu.
- Những người phát ý, khiến được trụ trong pháp.
- Quá khứ, vị lai ý không tăng giảm. Vì sao? Vì biết vốn không hai.
- Muốn làm cho các loài côn trùng bò, bay, máy, cựa trong mười phương đều phụng trì cấm giới, trọn không hủy phạm.
- Không có tà niệm tại mười phương, thay đổi tâm ý, trở về với gốc, tức hướng đến tuệ môn.
- Không có điều gì là không nhẫn được, thường không có tà kiến, oán hận.
- Từ quán đến quán, không có độ.
- Như gốc không trụ, vô thường trụ xứ.
- Chỗ mình độ không có chủ tể, như hư không, không có niệm tưởng.
- Người ban cho bằng tuệ, không có nêu danh, với dục không chỗ dính mắc, khiến từ đó họ được giải thoát.
- Không lìa những gì được nói ra đối lại với nguyên nhân tác thí, với mọi người trong một nước lớn, độ không thoát người nào.
- Ở trong vô số cõi nước bay đến các cõi khác, ở trước chư Phật, không có trở ngại.
- Thấy các cõi bình đẳng, không ai là không được độ thoát.
- Tịnh, si, đồng, hợp, vốn trong sạch không khác.
- Làm chủ ở trong đại thiên, xây cầu, đóng thuyền, khuyến khích người chưa được giác ngộ, từ tối tăm khiến được sáng suốt.
- Làm thuyền trưởng giỏi trong biển cả, cứu vớt các quần sinh, không hề mệt mỏi nhàm chán.
- Làm mọi lá chắn vô biên, chận đứng các nhơ bẩn.
- Làm tuệ thí vô cực, không lìa mười phương.
- Khởi lòng lành thương xót làm thấm nhuần tất cả. Những người chưa được hóa độ đều được hóa độ, cho nên hiệu là Thiên Trung Thiên.
- Luôn thực hành tâm bình đẳng, không có nghiêng lệch, cứu tế không gì sánh bằng, cho nên hiệu là Vô Thượng Tôn Hựu.
- Những gì Bồ-tát nói ra, không lìa kinh pháp, khắp trong cõi đại thiên, không ai là không được nghe như nhau, thế nên trong hư không, hoa tự nhiên sinh.
Đó là ba mươi hai pháp báu của Bồ-tát. Lúc đó, Bồ-tát Bảo Lai nói kệ tụng:
Mười phương đều như hóa
Tất cả đều vô thường
Chân pháp chánh đế lặng
Diễn nói độ chúng sinh.
Có tưởng không lìa tưởng
Tất cả thật vốn không
Như hoa chưa trổ lá
Sắc ấy không có gì.
Có tất cả các dục
Kiến lập ý dẫn đầu
Các báu vô thượng tôn
Hiệu là Thiên Trung Thiên.
Thế nên trong đại hội
Độ người chưa giải thoát
Bản ấy trụ vô thường
Nên gọi Thập Lực Tôn.
Tất cả thấy sai lầm
Thế gian gọi vô minh
Tất cả đều như hóa
Giải thoát khắp mười phương.
Hư không không thường xứ
Phật tạng đều trong đó
Giải thoát người chưa thoát
Dạy người khắp mười phương.
Cõi chư Phật mười phương
Hợp lại thành một nước
Tự nhiên chúng đại hội
Trong khắp cả mười phương.
Phật là Nhất Thiết Giác
Cười không lìa dung mạo
Không lìa sắc vàng ròng
Khai thị người chưa thoát.
Dẫn dắt khắp mười phương
Ý không lìa Pháp Vương
Sở thí không sở thí
Hoa tung khắp mười phương.
Hoa sen lớn màu vàng
Tràn ngập cả hư không
Khởi tưởng mà thi hành
Không trụ các cõi trời.
Ý Văn-thù-sư-lợi
Rộng lớn không gì bằng
Người sẽ được ghi nhận
Trụ ở trong hư không.
Bảo Lai tuệ ý tôn
Ánh sáng khắp trong cung
Vừa lòng các trời, người
Đều được đến pháp môn.
Các Bồ-tát mười phương
Cảm động các cõi nước
Nay Thiên tử trong hội
Được nghe tôn kinh này,
Thấy thấu triệt tất cả
Cho đến cung Khả ý
Hóa tòa làm giao lộ
Vạn thứ hương hoa trời,
Lắng nghe các Tam-muội
Ngồi quán các đại chúng
Công đức trồng thuở xưa
Phát ý cúng Thế Tôn.
Đạo là không trực kiến
Sở hữu đều như vậy
Giải thoát không số lượng
Ba cõi không cùng cực.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bảo Lai:
–Các âm như hóa, pháp được tạo ra không có tưởng, cũng không thể tận, cho nên có tự nhiên. Vậy phải dùng pháp gì để giải thoát?
Bảo Lai đáp:
–Có chín pháp báu:
- Tự nhiên không có xứ sở, cũng như hóa.
- Các pháp không xứ sở, cũng như hóa.
- Vị lai không xứ sở, cũng như hóa.
- Các sở hữu thế xứ, cũng như hóa.
- Quán quá khứ xứ, cũng như hóa.
- Quán thấy các pháp cũng như huyễn, không có xứ sở, cũng như hóa.
- Sở kiến không có xứ sở, cũng như hóa.
- Được đạo không giải thoát xứ sở, cũng như hóa.
- Đạt được Niết-bàn vốn không trụ xứ sở, cũng như hóa.
Đó là chín pháp, có thể đạt được tuệ giải thoát.
Văn-thù lại hỏi:
–Vượt qua Niết-bàn đều cũng tự nhiên, vậy thì cái gì là gốc của hóa? Cái gì là chủ hóa? Hóa là có gốc, không hóa có sở, khởi xứ không đạo là có xứ không?
Bảo Lai đáp:
–Có chín pháp biết hóa không xứ:
- Chẳng phải đạo không xứ. Đó là hóa.
- Hóa chẳng phải xứ, không tưởng. Đó là hóa.
- Hóa là không khởi hóa xứ, không xứ. Đó là hóa.
- Không phải thường danh khi không có cùng tận. Đó là hóa.
- Hóa xứ không xứ. Đó là hóa.
- Đối với đạo không tưởng. Đó là hóa.
- Hóa đối với khởi, không khởi. Đó là hóa.
- Hóa đối với các dục không có xứ. Đó là hóa.
- Hóa đối với việc mình độ không có xứ sở. Đó là hóa.
Đấy là chín pháp biết được gốc của hóa. Lúc đó, Văn-thù-sư-lợi nói kệ đáp:
Mười phương không có hóa
Hóa, hóa không có hình
Tất cả báu vô thường
Thế nên là Hóa chủ.
Đạo là không hóa được
Cũng không lìa nơi ấy
Đã nói hình vô thường
Tự nhiên tại nơi ấy.
Các báu từ hóa được
Gốc lìa từ không có
Gốc ấy đồng hóa sinh
Nên là Đấng Nhân Trung
Dục là từ hóa khởi
Pháp vốn không có vậy
Hóa trụ vào năm đường
Không có thấy Hóa chủ.
Sinh tử và năm đường
Không tương liên với hóa
Do đời tham không dứt
Thế nên hiện Chánh giác.
Như Lai và Hóa chủ
Mười phương tôn vô cực
Giáo hóa khắp thế gian
Thế gian người không biết.
Pháp luân không sắc chuyển
Đối với hóa không chuyển
Sắc buộc, có tư tưởng
Pháp sâu dày không chuyển,
Tưởng sắc hóa mười phương
Không ai không thọ pháp
Trí tuệ lớn ban cho
Thế gian không người nói.
Các dục và La-hán
Không được giác là báu
Nên ở trong chúng hội
Rộng nói, không hai báu.
Trí tuệ không cùng cực
Ánh sáng không có hơn
Làm cầu, thuyền, mười phương
Đã nói không có hai.
Mười phương các cõi Phật
Khiến thảy đều bình đẳng
Cũng không bắt người ấy
Phát ý, có tâm khác.
Các vườn pháp mười phương
Mọi pháp vượt dơ bẩn
Cũng không từ thế gian
Với pháp, không giải thoát.
Với tuệ không có thoát
Không thấy người qua lại
Với lặng lại thấy lặng
Trong sáng, lại thấy sáng.
Pháp chẳng phải được tuệ
Tự nhiên vốn không vậy
Tuệ, tối, đều bằng nhau
Nên không có tướng thức.
Si, tuệ không đồng nhau
Tuệ ấy nhiều tối sáng
Ban cho chỉ là pháp
Như hoa mọc núi cao.
Các ác không thể tận
Sắc dục không thể tận
Niết-bàn và sinh tử
Tất cả đều như vậy.
Mười phương các Phật tuệ
Người vô tri, vô giác
Sở dĩ thấy pháp sáng
Nên nói đời không có.
Bồ-tát Đàm-ma lại hỏi Bồ-tát Bảo Lai:
–Này Nhân giả! Đối với hóa không khởi lìa, vậy ai thành chủ tể? Niết-bàn không sinh diệt, không xa năm đường, vị lai phát ý trụ pháp luân chuyển, trong sạch, không có các nhơ bẩn; tất cả chúng sinh ai là người được độ?
Bảo Lai đáp:
–Vui thay! Những lời Bồ-tát hỏi! Mục đích là muốn giải quyết tất cả nguồn gốc sinh tử, cần phải làm gì? Là Bồ-tát có chín pháp báu:
- Đối với hóa hóa chủ hay không chủ.
- Đối với Niết-bàn cùng với sinh tử, từ đầu không có biết nhau.
- Đối với sinh tử, đối với diệt; không diệt.
- Khiến tất cả cõi trời không sinh trở lại chỗ không sinh.
- Đang khởi ý, chưa khởi ý; như xứ trụ.
- Quán tam thiên đại thiên cõi Phật, không có người được độ.
- Đối với niệm, không khởi xứ.
- Khiến cho ba ngàn cõi Phật cùng giữ lấy Niết-bàn, thì ý cũng không vui; không giữ lấy Niết-bàn, thì ý cũng không giận. Vì sao? Vì các pháp là không xứ.
- Tùy nguyện chứng La-hán. Ta đều làm cho phát ý. Nếu người có phát ý cầu nguyện, thì khiến không trở lại, không khởi các sinh, không có nguyện lại.
Đó là chín pháp.
Bảo Lai lại nói kệ:
Có thể không, chẳng thể
Với dục không chỗ dục
Đã độ, người không thấy
Nơi pháp chuyển vô thường.
Người tuệ đã không nói
Do độ người không qua
Nên thấy đại chánh pháp
Trên đời không có hơn.
Đạo là tên vô thường
Nên là báu mười phương
Người được hay không được
Sinh tử không có đường.
Bốn hạng không thể tận
Vừa ý, không biết đủ
Thế gian đều vui theo
Không xả, không được đạo.
Sợ sinh không giải thoát
Không sợ không giải thoát
Sinh tử nên nêu danh
Lập ra thành năm đường.
Người có báo không đáp
Có thể gọi là pháp
Pháp là vốn không hai
Có được bằng thật quán.
Không rộng cũng không ngắn
Vô cực không tính được
Bản tế như hình bóng
Không có người qua lại.
Với khởi không chỗ khởi
Pháp không có các dục
Sinh tử vốn không nơi
Hóa sinh tử như vậy.
Với sạch không có sạch
Với nhơ không có nhơ
Đều là người mười phương
Cắt đứt hết năm đường.
Ý trong cũng như nước
Tất cả không vết nhơ
Xanh vàng và đen trắng
Đều được thấy hình ấy.
Các pháp không quở trách
Tức được báu vô thượng
Tôi, ta cùng với người
Thế gian không có người.
Đế chẳng trụ, không trụ
Có được thật như vậy
Cái biết không chỗ thấy
Thế gian thật như thế.
Chẳng độ, không chẳng độ
Lúc đó ai không có
Mười phương lập Chánh giác
Đều được báu vô thượng.
Bồ-tát Đàm-ma hỏi Bồ-tát Bảo Lai:
–Thưa Nhân giả! Muốn khiến các hàng trời, người, trong mười phương tự nhiên đều khiến được như xứ ấy; vậy phải hành trì những pháp nào để đạt đến được?
Bảo Lai đáp:
–Có sáu việc để đạt được pháp này:
- Khi nghe biết hội này, đó tức là báu.
- Được nghe kinh này, đó tức là báu.
- Đạt được công đức căn bản, đó tức là báu.
- Người được nghe kinh pháp này, đều được sáu vạn Tammuội, đó tức là báu.
- Đã được sáu vạn Tam-muội rồi, muốn người trong mười phương phát tâm Vô thượng, đó tức là báu.
- Đều khiến cho mười phương cùng được hội này ở nơi cây Phật, đó chính là báu.
Lúc nói kinh này, có chín mươi ức Bồ-tát; sáu mươi bảy ức các hàng trời, người, đều đạt được pháp xứ Vô sở tùng sinh; chín ức Bồtát được Tam-muội này; tam thiên đại thiên cõi Phật chấn động sáu cách, các trời ở trên hư không trổi lên các loại âm nhạc, các rồng, Atu-luân đều được nghe thấy Tam-muội sâu xa này.
A-nan sửa y phục, quỳ gối bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì? Và phụng hành ra sao?
Phật bảo:
–Này A-nan! Kinh này tên là Vô Cực Bảo, phải nên phụng thờ.
Đức Phật nói kinh này xong, các hàng trời, người, A-tu-luân, Nhân phi nhân đều vui mừng đảnh lễ Đức Phật, rồi cáo lui.