KINH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI TỊNH LUẬT
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 1: NGHĨA CHÂN ĐẾ
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Laduyệt-kỳ (thành Vương xá) cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị và ba vạn hai ngàn vị Bồ-tát.
Bấy giờ Đức Thế Tôn giảng kinh cho trăm ngàn vô số chúng hội và quyến thuộc vây quanh. Khi đó, có Thiên tử tên là Tịch Thuận Luật Âm có mặt trong chúng hội, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục chỉnh tề, quỳ gối chắp tay bạch Đức Thế Tôn:
–Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi hiện đang ở đâu, tất cả chúng và bốn bộ: Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Thích, Phạm, Tứ Vương đều cùng nhau khao khát ngưỡng mộ, muốn gặp Đại sĩ để được thưa hỏi và nghe giảng về những văn nghĩa vi diệu của kinh, để thọ trì.
Đức Phật nói:
–Về phương Đông, cách đây vạn cõi Phật, có thế giới tên Bảo thị, Phật hiệu là Bảo Anh Như Lai Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang giảng nói đạo pháp. Bồ-tát Văn-thù đang ở đó, nêu lên và trình bày những ý nghĩa chưa đầy đủ cho các Đại sĩ, Bồ-tát.
Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm bạch Phật:
–Cúi xin Đại Thánh, dùng oai đức của Đại Thánh, rủ lòng thương xót, làm sao khiến Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi tự mình đến đây. Vì sao? Vì sự thuyết giảng kinh pháp của Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi đã mở ra được những mối kết ngại, chúng con không thể lý giải được, nó vượt lên trên hàng Thanh văn, Duyên giác. Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi giảng bày pháp cao tột hơn hết, hàng phục được tất cả chúng ma và các tà kiến, mê lầm, làm cho chúng không có cách nào thuận dấy lên được. Hàng ngoại đạo đều quy kính, những kẻ kiêu mạn ấy không còn khởi tâm tự cao tự đại. Người chưa phát tâm, đều phát tâm đạo. Người đã phát tâm đạo rồi, lập nguyện Bất thoái chuyển. Những người có duyên được độ, đều cúi đầu kính vâng. Những người nắm được ý nghĩa, không ai là không ghi nhớ, giữ gìn. Đức Như Lai Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác cũng đều khuyến khích, ca ngợi. Nhờ những lời dạy của bậc Thánh này mới lam cho chánh pháp được trường tồn. Ngoại trừ Đức Như Lai, chưa có bậc Tôn quý nào khác, có trí tuệ biện tài, tuyên dương giáo pháp như Bồ-tát Văn-thù.
Khi ấy, Đức Thế Tôn, thấy những lời trình bày của Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm, đã vì tất cả mọi loài mà phát tâm Từ rộng lớn như thế, tự nhiên ở giữa hai chân mày Đức Phật phát ra ánh sáng. Ánh sáng lớn ấy chiếu khắp các cõi Phật trong tam thiên đại thiên thế giới, soi tỏa suốt đến một vạn cõi Phật, cho tới cõi Bảo thị. Khi đó, chư Bồ-tát ở cõi Phật này thấy vậy đến bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Có sự cảm ứng gì mà hiện ra điềm lành này?.
Đức Như Lai Bảo Anh bảo các Bồ-tát:
–Về phương Tây, cách đây hơn một vạn cõi Phật, có thế giới tên là Nhẫn. Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Năng Nhân Như Lai, Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp, tự nhiên có ánh sáng lớn từ giữa hai chân mày của Đức Phật ấy phóng ra soi tỏa đến vạn cõi Phật và chiếu rực rỡ khắp cõi này.
Các Bồ-tát hỏi:
–Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà Đức Phật phóng ra ánh sáng?.
Đức Phật nói:
–Có trăm ngàn vô số ức Bồ-tát đang hội họp ở cõi Phật đó. Thích, Phạm, Hộ thế, và bốn bộ chúng đều cùng ngưỡng vọng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Họ muốn được hầu hạ và thưa hỏi Bồ-tát Văn-thù-sưlợi về kinh pháp, nên đã cùng đến bạch Phật: Hãy dùng ánh sáng rực rỡ từ xa để thỉnh Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.
Đức Như Lai Bảo Anh bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Ông hãy đến cõi nước đó. Đức Như Lai Năng Nhân đang mong đợi, vô số chư vị trong chúng hội đang trông ngóng được gặp ông, đảnh lễ và lắng nghe giáo pháp để suy gẫm, thọ nhận.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Chính con cũng thấy biết ánh sáng nơi điềm lành này.
Lúc đó, Bồ-tát Văn-thù cùng với một vạn Bồ-tát đảnh lễ Đức Phật Bảo Anh, đi nhiễu theo phía bên phải ba vòng. Gống như thời gian của tráng sĩ co duỗi cánh tay, bỗng nhiên nơi cõi Phật Bảo thị, các vị Bồ-tát ấy biến mất. Họ đứng trong hư không nơi cõi Nhẫn, nhưng không hiện thân cho mọi người thấy, tuôn mưa hoa trời khắp chúng hội, hoa phủ ngập đến đầu gối.
Trong chúng hội lúc đầu ai nấy đều ngạc nhiên trước sự kiện chưa từng có. Họ bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tại sao có ánh sáng tốt đẹp và mưa hoa trời như thế này?
Đức Phật bảo các Tộc tánh tử:
–Đấy là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và một vạn Bồ-tát, đã vâng lời đến đây, đang ở trong hư không mưa hoa xuống để cúng dường chư Phật và chúng hội.
Chúng hội đều thưa:
–Chúng con xin được thấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và các vị Bồtát. Nếu chúng con được gặp gỡ, gần gũi những bậc Đại sĩ như vậy, thật vô cùng sướng thích, vì những vị ấy rất khó được gặp gỡ.
Mọi người nói chưa dứt lời, thì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng một vạn Bồ-tát liền hiện thân, đảnh lễ dưới chân Đức Phật và đi quanh bên phải bảy vòng. Mỗi vị đều cùng dùng oai lực của thần túc biến hóa ra hoa sen lớn và tự ngồi lên hoa đó. Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm bạch Phật:
–Cúi xin Thế Tôn ban Thánh giáo, khiến cho Bồ-tát Văn-thù-sưlợi rộng giảng đạo pháp. Chúng hội chúng con, rất mong muốn được nghe những lời dạy bảo.
Đức Phật bảo Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm:
–Tùy ý các vị có thể thưa hỏi.
Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm thưa Đại sĩ Văn-thù:
–Cõi Phật Bảo Anh có đức siêu việt đặc biệt gì, đến nỗi khiến cho Nhân giả vui vẻ đến ở cõi đó?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Không phát trien tham dục cũng không dứt bỏ nó. Không phát triển sân giận cũng không có chỗ để dứt sạch nó. Không tạo ngu si cũng không có chỗ dứt trừ ngu si. Không tạo phiền não cũng không có chỗ hoại diệt phiền não. Vì sao? Vì pháp không có chỗ sinh, cũng không có chỗ chấm dứt.
–Thưa Nhân giả! Pháp mà Đức Phật kia thuyết giảng phát triển chỗ nào và trừ diệt chỗ nào?
Đáp:
–Pháp vốn sạch trong, vì không khởi, diệt, cho nên cũng không phát sinh và tận diệt. Vì sao? Vì chúng sinh nơi cõi đó thấu rõ nghĩa chân đế và cho pháp ấy là đứng đầu, không lấy duyên hợp làm Đệ nhất nghĩa đế.
–Thưa Nhân giả! Sao gọi chân đế là đứng đầu? Sao gọi duyên hợp là Đệ nhất nghĩa đế?
Đáp:
–Đối với nghĩa này, không phát ra, cũng không có chỗ diệt đi. Không có tướng, cũng không vô tướng, cũng chẳng phải một tướng, cũng không lìa tướng, cũng không hiện ra tướng. Tướng không thấy đó, cũng không phải là không thấy, cũng không phải là thật thấy. Tướng ấy không có đoạn tận cũng không thể đoạn tận. Tướng ấy không có chỗ đoạn tận và không thể đoạn tận. Đó là nghĩa chân đế.
Này Thiên tử! Đó gọi là vô tâm vì tâm vốn không có. Không dạy người khác, đối với điều này không bỏ đi, không vượt qua bên bờ kia, không ở giữa dòng. Đó là nghĩa chân đế.
Này Thiên tử! Gọi không văn tự chính là Thánh đế. Vì sao? Như lời Phật dạy, tất cả âm thanh đều là không thật.
–Thưa Nhân giả! Những gì Đức Như Lai đã nói, tất cả là không thật chăng?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Lời dạy của Đức Như Lai không có thành thật, không có dối trá. Vì sao? Vì Đức Như Lai không có hai tâm để trụ, đối với pháp hữu vi hay vô vi thì không có hai ngôn từ đó, cho nên không có thành thật, không có lừa dối. Ý hướng của Thiên tử như thế nào? Sự giáo hóa của Đức Như Lai, giả sử đã nói là chân thật hay là giả dối chăng?
–Thưa Nhân giả! Không thành thật, không dối trá. Vì sao? Vì sự giáo hóa của Đức Như Lai không có bốn đại, nên cũng không co thành thật.
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Này Thiên tử, đúng như thế! Tất cả các pháp đều biến hóa, vận hành tự nhiên như vậy. Sự chứng ngộ của Như Lai không có chỗ thành tựu, cũng không có chỗ để trụ. Vì thế cho nên nhưng pháp Phật đã tuyên giảng không có thành thật, không có dối trá mà quy về không hai.
Lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Thế nào gọi là Như Lai thuyết giảng nghĩa chân đế?
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Nghĩa chân đế không the giảng nói. Vì sao? Vì nghĩa lý sâu xa của chân đế là không lời, không nói và không thể nắm bắt.
Khi giảng nói về nghĩa chân đế này có năm trăm Tỳ-kheo dứt sạch phiền não, hoàn toàn giác ngộ. Vô số ngàn người xa lìa phiền não, ở nơi các pháp và được mắt pháp trong sạch. Một vạn hai ngàn Bồ-tát chứng đắc pháp nhẫn Vô sở tùng sinh.
Phẩm 2: THÁNH ĐẾ
Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Nghĩa chân đế rất kho giải thích phải không?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Đúng thế, Thiên tử! Những người lười biếng, tham chấp, đối với nghĩa chân đế là rất khó hiểu.
–Thưa Nhân giả! Thế nào gọi là Tỳ-kheo sáng suốt tiến tới?
Đáp:
–Không có chỗ đoạn diệt, cũng không có chỗ trừ bỏ. Không có tu hành, cũng không có chứng đắc. Đó là vị Tỳ-kheo phụng hành nghĩa chân chánh. Vì sao? Vì vị Tỳ-kheo ấy tự nghĩ: Đoạn diệt là trừ bỏ, nếu sự tu hành luôn giữ lấy chứng đắc, thì đó là tư tưởng mục rã, gọi là tập hợp các hành động điên đảo và buông thả. Những người tu hành như thế chẳng phải là chánh tinh tấn.
Lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Thế nào gọi là chánh tinh tấn?
Đáp:
–Hành chánh tinh tấn không có nguồn gốc để sánh với các pháp giới, đối với năm đường cũng lại như vậy. Giống như hành chánh tinh tấn, không có nguồn gốc để sánh cùng pháp giới, đối với sáu mươi hai tà kiến, cũng như pháp của phàm phu, học pháp và không học pháp của Thanh văn, pháp Duyên giác, pháp Phật… cũng bình đẳng như pháp Phật. Pháp sinh tử và pháp Nê-hoàn hay ái dục, phiền não, tranh tụng, điên đảo cũng là như vậy. Vị Tỳ-kheo thực hành hạnh tinh tấn như vậy mới là chánh tinh tấn.
Lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Vì sao cho các việc tranh tụng, điên đảo, nghĩa của ái dục, phiền não cũng như nhau? Và thế nào gọi là việc thực hành bình đẳng như các phần trong pháp Phật?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Vì pháp ấy vốn không, vô tướng, vô nguyện. Vì sao? Vì không chẳng khác với vô sở hữu bao nhiêu. Này Thiên tử! Giống như khoảng bên trong hồ bằng sành và khoảng không trong vật báu, đều cùng rỗng như nhau, không khác gì cả, không thể nói rằng hai. Như thế, này Thiên tử! Cái không của ái dục, cùng với cái không của tranh tụng, điên đảo, lên đến cái không của chí đạo, những pháp ấy đều không, không khác gì cả, không thể gọi là hai.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Thế nào gọi là Bồ-tát tu hành Thánh đế?
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Giả sử Bồ-tát không thực hành chân đế, nguyên nhân nào vì Thanh văn thuyết pháp? Vì sao? Vì Bồ-tát thực hành chân đế, có nhiều chỗ phải hộ trì, còn Thanh văn thì không. Bồ-tát thực hành chân đế rộng lớn, khó hạn lượng, còn Thanh văn thì thiên về giới hạn trong bộ phận. Bồ-tát thưc hành chân đế để cứu giúp chúng sinh, nhưng Bồtát đối với bản tế không có tâm mong cầu chứng đắc. Bồ-tát thực hành chân đế khéo ứng biến các phương tiện, không bỏ cửa sinh tử, Niếtbàn. Bồ-tát thực hành chân đế, xem khắp tất cả pháp của chư Phật giống như Thiên tử có một sĩ phu, lén bỏ Đại sư, giong ruổi chạy trên đường một mình, không bè bạn, nên trong lòng rất sợ hãi. Người ấy đi qua con đường hoang vắng không dám quay trở lại. Thanh văn cũng như vậy, trong tâm giữ lấy chỗ hoảng sợ, sợ hãi sinh tử, nên không cứu giúp chúng sinh, không thể đảm nhận nổi để vượt qua tất cả nỗi lo lắng vốn có từ trước đến nay, chỉ một mình thực hành chân đế, không hộ trì pháp Phật, xa lìa phương tiện quyền xảo, không có bạn trí tuệ. Không phải là như vậy sao?
Này Thiên tử! Giống như nói về vị Đại sư kia có được nhiều tài lợi, đem vô lượng châu ngọc quý giá ban cho những người khach buôn để vượt qua con đường hoang vắng, nhiều hiểm nạn. Bồ-tát cũng như vậy. Cũng như vị Đại sư thực hành, tích tụ vô lượng đạo mầu nhiệm không giới hạn, tu tập tâm Từ lớn và tâm thương xót vô cùng. Chân đế là Thánh tuệ đem lợi ích cho tất cả chúng sinh, với vô số trí tuệ biện tài làm thỏa mãn cho sự giàu có. Vị Đại sư ấy đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sáu Ba-la-mật không cùng, thu giữ việc thực hành bốn ân, để cứu vớt bao nguy ách, vì xót thương cứu độ chúng sinh, vào lại sinh tử, khéo dùng phương tiện quyền xảo tu hành Thánh đế, hóa độ người chưa hóa độ, giảng giải cho người chưa được giảng giải, một mình không bè bạn, đi khắp trong ba cõi, mở bày giáo hóa những ai chưa được nghe giáo pháp, khiến họ vào đạo Đại thừa.
Này Thiên tử! Giống như bụi bẩn phủ đầy áo, dùng hoa Tư-di, Hoàng bạch, Tu-mạn mà xông ướp nó. Mùi hương chẳng bao lâu tan hết. Thanh văn, Duyên giác thực hành chân đế ít ỏi cũng giống như vậy. Họ ở trong diệt độ mà không tu tập theo sở nguyện, không đến với giới định tuệ của Phật để hiểu được Ba-la-mật, không đến với hướng giải thoát các việc thấy biết, cũng không thể hàng phục được chướng ngại của tham dục, phiền não.
Này Thiên tử! Giống như chiếc áo đẹp mịn màng trị giá gấp trăm ngàn loại áo đẹp khác, đem các hoa trời, châu báu đặc biệt trong trăm ngàn vạn năm ướp nơi chiếc áo đẹp ấy. Chiếc áo ấy, hương luôn tỏa ngào ngạt khắp nơi, chưa từng phai nhạt. Các cõi trời, người đời đều yêu thích. Bồ-tát cũng như vậy, từ vô lượng kiếp thực hành chân đế, hương pháp không luôn đầy đủ, sở nguyện không nằm trong diệt độ, nhưng thường diễn xuất Phật đạo Vô thượng, dùng hương giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến hàng phục chướng ngại của tham dục, phiền não, du hóa từ các cõi trời cho đến nhân gian. Hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, các A-tu-la, quân tử, dân thường, không ai là không kính vâng và muốn được gặp Bồ-tát để được dẫn dắt cứu độ.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Ở cõi Phật Bảo Anh Như Lai Chí Chân, chúng Thanh văn tu tập như thế nào?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Họ không ngăn tâm tin tưởng tha thiết, không theo lời dạy nào khác, không thực hành nơi pháp, không hủy pháp giới, cũng không ở nơi tám đẳng mà lìa nơi tám tà, không Tu-đà-hoàn nhưng đều vượt qua tất cả các nẻo ác sợ hãi. Họ chẳng phải Tư-đà-hàm đến hóa độ chúng sinh; chẳng phải A-na-hàm, đối với tất cả pháp không có chỗ qua lại; chẳng phải A-la-hán mà đều lãnh thọ lợi ích cúng dường nơi tam thiên đại thiên thế giới. Họ không lìa nơi ái dục, cũng không dùng ái dục để thấy phiền não âu lo, không lìa nóng giận, không vì sân hận mà thấy buồn khổ, không đối với chúng sinh khởi tâm làm hai, cũng không có chỗ ưu sầu. Họ không lìa si mê, không lấy ngu si làm ách nạn, diệt trừ vô minh tăm tối và tất cả pháp. Họ không lìa phiền não, sáng suốt mạnh mẽ, ân cần, hóa giải tất cả ái dục nơi chúng sinh, đạt đến hạnh cao cả, không từ đâu sinh để đi đến chỗ sinh hiện tại, ở nơi các suy nghĩ tưởng nhớ để khai hóa chúng sinh. Họ không tính toán về cái tôi, ta, về nhân, về thọ mạng. Đều không có chỗ thọ, cũng không có chỗ xả, tất cả chỉ vì mục đích bố thí, giúp đỡ tạo phước đức cho chúng sinh. Họ không ý không niệm, mà tu bốn Ý chỉ (bốn Niệm xứ) vâng giữ bốn Ý đoạn (bốn Chánh cần) không khởi không diệt, thực hành bốn Thần túc, thân ý vắng lặng. Họ giữ gìn năm Căn để thấu triệt cội nguồn của tất cả chúng sinh. Thực hành năm Lực để hàng phục phiền não. Nhớ nghĩ điều tâm đã ngộ để hiểu rõ tuệ bình đẳng, trong sạch tu hành đạo giáo, dứt trừ đường tà, chứng được lý đạo, không đạt đến Niết-bàn, dạo khắp nẻo lặng lẽ mà hành bản tế. Họ xem xét nơi họ cần xem xét để được nhập vào pháp giới, diệt trừ vô minh, dứt tận ngu si, phát triển Thánh tuệ Chánh chân Vô thượng đoạn trừ nơi phẩm của ba giải thoát. Đó là dùng dục nhãn thấy tất cả chúng sinh và sự giáo hóa chúng sinh của chư Phật Thế Tôn ở khắp các cõi Phật. Đó là dùng Thiên nhãn nhìn thấy chúng sinh đang lưu chuyển, xoay vần nơi năm đường sinh tử, nơi quy tụ sinh sống của những loài nhỏ bé, loài bò bay, máy cựa. Đó là dùng Tuệ nhãn xét kỹ biết mọi nhớ nghĩ mong cầu nơi tâm của tất cả chúng sinh. Đó là dùng Pháp nhãn xét thấy ba cõi trong ba đời, tất cả các loài quần sinh đã có thể hành động. Đó là dùng Phật nhãn, thông tuệ xét xem tất cả các pháp, kho tàng pháp tạng sâu xa là nơi Thánh tuệ chiếu soi rực rỡ. Đó là dùng Thiên nhãn lắng nghe chư Phật giảng nói kinh pháp từ xa, dùng vô niệm và tuệ niệm biết nơi vừa trải qua của vô số kiếp quá khứ. Dùng thần túc du hóa ở vô lượng các cõi Phật, khắp cùng tất cả cõi. Họ dứt hẳn các phiền não, không đưa đến sự tu tập giải thoát nào khác mà hiện hình thể, không có sắc thân, có chỗ giảng nói nhưng không diễn văn tự, có chỗ suy nghĩ nhưng tâm không suy tưởng, vướng mắc, hiện nơi dung mạo tốt đẹp oai nghiêm. Họ dùng biết bao tướng thắng diệu và đem công đức đó tự trang nghiêm nơi thân, oai thần tuyệt đỉnh, không ai có thể so sánh, gọi đó là công vun đắp tu tập đem lưu hành ban cho khắp nơi, ca ngợi và phát triển giáo pháp, thông đến ba đời, không bị ngăn ngại. Họ lấy trí tuệ phấn chấn làm hương thơm tự xông ướp thân. Đó là nơi pháp thế gian mà không vướng mắc, không bị bụi trần che lấp, cấu nhiễm. Ngôn từ xấu ác không thể làm tổn hại người đó. Họ dùng thần thông để tư hiện bày diệu dụng, chuyên nghe không chán nhưng tuyên dương biện tài như tiếng gầm của sư tử. Dùng ánh sáng trí tuệ chiếu soi khắp nơi để chỗ nào cũng thấu rõ đó là ánh sáng của bậc Thánh. Làm sấm sét để diệt trừ những bế tắc ẩn sâu của ngu si. Những lời vô tận của Phật, họ hiểu rõ, thông suốt, nắm giữ. Chỗ xem xét của Đức Phật là nơi mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết. Họ luôn thấy trí giác của chư Phật sâu rộng như biển, thiền định, Tam-muội giống như núi Tu-di, tâm nhu hòa, nhẫn nhục giống như đất, sức dũng mãnh hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng, cùng chế ngự các ngoại đạo. An vui tự tại như Đế Thích, ví như Phạm thiên, do tâm đã đạt đến chỗ không thể tính đếm được, có muốn so sánh cũng khó có thể sánh bằng. Cũng như hư không không thể ví dụ, vì không có chỗ nào mà không vào được.
Này Thiên tử! Muốn biết sự sinh khởi ở cõi nước của Như Lai Bảo Anh và sự huân tập công đức của hàng Thanh văn, thì phải vượt hơn ở đây, như những điều ta đã ca ngợi là không thể tính kể.
Khi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giảng nói những lời này, có năm trăm Tỳ-kheo, năm trăm Tỳ-kheo-ni, năm trăm Ưu-bà-tắc, năm trăm Ưubà-di, năm ngàn Thiên tử chưa đắc đạo, nhưng liền phát tâm, cùng bạch Đức Thế Tôn:
–Chúng con nguyện sinh vào cõi của Đức Phật Bảo Anh và được làm Thanh văn.
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Này các Tộc tánh tử! Không nên trong tâm về Thanh văn mà nguyện sinh vào cõi Phật kia. Các vị phải phát tâm đạo rộng lớn mới có thể đến cõi Phật đó được.
Khi ấy mọi người đều vâng lời nhận lãnh và đều phát tâm cầu đạt đạo Chánh chân Vô thượng. Đức Phật thọ ký cho họ sẽ sinh vào cõi Phật Bảo Anh.
Phẩm 3: GIẢI LUẬT
Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm lại hỏi Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi:
–Thế nào gọi là luật của Thanh văn? Thế nào gọi là luật của Bồ-tát?
Đại sĩ Văn-thù đáp:
–Người lãnh thọ giáo pháp nhưng lại sợ khó khăn, nhàm chán hoạn nạn khổ đau trong ba cõi. Đó là luật của Thanh văn.
Hộ trì trọn vẹn nơi vô lượng sinh tử, đem lại an lành cho tất cả chúng sinh và muôn loài vật khác, mở lối chỉ đường trong ba cõi, quyết phá tan những lưới nghi ngờ nhưng vướng mắc vào vọng tưởng của chúng sinh. Đó là luật của Bồ-tát.
Chán ghét sự tích đức, do đó bỏ bê, dễ dãi không chịu cầu tiến. Đó là luật của Thanh văn.
Tích cực thực hành các công đức không biết chán đủ, vì sự lợi ích cho chúng sinh mà cứu giúp họ. Đó là luật của Bồ-tát.
Diệt trừ tất cả tham dục, phiền não mà chính họ đã chán ghét. Đó là luật của Thanh văn.
Khắc phục sự vướng mắc vào tham ái, phiền não của tất cả chúng sinh. Đó là luật của Bồ-tát.
Không thấy chỗ của tâm nhớ nghĩ và hành động nơi các cõi trời nên chí nguyện không đồng. Đó là luật của Thanh văn.
Tự thấy cõi nước Phật trong tam thiên đại thiên thế giới là gốc rễ để cho tâm quay về. Đó là luật của Bồ-tát.
Chỉ có thể soát xét hành vi của tâm mình, đó là luật của Thanh văn
Thấy khắp cùng tâm niệm của chúng sinh có trong mười phương chư Phật. Đó là luật của Bồ-tát.
Chỉ chiếu rọi và hướng về chí tánh của chính mình. Đó là luật cua Thanh văn.
Chiếu sáng tâm niệm, hành vi của tất cả chúng sinh, cho đến loài côn trùng nhỏ nhít. Suy nghĩ chỗ ở của ba cõi đều có ngọn ngành.
Đó là luật của Bồ-tát.
Khó mà thâu giữ tất cả chúng ma. Đó là luật của Thanh văn.
Giáo hóa, hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng trong tam thiên đại thiên thế giới. Diệt trừ hành động của các ma và khiến cho chúng có thể thọ trì chánh pháp. Đó là luật của Bồ-tát.
Như các đồ vật bằng gạch đá, nếu bị đập vụn nát thì không thể hàn gắn lại như cũ. Người có chí nhỏ, ít phước đức, chuộng diệt độ như thế, không tiến đến con đường chân chánh. Đó là luat của Thanh văn.
Giống như đồ vật bằng vàng, tuy là bị phá nát nhưng cuối cùng không bỏ đi, vì nó có thể hợp lại để làm đồ vật quý báu khác. Đại sĩ hiện ra sự diệt độ của Pháp thân trí tuệ sâu xa nhưng vẫn tồn tại, không hư rã, không tăng, không giảm, vẫn tiếp tục hiển hiện nơi ba cõi. Đó là luật của Bồ-tát.
Như lửa lớn, có thể thiêu đốt cây cỏ, núi rừng, nhưng lửa ấy chẳng đốt cháy được loài cầm thú chạy nhanh, trốn mất. Chí nhỏ như vậy, sợ khó khổ nơi ba cõi, nên lẫn trốn nơi Nê-hoàn. Đó là luật của Thanh văn.
Thích ở chốn sinh tử, một mình đi trong ba cõi, ý không hề khiếp nhược. Tâm vui vẻ ưa thích, có niềm vui nơi đạo pháp, khuyến hóa chung sinh cũng như dạo chơi trong khu vườn đẹp, có hoa trái sum suê, có nhiều chỗ vui vẻ. Đó là luật của Bồ-tát.
Không thể đoạn trừ nạn nối kết các chướng ngại có nơi chốn. Đó là luật của Thanh văn.
Diệt trừ tất cả tai họa của phiền não để không còn gì cả. Đó là luật của Bồ-tát.
Nói tóm gọn là có giới hạn, tự trói buộc thân để đức có giới hạn, thấy được sự thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, nhưng sự thấy biết không thể thành tựu đạo lớn vô biên. Đó là luật của Thanh văn.
Sự tiếp nhận sâu xa, chí như hư không, công huân vô lượng. Sự phẩm bình về giới, định, tuệ, giải thoát tri kiến không thể ghi chép hết. Đó là luật của Bồ-tát.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ca ngợi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã khéo giảng nói pháp này. Về luật của các Bồ-tát, này Văn-thù hãy lắng nghe! Ta sẽ dẫn dụ, giải thích trở lại, làm cho nghĩa đó trở về đúng với sự rốt ráo rộng lớn. Ví như có hai người: Một người ca ngợi nước có ở trong dấu chân bò, một người đứng lên ca ngợi công dụng của nước chứa trong biển lớn. Ý ông thế nào? Người ca ngợi nước ở dấu chân bò có thể đúng mãi không?
–Bạch Thế Tôn! Nước ở nơi dấu chân bò rất là ít, ít đến nỗi không đủ để ca ngợi.
–Này Văn-thù-sư-lợi! Hãy lắng nghe! Luật của Thanh văn, oai lực của nó cũng lại như thế. Cũng như nước ở dấu chân bò không đủ để ca ngợi. Còn người đứng lên ca ngợi biển lớn thì như thế nào?
–Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Rất nhiều, rất nhiều! Vì biển lớn mênh mông đó không có bờ bến, khó có thể đo lường được mức độ rộng sâu của nó.
Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nên thực hành luật của Bồ-tát như đã thấy. Cũng giống như sông, biển lớn, không thể biết hết hạn lượng.
Khi Đức Phật nêu dạy những lời này, có hai vạn hai ngàn người đạt đến pháp Nhẫn vô sinh. Họ đồng thanh ca ngợi:
–Đấng Thế Tôn của chúng con! Thế Tôn đã dẫn đường mở lối phát khởi cho vô số chúng sinh. Chúng con sẽ học nơi luật của Bồ-tát ấy.
Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Học luật như thế nào? Là tu theo luật của Thanh văn, Duyên giác hay luật của Bồ-tát?
Bồ-tát Văn-thù đáp:
–Ý của Thiên tử nghĩ sao? Biển lớn kia nhận nước nào và bỏ nước nào?
–Thưa Nhân giả! Biển lớn đó không có thứ nước nào mà không nhận.
–Đúng thế, này Thiên tử! Luật của Bồ-tát giống như biển lớn, nhận cả bùn nhơ. Các luật ở mười phương đều quy tụ nơi đây. Thanh van, Duyên giác và tất cả chúng sinh được khai hóa, thực hành luật phổ biến khắp nơi.
Lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Những điều Đại sĩ nói về luật, phải hiểu như thế nào?
Đáp:
–Những điều ta nói về luật là sự mở bày, chỉ dạy, giáo hóa về phiền não, về tham ái, cho nên gọi là luật. Hiểu rõ nơi tham dục cũng gọi là luật.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Sao gọi là mở bày, chỉ dạy về tham ái, về phiền não? Sao gọi là hiểu rõ nơi tham dục?
Đáp:
–Những suy tư, tính toán về bản ngã, đối với những gì đã thấy không bỏ điên đảo, không bỏ nguồn gốc ngu si, tăm tối, thực hành hai việc phát triển phiền não, phân biệt như thế, gọi là hiểu rõ tham dục. Nếu người tu hành, tư tưởng không tham, tùy thuận theo con đường trong sạch, không tính toán mình ta, không ở nơi tà kiến, xả bỏ điên đảo, trừ diệt vô minh, ngu si mê muội, không thực hành hai việc phiền não, không tăng trưởng cũng không tranh loạn. Đã không tranh loạn thì rốt ráo an vui mãi mãi. Đó gọi là luật mở bày chỉ dạy về phiền não. Như Thiên tử kia, có thầy ảo thuật sáng suốt, có thể biết rõ các loại độc trùng, ông ta có thể dùng chú thuật trừ bỏ sự độc hại ấy. Người học cũng như vậy. Giả sử có thể phân biệt về gốc ngọn của phiền não là không có căn nguyên, thì có thể tiêu diệt phiền não tham ái.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Sao gọi là luật mở bày chỉ dạy về gốc ngọn của phiền não?
Đáp:
–Đối với các ý tưởng và sự nhớ nghĩ về những gì đã thực hành, từ đầu đến cuối, nếu không có ý tưởng nhớ nghĩ, thì không có tranh tụng nhiều. Đã không tranh tung nhiều thì không có chỗ để vướng mắc. Đã không có chỗ vướng mắc thì không có chỗ để dựa. Đã không có chỗ để dựa, thì không có chỗ để trụ. Đã không có chỗ để trụ thì không có phiền não. Đã không có phiền não thì thực hiện rốt ráo như pháp đã dạy để được độ thoát. Đấy gọi là luật.
Thiên tử! Giả sử dùng trí tuệ cao sâu của bậc Hiền thánh để hiểu rõ nguồn gốc của tham ái, phiền não, vốn là hư giả, trống rỗng, không có thực, không có chủ tể thường hằng, cũng không thuộc vào đâu, không từ đâu đến, không từ đâu đi, không có nơi chốn, cũng không có phương hướng, không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở hai bên, cũng không tích tụ, không sắc, không tượng, không có hình dáng. Đó là hiểu rõ về nguồn gốc của phiền não, tham ái.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Sao gọi là phiền não mà mong được độ thoát?
Nó là thật hay là giả?
Đáp:
–Giống như có người nằm mộng, thấy bị rắn độc cắn đau không chịu nổi. Người ấy vội tìm thuốc trừ nọc độc, chất độc ấy được giải và hết hẳn đau đớn. Đối với việc đó Thiên tử nghĩ thế nào? Người đó xét lại việc bị rắn độc cắn là việc có thật không?
–Thưa, là hư giả, không thể gọi là thật.
–Giả sử người đó cho là hư giả, nhưng do đâu bị độc mà mong tìm thuốc trừ độc? Do mộng và hư giả không thật nên việc bị nọc độc cũng không thật. Do đó muốn trừ chất độc ấy cũng vậy thôi, có đâu mà trừ.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dạy:
–Các bậc Thanh văn đều hiểu rõ không, nên mở bày chỉ dạy về tất cả những tham ái, phiền não cũng lại như vậy. Như Thiên tử hỏi sao gọi là khai hóa phiền não tham ái? Nó là thật hay là giả? Như muốn hiểu rõ nghĩa này, thử xét thân ta, nếu cho là không có thân, thì phiền não, tham ái thật cũng không có cũng lại như vậy. Giả sử thân ta là thật có, thì phiền não, tham ái cũng sẽ tồn tại. Sở dĩ phiền não không thật là phiền não, vì thân ta không thật có thân. Do đó nên không thể mở bày chỉ dạy được phiền não. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều không sinh, vắng lặng, nên các pháp an nhiên không thể lãnh giữ. Các pháp lặng lẽ tự nhiên không có nẻo quay về. Các pháp đều tận cùng, không tích tụ. Các pháp vô tận nên không có chỗ sinh. Các pháp không sinh nên không có chỗ thành. Các pháp không thành vì không được tạo ra. Các pháp không được tạo ra vì không có chỗ làm. Các pháp vô vi vì không có ngã. Các pháp vô ngã vì không có chủ tể. Các pháp không có chủ tể thì như hư không. Các pháp không đến thì không có chỗ vướng mắc. Các pháp không đi từ đó nên không có chỗ trụ. Các pháp không trụ nên không có chỗ thọ lãnh. Các pháp không thọ lãnh nên không có chỗ vướng mắc.
Thế nên, này Thiên tử! Cuối cùng sự cầu mong giao hóa trở thành pháp luật và cũng không có chỗ để giáo hóa.
Phẩm 4: ĐẠO MÔN
Thiên tử Tịch Thuận Luật Âm lại hỏi:
–Tất cả các pháp, lấy pháp nào làm cửa đứng đầu?
Đáp:
–Không tùy thuận theo sự nhớ nghĩ, lấy đó làm cửa đầu tiên. Nhớ nghĩ đúng theo nghĩa trọn vẹn của dòng sinh tử là Niết-bàn. Không sáng suốt tu hành tiến tới là cửa chướng ngại. Thực hành tinh tấn là cửa đạo phẩm. Thực hành mà còn nghi ngờ là cửa phien não. Chuyên tu giải thoát là cửa không chướng ngại. Suy nghĩ nhớ tưởng còn vướng mắc là cửa phiền não. Không có chỗ tưởng nhớ, không có chỗ hư giả nên không có cửa tham ái. Loạn động nghĩ nhiều là các cửa của mơ tưởng không thật. Tu hành lặng lẽ tự nhiên là cửa an nhiên. Sáu mươi hai tà kiến là cửa kiêu mạn. Tu ở nơi không là cửa không tự cao tự đại. Theo và gần gũi bạn xấu là cửa tội ác. Theo và gần gũi bạn lành là cửa pháp thiện. Các việc tà kiến là cửa hoạn nạn khổ đau. Nghĩa chánh kiến là cửa an ổn. Sự tham lam, bỏn sẻn là cửa bần cùng. Nghĩa bố thí là cửa nhiều giàu sang. Người hủy phạm giới pháp liền trở về cửa của con đường ác. Người vâng theo việc tu tập giới cấm, tất cả sẽ trở về cửa phát sinh điều thiện. Người ưa tranh chấp, kiện tụng là trái mất cửa pháp. Nếu người nhẫn nhục sẽ được trở về nơi cửa đặc biệt tốt đẹp diệu kỳ. Người lười biếng là cửa tâm nhơ bẩn. Hướng dẫn tu hành tinh tấn là cửa trong sạch. Sống buông thả là cửa tâm loạn. Các việc đều một lòng là cửa định ý. Hành theo trí ác là mê hoặc ngu tối, như cánh cửa của trâu, dê. Người trí tuệ tu ba mươi bảy phẩm, là cửa nơi đạo pháp căn bản của sư tử. Người tu hành đầy đủ tất cả tâm Từ là cửa không có tổn hại. Người tu hành có tâm xót thương là cửa của ý chí hòa nhã. Tánh nhu hòa, không dua nịnh là cửa dạy bảo. Vui vẻ làm việc thiện là cửa pháp vui. Người tu hành giúp đỡ không phân biệt chỗ thân thích là cửa không tăng giảm. Thực hành bốn Ý chỉ (bốn Niệm xứ), không mất đức đã có ở đời trước là cửa các phước thiện. Người tu bốn Ý đoạn (bốn Chánh cần) là thuận theo cửa bình đẳng. Người có bốn Thần túc là cửa thân tâm nhẹ nhàng. Người tu hành năm Căn, dốc lòng tin giáo nghĩa là cửa đầu tiên. Người thực hành năm Lực, không bị phiền não và các ái dục làm khiếm khuyết là cửa không nhiễm ô. Người thực hành bảy Giác ý, đều đã hiểu rõ về bình đẳng là cửa trí tuệ. Người thực hành tám Chánh đạo, chấm dứt tất cả pháp tà, vượt qua cửa mê hoặc.
Lại nữa, này Thiên tử! Tính theo các Bồ-tát, pháp Phật là cửa đầu tiên, bảo vệ tất cả các pháp, cho nên là cửa pháp tự tại. Khéo biến hóa các phương tiện, hiểu rõ mọi nơi là cửa không xứ sở. Trí Bala-mật không cùng, thấu biết tất cả những nhớ nghĩ trong tâm của chúng sinh để tùy thuận là cửa vượt qua bờ giải thoát. Sáu độ Ba-lamật vô cùng, thu giữ được sáu ham muốn, khiến không còn có chỗ nơi là cửa Đại thừa. Xem xét mong cầu đều không, thấy ba cõi như sự biến hóa, trước sau như giấc mộng, đó là cửa trí tuệ sáng suốt. Tất cả các pháp vốn đều không, đạt pháp Nhẫn vô sinh thì thấu suốt tự nhiên, không nơi nào là không thông tuệ, nhưng tuệ giác ấy không nương vào sự thông tuệ của người khác.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi! Thế nào gọi là cửa pháp giới?
Đáp:
–Cửa pháp giới gọi là “Phổ môn” (còn gọi là phổ pháp – tức trong một môn mà gồm thâu cả pháp giới).
–Thưa Nhân giả! Cửa pháp giới lấy gì làm cõi?
Đáp:
–Là cõi của tất cả chúng sinh, nên gọi là pháp giới.
–Thưa Nhân giả! Pháp giới ấy có thể phân chia giới hạn không?
Lại đáp:
–Thiên tử xem cõi hư không có thể phân chia giới hạn được chăng?
–Thưa Nhân giả, không thể vậy.
–Này Thiên tử! Cũng như hư không, không có phân chia bờ bến.
Pháp giới cũng như vậy, không thể phân chia bờ bến.
Thiên tử lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Có thể nào phân biệt được nơi chốn của pháp giới chăng?
Đáp:
–Pháp giới ấy, không thể phân biệt được.
–Thưa Nhân giả! Nguyên nhân nào giúp giảng giải về các pháp, để có thể hiểu rõ ràng như chỗ biện tài này?
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Ý Thiên tử thế nào? Do tiếng gọi mà phát ra âm thanh thì làm sao giảng nói được pháp?
–Thưa Nhân giả! Âm vang ấy không thể giảng rõ các pháp. Vì nó là do các duyen hợp thành mới phát ra tiếng.
–Đúng thế, thưa Thiên tử! Bồ-tát đều nhân nơi các duyên cho nên mới có chỗ giảng nói.
–Thưa Nhân giả! Vậy thì trụ nơi nào mới có chỗ giảng nói?
Đáp:
–Đức Như Lai phải hóa ra chỗ trụ để có chỗ giảng nói. Chỗ trụ của ta là chỗ giảng nói này đây.
Lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Sự giáo hóa của Như Lai là pháp không có chỗ trụ, sao lại có chỗ giảng nói?
–Như Đức Như Lai phải hóa ra nơi không có chỗ trụ, nên có chỗ giảng nói. Ta cũng đã tuyên dương, giáo hóa như vậy.
–Giả sử Bồ-tát Văn-thù đối với tất cả các pháp, lập ra không có chỗ để trụ mà lại có chỗ giảng nói, thì Nhân giả phải đi đến chỗ nào, để thành tựu đạo Chánh chân Vô thượng, làm đấng Chánh giác cao tột?
–Ta trụ nơi năm nghịch, cho đến khi thành tựu đạo Chánh chân Vô thượng.
–Thưa Nhân giả! Như vậy người tạo năm nghịch đó trụ nơi nào?
Đáp:
–Người tạo năm nghịch đó không có căn bản, nên cũng không có chỗ trụ.
Lại hỏi:
–Đức Như Lai nói, tạo tội năm nghịch không tránh khỏi địa ngục Vô gián, không lìa được chốn địa ngục phải không?
Đáp:
–Đúng như thế, này Thiên tử! Đúng như lời Phật dạy. Người tạo tội năm nghịch, sẽ bị đọa vào địa ngục. Nhưng nếu Bồ-tát trụ nơi năm nghịch này sẽ mau thành tựu đạo Chánh chân Vô thượng. Vậy thế nào gọi là năm nghịch?
–Giả sử Bồ-tát hết lòng ân cần, phát tâm đại đạo, bỏ tâm Tiểu thừa, không rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác. Đó là nghịch thứ nhất.
Phát tâm rộng lớn, ban cho tất cả những gì mình có được không chút luyến tiếc, không hòa hợp cùng vơi tâm bỏn sẻn nhỏ nhen. Đó là nghịch thứ hai.
Phát tâm Từ lớn đối với tất cả chúng sinh là ta sẽ cứu độ họ, để họ không ở trong sự biếng trễ. Đó là nghịch thứ ba.
Thấy tất cả pháp không từ đâu sinh, ngay nơi ấy lien đạt được pháp nhẫn Vô sở tùng sinh, cũng không cùng ở với sáu mươi hai nghi hoặc tà kiến hợp lại. Đó là nghịch thứ tư.
Chỗ nên thấy biết, chỗ nên đoạn trừ, chỗ nên tuyên nói, chỗ nên thành tựu giác ngộ cần phải phát tâm hiểu rõ những thấy biết đó để không nơi nào mà không thông đạt, nhưng không chỗ nào trụ được. Không vướng mắc nơi ba cõi, thành tựu Nhất thiết trí. Đó là nghịch thứ năm.
–Này Thiên tử! Bồ-tát đã trụ nơi năm nghịch này rồi khi ấy mới chóng thành tựu đạo quả Chánh chân Vô thượng, làm bậc Chánh giác cao tột hơn hết.
Lại hỏi:
–Thưa Nhân giả! Như chỗ đã nói, sao gọi là nghịch mà không thành nghịch, thuận lại không là thuận?
Đáp:
–Như vàng ròng và ngọc như ý, tuy bị rơi vào chỗ nhơ bẩn nhưng có thể hợp chung lại được không?
–Thưa không hợp được. Vì sao? Vì vật ấy có bản chất riêng của nó, không thể giả hợp lại được.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dạy:
–Này Thiên tử! Tâm người vốn sáng, nên dù buông thả nơi nhơ uế thì vẫn không bị tỳ vết. Giống như ánh sáng không cùng với bóng tối hòa hợp, cũng như hoa sen không bị bùn làm hoen ố. Ví như hư không, không thể làm cấu bẩn được. Muốn thực hành, học pháp phát tâm của Bồ-tát thì trụ nơi các nghịch mà không dao động. Mở bày chỉ dạy các điều nghịch thì gọi là thuận theo. Tâm ấy vốn sáng nên không cùng với nhơ bẩn hòa hợp. Vì sao? Giả sử có hợp lại thì không thể không thành riêng biệt. Nước và đất bùn còn không hợp được, huống chi là tâm vốn trong sạch. Vô hình và hữu hình hợp được nhau sao?