KINH TRƯỜNG A-HÀM THẬP BÁO PHÁP
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Kinh Trường A Hàm Thập Báo Pháp

QUYỂN II

–Tám pháp thứ nhất là Người tu hành muốn tăng trưởng nơi gốc thực hành nhưng chưa được trí tuệ, cần có tám pháp làm nhân duyên. Những gì là tám:

1. Nếu người tu hành nương theo lời Đức Phật, thọ giáo răn dạy mà thực hành, cũng nương tự bậc trí tuệ, kẻ đồng học là căn bản tu hành, nếu chưa được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ nhất.

2. Đã nương tựa Phật, cũng nương tựa bậc trí tuệ, kẻ đồng học, thường được nghe kinh pháp vi diệu, là căn bản để tăng trưởng việc tu hành, không được trí tuệ căn bản liền được trí tuệ căn bản. Đây là nhân duyên của pháp thứ hai.

3. Đã nghe pháp, không chấp vào thân, không chấp vào ý, từ đó làm nhân duyên căn bản cho sự tu hành, không được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ ba.

4. Đã nghe pháp, tinh tấn thực hành, từ đó làm căn bản cho sự tu hành được tăng trưởng, không được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ tư.

5. Giữ gìn ý tưởng, tự mình tận lực tu hành, có thời gian lâu tu trì, có thời gian giảng nói, muốn nhớ nghĩ liền được nhớ, sự tu hành được tăng trưởng, không được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ năm.

6. Nhận lời giảng dạy cũng như nhận được giáo pháp tu hành, làm tu hành được tăng trưởng, không được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ sáu.

7. Vui trong giáo pháp, vui trong việc thực hành, thường giảng nói kinh làm tu hành tăng trưởng, không được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ bảy.

8. Biết năm ấm tăng giảm nên tu hành. Hoặc là sắc, hoặc là sự tập khởi của sắc, hoặc từ đó mà sắc được diệt đều biết rõlà tư tưởng, thống, lương khổ do thức sanh tử phân biệt. Từ sự nhận biết đó mà được vượt qua. Đó là căn bản của sự tu hành được tăng trưởng, chưa được trí tuệ liền được trí tuệ. Đây là nhân duyên của pháp thứ tám.

–Tám pháp thứ hai là: người theo tám pháp này tu hành có thể đạt đến đạo, có tám con đường:

  1. Thấy biết chân chánh.
  2. Nhớ nghĩ chân chánh.
  3. Nói năng chân chánh.
  4. Học pháp chân chánh.
  5. Tạo nghiệp chân chánh.
  6. Phương tiện chân chánh.
  7. Tâm ý chân chánh.
  8. Thiền định chân chánh.

–Tám pháp thứ ba là nên biết tám pháp nơi thế gian:

  1. Lợi.
  2. Không lợi.
  3. Danh tiếng.
  4. Không danh tiếng.
  5. Luận bàn.
  6. Đáng khen.
  7. Vui thích.
  8. Không vui thích.

–Tám pháp thứ tư nên bỏ là:

  1. Thấy biết không chân chánh.
  2. Nhớ nghĩ không chân chánh.
  3. Nói năng không chân chánh.
  4. Tu pháp không chân chánh.
  5. Tạo nghiệp không chân chánh.
  6. Dùng phương tiện không chân chánh.
  7. Tâm ý không chân chánh.
  8. Thiền định không chân chánh.

–Tám pháp thứ năm là nên giảm bỏ tám thứ:

1. Không nên mê mờ, chẳng tinh tấn đối với đạo. Người tu hành nên ở quận huyện, ở nơi thôn xóm, cũng như những nơi khác, tùy chỗ tu hành, buổi sáng thức dậy mang y, cầm bát vào xóm làng khất thực, trong lòng suy nghĩ sẽ được nhiều đồ ăn vừa ý. Đã đi khất thực mà không được nhiều đồ ăn, liền suy nghĩ: “Hôm nay ta không nhận được nhiều đồ ăn vừa ý, thân gầy yếu không thể ngồi thiền nên đi nằm ngủ”, liền đi nằm ngủ. Lại cũng không tìm cầu phương tiện giải thoát thế gian, điều chưa được không được, vấn đề chưa hiểu không hiểu, việc nên tự biết không chịu tự biết. Đây là một loại người mê mờ, không siêng năng trong đạo.

2. Người tu hành hoặc ở quận huyện, ở nơi thôn xóm, cũng như ở những nơi khác, tùy theo chỗ ở tu hành. Buổi sáng thức dậy mang y, cầm bát vào xóm làng khất thực, trong tâm nghĩ sẽ khất thực được nhiều đồ ăn vừa ý, tự mình sau đó nhận được nhiều đồ ăn, suy nghĩ: “Ta sáng nay nhận được nhiều đồ ăn vừa ý”, liền nghĩ: “Sáng nay ta được ăn nhiều đồ ăn, làm cho thân nặng nề, không kinh hành hay ngồi thiền được, ta nay nên đi nằm nghỉ”, liền đi nằm nghỉ, không tìm phương tiện vượt thoát thế gian, chỗ nên được không được, vấn đề nên hiểu không hiểu, việc nên tự biết không thể tự biết. Đây là việc mê mờ thứ hai.

3. Hoặc có người tu hành, khi cần đi hành đạo, liền sanh ý nghĩ: “Ta phải nên đi hành đạo, nhưng ta không có khả năng hành đạo, không thể đi giáo giới, ta nên đi nằm nghỉ”. Không tìm cầu phương tiện vượt thoát thế gian, chỗ nên được chưa được, vấn đề nên hiểu chưa hiểu, điều cần tự biết chưa tự biết. Đây là việc mê mờ thứ ba.

4. Hoặc có người tu hành, suốt ngày hành đạo, ý nghĩ: “Từ sáng hành đạo đến giờ, thân thể mệt mỏi, không thể ngồi thiền hoặc đi kinh hành, ta phải đi nằm nghỉ”, liền bỏ đi nằm nghỉ, không tìm cầu phương tiện vượt thoát thế gian, việc nên được lại không được, vấn đề nên hiểu không hiểu, cần phải tự biết phép chứng đắc không tự biết phép chứng đắc. Đây là loại mê mờ thứ tư.

5. Hoặc có người tu hành sắp nỗ lực tu tập, lại nghĩ: “Ta nên siêng tu hành, nhưng ta không có khả năng tu tập, không có khả năng vâng nhận lời răn dạy, ta nên dành chút thời gian để nghỉ ngơi”, liền đi nằm nghỉ, không tìm cầu phương tiện vượt thoát thế gian, cần theo kịp người thì không thể theo kịp, điều nên hiểu thì không hiểu, nên tự mình chứng biết mà không thể tự chứng biết. Đây là điều mê mờ thứ năm.

6. Hoặc có người tu hành suy nghĩ: “Ta từ sáng đến giờ hành đạo nên thân thể mệt mỏi không thể ngồi thiền, ta phải đi nằm nghỉ”. Người ấy đi nghỉ, không tìm cầu phương tiện vượt thế gian, điều nên được lại không được, việc nên rõ không rõ, nên tự chứng biết thì không tự chứng biết. Đây là điều mê mờ thứ sáu.

7. Hoặc có người tu hành đã bị khổ vì bệnh, liền suy nghĩ: “Ta đã khổ vì mắc bệnh, thân thể yếu đuối không thể đi kinh hành, không thể ngồi thiền, ta cần phải nằm nghỉ”, liền đi ngủ nghỉ, không tìm cầu phương tiện vượt thoát thế gian, việc nên được lại không được, điều nên hiểu lại không hiểu, nên tự chứng biết thì không tự chứng biết. Đây là điều mê mờ thứ bảy.

8. Hoặc có người tu hành gặp lúc bệnh mới vừa khỏi, sau đó liền nghĩ: “Ta bị bệnh mới lành, thân thể còn yếu đuối, không thể kinh hành hoặc ngồi thiền, ta nên đi nằm nghỉ”, liền bỏ đi nằm ngủ, không tìm cầu phương tiện vượt thoát thế gian, điều nên được thì không được, việc nên hiểu không hiểu, pháp nên tự chứng biết thì không thể tự chứng biết. Đây là điều mê mờ thứ tám.

–Tám pháp thứ sáu là tám phương tiện tinh tấn tu tập làm tang trưởng đạo lực.

1. Người tu hành hoặc ở quận huyện, hoặc ở thôn xóm, cũng như các chỗ khác, tại chỗ tu hành, buổi sáng thức dậy, mang y cầm bát vào xóm làng khất thực, ý nghĩ sẽ được nhiều đồ ăn, nhưng không được nhiều đồ ăn nên tự nghĩ: “Ta sáng nay không nhận được đồ ăn, thân nhẹ nhàng, có thể kinh hành, ngồi thiền, giúp phương tiện cho ta”, pháp chưa được liền được, vấn đề chưa hiểu liền hiểu, chưa tự biết sẽ tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ nhất.

2. Hoặc có người tu hành, nếu ở tại quận huyện, hoặc ở thôn  xóm, cũng như những nơi khác, ở chỗ tu hành, buổi sáng thức dậy mang y cầm bát vào xóm làng khất thực, ý nghĩ sẽ được nhiều đồ ăn liền suy nghĩ: “Ta sáng nay nhận được nhiều đồ ăn vừa ý, thân có sức lực, trước nên ngồi thiền hoặc kinh hành, giúp phương tiện cho sự mong muốn của ta”, chưa được liền được, chưa hiểu nên hiểu, chưa tự biết nên tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ hai.

3. Hoặc có người tu hành sắp đi hành đạo, tuy thân không thể hành đạo, cũng chưa nhận lời răn dạy về hành đạo, tự nghĩ: “Ta phải tìm cầu phương tiện để được răn dạy về hành đạo, để giúp phương tiện cho tự mình hành đạo”, chưa được sẽ đạt được, chưa hiểu rồi sẽ hiểu, chưa tự biết rồi cũng tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ ba.

4. Hoặc có người tu hành, đã đi hành đạo lại sanh ý nghĩ: “Ta đã hành đạo từ lâu nay, bây giờ không thể tự hành đạo nữa, không thể phụng sự việc giảng đạo nữa, như thế là khiến ta mở ngõ cho việc sai phạm”, có suy nghĩ ấy nên những gì chưa được sẽ được, chưa tự biết sẽ tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ tư.

5. Hoặc có người đang tu tập, liền suy nghĩ: “Ta không thể tự tạo việc tu hành để thành tựu việc giáo hóa, mà ta phải trước tìm cầu pháp phương tiện”, liền trước hết thực hành pháp phương tiện, do đó pháp chưa được sẽ được, điều chưa hiểu sẽ hiểu, việc chưa tự biết sẽ tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ năm.

6. Hoặc có người đã tận lực tu tập, liền nghĩ: “Ta đã tận lực tu hành, không còn cần tu tập để thành tựu việc giảng dạy, như thế là sẽ khiến cho ta vướng vào chỗ bế tắc, sai phạm. Phải tìm cầu pháp phương tiện để hóa giải chỗ sai phạm bế tắc đó”. Như thế pháp chưa được sẽ được, điều chưa hiểu rõ sẽ rõ, nếu chưa tự biết sẽ tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ sáu.

7. Hoặc có người tu hành, thân có bệnh rất cực khổ, liền nghĩ: “Ta có bệnh khổ, có khi do bệnh mà chết. Ta phải mau gấp tìm cầu phương tiện tu hành”. Nhờ tu tập, pháp chưa được sẽ được, điều chưa hiểu sẽ hiểu, nếu chưa tự biết sẽ biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ bảy.

8. Hoặc có người tu hành vừa bị bệnh mới khỏi không lâu, liền suy nghĩ: “Thân ta vừa bệnh mới khỏi, sợ bệnh trở lại, nay ta nên trước tìm cầu phương tiện tu hành”, liền tìm cầu phương tiện tu hành, điều chưa được sẽ được, việc chưa rõ sẽ rõ, chưa tự biết sẽ tự biết. Đây là phương tiện siêng năng thứ tám.

–Tám pháp thứ bảy là tám giải thoát khó cảm thọ:

1. Nếu có người tu hành, trong tưởng sắc, ngoài quán sắc, nếu có ít nhiều sắc xấu tốt đều thấy biết tự tại, ý tưởng cũng như thế. Đây là giải thoát thứ nhất.

2. Nếu có người hành đạo, bên trong thiền tư cảnh sắc, ngoài thấy sắc. Đây là giải thoát thứ hai.

3. Nếu có người tu hành, thân thanh tịnh giải thoát nhờ rõ biết về cảm thọ để tu hành. Đây là pháp giải thoát thứ ba.

4. Đều vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt sân hận, bao nhiêu tâm niệm “có”, “không” đều diệt, không còn cảm thọ. Đây là giải thoát thứ tư.

5. Vượt qua tất cả không xứ, không còn có thức thọ hành. Vượt qua tất cả thức xứ, không còn chịu sức tác dụng cảm thọ của thức. Đây là pháp giải thoát thứ năm.

6. Vượt qua tất cả niệm vô sở hữu, không dụng công với tưởng “hữu”, “vô” cũng chẳng cảm thọ với tưởng “hữu”, “vô”. Đây là pháp giải thoát thứ sáu.

7. Vượt qua tất cả tưởng “hữu”, “vô” cũng không tu tập tưởng “hữu”, “vô”. Đây là giải thoát thứ bảy.

8. Diệt tưởng và tư, tự thân biết rõ của cảm thọ. Đây là pháp giải thoát thứ tám.

–Tám pháp thứ tám: Gồm có tám sự nhớ nghĩ của bậc Đại nhân. Thế nào là tám?

  1. Vì nhớ nghĩ đạo pháp nên là người thiểu dục, không phải đa dục.
  2. Vì đạo pháp, là người tri túc, không tri túc sẽ không có đạo pháp.
  3. Vì đạo pháp, là người biết tiếp nhận pháp tu hành, không thọ nhận pháp tu hành sẽ không có đạo pháp.
  4. Vì đạo pháp, là người tinh tấn, không tinh tấn sẽ không có đạo pháp.
  5. Vì đạo pháp, là người giữ gìn ý, không giữ gìn ý sẽ không có  đạo pháp.
  6. Vì đạo pháp, là người định tâm ý, không định ý sẽ không có đạo pháp.
  7. Vì đạo pháp, là người trí tuệ, không có trí tuệ sẽ không có đạo pháp.
  8. Vì đạo pháp, không có nhà là vui, cũng có thể không có nhà không vui, nhưng người cùng ở chung nhà mới vui, cùng ở là không có đạo pháp. Đây là tám sự nhớ nghĩ của bậc Đại nhân.

–Tám pháp thứ chín là nên biết tám pháp. Đó là những gì?

1. Bên trong tưởng sắc, ngoài thấy sắc, ít đoan chánh hoặc không đoan chánh, gồm thâu được sắc, biết tự tại, cũng được tự tại trong khi thấy, trong ý nghĩ. Đây là tự tại thứ nhất.

2. Bên trong quán niệm sắc, ngoài thấy sắc, thấy sắc chẳng qua chỉ nơi tác động nên biết tự tại, thấy tự tại. Quán tư tưởng như vậy là tự tại thứ hai.

3. Bên trong quán tưởng không có sắc, ngoài thấy sắc, ít đoan chánh hoặc không đoan chánh, nơi sắc hay tu hành, để biết tự tại, thấy tự tại. Quán tưởng như vậy là tự tại thứ ba.

4. Bên trong không nghĩ về sắc, ngoài thấy sắc, không những là đoan chánh hay không đoan chánh, nơi sắc hay tu hành, để biết tự tại, thấy tự tại. Quán tưởng như vậy là tự tại thứ tư.

5. Bên trong niệm tưởng về sắc, bên ngoài thấy sắc màu xanh, sắc xanh, ánh sáng xanh, tướng thấy xanh, ví như hoa sen xanh thơm ngát, màu sắc xanh, ánh sáng, tướng thấy xanh. Trong tưởng sắc, ngoài thấy sắc, màu sắc xanh, ánh sáng xanh, tướng thấy xanh như vậy. Quán tưởng như thế là tự tại thứ năm.

6. Bên trong quán tưởng biết sắc, bên ngoài thấy sắc màu vàng, sắc vàng, ánh sáng vàng, tướng thấy vàng, ví như hoa Gia-ni, như y màu vàng rất sáng, sắc vàng, ánh sáng vàng, tướng thấy vàng. Bên trong tưởng sắc, thấy sắc bên ngoài màu vàng, ánh sáng vàng, tướng thấy vàng như vậy. Quán tưởng như vậy là tự tại thứ sáu.

7. Bên trong tưởng sắc, ngoài thấy sắc màu đỏ, sắc đỏ, ánh sáng đỏ, tướng thấy đỏ, ví như hoa sắc đỏ, cũng như áo sắc rất đỏ, màu đỏ, sắc đỏ, ánh sáng đỏ, tướng thấy đỏ. Người tu hành bên trong tưởng sắc, ngoài thấy sắc màu đỏ, sắc đỏ, ánh sáng đỏ, tướng thấy đỏ như vậy. Như vậy, người tu hành tự tại biết, tự tại thấy màu sắc. Quán tưởng như thế là tự tại thứ bảy.

8. Bên trong tưởng sắc, ngoài thấy sắc màu trắng, sắc trắng, ánh sáng trắng, tướng thấy trắng, ví như sao sáng, cũng như áo trắng còn mới, màu trắng, sắc trắng, ánh sáng trắng, tướng thấy trắng. Như vậy người tu hành bên trong tưởng sắc, bên ngoài thấy sắc, màu trắng, sắc trắng, tướng thấy trắng. Như vậy màu sắc là đối tượng tu tập để biết tự tại, thấy tự tại. Quán tưởng như thế là tự tại thứ tám.

–Tám pháp thứ mười là người tu hành khi quán cần tự biết tám điều không chấp trước:

  1. Do năng lực không vướng mắc của người tu hành nên nhận thấy rõ ái dục ví như lửa dữ. Biết rõ mình thấy như vậy và rõ mình thấy như vậy thì kiến niệm ái dục qua nhanh và khiến tâm sáng suốt, không còn chấp trước. Đây là năng lực thứ nhất.
  2. Đã tu hành Tứ ý chỉ, đầy đủ, không có chấp trước. Đây là năng lực thứ hai.
  3. Đã tu hành Tứ ý đoạn (Tứ chánh cần) đầy đủ. Đây là năng lực thứ ba.
  4. Đã tu hành Tứ thiền túc (Tứ thần túc) đầy đủ. Đây gọi là năng lực thứ tư.
  5. Đã tu hành Năm căn đầy đủ. Đây là năng lực thứ năm.
  6. Đã tu hành Năm lực đầy đủ. Đây là năng lực thứ sáu.
  7. Đã tu hành Thất giác ý đầy đủ. Đây là năng lực thứ bảy.
  8. Đã tu hành Bát hành (Bát chánh đạo) đầy đủ. Đây là năng lực thứ tám.

Đây là tám mươi pháp của người tu hành, không trái, không khác, có thẩm xét, không mê lầm, không điên đảo, như người cầm đèn tuệ, tùy ý quán sát.

–Chín pháp thứ nhất là người tu tập nên thực hành chín điều làm tâm ý an vui. Thế nào là chín?

  1. Nghe pháp vui.
  2. Tâm niệm vui.
  3. Hoan hỷ vui.
  4. Ưa thích vui.
  5. Tốt đẹp vui.
  6. An ổn vui.
  7. Định tĩnh vui.
  8. Dừng nghỉ vui.
  9. Xa lìa vui.

–Chín pháp thứ hai là siêng năng để đạt đến chỗ thanh tịnh.

Thế nào là chín?

  1. Siêng năng đạt đến thanh tịnh.
  2. Tâm ý đạt đến thanh tịnh.
  3. Nhận thức đạt đến thanh tịnh.
  4. Niệm nghi đạt đến thanh tịnh.
  5. Thuyết đạo đạt đến thanh tịnh.
  6. Dùng trí tuệ thấy như thật.
  7. Trí tuệ nhận thức đoạn tham ái, đạt đến thanh tịnh.
  8. Là đoạn hết chủng tử.
  9. Là vượt khỏi thế gian.

–Chín pháp thứ ba là nên biết chín chỗ thần thức nương ở. Thế nào là chín?

1. Có sắc thân nhóm họp nơi thần thức nương gá, có bao nhiêu thân là có bấy nhiêu tưởng, chẳng phải một, ví như loài người và một số chư Thiên cõi Dục. Đây là cõi thứ nhất thần thức nương gá.

2. Có hình sắc, nơi thần thức nương gá, có nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng, ví như cõi trời tên Phạm ý (Phạm chúng) khi than mạng lúc đầu mới sanh lên. Đây là cõi thứ hai thần thức nương gá.

3. Có hình sắc, thân gá, thức nương, một thân mà có nhiều tưởng, ví như cõi trời Lạc minh (Quang âm). Đây là cõi thứ ba thần thức nương gá.

4. Có hình sắc, thần thức nương, có một thân và một tưởng, ví như cõi trời Biến tịnh. Đây là cõi thứ tư thần thức nương gá.

5. Có hình sắc, thần thức nương, không có thọ, không có tưởng, ví như cõi trời Vô tưởng. Đây là cõi thứ năm nơi thần thức nương gá.

6. Có hữu tình không có hình sắc, thần thức nương, đã vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt sân hận còn ý niệm, có nhiều thân nhưng không còn thọ hành. Ví như cõi trời Không tuệ (Hư không là vô biên). Đây là cõi thứ sáu nơi thần minh nương vào.

7. Có hữu tình không có hình sắc, thần thức nương, đã vượt qua hoàn toàn Không vô biên xứ, đến thức tuệ hành (Thức là vô biên) đã hết ý niệm. Ví như cõi trời Thức tuệ hành (Thức vô biên xứ). Đây là cõi thứ bảy thần minh nương gá.

8. Có hữu tình không có hình sắc, thần thức nương, tất cả từ thức vô biên, lại vượt qua vô sở hữu tuệ thọ hành. Ví như cõi trời Vô sở niệm tuệ (Vô sở hữu xứ). Đây là cõi thứ tám thần minh nương gá.

9. Có hữu tình không có hình sắc, chỗ thức nương, tất cả từ Vô sở hữu xứ vượt qua cõi không có tư tưởng cũng không lìa tư tưởng, cảm thọ hoàn toàn dừng dứt, như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng.

Đây là cõi thứ chín thần minh nương gá.

–Chín pháp thứ tư là nên nhổ sạch chín thứ trói buộc. Những gì là chín?

  1. Ái dục là sự trói buộc thứ nhất.
  2. Sân hận là sự trói buộc thứ hai.
  3. Kiêu mạn là sự trói buộc thứ ba.
  4. Ngu si là sự trói buộc thứ tư.
  5. Tà kiến là sự trói buộc thứ năm.
  6. Nghi ngờ là sự trói buộc thứ sáu.
  7. Tham lam là sự trói buộc thứ bảy.
  8. Tật đố là sự trói buộc thứ tám.
  9. Xan tham là sự trói buộc thứ chín.

–Chín pháp thứ năm là nên diệt trừ chín thứ phiền não căn bản.

Những gì là chín?

1. Người tu hành nếu có ý muốn làm việc ác sẽ không an ổn, khiến bị bức bách, cũng như nghĩ các điều ác. Nếu người tu hành nghĩ đến, từ đó sẽ sanh các phiền não. Đây là phiền não thứ nhất.

2. Nếu người tu hành trước đã có làm ác nên không an, đã bị bức bách vì các điều ác đã thi hành, nếu người tu hành còn nghĩ nhớ đến, từ đấy sẽ sanh phiền não. Đây là phiền não thứ hai.

3. Nếu người tu hành, sau lại có ý muốn làm ác khiến cho không an mà vẫn muốn làm, bị bức bách mà vẫn muốn làm các điều ác. Nếu người tu hành niệm tưởng đến, từ đấy sẽ sanh phiền não. Đây là phiền não thứ ba.

4. Nếu người tu hành do gần gũi người có ý mong muốn làm ác, người ấy gần gũi người muốn làm ác, mong làm ác nên không an mà vẫn muốn làm, bị bức bách bởi muốn làm các điều ác. Nếu người tu hành nghĩ nhớ đến, từ đấy sanh phiền não. Đây là phiền não thứ tư.

5. Nếu người tu hành có gần gũi người đã thi hành việc ác thì tâm không an, bị bức bách do gần người làm các điều ác. Nếu người tu tập còn nghĩ nhớ đến, từ đấy sẽ sanh phiền não. Đây là phiền não thứ năm.

6. Nếu người tu hành do gần gũi nhau, sau lại bày ra việc ác nên sanh ra việc bất an, gây ra việc bức bách do làm các việc ác. Nếu người tu hành có tâm hướng như thế, từ đấy sẽ sanh các phiền não. Đây là phiền não thứ sáu.

7. Nếu người tu hành e ngại không tiện lợi và giúp ích cho việc tu hành, sợ không thuận tiện cho nhau nên muốn thiết lập sự an ổn, muốn giải tỏa bức bách, không muốn phải có các điều ác. Nếu người tu hành không chủ hướng, ý niệm như vậy, từ đấy sẽ sanh ra các phiền não. Đây là phiền não thứ bảy.

8. Nếu người tu hành e ngại không tiện lợi và muốn giúp ích cho việc tu hành, không thuận tiện cho nhau nên đã thiết lập sự an ổn, đã giải tỏa sự bức bách, không muốn có các điều ác. Nếu người tu hành hướng niệm không được như vậy, từ đấy sẽ sanh phiền não. Đây là phiền não thứ tám.

9. Nếu người tu hành e ngại không tiện cho nhau trong việc tu hành, sợ không tiện lợi cho nhau nên đã trợ giúp, đã an ổn, đã giải tỏa bức bách cũng như các điều ác. Nếu người tu hành hướng niệm không được như vậy là không cho nhau được an lạc. Từ đấy sanh phiền não. Đây là phiền não thứ chín.

–Chín pháp thứ sáu là nên suy nghĩ trừ bỏ chín phiền não của ý. Thế nào là chín?

1. Nếu có người tu hành cho rằng: “Vì ta hay quên nên khiến ta có dị tưởng, khiến ta không vui, làm cho ta không an ổn, và ta đã làm ác, còn duy trì ý hướng về phiền não ấy”. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy, là phiền não thứ nhất.

2. Hoặc có người tu hành nghĩ rằng: “Vì tự ta hay quên nên khiến ta có dị tưởng, khiến ta không vui, làm cho ta không an ổn, là ta đã làm ác và còn duy trì ý hướng về phiền não ác ấy”. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy là phiền não thứ hai.

3. Hoặc có người tu hành tự nghĩ: “Vì ta hay quên nên khiến ta có dị tưởng, khiến ta không vui, làm cho ta không an ổn, ta có thể đã làm ác và còn duy trì ý hướng phiền não ấy”. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy, gọi là phiền não thứ ba.

4. Hoặc có người tu hành đôi khi tự nghĩ: “Ta có nhiều tình cảm thân thiết nên gần nên khiến ta mà hay quên, khiến ta có dị tưởng, khiến ta không vui, không an ổn, ta đã làm điều ác và còn duy trì ý hướng về phiền não ấy”. Nếu người tu hành còn nhớ nghĩ như vậy, ấy là phiền não thứ tư.

5. Hoặc có người tu hành có khi tự nghĩ: “Ta có nhiều tình cảm thân thiết nên khiến ta hay quên, khiến ta dị tưởng, khiến ta không vui, không an ổn, vì thấy làm ác và còn giữ ý hướng về phiền não ấy. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy là phiền não thứ năm.

6. Hoặc có người tu hành có lúc tự nghĩ: “Ta có nhiều tình cảm thân thiết nên khiến ta hay quên, khiến ta có dị tưởng, khiến ta không vui, không an ổn vì có thể ta đã làm ác và còn duy trì ý hướng về phiền não ấy. Nếu người tu hành còn có ý hướng như vậy, gọi là phiền não thứ sáu.

7. Hoặc có người tu hành sanh khởi ý nghĩ: “Ta không cùng phương tiện, ta nghĩ nhớ ác, khiến ta không an ổn, khiến ta nghĩ nhớ điều không tốt, vì nó khiến ta oán hận. Thật có ích lợi nếu được làm cho tâm an, được vui, được an ổn. Ta đã giữ ý hướng về phiền não ấy”. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy là phiền não thứ bảy.

8. Hoặc có người tu hành sanh khởi ý nghĩ: “Ta không cùng phương tiện, ta nghĩ nhớ ác, khiến ta không an ổn, khiến ta nghĩ nhớ điều không tốt, vì nó khiến ta thù oán. Thật lợi ích nếu làm cho tâm được an, được vui, được an ổn, thấy làm mà vẫn giữ chặt ý hướng quay điểm về phiền não”. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy là phiền não thứ tám.

9. Hoặc có người tu hành sanh khởi ý nghĩ: “Ta không cùng phương tiện, ta nghĩ nhớ ác, khiến ta không an ổn, khiến ta nghĩ nhớ điều không tốt, bởi vì nó khiến ta thù oán. Thật lợi ích nếu làm cho tâm được an, được vui, được an ổn. Tâm muốn làm mà ta vẫn giữ ý hướng về phiền não ác ấy”. Nếu người tu hành hướng niệm như vậy là phiền não thứ chín.

–Chín pháp thứ bảy là chín chỗ nương trú khó có. Những gì là chín?

  1. Nếu người tu hành được nương trú vào đức tin thì có thể bỏ điều xấu được điều tốt. Đây là chỗ nương trú thứ nhất.
  2. Nếu người tu hành có ý tu tập xả bỏ tâm chấp trước, không muốn chấp trước. Đây là chỗ nương trú thứ hai.
  3. Nếu người tu hành sanh khởi tâm tinh tấn, từ bỏ tâm không khởi tinh tấn. Đây là chỗ nương trú thứ ba.
  4. Nếu người tu hành tự giữ chỗ an nhàn, xả bỏ tâm không giữ. Đây là chỗ nương trú thứ tư.
  5. Nếu người tu hành có thể kham nhẫn, nương vào sự kham nhẫn như vậy mà được an trú thì đã được tâm trắc đạt chân chánh. Đây là chỗ nương trú thứ năm.
  6. Nếu người tu hành xả bỏ một pháp (để tiến lên). Đây là chỗ nương trú thứ sáu.
  7. Đã xả một pháp liền hiểu rõ thêm một pháp. Đây là chỗ nương trú thứ bảy.
  8. Đã hiểu rõ một pháp liền thọ một pháp. Đây là chỗ nương trú thứ tám.
  9. Đã thọ một pháp liền thực hành một pháp. Đây là chỗ nương trú thứ chín.

–Chín pháp thứ tám là chín thứ định. Những gì là chín?

  1. Tâm ý an trú ở Sơ thiền là định thứ nhất.
  2. Từ định thứ nhất tuần tự đạt đến rốt ráo Nhị thiền là định thứ hai.
  3. Từ định thứ hai tuần tự đạt đến rốt ráo Tam thiền là định thứ ba.
  4. Từ định thứ ba tuần tự đạt đến rốt ráo Tứ thiền là định thứ tư.
  5. Từ thiền thứ tư tuần tự đạt đến rốt ráo Không xứ là định thứ năm.
  6. Từ Không xứ tuần tự đạt đến rốt ráo Thức xứ là định thứ sáu.
  7. Từ Thức xứ tuần tự đạt đến rốt ráo Vô sở hữu xứ là định  thứ bảy.
  8. Từ Vô sở hữu xứ tuần tự đạt đến rốt ráo chỗ không có tư tưởng (Phi tưởng phi phi tưởng xứ) là định thứ tám.
  9. Từ chỗ không có tưởng tuần tự đạt đến Diệt thọ tưởng là định thứ chín.

–Chín pháp thứ chín là nên biết chín chỗ không hợp thời. Người tu hành sanh vào chín chỗ này, dù tu hành cũng không viên mãn.

Những gì là chín?

  1. Con người khi ở trong địa ngục mà tội báo chưa hết thì không thể đắc đạo.
  2. Hoặc khi bị đọa vào loài súc sanh, tội báo chưa hết cũng không thể đắc đạo.
  3. Hoặc khi làm thân ngạ quỷ, tội báo chưa hết cũng không thể đắc đạo.
  4. Hoặc được sanh ở cõi trời Trường thọ, khi phước báo chưa hết cũng không thể đắc đạo.
  5. Hoặc có khi đối với ý nghĩa của Phật pháp, do không có người giảng nói nên không được tiếp nhận, cũng không thể đắc đạo.
  6. Hoặc khi bị tai điếc không nghe Pháp, không thể nhận lãnh Pháp, cũng không thể đắc đạo.
  7. Hoặc khi bị câm, không thể thọ trì, không thể đọc tụng, cũng không thể đắc đạo.
  8. Hoặc khi được nghe mà không thể tiếp nhận, cũng không thể đắc đạo.
  9. Hoặc khi chưa được sáng suốt, không khai mở tâm ý để giảng nói kinh pháp, cũng không thể đắc đạo.

–Chín pháp thứ mười là chín pháp tự chứng biết không còn phải diệt. Những gì là chín?

  1. Diệt trừ khổ của danh tự (danh sắc).
  2. Diệt trừ sáu nhập (lục nhập).
  3. Diệt trừ cánh thọ (xúc).
  4. Diệt trừ các thống (thọ).
  5. Diệt trừ tham ái (ái)
  6. Diệt trừ thọ (thủ).
  7. Diệt mong cầu (hữu).
  8. Diệt trừ sanh (sanh).
  9. Diệt già, chết (lão tử).

Đây là chín mươi pháp của người tu hành, không trái, không khác, có thẩm xét, không mê lầm, không điên đảo, như người cầm đèn tuệ, tùy ý quán xét.

–Mười pháp thứ nhất là tăng trưởng các đạo hạnh, giữ gìn Phật pháp, cứu giúp chúng sanh. Những gì là mười?

1. Nếu có vị đệ tử theo Đức Như Lai nhận lãnh đạo pháp, trọn đời phát nguyện tin theo thì không ai có thể phá hoại được dù là Samôn, Bà-la-môn, Trời, Ma, Phạm thiên, cũng như loài người tại thế gian.

2. Tu tập, giữ gìn giới luật thanh tịnh, có thể hiểu rõ các việc phải làm, theo đó sợ phạm các tội đã gặp, thấy rõ như trong luật dạy răn để tu học.

3. Có trí tuệ phân biệt, có tuệ tùy thuận với người, có tuệ đạt pháp một cách trọn vẹn.

4. Ngồi một mình tư duy, tu tập điều khiển, chế ngự cả thân và ý.

5. Tu tập, thọ trì một cách siêng năng, có năng lực hiểu rõ các pháp, rồi nỗ lực thực hành, không từ bỏ pháp phương tiện thanh tịnh.

6. Ở đâu cũng giữ gìn tâm ý. Tâm ý rất nhiệm mầu, tùy theo các pháp đã làm, đã nói lâu xa mà vẫn có thể nhớ rõ, có thể hiểu thấu suốt.

7. Tu tập trí tuệ, từ trí tuệ biết rõ các pháp sanh diệt mà theo đó đạt đạo, đã quyết từ bỏ chúng không nghi ngờ, chỉ tu tập để dứt khổ, được vắng lặng.

8. Tu tập thọ nhận lời dạy tốt đẹp, rồi theo lời pháp tốt đẹp ấy thực hành.

9. Ưa thích nghe pháp, ưa thích nghe pháp để tu hành, chỉ vui thích được nghe các bài thuyết pháp.

10. Khi có người đồng học cùng tu, thì tinh tấn hỗ trợ cho nhau.

Đó là mười pháp cứu giúp. Từ đây về sau, các vị nên ngồi một mình tư duy, buôc tâm với Tín, Giới, Tuệ; tu tập siêng năng tâm ý mới phát tuệ, tiếp nhận lời dạy tốt đẹp, muốn nói kinh pháp, tự than thực hành các pháp như vậy không dừng nghỉ. Đây gọi là pháp cứu giúp.

–Mười pháp thứ hai là nên tu tập mười hạnh chánh trực. Mười hạnh chánh trực là gì?

1. Nhờ nhận thức chánh trực, người tu hành làm cho các hạnh tà kiến được tiêu diệt, do các pháp nhân duyên của tà kiến chẳng phải ít. Bao nhiêu hạnh tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên nhận thức ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đều nhờ từ sự tu hành đủ các hạnh.

2. Nhờ sự tư duy, trắc đạt ngay thẳng nên tiêu trừ được mưu tính tà quấy, do các pháp nhân duyên của mưu tính tà quấy chẳng phải ít. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên tư duy, trắc đạt ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đến từ sự tu hành đủ các hạnh.

3. Lời nói chánh trực làm tiêu trừ lời nói tà quấy, do các pháp nhân duyên của lời tà quấy chẳng phải ít. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên lời nói ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đều từ tu hành các hạnh đầy đủ.

4. Hạnh ngay thẳng tiêu trừ hạnh tà vạy, do các pháp nhân duyên của hạnh tà vạy chẳng phải ít, nên bao nhiêu hạnh tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên hạnh ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đều nhờ tu hành các hạnh đầy đủ.

5. Nghiệp ngay thẳng làm tiêu trừ nghiệp tà, do các pháp nhân duyên của tà nghiệp chẳng ít. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên nghiệp ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đều đến từ sự tu hành đầy đủ các hạnh.

6. Phương tiện ngay thẳng làm tiêu trừ phương tiện tà vạy, do các pháp nhân duyên của phương tiện tà vạy chẳng phải ít. Bao nhiêu hạnh tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên phương tiện ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đến đềunhờ từ tu hành đủ các hạnh.

7. Niệm ngay thẳng làm tiêu trừ niệm tà vạy, do các pháp nhân duyên của niệm tà vạy chẳng phải ít. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên của niệm ngay thẳng. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đều nhờ tu hành đủ các hạnh.

8. Chánh định tiêu trừ tà định, do các pháp nhân duyên của tà định không phải ít. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên chánh định. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đến với người tu hành nhờ tu đủ các hạnh.

9. Chánh độ tiêu trừ tà độ, do các pháp nhân duyên của tà độ chẳng phải ít. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể tiêu trừ cũng nhờ rất nhiều từ nhân duyên chánh độ. Bao nhiêu pháp tốt đẹp đến với người tu hành nhờ tu đủ các hạnh.

10. Chánh tuệ tiêu trừ tà tuệ, do các pháp nhân duyên của tà tuệ chẳng phải một. Bao nhiêu hành động tệ ác sanh ra có thể được tiêu trừ cũng do từ nhân duyên chánh tuệ chẳng phải ít. Bao nhiêu pháp tốt đẹp được đầy đủ là nhờ tu hành đủ các hạnh.

–Mười pháp thứ ba là nên rõ biết trong ngoài mười sắc nhập.

Những gì là mười? Đó là:

  1. Nhãn nhập.
  2. Sắc nhập.
  3. Nhĩ nhập.
  4. Thanh nhập.
  5. Tỷ nhập.
  6. Hương nhập.
  7. Thiệt nhập.
  8. Vị nhập.
  9. Thân nhập.
  10. Thô tế nhập.

–Mười pháp thứ tư là nên bỏ mười điều ngăn che trong ngoài.

Những gì là mười?

  1. Tham dục ngăn che bên trong.
  2. Tham dục ngăn che bên ngoài.

Đủ cả hai do đó không có trí tuệ, cũng không có hiểu biết, cũng không đưa đến vô vi vượt thoát thế gian.

  1. Là tức giận.
  2. Là nóng giận.

Vì tức giận đều có tính cách ngăn che, nên đều nêu ra để thấy sự ngăn che. Nếu có đủ cả hai, thì do đó cũng không đưa đến trí tuệ, cũng không đưa đến hiểu biết, cũng không đưa đến vô vi vượt thoát thế gian.

  1. Là ngủ nghỉ.
  2. Là tối tăm.

Ý nói ngủ nghỉ là ngăn che, tối tăm cũng là ngăn che. Đủ cả hai thì từ đó không đưa đến trí tuệ, cũng không đưa đến hiểu biết, cũng không đưa đến vô vi vượt thoát thế gian.

  1. Là phiền não.
  2. Là nghi ngờ.

Ý nói phiền não là ngăn che, nêu ra nghi ngờ cũng là pháp ngăn che. Đủ hai điều này từ đây không đưa đến trí tuệ, cũng không đưa đến hiểu biết, cũng không đưa đến cảnh giới vô vi vượt thế gian.

  1. Hoặc trong pháp thanh tịnh mà nghi ngờ.
  2. Hoặc trong pháp ác mà có nghi ngờ.

Nếu có nghi ngờ pháp thanh tịnh thì đó ngăn che. Trong pháp ác mà nghi ngờ cũng là ngăn che. Nếu có đủ cả hai, từ đây sẽ không có trí tuệ, cũng không dẫn đến hiểu biết, cũng không đạt đến vô vi vượt thoát thế gian.

–Mười pháp thứ năm là giảm trừ mười việc ác. Những gì là mười?

  1. Sát sanh.
  2. Trộm cướp.
  3. Phạm sắc dục.
  4. Nói hai lưỡi.
  5. Nói dối.
  6. Nói thô ác.
  7. Nói thêu dệt.
  8. Ngu si.
  9. Sân hận.
  10. Tà kiến.

–Mười pháp thứ sáu là tu hành để thành tựu mười hạnh thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Xa lìa sát sanh, từ sát sanh mà dứt bỏ.
  2. Xa lìa trộm cướp, từ trộm cướp mà dứt bỏ.
  3. Xa lìa sắc dục, từ sắc dục mà dứt bỏ.
  4. Xa lìa nói hai lưỡi, từ nói hai lưỡi mà dứt bỏ.
  5. Xa lìa nói dối, từ nói dối mà dứt bỏ.
  6. Xa lìa nói lời thô ác, từ lời thô ác mà dứt bỏ.
  7. Xa lìa nói thêu dệt, từ lời thêu dệt mà dứt bỏ.
  8. Xa lìa ngu si, từ ngu si mà dứt bỏ.
  9. Xa lìa sân hận, từ sân hận mà dứt bỏ.
  10. Xa lìa ý tà kiến, từ tà kiến mà dứt bỏ.

–Mười pháp thứ bảy là khó nhận rõ mười đức trong đạo. Những gì là mười?

  1. Đã xả bỏ năm thứ tán loạn (ngũ chủng).
  2. Sáu chánh đạo đức (lục chánh đạo đức).
  3. Chỉ giữ một cảnh.
  4. Là có bốn chỗ nương (y tứ).
  5. Tự mình hiểu rõ, không đợi người giải mới hiểu.
  6. Đã bỏ sự mong cầu (bên ngoài).
  7. Chỗ mong cầu đã thanh tịnh.
  8. Thân hành đã dừng nghỉ.
  9. Khẩu hành đã dừng nghỉ.
  10. Ý hành đã dừng nghỉ.

Dùng tâm ý tối thắng vượt qua, do trí tuệ thù thắng vượt qua. Thực hành đầy đủ gọi là người tối thắng.

–Mười pháp thứ tám là hoàn thành mười quán định cùng khắp.

Những gì là mười?

1. Dù ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “đất” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

2. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “nước” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

3. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “lửa” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

4. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “gió” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

5. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “màu xanh” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

6. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “màu vàng” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

7. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “màu đỏ” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

8. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “màu trắng” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

9. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “hư không” phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

10. Ở đâu, Tỳ-kheo cũng tu tập quán tưởng “thức” rất phổ biến trên dưới cùng khắp, không hai, không hạn lượng.

Mười lực của Phật, thế nào gọi là mười lực?

1. Đức Phật ở đâu cũng như sự thật biết nên hay không nên, đúng hay không đúng, đều biết như thật, do trí tuệ vận hành mà được tự biết. Đây là năng lực thứ nhất.

2. Đức Phật ở trong ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai, người tạo tội gì vốn phải chịu tai ương nào, Ngài đều biết rõ như thật. Đây là năng lực thứ hai.

3. Phật vì tất cả chúng sanh hiện tại đang cảm thọ cảnh giới tu hành biết rõ như thật, tự dùng trí tuệ vận hành mà được biết như thế. Đây là năng lực thứ ba.

4. Phật vì chúng sanh mà hủy bỏ hay giảng giải, quy định pháp tu hành, cũng biết rõ như thật loại định bị trói buộc, loại định đưa đến giải thoát, loại định đưa đến siêu thoát. Đây là năng lực thứ tư.

5. Phật hiểu biết như thật tâm nguyện của chúng sanh. Đây là năng lực thứ năm.

6. Phật hiểu biết như thật nhiều vô lượng các loại hạnh nghiệpcủa chúng sanh trong thiên hạ. Đây là năng lực thứ sáu.

7. Phật hiểu biết như thật căn lành của chúng sanh, có đủ hay không đủ. Đây là năng lực thứ bảy.

8. Phật vì vô lượng chúng sanh phân biệt tâm niệm, từ khởi nguyên cho đến chung cuộc đều như thật mà biết. Đây là năng lực thứ tám.

9. Phật dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát khắp thế gian thấy chúng sanh sanh tử qua lại, đều hiểu biết như thật. Đây là năng lực thứ chín.

10. Phật đã diệt tận các thứ kiết phược, không còn bị kiết phược trói buộc, sai sử; tâm ý đã giải thoát, từ trí tuệ tu hành giải thoát thấy pháp phải tự mình từ trí tuệ mà được chứng, lại biết cảm thọ đã hết, không còn sanh tử, chỗ tu hành đã được đầy đủ, không còn qua lại thế gian, đều hiểu biết như thật. Đây là năng lực thứ mười.

–Mười pháp thứ chín là tự chứng biết mười điều học đầy đủ, không còn phải học nữa. Những gì là mười?

1. Nhận thức chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về nhận thức chân chánh nữa.

2. Suy nghĩ, tính toán chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về suy tính chân chánh nữa.

3. Lời nói chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về lời nói chân chánh nữa.

4. Hành động chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về hành động chân chánh nữa.

5. Nghiệp chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về nghiệp chân chánh nữa.

6. Phương tiện chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về phương tiện chân chánh nữa.

7. Tâm niệm chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về niệm chân chánh nữa.

8. Thiền định chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về định chân chánh nữa.

9. Đã được giải thoát thế gian một cách chân chánh đầy đủ, không còn phải học về pháp đưa đến giải thoát khỏi thế gian mộtcách chân chánh nữa.

10. Trí tuệ chân chánh đã đầy đủ, không còn phải học về tuệ chân chánh nữa.

Đó là trăm pháp của người tu học.

Trăm pháp tôi đã nói này là không trái, là không khác, có thẩm xét, không mê lầm, không điên đảo, như người cầm đèn tuệ tùy ý quán sát. Những ai có trí tuệ cần quán sát như thế.

Các vị hãy lắng nghe những pháp tôi đã nói ở trên: Những pháp tôi đã nói, phần trên cũng tịnh, phần giữa cũng tịnh và phần sau cùng cũng tịnh. Có lợi ích, có tốt đẹp, đầy đủ thanh tịnh, là hạnh rốt ráo như chúng ta đã thấy.

Đây gọi là Thập báo pháp. Những pháp cần nói như trên, tôi đã vì các vị mà nói.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, các thầy Tỳ-kheo vâng nhận, hết lòng đội ân.

(1). Đại 1, tr.236c: không có.

Trang: 1 2