KINH TÔN-ĐA-DA-TRÍ

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, vì đại chúng Tỳ-kheo nên Phật giảng nói kinh. Khi ấy, có Phạm chí tên là Tôn-đa-da-trí trông thấy Phật, liền đứng chống gậy, thè lưỡi, suy nghĩ: “Ta ngày tắm ba lần, ăn trái, uống nước, không thọ nhận của người giúp, hạnh của ta hơn hạnh Sa-môn. Đám người ăn ngon, áo đẹp, nệm ấm, giả dối người hiền chẳng phải chân thật, không như đạo ta.”

Phật biết những suy nghĩ trong lòng của Phạm chí, liền bảo các Sa-môn: Luận bàn về người ở đời, thường có hai mươi mốt điều xấu, khiến không được ăn ngon, mặc đẹp.

  1. Để tâm vào việc dâm dật.
  2. Để tâm vào việc tức giận.
  3. Để tâm vào việc ngu si.
  4. Để tâm vào việc ngủ nghỉ.
  5. Để tâm vào việc chấp chặt hoài nghi, bảo là không có oai nghi.
  6. Để tâm vào việc tự cao, tự đại.
  7. Để tâm vào việc ngạo mạn, coi thường.
  8. Để tâm vào việc ganh ghét.
  9. Để tâm vào việc tham lam keo kiệt.
  10. Để tâm vào việc hung dữ, không có lòng thương xót.
  11. Để tâm vào việc hư dối, trong ngoài chống trái nhau.
  12. Tâm không xấu hổ, nên không biết thẹn.
  13. Để tâm vào hạnh bẩn thỉu, không tự biết xấu hổ
  14. Để tâm vào việc xấu ác, mà chính mình không thấy
  15. Để tâm buông thả quá trớn, lời nói không còn vui vẻ hiền lành.
  16. Để tâm vào chỗ giao tiếp, gièm pha điều ác cho hai bên.
  17. Để tâm vào chỗ tranh chấp, không vui vẻ ngăn cản hai bên
  18. Để tâm vào chỗ không có lễ nghĩa, tự mình không biết khiêm nhường.
  19. Để tâm vào việc sai quấy, không nghe lời cản ngăn của người đức hạnh tài năng.
  20. Để tâm vào việc bất hiếu, làm mất tâm thiện, ưa thích ngang trái.
  21. Để tâm tốt vào tà đạo, yêu chuộng những điều làm mê hoặc lòng người, gia tài cạn kiệt, khiến người thân thuộc khốn cùng, chẳng hiểu lẽ vô thường, không về với ba ngôi tôn kính. Ăn ngon mặc đẹp tửu dục xa hoa.

Do hai mươi mốt việc ác này làm tâm cấu bẩn loạn động. Cũng như sự trong sạch chỉ vì sắc mà bị cấu bẩn dính vào, vạn lần không một sự lợi ích. Ôm lòng ác độc khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đó la nạn khổ không lường. Sa-môn khi trông thấy giới sáng của Phật, nên bỏ cũ đổi mới, dứt tình, lìa ham muốn, trong ngoài trong sạch, như tấm lụa trắng nhuộm thành màu sắc, phải vì chúng sinh mà thấy biết như vậy. Sa-môn biết rõ, hạnh cao, trí đủ, để làm chỗ cho chúng sinh trên dưới cúng dường, cung phụng những thứ ăn, mặc, nhà cửa, đền đài, thọ nhận các của ấy không có gì quá đáng, vì người bố thí được phước lớn vô cùng và nếu siêng năng thực hành thiền định thì sẽ được các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm và A-la-hán.

Sa-môn tuy chưa đắc đạo nhưng hiểu biết rõ ràng nghĩa kinh của Phật, giữ tâm ngay thẳng, chân chánh, hiếu thuận với những gì kinh dạy. Đem tình thương ban bố khắp mọi loài, thấm nhuần tất cả quần sinh, xem kẻ oán thù như con, mình biết tha thứ là để tạo sự an ổn cho kẻ khác. Thấy người nữ đến tiếp đãi như em. Nếu thấy khổ cực, nên nhớ nghĩ về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, xin nguyện cho quần sinh thân được an ổn, ý luôn vui vẻ, được gặp Tam bảo, dứt bỏ nhơ bẩn, tiêu diệt tối tăm, tâm sáng thấy biết được rõ ràng, trở về với cái gốc vốn là không, mãi mãi an lạc không cùng. Thực hành như vậy, ăn ngon, mặc đẹp, trước sau không tội. Bản tánh của quần sinh là: Tham, dâm, sân hận, ngu si, ganh ghét. Trong cái tối tăm còn bị tối tăm. Trong cái xấu ác còn bị xấu ác. Sa-môn phải mở lòng thọ nhận sự sáng suốt làm cho u tối ô nhiễm đều vắng lặng. Tuy ở trong đời nhơ bẩn nhưng giống như hoa sen sống nơi bùn mà bùn không làm mất đi sự tinh khiết của hoa. Người thọ nhận sự ban cho không có tội thì chớ có ôm ba độc, mười ác vào lòng. Không từ bỏ sự buông lung, dua nịnh, khinh khi, cầu lợi, không tuân theo giới Phật, thà nuốt sắt nóng uống nước đồng sôi chết trong chốc lát còn hơn thọ nhận sự giúp đỡ ô uế như vậy. Khi chết, sẽ vào Thái sơn uống nước đồng, ăn than, năm này qua năm nọ khó mà tính nổi.

Lúc này, Phạm chí đến trước Phật bạch:

–Trước kia có một khe nước, tên là Hảo Thủ, tôi muốn đến đó tắm. Vì ai vào đó tắm thì những ý nghĩ ô nhiễm sẽ được nước chảy tẩy sạch. Ta nghe lời dạy của cha là một ngày phải tắm ba lần.

Phật bảo Phạm chí:

–Đất này có nhiều khe suối, người vào trong đó tắm, có thể vượt qua sự khổ sao? Người tắm ngàn lần, có thể dứt bỏ thân nhơ, tâm bẩn sao? Ta và các Sa-môn của ta đã dứt sự cầu mong, nhớ nghĩ đều không, không ham muốn ba cõi, tâm cấu nhiễm đã diệt và lặng, được đạo trong sáng. Ông từ vị thầy nào thọ lãnh pháp tắm nước mà dứt trừ tâm nhơ bẩn?

Đáp:

–Cha tôi bảo như vậy.

Phật nói:

–Cha ông đắc đạo chăng?

Đáp:

–Không phải.

Phật noi:

–Đạo ta từ tâm phát ra, tâm phải ngay thẳng chánh chân, chí trong sạch thì mới được đạo.

Phạm chí quỳ dài xuống, trình bày với Phật:

–Con chống gậy, thè lưỡi nhìn Phật, thật là ngu dại ngông cuồng. Nay nghe Phật giảng nói kinh, tâm mới hiểu rõ, giống như đang ở chỗ tối tâm bỗng có ánh sáng của đèn rọi tới, đúng là con bây giờ mới có mắt, xin Phật thương xót thọ nhận con làm Sa-môn.

Phật bảo:

–Ông có thấy quả báo không?

Đáp:

–Dạ, không thấy.

Phật bảo:

–Lại đây Sa-môn.

Tức thời Phạm chí liền thành Sa-môn, ngồi bên gốc cây suy nghĩ về hai mươi mốt việc, về các dục niệm đã qua, bỗng nhiên không còn tưởng nhớ, liền đắc quả A-la-hán. Ông đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nay con như người mù được thấy, như người bệnh được mạnh.

Phật bảo:

–Riêng đạo ta tốt, đạo ông có tốt không?

Đáp:

–Các đạo đều tà, chỉ có đạo Phật là chân chánh.

Phật bảo các Sa-môn:

–Ai suy nghĩ về hai mươi mốt việc thì đạo có thể đạt được.

Các Sa-môn nghe Phật giảng nói kinh xong, vui vẻ làm lễ lui ra.