PHẬT THUYẾT THIỀN HÀNH TAM THẬP THẤT PHẨM KINH
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại khu vườn rừng Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy quán tưởng về thân mình hành thân chỉ quán, ở bên ngoài thân hành thân chỉ quán, bên trong bên ngoài thân hành thân chỉ quán, nhớ nghĩ phân biệt rõ ràng những si mê não loạn của thế gian, đây là tinh tấn, thực hành đúng như lời Phật dạy, chẳng phải là kẻ ngu si chỉ biết nhận thức ăn của người bố thí, huống gì là hành giả có nhiều khả năng hành trì nhiều pháp. Nói tóm lại, nếu trong một khoảnh khắc mà hành chỉ quán thọ hoặc chỉ quán tâm và chỉ quán pháp trong, ngoài đều phân biệt hiểu rõ sự ngu si não loạn của thế gian, tất cả đều như đã nói ở trên, huống gì là hành giả có thể hành trì nhiều, cho nên cần niệm hành bốn Ý chỉ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy các pháp ác chưa sinh khiến cho không sinh, hành giả sửa đổi ý, tinh tấn thâu giữ tâm, đây là hành thiền tinh tấn, làm đúng như lời Phật dạy, không phải là kẻ ngu si chỉ biết ăn thức ăn của người bố thí, huống gì là thực hành nhiều. Nói tóm lại: Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy về các pháp ác đã sinh liền trừ diệt, các pháp thiện chưa sinh làm cho phát sinh, pháp thiện đã sinh khiến cho tăng trưởng, làm cho viên mãn, hành giả sửa đổi ý, tinh tấn thâu giữ tâm đều đã trình bày như trên, huống chi là thực hành nhiều. Cho nên có thể thực hành bốn Ý đoạn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy hành thiền định đoạn trừ sinh tử, tư duy về thần túc, đó là hành thiền hết sức tinh tấn, thực hành đúng như lời Phật dạy, không phải là kẻ ngu si chỉ biết nhận thức ăn của người bố thí, huống nữa là thực hành nhiều. Nói tóm lại, nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy thực hành tinh tấn thiền định, hoặc tư duy thực hành ý định và giới định đoạn trừ sinh tử, tư duy về thần túc đều như đã nói ở trên, huống gì là thực hành nhiều, cho nên có thể niệm hành bốn Thần túc.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy thực hành Tín căn. Do chứng được sự việc của bốn hỷ, không lìa bỏ Phật, Pháp, Tăng và giới, gọi là tinh tấn thực hành thiền định, làm đúng như lời Phật dạy, không phải là kẻ ngu si chỉ biết nhận thức ăn của người bố thí, huống nữa là thực hành nhiều. Nói tóm lại: Nếu chỉ trong một khoảnh khắc, tư duy thực hành Tinh tấn căn, do thấy được bốn Ý đoạn. Hoặc tư duy thực hành Niệm căn, do thấy được bôn Ý chỉ. Hoặc tư duy thực hành Định căn do thấy được bốn Thiền. Hoặc tư duy thực hành Tuệ căn do thấy được bốn Đế đều như đã nói ở trên, huống nữa là thực hành nhiều, cho nên có thể thực hành năm căn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy thực hành Tín lực thì được sự việc của bốn hỷ, khiến không gì có thể phá hoại, gọi là tinh tấn thực hành thiền định. Làm đúng như lời Phật dạy, chẳng phải là kẻ ngu si chỉ biết nhận thức ăn của người bô thí, huống nữa là thực hành nhiều. Nếu chỉ trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy thực hành Tinh tấn lực, hoặc Niệm lực, hoặc Định lực, hoặc Tuệ lực đều như đã trình bày ở trên, huống nữa là thực hành nhiều, cho nên có thể thưc hành năm Lực.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy thực hành Niệm giác ý, vì nhớ nghĩ điều đáng niệm, vì ưa thích niệm, vì chánh niệm nên nhớ nghĩ pháp lành, được tất cả, không quên mất, đó là tinh tấn thực hành thiền định. Làm đúng như lời Phật dạy, không phải là kẻ ngu si chỉ biết nhận thức ăn của người bố thí, huống nữa là thực hành nhiều. Nói tóm lại: Nếu trong một khoảnh khắc, hành giả tư duy thực hành pháp giải giác ý, phân biệt hiểu rõ ý nghĩa của kinh, tùy thuận lãnh hội. Nếu tư duy thực hành tinh tấn giác ý, thân của vị ấy tinh tấn, ý cũng tinh tấn. Nếu tư duy thực hành ái giác ý, biết được điều đáng lia thích khiến cho tâm ý vui vẻ. Nếu tư duy thực hành chỉ giác ý, khiến thân được nghỉ ngơi, ý cũng thư thái. Nếu tư duy thực hành định giác ý, làm cho ý an trú, niệm cũng an trú, chí không loạn động, không tà niệm. Nếu tư duy thực hành hộ giác ý, khiến hành trì hộ biết được đốì tượng niệm, thân an ổn, khiến thấy đạo, trừ bỏ điều ác, nhớ nghĩ đến sự an ổn đều đúng như đã nói ở trên, huống nữa là thực hành nhiều, cho nên có thể niệm hành bảy Giác ý.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu chỉ trong một khoảnh khắc, tinh tấn thực hành chánh kiến, do từ xửa biết sự khởi đầu chung cuộc, biết trong ngoài, biết Khổ, biết Tập, biết Diệt, biết Đạo, biết Phật, biết Pháp, biết chúng Tỳ-kheo, biết học, biết làm các việc, chỗ tập hợp và chỗ nắm giữ của sáu căn và sáu trần, biết chỗ biến mất cùng chỗ hướng tới của chúng, biết rõ đức của không tham, gợi là Chánh kiến. Tinh tấn hành thiền định, làm đúng lời dạy của Phật, không phải là kẻ ngu si chỉ biết nhận thức ăn của người bố thí, huống nữa là thực hành nhiều. Nói tóm lại: Nếu chỉ trong một khoảnh khắc, thực hành Chánh tư duy, là suy nghĩ về xuất gia, suy nghĩ về sự không tranh cãi, suy nghĩ về không sát sinh. Hoặc tư duy thực hành Chánh ngữ, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác, không nói thêu dệt. Hoặc tư duy thực hành Chánh mạng, không vì tham cầu sự sống, không sân giận trong đời sống, không vì si mê trong cuộc sống. Hoặc tư duy thực hành Chánh nghiệp, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Hoặc tư duy thực hành Chánh trị, do tu tập tinh tấn bốn Ý đoạn. Hoặc tư duy thực hành Chánh niệm, do thực hành bốn Ý chỉ, tư duy thực hành chánh định, do suy nghĩ các việc của bốn Thiền đều như đã trình bày ở trên. Vị ấy, trong một khoảnh khắc, công đức đạt được như vậy, huống nữa là thực hành nhiều, cho nên có thể nhớ nghĩ thực hành bát chánh đạo.
Phật thuyết giảng kinh này xong, tất cả Tỳ-kheo đều hoan hỷ thọ trì.