PHẬT THUYẾT THẬP NHỊ ĐẦU-ĐÀ KINH
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với tám ngàn Tỳ-kheo Tăng và một vạn Bồtát, tất cả đều cùng đắp y, mang bát, tuần tự khất thực. Sau khi ăn xong, đến chỗ A-lan-nhã trải tòa ngồi an tọa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn an nhiên mỉm cười. Trưởng lão Đại Ca-diếp liền đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Con từ xưa đến nay chưa từng thấy Đức Thế Tôn vô cớ mỉm cười. Cúi xin Thế Tôn thương xót dạy bảo.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Ta thấy chốn A-lan-nhã này, chư Phật trong mười phương đều khen ngợi, vô lượng công đức đều từ đây phát sinh. Người cầu Thanh văn, đắc Thanh văn thừa, người cầu Duyên giác, đắc Duyên giác thừa, người cầu Đại thừa, mau đắc đạo quả Vô thượng chánh chân. Ta nay ở tại nơi đây, cho nên vui vẻ.
Tôn giả Đại Ca-diếp nghe Phật dạy như vậy thì vui mừng hết mực khen là chưa từng có, nên bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Chốn A-lan-nhã này lợi ích rất sâu rộng, có thể làm cho chúng sinh nương vào đấy để tu học, thành tựu đạo nơi ba thừa. Vậy cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con về pháp Alan-nhã này.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Hãy lắng nghe, suy nghĩ và ghi nhớ! Ta sẽ vì ông giảng nói tóm tắt việc đó.
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật;
–Kính bạch Thế Tôn! Con xin vâng theo lời Thế Tôn dạy.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Tỳ-kheo ở A-lan-nhã xa lìa hai việc đắm chấp. Thân và tâm thanh tịnh, thực hành pháp Đầu-đà. Người hành pháp này có mười hai việc.
- Ở chỗ A-lan-nhã.
- Thường đi khất thực.
- Thứ lớp khất thực.
- Thọ pháp ăn một bữa.
- Ăn có chừng mực.
- Sau giờ ngọ không uống nước trái cây.
- Mặc y chằm vá.
- Chỉ giữ ba y.
- Ở nơi gò mả.
- Ở bên gốc cây.
- Ngồi chỗ đất trống.
- Thường ngồi, không nằm.
1. Tỳ-kheo khi ở chốn A-lan-nhã, hành pháp Đầu-đà nên nghĩ: “Ta nay ở chỗ thanh vắng, vì đạo Vô thượng, xả bỏ thân mạng, tiền của, vững chãi tu ba pháp. Nhàm chán, nghĩ đến sự chết, nên khi chết đến không còn tham luyến một điều gì.” Khi bệnh hoạn phải nhờ người khác giúp đỡ, nên nghĩ: “Ta nay ở một mình, trọn đời vì pháp xuất gia, pháp là bạn của ta.” Ai siêng năng thực hành pháp như vậy tức là tự cứu hộ mình. Đó là người thực hành pháp A-lan-nhã. Xưa ở tại gia, bị nhiều phiền não nên từ bỏ cha mẹ, vợ con, xuất gia hành đạo để cùng thầy bạn đồng tu học, đâu còn trở lại sinh tâm đắm chấp, tạo nhiều nhiễu loạn, cho nên thọ pháp A-lan-nhã, xa lìa mọi sự náo nhiệt, sống chốn thanh vắng. Viễn ly là xa lìa những tiếng ồn ào, hoặc chỗ chăn nuôi, gần nhất là cách xa ba dặm, xa hơn nữa càng tốt. Nếu thân được xa lìa rồi thì cũng phải làm cho tâm xa lìa năm dục, năm thứ ngăn che. Pháp của Tỳ-kheo ở A-lan-nhã là phải như vậy.
2. Khi muốn vào xóm làng khất thực phải thâu giữ sáu căn, không cho đắm chấp nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không phân biệt các tướng nam hay nữ, được hay không được đều bình đẳng như nhau. Được thức ăn ngon hay dở không sinh lòng mong cầu thêm bớt. Khi không được thức ăn, nên nghĩ: “Đức Thích-ca Như Lai xả bỏ ngôi vị vua Chuyển luân, xuất gia thành đạo, vào làng khất thực, Ngài còn có lúc không được thức ăn, huống chi ta là người phước đức kém cỏi mà có được hay sao”. Đó là pháp đi khất thực.
Nếu nhận lời người mời ăn, hay là ăn với chúng Tăng thì dễ phát sinh các nhân duyên hữu lậu. Vì sao? Vì nhận lời người mời ăn, nếu được ăn thì liền nghĩ: “Ta là người có phước đức tốt nên được thí chủ mời ăn.” Nếu không được ăn thì trở lại hiềm hận người mời, bảo: “Người kia không biết phân biệt, nên người không đáng mời lại mời, còn người đáng mời thì lại không mời!”. Hoặc do bản thân mình thua kém nên không được mời thì buồn rầu, tự trách, sầu khổ. Pháp tham ái này luôn làm trở ngại đạo.
Pháp ăn của chúng Tăng là vào trong chúng phải theo đúng pháp. Người tri sự lo liệu công việc của Tăng, phải cắt cử người làm việc thì chắc chắn tâm bị tán loạn, bỏ phế việc hành đạo. Do có những việc não loạn như vậy, nên phải thọ pháp thường đi khất thực.
3. Tỳ-kheo Đầu-đà không tham đắm sắc, không khinh thường chúng sinh, bình đẳng, thương xót khắp tất cả, không lựa chọn giàu nghèo, thọ pháp luôn theo thứ lớp khất thực.
4. Nên nghĩ: “Ta nay tìm xin một bữa ăn còn nhiều trở ngại, huống là xin nhiều bữa ăn sáng, trưa, tối. Nếu không tổn hại bản thân thì cũng phải mất công nửa ngày, không thể nhất tâm để hành đạo. Vì Phật pháp, vì hành đạo, không vì thân mạng như nuôi ngựa, nuôi heo, cho nên dứt trừ việc ăn uống nhiều lần, chỉ thọ pháp ăn một bữa.
5. Khi được một bữa ăn nên suy nghĩ: “Nay ta nếu gặp các chúng sinh đói khát nên đem một phần bố thí cho họ. Ta làm thí chủ, chúng sinh làm người nhận”. Cho xong, phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sinh được nhiều phước, được cứu độ, chớ để họ bị đọa vào nẻo tham lam.
Đem thức ăn đến chỗ thanh vắng, lấy bớt một phần để ở trên đá sạch, bố thí cho các loài cầm thú, cũng phát nguyện như trên. Khi ăn phải trải ni-sư-đàn, rửa tay sạch sẽ và nghĩ: “Trong thân thể ta có tám vạn loại trùng. Trùng ăn thức ăn này sẽ được an ổn. Ta nay đem thức ăn này bố thí cho các loài trùng ấy. Sau khi đắc đạo, ta sẽ dùng pháp bố thí cho chúng!”. Như vậy là không bỏ chúng sinh. Nếu không gặp người nghèo khốn, cũng chỉ ăn hai phần ba để nuôi thân mạng thôi. Vì người tu hành, nếu có tâm tham, ăn quá nhiều làm cho đầy bụng, khó thở, trở ngại việc hành đạo. Nếu để lại một phần thì thân nhẹ nhàng, an ổn, dễ tiêu, không bị bệnh. Thân không bị tổn hại vì việc hành đạo không bị bỏ phế. Thế nên phải thọ pháp ăn có chừng mực.
6. Hạn chế lượng sau khi ăn: quá ngọ, uống nước trái cây thì sinh lòng ưa đắm, tìm đủ các thứ nước trái cây và nước mật, tìm không nhàm chán, nên không thể nhất tâm tu tập pháp thiện. Như con ngựa không buộc giàm, cương thì ăn cỏ hai bên lề đường, không thể chạy thẳng trên đường. Nếu được buộc giàm, cương thì sẽ không còn ý định ăn cỏ, sẽ chạy thẳng tới, theo như ý của người điều khiển, cho nên thọ pháp sau giờ ngọ không được uống nước trái cây.
7. Nên vào trong xóm làng, lượm những thứ vải cũ, xấu, người ta vứt bỏ, đem về giặt sach, chằm vá, may thành y để che thân, trừ giá rét. Vì nguyên nhân có được y tốt thì phải đi bốn phương tìm cầu, sẽ đọa trong tà mạng. Vì nếu được người cúng cho y tốt thì sinh tâm gần gũi, kết buộc với họ. Nếu không gần gũi, qua lại thì Đàn-việt giận.
Hoặc ở trong chúng Tăng nhận được y như trên, lại đi nói lỗi của chúng Tăng: “Người có y đẹp là người chưa đắc đạo, là người tham đắm y phục!” Nên biết, có được y tốt là nguyên nhân đưa đến giặc cướp, hoặc có khi mất mạng. Vì những tai nạn như vậy nên phải thọ y chằm vá.
8. Nên ít ham muốn, biết đủ, y phục là để che thân hình, không nhiều, không ít. Bạch y vì ưa đẹp nên cất chứa rất nhiều y phục. Hoặc có phái ngoại đạo tu khổ hạnh, lõa hình, không biết xấu hổ. Thế nên đệ tử Phật phải xả bỏ hai cực đoan đó và theo trung đạo, thọ pháp chỉ dùng ba y.
9. Hoặc lúc Phật còn ở đời hay sau khi diệt độ, nên tu theo hai pháp Chỉ và Quán. Quán vô thường, quán không. Đó là cửa Phật pháp ban đầu làm cho nhàm chán ba cõi. Ở nơi gò mả thường có tiếng than khóc bi thương, lại tử thi bừa bãi, mắt nhìn thấy rõ sự vô thường, lửa thiêu đốt, chim thú đến ăn, không bao lâu hết sạch. Nhân quán tử thi như vậy nên đối với tất cả pháp dễ đắc tưởng vô thường. Lại ở nơi gò mả thấy tử thi bất tịnh, hôi thối dễ đắc quán chín thứ tưởng. Đây là cửa ngõ ban đầu để ly dục. Vì thế nên thọ pháp ở gò mả.
10. Hành giả quán bất tịnh, quán vô thường xong, liền đắc đạo. Nếu ai chưa đắc đạo thì tâm họ chắc chắn cũng rất nhàm chán. Thế nên, xả bỏ để đi đến bên gốc cây tư duy cầu đạo. Lại như cuộc đời của Đức Phật, từ khi Đản sinh, Thành đạo, Chuyển pháp luân, cho đến Niết-bàn, tất cả đều ở nơi gốc cây. Người tu hành y theo các pháp như vậy nên thường ở bên gốc cây. Có những nguyên nhân như thế nên thọ pháp ngồi bên gốc cây.
11. Ở dưới tàng cây giống như nửa mái nhà không khác, bóng che mát mẻ, lại sinh ưa đắm, cho rằng chỗ ta ở tốt, gốc cây kia không tốt, phát sinh tâm hữu lậu, cho nên nên đến chỗ đất trống, suy nghĩ: “Tàng gốc cây có nhiều lỗi: Mưa thấm lạnh; chim phóng uế nhớp thân và là chỗ ở của trùng độc. Còn chỗ đất trống thì không có những cái họa như vậy. Chỗ đất trống cởi, mặc xiêm y thoải mái, trăng sáng chiếu soi cùng khắp, làm cho tâm trí sáng suốt, lanh lợi, dễ nhập định không.” Thế nên nên thọ pháp ở chỗ đất trống.
12. Thân có bốn oai nghi, ngồi ngay thẳng là oai nghi hàng đầu. Vì ăn dễ tiêu, hơi thở điều hòa. Người cầu đạo đại sự chưa hoàn thành, các giặc phiền não thường rình tìm cơ hội thuận tiện, không nên nằm mãi. Đi hoặc đứng thì tâm chao động khó thâu giữ, cũng không thể kéo dài được lâu. Thế nên nên thọ pháp thường ngồi. Khi muốn ngủ, hông không dính chiếu.
Đó là mười hai pháp Đầu-đà.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông nhớ buộc tâm lại một chỗ, đừng cho tán loạn. Công đức thiền định từ đó được phát sinh. Tất cả hàng phàm phu do điên đảo nên chấp cho là có ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, chạy theo giả danh, phát sinh các kiến chấp sai lầm. Từ xưa đến nay, năm ấm thanh tịnh, không hề có ngã, ngã sở, không sinh, không diệt, không ra, không vào, không phải phàm phu, không phải không phàm phu, không phải Thánh nhân, không phải không Thánh nhân, lìa các danh số, tuyệt đường ngôn ngữ. Chư Phật không đến, không đi. Các ông ngày nay mỗi người nên duyên vào sự thanh tịnh để quán sát kỹ tướng của thân.
Khi ấy, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy đều rất vui mừng, liền quán sát thân này từ lớp da bên ngoài cho đến máu, thịt, mủ thối uế tạp, gân, xương, mạch, tủy, mỡ, mỡ nước, não, mô, nước mắt, nước mũi, nước miếng, gan, mật, lá lách, thận, tim, phổi, đờm, sinh tạng, thục tạng, ruột non, ruột già, đại tiểu tiện, lông, tóc, móng tay, răng, bào thai nhơ nhớp… Ba mươi sáu vật và chín lỗ bất tịnh, từ ngoài đến trong, từ trong đến ngoài, tìm kiếm tướng của ngã hoàn toàn không có. Tinh tấn không dừng, bèn thấy được sắc tâm niệm niệm sinh diệt như dòng nước chảy, như ánh đèn chao. Sinh không từ đâu đến, diệt không đi về đâu. Hiện tại không chỗ trụ, biết năm ấm này từ xưa đến nay là không, không có gì, diệt sạch các tướng, chứng trí như thật, thành A-la-hán. Các Bồ-tát… suy nghĩ pháp xong, đắc Nhẫn vô sinh, đầy đủ mười Địa.
Phật bảo đại chúng:
–Ai có thể ở trong thời gian cuối sau thời kỳ Tượng pháp hộ trì kinh này, tuyên dương, lưu hành rộng rãi, làm cho người cầu Phật đạo biết được chỗ thiết yếu, nhiệm mầu của kinh?
Khi ấy, trời Đế Thích cùng tám bộ chúng Rồng, Thần,… nghe Phật tuyên cáo, từ trên hư không xuống, đảnh lễ nơi chân Phật và bạch:
–Kính bạch Thế Tôn! Nếu trong thời kỳ Tượng pháp có người tu ba thừa, ở chỗ thanh vắng dốc cầu Phật đạo, chúng con sẽ làm người hộ vệ, không để cho quỷ thần ác độc được phép nhiễu loạn người đó.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Con sẽ nương nơi oai thần của Phật, vào đời vị lai hộ trì kinh này khiến không đoạn tuyệt. Người nào muốn tu học, con sẽ vì họ làm người dẫn đường.
Bấy giờ Tôn giả A-nan ở trước Phật, bạch:
–Kính bạch Thế Tôn! Sẽ đặt tên cho kinh này là gì? Và phụng trì như thế nào?
Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Kinh này tên là Hạnh Khổ Đầu-đà, cũng gọi là Xa Lìa Những Tham Chấp Và Tập Hợp Các Gốc Thiện. Ông nên theo đấy mà phụng trì.
Khi ấy, tám bộ chúng Thiên, Long,… cùng tất cả đại chúng nghe Phật thuyết giảng đều hoan hỷ phụng hành.