KINH THÂM MẬT GIẢI THOÁT
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 6: THÁNH GIẢ BỒ-TÁT QUẢNG TUỆ THƯA HỎI
Khi ấy, Thánh giả Đại Bồ-tát Quảng Tuệ nương vào tướng của tâm, bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai nói, các Bồ-tát khéo biết tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa.
Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát khéo biết tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa?
Bạch Thế Tôn! Vì nghĩa gì mà Thế Tôn nói, các Bồ-tát khéo biết tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa?
Đức Phật khen Bồ-tát Quảng Tuệ:
–Hay thay! Hay thay! Này Quảng Tuệ! Chỉ có ông, mới có khả năng, hỏi Như Lai về nghĩa sâu xa như thế.
Này Quảng Tuệ! Ông nay đã có khả năng làm an ổn cho tất cả chúng sinh và cũng khiến cho họ được đầy đủ.
Này Quảng Tuệ! Ông vì thương xót các hàng trời, người, đã làm nhiều an lạc và nhiều lợi ích cho phần đông, cho nên mới hỏi ta nghĩa như vậy.
Hay thay, này Quảng Tuệ! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông, nói về tâm ý, ý thức, nghĩa bí mật sâu xa.
Này Quảng Tuệ! Đối với việc sinh tử trong sáu đường; các loài chúng sinh nào là sinh từ trứng, sinh từ bào thai, sinh do ẩm thấp, sinh do biến hóa; thọ thân, rồi sinh thân và thân được nuôi lớn. Ban đầu, tất cả chủng tử tâm tánh đó hòa hợp, không đồng, tăng trưởng, sai biệt; mọi sự thành tựu đều nương vào hai thứ chấp giữ:
- Nương vào sắc, tâm căn mà chấp giữ.
- Nương vào tướng không phân biệt, huân tập ngôn ngữ hý luận mà chấp giữ.
Này Quảng Tuệ! Trong cõi Sắc nương vào hai thứ chấp giữ mà sinh, trong cõi Vô sắc chẳng phải hai thứ chấp giữ mà sinh.
Này Quảng Tuệ! Thức ấy được gọi là A-đà-na thức (tâm thức). Vì sao? Vì A-đà-na thức đó bám lấy thân tướng ứng thân này. Này Quảng Tuệ! Thức đó cũng gọi là A-lê-da thức (Thánh giả thức). Vì sao? Vì trụ dính vào thân ấy, cho nên tương ưng nhất thể.
Này Quảng Tuệ! Thức đó cũng gọi là tâm. Vì sao? Vì tâm ấy là sự tăng trưởng của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Này Quảng Tuệ! Nương vào A-đà-na thức có thể sinh ra sáu thức. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thức.
Này Quảng Tuệ! Nếu một cảnh giới hiện tiền, một thức thân được phát khởi, thì không thể phân biệt ý thức liền với nhãn thức cùng lúc đều sinh ra.
Này Quảng Tuệ! Nếu hai, ba, bốn, năm cảnh giới hiện tiền, năm thức thân được phát khởi, thì không thể phân biệt ý thức liền với năm thức cùng một lúc đều sinh.
Này Quảng Tuệ! Ví như dòng nước chảy, nếu có một duyên khởi lên thì một gợn sóng sẽ nổi lên. Nếu hai, ba cho đến rất nhiều nhân duyên đồng khởi lên, thì nhiều đợt sóng lại nổi lên. Này Quảng Tuệ! Nhưng dòng nước ấy, vẫn không bị ngắt quãng.
Lại nữa, này Quảng Tuệ! Ví như mặt gương sạch không nhơ. Nếu có một hình đối diện thì liền thấy một bóng. Nếu có hai, ba hoặc nhiều hình tượng thì liền thấy rất nhiều hình tượng sai khác. Này Quảng Tuệ! Nhưng mặt gương sáng đó vẫn chiếu rõ các hình tượng, không có gì khác.
Này Quảng Tuệ! Như vậy dòng nước chảy, gương sáng, hình bóng đều nương vào A-đà-na thức, nắm giữ A-đà-na thức; nếu một nhãn thức nhân duyên hiện ra trước, thì một ý thức cùng với nhãn thức đồng thời ôm giữ lấy cảnh.
Này Quảng Tuệ! Nếu năm thức thân, năm loại nhân duyên mà nhất thời hiện ra, thì ý thức không phân biệt liền cùng với năm thức, nhất thời giữ lấy cảnh.
Này Quảng Tuệ! Như vậy, Đại Bồ-tát nương vào pháp trí trụ, sẽ khéo biết như thật tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa.
Này Quảng Tuệ! Nhưng Phật không nói các Bồ-tát… là phải khéo hiểu biết tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa.
Này Quảng Tuệ! Nếu Bồ-tát không thấy trong ngoài A-đà-na, không thấy A-đà-na thức, có khả năng biết như thật, không thấy A-lêda, không thấy A-lê-da thức, không có tâm hý luận, không thấy mắt, không thấy sắc, không thấy thức của mắt; không thấy tai, không thấy tiếng, không thấy thức của tai; không thấy mũi, không thấy hương, không thấy thức của mũi; không thấy lưỡi, không thấy mùi vị, không thấy thức của lưỡi; không thấy thân, không thấy tiếp xúc, không thấy thức của thân.
Này Quảng Tuệ! Bồ-tát không thấy ý trong ngoài, không thấy pháp trong ngoài, không thấy ý thức trong ngoài có khả năng biết như thật.
Này Quảng Tuệ! Ta nói, các Bồ-tát như vậy, khéo biết nghĩa thứ nhất.
Này Quảng Tuệ! Thế nên, ta nói Bồ-tát nên biết tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa.
Này Quảng Tuệ! Bồ-tát hiểu biết tâm ý, ý thức, pháp bí mật sâu xa như vậy rồi, ta cho rằng, người này là Bồ-tát chân chánh.
Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Các thứ A-đà-na
Hay sinh ra các pháp
Ta dụ như nước, gương
Không vì người ngu nói.