KINH THÂM MẬT GIẢI THOÁT
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 5: TUỆ MẠNG TU-BỒ-ĐỀ THƯA HỎI
Khi ấy, Đức Thế Tôn nương vào Nhất thiết xứ, nhất vị, đẳng vị, Đệ nhất nghĩa đế, bảo Tuệ mạng Tu-bồ-đề:
–Này Tu-bồ-đề! Ông có biết! Trong tất cả cõi chúng sinh có bao nhiêu chúng sinh, nương ngã, nương mạn, nói ngã sở đắc?
Này Tu-bồ-đề! Ông có biết! Trong tất cả cõi chúng sinh có bao nhiêu chúng sinh lìa ngã, lìa mạn, nói ngã sở đắc?
Tu-bồ-đề bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đối với cõi chúng sinh, con thật ít thấy chúng sinh lìa ngã, lìa mạn, nói ngã sở đắc. Bạch Thế Tôn! Nhưng con thật thấy vô lượng a-tăng-kỳ bất khả thuyết chúng sinh, ở trong cõi chúng sinh lại nương ngã, nương mạn, nói ngã sở đắc.
Bạch Thế Tôn! Con nhớ đời quá khứ, ở một nơi trong vườn Alan-nhã, lúc đó có rất nhiều Tỳ-kheo đang ở xung quanh con. Bạch Thế Tôn! Lúc mặt trời lặn dần về Tây, con thấy các Tỳ-kheo ấy, tụ tập lại môt chỗ đem các pháp tướng ra nói và cho là đã chứng đế pháp. Bạch Thế Tôn! Có các Tỳ-kheo bám lấy tướng của ấm nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo thấy ấm sinh tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo thấy ấm diệt tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo nói ấm diệt pháp.
Có các Tỳ-kheo nói ấm diệt hiện chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo thấy nhập tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng mười hai nhân duyên nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng khởi hành nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo nắm lấy đế tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ nhân tướng của đế nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng biết đế nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo quăng bỏ đế tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo thủ chứng đế tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ sự tu hành đế tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ giới pháp tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ nơi giới tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng đủ các loại giới tướng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng của vô lượng giới nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng diệt giới nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng diệt giới chứng nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo như vậy ôm giữ tướng bốn Niệm xứ nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng của bốn Niệm xứ nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng bốn Niệm xứ đối trị nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ tướng tu hành bốn Niệm xứ nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ bốn Niệm xứ chưa sinh làm tướng tu hành sinh khởi bốn Niệm xứ nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ bốn Niệm xứ đã sinh làm tướng tu hành không mất nói là chứng pháp.
Có các Tỳ-kheo ôm giữ bốn Niệm xứ tướng đã sinh làm tướng tu hành tăng trưởng rộng nói là chứng pháp.
Các Tỳ-kheo này ôm giữ bốn Chánh cần, Như ý, Căn, Lực, Giác đạo, chưa sinh, là sinh, là trụ, là không quên mất, là tăng trưởng, ôm giữ tướng đó nói là chứng pháp.
Bạch Thế Tôn! Con thấy các Tỳ-kheo ấy sinh ý niêm như thế. Các Tỳ-kheo này do dính mắc vào ngã tướng, ôm giữ tướng ngã mạn nên nói chứng như vậy. Vì sao? Vì không có khả năng biết tướng Đệ nhất nghĩa đế nhất vị đẳng vị. Bạch Thế Tôn! Do vậy con nghĩ: “Đức Thế Tôn ra đời thật là hiếm có! Thật hiếm có! Khéo nói pháp thù thắng Nhất thiết xứ, Đệ nhất nghĩa, Nhất vị đẳng vị rất hay, rất sâu xa, khó hiểu, khó biết. Như thế, hàng ngoại đạo làm sao có thể hiểu được!”
Đức Phật khen Tu-bồ-đề:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Pháp mà ta đã chứng là vi diệu và thật hết sức vi diệu; là sâu dày và cực kỳ sâu dày, khó giác ngộ và thật khó giác ngộ là tướng Nhất thiết xứ, nhất vị đẳng vị. Đệ nhất nghĩa đế là sở chứng của ta. Chứng rồi, ta vì mọi người mà mở bày, giảng nói rộng rãi, cho thật sáng tỏ, rõ ràng, cụ thể. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Vì đó là những gì được gọi là ấm, giới, nhập, nhân duyên, khởi hành, cảnh giới thật đế, Niệm xứ, Chánh cần, Như ý, Căn, Lực, Giác chi, Thánh đạo…
Này Tu-bồ-đề! Ta nói trong năm ấm quán thanh tịnh, ba mươi bảy phẩm là tướng Đệ nhất nghĩa. Tất cả ấm, giới, nhâp, Niệm xứ, Chánh cần, Như ý, Căn, Lực, Giác chi, Thánh đạo là tướng nhất vị, đẳng vị.
Này Tu-bồ-đề! Nương vào nghĩa này nay ông nên biết, Nhất thiết xứ, Nhất vị đẳng vị là tướng của nghĩa thứ nhất.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Tỳ-kheo tu hành như thật, biết đúng như thật, một ấm như là pháp Đệ nhất nghĩa đế vô ngã; ngoài ra giới, nhập, nhân duyên, khởi hành giới, Niệm xứ, Chánh cần, Như ý, Căn, Lực, Giác chi, Thánh đạo… thì không quán riêng pháp chân như Đệ nhất nghĩa vô ngã, chỉ nên nương và tùy thuận chân như, nương vào pháp không hai mà chứng Nhất thiết xứ, Nhất vị đẳng vị, tướng Đệ nhất nghĩa.
Này Tu-bồ-đề! Ông nương vào nghĩa này, nên biết như vầy: Cái được gọi là nhất vị đẳng vị là tướng Đệ nhất nghĩa.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Như ấm, giới, nhập, nhân duyên, khởi hành giới, Niệm xứ, Chánh cần, Như ý, Căn, Lực, Giác chi, Thánh đạo… ấy, có sai khác. Nếu pháp chân như Đệ nhất nghĩa đế vô ngã mà có tướng sai khác, thì việc chứng đắc pháp chân như Đệ nhất nghĩa đế, cũng ứng có nhân. Nếu có nhân, thì ứng với nhân mà sinh. Nếu từ nhân sinh ra thì ứng với hữu vi. Nếu là hữu vi, thì không được gọi là Đệ nhất nghĩa đế. Nếu chẳng phải Đệ nhất nghĩa đế, thì nên tìm cầu Đệ nhất nghĩa đế.
Này Tu-bồ-đề! Thế nên, pháp chân như Đệ nhất nghĩa đế vô ngã, chẳng phải từ nhân sinh, cũng không phải là pháp hữu vi, cũng chẳng phải là không Đệ nhất nghĩa đế, cũng chẳng phải đó là Đệ nhất nghĩa đế, phải liền cầu Đệ nhất nghĩa đế. Đó là phải làm thường xuyên, luôn luôn làm. Như Lai ra đời, hoặc không ra đời, pháp tánh vẫn thường trụ, pháp giới vẫn thường trụ, pháp thể vẫn thường trụ.
Này Tu-bồ-đề! Ông nương vào nghĩa này, mà biết tất cả các pháp tướng ấy là Nhất vị đẳng vị, Đệ nhất nghĩa đế.
Này Tu-bồ-đề! Ví như vô lượng sự sai biệt các thứ sắc tướng, không tướng, không có phân biệt, không có sai khác, tất cả nơi chốn, hư không, vị bình đẳng, một thể, một tướng.
Này Tu-bồ-đề! Tự tướng của tất cả các pháp là sai biệt. Nhất thiết xứ, nhất vị đẳng vị là tướng của Đệ nhất nghĩa.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Như Lai ứng nói pháp
Tất cả tướng một vị
Không lìa nghĩa thứ nhất
Thấy khác là kiêu ngạo.