KINH THÂM MẬT GIẢI THOÁT
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: THÁNH GIẢ BỒ-TÁT ĐÀM-VÔ-KIỆT THƯA HỎI

Lúc đó, Thánh giả Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, nương vào nghĩa Đế như thật thứ nhất, vượt qua tướng cảnh giới giác quán của thế gian, bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con nhớ đời quá khứ, lại còn vượt qua đời quá khứ đó nữa, cách thế giới này bảy mươi bảy hằng hà sa thế giới, vượt hơn vô lượng hằng sa thế giới ấy, có cõi Phật, tên là Thế giới danh xưng. Trong thế giới ấy, có Đức Phật, hiệu là Tỳ-ma-la-kiết-đế Như Lai, hiện đang ở cõi nước đó. Khi con giáo hóa chúng sinh, đến thế giới này thấy có một thầy ngoại đạo đang đứng một chỗ, đồng thời có bảy vạn bảy ngàn đệ tử cũng đang tụ tập nơi ấy, nương vào tướng Đệ nhất nghĩa mà suy nghĩ các pháp. Các ngoại đạo đó, cùng nhau suy tìm tướng Đệ nhất nghĩa, xưng lường tướng Đệ nhất nghĩa, suy nghĩ tướng Đệ nhất nghĩa, tuy quán sát nhưng không thấy tướng Đệ nhất nghĩa. Do đó sinh ra ý sai khác, thấy cũng sai khác, rồi dính mắc vào sai khác, thành lập bè phái khác, khởi lên tranh luận, hai bên đấu khẩu với nhau, buông ra những lời không tốt, cùng nhau nổi loạn rồi giải tán.

–Bạch Thế Tôn! Lúc đó con liền sinh tâm nhớ nghĩ, thật hiếm có chư Phật Như Lai xuất thế. Do nương vào Như Lai xuất thế gian, cho nên, nay được thấy nghe tướng Đệ nhất nghĩa vượt qua khỏi cảnh giới thế gian, được chứng tướng Đệ nhất nghĩa, thấy tướng Đệ nhất nghĩa và chứng tất cả tướng diệt.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Đàm-vô-kiệt:

–Này Đàm-vô-kiệt! Đúng vậy! Đúng vậy! Ta hiểu các tướng Đệ nhất nghĩa vượt qua khỏi cảnh giới thế gian. Hiểu như vậy rồi, đem nói cho mọi người, chỉ bày mọi người, hiện rõ cho mọi người tạo lập pháp này. Vì sao? Ta vì Thánh nhân nói pháp tự chứng của nội thân. Vì các phàm phu nói cảnh giới hiểu và thấy, cùng nhau biết được điều đó.

Này Đàm-vô-kiệt! Nay ngươi nên nương vào nghĩa này, mà biết đó là tướng Đệ nhất nghĩa vượt qua khỏi cảnh giới thế gian.

Này Đàm-vô-kiệt! Ta nói nghĩa thứ nhất là vượt qua khỏi cảnh giới của tất cả các tướng. Thấy, hiểu gọi là cảnh giới các tướng. Như vậy, ta nói nghĩa thứ nhất, là cảnh giới vô ngôn. Sự thấy hiểu gọi là cảnh giới lời nói.

Này Đàm-vô-kiệt! Ta nói lìa các ngôn ngữ là tướng của nghĩa thứ nhất, sự thấy hiểu danh tự là tướng thế đế. Như vậy, ta đã nói lìa các tranh luận là tướng của nghĩa thứ nhất, sự thấy hiểu danh tự là tướng tranh luận.

Này Đàm-vô-kiệt! Nương vào nghĩa tướng này, nay ông nên biết. Cảnh giới sự thấy hiểu vượt qua khỏi các thế gian, là tướng của nghĩa thứ nhất.

Này Đàm-vô-kiệt! Ví như có người, trọn đời ăn vị cay đắng, mà người ấy không biết, không cảm giác, không nêu bày được vị cay đắng đó và cũng không tin rằng có vị ngọt ngon của thạch mật A-bàbà.

Này Đàm-vô-kiệt! Có người suốt đời tin vào cái vui ham muốn, đắm chìm vào ham muốn, bị lửa ham muốn thiêu đốt nội tâm, thân không thể biết, không thể giác ngộ, không thể so sánh, không còn khả năng tin lìa tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, để không còn vui trong ham muốn nữa.

Này Đàm-vô-kiệt! Có người suốt đời tin vào phân biệt, vui với phân biệt, không thể biết, không thể giác ngộ, không có khả năng so lường, không còn khả năng tin vào cái vui không phân biệt của sự vắng lặng nội thân.

Này Đàm-vô-kiệt! Có người suốt đời thấy, nghe, hiểu, biết, vui, tin, ưa thực hành. Người ấy lại không thể biết, không thể giác ngộ, không thể so lường, không còn khả năng tin, lìa cái vui thấy nghe hiểu biết của sự vắng lặng nội thân.

Này Đàm-vô-kiệt! Như có người, suốt đời bám lấy chính mình ôm giữ tướng ngã, vui tin mà làm. Người ấy không thể biết, không thể giác ngô, không thể so lường, không còn khả năng tin vào cái vui “Không có ngã, ngã sở của cõi Uất-đơn-việt phương Bắc.”

Này Đàm-vô-kiệt! Người có thấy hiểu như vậy, không thể biết, không thể giác ngộ, không thể so lường, không có khả năng tin lìa các tướng thấy biết của nghĩa thứ nhất.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta nói thân chứng pháp
Thứ nhất lìa ngôn cảnh
Lìa tướng thấy, hiểu, tranh
Vô ngôn, nghĩa thứ nhất.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12