KINH THÂM MẬT GIẢI THOÁT
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 2: THÁNH GIẢ HỎI BỒ-TÁT THIỆN VẤN

Khi ấy, Đức Thế Tôn được trăm ngàn vạn a-tăng-kỳ đại chúng, trước sau vây quanh vì các Bồ-tát nói pháp sâu dày.

Lúc đó, trong đại chúng, có Thánh giả Đại Bồ-tát, tên là Thiện Vấn, đang ngồi trong chúng, nương vào Đệ nhất nghĩa đế vô ngôn không có hai tướng, hỏi Thánh giả Bồ-tát Thâm Mật Giải Thoát:

–Thưa Phật tử! Nói tất cả pháp là không hai. Tất cả pháp không hai ấy, sao lại là tất cả pháp? Sao gọi là không hai?

Bồ-tát Thâm Mật Giải Thoát bảo Bồ-tát Thiện Vấn:

–Này thiện nam! Nói tất cả pháp, ấy là nói có hai pháp:

  1. Pháp hữu vi.
  2. Pháp vô vi.

Này thiện nam! Pháp hữu vi là chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Pháp vô vi là chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.

Bồ-tát Thiện Vấn hỏi:

–Thưa Phật tử! Sao gọi là pháp hữu vi chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi? Sao gọi là pháp vô vi chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi?

Bồ-tát Thâm Mật Giải Thoát đáp:

–Này thiện nam! Nói pháp hữu vi, đó chỉ là danh tự nói pháp của Như Lai. Nói rằng Như Lai dùng danh tự nói pháp cũng chỉ là để phân biệt ngôn ngữ, gọi là nói pháp.

Này thiện nam! Nếu chỉ là danh tự để phân biệt ngôn ngữ, gọi là nói pháp, thì thường không bằng các danh tự tập hợp mà thành ngôn ngữ. Thế cho nên, nói không phải hữu vi.

Này thiện nam! Nói vô vi là chỉ cái thể của ngôn ngữ.

Này thiện nam! Giả sử lìa cả hữu vi, vô vi, thì pháp ấy cũng như vậy.

Này thiện nam! Tuy không ngôn ngữ, nhưng không phải không có việc gì để nói.

–Thưa Phật tử! Thế nào là việc, mà không có gì để nói? Nghĩa là Thánh nhân biết, Thánh nhân thấy, Thánh trí biết, Thánh trí thấy, không có pháp để ngôn ngữ chứng. Vì muốn nói pháp không ngôn ngữ ấy, cho nên nương vào tướng, mà nói hữu vi, vô vi.

Này thiện nam! Nói vô vi chỉ là danh tự nói pháp của Như Lai. Danh tự nói pháp chỉ là để phân biệt. Tướng phân biệt là tướng ngôn ngữ.

Này thiện nam! Tướng ngôn ngữ tức là pháp tập hợp của danh tự. Tập hợp danh tự tức là pháp giả dối. Pháp giả dối, thể của nó thường không như vậy, bởi do các sự phân biệt. Danh tự không thành, tức là tướng ngôn ngữ. Thế cho nên, ta nói chẳng phải vô vi.

Này thiện nam! Nói hữu vi, chỉ là danh tự. Nếu lìa pháp hữu vi, vô vi, thì nó cũng như vậy.

Này thiện nam! Nói như thế nhưng chẳng phải không có việc gì để nói.

Này thiện nam! Thế nào là việc mà nói Thánh trí biết, Thánh trí thấy, không có pháp để ngôn ngữ chứng? Vì ngôn ngữ không có pháp để chứng cho nên nói là chẳng phải hữu vi.

Bồ-tát Thiện Vấn hỏi:

–Thưa Phật tử! Sao gọi việc ấy là vô ngôn sở chứng? Thánh trí biết, Thánh trí thấy mà nói đó là vô ngôn chứng pháp, mà nói đó là ngôn ngữ hữu vi, vô vi?

Bồ-tát Thâm Mật Giải Thoát đáp:

–Này thiện nam! Ví như người làm trò ảo thuật và học trò của ông ta ở tại ngã tư đường chất chứa cỏ cây, nhánh lá, ngói gạch lại một chỗ, rồi biểu diễn các trò ảo thuật như binh lính, voi, ngựa, xe, bộ, ma-ni, trân châu, lưu ly, kha cụ, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, tiền tài, lúa thóc, gấm lụa và các kho chứa các vật. Biểu diễn rất nhiều trò khác lạ như vậy.

Này thiện nam! Nếu lúc đó, có những kẻ ngu si, vô trí, thấy nghe việc ấy, không biết đó chỉ là cỏ cây, ngói đá, mà sinh tâm cho là có thật, các loại voi, ngựa, xe, bộ, binh lính, ma-ni, trân châu, lưu ly, kha cụ, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, tiền tài, lúa thóc, vải vóc và kho chứa các vật. Do chứng kiến như thế, cho nên người ngu kia liền ôm giữ sự thấy nghe đó mà tu hành, cho việc đó là hoàn toàn có thật, ngoài ra đều là hư vọng.

Này thiện nam! Người ấy lại cần cầu pháp tối thượng.

Này thiện nam! Lại có người trí tuệ, không phải là ngu si, thấy voi, ngựa… biết rằng đó chính là cỏ, cây, ngói gạch.… thấy nghe thế rồi, người này sinh tâm biết voi ngựa, xe… không phải là thật, từ ảo thuật mà làm ra, là tướng giả dối, mọi việc khác thường chỉ làm mê hoặc mắt người. Thấy nghe như thế, người trí không cho nó là thật, cũng không dính mắc, cũng không bám lấy, rốt ráo là thật, ngoài ra là giả dối. Biết ý nghĩa để nắm lấy ngôn ngữ, người này không cần quán thắng pháp.

Này thiện nam! Chúng sinh phàm phu, chưa được trí Thánh nhân xuất thế gian, cũng lại như vậy. Phàm phu ngu si biết không đúng như thật pháp không ngôn ngữ, thấy nghe pháp hữu vi, vô vi, liền sinh tâm suy nghĩ: “Có pháp hữu vi, vô vi, như tôi thấy nghe”. Thế nên, theo sự thấy nghe, người này ôm giữ nó cho đó là thật. Bởi thế, nên người này, đã lãnh thọ thực hành như đã thấy nghe, cho nó là thật còn các việc khác là giả dối. Người ấy liền siêng năng quán sát thắng pháp.

Này thiện nam! Lại có chúng sinh, không phải là ngu si, thấy rõ thật đế, đạt được trí Thánh nhân xuất thế gian, có khả năng biết như thật tất cả các pháp, chứng pháp thể chân thât không ngôn ngữ. Nhưng chúng sinh đó thấy nghe pháp hữu vi, vô vi, lại sinh tâm suy nghĩ: “Không có các pháp danh tự hữu vi, vô vi… như đã thấy nghe.” Rồi lại nghĩ: “Lời nói hữu vi, vô vi là có đó.” Từ hành tướng giả dối phân biệt sinh ra; như pháp ảo thuật ấy mê hoặc người trí; sinh ra hữu vi, vô vi với danh tướng khác lạ. Người ấy hiểu biết như đã nghe thấy, nên không dính mắc vào những gì đã thấy nghe. Đó mới là chân thật, còn các cái khác là giả dối. Vì nghĩa rõ ràng ấy mà nắm bắt ngôn ngữ, người ấy không cần quán thắng pháp.

Này thiện nam! Trí Thánh nhân biết các việc như vậy. Thánh nhân trí thấy biết chứng được vô ngôn. Vì muốn chứng pháp vô ngôn ấy mà nói đó là danh tướng hữu vi, vô vi.

Lúc đó, Bồ-tát Thâm Mật Giải Thoát nói kệ:

Nghĩa sâu không ngôn ngữ
Chư Phật nói không hai
Người si nương vô minh
Hý luận chấp hai pháp,
Làm lớn đường thế gian
Qua lại không dừng nghỉ
Sinh trong loài súc sinh
Do lìa nghĩa thứ nhất.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12