KINH THÂM MẬT GIẢI THOÁT
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 5
Phẩm 10: THÁNH GIẢ BỒ-TÁT QUÁN THẾ TỰ TẠI THƯA HỎI (Phần 2)
Thánh giả Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Có gì các Bồ-tát tâm không thích nhiều quả báo của Ba-la-mật, mà lại rất ham thích các hạnh Ba-la-mật?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Nên biết có năm pháp, đó là: Vui với cái vui mừng rỡ tăng thêm; nắm giữ lợi mình và lợi người; vui với đời vị lai; vui với báo ân; không dính mắc các pháp, không mất pháp ấy.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các Ba-la-mật này, mỗi pháp có bao nhiêu sức thù thắng vi diệu?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Nên biết, các Ba-la-mật này, mỗi pháp đều có bốn sức thù thắng vi diệu. Đó là: Bồ-tát tu hành các Ba-lamật, xa lìa tâm xan lận ganh ghét, xa lìa tâm phá giới, xa lìa tâm sân hận, xa lìa tâm biếng nhác, xa lìa tâm tán loạn, xa lìa tâm các kiến. Có khả năng thành tựu các công đức Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trước mắt thân nắm lấy thân của mình và thân của người. Ở đời vị lai, có khả năng đạt được quả báo tốt đẹp rộng lớn vô tận.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các Ba-la-mật này những gì là nhân? Những gì là quả? Những gì là lực?
Đức Phật nói:
–Đại Bi là nhân; ham thích nắm giữ chúng sinh là quả; có khả năng đầy đủ Bồ-đề là lực. Nên biết như vậy.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tất cả vật chất của các Bồ-tát, tùy ý mà sử dụng không thể cùng tận. Bồ-tát lại có tâm đại Bi thương xót, thì có gì chúng sinh ở thế gian chịu mãi nổi khổ nghèo cùng?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Các chúng sinh này, tự gây ra nghiệp tội lỗi. Bồ-tát với lòng từ thường muốn cho tất cả chúng sinh giàu có, vui thích vô tận; trong lòng lúc nào cũng giữ vững niềm thương nhớ không chút lay động.
Này Quán Thế Tự Tại! Nếu các chúng sinh, tự mình không gây ra tội chướng, thì chúng sinh ở thế gian không có nghèo cùng.
Này Quán Thế Tự Tại! Ví như tất cả các ngạ quỷ bị cái khát bức bách, nhưng từ xa trông thấy mọi sông, suối, biển cả đều khô cạn. Như thế, đâu phải là lỗi của sông, suối, biển cả. Bởi do các ngạ quỷ này, tự gây ra nghiệp báo. Các vị Bồ-tát đã đem tất cả của cải cho chúng sinh. Như biển cả ấy, không có lỗi lầm. Nhưng các chúng sinh phải tự chịu khổ nghèo cùng. Như các ngạ quỷ ấy tự tạo ra ác nghiệp, cho nên có quả báo như vậy. Đó chẳng phải là lỗi của Bồtát.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Những gì là Ba-la-mật của Bồ-tát nắm giữ các pháp không thể tướng?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Trí tuệ ba-la-mật nắm giữ các pháp không thể tướng.
Quán Thế Tự Tại thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu Trí tuệ ba-la-mật của Bồ-tát nắm giữ các pháp không có thể tướng, thì có gì, Trí tuệ ba-la-mật không nắm giữ các pháp có thể tướng?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Ta nói nắm giữ không thể tướng.
Không thể tướng ấy có nghĩa là ông chớ dính mắc vào ngôn ngữ. Vì sao? Vì pháp không thể tướng, lìa tất cả danh tự, ngôn ngữ; nội thân chứng pháp không thể đem tên gọi câu pháp ra để nói. Ta chỉ nương vào tên gọi, lời nói của trí tuệ để nắm giữ các pháp không thể tướng.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Theo như lời Đức Thế Tôn nói, các Ba-la-mật, tùy cận Ba-la-mật, đại Ba-la-mật.
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Ba-la-mật? Thế nào là cận Ba-lamật? Thế nào là đại Ba-la-mật?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Bồ-tát từ vô lượng kiếp đã tu hành bố thí… và các Ba-la-mật; có khả năng đạt được tất cả pháp lành rốt ráo. Nhưng Bồ-tát ấy còn đủ tánh phiền não, hiện hành trong tâm, phiền não đó không làm nhiễm Bồ-tát, trái lại, Bồ-tát có khả năng hàng phục phiền não. Đó là tín hạnh địa đối với nhu nhuyến tín tâm để tu các hạnh. Đây gọi là Ba-la-mật.
Này Quán Thế Tự Tại! Lúc còn ở trong vô lượng kiếp, tu hành pháp lành tăng thượng rốt ráo, tâm hành phiền não; Bồ-tát ấy, có khả năng hàng phục phiền não, phiền não không thể hàng Bồ-tát. Nghĩa là chưa nhập được Địa thứ nhất, nên biết như thế.
Này Quán Thế Tự Tại! Đó gọi là cận Ba-la-mật.
Lại nữa, này Quán Thế Tự Tại! Bồ-tát ở trong vô lượng kiếp, tu hành rốt ráo pháp lành thượng thượng, tất cả phiền não không hiện hành trong tâm của Bồ-tát ấy. Đó là từ Địa thứ nhất đến Địa thứ tám, Địa thứ mười.
Này Quán Thế Tự Tại! Nên biết, đó gọi là đại Ba-la-mật.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Trong các Địa này, có bao nhiêu phiền não kết sử?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Có ba thứ phiền não kết sử. Hại bạn sử phiền não, bạc sử phiền não, vi tế sử phiền não.
Này Quán Thế Tự Tại! Thế nào là hại bạn sử phiền não? Nghĩa là từ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ năm không câu sinh phiền não, nhưng lại câu sinh phiền não bạn, hại bạn sử phiền não không hiện hành trong tâm Bồ-tát ấy. Thế nên, ta nói hại bạn sử phiền não.
Này Quán Thế Tự Tại! Thế nào là bạc sử phiền não? Nghĩa là, Địa thứ sáu, Địa thứ bảy, vi tế vô minh sử phiền não được Bồ-tát tu hành, làm cho mòn đi vô minh phiền não đó. Đó gọi là bạc sử phiền não.
Này Quán Thế Tự Tại! Thế nào là vi tế, cực vi tế phiền não? Là từ Địa thứ tám đến các Địa thượng thương, tất cả vô minh kết sử phiền não không hiện hành trong tâm, chỉ có chương vi tế của tất cả cảnh giới.
Này Quán Thế Tự Tại! Nên biết, đó gọi là ba thứ kết sử phiền não.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Theo lời Đức Thế Tôn nói, Bồ-tát cắt đứt tất cả lỗi lầm, tức là cắt đứt các sử.
Bạch Thế Tôn! Bồ-tát đoạn bao nhiêu lỗi lầm mới gọi là cắt đứt các sử?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Bồ-tát đoạn ba thứ lỗi lầm, thì mới có thể cắt đứt các sử. Những gì là ba? Là da, da trong và xương.
Này Quán Thế Tự Tại! Ban đầu, cắt đứt chướng ngại của da, lìa được lỗi lầm thứ nhất. Kế đến, cắt đứt chướng ngại của da trong, lìa được lỗi lầm thứ hai. Tiếp nữa, là cắt đứt chướng ngại của xương, lìa được lỗi lầm thứ ba. Ta nói rằng, đến giai đoạn này là dứt sạch tất cả sử. Nên biết, đó gọi là Phật địa.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp, mới đoạn được các lỗi ấy?
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp vô lượng thời, vô lượng tháng, vô lượng nửa tháng, vô lượng đêm, vô lượng ngày, vô lượng niệm, vô lượng sát-na, vô lượng vô-hầu-đa, vô lượng la-bà kiếp… mới đoạn được các lỗi ấy. Nên biết như vậy.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Trong các Địa này, phiền não của các Bồ-tát, có những tướng gì? Có những công đức nào? Cúi xin Đức Thế Tôn nói điều đó để cho con được biết.
Đức Phật nói:
–Này Quán Thế Tự Tại! Nên biết, không có nhiễm tướng sinh các phiền não; có vô lượng công đức sinh các phiền não. Vì sao? Vì tự tánh của Bồ-tát ở trong Địa thứ nhất, đã chứng đối với tất cả pháp giới, khéo có khả năng hiểu biết tất cả pháp giới. Thế nên, Bồ-tát có khả năng biết như thật, các phiền não sinh, chứ chẳng phải là không biết. Thế nên trong tự thân không có nhiễm tướng, do không thể sinh các lỗi lầm khổ sở, nên không có các lỗi và vì cõi chúng sinh mà cắt đứt nhân quả. Vô lượng công đức của Bồ-tát sinh các phiền não.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại khen ngợi:
–Thật là hiếm có, bạch Thế Tôn! Là đại Bồ-đề thì có khả năng làm lợi ích lớn. Do các Bồ-tát sinh các phiền não, hàng phục tất cả Thanh văn, Duyên giác, tất cả căn lành, huống gì là vô lượng các công đức khác.
Bồ-tát Quán Thế Tự Tại bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn nói, Thanh văn thừa, Đại thừa là Nhất thừa. Vì ý gì mà Đức Thế Tôn nói như thế?
–Này Quán Thế Tự Tại! Trong Thanh văn thừa, ta nói đủ các loại pháp; nào là năm ấm, sáu nhập trong, sáu nhập ngoài… Những pháp như thế, ta nói đó là pháp giới một nhất vị, nhưng Thanh văn thì không thể hay biết. Thế nên, ta nói có đủ các loại thừa.
Này Quán Thế Tự Tại! Có chúng sinh, nghe nói như vậy, phân biệt rồi dính mắc, người ấy không biết thể của Nhất thừa, bám lấy các thừa, để chứng cho được pháp ấy. Mỗi người nắm giữ mỗi thừa khác nhau, rồi cùng nhau tranh luận. Nên biết ý ta là như vậy.
Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Mỗi mỗi các pháp tướng
Ta nương một lý, nói
Sinh ra hiểu thấp kém
Ta gọi là Nhị thừa.
Như nghe tiếng phân biệt
Nhưng không biết nghĩa ấy
Nên các thừa trái nhau
Chúng sinh kiêu mạn, tranh.
Biết diệu tướng các Địa
Và các chỗ nguyện sinh
Thắng tướng đối trị này
Ta nói là Đại thừa.
Khi ấy, Bồ-tát Quán Thế Tự Tại thưa:
–Bạch Thế Tôn! Trong Tu-đa-la Thâm Mật Giải Thoát thì pháp môn này tên là gì và phụng trì như thế nào?
Đức Phật bảo Bồ-tát Quán Thế Tự Tại:
–Này Quán Thế Tự Tại! Tu-đa-la này tên là Địa Ba-la-mật Liễu Nghĩa Pháp Môn, nên thọ trì như vậy.
Lúc Phật nói kinh Địa Ba-la-mật Liễu Nghĩa này, có bảy vạn năm ngàn Bồ-tát được Đại thừa Quang minh Tam-muội.
Phẩm 11: THÁNH GIẢ BỒ-TÁT VĂN-THÙ-SƯ-LỢI PHÁP VƯƠNG TỬ THƯA HỎI
Khi ấy, Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, nương vào sở tác trụ trì nghiệp sai biệt của Như Lai, bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai có những tướng gì?
Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Tu hành như thật Thập địa Ba-la-mật, chuyển thân thành tựu được Pháp thân vi diệu. Nên biết, đó gọi là tướng Pháp thân của chư Phật Như Lai.
Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp thân của chư Phật, có hai thứ tướng không thể nghĩ bàn; đó là Pháp thân lìa các hý luận, lìa tất cả các hành tướng hữu vi nhưng các chúng sinh lại dính mắc vào hý luận, vào hành tướng hữu vi.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thanh văn, Duyên giác đã đạt sự chuyển thân, thì gọi là Pháp thân, hay không phải Pháp thân?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Không phải Pháp thân.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu không phải là Pháp thân thì là thân gì?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Gọi là thân giải thoát, chứ không phải là Pháp thân. Thanh văn, Duyên giác nương vào thân giải thoát; chư Phật Như Lai chuyển thân, ấy là bình đẳng. Nhưng Pháp thân của Phật sai biệt thù thắng. Pháp thân thù thắng là hơn hẳn tất cả Thanh văn, Duyên giác, công đức vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ, thù thắng, đặc biệt, kỳ lạ không thể thí dụ. Vì để phân biệt, đối trị điên đảo, cho nên người ấy nói Như Lai sinh.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chư Phật sinh ra đời, có những tướng gì?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Hóa thân sinh tướng, tướng tùy thế giới, tướng của tất cả loài, tất cả công đức trang nghiêm gìn giữ sẽ tương ưng. Nên biết, đó là tướng hóa thân sinh ra thế gian.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nhưng Pháp thân chư Phật Như Lai thì không sinh.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con làm sao biết được tướng phương tiện hiện ra sự hóa thân đó?
Đức Phật bảo:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả cõi Phật trong tam thiên đại thiên thế giới; ở những nhà có thế lực lớn và nhà có ruộng phước; cùng lúc có sự hạ cung nhập thai, rồi trụ thai và xuất thai; sinh rồi lớn lên thọ vui năm dục, rồi thực hành đại Xả, xuất gia, khổ hạnh, chứng Bồ-đề, chuyển bánh xe pháp, rồi nhập Niết-bàn.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nên biết, đó gọi là phương tiện hiện ra sự hóa thân.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nương vào sức gìn giữ Pháp thân của Như Lai, có bao nhiêu ngôn ngữ nói pháp cho chúng sinh? Như Lai nói pháp nương vào đó, có thể giáo hóa chúng sinh, người chưa được thuần thục khiến được thuần thục; người được thuần thục rồi, khiến được giải thoát.
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai có ba ngôn ngữ, đó là nói Tu-đala, Tỳ-ni và Ma-đắc-lặc-già (là Khế kinh, Luật tạng và Luận tạng).
Này Văn-thù-sư-lợi! Đó là ba thứ nên biết.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Những gì là Tu-đa-la? Những gì là Tỳ-ni?
Những gì là Ma-đắc-lặc-già?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Một ít pháp sự ta đã nói, đó gọi là Tu-đala. Một ít pháp sự là bốn việc, là chín việc, là hai mươi chín việc.
Này Văn-thù-sư-lợi! Bốn việc là việc nghe, việc quy y, việc học, việc Bồ-đề. Đó là bốn việc.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nói chín việc là việc chỉ bày bố thí; việc chỉ cho chúng sinh cách thọ dụng; chỉ việc sinh; chỉ việc sinh trụ; chỉ việc nhiễm tịnh; chỉ đủ các loại việc; chỉ việc hay nói; chỉ việc có thể nói; việc của quyến thuộc. Đó gọi là chín việc.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nói hai mươi chín việc là việc nương vào phiền não đối nhiễm các hành. Việc tùy thuận. Thế nào là việc tùy thuận? Là tùy thuận tướng người ấy, đời vị lai sinh việc nhân, nương vào pháp tướng ở vị lai mà hành nhân. Việc nương vào tịnh phần quán, tức là việc tu hành xứ ấy. Việc khiến tâm trụ. Việc hiện thân thọ lạc pháp hạnh. Việc vượt qua tất cả khổ quán hạnh, tức là biết việc ấy như thật. Việc ấy có ba thứ: Nương vào điên đảo nắm giữ, nương vào tướng chúng sinh, bên ngoài quán tướng tà hạnh nắm giữ, trong tâm không kiêu mạn nắm giữ. Việc tu hành trụ. Viêc hiện chứng. Việc tu hành. Việc tác hướng kiên cố. Viêc quán chín thứ ấy. Viêc quán sát xa lìa không xa lìa phương tiện. Việc hướng tán loạn. Việc không tán loạn, không mất. Việc tu hành không chướng ngại. Việc tu hành lợi ích. Việc hướng đến kiên cố. Việc hướng đến thật chứng ấy. Việc đầy đủ được Niết-bàn, Như Lai khéo nói pháp Tỳ-ni. Việc thế gian chánh kiến vượt hơn tất cả thù thắng của ngoại đạo. Việc không tu hành pháp ấy. Vì sao? Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với pháp Tỳ-ni của Như Lai đã khéo nói, mà không thể tu hành, thì khiến cho pháp lành thoái lùi, đó không phải là lỗi tà kiến.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng Tỳ-ni?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Tướng Tỳ-ni là: Ta vì Thanh văn và các Bồ-tát, nói Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật) và pháp tương ưng Ba-la-đềmộc-xoa. Đó là việc Tỳ-ni.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát có bao nhiêu pháp, để nhiếp Ba-la-đềmộc-xoa?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát có bảy pháp để nhiếp Ba-la-đềmộc-xoa; đó là Bồ-tát biết nói pháp thọ trì, biết nói việc Ba-la-di (trọng tội), biết nói việc lỗi lầm, biết nói cái thể của việc lỗi lầm, biết nói cái thể của việc không lỗi lầm, biết nói về việc khởi lên lỗi lầm, biết nói về viêc mất pháp thọ trì.
Này Văn-thù-sư-lợi! Đó gọi là bảy pháp nhiếp Ba-la-đề-mộcxoa của Bồ-tát, nên biết như vậy.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Ma-đắc-lặc-già?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Ta đã nói mười một thứ tướng, thị hiện liễu nghĩa kinh. Đó gọi là Ma-đắc-lặc-già.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Những gì là mười một tướng Ma-đắc-lặc-già?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Đó là tướng thế đế, tướng Đệ nhất nghĩa đế, tướng quán pháp Bồ-đề phần, tướng pháp ấy, tướng tự thể, tướng pháp quả ấy, tướng ghi nhận lời nói pháp ấy, tướng pháp chướng ấy, tướng pháp tùy thuận ấy, tướng lỗi lầm của pháp ấy, tướng lợi ích của pháp ấy.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng thế đế?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Tướng thế đế, có ba thứ, đó là: Nói về nhân tướng, nói về phân biệt thể tướng, quán các pháp suy nghĩ tạo ra đủ các loại nghiệp tướng, nên biết như thế.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng Đệ nhất nghĩa đế?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Tướng Đệ nhất nghĩa đế, có bảy thứ, như bảy thứ chân như đã nói ở trước:
- Hành tướng Đệ nhất nghĩa đế, hữu vi từ vô thủy.
- Tướng Đệ nhất nghĩa đế nghĩa là ngã không, pháp không.
- Duy thức Đệ nhất nghĩa đế, biết hạnh hữu vi chỉ là tâm thức.
- Dính mắc Đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa là, ta nói Khổ đế.
- Tà hạnh Đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa là ta nói Tập đế.
- Thanh tịnh Đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa là, ta nói Diệt đế.
- Tu hành chân chánh Đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa là, ta nói Đạo đế.
Này Văn-thù-sư-lợi! Hành tướng Đệ nhất nghĩa đế, dính mắc Đệ nhất nghĩa đế, Tà hạnh Đệ nhất nghĩa đế. Ba Đệ nhất nghĩa đế này, tất cả chúng sinh bình đẳng, không sai khác.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tướng Đệ nhất nghĩa đế, Duy thức Đệ nhất nghĩa đế. Hai Đệ nhất nghĩa đế này, tất cả pháp bình đẳng không sai khác.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thanh tịnh Đệ nhất nghĩa đế; Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bình đẳng, không sai khác.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tu hành chân chánh Đệ nhất nghĩa đế, cũng như nghe pháp vi diệu sai khác, như quán Xa-ma-tha, Tỳ-bà-xána, như nắm giữ Trí tuệ ba-la-mật, bình đẳng không sai khác, nên biết như thế.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là quán tướng của Bồ-đề pháp phần?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Quán tướng của pháp Bồ-đề phần, là quán tất cả các việc.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp tướng ấy?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp tướng ấy là như trong tám cách quán, nên biết.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Những gì là tám cách quán?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Là nương vào thật đế, trụ đế, lỗi lầm, công đức, thông tướng, hình tướng, tướng ưng tướng, rộng hẹp nói tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thật đế tướng là chân như, Trụ đế tướng là nhân tướng, phân biệt thể sai khác. Tướng trả lời thẳng. Tướng phân biệt trả lời theo câu hỏi. Tướng trả lời trực tiếp. Tướng thị hiện việc bí mật.
Tướng lỗi lầm là ta nói về lỗi của các pháp nhiễm.
Tướng công đức là ta nói tất cả tịnh pháp là tướng vô lượng lợi ích.
Tướng thông là nên biết có sáu thứ: Chân thật nghĩa thông, đắc thông, thuyết thông, lìa hai bên thông, không thể nghĩ bàn thông và ý thông.
Tướng hình là ba tướng thứ hữu vi, bốn thứ nhân duyên của ba đời.
Tướng tương ưng, nên biết có bốn thứ: Tương ưng tướng đãi, tương ưng với năng tác và sở tác, tương ưng sinh, tương ưng pháp thể.
Tương ưng tướng đãi là những nhân gì, những duyên gì có khả năng sinh hạnh hữu vi danh tự đẳng dụng. Đó gọi là tương ưng tướng đãi.
Tương ưng năng tác sở tác, là những nhân gì, những duyên gì mà có khả năng đạt được pháp, có khả năng sinh pháp. Có khả năng sinh pháp rồi, liền có khả năng thành biện nghiệp. Đó gọi là tương ưng năng tác sở tác.
Tướng ưng sinh, nghĩa là những nhân gì, những duyên gì để biết pháp, nói pháp, hiện ra pháp, có khả năng thành tựu, có khả năng hiểu biết chân chánh. Đó gọi là tương ưng sinh.
Tương ưng pháp thể, nói sơ lược có hai thứ sạch và không sạch.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tịnh có năm tướng, bất tịnh có bảy tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là tịnh có năm tướng?
- Hiện tiền thấy tướng.
- Nương vào hiện tiền đó thấy tướng.
- Tự tướng thí dụ tướng.
- Thành tựu tướng.
- Nói thanh tịnh A-hàm tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là hiện tiền thấy tướng? Nghĩa là, tất cả hạnh hữu vi là vô thường. Tất cả hạnh hữu vi là khổ. Tất cả pháp là vô ngã, hiện tiền thấy pháp thế gian. Nên biết, như vậy… gọi là hiện tiền thấy tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là nương vào hiện tiền mà thấy tướng? Nghĩa là, tất cả hạnh hữu vi là nhất tướng, không mất nghiệp lành và nghiệp ác ở đời vị lai, nương vào thô pháp đó để hiện thấy; nương vào đủ các nghiệp thấy đủ loại chúng sinh để hiện thấy; nương vào nghiệp lành và ác để hiện thấy sự chịu khổ, hưởng vui. Đối với pháp hiện thấy, những thí dụ, như vậy đều nương vào tướng để hiện thấy.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tướng của tự tướng thí dụ, là trong ngoài, tất cả thế gian hiện thấy thí dụ nhân duyên. Nên biết, như thế gọi là tự tướng nhân duyên thí dụ. Nương vào tướng hiện thấy đó, nương vào tướng hiện thấy tướng thí dụ, hướng thẳng đến thành tựu việc ấy.
Nên biết, đó gọi là tướng thành tựu.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là tướng A-hàm thanh tịnh? Nghĩa là người Nhất thiết trí, nói tướng Niết-bàn vắng lặng. Nên biết như thế… gọi là tướng A-hàm thanh tịnh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Ông nên xem xét một cách sâu xa, về năm tướng thanh tịnh như vậy. Xem xét một cách thấu triệt rồi, sẽ biết là thanh tịnh. Nên biết, biết thanh tịnh rồi sẽ tu hành như vậy.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu pháp, biết được tướng của người Nhất thiết trí?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Có năm pháp để biết tướng của người Nhất thiết trí; đó là:
- Có người xuất thế, đối với tất cả các hàng trời, người ở thế gian, gọi là Nhất thiết trí.
- Có người thành tựu rốt ráo ba mươi hai tướng đại nhân, đạt được pháp mười Lực.
- Có khả năng cắt đứt mọi nghi ngờ cho tất cả chúng sinh.
- Có đầy đủ bốn Vô úy, hàng phục tất cả oán địch của ma.
- Nói pháp không ai có thể vấn nạn, gây ra chướng ngại; khi nói pháp, khéo nói về tám Thánh đạo và Bồ-đề phần, hiện chứng và thành tựu bốn quả Sa-môn.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nương sinh nương tướng như vậy, cắt đứt nghi ngờ, hàng phục không còn ai có thể làm khó dễ, hiện thấy năm pháp Sa-môn hiện tiền. Nên biết, đó gọi là tướng người Nhất thiết trí.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nương vào tương ưng sinh thành, tương ưng hiện thấy, tương ưng lượng, tương ưng tỷ trí, tương ưng Thánh nhân nói pháp, biết năm tướng. Nên biết, đó gọi là tướng thanh tịnh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là bảy tướng không thanh tịnh? Nghĩa là, tướng ấy giống như kiến tướng, không tướng ấy giống kiến tướng, có tất cả tướng giống kiến tướng, tất cả không tướng giống kiến tướng, tự thí dụ dị tướng, tướng bất thành, nói pháp tướng A-hàm không thanh tịnh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là tất cả tướng giống kiến tướng? Nghĩa là, tất cả pháp nương vào ý thức biết đồng tướng. Như vậy,… gọi là tất cả pháp tướng giống đồng kiến tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là tất cả pháp không tướng, giống kiến tướng? Nghĩa là, pháp tướng thể tướng, nghiệp pháp nhân quả dị tướng, mỗi mỗi tướng là dị tướng, rốt ráo đủ các tướng đó là đại dị tướng. Như vậy,… gọi là tất cả không tướng giống không đồng kiến tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là tự thí dụ dị tướng? Nghĩa là, tướng ấy giống kiến tướng thí dụ, có tất cả không tướng giống không đồng tướng. Vì thành việc ấy, nhất hướng không thành. Thế nên, ta nói tướng không thành ấy.
Này Văn-thù-sư-lợi! Trong tự thí dụ không tướng ấy giống kiến tướng, có tất cả tướng giống đồng tướng. Vì thành việc ấy, nhất hướng không thành. Thế nên, ta nói tướng không thành. Nếu tướng không thành thì pháp ấy không thanh tịnh. Nếu pháp ấy không thanh tịnh, thì không nên tu hành. Thế nên, ta nói tướng A-hàm không thanh tịnh. Nên biết, bởi tự tánh không thanh tịnh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là pháp thể? Nghĩa là, Như Lai ra đời và không ra đời thì vẫn có pháp trụ, pháp thể, pháp giới. Nên biết, đó gọi là tướng pháp thể.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng hẹp rộng?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nghĩa là lược nói một câu. Một câu ấy là thượng thượng câu sai biệt của vô lượng câu, cho đến nói chỗ nên đến. Nên biết, đó gọi là nói hẹp.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là đắc tướng?
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nghĩa là nắm lấy các pháp, xét thấy Bồđề pháp phần. Ta nói Bồ-đề pháp phần, bốn Niệm xứ… Đó gọi là pháp tự thể tướng, cùng với thế gian, xuất thế gian xa lìa nhiễm tướng. Quả của pháp ấy phát khởi công đức thế gian và xuất thế gian. Đó gọi là đắc tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp ấy, nương vào trí giải thoát mà thọ dụng. Nên biết như thế. Giảng nói khai thị rông rãi cho mọi người. Đó gọi là pháp tùy thuận thị hiện tướng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tu hành Bồ-đề pháp phần ấy, là lìa tướng đạo, trái với nhiễm pháp. Đó gọi là hướng đến chướng pháp. Nên biết như thế.
Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp kia sinh nhiều, tăng trưởng, gọi là tùy thuận pháp tướng ấy.
Này Văn-thù-sư-lợi! Chướng ngại các pháp, gọi đó là tướng lỗi lầm.
Này Văn-thù-sư-lợi! Tùy thuận pháp công đức ấy, gọi là tướng lợi ích. Nên biết như thế.
Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Cúi xin Đức Thế Tôn vì các Bồ-tát một lần nữa, lược nói về nghĩa của Tu-đa-la, Tỳ-ni, Ma-đắc-lặc-già (ba tạng Kinh, Luật, Luận); không cùng với tướng của tất cả ngoại đạo, Nhị thừa Đà-la-ni; chư Phật Như Lai nói pháp sâu xa, các Bồ-tát được ý sâu dày, khi được rồi, có khả năng nhập vào tất cả pháp Phật.
Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nay ông hãy lắng nghe. Ta sẽ vì ông mà lược nói nghĩa Đà-la-ni. Các Bồ-tát… nghe pháp ta rồi, có thể được ý ta. Được ý ta rồi, thì nhập vào pháp của ta.
Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là lược nói nghĩa Đà-la-ni? Đó là tất cả nhiễm pháp, tất cả tịnh pháp, tất cả pháp bất giác, tướng vô tác, tướng không phân biệt, tướng vô ngã. Ta đã nói các pháp như vậy, như vậy. Ta đã nói rằng bất giác, vô tác, không phân biệt, không ngã tướng. Do tất cả tướng vô giác, vô ngã, thế nên là nhiễm pháp. Chứ chẳng phải trước thì nhiễm, sau được tịnh, các tịnh pháp cũng chẳng phải trước thì tịnh sau gọi là nhiễm. Ngu si phàm phu nương vào cái nhiễm không thật, thân dính mắc ngã pháp, tìm tướng tự thể, nương vào nhân tà kiến mà nói có ngã. Nghĩa là, ta có thể thấy, có thể nghe, có thể ngửi, có thể biết vị và có thể giác xúc. Ta có thể biết ta, có thể ăn, ta nhiễm, ta tịnh, từ đó sinh ra các hạnh tà kiến. Như vậy, nếu người có khả năng như thật biết lìa thân phiền não như vậy, thì người ấy, có khả năng lìa hết các phiền não, cắt đứt mọi hý luận, rốt ráo trong sạch, được thân vô vi, không còn tất cả các hạnh hữu vi.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nên biết, đây gọi là lược nói nghĩa Đà-lani.
Lúc đó, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Các pháp vốn không nhiễm
Sau thời không thanh tịnh
Nhiễm cùng với thanh tịnh
Là các pháp vô ngã.
Thân nhiễm thấy có ngã
Sinh ra ngã sở tưởng
Ngã nhiễm và thanh tịnh
Ngã kiến và bữa ăn.
Nếu hay biết như vậy
Người ấy lìa phiền não
Là được thân vô nhiễm
Thế nên gọi vô vi.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Tâm sinh của Như Lai Thế Tôn có những tướng gì? Xin vì con mà nói.
Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai chẳng phải tâm ý, ý thức được danh, mà do không có các hành nghiệp, tâm sinh được danh. Nương vào thân Ứng hóa, nói đó là sinh.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu Pháp thân lìa các hành nghiệp, thì tại sao lìa các hành do tâm tạo ra mà có thể sinh tâm?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nương vào cái gốc là phương tiện trí tuệ để tu hành, tự nhiên mà sinh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như ngủ nghỉ, tâm không giác khởi, nhưng vẫn có thể giác khởi.
Này Văn-thù-sư-lợi! Như nhập diệt tận định, không khởi tâm, nhưng nương vào cái gốc do tâm tạo ra, tự nhiên mà khởi.
Này Văn-thù-sư-lợi! Như hai việc ngủ nghỉ và diệt tận; tâm định không khởi, chỉ nương vào cái gốc mà khởi. Như vậy, tâm sinh của Như Lai nương vào cái gốc là trí tuệ và phương tiện, tu hành thành tựu. Nên biết như thế.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Phật nói Như Lai ứng hóa sở tác hóa thân, là có tâm hay là không tâm?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nói có tâm cũng được, nói không tâm cũng được. Vì sao? Vì tự tâm không được tự tại cho nên nói là không tâm, phải nhờ tha lực cho nên nói là có tâm.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói: Hành xứ của Như Lai, cảnh giới của Như Lai, hai pháp này có sai biệt gì?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nói hành xứ của Như Lai, là tất cả chư Phật công đức bình đẳng, không thể nghĩ bàn; là vô lượng công đức trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Đó là hành xứ của chư Phật Như Lai.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nói cảnh giới của Như Lai là nói đến năm thứ: Chúng sinh giới, thế giới, pháp giới, khả hóa cõi chúng sinh và phương tiện giới.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nên biết, hành xứ Như Lai, cảnh giới Như Lai khác nhau như vậy.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn Như Lai chứng đắc đại Bồ-đề; chuyển bánh xe đại pháp; nhâp đại Niết-bàn. Ba tướng này, sai khác thế nào, con làm sao để biết?
Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Không có hai tướng. Không chứng Bồ-đề, chẳng phải không chứng Bồ-đề; không chuyển pháp luân, chẳng phải không chuyển pháp luân; chẳng phải nhập đại Niết-bàn, chẳng phải không nhập đại Niết-bàn.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu nghĩa Đức Thế Tôn dạy. Vì sao? Vì Pháp thân của Như Lai xưa nay luôn thanh tịnh, hiện ra bằng thân Ứng hóa.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh thấy thân Ứng hóa ấy, nghe thân Ứng hóa, hiểu thân Ứng hóa, cúng dường ca ngợi thân Ứng hóa, mà đạt được các công đức; vậy đối với thân nào mà được?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Do có khả năng nhớ nghĩ chân chánh về thân Như Lai, do thân Ứng hóa nương vào sức giữ gìn Pháp thân của Như Lai mà được.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Đẳng vô tâm không tạo tác, không hành; vì nghĩa gì, Pháp thân của Như Lai, vì các chúng sinh mà phóng ánh sáng lớn và hiện ra vô lượng cảnh tượng ứng hóa; còn thân giải thoát của các Thanh văn, Bích-chi-phật… không có tướng như vậy.
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Đẳng vô tâm không tạo tác, thí như châu ma-ni nhật nguyệt… vì các chúng sinh mà phát ra ánh sáng lớn và các vật. Nhưng nước lưu ly, châu pha lê, đẳng vô tâm không tạo tác, không phát ra tất cả ánh sáng… các vật. Vì sao? Vì nương vào sức giữ gìn của đại chúng mà sinh, nương vào tăng thượng nghiệp của chúng mà sinh.
Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như châu báu, khéo mài giũa, nó liền phát ra ảnh tượng; còn các cái không được mài giũa, thì không thể phát ra ánh sáng.
Này Văn-thù-sư-lợi! Chư Phật Như Lai cũng lại như vậy. Nương vào vô lượng pháp, xem xét chân chánh, tu hành trí tuệ phương tiện, tạo các nghiêp lành, vun bồi căn lành, nương vào Pháp thân Phật, trí tuệ phương tiện, phát ra các ánh sáng và phóng vô lượng ứng hóa sắc tượng. Thân giải thoát của Thanh văn, Duyên giác, không thể tu tập tất cả căn lành, cho nên không thể phát.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói nương vào sức giữ gìn của chư Phật, Bồ-tát, tất cả chúng sinh thành tựu thân công đức thế gian. Đó là được sinh trong dòng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, nhà Đại trưởng giả, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; ở mọi nơi, hết thảy thân đều thành tựu tất cả quả báo công đức; tất cả đều nương vào sức giữ gìn của chư Phật Bồ-tát mà được. Vì ý gì mà Thế Tôn nói như thế?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Sức giữ gìn của Như Lai và sức của Bồtát; nói ra tùy theo những đạo nào, tu hành những gì. Nếu có người, có khả năng nương vào đạo đó, mà tu hành như thât, thì người ấy thành tựu tất cả chỗ sinh ra, tất cả thân, tất cả quả báo thế gian.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu người không thể tin theo đạo ấy, lại không thể tu hành như thật, chê bai pháp của ta, tranh luận pháp ta; đối với thân ta sinh tâm sân hận ác độc, người ấy khi chết, thân sinh ra nơi nào, luôn phải chịu tất cả những xấu xa thấp hèn… chịu quả báo ác.
Này Văn-thù-sư-lợi! Nương vào nghĩa đó, ông nay nên biết! Chẳng phải chỉ thành tựu thân tối thượng vi diệu và quả báo thù thắng, do nương vào sức trụ trì của Như Lai; mà khi chịu thân xấu xa thấp hèn và quả báo không tốt, cũng nương vào sức trụ trì của Như Lai mà được.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Thế Tôn! Ở trong các cõi nước không sạch, pháp nào dễ được, pháp nào khó được?
Đức Phật nói:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Trong các cõi nước không sạch có tám viêc dễ được, hai việc khó được. Những gì là tám? Đó là:
- Ngoại đạo dễ được.
- Chịu khổ chúng sinh dễ được.
- Sinh vào nhà thấp hèn, thế lực bại hoại dễ được.
- Chúng sinh ác hạnh dễ được.
- Chúng sinh phá giới dễ được.
- Chúng sinh vào đường ác dễ được.
- Chúng sinh phát tâm Tiểu thừa thấp hèn dễ được.
- Bồ-tát phát tâm hẹp hòi dễ được.
Này Văn-thù-sư-lợi! Những gì là hai việc khó được? Bồ-tát tu hành tâm cao thượng khó được, chư Phật Như Lai ra đời khó được.
Này Văn-thù-sư-lợi! Trong cõi Phật trong sạch có tám việc khó được và hai việc dễ được, nên biết như vậy.
Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Pháp môn Tu-đa-la thâm mật giải thoát này, gọi tên là gì và phụng trì như thế nào?
Đức Phật dạy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp môn này tên là kinh Thuyết Chư Phật Như Lai Trụ Trì Lực Liễu Nghĩa.
Này Văn-thù-sư-lợi! Những gì Như Lai đã nói nghĩa, đó là Tuđa-la Liễu Nghĩa, ông nên phụng trì.
Khi Đức Phật nói kinh Như Lai Trụ Trì Lực Liễu Nghĩa này, có bảy vạn năm ngàn Bồ-tát đạt được Pháp thân đầy đủ. Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử và tất cả các hàng Trời, Người, A-tu-la và đại chúng đều vui vẻ thọ nhận tu hành.