KINH SƠ PHẦN THUYẾT

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đến gặp vị trưởng thượng tên là Ca-diếp ở Ưu-lâu-tần-loa. Khi Đức Thế Tôn từ xa đi lại, Ca-diếp trông thấy nên đến bạch với Phật:

–Kính chào Đại Sa-môn! Ngài cần gì? Y phục, thực phẩm hay những thư vật dụng, tôi xin cúng dường đầy đủ.

Thế Tôn bảo Ca-diếp:

–Cho tôi nghỉ lại trong trú xứ của ông một đêm.

Ca-diếp thưa:

–Căn nhà này không phải chỗ ở của tôi mà là nơi tôi thờ lửa. Nay có một con rồng lớn đang chiếm cứ ở đấy, có đầy đủ thần thông và oai lực, nếu Ngài nghỉ lại thì sợ nó làm hại.

Khi ấy, đến lần thứ hai, thứ ba, Đức Thế Tôn cũng vẫn bảo Cadiếp:

–Hãy cho tôi nghỉ lại trong căn nhà này một đêm!

Ca-diếp cũng đôi ba lượt khuyên Đức Phật:

–Con rồng lớn trong căn nhà ấy, tôi sợ nó làm hại Ngài.

–Ông hãy tin lời tôi!

Lúc ấy, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta không cần nhiều lời, nên khởi tâm Bi quyết định thì sự việc se chuyển đổi.” Suy nghĩ rồi, Đức Thế Tôn bước vào trong căn nhà thờ lửa, xếp y Tăng-già-lê làm tư, để lên nơi cỏ sạch và kiết già an tọa.

Khi ấy, rồng tức giận vô cùng, bèn phun lửa khói mù mịt cả căn nhà. Đức Thế Tôn bèn nhập Tam-muội Hỏa giới, cũng phun ra khói lửa bao quanh căn nhà đó, tạo thành một khối lửa lớn bùng cháy dữ dội. Rồng lại phun ra ngọn lửa dữ đủ các màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng… Đức Thế Tôn cũng hiện ra ngọn lửa có nhiều màu sắc như vậy.

Lúc này, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp cùng các đệ tử đứng quanh căn nhà đầy lửa cháy, xem xét sự việc. Ca-diếp nói:

–Vị Đại Sa-môn này tướng hảo trang nghiêm bậc nhất, trước đây không chịu nghe lời ta, chắc bị rồng hại.

Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, ánh sáng từ oai lực của rồng bị Đức Thế Tôn dùng sức thần thông chế ngự thâu phục. Bấy giờ, Cadiếp mới biết Đức Phật có thần thông. Cuối đêm, tùy lúc Đức Phật hiện thần thông. Ca-diếp lân la đến quan sát, thấy ánh sáng từ oai lực của rồng yếu dần, ngược lại, hào quang của Đức Thế Tôn càng lúc càng rõ. Khi trời gần sáng, Đức Thế Tôn đã hàng phục được rồng, bắt bỏ vào trong bình bát, đem đến chỉ cho Ca-diếp thấy và bảo:

–Đây là con rồng trong căn nhà thờ lửa, ta đã thâu phục nó. Rồng này rất dữ, nếu người bình thường thì không thể vào trong căn nhà đó được.

Bấy giờ, Ca-diếp rất thán phục, phát sinh tâm tin thanh tịnh và suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta, lẽ nào không được như vậy?” Vào sáng sớm, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp sắp làm lễ tế lửa, suy nghĩ: “Đại Sa-môn ấy có oai lực lớn, đầy đủ thần thông, thậm chí oai lực như rồng còn bị thâu phục. Hôm nay vào sáng sớm, ta làm lễ tế lửa, còn buổi chiều thì Đại Sa-môn ấy theo sự việc ứng hiện thần thông.” Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đã tin thần thông của Phật nên vào buổi sáng, Ngài dùng thần thông thâu phục Ca-diếp trong lúc ông ta làm phép tế lửa. Do đó, Ca-diếp rất thán phục, phát khởi tâm tin thanh tịnh, suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Vào buổi chiều, khi Ca-diếp sắp làm lễ tế lửa, suy nghĩ: “Đại Sa-môn đó có oai lực lớn, đầy đủ thần thông, thậm chí cho đến oai lực như rồng kia còn bị thâu phục. Nay ta chỉ nên tế lửa vào buổi chiều, còn Đại Sa-môn kia thì ứng hiện thần thông vào buổi sáng.” Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đã tin thần thông của Phật, nên vào buổi chiều, Đức Thế Tôn dùng thần thông thâu phục Ca-diếp trong lúc ông ta đang làm lễ tế lửa, khiến ông ta phát sinh tâm tin thanh tịnh và suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Ca-diếp lại đốt lửa và làm những pháp lễ bái khác nhưng lửa đều không cháy. Ông ta lấy cây khô ném vào trong đó cũng lại không cháy. Tiếp tục lấy cỏ khô, phân bò khô, bơ, dầu… nhiều thứ ném vào đống mồi lửa để có thêm tác dụng nhưng cũng không được gì. Ông ta liền đọc thần chú: “Y lê tát ca đa lê tát ca” và nói: “Tất cả đều phải cháy, sao vật này không cháy?” Đọc thần chú rồi, lửa cũng không cháy.

Khi ấy, Ca-diếp suy nghĩ: “Đại Sa-môn đó có đầy đủ thần thông, oai lực lớn, cho đến oai lực như rồng lửa còn bị hàng phục, ta phải dùng vật gì để cúng dường?” Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đã tin thần thông của Phật, liền hiện sức thần thông làm ngọn lửa đó bùng cháy. Ca-diếp rất thán phục, liền phát khởi tâm tin thanh tịnh và suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Ca-diếp làm pháp tế lửa xong, muốn dập tắt ngọn lửa đó nhưng không được, mới xúc đất đổ vào, dùng tro ném vào, xách nước tưới cũng không thể dập tắt. Ông ta lại đọc thần chú: “Y lê tát ca đa lê tát ca” và nói: “Mọi thứ đã cháy rồi, sao không tắt đi?”, nhưng ngọn lửa cũng không tắt. Khi ấy, Ca-diếp suy nghĩ: “Đại Sa-môn đó đầy đủ thần thông, có oai lực lớn, cho đến oai lực như rồng kia còn bị hàng phục, ta phải dùng vật gì để cúng dường?” Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đã tin thần thông của Phật, liền dùng sức thần thông làm tắt ngọn lửa. Ca-diếp rất thán phục, phát khởi tâm tin thanh tịnh và suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Lại nữa, vào ban ngày, Ca-diếp vừa nằm nghỉ, Đức Thế Tôn hóa ra năm trăm ông già giống như Ca-diếp, đều đến chỗ ở của Cadiếp, đến nơi, các vị ấy đều nói lớn tiếng cười đùa. Do những âm thanh ấy khiến Ca-diếp giật mình thức giấc và nghĩ: “Sao hôm nay ta ngủ quá say thế? Người đồng đạo đến mà ta không hay biết gì?” Khi ấy, những người biến hóa kia đều khen ngợi:

–Lành thay, lành thay!

Ca-diếp mới nhìn kỹ xung quanh, thấy hình tướng mỗi người đều giống như mình nên suy nghĩ: “Những người biến hóa này há chẳng phải là do thần lực của Đại Sa-môn kia hiện ra? Vị Đại Samôn ấy đầy đủ thần thông, có oai lực lớn, cho đến oai lực như rồng còn bị hàng phục, ta phải dùng vật gì để cúng dường?”

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đã tin thần thông của Phật, mới thâu hồi thần lực thì những người hóa hiện kia cùng biến mất. Ca-diếp rất thán phục, liền phát khởi tâm tin thanh tịnh và suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra khỏi trú xứ của Ca-diếp, đến bờ sông Nê-liên, dưới tàng cây A-nhã-bá-la thuộc thôn Kha-na. Thế Tôn bước đi, dung mạo luôn khả kính, oai nghi đầy đủ, đến đó rồi, Đức Thế Tôn tạm dừng chân nghỉ ngơi. Lúc ấy, Ca-diếp suy nghĩ: “Hôm nay chúng ta đến bờ sông Nê-liên làm phép tẩy tịnh bằng nước. Vị Đại Sa-môn kia cũng đến đó.” Ca-diếp cùng các đệ tử đi đến bờ sông, vừa tới nơi thấy nước sông chảy ngược, lại nghĩ: “Nước sông này chảy ngược, có lẽ do thần lực của Đại Sa-môn kia tạo ra chăng? Vị Đại Sa-môn ấy có oai lực lớn, đầy đủ đại thần thông, cho đến oai lực của rồng còn bị thâu phục, ta phải dùng vật gì để cúng dường?”

Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đã tin thần thông của Phật, liền thâu hồi thần lực thì nước sông lại chảy xuôi dòng như trước. Ca-diếp rất thán phục, phát khởi tâm tin thanh tịnh và suy nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Lại nữa, Đức Thế Tôn lần lượt muốn qua sông Nê-liên để vào trong thôn Phược tượng. Lúc này, bỗng nhiên mây đen kéo đến, mưa tuôn tầm tã, nước sông chảy cuon cuộn tạo nên âm thanh như tiếng còi hú và Đức Thế Tôn đang lội giữa dòng nước chảy xiết.

Nhưng Đức Thế Tôn vẫn khoan thai tiến bước và dòng nước rẽ làm hai, theo từng bước đất bằng nổi lên. Trước đó, Ca-diếp suy nghĩ: “Đại Sa-môn kia đang ở giữa dòng sông chảy xiết lẽ nào không bị cuốn trôi?” Suy nghĩ rồi, liền thấy Đức Thế Tôn đang đi, nước rẽ làm đôi, theo từng bước chân đất bằng nổi lên, từ từ tới bờ bên kia. Ca-diếp rất thán phục và suy nghĩ: “Chuyện thật hy hữu, khó được! Danh hiệu của Đại Sa-môn này ở thế gian ta chưa từng nghe.” Bấy giờ, Ca-diếp phát khởi tâm tin thanh tịnh và nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Ca-diếp thay Đức Phật hóa hiện những thần thông như thế, liền chuyển tâm phát khởi sự tin thanh tịnh tối thượng, càng thêm ái kính và nghĩ: “Đức Phật, bậc Đại Sa-môn ấy có thể hóa hiện những thần thông như thế, ta phải dùng những vật gì để cúng dường?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã qua bờ bên kia, vào thôn Phược Tượng nghỉ ngơi. Ngay đêm ấy, Thiên vương Trì Quốc ở phương Đông đến chỗ Đức Phật cung kính lễ bái, hào quang nơi thân vị ấy tỏa sáng, chiếu soi rộng lớn, Ca-diếp cũng trông thấy, nên mới rạng sáng, liền đến chỗ Đức Phật thưa hỏi:

–Thưa Đại Sa-môn! Trong đêm hôm, vì sao ở phương Đông có hào quang tỏa sáng rộng khắp?

Đức Thế Tôn bảo:

–Đêm hôm rồi, nơi hướng Đông có hào quang hiển hiện là do Thiên vương Trì Quốc đến lễ bái ta, hào quang nơi thân vị ấy tỏa sáng chiếu rọi như vậy.

Ca-diếp liền nghĩ: “Danh hiệu của vị thần ấy ta tuy nghe nhưng chưa được gặp, huống gì vị ấy lại đến lễ bái Đại Sa-môn này, thật là hy hữu khó có được.” Sau đấy, liền phát khởi tâm tin thanh tịnh, lại nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Vào đêm thứ hai, Thiên vương Tăng Trưởng ở phương Nam đi đến chỗ Đức Phật cung kính lễ bái, hào quang nơi thân vị ấy cũng tỏa sáng chiếu rộng khắp, Ca-diếp cũng trông thấy, nên rạng sáng liền đến chỗ Phật thưa hỏi:

–Thưa Đại Sa-môn! Đêm qua, vì sao có hào quang từ phương Nam tỏa sáng rộng lớn?

Đức Thế Tôn đáp:

–Vào đêm qua, ánh sáng ở phương Nam xuất hiện là vì Thiên vương Tăng Trưởng đã đến chỗ ta lễ bái, hào quang nơi thân vị ấy tỏa sáng như vậy.

Ca-diếp suy nghĩ: “Danh hiệu của vị thần đó ta tuy nghe nhưng chưa được gặp, huống gì vị ấy lại đến lễ bái Đại Sa-môn này. Thật là việc hy hữu khó có được.” Do đó Ca-diếp liền phát khởi tâm tin thanh tịnh và nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Vào đêm thứ ba, Thiên vương Quảng Mục ở phương Tây đi đến chỗ Đức Phật cung kính lễ bái, hào quang nơi thân vị ấy cũng tỏa sáng chiếu rọi rộng khắp, khiến Ca-diếp cũng trông thấy, nên mờ sáng liền đến gặp Đức Phật, thưa hỏi:

–Thưa Đại Sa-môn! Đêm qua, vì sao ánh sáng từ phương Tây chiếu lại cũng tỏa rộng khắp như vậy?

Đức Thế Tôn đáp:

–Đêm qua, hào quang từ phương Tây xuất hiện là vì Thiên vương Quảng Mục đã đến lễ bái ta, hào quang nơi thân vị ấy tỏa sáng như vậy.

Ca-diếp liền nghĩ: “Danh hiệu của vị thần đó ta tuy nghe nhưng chưa được gặp, huống gì vị ấy lại đến lễ bái Đại Sa-môn này, thật là điều hy hữu khó có được.” Do đó Ca-diếp liền phát khởi tâm tin thanh tịnh và nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Vào đêm thứ tư, Thiên vương Đa Văn ở phương Bắc đi đến chỗ Đức Phật cung kính lễ bái, hào quang nơi thân vị ấy cũng tỏa sáng, chiếu rọi rộng khắp, Ca-diếp cũng trông thấy, nên sáng sớm liền đến chỗ Đức Phật thưa hỏi:

–Thưa Đại Sa-môn! Đêm rồi, vì sao ánh sáng nơi phương Bắc chiếu lại cũng tỏa sáng rộng khắp như vậy?

Đức Thế Tôn đáp:

–Đêm qua, hào quang đến từ phương Bắc là vì Thiên vương Đa Văn đi đến lễ bái ta, hào quang nơi thân vị ấy chiếu sáng như vậy.

Ca-diếp liền suy nghĩ: “Danh hiệu của vị trời đó ta tuy nghe nhưng chưa được gặp, huống gì vị ấy lại đến lễ bái Đại Sa-môn này, thật là điều hy hữu khó có.” Do đó Ca-diếp liền phát khởi tâm tin thanh tịnh, lại nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Vào đêm thứ năm, Thiên vương Đế Thích ở phương trên đi đến chỗ Đức Phật cung kính lễ bái, hào quang nơi thân vị ấy cũng toa ra, chiếu sáng rộng khắp, Ca-diếp cũng trông thấy, nên rạng ngày liền tới chỗ Đức Phật thưa hỏi:

–Thưa Đại Sa-môn! Đêm qua vì sao có ánh hào quang từ phương trên chiếu lại, tỏa sáng rộng khắp như vậy?

Đức Thế Tôn tra lời:

–Đêm hôm rồi, hào quang ở phương trên hiện ra là do Thiên vương Đế Thích đến đảnh lễ ta, hào quang nơi thân vị ấy tỏa sáng rộng khắp như thế.

Ca-diếp suy nghĩ: “Danh hiệu của vị trời ấy ta tuy nghe nhưng chưa được gặp, huống gì là vị đó lại đến đảnh lễ Đại Sa-môn này, thật việc rất hy hữu khó có.” Do đó Ca-diếp phát khởi tâm tin thanh tịnh và nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Vào đêm thứ sáu, Tứ đại Thiên vương ở bốn phương và Thiên chủ Đế Thích ở phương trên, cùng nhau đến lễ bái Đức Phật. Hào quang của Tứ đại Thiên vương hợp lại tỏa sáng, chiếu rọi bốn phương, còn hào quang nơi thân Đế Thích chiếu sáng phương trên. Nhưng toàn bộ các thứ ánh sáng ấy đều bị ánh hào quang nơi Tammuội của Đức Thế Tôn thâu phục. Đêm ấy, cũng trông thấy hào quang tỏa sáng, nên rạng sáng Ca-diếp đi đến chỗ Đức Phật, thưa hỏi:

–Thưa Đại Sa-môn! Đêm qua, vì sao hào quang nơi bốn phương và phương trên đều chiếu sáng?

Đức Thế Tôn đáp:

–Đêm qua, hào quang nơi bốn phương và phương trên cùng tỏa chiếu khắp là vì Tứ đại Thiên vương và Thiên chủ Đế Thích đồng đến lễ bái ta, hào quang nơi thân của các vị ấy cùng chiếu sáng rộng khắp như vậy.

Bấy giờ, Ca-diếp suy nghĩ: “Năm phương đều đến lễ bái Đại Sa-môn này, ta xem việc ấy thật là hy hữu.” Do đó Ca-diếp phát khởi tâm tin thanh tịnh và nghĩ: “Tâm xuất gia của ta lẽ nào không được như vậy?”

Đức Thế Tôn lại bảo Ca-diếp:

–Nay vì ta, ông đến rừng Am-ma-lặc nhặt trái cây nơi ấy đem về.

Ca-diếp vì tâm thán phục thần thông của Đức Phật, nên vâng lời đến nhặt trái cây đem về dâng cho Phật.

Đức Thế Tôn lại bảo:

–Và ông cũng vào rừng Ha-lê-lặc hái vị thuốc nơi đó đem về.

Theo lời chỉ dạy, Ca-diếp cũng đi hái vị thuốc ấy đem về dâng cho Phật.

Đức Thế Tôn lại bảo:

–Ông đi đến chỗ cây Thiệm bộ hái trái, chọn những thứ trái vừa ý hái đem về.

Cũng theo lời chỉ dạy, Ca-diếp đi hái trái cây đem về dâng cho Phật.

Đức Thế Tôn lại bảo tiếp:

–Ông hãy đến châu Bắc Câu-lô lấy cơm đem về đây.

Như lời Đức Phật chỉ dạy, Ca-diếp đi tới nơi kia lấy cơm đem về dâng cho Phật.

Đức Thế Tôn lại bảo:

–Ông đến cõi trời Tam thập tam lấy hoa Mạn-đà-la nơi ấy đem về.

Ca-diếp vâng lời, đi lấy hoa đem về dâng cho Phật.

Bấy giờ, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp biết Đức Thế Tôn có nhiều thần thông như vậy, chuyển hướng phát khởi tâm tin thanh tịnh tối thượng. Đức Thế Tôn biết Ca-diếp suy nghĩ như vậy, nên đến trước mặt, dùng thần lực bay vào hư không, biến ra các thân tướng khác nhau, hiện bày ba oai nghi:

  1. Oai nghi đứng.
  2. Oai nghi đi.
  3. Oai nghi kiết già.

Đức Thế Tôn hiện ra các tướng oai nghi như vậy, chỉ trong chớp mắt, như dòng nước chảy xiết, các tướng cũng hiện ra cũng như thế. Lại ở trong hư không hóa hiện các thứ báu như: đền đài, lầu gác, lại hiện ra sắc tướng vàng ròng. Đức Thế Tôn thị hiện các thứ thần thông xong, rồi thâu hồi thần lực trở về như cũ.

Thường năm, Ca-diếp chọn một ngày làm lễ hội tế trời trong trú xứ của mình, tại thành Vương xá. Vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-già-đà và tất cả dân chúng khắp nơi đều đến dự lễ hội. Ca-diếp biết đã đến lúc bày biện, tổ chức hội, nên trở về trú xứ và suy nghĩ: “Ta thường tổ chức lễ hội tế trời hằng năm, nay là đúng lúc, vua và dân chúng đều tề tựu đông đủ. Đại Sa-môn kia thân tướng diện mạo đẹp đẽ, xa lìa mọi thứ phiền trược, không sinh sân hận, luôn có lời hay ý đẹp, ai thấy Ngài cũng đều được hoan hỷ. Đó là Bậc Thiện Nhân tối thượng, nếu như ông ấy đến chỗ ta, trong lúc ta đang hành lễ tế trời thì phải làm sao?”

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của Ca-diếp, liền dùng thần lực hiện đến châu Bắc Câu-lô, như thường lệ đi khất thực, rồi trở về bên núi Tuyết an tọa thọ thực, xong thì vào am cỏ nghỉ một đêm. Lúc này, Ca-diếp làm phép tế trời rồi, lễ hội cũng hoàn mãn, Ca-diếp ăn uống no nê nhưng thức ăn vẫn còn quá nhiều, thấy thế bèn nghĩ: “Trong lúc này, nếu Đại Sa-môn kia đến đây, ta sẽ dâng cúng thức ăn.” Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ ấy, nên từ hư không hiện ra ngay trước mặt Ca-diếp. Ông ta thấy vậy thưa:

Đại Sa-môn đã đến! Hôm qua, tôi bày biện lễ hội tế trời, Ngài ở đâu sao không đến?

Thế Tôn đáp:

–Ta biết được ý nghĩ của ông nên không đến.

Và Thế Tôn nói lại những ý nghĩ của Ca-diếp. Ca-diếp lại hỏi:

–Hôm nay vì sao Đại Sa-môn lại đến?

Thế Tôn đáp:

–Ta cũng biết được ý niệm của ông muốn cúng dường thức ăn, nên ta mới đến.

Lúc ấy, Ca-diếp suy nghĩ: “Thật là hy hữu, khó được. Đại Samôn này biết được tâm ý của ta, chắc là như ta, cũng đạt được A-lahán.”

Đức Thế Tôn biết suy nghĩ của Ca-diếp nên nói:

–Này Ca-diếp! Ông chẳng phải là A-la-hán và không biết pháp của A-la-hán.

Ca-diếp nghe rồi lại suy nghĩ: “Đại Sa-môn này biết tất cả tâm, ý, suy xét của ta, thật là hy hữu, hy hữu!” Suy nghĩ rồi, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con nay xin quy y Phật, xuất gia thọ giới Cụ túc. Nguyện xin Thế Tôn Từ bi nhận cho.

Đức Phật bảo:

–Này Ca-diếp! Nay ông không nên theo Phật xuất gia. Vì sao? Là vì quốc vương nước Ma-già-đà cùng dân chúng đều cung kính cúng dường ông. Ông là bậc Thiện nhân đứng đầu trong những người trí thức thân thuộc ở vùng này. Nay phải tự suy xét và suy nghĩ lại.

Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:

–Xin Đức Thế Tôn đừng nói vậy! Xin Đức Thế Tôn đừng nói vậy! Con ở chỗ Đức Thế Tôn tâm quá vui mừng, được sự an lạc không cùng thì cần gì phải suy xét nữa. Nay con quyết định quy y Phật, xuất gia. Vì sao? Thưa Thế Tôn! Vì con đã xuất gia rồi, nên đối với các Sa-môn, Bà-la-môn trong chúng ngoại đạo sẽ hàng phục tất cả những kẻ lỗi lam, phỉ báng, làm người lãnh đạo tông phái, tuần tự kinh hành nơi đại thành Vương xá để hiện rõ con là bậc trưởng thượng Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp nay đã được giải thoát ngay trong pháp thanh tịnh của Đức Thế Tôn. Vì vậy, con nay quyết định quy y Phật, xuất gia. Xin Đức Thế Tôn thương xót tiếp độ.

Đức Phật bảo:

–Này Ca-diếp! Ông đã quyết định quy y theo Phật xuất gia, việc này rất tốt. Vậy nay ông hãy về trụ xứ cùng với các đệ tử bàn luận.

Lúc này, Ca-diếp vâng lời chỉ dạy của Đức Phật, trở về cùng các đệ tử nghị bàn. Ca-diếp nói:

–Các ông nên biết! Đức Phật là Đại Sa-môn, đầy đủ thần thông, có oai lực lớn, bất kỳ ai được gặp Ngài đều hoan hỷ. Ta đối với Đức Phật phát sinh tâm tin thanh tịnh tột bậc, nên nay quyết định quy y Phật, xuất gia.

Các đệ tử nói:

–Thưa Thánh giả! Thánh giả là bậc thầy của chúng con mà còn phát tâm dũng mãnh như vậy, lẽ nào mọi người chúng con không xuất gia sao? Thế thì hôm nay chúng con cũng xin quy y Phật, xuất gia.

*********

Bấy giờ, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đến chỗ Đức Phật, bày áo vai phải, gối phải quỳ chấm đất, chắp tay đảnh lễ, thưa:

–Thưa Thế Tôn! Chúng con muốn theo Phật xuất gia, vâng giữ giới luật, xin Thế Tôn nhận cho.

Phật bảo:

–Hãy đến đây! Nay ông được ở trong giáo pháp của ta, phải tu hành, thọ trì phạm hạnh.

Ngay lúc ấy, râu tóc của Ca-diếp tự rụng, mình mặc ca-sa, tay bưng bình bát, trở thành tướng Tỳ-kheo.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp lấy tóc của mình dâng lên Đức Thế Tôn và thưa:

–Thưa Thế Tôn! Đây là tóc của con, con xin dùng nó để lau chân Thế Tôn. Xin Thế Tôn Từ bi nhận sự cúng dường của con.

Thế là Ca-diếp và các đệ tử của ông, tất cả đã được xuất gia. Ca-diếp lại lấy những dụng cụ trước kia dùng cho việc thờ lửa như cỏ sạch, da trâu, da hổ, vỏ cây, trái cây, ba cây gậy, bình nước sạch và cái vò Kha-ly-ca…. đem ném xuống dòng sông Nê-liên.

Khi đó, Na-đề Ca-diếp ở bên bờ nơi hạ lưu dòng sông Nê-liên với ba trăm đệ tử, thấy dụng cụ thờ lửa bị ném trôi xuống chỗ mình. Na-đề Ca-diếp suy nghĩ: “Sư huynh của ta là Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, chẳng lẽ bị kẻ nào đó hay phi nhân ám hại rồi sao? Nếu không như vậy thì cớ gì những đồ vật kia bị vứt bỏ?” Nghĩ rồi, liền cùng với các đệ tử đi đến trụ xứ của anh mình. Tới nơi, Na-đề Cadiếp thấy anh mình cùng năm tram đệ tử, tất cả theo Đức Phật đều là Tỳ-kheo, tu trì phạm hạnh.

Na-đề Ca-diếp hỏi:

–Thưa sư huynh! Đức vua và dân chúng ở nước Ma-già-đà đều

tôn trọng cung kính cúng dường anh, nay vì sao anh lại theo Đức Thế Tôn, xuất gia làm Đại Sa-môn, tu hành phạm hạnh? Em thấy việc này thật là hy hữu.

Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp nói:

–Đức Thế Tôn có oai lực lớn, đầy đủ mọi thần thông, có thể biến hóa nhiều phép khác lạ, anh thấy vậy, mới phát sinh tâm tin thanh tịnh, xuất gia tu đạo theo Phật. Nay em cũng nên phát tâm tin tưởng thanh tịnh, quy y Phật, xuất gia.

Na-đề Ca-diếp nghe anh mình nói vậy, liền phát tâm xuất gia. Ông và các đệ tử đều đến trước mặt Đức Phật, sửa lại áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống, chắp tay đảnh lễ, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con xin quy y Phật, xuất gia, phụng trì giới luật. Cúi xin Thế Tôn tiếp nhận.

Đức Phật nói:

–Hãy đến đây! Ông được vào trong giáo pháp của ta, tu hành phạm hạnh.

Ngay lúc ấy, râu tóc của Na-đề Ca-diếp tự rụng, mình khoác ca-sa, tay bưng bình bát trở thành Tỳ-kheo và các đệ tử của ông ta cũng xuất gia. Sau đó, Na-đề Ca-diếp cũng đem các dụng cụ thờ lửa của mình ném xuống dòng sông Nê-liên.

Bấy giờ, Già-da Ca-diếp cùng hai trăm đệ tử cũng ơ bên bờ sông Nê-liên vùng hạ lưu, nhìn thấy những thứ thờ lửa bị ném bỏ trôi xuống chỗ của mình, bèn suy nghĩ: “Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp và Nađề Ca-diếp là hai sư huynh của ta, chẳng lẽ bị người nào hay phi nhân ám hại rồi sao? Nếu không như vậy thì vì cớ gì những đồ thờ lửa bị ném bỏ?” Suy nghĩ rồi, bèn cùng với các đệ tử tuần tự đi ngược lên, tới chỗ của hai anh mình để hỏi lý do. Đến nơi, Già-da Ca-diếp thấy hai anh cùng các đệ tử đều theo Đức Phật, tất cả đều là Tỳ-kheo tu hành phạm hạnh. Già-da Ca-diếp mới hỏi:

–Thưa anh Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp! Vua và dân chúng nước Ma-già-đà đều tôn trọng cung kính cúng dường anh, nay do nhận thấy như thế nào mà anh theo Đại Sa-môn này tu hành phạm hạnh?

Em xem việc ấy thật là hiếm có.

Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đáp:

–Đức Thế Tôn có đầy đủ thần thông, oai lực lớn, có khả năng biến hóa nhiều phép kỳ diệu, anh thấy vậy mới phát sinh tâm tin thanh tịnh, xuất gia tu đạo trong pháp Phật. Nay em cũng nên phát tín tâm thanh tịnh, xuất gia quy y Phật.

Già-da Ca-diếp nghe anh mình nói, liền phát tâm xuất gia, cùng các đệ tử đến trước Đức Phật, bày áo vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay đảnh lễ, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con nay xin quy y Phật, xuất gia, phụng trì giới luật. Cúi xin Thế Tôn tiếp nhận.

Đức Phật nói:

–Hãy đến đây! Ông nay đã vào trong giáo pháp của ta, nên dốc tu hành phạm hạnh.

Ngay lúc ấy, Già-da Ca-diếp râu tóc tự rụng, mình khoác ca-sa, tay bưng bình bát, trở thành tướng Tỳ-kheo, các vị đệ tử của Già-da Ca-diếp cũng xuất gia. Sau đó, Già-da Ca-diếp cũng đem những dụng cụ thờ lửa ném tất cả xuống dòng sông Nê-liên.

Như vậy là ba anh em Ca-diếp và các đệ tử của họ đều xuất gia. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp ở trong chúng đệ tử của mình, bảo một trong số họ:

–Ông hãy đến chỗ vua Tần-bà-sa-la nói lại lời ta với đức vua: “Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp xin thưa lại với đức vua: Nay ta và các đệ tử đều đã theo Đức Phật xuất gia tu đạo. Trước kia, ta có nhận lời nhà vua thọ những thứ cúng dường, nay xin hoàn lại, mong nhà vua đừng cúng dường nữa.”

Người đệ tử vâng lời, đến ngay cung vua thưa lại như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã giáo hóa ba anh em Ca-diếp cùng chúng đệ tử làm Tỳ-kheo. Sau đó, Thế Tôn đến núi Tượng Đầu an nghỉ, rồi suy nghĩ: “Anh em Ca-diếp và các đệ tử của họ, tuy trước kia là những trưởng lão kỳ cựu, tin tưởng giáo pháp thuộc phái thờ lửa tế trời, nhưng không biết các pháp là vô thường v.v… Nay ta vì họ mà giảng nói pháp.” Suy nghĩ rồi, liền bay bổng lên hư không, hiện ra ngọn lửa lớn, hào quang tỏa sáng rực rỡ. Hiện xong rồi trở về chỗ ngồi và dạy các Tỳ-kheo:

–Các ông nên biết! Nhãn căn là vô thường, cảnh của sắc là vô thưòng. Nhãn thức là vô thường. Nhãn xúc là vô thường. Nhãn xúc làm duyên sinh ra các thọ cũng đều là vô thường. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn là vô thường. Cảnh của thanh, hương, vị, xúc, pháp đều vô thường. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức là vô thường. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, xúc là vô thường. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sinh ra các thọ cũng đều là vô thường.

Này các Tỳ-kheo! Lửa tham vô thường, lửa sân vô thường, lửa si vô thường; sinh lão bệnh tử, ưu bi, khổ não thảy đều là vô thường.

Này các Tỳ-kheo! Các ông nên biết các pháp như thế đều là vô thường.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Các ông nên biết, nhãn căn không thọ, cảnh của sắc không thọ, nhãn thức không thọ, nhãn xúc không thọ, nhãn xúc làm duyên sinh ra các thọ, thảy đều không thọ. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn không thọ. Cảnh của thanh, hương, vị, xúc, pháp không thọ. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức không thọ. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc không thọ. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sinh ra các thọ, tất cả đều không thọ.

Này các Tỳ-kheo! Do như thế nên tất cả các pháp đều không thọ. Vì không thọ tức là xa lìa trần cấu, được giải thoát. Sự sinh của ta đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.

Khi Phật thuyết giảng pháp này, trong chúng hội có sáu mươi Tỳ-kheo không còn thọ các pháp, tâm được giải thoát, các Tỳ-kheo khác đều hiểu được giáo pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, cùng chúng Tỳ-kheo đến núi Trượng lâm, an tru ở đó. Đức Thế Tôn lại vì các Tỳ-kheo hiện ra ba thứ thần thông, đó là: thần cảnh thông, thuyết pháp thông, giáo giới thông, đem những thần thông như vậy để chỉ bày sự lợi lạc, an vui.

Đức Phật nói:

–Này các Tỳ-kheo! Các ông phải nên tác ý như vậy, quán sát như vậy, nhận biết rõ như vậy, phải làm như vậy, tức sẽ đạt được lợi lạc.

Khi ấy, nơi ba thứ thần thông, các vị Tỳ-kheo đều thấy rõ lợi ích và hoan hỷ, trong chúng hội có vị tâm được giải thoát nên nói kệ:

Núi Tượng đầu và núi Trượng lâm
Thế Tôn thuyết pháp hiện thần thông
Thâu phục ngoại đạo về chánh đạo
Khiến người tâm tà được giải thoát.

Đức Thế Tôn bảo chúng Tỳ-kheo:

–Ta muốn vào đại thành Vương xá.

Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la vừa nghe có Đức Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn mười tôn hiệu gồm đủ, dùng trí lực của mình chứng đắc Chánh giác, xuất hiện ở thế gian, giữa các chúng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, thuyết giảng các pháp phần đầu, giữa, sau đều thiện, văn nghĩa sâu xa, thuần nhat không xen tạp, với tướng phạm hạnh viên mãn trong lành. Chúng hội của Phật lúc này có Ưulâu-tần-loa Ca-diếp, Nan-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp và tất cả đệ tử đều quy y Phật, xuất gia, tu hành phạm hạnh. Hôm nay, nghe Đức Thế Tôn cùng đại chúng vào thành Vương xá, nhà vua liền ra lệnh sửa sang quét dọn đường sá, ngõ hẻm, vỉa hè trong và ngoài thành tất cả cho sạch đẹp, xông đốt những thứ hương thơm, rải các hoa tươi, treo kết anh lạc, chau ngọc, dựng cờ lọng khắp nơi, mọi chốn đều trang nghiêm như vậy. Trong thành, tất cả dân chúng nghe tin đều hết lòng vui mừng.

Khi ấy, vua Tần-bà-sa-la mặc y phục mới, mang giày đẹp, chỉnh đốn bốn loại binh mã cùng vô số quyến thuộc, tùy tùng trước sau ra khỏi kinh thành nghinh đón Đức Thế Tôn. Ra khỏi thành một đoạn khá xa, nhà vua và quyến thuộc liền xuống xe, đi bộ, thấy Đức Phật từ xa đi đến, nhà vua và quyến thuộc kính cẩn nghinh đón Đức Phật vào thành. Khi Đức Phật đã vào thành, dân chúng trong thành đồng thanh nói kệ:

Thế Tôn vào thành Vương xá này
Sư tử xuất hiện tướng quang minh
Trưởng lão giải thoát, chúng thanh tịnh
Cùng nhau cung kính đi theo Phật.

Khi ấy, vua Tần-bà-sa-la đưa Đức Thế Tôn vào vườn Trúc Calân-đà, đến nơi, Thế Tôn xem xét khắp chốn. Nhà vua cho người trải tòa, thỉnh Đức Phật và đại chúng an tọa. Đức Thế Tôn ngồi ở trước chúng Tỳ-kheo ngồi sau lưng. Lúc này, nhà vua cùng đám quyến thuộc, có người lễ bái nơi chân Đức Phật, có người chắp tay đảnh lễ, có người phát tâm hoan hỷ, có người tùy tâm hoan hỷ liền được an lạc. Sau khi biểu lộ sự cung kính, mọi người đều ngồi sang một bên. Nhà vua đứng dậy, bày áo vai phải, tay phải bưng bình bằng vàng rót ra nước thơm quý rửa tay cho Thế Tôn, sau đó bạch:

–Nay con xin dâng khu vườn này lên Đức Thế Tôn và tứ phương Tăng để ở và sử dụng. Đây là khu vườn rừng đầu tiên con xin cúng dường Phật và chúng Tăng. Xin Thế Tôn hoan hỷ nhận cho.

Sau khi được Phật chấp nhận, nhà vua đảnh lễ nơi chân Phật rồi đến phía trước Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, hoan hỷ chắp tay thưa:

–Thưa Tôn giả Ca-diếp! Trong nước Ma-già-đà này, tất cả dân chúng đều tôn kính Tôn giả, ngay cả con cũng quý trọng cúng dường Tôn giả. Bấy giờ do nhận thấy gì mà Tôn giả quy y, xuất gia với Đức Phật, tu hanh phạm hạnh?

Tôn giả Ca-diếp đáp:

–Đại vương nên biết! Đức Thế Tôn có oai lực lớn, đầy đủ thần thông, có thể biến hóa nhiều phép mầu nhiệm, do nhân duyên này nên tôi phát khởi tín tâm thanh tịnh, quy y Phật xuất gia.

Khi ấy, trong chúng hội có người sinh lòng nghi ngờ và suy nghĩ: “Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp này, nay theo bên Đại Sa-môn, tu hành phạm hạnh, là muốn cầu điều gì mà phát tâm quy y? Được
Đức Phật thâu nhận, chắc đã thấy được tướng gì nên mới như thế.” Lại có người nói:

–Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp này, nay theo Đại Sa-môn tu hành phạm hạnh, nên không còn được vua Tần-bà-sa-la cung kính cúng dường nữa.

Biết trong chúng hội có người nghi ngờ như vậy, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp:

–Này Ca-diếp! Nay đã đúng thời, ông cần thị hiện thần thông.

Tôn giả Ca-diếp vâng lời Đức Phật, tùy theo chỗ ứng hợp liền nhập vào Tam-ma-địa, giống như thiên nga bay bổng lên không trung, dùng sức thần thông khiến trên thân hiện ra lửa, dưới thân phun nước, dưới thân lại phát lửa, trên thân phun nước, bên phải lửa cháy, bên trái phun nước, lại hiện tướng đi, đứng, nằm, ngồi khắp bốn phương.

Hiện thần thông xong, Tôn giả Ca-diếp từ hư không hạ xuống, đến trước Đức Phật, lộ bày vai phải, gối phải quỳ chấm đất, chắp tay đảnh lễ cung kính, thưa:

–Đức Phật la thầy của con, con là đệ tử Thanh văn, chỗ con biết hay không biết, Đức Phật đều biết hết. Sự hiểu biết của Đức Phật là tối thượng.

Đức Phật nói:

–Này Ca-diếp! Trước kia ông hành pháp thờ lửa, đã thấy được sự việc gì? Hành trì như vậy ông có được tịch tĩnh hay bị cấu nhiễm? Tu tập của ông đều không được giải thoát. Nay ta hỏi nghĩa này ông theo đó mà giải đáp.

Ca-diếp bạch Phật:

–Con là người vô trí, trước kia hầu như không biết gì. Đức Thế Tôn là bậc đại long, đã khéo cứu độ con, nay lại khiến cho con được nghe pháp vô thượng. Bạch Thế Tôn! Trước kia, con dùng thức ăn, nước uống bày biện cúng bái, đốt lửa tế trời, thật không phải giải thoát. Mà chuyện cúng tế, ăn uống dù có đủ các món ngon vật lạ, cuối cùng cũng không xa lìa ba dục. hôm nay nhờ

Đức Phật mở bày dẫn dắt con mới thấy được như vậy.

Đức Phật bảo:

–Này Ca-diếp! Những pháp lễ tế lửa như ông đã làm ở cõi trời, người nơi thế gian đều không được ưa thích.

Ca-diếp bạch với Phật:

–Con nay ở trong chánh pháp của Phật, thấy được pháp tối thượng, an trú trong ý niệm tịch tĩnh, chắc chắn không còn rơi vào dục hữu, khong còn tu tập trong giáo pháp khác nên sẽ dứt bỏ pháp lễ tế lửa.

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đề Ca-diếp thưa với Tôn giả Ưu-lâu-tầnloa Ca-diếp:

–Thế Tôn là người chứng pháp Niết-bàn, xa lìa lỗi lầm của dục nhiễm, thanh tịnh tối thượng, giảng nói pháp xuất thế, ban bố lợi ích rộng lớn. Anh cũng có thể khéo nói điều ấy.

Bấy giờ, Tôn giả Già-da Ca-diếp nói kệ cho vua Tần-bà-sa-la:

Lành thay, đại vương! Nghe tôi nói:
Xưa tôi ở tại núi Già-da
Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời
Nói pháp Niết-bàn tôi được lợi.
Phật – Bậc Tối Thắng, như voi chúa
Vô Thượng, Điều Ngự, Tối Thượng Tôn
Không sợ, khéo độ khắp chúng sinh
Tâm an trú Tam-muội tịch tĩnh.
Xưa kia tâm tôi luôn cấu nhiễm
Khởi nhiều tà kiến không giải thoát
Nay Phật phá tâm tà kiến đó
Tất cả trói buộc đều tiêu trừ.

Khi ấy, trong chúng hội không còn tâm nghi ngờ, mới biết Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp và tất cả đệ tử đều quy y Phật, xuất gia tu hành phạm hạnh, quả là điều hy hữu. Đức Thế Tôn biết chúng hội hết nghi ngờ, nên Ngài thuyết giảng pháp yếu cho vua Tần-bà-sa-la như cách thức thuyết pháp của chư Phật thời trước. Đức Thế Tôn thuyết giảng về thí, về giới, về sinh Thiên, nêu rõ dục là cấu nhiễm sinh ra các lỗi lầm, nếu người không sinh tâm tham ái thì lìa chướng ngại.

Nhà vua và quyến thuộc nghe được pháp rồi, tất cả đều phát khởi tâm tin thanh tịnh, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thọ nhận học giới, nhờ nơi Đức Thế Tôn mà được tâm an lạc, tâm nhu hòa, tâm tối thượng, tâm lìa chướng ngại, tâm không vướng mắc, tâm thuận thiện. Thế Tôn biết nhà vua và đại chúng đã được tâm mở ý thông, nên dùng vô số phương tiện giảng nói về bốn Thánh đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nhà vua và đại chúng ngay tại chỗ ngồi, hiểu biết về giáo lý bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thấy pháp, biết pháp, đạt được pháp thanh tịnh, pháp bình đẳng, pháp kiên cố, pháp an trú, pháp không nhiễm, pháp không hoại, pháp không bị đọa, giống như áo màu trắng dễ nhuộm được màu sắc, nhà vua và quyến thuộc đạt được lợi ích cũng lại như vậy.

Nhà vua và quyến thuộc nhờ Đức Phật thuyết giảng pháp yếu, khai thị đạt dược an vui lợi ích, tất cả đều đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật xin cáo lui. Lúc này, có các vị thần giữ hư không, thần giữ hạt giống, thần giữ quốc độ, thần giữ sự nghiệp, thần giữ cỏ, thần giữ cây, thần giữ súc vật, thần giữ rừng, thần giữ đường sá, tất cả chư thần đồng thanh nói:

–Thế Tôn có oai lực lớn, đầy đủ thần thông, có thể tạo ra vô số sự việc biến hóa. Rồi nói kệ:

Hôm nay, vua Tần-bà-sa-la
Cùng các quyến thuộc quy y Phật
Trong rừng Trúc nghe pháp được lợi
Chúng con cũng xin quy y Phật.

Rồi vua Tần-bà-sa-la cùng quyến thuộc nhiễu quanh bên phải Đức Thế Tôn và ra khỏi chúng hội.

Bấy giờ, trong thành Vương xá có một ngoại đạo tên là San-xadạ cùng các đệ tử cư trú ở đấy. Sau khi San-xà-dạ mất, hai đệ tử của ông ta tên là Xá-lợi Tử và Đại Mục-kiền-liên đều rời bỏ chúng hội của họ và nói với nhau: “Hai chúng ta, nếu ai chứng ngộ điều gì thì nói cho nhau biết.”

Sau đó, có lần Tôn giả Ô-ba-tây-na đắp y, ôm bát đi vào thành Vương xá lần lượt khất thực, Xá-lợi Tử trông thấy Tôn giả kia, thân tướng đoan nghiêm, oai nghi tịch tĩnh, liền suy nghĩ: “Tôn giả kia đi đứng khoan thai, thật là hy hữu.” Liền đến trước mặt thưa hỏi:

–Thưa Tôn giả! Thầy của Tôn giả là ai, lại giảng nói pháp gì?

Tôn giả Ô-ba-tây-na đáp:

–Thầy tôi là Đại Sa-môn, ở trong đại chúng luôn quyết định thuyết giảng pháp môn uy lực không hề khuất phục, hết sức rộng lớn.

Tôn giả Xá-lợi Tử nói:

–Nay Tôn giả có thể đem pháp môn đó, dù ít hay nhiều nói cho tôi nghe.

Tôn giả Ô-ba-tây-na nói:

–Thầy tôi dạy: “Các pháp do duyên sinh.” Pháp duyên sinh là sao? Nghĩa là: Các pháp do nhân duyên sinh và cũng theo nhân duyên mà diệt. Rồi nói kệ:

Như pháp nhân duyên sinh
Pháp cũng nhan duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt ấy
Phật, Đại Sa-môn nói.

Xá-lợi Tử nghe xong, liền xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn thanh tịnh và nói kệ:

Duyên sinh như vậy, pháp vi diệu
Tôn giả khéo khai thị cho tôi
Qua vô lượng kiếp không nghe thấy
Nay tôi thấy nghe được giác ngộ.

Nói kệ rồi lại hỏi:

–Thưa Tôn giả! Hiện nay Đức Thế Tôn của Tôn giả ở đâu?

Tôn giả Ô-ba-tây-na đáp:

–Đức Thế Tôn đang ở tinh xá Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Tôn giả Xá-lợi Tử lại hỏi:

–Bây giờ, tôi muốn đến ngay chỗ của Đức Thế Tôn được không?

Tôn giả Ô-ba-tây-na đáp:

–Tùy ý Nhân giả.

Khi ấy, Xá-lợi Tử lại nghĩ đến “lời ước hẹn với Đại Mục-kiềnliên, nên trở về để báo cho biết.” Mục-kiền-liên trông thấy Xá-lợi Tử trở về với oai nghi thù thắng, khác hẳn, liền biết Xá-lợi Tử đã chứng pháp, bèn hỏi:

–Người đã có chỗ chứng đắc phải không?

Xá-lợi Tử đáp:

–Pháp duyên sinh do Đức Thế Tôn giảng nói, Tôn giả Ô-batây-na lược nêu cho tôi nghe và tôi đã chứng ngộ. Đây là bài kệ của vị ấy nói:

Như pháp nhân duyên sinh
Pháp cũng nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt ấy
Phật, Đại Sa-môn nói.

Nghe pháp xong, Đại Mục-kiền-liên liền xa lìa trần cấu, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Phật giảng nói kinh này xong, ba anh em Ca-diếp, các đại Thanh văn và tất cả chúng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà ở thế gian nghe lời Phật giảng nói đều hoan hỷ tín thọ.