KINH PHẬT NGỮ

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại lầu Đại lâm, trong thành Tỳ-da-ly, cùng với tám ngàn vị đại Tỳ-kheo và tám vạn bốn ngàn vị Đại Bồtát; lại có cả các bậc đạt quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, Ala-hán nhiều vô lượng vây quanh, nghe Phật thuyết pháp.

Lúc bấy giờ, trong chúng hội có một vị Bồ-tát, tên là Long Oai Đức Thượng Vương từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh y phục, bày vai bên phải, gối phải chấm đất, chắp tay hướng về Phật bạch:

–Bạch Thế Tôn! Trước đây Như Lai đã nói lời của Phật có đủ trong Tu-đa-la các kinh; lại có ý cho lời đó chẳng phải của Phật nói. Bạch Thế Tôn! Như vậy, có nghĩa là gì? Phải nhận giữ gìn như thế nào?

Đức Phật bảo Long Oai Đức Thượng Vương:

–Này thiện nam! Đúng như lời ông đã hỏi! Trong các kinh, ta có nói, lời của Phật và lời chẳng phải của Phật. Này thiện nam! Như vậy chẳng phải lời nói chính là lời của Phật. Này thiện nam! Ông khéo nhớ nghĩ việc này. Ta nay sẽ vì ông mà nói.

Khi đó, Bồ-tát Long Oai Đức Thượng Vương bạch Phật:

–Lành thay! Thưa Thế Tôn! Con rất vui muốn được nghe!

Phật nói:

–Này thiện nam! Nói chẳng phải nói tức là Phật nói. Này thiện nam! Lời của Phật nói chính là điều rất quan trọng đối với nghiệp của thân. Những điều ta nói ra, đều làm lợi ích cho thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nó không có ngôn ngữ, không thể có sự diễn thuyết, cũng không có lời nói. Này thiện nam! Các ngôn ngữ thuộc về sắc đều chẳng phải là ngôn ngữ của Phật. Này Long Oai Đức Thượng Vương! Sắc chẳng phải là ngôn ngữ, cũng chẳng phải là ngôn ngữ của Phật. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ngôn ngữ, cũng chẳng phải là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Không ngôn ngữ sắc; không ngôn ngữ thọ, tưởng, hành, thức mới gọi là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Như vậy nếu có ngôn ngữ của thân, khẩu, ý nghiệp, thì không gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu không có ngôn ngữ của thân, khẩu, ý nghiệp, mới gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu nói đất, nước, lửa, gió và cõi hư không; tất cả đều có ngôn ngữ, thì đó không gọi là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Còn như nói không có ngôn ngữ của đất, nước, lửa, gió và cõi hư không thì mới gọi là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Nếu có ngôn ngữ của tham, sân, si thì không phải đó là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Còn như nói không có ngôn ngữ của tham, sân, si thì mới gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu có ngôn ngữ của hữu lậu và vô lậu, thì không gọi là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Nếu chẳng có ngôn ngữ của hữu lậu hay vô lậu, thì đó mới là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu nói có chỗ mong cầu, lời nói như vậy chẳng phải Phật nói, bởi vì lời Phật nói không có chỗ mong cầu. Này thiện nam! Nếu nói có cao, thấp, nói như vậy mới gọi là Phật nói.

Này thiện nam! Nếu như có việc nói, chẳng có việc cũng nói thì không phải là Phật nói. Này thiện nam! Nếu có ngôn ngữ của phi sự, phi phi sự, thì mới gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu ở trên pháp tự tánh thanh tịnh mà nói có sự chứng đắc, đó chẳng phải là Phật nói. Này thiện nam! Nếu chẳng phải ngôn ngữ tánh mình, chẳng phải ngôn ngữ tánh người, thì mới gọi là Phật nói.

Này thiện nam! Nếu nói có ngôn ngữ thật và ngôn ngữ chẳng thật, thì không phải là Phật nói. Này thiện nam! Nếu nói không có ngôn ngữ thật, không có ngôn ngữ chẳng thật, thì mới gọi là Phật nói.

Này thiện nam! Nếu có lời nói như thế này; đó là ngôn ngữ đã nói ra của kẻ phàm phu; đó là ngôn ngữ của Thánh nhân đã nói, thì không gọi đó là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Nếu không phải là ngôn ngữ phàm phu, không phải ngôn ngữ Thánh nhân, đó mới là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu có ngôn ngữ bên trong, bên ngoài và cả bên trong lẫn bên ngoài; thì không gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu không có ngôn ngữ bên trong, bên ngoài, cả bên trong cả bên ngoài; thì mới gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu đối với các pháp, mà có lời nói sắc là chỗ dựa; thọ, tưởng, hành, thức là chỗ dựa; thì đó không phải là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu đối với các pháp, mà nói không thể dựa vào sắc; không thể dựa vào thọ, tưởng, hành, thức; nói như vậy, mới gọi là Phật nói.

Này thiện nam! Nếu có ngôn ngữ ở một vùng, như là ngôn ngữ của ma vương, của dân ma, thì đó không phải là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Không có ngôn ngữ thuộc tất cả các xứ; mới gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu có cảm giác phân biệt về sắc mà nói, cảm giác phân biệt về thọ, tưởng, hành, thức mà nói; thì không đó là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Nếu không do cảm giác phân biệt về sắc mà nói, không cảm giác phân biệt về thọ, tưởng, hành, thức mà nói, thì mới gọi là Phật nói.

Do vì nghĩa này, mà ma và dân ma không phá hoại được. Lại nữa, này thiện nam! Gọi là Bồ-tát thì đối với sắc là vô ngã, cũng không phân biệt chẳng phải là ngã sở; như vậy thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô ngã, cũng không phân biệt chẳng phải ngã sở. Như vậy, mới gọi là Bồ-tát.

Khi ấy, Bồ-tát Long Oai Đức Thượng Vương, đến trước Đức Phật bạch:

–Bạch Thế Tôn! Do nghĩa gì, mà có lời nói? Như thế nào là lời nói?

Phật nói:

–Này thiện nam! Đó là lệ thuộc ma Ba-tuần. Lại nữa, này thiện nam! Nếu Bồ-tát đối với sắc, không sinh nhớ nghĩ là ta đang như vậy. Bồ-tát đối với thọ, tưởng, hành, thức, không sinh nhớ nghĩ là ta đang như vậy. Như vậy, Bồ-tát đối với tất cả xứ đều không có lời nói.

Này Long Oai Đức Thượng Vương và các thiện nam! Có một pháp môn cao tột hơn hết, dứt tất cả ngôn ngữ, cắt đứt tất cả chướng ngại, diệt trừ các ngã mạn, cắt đứt tất cả lưới nghi, xa lìa cái thấy hai bên, xa lìa tất cả tưởng. Đó chính là pháp môn không ngôn. Như thế nào là có lời nói cũng như không có ngôn ngữ? Ở đây chẳng phải ngôn ngữ, tức là ngôn ngữ của Phật. Này thiện nam! Do từ nghĩa này, mà biết đó là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Nếu như không có thân và không có hành động của thân; không có miệng và không có hành động của miệng; không có ý và không có hành động của ý. Không hành, không phải không hành; không chê bai, không phải là không chê bai; không sinh, không khởi, không tưởng, không nơi, không dừng, không mất, không yên lặng, không hành động; lời nói chân lý không động, lại chẳng phải không động, mà cũng không trụ, tự nhiên, không do duyên, nhưng cũng không phải không do nhân duyên. Này thiện nam! Đó là ngôn ngữ của Phật. Vì những điều đó không có khả năng nói được, nên gọi là ngôn ngữ của Phật.

Này thiện nam! Bồ-tát nên học như vậy, chính là học ngôn ngữ Thượng thượng trí quang minh của Phật. Ngôn ngữ của Phật trong mát, làm mát khắp tất cả thân chúng sinh, khai ngộ tâm ý tất cả chúng sinh, khiến họ hướng đến trí tuệ của chư Phật mà nhận giữ gìn nghĩa pháp. Những Bồ-tát đó, làm vui khắp tất cả các chúng Bồ-tát, mở bày hiểu biết cho những kẻ còn mê, khiến họ khéo nhập vào pháp giới. Đó là những Bồ-tát, khéo quyết định hướng đến xe pháp, chuyển xe pháp, đánh trống pháp lớn, hàng phục các chúng ma, hàng phục oán thù, hàng phục tất cả các chúng ngoại đạo. Những vị đó, có thể cứu độ những người đi theo con đường ác, họ có thể trang nghiêm thế giới của chư Phật. Những vị đó, được tất cả chư Phật ca ngợi, chắc chắn sẽ ngồi đạo tràng. Bồ-tát như vậy đã ngồi đạo tràng,

Bồ-tát như vậy đã đạt được các Đà-la-ni của Bồ-tát.

Khi Đức Phật nói pháp môn ngôn ngữ của Phật này, Bồ-tát Thánh Long Oai Đức Thượng Vương đạt được đầy đủ các pháp phần Bồ-đề, tức thời đạt được Vô sinh pháp nhẫn. Hai vạn sáu ngàn vị Bồ-tát, đạt được Đà-la-ni và các Tam-muội. Tám ngàn Tỳ-kheo đạt được pháp vô lậu. Lại có tám vạn bốn ngàn chúng sinh, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tất cả liền dùng thần lực của mình, mưa nhiều loại hoa để cúng dường Đức Thế Tôn.

Khi Đức Như Lai nói pháp môn này rồi, Bồ-tát Thánh Long Oai Đức Thượng Vương và đại chúng, cõi Trời, Người, A-tu-la, Calầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già tất cả đều nghe Phật nói, rồi đều rất vui mừng, tin tưởng, ghi nhận và thực hành.