PHẬT LÊN TRỜI ĐAO-LỢI THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật lên trời Đao-lợi, tại tảng đá trắng Vô cấu dưới cây Trúc độ; vì thương xót mẫu thân, nên thuyết pháp để cứu độ. Suốt trong ba tháng an cư, cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo, gồm có tám ngàn vị, đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, được đại thần túc, oai quang rực rỡ, chấm dứt sinh tử, không còn trần cấu, vứt bỏ gánh nặng, việc cần làm đã làm xong, đã được tự lợi, tâm được tự tại, được nhẫn bình đẳng, tâm đã được giải thoát, đạt đến trí tuệ, khắp nơi tôn xưng là chánh sĩ, là ruộng phước thế gian, phần lớn được sự an ổn, chỉ trừ một người là Hiền giả A-nan. Có bảy vạn hai ngàn Bồ-tát. Tất cả đại chúng đã đạt được thần thông; đạt được Tổng trì biện tài vô ngại. Những vị ấy đều từ thế giới của Đức Phật khác, ở các phương khác cùng đến để hội họp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với vô số trăm ngàn chúng quyến thuộc vây quanh, để nghe thuyết pháp.

Khi ấy, trong chúng hội, có hai Thiên tử, tên là Nguyệt Thị và Nguyệt Thượng. Thiên tử Nguyệt Thị từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, bày áo vai phải, chắp tay, quỳ dài, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi Đức Như Lai Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu Đức Thế Tôn cho phép, con mới dám thưa hỏi:

Phật bảo Thiên tử:

–Ông muốn hỏi Như Lai về vấn đề gì?

Thiên tử Nguyệt Thị dùng kệ tụng để thưa:

Đối với loại chúng sinh
Phát khởi lòng thương xót
Để mong cầu Phật đạo
Chí cam lồ không bẩn.
Tự thương nghiệp thân mình
Và thương xót quần chúng
Con vì những việc ấy
Nên hỏi Thích Sư Tử.
Việc làm trong ức kiếp
Đều cố nhẫn, cần, khổ
Tất cả đem ban cho
Chí lặng yên không nghĩ.
Bình đẳng với quần sinh
Đều cứu độ tất cả
Con hỏi thắng nghĩa này
Đem lợi lạc mọi người.
Giả sử thấy đạo này
Tướng đẹp tự trang nghiêm
Ba hai tướng không nhơ
Là ruộng phước đặc biệt.
Người đạt công đức này
Được phụng kính như biển
Nay con hỏi Đại Thánh
Để hiểu về nghĩa này.
Giả sử tâm không khác
Sẽ không có nghĩ khác
Chí luôn cầu tuệ tốt
Bậc cao cả loài người.
Không có ý Thanh văn
Không thích việc Duyên giác
Nay con hỏi nghĩa này
Bậc vững tin không lỗi.
Có lợi hay không lợi
Bình đẳng trước khen, chê
Có danh hay không danh
Khổ vui không lay chuyển.
Tuy sử dụng pháp tục
Mà không bị động chuyển
Nay con hỏi nghĩa này
Bậc xa lìa sợ hãi.
Vì thương việc thân mình
Nên xót thương mọi người
Can ngăn chưa từng có
Hóa độ khắp ba chốn.
Mà tu tập tâm Từ
Không ô uế dua nịnh
Nay con hỏi nghĩa này
Hiền tướng giữ Thập địa.
Tâm luôn siêng năng làm
Bố thí, giới, lìa tà
Thân họ được lặng yên
Giới phẩm không hủy diệt.
Thân, miệng, ý chân chánh
Tướng điều thuận ủng hộ
Nay hỏi thắng nghĩa này
Giữa cấu uế không nhiễm.
Nhẫn nhục, điều nhu đó
Được rồi càng tu thêm
Hay tu sự khổ hoạn
Các huyên náo buông thả.
Cứu độ hết tất cả
Mà không sinh sân hận
Do đó nên con hỏi
Muốn chấm dứt hồ nghi.
Thường siêng năng gắng sức
Cung thuận, không trái nghĩa
Thương xót khắp thế gian
Thí thân không vì mình.
Hành đạo không chán mỏi
Như biển nhận các sông
Nên con hỏi Tối Thắng
Đức ấy như biển lớn.
Tuy tồn tại ba nơi
Không lui theo các tưởng
Dùng trí tuệ Hiền thánh
Trừ sạch các trần cấu.
Lấy diệu thông thiền định
Thần túc tự sướng vui
Nên con hỏi nghĩa này
Bậc khai hóa tất cả.
Trí tuệ đến bờ kia
Thánh đạt không ngằn mé
Vất bỏ các tư tưởng
Xuất gia trừ gốc rễ.
Tự tại không sợ hãi
Hiểu rõ pháp tuệ này
Cho nên nay con hỏi
Bậc Đại Thánh vô cực.
Thần túc được phân biệt
Hiểu rõ hạnh tùy thuận
Du hóa ức cõi Phật
Không có tưởng cõi nước.
Cúng dường nhiều ức Phật
Không có tưởng chư Phật
Nên con hỏi nghĩa này
Khắp mọi người thọ vui.
Đều lìa ma trần, dục
Chợt hóa thân ma ấm
Đã lìa bỏ tử ma
Hàng phục các Thiên ma.
Trừ sạch tất cả ma
Sẽ được thành Phật đạo
Nên con hỏi nghĩa này
Bậc bỏ hẳn tăm tối.
Làm chấn động đất trời
Cây cối và núi non
Ngộ xong thành Phật đạo
Tuệ vô lượng cao tột.
Giả sử được nhất tâm
Tu tập sáng tịch định
Nên con đem nghĩa này
Thưa hỏi Như Kỳ Tượng.
Hiểu rõ tất cả tuệ
Oai quang thật vòi vọi
Nếu ở nơi Phật giáo
Khéo kiến lập pháp hạnh.
Làm lợi ích các Thánh
Chẳng ai chẳng khai hóa
Nên con hỏi nghĩa này
Bậc tế độ ba cõi.

Thiên tử Nguyệt Thị lại hỏi Đức Thế Tôn:

–Kính thưa Đại Thánh! Sao gọi là Bồ-tát được hạnh thần thông đặc biệt cao cả của bậc Đại Thánh, để vượt qua bờ bên kia? Sao gọi là Bồ-tát đạt đến phương tiện thiện xảo, đầy đủ trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ không thể nghĩ bàn? Sao gọi là Bồ-tát, đối với tất cả pháp, chỉ dùng một nghĩa, nhập vào một vị, thú hướng đồng đều, nhập vào một tuệ, nói năng bình đẳng? Sao gọi là Bồ-tát phụng trì cấm giới sâu xa, tu hành không buông lung, để thành đạo Vô thượng chánh chân, là rất Chánh giác?

Đức Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Này Thiên tử Nguyệt Thị! Ông vì nhiều lòng thương tưởng, vì nhiều an ổn, thương xót các trời và người trong mười phương, mới có thể thưa hỏi Như Lai những nghĩa như vậy. Các Bồ-tát tu hành trí tuệ Phật đạo chánh chân, mặc áo giáp lớn, xây dựng Đại thừa, nương trên thuyền lớn, vượt qua biển dục lớn, chuyển bánh xe pháp lớn, ban phát pháp vô tận, khôi phục trí tuệ, mưa pháp cam lồ, diễn nói chánh pháp, đánh trống pháp lớn, chí tợ như sấm sét, lập tràng pháp lớn, thổi loa đại pháp, nêu ánh sáng đại pháp, nắm giữ chánh pháp, diễn nói pháp vô cực, đem ánh sáng soi khắp thế gian, khiến cho Đại thừa mãi mãi tồn tại không đứt đoạn, làm cho sự kế thừa được rốt ráo tròn đầy. Nên dùng những công đức vô cùng cực này, để thương xót quần sinh. Cho nên mới hỏi Như Lai như thế. Vậy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải thích. Việc làm của các Bồ-tát Đại Sĩ và bậc Thánh thông là rất to lớn, đầy đủ giới đức, đã đạt được đạo Vô thượng chánh chân, là bậc Chánh giác cao tột.

Thiên tử Nguyệt Thị và các đại chúng lắng nghe lời chỉ dạy của Phật và đồng thanh, thưa:

–Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Đức Phật bảo Thiên tử:

–Bồ-tát có bốn pháp hạnh, đó là hạnh của bậc Đại Thánh thông, rất đặc biệt và kỳ diệu, vượt qua được bờ bên kia.

Những gì là bốn? Bồ-tát Đại Sĩ hiểu rõ các pháp nên phù hợp với chân đế, đối với tất cả pháp không có chỗ dính mắc hay nương dựa. Bình đẳng nghĩ đến các pháp, không bao giờ dứt. Đạt được Thánh tuệ để làm ngọn đèn sáng, rong chơi trong tất cả pháp, gần gũi tất cả phép tắc. Tuy ở tại các pháp, nhưng không ra khỏi pháp và không thấy pháp khác.

1. Sao gọi là đối với các pháp được phù hợp chân đế? Như quá khứ là không, tương lai, hiện tại cũng là không. Này Thiên tử! Nếu muốn hiểu rõ cái không ba đời bình đẳng này, thì không có chỗ để tưởng về nó. Những người có trí tuệ, phân biệt nơi chốn, chỗ ở, tạo dựng, mở bày giải thích thông suốt đạo phẩm, thông hiểu chánh nghiệp, nên đạt được nghĩa lý ấy. Đó là nhờ hiểu rõ, nên phù hợp với chân đế.

2. Sao gọi là đối với tất cả pháp, không có chỗ dính mắc hay nương tựa? Tất cả các pháp trụ nơi ngã sở, trụ nơi hiện hữu, đối với ngã mà phi ngã. Đó gọi là Bồ-tát hiểu rõ các pháp, không có tôi ta, không nương tựa nơi thân, cho nên gọi là không có chỗ dính mắc hay nương tựa.

Giả sử Bồ-tát đối với các pháp này, thân không chỗ dính mắc, đã không dính mắc rồi, thì không trụ pháp khác. Họ đối với các pháp không sinh, không trụ, nên mới không có chỗ dính mắc, nương dựa hay ỷ lại. Việc cúng dường các pháp, tức là đối với các pháp không có chỗ để ỷ lại.

3. Sao gọi là Bồ-tát hiểu rõ tất cả đều giống như hư không? Đó là: Ba cõi này đều do tâm làm ra; nhưng cái tâm này không có sắc và hình tượng, không thể xem thấy, không có nơi chốn, không có sự sai khiến, giống như huyễn hóa. Nếu lấy cái gốc tâm này, để cầu các pháp, thì không thể được. Nếu đối với tâm, không cầu nơi tâm, sẽ không đạt được, vì tâm không thể đuổi bắt. Vì không được tâm, tất cả các pháp cũng không thể được; các pháp sẽ không có pháp, tưởng không hình loại, cũng không có ảnh, nên không sở hữu, cùng với thật tế, cũng không chỗ thấy. Vì không chỗ thấy, nên đối với tất cả pháp, tâm không chỗ nhập vào, biết tất cả pháp, là không thể thành tựu, cũng không chỗ sinh ra, ví như hư không.

Do vậy này Thiên tử! Muốn quán sát hư không, hoàn toàn không sinh, không chỗ thành tựu, hiểu rõ tất cả pháp, cũng đều như vậy. Giống như hư không, gọi là hư vô, nó làm cho hoảng hốt. Tất cả các pháp cũng lại như vậy, chỉ là giả danh tự, nó vốn vắng lặng.

4. Sao gọi là Bồ-tát đối với tất cả pháp mà thân cận kinh điển? Bồ-tát Đại Sĩ quán sát và suy nghĩ về tất cả các pháp; thấy nó không hiểu biết, cũng không chỗ để thấy, mắt không biết tai, cũng không có chỗ thấy. Tai không biết mắt, cũng không có chỗ thấy. Mũi không biết lưỡi, cũng không có chỗ thấy. Lưỡi không biết mũi, cũng không có chỗ thấy. Thân không biết ý, cũng không có chỗ thấy. Ý không biết thân, cũng không có chỗ thấy. Tất cả các pháp, tuy có si, ám, tăm tối, mù mịt, nhưng thấy nơi cõi pháp, tuệ thường bình đẳng, việc làm đầy đủ; với sáu tình giới, có sự chiếu diệu, nên có chỗ tồn tại, xét ở gốc không có nội pháp, giáo huấn bên ngoài như không có pháp ngoài, giáo huấn bên trong thấy cũng như vậy. Nếu thấy được như vậy, sẽ không có pháp, không có sự khởi lên, cũng không có pháp có chỗ tạo ra; nếu có trụ, dù nhìn không chỗ thấy.

Đức Phật bảo Thiên tử:

–Đó là pháp giới, pháp không có chỗ khởi, cũng không có chỗ diệt, mà cũng không trụ, nên không sở hữu được. Giả sử, có người nghĩ đến các pháp, là không trụ, không sinh, không khởi, không có nơi chốn, người quán như vậy, có đầy đủ trí tuệ chân đế, không có các pháp cùng với pháp giới, không thấy giải thoát. Tất cả pháp này đều gần gũi với kinh điển.

Đó là bốn pháp, Bồ-tát Đại Sĩ được hạnh Đại Thánh thông đặc biệt thù thắng, vượt qua bờ bên kia.

–Sao gọi bốn pháp này là Thánh thông?

Nói là thông, vì đối với tất cả pháp, không tin trí tuệ của người khác, nên mới thưa hỏi.

Nói là tuệ, vì đối với tất cả pháp, không tạo hai việc. Có nghĩa là, nếu không có hai việc này, thì không có tên pháp, không thể biết được.

Này Thiên tử! Giả sử nếu có đầy đủ trí tuệ này, thì Bồ-tát ấy, mau được Thánh thông, để thành tựu bản nguyện, tròn đầy sự hiểu biết. Bồ-tát hiểu rõ trí tuệ như vậy, sẽ được con mắt đạo trong sạch, vượt khỏi trời, người; liền thấy mười phương, vô hạn lượng ức, trăm ngàn các cõi nước Phật, bao nhiêu Thánh chúng của Phật, của Bậc Thiên Trung Thiên, đều nghe chư Phật nói về kinh pháp. Các loại chúng sinh ở trong cõi nước Phật ấy, trong tâm có nghĩ về điều thiện, điều ác, điều tốt, điều xấu, thảy đều biết rõ. Vì nhân dân, bạn nhóm mà hành động như vậy, mới có như vậy, tự biết những nơi kiếp trước họ đã luân chuyển. Dùng trí tuệ sáng, chứng biết bản tế của mình; với những chúng sinh khác, đâu có ngoại lệ, đã sống nơi nào đều chứng minh được hết, bởi do nhân duyên nên nói như vậy.

Phật bảo Thiên tử:

–Bồ-tát Đại sĩ tuy chưa đạt được tất cả thông tuệ, trí Thánh minh cao siêu như vậy nhưng vẫn vì các chúng sinh tạo dựng nên việc Phật, nhanh chóng được đầy đủ tất cả Phật pháp, mau được đạo Vô thượng chánh chân, là bậc Chánh giác cao tột.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Dùng tuệ khéo léo, đạo sáng phương tiện
Sẽ được thành Đại Thánh thông đầy đủ
Mà thường tu hành cấm giới thâm diệu
Liền dùng một nghĩa hiểu tất cả pháp
Phân biệt chân đế, tất cả kinh điển
Những người mắt sáng, không chỗ chấp nương
Thường quán các pháp giống như hư vô
Vì có quán sát tuyên dương đều không.
Tập gần các pháp, pháp đó giả hiệu
Không thấy các pháp là bậc giải thoát
Vì họ không thấy, theo đó bất quán
Đã được Thánh thông, mới thấy như vậy
Giả sử, pháp quá khứ đã là không
Các pháp tương lai cũng không như vậy
Phân biệt hiện tại thì cũng như thế
Như vậy mới gọi cái thấy chân đế.
Tất cả pháp ba cõi luôn là không
Bậc trí sáng ấy không niệm, chẳng niệm
Đã không có ứng, ứng cái không ứng
Họ đã không sợ vì thấy chân đế.
Nếu tuệ như vậy, không chấp phương tiện
Giảng nói kinh pháp, không có pháp tưởng
Ý không chỗ nhớ nên không chỗ chấp
Nhờ không chỗ chấp nên không lay động.
Tất cả các pháp tự nhiên hưng khởi
Nhờ được tự nhiên, vốn sạch, không ngã
Hiểu rõ các pháp nên không ngô, ngã
Nên mới không khởi, không có pháp khác.
Nó đã không sinh, không có, không đến
Xem xét nơi đó, không chỗ ỷ lại
Mà lại giảng thuyết nơi chốn các pháp
Tuy giảng Phật đạo, không nghĩ có ngã.
Tất cả ba cõi thảy đều do tâm
Tâm ấy cũng sẽ không thể thường thấy
Không sắc, không thọ, giống như huyễn hóa
Nên dùng pháp này, để cầu nơi tâm.
Họ dùng pháp này, cầu nơi tâm rồi
Sẽ biết không tâm, cũng không tâm pháp
Giả sử lấy tâm, cầu nơi chốn tâm
Thì sẽ không thấy, tâm ấy vốn sạch.
Người đối với pháp, đã không chỗ đắm
Ở tại dân thường, không theo các tưởng
Tất cả các pháp, không ý, không thành
Thường phân biệt, biết giống như hư không.
Như xem hư không, không sinh không có
Phân biệt các pháp, cũng lại như vậy
Giả gọi hư không, chớ không có thật
Nói về ngôn từ, pháp ấy hư không.
Con mắt chưa từng xem thấy lỗ tai
Lỗ tai cũng không xem thấy con mắt
Lưỡi không thuộc mũi, mũi không thuộc lưỡi
Chúng nó qua lại mà không thấy nhau.
Cái thân chưa từng xét thấy nơi ý
Ý cũng không xét, hình loại của thân
Chúng nó như vậy, không thể biết nhau
Bởi vì như thế nên thường sợ hãi.
Dính mắc các ác, dua nịnh, si mê
Giới của các pháp, vốn luôn bình đẳng
Việc ở trong ấy, không biết bên ngoài
Nên việc ngoài ấy, cũng không biết trong.
Vì lý do ấy, biết pháp về đâu
Thành tựu trí tuệ thường không giới hạn
Quán thấy mười phương ức các Đức Phật
Và các Thanh văn không có tội báo.
Với các kinh điển chư Phật đã nói
Vô lượng bậc Thánh, đạt nghĩa thanh tịnh
Đều được đến nghe, Phật nói lời hay
Có thể thọ trì, rộng tu bình đẳng.
Liền hay biết rõ tâm niệm chúng sinh
Bay đến đủ cả ức vạn cõi Phật
Nhớ biết vô số việc đời kiếp trước
Ức trăm ngàn kiếp như cát sông Hằng.
Đạt thành năm Thánh thông đẹp như thế
Sẽ được thân cận, an trụ nơi tuệ
Họ nhờ Đức Phật nên mới hiển phát
Đạo không buông lung, hưng tạo nghĩa lợi.
Giả sử nghe được, pháp không như vậy
Sinh tâm mừng rỡ, niềm vui vi diệu
Nên ma không thể tìm lỗi người ấy
Có thể mau thành đạo Vô thượng giác.

Đức Phật bảo Thiên tử:

–Bồ-tát Đại sĩ có bốn việc pháp, cho đến phương tiện quyền xảo không thể nghĩ bàn.

Những gì là bốn? Bồ-tát hiểu rõ pháp qua lại để vượt qua dòng sông. Giống như thân mình có bao nhiêu tai họa, thống khổ, độc hại, thì liền thấy rõ được nguyên nhân; cũng muốn diệt trừ sự khổ của người khác, nên phải tu hành tinh tấn, khuyên các chúng sinh đi vào đường Thánh, khiến cho tất cả pháp lưu tồn tâm đạo, vì các chúng sinh mà chứa dày công đức, đối với ba đời cũng vậy, nên đã khuyến trợ tất cả chư Phật, tập trung hạnh nguyện ba đời, khuyến trợ phẩm công đức, đem gốc lành đã làm mà ban phát cho chúng sinh, phóng, xả, rộng việc ban phát, với những điều đã khai hóa, cũng không sinh tâm. Nếu không khuyến tấn Nhất thiết trí ấy, tâm không lìa thoát, cũng không thấy đạo, tâm không lìa đạo, đạo không lìa tâm. Như tướng của đạo, tướng thân cũng vậy. Dùng tuệ bình đẳng đối với tâm với đạo, cũng không chỗ ỷ lại, thuận với quyền xảo phương tiện, thêm lợi ích gốc đức. Không thấy pháp giới có sự tăng ích. Đối với các pháp không chỗ nghĩ bàn; chứa nhóm công đức, chưa từng mệt mỏi. Không lấy tâm nghiệp để cầu hiểu rõ tâm. Nếu họ ban phát sẽ không vọng tưởng, tu hành cấm giới cũng không để mất, tuân hành nhẫn nhục cũng không chỗ trụ, thực hành tinh tấn cũng không sợ hãi, nhất tâm thiền định, không chỗ ỷ lại, phụng hành trí tuệ cũng không chỗ tu tập, khuyến hóa chúng sinh, cũng không chỗ chấp; vì lòng xót thương nên nghiêm tịnh cõi Phật, mong cầu Thánh quả, không khởi sự mến chuộng, giảng nói kinh pháp cũng không chỗ nhập vào.

Như vậy, này Thiên tử! Bồ-tát đã làm, đã tạo gốc đức, tuy rất ít, nhưng phương tiện thiện xảo thật không hạn lượng, cho đến đạt được đạo lớn.

Sao gọi là Bồ-tát đã tạo gốc đức, tuy là rất ít, nhưng phương tiện quyền xảo đạt được vô lượng, cho đến chứng đắc được đạo lớn?

–Bồ-tát Đại sĩ! Đối với tất cả pháp, sự nhớ nghĩ phát vô lượng, quán sát các pháp, không có giới hạn, nên đạt được biên tế.

Vì sao như vậy?

–Này Thiên tử! Muốn biết tất cả các pháp, nó vốn là Không, Vô tướng, cũng Vô nguyện. Vì nó là không, cho nên cũng vô lượng. Giả sử đạt được tâm vô lượng này, thì dù giảng pháp tuy ít, nhưng phương tiện quyền xảo thì rộng lớn, không có bờ mé.

Vì sao như vậy?

–Vì Phật đạo là vô lượng, khuyến tâm vô hạn, đến pháp không ngằn mé, nên được đạo của chư Phật Thế Tôn.

Lại nữa, này Thiên tử! Bồ-tát Đại sĩ dùng phương tiện quyền xảo, khuyên bảo chúng sinh, khiến cho họ nhập vào chánh hạnh, muốn cho chúng sinh ưa thích với pháp, nên mới khuyến lập. Nếu ban phát những kẻ cần cứu tế, thì nên nói kinh pháp.

Lại nữa, này Thiên tử! Bồ-tát Đại sĩ không dùng sự ban cho mà lại xét kỹ, nói là ngã sở, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, cũng lại như vậy. Không gọi là ngã sở mà có sở thí.

Nếu người trì giới, cũng không chỗ nhớ nghĩ, luôn thuận với cấm giới, đầy đủ nhẫn nhục, thấy người làm điều đúng, điều sai thảy đều nhẫn nhịn cả. Phụng hành tinh tấn, tu hạnh sáng trong, một lòng nghĩ về thiền định, hiểu rõ phương tiện, xem xét trí tuệ.

Lại nữa, này Thiên tử! Bồ-tát Đại sĩ phân biệt, hiểu rõ phương tiện thiện xảo, cùng với Thanh văn mà khai hóa những chúng sinh có những việc làm không vui. Sự tu hành vững chắc, cùng với Duyên giác, không hành động những điều không vui, ý chí vững bền.

Đó là bốn pháp Bồ-tát Đại sĩ đạt được phương tiện quyền xảo, không thể nghĩ bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Hiểu rõ được hai việc
Thân mình và người khác
Sẽ trừ khổ họa mình
Diệt hết các phiền não.
Thương nhớ các chung sinh
Khuyên họ giữ đạo tâm
Suy nghĩ tất cả pháp
Để nhập vào một nghĩa.
Tất cả chúng sinh vui
Hội họp nơi ba đời
Phổ biến công đức Phật
Đều khuyến trợ tất cả.
Để mọi người hiểu rõ
Mà đem cho chúng sinh
Thật lòng mà cho tuệ
Như trí tuệ của Phật.
Tất cả sự phát tâm
Khuyến trợ vào Phật đạo
Không đánh mất đạo tâm
Thấy các pháp giải thoát.
Xét tâm đối với đạo
Không thấy có hai việc
Tướng ấy vẫn tồn tại
Rõ tâm tướng, đồng nhau.
Pháp đẳng nên bình đẳng
Không hai, không chỗ có
Biết rõ quyền phương tiện
Mãi lợi pháp thanh bạch.
Lợi ích giống vô vi
Pháp giới không thể bàn
Chí cầu nơi Phật đạo
Thường không hề mệt mỏi.
Không lấy tâm niệm tâm
Ta được nghĩa thanh bạch
Không quên mất đạo tâm
Khuyến trợ việc đã làm.
Ban cho không cầu báo
Giữ giới không chỗ nghĩ
Thường tu hạnh nhẫn nhục
Không lập kế hữu nhân.
Mãi siêng năng hầu hạ
Thân, khẩu, tâm vắng lặng
Thiền định không chỗ dựa
Trí tuệ độ không cùng.
Khai hóa thoát chúng sinh
Không sống trong điên đảo
Nghiêm tịnh các cõi Phật
Chí tánh không hung hăng.
Thường mong cầu Phật đạo
Với pháp không chỗ xả
Thọ trì các kinh điển
Trí tuệ không thể bàn.
Thuyết pháp cho chúng sinh
Không chấp nơi văn tự
Nếu tu hành như vậy
Mau thành Phật, không khó.
Tâm không tưởng nơi không
Không mạn, không chỗ nghĩ
Không tướng, không chỗ nguyện
Không thể tính hạn lượng.
Biết việc chúng sinh làm
Tùy theo đó mở bày
Tự tại mà ban cho
Thuyết pháp kẻ đói nghèo.
Ban cho chúng sinh
Không nói ta giúp
Với giới không cao
Không quên nhẫn nhục.
Không mạn tinh tấn
Không chấp thiền định
Mà với trí tuệ
Không chỗ keo kiệt.
Thường thích ban cho
Giảng luận các giới
Tu hành, khiêm nhường
Thường hành dũng mãnh.
Tuy nghĩ theo thiền
Nhưng không chỗ chấp
Hưng phát trí tuệ
Mà dùng ban cho.
Ở nơi Duyên giác
Và trong Thanh văn
Bồ-tát Đại sĩ
Du hóa trong đó.
Giả sử trong ấy
Mà có tạo nghiệp
Đại sĩ mắt sáng
Không thích hạnh ấy.
Nhờ hay tạo dựng
Những pháp như vậy
Mới có thể gọi
Là hạnh Bồ-tát.
Hiểu rõ quyền biến
Không thể nghĩ bàn
Đã lấy tuệ cho
Thật không hạn lượng.
Đức Phật bảo Thiên tử:

–Bồ-tát có bốn việc pháp. Tất cả các pháp dùng làm một nghĩa, nhập vào một vị, đưa đến bình đẳng, nhập vào một tuệ nên nói bình đẳng.

Những gì là bốn?

  1. Hiểu rõ pháp giới không có chỗ phá hoại.
  2. Hiểu các pháp không nên du hóa khắp cả.
  3. Với nghĩa các pháp, hình tượng khác nhau, bình đẳng giữa mình ta cùng với người khác.
  4. Hiểu rõ các pháp thảy đều đáng sợ.

Hiểu rõ tuệ này, mới thấy như vậy. Với pháp thế tục và pháp xuất thế, thảy đều thông đạt, không tạo thành hai sự xem xét; hoặc tội, hoặc phước, có chướng ngại hay không chướng ngại; hoặc nghe hay không nghe, hữu vi hay vô vi. Đối với các pháp ấy, không tạo, không quán; không thấy các pháp có sự thọ nhận, không pháp phàm phu, không pháp La-hán, không có để xem xét. Vì pháp phàm phu thì không thanh tịnh, không xét kỹ pháp La-hán, một mình hiểu rõ, không cao không thấp, phân biệt một nghĩa, vượt qua sự sợ hãi, diễn xướng giảng nói; tung rải tất cả pháp, mà đối với tất cả pháp, không thấy sự tán mất; tu hành một nhẫn, vĩnh viễn không hai; nhờ nhập một nghĩa, nên nhập hết các pháp. Vì cái nhập ấy, không từ đâu sinh.

Cho nên, này Thiên tử! Bồ-tát Đại sĩ được gần kề đạo Vô thượng chánh chân, thành bậc Chánh giác cao tột, cũng không nghĩ rằng: “Ta đã đến gần hay là còn xa?” Vì sao như vậy?

–Vì không dùng lấy một nghĩa để thấy có sự khác, đối với quần sinh, để xem xét thấy người cùng đạo có sự khác biệt.

Lại nữa, người suy nghĩ mà không nắm bắt được mới chính là đạo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Đối với pháp giới
Không chỗ phá hoại
Lại pháp giới ấy
Không thể tan nát.
Kể như pháp giới
Các người như vậy
Chỉ giả có tên
Chẳng có gì cả.
Rõ các pháp không
Chỉ như tiếng vang
Hoặc trong hoặc ngoài
Hữu vi, vô vi.
Quán sát pháp ấy
Đều không sở hữu
Phân biệt một nghĩa
Đều biết là không.
Các pháp đã hiện
Hình tượng không đồng
Không chấp thân mình
Cùng với người khác.
Nếu không chấp niệm
Có tôi, ta, người
Hành động chưa từng
Có bao nhiêu tưởng.
Tu hành lặng yên
Chí luôn lo sợ
Khắp xem tất cả
Các pháp tồn tại.
Với tất cả pháp
Im lặng không nhớ
Ở trong lo sợ
Mà không chỗ chấp.
Giảng thuyết hiện tại
Để cứu việc đời
Họ không hưng khởi
Tạo tận, diệt tận.
Hoặc phước hoặc tội
Hoặc nghe, không nghe
Không nhớ nơi pháp
Không giữ âm thanh.
Không ở hữu vi
Cũng không vô vi
Bình đẳng, nhất quán
Không thích hai việc.
Không thấy các pháp
Có chỗ lãnh thọ
Không được phàm phu
Và A-la-hán.
Không nói phàm phu
Si, uế không sạch
Cái đó gọi là
Pháp A-la-hán.
Cũng không nâng cao
Cũng không hạ thấp
Phân biệt một nghĩa
Thảy đều lặng yên.
Hiểu rõ các pháp
Đều không chỗ hoại
Cũng không tan rã
Tất cả pháp giới.
Không khác với nhẫn
Lẽ nào khác không!
Biết chắc các pháp
Tất cả đều không.
Không chấp nơi không
Không dựa nơi nhẫn
Nhờ vào một nghĩa
Đều rõ tất cả.
Nó không khởi lên
Vì vốn trong sạch
Tu hành như vậy
Mau thành Phật đạo.
Sớm được gần kề
Vô lượng Chánh giác
Không chấp có thân
Không nhớ tâm đạo.
Tất cả các pháp
Tôi, ta và người
Đều không chỗ chấp
Được giác bình đẳng.

Đức Phật bảo Thiên tử:

–Bồ-tát có bốn việc pháp để phụng trì cấm giới sâu dày và thực hành không buông lung. Những gì là bốn?

Bồ-tát Đại Sĩ nên tự nghĩ rằng: “Sao gọi là cấm giới?” để tùy thuận xem xét, suy nghĩ nghĩa ấy? Hoặc thân làm điều lành, lời nói chí thành, tâm nhớ nghĩ dịu dàng thuận thảo. Đó là cấm giới.

Lại nghĩ như vầy: “Sao là thân làm điều lành? Sao là lời nói chí thành? Sao là tâm dịu dàng?” Đó là vì thân không phạm các việc của thân, nên không sát sinh, trộm cướp, dâm dật. Đó là thân làm điều lành.

Miệng không nói lời lỗi lầm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung ác, sàm tấu. Đó là miệng nói lời thành thật.

Tâm không nghĩ những điều sai quấy, nghĩ những việc sân hận, tà kiến. Đó gọi là tâm dịu dàng.

Bồ-tát ấy quán sát kỹ, nên tự nghĩ rằng: “Giả sử, có người không phạm thân, miệng và tâm, nhưng không thể phân biệt về nơi chỗ; những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, hồng đang tồn tại, lại chấp nơi con mắt không biết phân biệt; đối với tai, mũi, miệng và tâm, cũng giống như vậy; cũng không biết phân biệt.” Vì sao như vậy? Vì nó cũng chẳng sinh, cũng là không sinh; cũng không khởi là cũng chẳng không khởi. Giả sử không có sinh, không bị sinh; cũng không có khởi, không bị khởi, thì sẽ không thể đảm nhận sự phân biệt pháp thức.

Họ lại nghĩ rằng: “Trong khi xem xét sẽ không có sở hữu, cũng không có giới nên không có chỗ hành, đã không chỗ hành nên không thể biết; vì không thể biết, đối với nó, lẽ ra không nên có sự chấp dựa. Nếu tạo hành động ấy, thì không chỗ để thấy. Ngay vào lúc ấy, không thấy có giới, đã không thấy giới mà khuyên người giữ giới cũng là vô sở kiến.”

Vì vậy, cho nên này Thiên tử! Đó gọi là Bồ-tát Đại sĩ phụng trì cấm giới sâu dày.

Lại nữa, này Thiên tử! Cũng có Bồ-tát hiểu rõ không tham đắm bản thân, không có thấy thân, cũng không thấy cái thấy, tu sự trì giới, cũng không phạm giới, cũng không chỗ chấp.

Lại nữa, này Thiên tử! Bồ-tát Đại sĩ nhập sâu vào tạng pháp, để giữ giới cấm, oai nghi lễ tiết, đi đứng, tới lui, an nhiên rõ ràng, thuận theo lời dạy, nên gọi là giới; không tự thấy mình có sự khởi hạnh, không thấy lỗi lầm của người khác, cho nên gọi là giới sâu xa tốt đẹp. Này Thiên tử! Bồ-tát không phạm giới cũng không hủy giới, lại càng không khinh lờn giới. Ai chống lại mình là chống lại giới. Nếu không chống lại mình, thì không chống lại giới. Nếu không chống lại giới, thì không phạm giới. Nếu không phạm giới sẽ không khinh lờn giới, liền không có gì để độ. Sở dĩ không khinh lờn, không vượt qua giới, nên hiểu rõ tất cả pháp đều được độ thoát. Nhờ độ thoát, nên không có ngã, cũng không vô ngã. Đã không có người, thì ai được độ. Đó là bốn pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:

Thân họ thanh tịnh
Lời không lỗi lầm
Tâm niệm trong sáng
Hành động không dơ.
Thường tự gìn giữ
Cẩn thận khi làm
Vị Bồ-tát ấy
Mới là thờ giới.
Tùy thuận phụng hành
Đối với mười lành
Bồ-tát thông minh
Mới bảo vệ được.
Nên thân miệng ý
Không bị phạm lỗi
Như vậy mới gọi
Phụng giới sáng suốt.
Không chỗ họ tạo
Không khởi, không sinh
Nó không hình sắc
Không có nơi chốn.
Đã không tướng mạo
Nên không chỗ trụ
Liền không thể được
Chỗ nào quay về.
Giới không có tạo
Thường như vô tri
Nên không thể lấy
Khi mắt xem xét.
Tai không thể nghe
Không mũi, không lưỡi
Thân không tách rời
Và tâm nhớ nghĩ.
Dù không phân biệt
Đối với sáu căn
Sẽ tới các nẻo
Không chỗ nương tựa.
Nếu quán như vậy
Là giới thanh tịnh
Chưa từng đạt giới
Có chỗ dựng lên.
Họ không có giới
Không ý, không chỉ
Giữ gìn cấm giới
Không tưởng tôi, ta.
Để nuôi cấm giới
Cũng không tưởng giới
Tu giới quan trọng
Chí được tự tại.
Nhờ hay phân biệt
Nếu thấy có thân
Liền không đọa lạc
Sáu mươi hai nghi.
Không chỗ họ thấy
Không thấy nơi chốn
Phụng thờ cấm giới
Không tự kiêu mạn.
Liền hay thuận nhập
Pháp tạng sâu xa
Những việc lễ tiết
Vì không vọng tưởng.
Khéo tu an tường
Cẩn thận thuận theo
Người giữ cấm giới
Chẳng chấp gì khác.
Không ỷ tôi, ta
Cũng không nương giới
Đã không tôi, ta
Nên không cấm giới.
Không nghĩ thân mình
Cùng với cấm giới
Như vậy mới gọi
Là bậc Pháp khí.
Người không tôi, ta
Không tựa vào giới
Không chấp nơi thân
Không tưởng niệm pháp.
Người không thân kiến
Không có giới tâm
Người không phạm giới
Không thoát giới cấm.
Cũng không tạo dựng
Ở trong giới cấm
Không chấp có thân
Nên không tưởng giới.
Giới rất sâu xa
Nên không để phạm
Giả sử dũng mãnh
Giữ giới như vậy.
Kẻ ấy chưa từng
Có sự hủy phạm
Giữ giới như vậy
Thánh hiền khen ngợi.
Với tất cả pháp
Không chỗ dính mắc
Với kẻ ngu si
Trụ tưởng tôi, ta.
Để giữ giới cấm
Rằng ngã đáng sợ
Làm mất giới báu
Mãi chẳng còn gì.
Lại không độ thoát
Tai họa ba cõi
Giả sử có người
Trừ các lưới kiến
Thì không thấy họ
Chống trái cấm giới
Tâm người ấy nghĩ
Không có tôi, ta.
Thuận thờ cấm giới
Không đọa nghi kiến
Liền không sợ hãi
Rơi vào đường ác.
Nếu biết phân biệt
Cấm giới như vậy
Không thấy kiến chấp
Người phạm cấm giới.
Không xét tôi, ta
Không thấy ba đời
Huống đang xem xét
Hủy phạm cấm giới.

Thiên tử Nguyệt Thị bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có! Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Đạo pháp rất nhiệm mầu của chư Phật Thế Tôn, là Vô thượng chánh chân, sâu xa khó nghĩ tới. Bồ-tát đã làm điều to lớn đệ nhất ấy, mới có thể thờ phụng tu hành được pháp như vậy; mà thật ra là sự không có chỗ trụ, cũng không có gì để tu; trừ bỏ tất cả các vọng tưởng, lìa bỏ ý niệm tôi, ta tu hành vô số kiếp mà không đọa lạc vào Thanh văn, Duyên giác, không ngược lại ý đạo của Trung đạo, đầy đủ Phật pháp, nhập vào sự tròn đầy không khuyết.

Sao gọi là Bồ-tát phụng hành pháp sâu xa, tu theo kinh điển vi diệu, đối với chân bản tế mà không có sự thủ chứng?

Đức Thế Tôn bảo:

–Thiên tử hãy lắng nghe! Bồ-tát có bốn việc để đi sâu vào pháp nhiệm mầu mà đối với chân bản tế, không có sự thủ chứng.

Những gì là bốn?

–Bồ-tát Đại Sĩ giữ chí nguyện vững chắc, tạo dựng hạnh cốt yếu, đủ tất cả trí, phụng hành tinh tấn mà không khiếp nhược, dù có ở đâu, vẫn không bỏ chúng sinh, vì lòng thương rộng lớn, không bỏ giáo pháp, phương tiện thiện xảo, khích lệ các gốc đức. Đó là bốn hạnh diệu pháp sâu dày mà đối với chân bản tế, không có sự thủ chứng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:

Với người trí sáng
Chí nguyện kiên cường
Chưa từng chống trái
Cổ xưa đã hiểu.
Là Nhất thiết trí
Ân cần tinh tấn
Trọn không thể có
Hưng phát thừa khác.
Phụng hành tinh tấn
Thường không buông thả
Siêng năng tu học
Tâm không khiếp nhược.
Cũng không vất bỏ
Tất cả chúng sinh
Trải tâm bình đẳng
Các loại quần sinh.
Càng thêm thương xót
Chúng sinh muôn đời
Hay chịu khổ sở
Ý không chuyển dời.
Chí không muốn khiến
Đạo giáo đứt sạch
Giống như có người
Chứa nhiều châu báu.
Mà khéo biết rõ
Phương tiện quyền xảo
Khuyên tạo công đức
Không hề nhàm chán.
Đến chỗ tột cùng
Ôm lòng thương xót
Không phải nửa chừng
Diệt hết các lậu.
Họ đã thọ trì
Với kinh điển này
Bậc Bồ-tát ấy
Gọi là dũng mãnh.
Mà thường tu thờ
Pháp sâu xa này
Họ thật chưa từng
Chấp dựa bản tế.

Thiên tử Nguyệt Thị lại bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bồ-tát phụng hành sự thâm yếu?
Đức Phật bảo Thiên tử:

–Vị Bồ-tát ấy chưa từng phá hoại pháp của phàm phu mà lại thành tựu ý nghĩa Phật đạo rộng khắp; cũng không hủy báng pháp của phàm phu; cũng không thấy có Phật pháp ích lợi lâu dài; cũng không xa lìa pháp của phàm phu; cũng không cầu mong đạt được Phật đạo, không hưng khởi hạnh này.

–Pháp của phàm phu khác với Phật đạo chăng?

Cũng không nghĩ rằng:

–Pháp của phàm phu ô uế, nhỏ mọn, đạo pháp của Phật là vi diệu chăng?

Cũng không tạo hạnh này:

–Pháp của phàm phu thì có lậu hoặc, đạo pháp của Phật thì không lậu hoặc.

Lại nghĩ rằng: Pháp của phàm phu cùng với đạo pháp, cả hai pháp ấy thảy đều rỗng không vắng lặng, chỉ là giả hiệu; tư tưởng ô uế; pháp của phàm phu cũng không thành tựu, pháp của chư Phật cũng không đầy đủ. Pháp của phàm phu vốn không có thật, cũng không tự nhiên; pháp của chư Phật đều không thật có, cũng không tự nhiên.

Nếu nói đúng lý, thì pháp phàm phu mà không sở tri, cũng không vô tri; không sinh, vô sinh. Nếu ai xem xét kỹ thì hãy suy tìm gốc ngọn của nó. Nếu dùng tuệ của Không, tuệ của Vô tướng, tuệ của Vô nguyện, mà trí tuệ sáng suốt, gọi đó là Phật pháp. Không thể riêng biệt biết nơi chốn của Phật pháp, xem gốc ngọn của nó, thấy rõ là không, không không thấy không, cũng không sở tri, cũng không sở quán, thảy đều trong sạch, nhưng vì vô minh mới khởi lên vậy.

Vì vậy, này Thiên tử! Pháp ấy không pháp, các pháp tự nhiên, lại lập các pháp sợ hãi, pháp sợ hãi ấy không có hai, vì nó không hai nên không phàm phu, cũng không Thanh văn, cũng không Duyên giác, Phật đạo bình đẳng, cũng không có dạy, hạnh cao đẹp ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát chuyên tu, phân biệt chánh giáo, không có một pháp nào là không phải Phật pháp. Vì sao? Vì nói là pháp ấy, tập tục là pháp nhưng không có lời tập tục. Nếu có điều để nói, thì không. Cái không nắm bắt, sẽ không chỗ hưng khởi; vì không chỗ hưng khởi thì không hình tướng để giáo hóa. Tất cả các pháp đều không hình tượng.

Giả sử các pháp không có hạn lượng thì cũng không lìa Phật pháp.

Cho nên, này Thiên tử! Phải xem xét như vầy:

–Tất cả các pháp đều là Phật pháp, không có tưởng hạnh. Vì cái ý nghĩ tưởng hạnh mà khởi lên cái thức hai việc. Những loại như vậy, nhờ thức mà tu hành được Phật pháp vô lậu, cũng lại đối với nó, mà không tưởng cầu; với họ, sinh khởi hạnh của Thanh văn. Họ hiểu rõ rằng, pháp giới không bụi trần, cũng không vắng lặng; giả sử, đối với pháp mà không thọ pháp, thì sẽ không có pháp; với pháp trần lao và pháp lặng yên có thể có được trần lao và lặng yên chăng? Nếu muốn cầu nó, hoàn toàn không thể được.

Như vậy, này Thiên tử! Bồ-tát hiểu rõ như vậy thì gọi là bậc có hạnh sâu xa tốt đẹp. Họ đối với tất cả pháp, cùng với Phật pháp, không có chỗ thấy. Vì không có chỗ thấy, nên đó là lìa kiến. Cái chỗ thấy ấy là không chỗ thấy.

Giả sử Bồ-tát xem xét như vậy thì ma và quyến thuộc của chúng không thể sai khiến được, không thể chiến thắng.

 

Trang 1 2 3