PHẬT THUYẾT QUYẾT ĐỊNH TỔNG TRÌ KINH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam trạng Trúc Pháp Hộ, nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành La-duyệt-kỳ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và tám vạn Bồ-tát. Các vị ấy đều đã chứng thần thông của bậc Thánh, không còn thoái chuyển, thông suốt các pháp, chứng đắc pháp tổng trì, biện tài vi diệu, hiểu rõ và khéo léo tùy thuận các phương tiện, học hoàn toàn những giới cấm của Bồ-tát, thể nhập pháp căn bản sâu xa, thông suốt sự kết nối của mười hai duyên khởi không còn tạo tác. Hơn nữa, đối với Không, Vô tướng, Vô nguyện, các vị không hề sinh khởi khiến cho các pháp quay về nhập thể. Với các thần thông rộng lớn, biển trí tuệ mênh mông. Các vị đã thâu nhiếp tất cả vào Tạng pháp. Ý tưởng các vị rộng lớn bao trùm sự hiểu biết của bậc Thánh, thông suốt mọi nghĩa lý, văn chương từ ngữ trong các cõi nước. Do vậy, nếu có ai hỏi điều gì, các vị đều trả lời tường tận, chính xác. Vả lại, các vị còn hiểu rõ ý tứ của chúng sinh, giải thoát khỏi mọi kết sử ràng buộc, tâm như hư không, không còn luyến ái, oán hận. Các vị xa lìa tất cả cấu bẩn và vĩnh viễn an trú trong tịch lặng, đồng thời rời khỏi mọi lỗi lầm, thành tựu chỗ vi diệu của giáo pháp Đại thừa. Với ánh sáng trí tuệ vô biên, các vị ấy giảng thuyết để hàng phục các học thuyết ngoại đạo, giống như mặt trời làm tiêu tan ánh lửa của con đom đóm và sự lóe sáng của ngọc ma-ni hay điện chớp. Các vị đã thực sự rời xa buông lung, dứt trừ các phiền não, không còn chấp vào hai quán pháp thường hằng và đoạn diệt, biết rõ pháp vô ngã, vô thọ mạng, vô nhân và vô dưỡng, tịch nhiên quán sát các pháp sinh khởi và trải qua vô số kiếp thực hành đạo Bồ-tát, khoác áo giáp công đức khai mở sáu pháp nhằm giáo hóa tất cả chúng sinh và không ngừng tu tập bốn ân. Các vị dùng phương tiện khéo léo đi vào trong sinh tử để khai mở các con đường mê hoặc, chỉ rõ họa phước để cứu vớt chúng sinh loại trừ mọi khỏi khổ não, khiến cho họ không còn gây tạo nguồn gốc sinh tử nữa và hướng đến cửa Tam-muội. Danh hiệu của các vị Bồ-tát ấy là: Bồ-tát Vô Ưu Thủ, Bồ-tát Sư Tử Lạc, Bồ-tát Quang Anh Vương, Bồ-tát Phạm Âm Hưởng Như Lôi Vũ, Bồ-tát Vô Lượng Đức Bảo, Bồ-tát Tạp Hoa, Bồ-tát Nhược Can Anh Lạc Trang Nghiêm, Bồ-tát Thạch Ma Vương, Bồ-tát Pháp Vũ, Bồ-tát Liên Hoa Thủ Tạng Vương, Bồ-tát Hoại Hư Yểm Ý Kiến, Bồ-tát Đại Trí Quang Minh, Bồ-tát Biện Diễn Nhã Can Chủng Vương. Tất cả có tám vạn bậc Bồ-tát như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kinh cho vô số trăm ngàn quyến thuộc vây quanh lắng nghe, pháp môn ấy được gọi là Quyết định tổng trì. Lúc ấy, trong chúng hội có mười tám vị thiện nam đều lắng nghe Như Lai dạy về pháp môn tu tập này. Tất cả họ đều vui mừng phấn khởi, tâm được an ổn, trừ bỏ ngủ nghỉ, thích sống nơi vắng lặng, tu tập thiền định, chuyên tâm đi kinh hành, đêm ngày thường tinh tấn không dám biếng nhác. Nhờ vậy, họ xa lìa sự buông lung, tham dục và siêng năng không hề bỏ phí thời gian tu tập trong suốt bảy năm. Tuy nhiên, sau bảy năm đó, tâm của những người này lại trở nên buông lung, biếng nhác không ngừng. Do vậy, khi nghe pháp môn Tổng trì, họ không đạt được sở nguyện nên tâm sinh nhàm chán, đắm mình trong sự sống dục lạc, từ bỏ nhiệt huyết tu tập pháp môn Tổng trì, không đạt được sở nguyện, tâm ý của họ nhàm chán, tiết kiệm đức sống an nhàn, ưa thích ngủ nghỉ, thường biếng nhác không đi kinh hành, trừ bỏ mong cầu không tu tập pháp môn Tổng trì, khoát áo Sa-môn nhưng không chịu giữ giới, đem tâm trí mê hoặc đi tìm cầu giáo thuyết thấp kém nên tất cả họ đều quay về với đời sống thế tục và tích tập năm nghiệp.

Lúc ấy, biết chắc vua A-xà-thế đắm mình trong tịch lặng suốt bảy ngày đã dứt hẳn mọi nghi ngờ do dự, nên Đức Thế Tôn mới thuyết giảng. Oai nghi của bậc Thánh khiến cho tâm vua không còn buông lung, hoài nghi tranh cãi, trừ bỏ những kiến chấp trói buộc và tất cả những thú chơi xa xỉ của bậc vua chúa. Qua bảy ngày vua cùng với bảy ức người đi đến chỗ Phật, muốn thưa thỉnh, lãnh thọ giáo pháp. Mười vị thiện nam cầu pháp thấp kém cũng theo hầu vua ở trong đại chúng. Khi ấy, trong tòa có một vị Bồ-tát tên là Vô Khiếp Hạnh đã chứng đắc pháp Tổng trì, thành tựu pháp nhẫn trải qua vô số kiếp, đạt được vô sinh không còn điên đảo, biện tài vô lượng, chứng nhập Nhất thiết trí, đạo lực trí tuệ chân chánh, tùy thuận phân biệt, thực hành theo các Độ vô cực, hiểu rõ phẩm môn Tổng trì không thể nghĩ bàn, đều biết rõ mục đích, nguồn gốc tâm tánh của chúng sinh nên có thể giáo hóa, vì họ thuyết pháp mà không làm mất căn bản. Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mang y bày vai phải quỳ xuống sát đất chắp tay thưa:

–Bạch Thế Tôn! Mười vị thiện nam này xuất gia tu đạo, đêm ngày thường tinh tấn suốt bảy năm không mệt mỏi, muốn cầu được pháp môn Tổng trì nhưng không được, mất đi ý chí, bỏ áo Sa-môn trở lại hoàn tục, nghiên cứu về giáo lý thấp kém bậc Thánh; ngưỡng mong Đức Thế Tôn thuyết giảng nghĩa pháp, dùng phương tiện khéo léo để giáo hóa, khiến cho những thiện nam này bỏ những việc đã qua để tu tập ở tương lai, tự quay về đạo lớn vô thượng.

Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

–Những thiện nam này ở trong đời quá khứ rất lâu đã hủy báng Phật pháp không chịu lãnh thọ. Do vì hủy báng Phật pháp quá nhiều nên không thể nhanh chóng thành tựu đạo vô thượng. Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh liền dùng kệ thưa Đức Phật:

Con nghe Bậc Đạo Sư,
Vua pháp nói rõ ràng
Việc làm các Bồ-tát
Diệt trừ vô số tội.
Công đức, tuệ lìa sợ
Không ai vượt qua được
Mười Lực không gì bằng
Tuệ Thánh không chướng ngại
Đã thoát khỏi ba cõi
Lại không còn buông lung.
Vì họ thuyết hạnh ấy
Làm thanh tịnh nghiệp đạo
Nay khai sáng vô lượng
Thường giữ tuệ cam lồ
Vì người phân biệt nói
Tâm do dự trói buộc.
Nay xin hỏi Như Lai
Chỉ Phật mới giải quyết
Vì sao các Bồ-tát
Tu hành pháp Đại thừa
Thường siêng năng tinh tấn
Thực hành không biếng nhác
Thu phục quyến thuộc ma
Dứt trừ các cấu uế,
Và tất cả các hạnh
Vì chỉ dạy chúng sinh.
Nên mới phân biệt nói
Cốt lõi của đạo hạnh
Từ ngữ rất vi diệu
Ôn hòa vì người nói
Ở nơi chỗ sinh tử
Độ tất cả tai ách
Lắng nghe lời tán thán
Giải quyết những nghi ngờ
Nguyện tối thắng thuyết giảng
Thực hành các đạo hạnh
Khéo tu đức thanh tịnh
Vốn xa lìa sinh tử.
Thương xót các chúng sinh
Khiến cho họ an ổn
Dứt hẳn chốn sinh tử
Bố thí xe trân báu.
Đầu mắt cùng thân thể
Vợ con cũng như vậy.
Tôn kính hạnh nhẫn nhục
Khéo tu tập giới đức,
Tinh tấn nơi vắng lặng.
Hiểu rõ tâm kiên cố
Thường sử dụng đức này
Nhẫn trăm ngàn tai nạn
Đi lại trong nhân gian
Thông suốt không ngăn ngại
Biết rõ pháp thường hành
Không một lần do dự.
Diệt trừ tham, sân, si.
Hiểu, không gì sánh kịp
Thấy rõ việc xuất gia
Giáo hóa trong sáu đường
Vì chúng sinh nói pháp
Như thể đang hành đạo.

Đức Phật liền bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

–Mười thiện nam này ở đời quá khứ đã vi phạm giới pháp và hủy báng kinh điển của các Đức Phật. Sao gọi là vi phạm giới pháp của các Đức Phật? Ở trong đời quá khứ rất lâu trải qua ba mươi hai kiếp có thế giới Diễm khí có Đức Phật hiệu là Quang Thế Âm Như Lai, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Mười thiện nam này ở trong đời đó làm con của một trưởng giả thật giàu sang. Sau khi Đức Phật diệt độ, ở đời mạt pháp họ lập các công đức, xây dựng năm trăm chùa tháp, giảng đường, tinh xá, mang đủ thứ vật dụng để cúng dường cho Tỳ-kheo Tăng. Mỗi một chùa, tịnh xá có trăm ngàn Tỳ-kheo sống trong đó. Vào thời ấy, có một Bồ-tát hiệu là Biện Tích đã chứng pháp Tổng trì, dùng phương tiện khéo léo đi lại tự tại, ngồi trên tòa cao để thuyết pháp giáo hóa tất cả chúng sinh. Do vậy, hai vị Pháp sư này, được năm trăm Đức Phật trao truyền pháp Biện tài vô ngại và tám mươi ức Thiên tử đã dứt sạch mọi cấu uế tự trang nghiêm thân, ở giữa hư không hóa hiện thành giảng đường kiên cố với các cờ xí, tràng phan để cúng dường. Lúc ấy, Bồ-tát vì thương xót tất cả chúng sinh mà thuyết giảng kinh điển. Bấy giờ, trong pháp hội, có bảy vạn người đạt được tâm không thoái chuyển, sẽ thành đạo Vô thượng Đẳng chánh giác và một vạn người chứng quả Tu-đà-hoàn.

Khi ấy, ở thế giới này có vị quốc vương tên Nguyệt Thi, ưa thích nghe pháp, mong muốn hiểu rõ ý nghĩa của kinh và tự lấy giáo pháp làm niềm vui nên vua dùng đủ mọi thứ cúng dường cho Pháp sư Bồ-tát Biện Tích. Vua ra lệnh cho năm trăm mỹ nữ, quý tộc ở trong cung trổi các kỹ nhạc, dùng các vật báu làm hoa rải lên pháp tòa, đồng thời dùng hương chiên-đàn xoa vào thân Bồ-tát, rồi dùng năm trăm cái lọng che kín pháp tòa, năm trăm bộ y phục tốt đẹp để cúng dường. Sau đó, vua và những người ấy đứng suốt bảy ngày đêm dường, đứng suốt bảy đêm ngày không dám ngồi xuống, tùy theo sở thích của họ nên được an ổn. Tất cả đều nhận thấy không mất thì giờ khi rất tôn kính bậc Pháp sư với phước đức rộng lớn vô thượng, vượt thoát khỏi mọi lỗi lầm. Lúc ấy, con của người trưởng giả giàu có ngang nhiên phỉ báng Pháp sư Bồ-tát Biện Tích và hủy phạm giới, không giữ gìn giới luật. Do tội này nên rơi vào địa ngục đủ chín vạn năm; được sinh trong loài người thì rơi vào trong biên địa chém giết lẫn nhau năm vạn đời. Vì nhận sai lầm nên gây tạo tội lỗi chồng chất khiến cho sáu trăm đời thường sinh làm người mù, điếc, câm, ngọng, không thể nói được. Sau đó, xuất gia làm Sa-môn, đến bảy trăm đời mới siêng năng tinh tấn tu tập, không tiếc thân mạng nhưng vẫn không đắc được pháp môn Tổng trì. Nay lại sinh vào đời của ta tâm thường tán loạn, không chuyên chú thiền định. Do vì tội báo tai họa đời trước ngăn che mà nay những thiện nam này cũng không thể đắc được pháp Tổng trì. Bởi thế, ta giao phó cho các ông phải trân trọng thọ trì kinh điển này. Đối với Pháp sư phải hết lòng cúng dường, không có tâm lo buồn và diệt hết độc hại, huống hồ vừa mới nghe qua lại sinh tâm ác độc?

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Giả sử có người bắt hết chúng sinh móc cả hai mắt, tội ấy tuy nặng nhưng trải qua nhiều kiếp còn có thể hết. Còn nếu ai có tâm hại đến Pháp sư thì tội này không có giới hạn quá hơn tội kia. Giả sử có người có khả năng giúp các chúng sinh ưa thích việc tranh đấu và gây chia rẽ trở yên ổn thì được vô số công đức. Nhưng nếu gặp Pháp sư một lòng đứng trước mặt thì công đức này hơn hẳn công đức khiến cho chúng sinh ưa thích đấu tranh trở về với sự hòa hợp đến trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần hàng ức vạn lần. Do đó, công đức người kia làm sao sánh bằng việc đem tâm an vui đứng trước vị Bồ-tát. Vì sao? Vì người hủy báng Pháp sư chính là hủy báng Như Lai. Nếu ai muốn cúng dường Như Lai thì phải tôn kính Pháp sư. Muốn tôn kính Như Lai thì nên thuận theo Pháp sư, muốn lễ bái Như Lai thì phải lễ bái Pháp sư. Vì sao? Vì các Bồ-tát đều từ pháp sinh ra mà thành tựu được Nhất thiết chủng trí. Nhờ Nhất thiết chủng trí nên thành Phật Thế Tôn. Sự xuất hiện của Bồtát là để làm phát khởi tâm đạo, chứ không vì an trú trong tham dục. Bởi thế, ở nơi trần lao mà được đảnh lễ. Do vì không có chỗ sinh nên cũng chẳng có nơi an trú. Các vị thường tu tập phạm hạnh thanh tịnh nên được cung kính lễ bái; không vì vô sắc Tam-muội để nhận thọ sự lễ bái ở cõi Vô sắc, không vì tai nạn khác mà thuận theo sinh tử. Sở nguyện của các vị đã được tự tại nên đã vãng sinh, thoát khỏi những việc làm tối tăm của phàm phu. Người nào muốn làm Bồ-tát bị những tai họa khác chẳng khác nào làm cho hư không có những hình ảnh cũng tương tự thiện nam này. Ví như long vương A-nậu-đạt khi muốn thấy những con rồng đùa giỡn thì bảo tất cả những con rồng thân thuộc đều nương vào rồng chúa để được an ổn, thường thoát khỏi ba thứ bệnh, không còn hoạn nạn. Bồ-tát cũng vậy, trừ bỏ những ưa thích, đoạn trừ được ba độc (tham, sân, si) diệt hết các phiền não và các khổ não, như thế mới an lạc cứu độ chúng sinh. Ví như thuồng luồng bơi ở trong nước mà không có sợ hãi. Bồ-tát cũng vậy, ở trong ba cõi cũng không còn kinh sợ. Ví như thuồng luồng lặn ở nước sâu, được ở trong đó tha hồ ưa tung tăng uốn lượn mà không bị nước làm hại. Bồ-tát cũng vậy, đến nơi chúng sinh tối tăm, sống và thực hành sở nguyện, chỉ trí tuệ nhận biết, bàn luận không trái hạnh của đạo, không cùng với người ngu mà bị cấu uế, không vì ba cõi để bị chìm đắm. Do đó hành giả phải thường xuyên hộ trì và phụng sự pháp mới được an lạc. Đây là những việc tu tập của Bồ-tát. Lúc ấy, Đức Phật nói kệ:

Ai muốn quy y Phật
Tôn kính các bậc Thánh
Thường cúng dường Bồ-tát
Phụng trì Thầy dẫn đường
Ta nay được y bát
Giường chõng các tọa cụ
Phật đều nhờ cúng dường
Người thuận theo cúng dường
Được đèn Phật vô thượng
Do việc cung cấp này
Mà thành tựu Chánh giác
Đứng đầu trong hàng Thánh
Cho ăn uống xe cộ
Các bậc trí tuệ này.
Vì người mê dẫn đường
Sẽ dùng cam lộ rưới
Tất cả loài chúng sinh
Cho trời, người an ổn
Nếu người mới phát tâm
Không thể báo ân này.
Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có phương tiện khiến cho mười người thiện nam này vừa diệt được tội chướng lại có thể chứng được đạo chăng?

Đức Phật nói:

–Giả như mười người này nhất tâm thọ trì, học tập, tuyên thuyết tu hành pháp luật của Đức Phật, lại làm Sa-môn, siêng năng đọc tụng kệ văn pháp Tổng trì thì có thể thành đạo. Thế nào là kệ văn của pháp Tổng trì?

Tu lắng trong
Câu rõ ràng
Thật trong sáng
Không thọ nhận
Không tạo tác.
Không chỗ đắc
Dẫn mau chóng
Chỉ vừa sinh
Trì tinh tấn
Đi vừa lạy.
Chuyên tu hành.
Trí hiểu rõ
Quán sát kỹ
Không còn khởi
Trừ tai họa
Bỏ quyến luyến
Hay xem thường
Đều thanh tịnh.
Không cấu uế.

Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

–Mười người này nhờ tụng trì kệ văn pháp Tổng trì, suốt bảy ngày tu tập công đức nên không còn ở nơi thấp kém của cõi Vô sắc, không ôm lòng sân giận, an lạc chẳng bao lâu đạt đến chỗ không tạo tác, tâm không còn cấu uế bình đẳng, trừ bỏ những vật hiện có, xa lìa năm ấm, diệt trừ tâm niệm Phật tán loạn. Các thiện nam này, giả sử thực hành theo giáo pháp đạo như thế, mười phương thế giới đều có ngàn Phật liền thị hiện trước mặt họ khiến cho họ nhìn thấy, tự trách tâm mình quay về với Thánh hiền, tội chướng có thể tiêu trừ, chứng được trí tuệ của đạo. Các thiện nam khi nghe Đức Phật dạy, họ thuận theo Pháp luật liền bỏ nghề nghiệp thế tục mà xuất gia làm Sa-môn, tụng đọc văn kệ pháp Tổng trì này, đúng như sự dạy bảo của bậc Thánh. Suốt bảy ngày tinh tấn tu tập, hết bảy ngày liền thấy mười phương đều có ngàn vị Phật rõ ràng vì họ mà thuyết pháp để tiêu trừ tội nghiệp, tất cả đều tu tập trí tuệ môn Tổng trì, vượt khỏi nạn của ba mươi sáu kiếp sinh tử chứng được quả vị không thoái chuyển, sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân.

Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

–Vua của nước Nguyệt Thi lúc ấy, nay chính là Đức Phật A-di-đà, Bồ-tát Biện Tích đó là Đức Phật A-súc. Mười người con trưởng giả hiện tại là người thiện nam ấy. Cho nên, này Vô Khiếp Hạnh! Họ có tâm tu học Đại thừa, siêng năng thực hành đúng như lời dạy của Đức Phật, an trú trong chánh pháp, diệt trừ vô minh, cẩn thận không tìm cầu pháp thấp kém của người khác.

Đức Phật dạy Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

–Có bốn việc làm có thể hướng dẫn người tu tập trang nghiêm thanh tịnh đạo Phật. Những gì là bốn?

  1. Thực hành pháp không, thường có tâm Từ bi không làm tổn hại chúng sinh.
  2. Thương yêu, tôn kính bạn đồng học, không xem thường kiêu mạn.
  3. Vì người thuyết pháp, nhờ vào kinh điển bố thí mà không có sự mong cầu.
  4. Phải thường xuyên nhất tâm, không phá hoại tâm cúng dường cơm áo.

Đức Phật liền nói kệ:

Tâm họ thường tin tưởng vào pháp không
Tu tập đạo thanh tịnh thật tối thắng
Như ánh mặt trời tùy thời chiếu sáng
Chứng đạo Phật rồi sáng hơn thế nữa.
Chưa từng có người biết lỗi lầm mình.
Làm bậc Thánh đức thọ nhận tất cả
Như vậy thuận theo đạo tràng thanh tịnh.
Bỏ hết cống cao ngã mạn vô lượng.
Tất cả y phục tốt đẹp hiện có.
Đều đem cúng dường người hành đạo Phật.
Cũng không mong sự cúng dường của người
Đây là trang phẩm Phật đạo thanh tịnh
Do không mong cầu thí pháp vô lượng
Thường tu thương xót nhớ đến chúng sinh.
Tâm tánh thường nhớ về nghĩa ân đức
Là trang nghiêm thanh tịnh đạo chư Phật
Giả sử ưa phụng sự tất cả Thánh
Hoặc muốn cúng dường, không thích kinh điển
Thường nên thực hành Phật đạo vô thượng.
Ba ngôi quý cũng từ trong đó sinh.

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

Lại có bốn việc làm mau thành Phật đạo. Những gì là bốn?

  1. Ưa thích rõ nghĩa kinh điển Đại thừa.
  2. Xa lìa tham muốn, không tập buông lung.
  3. Thường bố thí đầy đủ cho người cùng khổ.
  4. Có thể phát khởi ban bố bảy Thánh tài cho người.

Đức Phật liền nói kệ:

Tôn kính Pháp sư
Ngưỡng mộ Đại thừa.
Xa lìa tham dục
Tu hạnh thanh tịnh.
Thương yêu bần khổ
Cứu giúp các nạn
Dùng bảy Thánh tài
Bố thí không mệt.

Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

Lại có bốn việc làm mau chứng thành Phật. Những gì là bốn?

  1. Thường thực hành đại Bi yêu thương chúng sinh.
  2. Thường thương xót nhiều vì họ mà rơi nước mắt
  3. Luôn luôn vui vẻ, hiện ra nét mặt hiền hòa đối với chúng sinh.
  4. Thường thực hành cứu độ rộng lớn để thoát tai họa sinh tử trong ba cõi.

Đức Phật liền nói kệ:

Thường thực hành đại Bi
Thương yêu các chúng sinh
Nhớ mong cầu thành tựu
Như mẹ thương con mình
Thương yêu trọn cuộc đời
Không sợ các tai nạn.
Năm đường như bọt nổi
Thương xót làm rơi lệ
Vui vẻ nhìn chúng sinh
Nhờ pháp được an lạc
Giáo hóa lìa các khổ
Không khổ, an ổn nhiều
Tùy thuận theo năm đường
Phương tiện dạy thích nghi.
Giải thoát khổ ba cõi
Chứng được đạo Vô thượng.

Đức Phật bảo Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh:

–Nếu có người siêng năng cầu pháp Tổng trì này nên đến nơi pháp hội tu tập vắng lặng, tất cả đều thực hiện hạnh bình đẳng, thanh tịnh, mặc y phục trong sạch, tu tập bốn oai nghi đức hạnh chân chánh, tâm không giải đãi, dùng bao nhiêu vật dụng cúng dường, phụng dưỡng Pháp sư, hết lòng tin Tam bảo, luôn cung kính khiêm nhường, trật tự, chưa từng mỏi mệt, thường thực hành tinh tấn, không có thực hành hạnh tà dua nịnh, tâm thường nhớ Phật không xa lìa, ý chuyên tu tập trừ bỏ những gì hiện có, đã không có sở hữu cũng không nhớ nghĩ về sở hữu đều hiểu rõ tâm hành của chúng sinh, chuyên cần giữ gìn tâm miệng mình cẩn thận, ưa thích thưa hỏi, thọ trì pháp chư Phật, sám hối lỗi lầm, giữ gìn đức hạnh trợ thêm công đức, oai nghi lễ nghĩa không trái giáo lý của đạo, thích ứng tất cả, nghe tiếng phi nhân chẳng lấy làm lo sợ, không sợ hãi những côn trùng bò cạp, nọc rắn độc, cung kính sư trưởng, tu tập kinh điển này chưa từng mệt mỏi. Khi Đức Phật thuyết kinh này, ba vạn người nguyên chưa từng phát tâm đạo, nay đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, năm ngàn người xa lìa cấu uế đắc các Pháp nhãn tịnh, ba vạn Bồ-tát đắc được pháp Nhẫn vô sinh.

Đức Phật nói:

–Nếu có Bồ-tát nào nghe thuyết giảng kinh pháp này thì được đầy đủ các công đức, vô lượng biện tài. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào học đạo Bồ-tát đều dùng bảy báu trải khắp tam thiên đại thiên thế giới, hằng hà sa kiếp tinh tấn phụng trì Tam bảo, có người nghe kinh điển này phước đức nhiều hơn trên. Nếu có Bồ-tát trải qua trăm ngàn kiếp thực hành năm Độ vô cực mà không được trí tuệ cao siêu, không có phương tiện thiện xảo, chẳng bằng nghe những căn bản của kinh điển này thì phước đức lớn hơn nhiều. Vì thế, này thiện nam! Ta giao phó kinh này cho các ông cùng truyền trao cho nhau ân cần giúp đỡ, tùy thời bảo vệ khiến không quên mất, chớ làm giảm sút mà được tồn tại lâu dài ở đời trì tụng, giảng thuyết phân biệt rõ nghĩa lý cho người. Giả sử gặp tai nạn bị mất thân mạng sẽ cẩn thận với kinh này, chớ quên mất lời dạy của Đức Phật. Đức Phật giảng thuyết như vậy, Bồ-tát Vô Khiếp Hạnh, mười thiện nam, các vị đại Thanh văn, tất cả Trời, Rồng, Quỷ thần, A-tu-la và người nghe kinh rồi hoan hỷ đảnh lễ lui ra.