PHẬT THUYẾT PHÁP THỌ TRẦN KINH

Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật đi du hóa ở khu vườn của Kỳ thọ Cấp-côđộc thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe thọ nhận lời dạy từ nơi Phật.

Đức Phật bảo:

–Này các Tỳ-kheo! Phàm làm người đều là một pháp, thọ trần tự ô nhiễm, mê hoặc lo buồn, chìm đắm không có đường lối. Ta thấy họ không đạt được đạo Vô thượng cát tường. Ví như người ham muốn nhìn sắc người nữ, vì kẻ sĩ ấy ưa thích sắc nên bị ô nhiễm, bị say đắm, bị tham mê, bị dơ bẩn, bị mê hoặc, đắm trước, bị lưu luyến, bị thọ nhận; chạy theo tiếng nói của dâm nữ, qua lại lâu dài nên thọ sự khổ đau, vì tai muốn nghe âm thanh của dâm nữ; mũi muốn ngửi mùi hương của người nữ; lưỡi muốn được vị xúc ấy; thân lại càng muốn sự trơn láng, qua lại lâu dài nên thọ nhận sự khổ đau, do đó phải biết rõ không nên bị mê hoặc bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc của người nữ.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Phàm là người vì một pháp thọ trần tự làm ô uế, mê hoặc lo buồn, chìm mãi không thoát khỏi. Như Lai thấy họ không đạt được đạo Vô thượng cát tường, giống như dâm nữ ưa muốn nhìn sắc của người nam, cho nên người nữ bị tiêm nhiễm, bị say đắm, bị tham mê, bị nhơ bẩn, bị mê hoặc, đắm trước, bị lưu luyến, bị thọ nhận bởi sắc của người nam, thọ sắc qua lại lâu dài nên nhận chịu sự khổ đau; tai muốn nghe giọng nói của người nam, mũi muốn ngửi mùi hương người nam; lưỡi muốn được mùi vị người nam; thân lại muốn sự trơn láng người nam, qua lại lâu dài nên nhận chịu sự khổ đau, vì thế phải biết rõ không nên bị đắm nhiễm bởi thanh, hương, vị, xúc của người nam.

Đức Phật nói như vậy rồi, các đệ tử đều vui mừng thọ trì.