PHẬT NÓI KINH NHÂN DUYÊN CON
GÁI TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC ĐƯỢC ĐỘ
Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Đến lượt Tôn giả Văn-thị-bách-ức hóa ra rừng cây với hoa trái nhiều màu sắc, giăng kín cả hư không. Tôn giả hiện thân trong rừng đó, vận dụng thần thông từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả thấy việc ấy xong, bènhỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:
–Vị đến đây có rừng cây, hoa trái nhiều màu sắc, hiện thân trong rừng, với các hình tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?
Đồng nữ đáp:
–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Văn-thị-bách-ức. Vị ấy khi sinh ra chân không đụng đất, cách mặt đất bốn ngón tay. Dưới chân có lông màu vàng ròng, biểu thị dị tướng. Khi chân đạp đất, mặt đất liền chấn động theo sáu cách.
Đức Phật đã từng nói với các vị Bí-sô: “Này các Thầy, nên biết đồng tử Văn-thị-bách-ức này trong chín mươi mốt kiếp đều mang một tên, sinh ra chỗ nào chân đều không đạp đất. Vị ấy do phát khởi tâm tinh tấn tu tập đạo pháp nên phước báo vô tận”. Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc tinh tấn đệ nhất. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đến đây.
Tiếp theo là Tôn giả Tất-lăng-già-bà-tha hóa ra xe Đại nga, hiện thần thông từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi đi vào nhà trưởng giả. Trưởng giả thấy việc ấy, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:
–Vị đến đây bằng xe Đại nga, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?
Đồng nữ đáp:
–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Tất-lăng-già-bà-tha, thường tu hạnh Từ. Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc có hạnh Từ đệ nhất. Tôn giả ấy theo thứ tự đã đến.
Rồi đến Tôn giả Ô-đà-di hóa ra xe Đại mã, trang nghiêm bằng bốn loại quý báu, hiện thần thông như thế, từ hư không đến bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống và vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả thấy sự việc ấy, liền hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:
–Vị đến đây bằng xe Đại mã, trang nghiêm bằng bốn loại quý báu, hiện tướng như vậy rồi đi vào nhà, là Thầy con phải không?
Đồng nữ đáp:
–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ô- đà-di. Vị ấy thuộc dòng họ Thích. Trong dòng họ Thích, có Tịnh Phạn vương, Bạch Phạn vương, Hộc Phạn vương, Cam Lộ Phạn vương, cùng với Da-thâu-đà-la, Ngu-bế-ca-một-lý-da-nặc… sáu vạn cung tần thể nữ quyến thuộc. Những quyến thuộc đó rất đông đảo, phồn thịnh, giàu có, an vui tự tại. Vị ấy đã từ bỏ cuộc sống thế gian xuất gia tu đạo, chứng đắc quả. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc đoan nghiêm nhất trong dòng họ Thích. Tôn giả ấy theo thứ tự đã đến đây.
Tới lượt Tôn giả Ma-ha Kiếp-tân-na hóa ra xe Thất-vĩ-ca trang nghiêm bằng bốn loại châu báu. Tôn giả đi bằng xe Thất-vĩ-ca, hiện thần thông như vậy từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi đi vào nhà trưởng giả.
Trưởng giả trông thấy sự việc ấy, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:
–Vị đến đây bằng xe Thất-vĩ-ca trang nghiêm bằng bốn loại báu, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?
Đồng nữ đáp:
–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ma-ha Kiếp-tân-na. Vị ấy từ bỏ gia tộc xuất gia tu đạo, chứng đắc quả, thường nói lời ôn hoà được mọi người yêu mến. Đức Phật nêu rõ vị đó là bậc có ngôn từ ôn hòa đệ nhất. Tôn giả ấy đã đến đây theo thứ tự.
Tiếp đến Tôn giả Nan-đà hóa ra một vườn rừng lớn với hoa trái sum suê, lại có các loài chim lạ như ngỗng, nhạn, oanh vũ, khổng tước, Xá-lợi-ra, Câu-chi-la, Mạng mạng… tụ tập vui chơi trong ấy. Tôn giả an tọa trong vườn ấy hiện tướng như vậy, từ hư không đến bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả. Trưởng giả trông thấy sự việc đó, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:
–Vị đến đây ngồi trong vườn rừng lớn, hoa quả sum suê, chim lạ tụ tập vui chơi, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?
Đồng nữ đáp:
–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Nan-đà, con vua Tịnh Phạn, là em ruột của Phật. So với thân Phật vị ấy thấp hơn bốn ngón tay, đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm. Trong quá khứ, vị ấy với tâm thanh tịnh, từng ở nơi tháp của Đức Ca-diếp Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, cúng dường một cái lọng trang nghiêm bằng các loại quý báu tối thượng, đẹp đẽ đặc biệt.
Do nhân duyên ấy nên được phước báu thù thắng, trải qua một ngàn năm, trăm đời làm vua Chuyển luân, hưởng thọ thắng phước nhưng không xuất gia, cho đến đời này, vị ấy mới xuất gia tu đạo, chứng đắc thánh quả, trong các oai nghi, luôn gìn giữ kín đáo các căn. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc nhất về hộ trì kín đáo các căn. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đến đây.
Đến lượt Tôn giả La-hầu-la hóa làm vua Chuyển luân, phước đức uy nghi, dung mạo thắng diệu đặc biệt, quyến thuộc hầu hạ, bảy báu đầy đủ, có tám mươi bốn câu-chi bộ binh hùng dũng mạnh mẽ Ô-bố-sa-đà…, tám vạn bốn ngàn tượng binh Phược-la-hạ-ca…, tám vạn bốn ngàn mã binh thiện chiến Nan-di-cù-sa…, tám vạn bốn ngàn xa binh đẹp mắt quý báu. Lại có vô số trăm ngàn người hầu cận phục vụ chung quanh, tấu lên trăm ngàn loại âm nhạc vi diệu. Cờ phướn quý báu trang nghiêm dẫn đường hộ vệ trước sau, lọng trắng lớn che trên đảnh Luân vương. Tôn giả hiện thần thông như vậy, từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, chưa vào nhà, trụ giữa hư không. Khi thấy sự việc ấy, trưởng giả bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:
–Vị Chuyển luân thánh vương có phước đức uy nghi, dung mạo thắng diệu đặc biệt, đầy đủ bốn loại binh tượng, mã, xa, bộ, hiện thắng tướng như thế, đến đây trụ giữ hư không, là Thầy con phải không?
Đồng nữ đáp:
–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên La-hầu-la. Vị ấy là con Đức Phật, xuất gia học giới chúng đắc quả thánh. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc học giới đệ nhất. Tôn giả ấy hiện thân Luân Vương theo thứ tự đến đây.
Bấy giờ La-hầu-la hiện thân Chuyển luân vương, trụ trên không trung nói kệ:
Ta đang hiện thân Chuyển luân vương.
Dùng sức thần thông nên như vậy
Như rồng có sức ta cũng thế
Bảy báu bốn binh đều đầy đủ.
Thân đang hiện này chẳng phải thật
Tùy nghi dùng phương tiện thần thông
Trưởng giả cần phải biết rõ rằng
Ta là Phật tử La-hầu-la
Đã chứng đắc đủ các thần thông
Trời người đều quy kính cúng dường
Ta vâng lệnh Phật nên tới đây
Đại sư Mâu-ni sắp đến sau.
Tôn giả La-hầu-la nói kệ xong, hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả. Các vị Bí-sô có thần thông như vậy, đều vâng lệnh Đức Phật thị hiện thần thông đủ loại tuần tự đi vào nhà trưởng giả, chờ đợi Đức Phật đến.
Bấy giờ Đức Thế Tôn biết đã đúng lúc, liền nhập Tam-ma-địa quán sát khắp nơi. Khi Ngài ra khỏi quán Tam-ma-địa, toàn than xuất hiện nhiều loại hào quang, màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng tươi đẹp thanh tịnh. Ánh sáng như vậy rộng lớn rực rỡ, chiếu khắp nước Xá-vệ, cho đến tất cả dân chúng trong thành Phước tăng cũng được hào quang soi sáng. Nhờ thần lực của Đức Phật nên họ đều thấy than tướng Phật, trong ngoài sáng rực không ngăn ngại. Khi Đức Phật phóng hào quang thì đại địa chấn động. Đức Thế Tôn mặc y Tănggià-lê, cùng tất cả các vị tùy tùng, các Bí-sô Côn-nỗ-bát-đà-na và đại chúng vây quanh trước sau, ra khỏi thành Xá-vệ đi đến thành Phước tăng.
Bấy giờ Đại Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, biết được sự việc ấy liền cùng với các chúng thiên tử ở Sắc giới đến hộ vệ phía bên phải Đức Phật, Thiên chủ Đế Thích biết việc ấy, cũng với các chúng thiên tử ở Dục giới đến hộ vệ phía bên trái Đức Phật để cùng đi.
Lại có năm trăm Càn-thát-bà Vương như Thiện Ái Âm… tấu lên trăm ngàn loại âm nhạc đi trước Đức Phật để dẫn đường.
Còn có vô số trăm ngàn Trời, Rồng, Quỷ, Thần, nhân, phi nhân… tùy tùng theo sau Đức Phật.
Lại có vô số thiên nữ trên hư không, đều cầm các thứ hoa như hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-nạp-ma, hoa Câu-mẫu-na, hoa Bôn-nô-lợi-ca, hoa trời Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la… Rồi mưa xuống nào là hương chiên-đàn, hương bột, hương Nhị-nga-lỗ, hương Đa-nga-lỗ, hương Đa-ma-la…; các loại diệu hương như thế để cúng dường Đức Phật. Họ lại tấu âm nhạc vi diệu cõi Trời. Đại thể có chúng trời, người đông đảo như vậy vây quanh Đức Phật đi tới.
Bấy giờ, nơi đồng trống rộng lớn bên đường đi, có bảy ngàn Tiên nhân trước đây đã ở đó. trông thấy Đức Thế Tôn có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang tròn tỏa chiếu sang rực như ngàn mặt trời, rộng lớn uy nghi như núi báu hiện, tướng mạo thù thắng tốt đẹp không ai sánh bằng; toàn thân Ngài lại có ánh sang màu vàng ròng vi diệu, rực rỡ, thấy như vậy rồi, họ cùng nhau đến gần trước Đức Phật, đầu mặt lạy nơi chân Phật, chắp tay cung kính đứng qua một bên. Những Tiên nhân này nhờ thiện căn kiếp trước, nên được gặp Đức Phật Thế Tôn đầu tiên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát bảy ngàn vị Tiên nhân ấy, nhận thấy họ thiện căn đã thành thục, nên ngay giữa đồng trống, Ngài tùy cơ lược giảng về pháp môn Tứ đế. Khi các Tiên nhân nghe được pháp này, trí tuệ thêm kiên cố, tâm ý mở thông, mọi người đều hoan hỷ, tức thì vọt thân lên hư không cao hai mươi ngọn núi, cùng chứng quả Tu-đà-hoàn, rồi từ hư không hạ xuống vây quanh Thế Tôn, tùy tùng đi theo Ngài.
Sau khi độ cho bảy ngàn vị Tiên nhân, Đức Thế Tôn từ từ đi đến cửa thành Phước tăng. Ngài tự nghĩ: “Thành Phước tăng này có mười tám cửa, nếu Ta theo cửa Tây vào thì tất cả dân chúng ở các cửa khác không thấy được Ta, vậy Ta nên hiện thân Phật ở khắp các cửa kia, theo các cửa ấy đi vào khiến cho tất cả dân chúng đều được thấy thân Phật, còn chính Ta thì đi vào bằng cửa Tây”.
Đức Thế Tôn nghĩ thế rồi, liền hiện ra nhiều thân tùy theo các cửa đi vào. Mỗi thân đều có đủ trời người, đại chúng vây quanh tùy tùng. Khi Đức Phật đi vào cửa thành, nhờ sức thần thông, trong thành tự nhiên trừ sạch mọi thứ gai gốc, đá sỏi, ngói gạch; tất cả vật bất tịnh đều trở nên thanh tịnh, trong ngoài thơm sạch, mặt đấtt bằng như bàn tay không còn hình tướng cao thấp. Tại các cửa thành nơi Đức Phật đi qua, chỗ thấp nhỏ tự nhiên cao lớn, chỗ chật hẹp tự nhiên rộng rãi. Tất cả các loại voi ngựa trong thành có tánh nết hung dữ không thuần thục thì tự nhiên trở nên thuần thục.
Lại nữa, tất cả dân chúng trong thành đều hoan hỷ chiêm ngưỡng Thế Tôn. Nhờ vào sức thần thông của Đức Phật, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, cho đến những người thân thể bị khuyết tật đều trở nên toàn vẹn. Những người tâm hồn bị hôn mê, say loạn, điên cuồng đều được tỉnh ngộ, Chánh định không loạn tưởng. Người bị trúng độc đều được giải hết độc. Những người thù hận nhau cũng thay đổi thái độ, đối với nhau bằng tâm Từ bi. Những người có thai, thân thể an ổn, sinh con phước đức. Những người nghèo khổ tự nhiên được tài sản quý báu sung túc.
Khi Đức Phật đi vào thành đã có những việc hy hữu như vậy diễn ra, tất cả dân chúng đều được lợi ích, chân thân Đức Phật thì đi vào cửa phía Tây.
Đức Thế Tôn đi vào thành xong, liền thu nhiếp các hóa than thành một thân duy nhất, rồi đến nhà trưởng giả Mô-thi-la. Đồng nữ Thiện Vô Độc thưa với trưởng giả:
–Vị đang đến đây là Đại sư của con, hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác.
Khi thấy Đức Phật với thần thông uy đức và các tướng hảo như vậy, trưởng giả và quyến thuộc đều sinh tâm kính ngưỡng, đầu mặt lạy sát hai chân Phật. Đồng nữ Thiện Vô Độc được gặp Đức Phật, Thế Tôn thì vui mừng hớn hở, đầu mặt lạy sát chân Phật, chắp tay hướng về Ngài nói kệ:
Lời Đức Phật thuyết thật tối thượng
Điều phục được những lời người khác
Người nghe thường sinh tâm thanh tịnh
Con chưa gặp Phật rất khổ não
Đức Phật thương xót nên đến đây,
Hôm nay chúng con được lợi lớn
Con đem tâm thanh tịnh chí thành
Đảnh lễ chân an lành của Phật.
Đồng nữ nói kệ xong liền dâng nước thơm bằng Ngưu đầu chiên-đàn để Đức Phật rửa chân. Rửa chân xong, Đức Phật an tọa trên bảo tòa trang nghiêm tối thượng. Các chúng Bí-sô cũng rửa chân và ngồi theo thứ tự.
Bấy giờ đồng nữ Thiện Vô Độc bưng thức ăn thanh tịnh thượng vị, tự tay dâng lên cúng dường Đức Phật và chúng Bí-sô. Trưởng giả Mô-thi-la cùng quyến thuộc, tự tay dâng thức ăn lên Đức Phật và chúng Bí-sô. Theo thứ tự như vậy, thức ăn được dâng lên tất cả, Đức Phật và các Bí-sô tùy ý thọ trai.
Khi ấy tất cả Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ trong thành Phước tăng và các ngoại đạo Ni-kiền Tử, vô số trăm ngàn người cùng đến nhà trưởng giả ấy để được nhìn thấy Thế Tôn. Theo ý họ, nhà của trưởng giả đang ở quá chật hẹp, không thể dung chứa hết số người đông đảo như vậy, nên họ đều nghi ngại.
Đức Thế Tôn biết ý ấy, liền biến hóa nhà của trưởng giả trở thành thủy tinh, trong ngoài đều trong suốt, rộng rãi, nghiêm tịnh, khiến mọi người đều nhìn rõ Đức Phật không bị trở ngại. Những người ấy được thấy Đức Phật rồi, liền khác miệng cùng lời nói kệ:
Hiện nay nhà trưởng giả
Đều trở thành thủy tinh
Ma-ni và chân kim
Các báu đều rực sáng
Thanh tịnh và rộng rãi
Như cung trời Đế Thích
Đều được thấy Thế Tôn
Đây rất là hy hữu
Hết tất cả chúng con
Trước Đức Phật chiêm ngưỡng
Đều sinh tâm thanh tịnh
Cung kính chắp tay lạy
Mâu-ni giữa chúng hội
Như trăng hiện giữa sao
Trang nghiêm bằng công đức
Thế nên con quy mạng.
Lúc Đức Thế Tôn thọ trai xong, các Bí-sô cũng vậy, Ngài không rời khỏi tòa. Có vô số trăm ngàn chúng Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, phi nhân… cùng các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ, ngoại đạo Nicàn-đà, cho đến đồng nữ Thiện Vô Độc và quyến thuộc, vợ con trưởng giả Mô-thi-la, đông đảo như vậy cùng tập trung chung quanh
Đức Phật để nghe thuyết pháp.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì đại chúng, tùy theo căn cơ diễn nói về pháp môn Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khi Đức Phật giảng pháp môn này, trong đám ngoại đạo có người nhờ thiện căn thành thục, nên nghe pháp hoan hỷ, sinh tâm tin tưởng thanh tịnh quy y Thế Tôn, tùy theo nhận thức của mình, đều được lợi ích. Lại có chúng sinh được trụ ở Noãn vị, có người được trụ ở Đảnh vị, có người được trụ ở Nhẫn vị, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-la-hán. Trưởng giả Mô-thi-la nghe Phật thuyết pháp, phát tâm thanh tịnh, theo sự nhận thức của mình cũng được lợi ích. Đồng nữ Thiện Vô Độc nhờ thiện căn kiếp trước và được nghe thuyết pháp nên đắc quả Tu-đà-hoàn.
Khi đó các Bí-sô đều bạch Phật:
–Thưa Thế Tôn, lành thay! Hy hữu thay! Đồng nữ Thiện Vô Độc này đúng là Thiện tri thức. Do người nữ ấy mà nhiều người đạt được lợi ích. Cô ấy đã có thể thi hành được các Phật sự lớn.
Đức Phật dạy:
–Này các Bí-sô, các ông nên biết, đồng nữ Thiện Vô Độc này chẳng phải chỉ hiện nay trong giáo pháp của Ta là Thiện tri thức thực hiện Phật sự, mà vị ấy đã ở trong Phật pháp đời quá khứ là Thiện tri thức từng hướng dẫn người khác thi hành Phật sự. Các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói lược qua về việc đó.
Các Bí-sô vâng lời Phật, lắng nghe. Đức Phật dạy:
–Này các Bí-sô, trong đời quá khứ, khi loài người sống thọ tới hai vạn tuổi, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Một lúc nọ, Đức Phật du hóa ở vườn Lộc dã, chốn tiên nhân đọa xứ, nước Ba-la-nại, cùng với chúng Bí-sô. Nước ấy có vua tên Ai Mẫn, nhà vua đầy đủ phước đức lớn, dùng chánh pháp trị dân.
Vua có một người con gái khi sinh ra tự nhiên trên đỉnh đầu có mái tóc vàng kim dài mượt, vì vậy đặt tên cô ta là Kim Man (tóc vang dài mượt). Nhà vua rất yêu mến vị công chúa này, ra lệnh cho hậu phi, cung tần, quyến thuộc phải hết sức nuôi dưỡng, hầu hạ cho đến khi trưởng thành. Công chúa nhờ sức thiện căn từ kiếp trước, nên rất mến chuộng Phật pháp. Cô ta nghe Đức Phật hiện ở trong vườn Lộc dã, liền cùng với năm trăm phi tần, quyến thuộc hộ vệ đi đến vườn ấy để chiêm ngưỡng làm lễ Đức Thế Tôn. Đến nơi, công chúa chí thành đầu mặt lạy sát chân Thế Tôn. Đức Phật tùy theo căn cơ mà giảng giải pháp yếu. Công chúa nghe pháp rồi, sinh tâm tin tưởng thanh tịnh, hướng về Đức Phật bạch:
–Con từ hôm nay cho đến trọn đời, xin luôn dâng cúng các thứ ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược lên Thế Tôn. Công chúa thưa bày như thế xong, luôn làm đúng như lời, thường đem tứ sự cúng dường Thế Tôn. Bấy giờ vua Ai Mẫn, vào một đêm nọ thấy mười điềm mộng:
Mộng thấy con voi lớn từ song cửa sổ đi ra, lọt được thân nhưng đuôi còn kẹt nơi song cửa.
Mộng thấy một người khát nước nhưng quay lưng lại giếng nước, người này thà chịu khát chứ không lấy nước uống.
Mộng thấy một người đem ngọc quý của mình đổi lấy lương khô.
Mộng thấy có người dùng gỗ thơm chiên-đàn đổi lấy gỗ thường.
Mộng thấy có một vườn cây hoa trái sum suê, bỗng bị bão lớn thổi tới làm rụng hư nát.
Mộng thấy có các con voi nhỏ rượt đuổi voi lớn chạy đi nơi khác.
Mộng thấy có một con khỉ lớn thân thể dính phẩn dơ, chạy lung tung bốn phía làm bẩn các con khỉ khác, khiến chúng đều xa lánh.
Mộng thấy có một con khỉ ngồi trên tòa, các khỉ khác đều làm lễ quán đỉnh.
Mộng thấy một tấm vải trắng, có mười tám người đều giành một phần nhỏ về mình mà tấm vải không rách.
Mộng thấy có nhiều người tụ tập lại một chỗ cùng nhau tranh cãi lý luận về thị phi.
Đấy là mười giấc mộng nhà vua đã thấy. Sau khi thức dậy, nhà vua suy nghĩ: “Ta thấy mười giấc mộng này nếu không là điềm lành thì chẳng phải là có hại đến mạng sống của ta hay sao?”. Nghĩ như vậy, đến sáng sớm, nhà vua triệu tập quần thần để bàn về giấc mộng kia. Quần thần không thể xác định sự lành hay dữ của nó. Nhà vua cho triệu một vị Bà-la-môn đến và kể lại đủ mười giấc mộng, bảo vị này xét đoán sự việc lành dữ. Vị Bà-la-môn tâu:
–Đại vương nên biết, điềm mộng này không lành, xin nhà vua cho làm phép để phá tan sự chẳng lành ấy.
Nhà vua hỏi:
–Phép của khanh thế nào?
Bà-la-môn tâu:
–Nhà vua rất yêu mến công chúa Kim Man, tất cả dân chúng cũng quý trọng yêu mến công chúa, ngay lúc này xin nhà vua đem con gái yêu dấu ra phá hủy thân thể cho chảy máu để làm song suối, mổ bụng lấy ruột nối lại làm ấp xóm làng. Nếu làm phép này thì phá tan được sự chẳng lành kia. Nếu không làm như vậy thì mạng sống nhà vua bị tổn giảm.
Nhà vua nói: –Ta thà chịu chết, không thể nào làm hại tính mạng của công chúa Kim Man.
Nói rõ như vậy xong, nhà vua hồi cung, im lặng chống tay lên gò má, không vui. Công chúa Kim Man thấy vua ngồi im lặng, có dáng ưu sầu, bèn đến trước nhà vua tâu:
–Phụ vương, vì sao có dáng điệu ưu sầu, suy nghĩ về việc gì, xin phụ vương cho con biết.
Nhà vua kể lại cho Kim Man nghe về mười điềm mộng và lời đoán của vị Bà-la-môn. Công chúa nghe xong, tâu vua:
–Trong vườn Lộc dã cách đây không xa, có Đức Ca-diếp Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng chúng Bí-sô đang tập họp. Phụ vương cùng con nên đến đó, đem giấc mộng hỏi Phật. Đức Phật là Bậc Nhất Thiết Trí, chắc chắn có thể nói cho phụ vương rõ về sự việc thiện ác.
Vua Ai Mẫn theo lời con, cùng công chúa Kim Man và quần thần tùy tùng, đến vườn Lộc dã, chỗ Đức Phật Thế Tôn. Đến nơi, vua đầu mặt lạy sát chân Đức Thế Tôn rồi ngồi qua một bên. Công chúa Kim Man cùng quần thần tùy tùng cũng đều làm lễ và ngồi qua một bên. Lúc ấy có các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ tại pháp hội. Đức Phật vì vua Ai Mẫn và chúng hội, tùy nghi thuyết pháp giảng dạy, làm cho họ đều hoan hỷ. Sau đó, Đức Phật im lặng. Vua Ai Mẫn liền rời chỗ ngồi, đến đứng trước Phật, đem mười giấc mộng lần lượt kể ra. Sau khi kể, vua thưa:
–Con vì sự việc này, sợ mạng sống bị tổn thất, ngưỡng mong Đức Phật từ bi vì con dạy bảo.
Đức Phật dạy:
–Này Đại vương, đừng sợ! Đừng sợ! Giấc mộng đó không phải là việc của vua, cũng không phải là sự việc thiện ác trong hiện nay, thọ mạng của vua cũng không hề bị mất mát. Đại vương nên biết, trong đời tương lai này, khi loài người sống còn một trăm tuổi, sẽ có Đức Phật ra đời hiệu Thích-ca Mâu-ni đầy đủ mười tôn hiệu. Đức Phật ấy trụ thế diễn thuyết giáo pháp hóa độ chúng sinh, theo sự ứng hóa của Ngài. Sau khi làm Phật sự, Ngài nhập Niết-bàn. Giáo pháp để lại có các Bí-sô đệ tử thi hành các sự việc. Giấc mộng hiện nay của vua là hình tướng báo trước về sự việc ấy. Nay Ta vì vua lần lượt giảng giải:
Như giấc mộng vua thấy một con voi lớn theo song cửa sổ đi ra, thân hình tuy lọt nhưng đuôi còn dính lại nơi song, đó là sau khi Đức Phật kia nhập Niết-bàn, trong giáo pháp để lại có nam nữ Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ từ bỏ quyến thuộc, xuất gia học đạo. Tuy đã xuất gia, tâm vẫn còn tham đắm danh lợi thế tục, không thể giải thoát.
Như vua mộng thấy có người khát nước nhưng quay lưng lại giếng, người này thà chịu khát chứ không múc nước uống, đó là giáo pháp của Đức Phật kia để lại có các Bí-sô đã vì các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ thuyết giảng kinh điển của Phật, nhưng những Bà-la-môn… ấy tâm biếng nhác nên đã bỏ qua, không ưa nghe và ghi nhận.
Như nhà vua mộng thấy đem ngọc thật đổi lấy lương khô, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có các đệ tử Bí-sô không chịu y theo kinh điển chính thống để tu tập như năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Chánh đạo, thiền định, các pháp xuất thế gian, lại ưa thích tu tập theo kinh sách, chú thuật, ca vịnh, kệ tụng của thế gian.
Như nhà vua mộng thấy có người dùng gỗ thơm chiên-đàn đổi lấy gỗ thường, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có các Bí-sô đem kinh điển của Phật, đổi lấy kinh sách thế gian, điển tịch của ngoại đạo.
Như nhà vua mộng thấy có các con voi nhỏ đuổi voi chúa chạy nhanh đi nơi khác, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có các Bí-sô phá giới, vô đức thấy những Bí-sô trì giới có đức, cùng nhau ganh ghét, bày ra phương tiện tìm cách đuổi vị kia đi xa.
Như nhà vua mộng thấy có vườn cây hoa trái sum suê, bỗng bị bão lớn thổi tới, làm rơi rụng tan nát, đó là trong giáo pháp để lại của Đức Phật kia, có các Bí-sô thanh tịnh, trì giới, đủ uy đức, đa văn ở yên trong Tăng-già-lam-ma, lại bị chúng Bí-sô thô ác không tu thân, không tu tâm, không tu tuệ, cùng nhau hủy hoại tàn pháp Tăng-già-lam-ma kia, pháp hoại như thế rồi, lại làm cho sự nghiệp tối thắng của các Bí-sô thanh tịnh cũng bị hủy hoại.
Như nhà vua mộng thấy có con khỉ lớn thân dính phẩn uế, xông xáo bốn hướng làm bẩn các khỉ khác khiến chúng đều lẫn tránh, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có các Bí-sô phá giới, tự phá tịnh giới không biết hổ thẹn, lại lai vãng đến trước vua quan có tín tâm thanh tịnh để hủy báng các Bí-sô trì giới có đức.
Như nhà vua mộng thấy có con khỉ ngồi một chỗ, các con khỉ khác thì làm lễ Quán đảnh, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có Bí-sô không tu thắng hạnh, không đức độ, chúng cùng nhau tự dựng lên làm thượng thủ trong Tăng, thống nhiếp các vị có đức độ, tu tập thắng hạnh.
Như nhà vua mộng thấy một tấm vải trắng có mười tám người cùng nhau giành giật từng phần nhỏ mà tấm vải không bị rách, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có các đệ tử dị kiến hung khởi tranh chấp, đem giáo pháp Đức Phật phân làm mười tám bộ, tuy nhiên, giáo pháp của Đức Phật cũng không bị phá hoại.
Như nhà vua mộng thấy có nhiều nhóm người tụ tập một chỗ cùng nhau nghị luận tranh cãi về việc đúng sai, đó là trong giáo pháp của Đức Phật kia để lại, có các Bí-sô tụ tập lại để nghị luận về những việc danh tiếng lợi dưỡng trong thế gian, do nhân duyên ấy cùng nhau tranh giành, không còn tịch tĩnh, dần dần làm cho giáo pháp thanh tịnh của Đức Thế Tôn bị tiêu diệt.
Này Đại vương, mười điềm mộng ấy không phải là việc của nhà vua, thế nên đừng lo sợ về các hiện tượng đó, hãy an tâm vì mạng sống không sao cả.
Khi vua Ai Mẫn nghe Đức Phật giải về điềm mộng rồi, tâm rất hoan hỷ, đảnh lễ nơi chân Phật, trở về vương cung.
Này các Bí-sô, Đức Như Lai Ca-diếp đã vì vua Ai Mẫn giảng về điềm mộng xong, lại vì chúng hội thuyết pháp Tứ đế. Khi ấy, trong hội có tám vạn bốn ngàn người đều được tiếp cận chân lý, thu hoạch lợi ích. Này các Bí-sô, ý các ông nghĩ sao? Công chúa Kim Man trong giáo pháp của Đức Phật kia, vì vua Ai Mẫn làm Thiện tri thức, tạo lập Phật sự, nào phải người xa lạ, nay chính là đồng nữ Thiện Vô Độc.
Này các Bí-sô, vì vậy nên biết rằng, đồng nữ Thiện Vô Độc đã là Thiện tri thức trong giáo pháp của Đức Phật quá khứ. Nay trong giáo pháp của Ta cũng làm Thiện tri thức cho nhiều người, khiến họ đều được lợi ích.
Các Bí-sô lại bạch Đức Phật:
–Thưa Thế Tôn, công chúa Kim Man trong thời Đức Phật Ca-diếp, vì nhân duyên gì khi sinh ra, trên đầu tự nhiên có mái tóc vàng
kim, lại do nhân duyên gì sinh vào vương cung, thọ hưởng giàu sang an lạc.
Đức Phật dạy:
–Này các Bí-sô, công chúa Kim Man vào thời quá khứ là cô gái nghèo ở nước Ba-la-nại. Cô ta đi khắp mọi nơi xin vật trang trí và bột thơm, đem về trang trí và thoa bột thơm lên tháp một vị Phật Duyên giác, sinh tâm thanh tịnh phát lời thệ nguyện: “Nguyện tôi nhờ vào thiện căn này đời đời sinh ở đâu, trên đỉnh đầu có tóc vang kim, sinh trong nhà đại phú giàu sang tự tại tận lực thi hành các Phật sự”. Này các Bí-sô, cô gái nghèo thời ấy là công chúa Kim Man trong giáo pháp của Đức Phật Ca-diếp. Nhờ vào thiện căn và diệu lực của đại thệ nguyện kia, trong năm trăm đời, cô ta sinh vào bất kỳ chỗ nào, tự nhiên nơi đỉnh đầu đều có tóc vàng kim. Này các Bí-sô, do vậy hiện nay đồng nữ Thiện Vô Độc nhờ vào thiên căn và sức đại nguyện của quá khứ, được sinh vào gia đình giàu có của trưởng giả Cấp Cô Độc, khéo hướng dẫn thi hành Phật sự. Vậy phải biết rằng, quyết định thiện nghiệp thì chắc chắn có thiện báo, trong tất cả mọi thời và tất cả mọi nơi, không hề bị tan mất. Vô số nghiệp nhân và vô số quả báo kia, như cảnh giới của đại địa, tính chất nó cứng chắc, không phải như tính chất lưu động ẩm ướt nơi thủy, hỏa, phong giới.
Như vậy, uẩn, xứ, giới… chúng đều khác nhau. Tất cả chúng sinh tạo nghiệp thiện ác, cũng như vậy. Những loại nghiệp nhân sai biệt khác nhau, nên các loại quả báo không phải chỉ có một. Giả sử trải qua đến trăm kiếp, thì pháp nhân quả cũng nhất định không mất.
Đức Phật dạy:
–Này các Bí-sô, thế nên các thiện nam, thiện nữ, cần phải đối với Phật, Pháp, Tăng sinh lòng tin sâu xa thanh tịnh, tôn trọng cung kính; đối với kinh điển ấy luôn tin chắc chắn và thọ trì, truyền bá khắp nơi, như lý tu hành. Này các Bí-sô, phải tu học như vậy.
Khi Đức Thế Tôn đã vì các Bí-sô nói về nhân duyên quá khứ của đồng nữ Thiện Vô Độc như trên. Ngài lại vì đồng nữ Thiện Vô Độc, quyến thuộc của trưởng giả Mô-thi-la, cho đến các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ trong thành Phước tăng cùng tất cả Trời, người, đại chúng khác, tùy căn cơ của họ mà thuyết giảng chánh pháp, khiến họ đều được lợi ích. Bấy giờ Đức Thế Tôn và chúng Bí-sô ngay giữa hội ấy bèn ẩn thân biến mất, đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ thì hiện thân lại như cũ.
Đức Phật nói kinh này xong, đồng nữ Thiện Vô Độc, trưởng giả, các quyến thuộc, các Bí-sô…, tất cả đại chúng nghe Đức Phật giảng dạy, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.