PHẬT NÓI KINH NHÂN DUYÊN CON
GÁI TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC ĐƯỢC ĐỘ

Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Kinh Nhân Duyên Con Gái Trưởng Giả Cấp Cô Độc

QUYỂN TRUNG

Đến lượt Tôn giả Đại Ca-diếp hóa ra ngọn núi lớn bằng vàng, màu sắc sáng chói, có các rừng cây, chim bay lượn vòng quanh trên núi. Tôn giả ngồi yên trên đỉnh núi, hiện thần thông, từ hư không bay đến, vòng quanh thành ba lượt, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả Mô-thi-la.

Trưởng giả thấy sự việc ấy liền hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị ở trên đỉnh núi bằng vàng bay đến đây, hiện tướng trạng như vậy rồi đi vào nhà, là Thầy con phải không? Đồng nữ đáp:

–Đó không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Đại Ca-diếp. Vị ấy khi chưa xuất gia, gia đình rất giàu, vàng bạc châu báu nhiều vô lượng. Vị ấy có trăm ngàn loại y phục thượng diệu, quyến thuộc đông đảo, mọi người đều kính trọng, nhưng do nhàm chán cuộc sống thế tục nên đã từ bỏ tất cả sự giàu sang như vậy, xuất gia tu hành, chứng đắc đạo quả. Lại nữa, vị Tôn giả ấy thường ở một nơi, thường trì một y, luôn thiểu dục tri túc, thường hay thu nhiếp giáo hóa các chúng sinh nặng về tham ái. Vào một lúc nọ, Tôn giả ấy đã được Đức Phật chia nửa tòa cho ngồi chung.

Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc tu hạnh Đầu-đà đệ nhất. Tôn giả ấy đã đến theo thứ tự.

Lúc ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên tướng tốt tự nhiên trang nghiêm đặc biệt, hóa ra xe Đại long, mình thì ngồi yên trên xe, hiện thần thông, từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống, vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả thấy sự việc ấy, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị ngồi xe Đại long bay đến, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Đại Mục-kiền-liên. Vị ấy có đại thần thông, tại đỉnh núi Diệu cao, trong một lúc đã hàng phục hai vị Long vương là Nan-đà và Ô-banan-đà.

Cung điện trời Đế Thích với chu vi ngàn do-tuần, cao hai do tuần rưỡi, có tám vạn bốn ngàn cột quý, nhiều loại trang sức, tại nơi đó, vị này chỉ cử động một ngón chân, là có thể làm cho cả cung điện của Đế Thích bị chấn động. Còn nữa, vào lúc nọ, Đức Phật ở thôn Phệ-lan-đế, bảo các Bí-sô: “Hiện nay, vùng thôn ấp ở đây có hiện tượng đói kém, nên các Bí-sô khất thực khó khăn”. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe Đức Phật nói xong, không rời Phật hội, ngay tức thì đã di chuyển mặt đất này đặt ở thế giới phương Dưới, lấy tất cả vật có thể ăn được của thế giới ấy đem đặt ở mặt đất này, khiến cho các vật đều tăng trưởng. Tôn giả dùng sức thần thông như vậy thay phương Trên xuống phương Dưới xong, mặt đất này vẫn yên như cũ, khiến cho các chúng sinh ở đây thoát khỏi nạn đói. Đức Phật nói: “Này Đại Mục-kiền-liên, khi mặt đất này di chuyển, những chúng sinh trên mặt đất, làm sao có thể yên ổn được?”

Đại Mục-kiền-liên bạch Phật: “Tay trái con giữ lấy chúng sinh, còn tay phải thì di chuyển mặt đất. Mặt đất tuy di chuyển, nhưng các chúng sinh ở đây đều yên ổn tự nhiên, không hề biết có sự di chuyển”.

Đức Phật hỏi: “Đại Mục-kiền-liên, khi di chuyển như vậy, ông có ý tưởng gì?”

Đại Mục-kiền-liên bạch Phật: “Theo ý của con, như người lực sĩ di chuyển tấm lá chuối không chút khó khăn, con di chuyển mặt đất cũng như vậy”.

Đức Phật dạy: “Lành thay! Lành thay! Ông có thể sử dụng các thần thông với phương tiện như vậy”.

Thưa trưởng giả, Đức Phật đã nêu rõ vị này là bậc đạt thần thông đệ nhất. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đến đây.

Tiếp theo là Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên hóa ra lâu đài bằng thủy tinh, có nhiều loại cột quý giá với các lưới báu, ngọc quý, chuỗi ngọc trang trí rộng khắp bằng cách treo giăng lẫn nhau.

Tôn giả ngồi kiết già trong lâu đài ấy, hiện thần thông, từ hư không bay đến, nhiễu quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống, vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả thấy sự việc này, hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây với lâu đài bằng thủy tinh trang nghiêm các loại báu, ngồi kiết già trong đó, hiện tướng như vậy rồi đi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ma-ha Ca-chiên-diên. Vị ấy có khả năng khéo phân biệt câu và nghĩa trong kinh điển. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc luận nghị đệ nhất về kinh điển. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đến.

Đến lượt Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, hóa ra xe Đại ngưu, Tôn giả thì ngồi yên trên xe, hiện thần thông, từ hư không đến bay quanh thành kia ba vòng, sau đó hạ xuống, vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả thấy sự việc ấy, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây bằng xe Đại ngưu, hiện tướng như vậy rồi đi vào

nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ma-ha Câu-hy-la. Vị ấy uy nghi đĩnh đạc, các căn từ tốn thanh tịnh, khi mới xuất gia đã thuần thục tự nhiên như vị tu hành trải qua tám mươi hạ, thông tỏ các phạm hạnh như tu tập đã lâu. Đức Phật đã nêu rõ vị ấy là bậc thiểu dục tri túc đệ nhất. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đến đây.

Tiếp đến là Tôn giả Ưu-ba-ly, hóa ra rừng cây Kim-đa-la, hoa trái đầy đủ, màu sắc tươi đẹp. Có những loài chim lạ như chim Cachỉ-la, Xá-lợi-ra… quần tụ vui đùa trên rừng cây ấy, hót lên những âm thanh vi diệu khả ái. Tôn giả ấy hiện thân mình ở trong rừng cây, dùng thần thông từ hư không đến, bay quanh thành này ba vòng, sau đó hạ xuống, rồi đi vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả nhìn thấy việc này, hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Rừng cây Kim-đa-la bay đến đây, vị hiện thân ngồi trong đó, hiện ra hình tướng như vậy, rồi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Ưu-ba-ly. Vị này khéo thọ trì giới, gia tộc rất giàu. Xưa kia, khi chưa xuất gia, gặp lúc có năm trăm đồng tử họ Thích đều muốn xuất gia, thường dùng các loại quý giá để trang sức nơi thân thể, đến trước Ưu-ba-ly, họ bèn tự cởi hết những vật trang sức quý giá ấy gom lại một nơi, nói: “Chúng tôi từ bỏ những thứ này để cầu xuất gia”. Ưuba-ly trông thấy sự việc này, tự suy nghĩ: “Những đồng tử ấy tướng mạo đều đoan nghiêm, gia tộc giàu sang, đều có thể vứt bỏ hết những thứ để cầu xuất gia. Nay ta vì sao còn yêu thích những vật trang sức mà không tự giác ngộ?”

Sau khi suy nghĩ như vậy, vị ấy nhờ nhân duyên đó, cũng vứt bỏ những vật trang sức, theo Phật xuất gia, chứng đắc quả A-la-hán đầu tiên trong nhóm. Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc trì luật đệ nhất.

Tôn giả ấy đã theo thứ tự đi đến đây. Đến lượt Tôn giả Mã Thắng, oai nghi đĩnh đạc, các căn tịch tịnh, ôm bình bát từ hư không đến, bay quanh thành ba vòng, rồi hạ xuống, vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả trông thấy sự việc ấy, hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây, oai nghi đĩnh đạc, các căn tịch tĩnh, ôm bình bát, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con chăng?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Mã Thắng. Sau khi xuất gia, vị ấy oai nghi luôn đĩnh đạc, các căn tịch tịnh, có khả năng hàng phục voi say mà chứng quả Thánh. Một thời nọ vị này vì Tôn giả Xá-lợi Tử nói bài kệ:

Do nghiệp và phiền não
Làm nhân sinh hành động
Vì vậy nên thế gian
Luân hồi không cùng tận
Người không bị xoay chuyển
Vì hai nhân hoặc, nghiệp
Liền thoát ly thế gian.
Đức Thế Tôn đã dạy
Nếu hai pháp sinh, già
Chúng không còn hiện hành
Chắc chắn trong thế gian
Quyết định không có khổ
Vị ấy sẽ giải thoát
Chánh ngữ này tối thượng
Đại Sa-môn, Ngưu vương
Thông tỏ nên nêu giảng.

Khi Xá-lợi Tử nghe xong bài kệ này, liền hiểu rõ ý nghĩa của nó, ngay sau lời nói ấy liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Đức Phật cho biết Tôn giả Mã Thắng là bậc uy nghi đệ nhất. Tôn giả ấy đã đi đến đây theo thứ tự của mình.

Tiếp theo là Tôn giả Mãn Từ Tử hóa ra hoa sen bằng vàng có ngàn cánh, cánh hoa lớn như bánh xe, cọng hoa bằng lưu ly, râu bằng kim cương, trang trí như vậy với màu sắc chiếu sáng rực rỡ.

Tôn giả này hiện thần thông, ngồi trên hoa sen, từ hư không đến bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống, rồi vào nhà trưởng giả. Trưởng giả nhìn thấy sự việc đó, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây ngồi trên hoa sen bằng vàng ngàn cánh màu sắc rực rỡ sáng chói, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải là Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Mãn Từ Tử. Vị ấy có khả năng khéo tuyên dương chánh pháp. Đức Phật nêu rõ vị ấy là bậc nhất trong những người thuyết pháp. Tôn giả ấy theo thứ tự đã đi đến đây. Đến lượt Tôn giả Đa Tài Tử, hóa ra một ngọn núi lớn trang  nghiêm bằng bốn thứ báu, có cờ phướn đặc biệt tốt đẹp, đầy đủ các loại linh báu, gió thổi hòa theo tiếng kêu, người nghe đều ưa thích.

Tôn giả, hiện thần thông, ngồi trên đỉnh núi, từ hư không đến, bay quanh thành kia ba vòng, sau đó hạ xuống và vào nhà trưởng giả. Trưởng giả nhìn thấy sự việc đó, hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây ngồi trên đỉnh núi, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Đa Tài Tử. Vị ấy gia tộc vốn giàu có phồn thịnh, tất cả các nhu cầu hưởng thụ đều được đầy đủ, thường bố trí chỗ ngồi, chỗ nằm, giường lớn, giường nhỏ, thanh tịnh trang nghiêm để sẵn sàng phục vụ Tăng chúng bốn phương vãng lai, cung cấp tùy theo sự cần dùng của từng người. Đức Phật nói rõ vị ấy là hàng tự tại bậc nhất trong những người thọ hưởng phước đức. Tôn giả ấy đã đến đây theo thứ tự.

Tiếp theo là Tôn giả A-nê-lỗ-đà hóa ra một cung điện bằng vàng, bên trong trang trí bằng lưu ly, treo lơ lửng các vật quý báu xen lẫn khắp nơi, hết sức trang nghiêm tốt đẹp. Trong điện có tòa sư tử, Tôn giả ngồi trên tòa, hiện thần thông, từ hư không đến bay quanh thành ấy ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả trông thấy sự việc, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây với cung điện lớn bằng vàng, bên trong trang trí bằng lưu ly, trên điện có tòa Sư tử, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Anê-lỗ-đà. Ở vô số kiếp về trước, vị ấy đã từng phát tâm thanh tịnh, đem một phần thức ăn cúng dường cho vị Phật Duyên giác, do nghiệp thiện đó nên bảy lần trở lại cõi người đều làm vua Chuyển luân, lại bảy lần sinh lên cõi trời Tam thập tam, đều làm chủ cõi ấy.

Nhờ dư báo của nghiệp hành đó, vị ấy được sinh vào dòng họ rất giàu, tuy có đến trăm ngàn vạn vàng bạc châu báu, nhưng đều xả bỏ tất cả để xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia, vị ấy luôn có đầy đủ thức ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc thang, tất cả đều như ý, tinh tấn tu tập phạm hạnh chứng đắc đạo quả, lại gặp nhân duyên chứng được Thiên nhãn thanh tịnh. Đức Phật đã nêu rõ vị ấy là bậc đạt Thiên nhãn đệ nhất. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đi đến đây.

Đến lượt Tôn giả Văn-câu-chi, hóa ra một tòa bằng các loại hoa. Tôn giả ngồi trên tòa ấy, hiện thần thông, từ hư không đến bay quanh thành ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.

qTrưởng giả trông thấy sự việc đó, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây ngồi trên tòa bằng các loại hoa, hiện tướng như vậy rồi đi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải là Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Văn-câu-chi, con một trưởng giả rất giàu có. Vị ấy khi sinh ra, cha mẹ rất vui mừng, nói với nhau: “Nhà ta đã giàu có lại sinh con phúc đức, vậy cần phải đưa ra nhiều vàng bạc châu báu để mọi người được biết sự giàu sang ấy”.

Bàn luận xong, họ liền xuất kho lấy những vật quý giá kỳ lạ, mời những người hiểu biết về vật quý báu đến xem. Trưởng giả nói:

“Này quý vị, hãy xác định cho tôi những loại quý báu này giá trị bao nhiêu?”

Những người kia trả lời: “Châu báu này vô cùng đặc biệt kỳ lạ, không thể biết hết giá trị của nó”.

Trưởng giả liền nói: “Giá trị một ức (câu-chi)”.

Những người kia hỏi: “Này trưởng giả, có phải mỗi một vật báu giá trị một ức không?”

Trưởng giả đáp: “Đúng vậy! Đúng vậy!”

Những người kia khen ngợi: “Trưởng giả thật giàu có không ai bằng”.

Khi ấy trưởng giả hỏi: “Con tôi mới sinh, nên đặt tên gì?”

Có người nói: “Khi sinh đồng tử, nghe nói vàng ngọc quý báu giá trị đến số ức (câu-chi)”.

Trưởng giả theo như lời nói ấy, nên đặt tên cho con là Văncâu-chi.

Đức Phật nói rõ, vị ấy là bậc nhất trong việc xa lìa các phiền não. Tôn giả ấy đã theo thứ tự đến đây.

Lúc ấy Tôn giả Thọ-đề-ca hóa ra cỗ xe Khổng tước, tự than ngồi trên xe ấy, hiện thần thông từ hư không đến, bay quanh thành kia ba vòng, sau đó hạ xuống rồi vào nhà trưởng giả.

Trưởng giả Mô-thi-la thấy sự việc đó, bèn hỏi đồng nữ Thiện Vô Độc:

–Vị đến đây bằng xe chim công, hiện tướng như vậy rồi vào nhà, là Thầy con phải không?

Đồng nữ đáp:

–Đấy không phải Thầy con mà là vị đệ tử của Đức Phật, tên Thọ-đề-ca. Khi chưa xuất gia vị ấy là trưởng giả rất giàu có của thành Vương xá, tuy ở cõi người nhưng hưởng thọ thắng phước nơi cõi trời. Trong nhà vị ấy thường dùng vải mịn thượng hảo hạng làm khăn sạch để sử dụng. Một lúc nọ, họ đem khăn sạch phơi nắng, bị gió lớn thổi bay đến trước cung điện vua Tần-bà-sa-la. Vua Tần-bà-sa-la thấy khăn sạch này tự nhiên có trước mặt mình, bèn hỏi vị quan hầu: “Ồ! Tấm vải mịn màng đẹp đẽ thượng hạng này, trên đời không có loại nào bằng, ta ở ngôi vua mà chưa từng thấy, thế nó từ đâu đến, các người biết không?”

Vị quan hầu tâu: “Đại vương biết cho, trong thành này của Đại vương có vị đại phú trưởng giả tên Thọ-đề-ca, Đức Phật nói người này hiện nay ở nhân gian nhưng thọ hưởng thắng phước từ cõi trời.

Theo ý chúng thần thì đây là vật từ trong nhà của vị trưởng giả kia. Đại vương nên triệu ông ta đến hỏi tất biết sự thật”.

Bấy giờ nhà vua liền triệu trưởng giả đến trước mặt, lần lượt hỏi về sự việc ấy. Thọ-đề-ca tâu: “Tấm lụa mềm này là khăn sạch trong nhà thần sử dụng. Hôm trước đem phơi bị gió thổi đến đây, sự thật là như vậy, xin Đại vương tha tội”.

Nhà vua nói: “Ta thấy ngươi chẳng có tội gì cả, chỉ vì nghe ngươi hưởng thọ thắng phước từ cõi trời, việc này có thật không?”

Thọ-đề-ca tâu: “Đúng vậy! Đúng vậy!”

Nhà vua nói: “Này Thọ-đề-ca, ta muốn đến nhà của ngươi, để xem qua một lần được chăng?”

Thọ-đề-ca tâu: “Tâu Đại vương, thần là dân của nhà vua, do vua thống lãnh, nếu Đại vương quá bộ tới thì thật may mắn cho nhà dân thường, hạ thần rất vui mừng”.

Nhà vua nói: “Ngươi hãy về trước, chuẩn bị thức ăn, ta sẽ đến sau”. Thọ-đề-ca nói: “Nếu người được hưởng thụ thắng phước của cõi trời, không cần ra sức làm gì cả, thức ăn tự có sẵn, xin mời nhà vua cùng đi luôn”.

Khi ấy vua Tần-bà-sa-la cùng quần thần hộ giá, đi đến nhà trưởng giả Thọ-đề-ca. Trưởng giả đi trước dẫn đường cho vua. Khi đến cổng nhà trưởng giả, nhà vua thấy nô tỳ giữ cửa dung mạo đoan nghiêm, trang sức bằng vật báu tốt đẹp, ý nhà vua nghĩ rằng đây là vợ của trưởng giả nên tạm đứng lại, không tiến tới nữa. Thọ-đề-ca tâu: “Đại vương! Vì sao bệ hạ đứng lại không tiến tới?”

Nhà vua nói: “Này Thọ-đề-ca vợ ngươi ở đây, nên ta tạm đứng lại”. Thọ-đề-ca tâu: “Đây không phải là vợ thần mà là tỳ nữ giữ cổng”.

Nhà vua từ từ đi vào, đến bên trong cổng ngoài, lại thấy như trước và cũng tạm đứng lại. Thọ-đề-ca lại tâu: “Đại vương, vì sao lại dừng lại không đi nữa?”

Nhà vua trả lời như trước. Thọ-đề-ca tâu: “Đây không phải là vợ thần mà vẫn chỉ là tỳ nữ giữ cổng”.

Nhà vua đi vào cổng trong, thấy mặt đất bằng ma-ni quý báu, ánh sáng như ngọc trong suốt rực rỡ, có hình tướng các loài thủy tộc, ý nhà vua cho đó là hồ nước nên tạm đứng lại, không dám tiến tới.

Thọ-đề-ca tâu: “Đại vương vì sao đứng lại không đi nữa?”

Nhà vua nói: “Chỗ này có nước nên ta không tiến tới”.

Thọ-đề-ca tâu: “Đây không phải là nước, mà chỉ là mặt đất do ma-ni báu tạo thành”.

Nhà vua hỏi: “Nếu là đất báu tại sao có các loài thủy tộc ở trong?”

Thọ-đề-ca tâu: “Đó không phải là các loài thủy tộc thật, chỉ là ánh sáng của ma-ni báu phản chiếu nhau nên có như vậy”.

Bấy giờ nhà vua tuy nghe nói, nhưng vẫn chưa tin, tự tay cởi nhẫn ném xuống đất. Chiếc nhẫn chạm vào đất phát tiếng kêu, vua mới tin đúng là mặt đất bằng ma-ni báu. Sau đó, vua Tần-bà-sa-la vào nhà, ngồi trên tòa sư tử. Trưởng giả Thọ-đề-ca đứng hầu một bên. Lúc ấy, vợ trưởng giả đi ra trước vua, đang cung kính làm lễ thì bỗng nhiên nước mắt chảy ra, nên đứng qua một bên.

Nhà vua hỏi: “Này trưởng giả, vợ ngươi tại sao gặp vua lại rơi lệ?”

Thọ-đề-ca tâu: “Vợ của tiểu thần được lễ bái trước bệ hạ, lòng rất vui mừng, nào dám khóc lóc; chỉ vì áo vua đang mặt có mùi khói, khói xông vào mắt nên tự nhiên rơi lệ. Tâu Đại vương, vì thế, người thọ hưởng thắng phước của trời, muốn có thức ăn uống, không cần khói lửa để nấu, có châu báu như ý tự nhiên đưa ra thức ăn”.

Nhà vua nói: “Lành thay! Việc này thật hy hữu”.

Vua Tần-bà-sa-la ở chỗ trưởng giả Thọ-đề-ca sau khi ăn uống, mãi mê quan sát cảnh vật trong nhà trưởng giả, quên cả việc trở về cung. Bấy giờ, các cận thần nghĩ: “Nhà vua ở đây đã lâu, nếu chưa hồi cung, sợ rằng việc triều chính trong nước bị ngưng trệ”.

Nghĩ như thế rồi, họ cùng nhau tâu vua: “Đại vương, lưu lại ở đây đã lâu, xin mau hồi cung, e rằng chính sự trong nước bị ngưng trệ”.

Nhà vua bảo quần thần: “Ta ở đây mới chỉ một ngày, với chính sự trong nước vẫn chưa phải là bỏ phế lâu dài”.

Trưởng giả Thọ-đề-ca tâu: “Đại vương ở trong nhà kẻ hèn này đã qua bảy ngày”.

Nhà vua nói với trưởng giả: “Ta ở trong nhà ngươi mới sáng nay mà đã qua bảy ngày, việc này đúng không?”

Thọ-đề-ca tâu: “Tâu Đại vương, đúng vậy! Tâu Đại vương, đúng vậy! Đối với Đại vương hạ thần nào dám nói dối”.

Nhà vua lại hỏi: “Trong nhà khanh xem việc gì để biết ngày đêm?”

Thọ-đề-ca tâu: “Có hoa nở ra và khép lại để phân biệt ngày đêm. Có châu báu ma-ni tỏa ra ánh sáng khi rực rỡ và khi không rực rỡ để phân biệt ngày đêm. Có những chim lạ tự nhiên khi cùng hót, khi không cùng hót để phân biệt ngày đêm. Đại vương biết cho, khi hoa nở biết đó là ngày, khi hoa khép lại biết đó là đêm. Khi ánh sáng châu báu ma-ni rực rỡ, biết đó là ngày, khi ánh sáng châu báu ma-ni không rực rỡ biết đó là đêm. Khi chim lạ cùng hót, biết là ngày; khi chúng yên lặng không hót biết đó là đêm. Tâu Đại vương, nhà của thần dựa vào những hình tượng như vậy để phân biệt ngày và đêm”.

Vua Tần-bà-sa-la nói với trưởng giả Thọ-đề-ca: “Thật là hy hữu! Hy hữu! Đức Phật nói lời chân thật không hư vọng. Đức Phật nói ngươi ở trong nhân gian, nhưng hưởng thọ thắng phúc của trời, ngày nay ta thấy được sự việc đúng như vậy”.

Vua Tần-bà-sa-la nói xong, rời khỏi nhà trưởng giả, trở về vương cung.

Này trưởng giả Mô-thi-la, nên biết rằng vị ấy có những thắng phước của trời người như thế, lại có thể xả bỏ tất cả để xuất gia tu đạo, chứng quả A-la-hán. Đức Phật nói rõ vị ấy là bậc nhất về thọ hưởng thắng phước của trời. Tôn giả ấy đã theo thứ tự mà đến đây.

Trang: 1 2 3