KINH LUẬT DỊ TƯỚNG

Đời Lương, nhóm Sa-môn Tăng Mân, Bảo Xướng v.v… biên tập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 45

 

1. CÔ GÁI BÁN TÓC MÌNH ĐỂ LẤY TIỀN CÚNG PHẬT

Xưa có một cô gái rất đẹp, tóc màu đỏ tía dài xuống tới chân. phu nhân của Quốc vương nài cô bán cho phu nhân với giá một ngàn lượng vàng nhưng cô không chịu. Khi được gặp Đức Phật, cô vui mừng xin thiết lễ cúng dường. Được Đức Phật nhận lời, cô xin cha mẹ giúp cô cúng Phật. Cha mẹ cô bảo:

– Nhà ta nghèo, không có gì để làm cơm cúng Phật.

Cô gái thưa:

– Bán tóc con để làm cơm.

Cha mẹ cô đến bạch Phật:

– Bạch Đức Thế tôn! Kính mong Ngài ngày mai đến nhà con dùng bữa cơm đạm bạc.

Trong lúc đó, cô gái cắt tóc mình bán cho phu nhân của vua. Phu nhân biết cô gái có chuyện cần gấp nên chỉ đưa năm trăm lượng vàng. Cô gái lấy vàng đi mua thức ăn, vui sướng vô cùng. Cô thầm nguyện: Do đời trước con hối tiếc tham lam nên đời nay nghèo nàn, nguyện cho con đời sau thoát khỏi cảnh khổ này. Về đến nhà, thấy Đức Thế tôn phóng hào quang năm sắc sáng rực cả nhà, cô liền đảnh lễ Phật, rồi nhiễu Ngài ba vòng, tự nhiên tóc trên đầu cô ra dài như cũ. Đức Phật bảo:

– Cô gái này đời trước nghèo khổ, không có gì để bố thí, thường đem đầu mặt lễ chân Phật, nên tám mươi mốt kiếp sau thường sinh vào loài người. Khi phước báu này hết, cô lại sinh vào nhà nghèo khó. Nhờ biết tạo công đức, gặp ta, cô sanh lòng hoan hỷ, nên được hưởng phước vô lượng. Lúc mệnh chung, cô sẽ sinh lên cõi Trời Đao Lợi. Lúc phước đức thọ mạng cõi Trời hết, cô sẽ phát tâm tu Bồ-tát đạo.

Cha mẹ, anh em cô ai nấy đều vui mừng, và mạng chung được sanh lên Trời.

(Trích kinh Thí Dụ bộ mười quyển, quyển 3)

2. BÀ MẸ ĐỘC THÂN SINH ĐƯỢC TRĂM CON

Thuở xưa, có một bà mẹ độc thân, được thuê giữ ruộng vườn. Chủ nhà bận việc nên đưa cơm đến trể. Khi sắp ăn, bỗng có vị Sa-môn đến khất thực. Bà mẹ độc thân lấy hết phần ăn của mình đặt vào bát của Sa-môn, rồi lại lấy một cành hoa sen dâng cúng. Vị này Sa-môn liền hiện bày thần túc, bà ta vui mừng nói:

– Ngài là Thánh nhân ư? Nguyện đời sau con có được một trăm người con giống như Ngài.

Sau đó, bà mạng chung, Phạm chí an vị hài cốt của bà trong nhà. Linh hồn gá vào chỗ Phạm chí tiểu tiện. Có con nai đến liếm nước tiểu liền có thai. Khi đủ thán, nó sinh ra một cô gái. Phạm chí nuôi nấng cho đến lúc cô hơn mười tuổi, bảo trông nhà giữ lửa. Cô gái đùa nghịch với nai, không biết lửa đã tắt lúc nào. Đến khi người cha sai đi lấy lửa, cô vào xóm đông người xin lửa, mỗi bước đi hiện ra một hoa sen. Người có lửa bảo:

– Mày nhiễu quanh nhà tao ba vòng, tao sẽ cho mày lửa.

Cô gái làm theo lời người kia, hoa sen theo bước chân cô mọc quanh nhà ba lớp. Nhà vua nghe chuyện ấy, bèn triệu thầy tướng đến hỏi. Thầy tướng tâu:

– Chắc có Thánh nhân nào đến đây.

Vua ra lệnh cho hiền thần đem sính lễ đến rước cô vào cung. Sau đó, cô mang thai, đến ngày khai hoa nở nhụy sinh được một trăm trứng. Từ hậu phi cho đến thiếp, không ai không ganh tỵ với cô. Họ dùng túi đựng trứng rồi thoa mật lên miệng túi, quăng xuống sông. Trời Đế thích bay xuống ấn vào miệng túi. Chư thiên bảo hộ cho trôi êm theo dòng nước, cuối cùng cho vướng vào cái cọc thuộc một nước ở cuối nguồn. Vua nước đó từ trên đài, xa nhìn thấy giữa dòng sông có một cái túi chiếu sáng rực giống như có thần linh, liền cho người vớt lên xem. Thấy dấu ấn của Đế thích, vua cho ấp một trăm trứng đó, đúng ngày giờ nở ra trăm người con trai. Những người này có sẵn trí của bậc Thánh, không cần chỉ dạy đã biết mọi điều. Trăm người này đều có tướng tốt và rất mạnh khoẻ. Vua đem một trăm con voi trắng cho một trăm người con Thánh. Họ đi chinh phục các nước láng giềng khiến tất cả đều qui hàng.

Sau đó, họ lại chinh phục nước của vua cha. Nhà vua phán hỏi:

– Ai có khả năng chống cự bọn địch này?

Người mẹ tâu:

– Đại vương chớ lo, thần thiếp sẽ hàng phục chúng cho Đại vương.

Nói xong, bà lên lầu nhìn xuống, cất cao giọng nói:

– Có ba thứ đại nghịch:

Một là không xa lánh bọn tà sẽ chuốc khổ hai đời. Hai là sinh ra không biết cha mẹ mà trái nghịch với hạnh hiếu. Ba là ỷ vào thế lực giết hại cha mẹ, phá hoại Tam bảo. Người phạm phải ba đại nghịch này phải thọ tội ác không bao giờ dứt. Các ngươi hãy há miệng ra, sẽ nhận lấy tín hiệu này.

Người mẹ liền bóp vú mình. Thiên nhân khiến sữa bắn thành giọt vào miệng một trăm người con. Chúng uống những dòng sữa tình thương với tất cả lòng chí thành và cùng lên tiếng: “Đây là mẹ ta”. Nói xong, chúng dập đầu hối lỗi. Mẹ con quây quần như hội, ai cũng xúc động. Bấy giờ, hai nước hòa thuận, đều được tiếng tốt.

Các người con thấy đời vô thường, từ giã cha mẹ đi học đạo, lánh xa cuộc sống thế tục, chín mươi chín người con đắc quả Duyên giác, còn một người lên làm vua trị nước khi vua cha băng hà. Sau khi lên ngôi, vua đại xá cho các tội nhân, và mở kho bố thí, nhân dân đều được đầy đủ. Vua dùng pháp Thập thiện để trị nước, xây dựng chùa tháp, cúng dường Sa-môn, tụng kinh bàn đạo, không phạm bốn nghiệp ác ở miệng. Cả mẹ con đều được Đế thích nuôi dưỡng, bảo bọc. Người con ở lại làm vua chính là ta, cha là vua Bạch Tịch, mẹ là Xá Diệu.

(Trích Độ vô cực tập quyển 2)

3. NGƯỜI MẸ LÚC CÓ THAI GẶP PHẬT, MONG CON MÌNH SAU CŨNG ĐI TU

Cô gái nọ mang thai được vài tháng, gặp Đức Phật và chúng Tăng, liền thầm nghĩ: Ta sinh ra đứa này sẽ bảo nó làm Sa-môn, thành đệ tử Phật.

Khi đủ ngày đủ tháng, bà sinh được đứa bé trai xinh đẹp khác thường. Năm đứa bé lên bảy, nhà nghèo, bà làm thức ăn chỉ đủ cho hai người ăn và ba pháp y, tay cầm bình tắm, dẫn con đến bạch Phật:

– Xin Đức Thế tôn thương xót con của con mà cho nó làm Samôn.

Đức Phật chấp nhận, sai lấy nước rửa tay cho đứa bé. Ngay lúc ấy, chín con rồng từ trong miệng bình bay ra phun nước tắm đứa bé, nước dư bắn lên đầu đứa bé biến thành dù hoa, bên trong có tòa sư tử, có Phật ngồi trên tòa. Đức Phật cười phát ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp ngàn ức cõi Phật, ánh sáng ấy trở lại nhiễu quanh thân Phật rồi tụ trên đỉnh đầu cậu bé.

Người mẹ dâng hết cơm và thức ăn cúng Phật, người con phát tâm Vô thượng. Ngay khi ấy, mười ức cõi Phật chấn động sáu cách. Các Đức Phật tự nhiên xuất hiện. Bấy giờ, bà đem phần cơm của hai mẹ con dâng cúng hết thảy chư Phật và chúng Tỳ-kheo khiến tất cả đều được no đủ nhưng cơm vẫn còn y nguyên. Lúc đó, tóc đứa bé tự rụng, trở thành Sa-môn, đắc quả Bất thối chuyển.

(Trích kinh Thí dụ bộ mười quyển, quyển 3)

4. THAM LAM ĐỌA ĐỊA NGỤC, LÀM THIỆN SINH LÊN TRỜI

Thuở xưa, ở phía Đông thành Vương xá, có một bà già tham lam keo kiệt, không tin Tam bảo. Cô hầu gái của bà thì tinh tấn, thường hành từ bi, luôn làm hai việc lợi ích cho tất cả mọi người: một là không đổ nước sôi lên đất; hai là đồ thừa cơm dư thường đem cho người.

Lúc bà lão lâm bệnh, chỉ còn hơi thở thoi thóp, thần thức dẫn bà vào địa ngục, thấy xe lửa, bếp than, nước sôi sùng sục, núi dao rừng kiếm khổ sở muôn bề.

Bà hỏi:

– Đây là chỗ nào?

Ngục tốt đáp:

– Đây là địa ngục. Ở phía Đông thành Vương-xá, có bà già tham lam keo kiệt phải đọa vào ngục này. Bà lão tự biết nên sợ hãi, kinh hoàng. Tiến lên chút nữa, lại thấy cung điện bảy báu, có trăm ngàn kỹ nữ và các thứ trân bảo. Bà hỏi ngục tốt:

– Đây là chỗ nào?

Ngục tốt đáp:

– Đây là cung Trời. Ở phía Đông thành Vương-xá, có cô hầu gái tinh tấn của bà lão keo kiệt. Sau khi chết, cô sẽ sinh về đây.

Bỗng nhiên, bà lão tỉnh lại, nhớ những việc vừa qua, liền bảo cô tớ gái:

– Mày là tớ gái của tao mà được sanh lên Trời, đâu thể có chuyện này, mày phải cùng khổ với tao.

Cô tớ gái đáp:

– Nếu có việc này, tôi cũng xin vâng lời, chỉ e thiện ác theo hình, không thể cùng thọ mà thôi.

Nghe cô tớ gái nói vậy, bà lão liền bỏ xan tham, tạo nhiều công đức.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

5. CÔNG ĐỨC LÀM NHÀ CHO TỲ-KHEO

Thuở xưa, Đức Phật Duy Vệ cùng với sáu vạn hai ngàn Tỳ-kheo từ núi trở về nước của phụ vương.

Nhà vua cắt đất ngoài thành để lập Tinh xá, mỗi vị Tỳ-kheo cũng có được một phần đất. Trong đó, có một Tỳ-kheo nói với nhà hàng xóm:

– Tôi muốn nhờ gia đình bà làm nhà giúp tôi.

Nhưng người con trai bà không bằng lòng, nên đích thân người mẹ xây cất căn nhà cho vị Tỳ-kheo, khiến mười ngón tay của bà đều bị trầy xước. Bấy giờ, vị Tỳ-kheo đang nhập định hỏa quang Tam muội, bỗng ngôi nhà sáng rực. Người mẹ từ xa trông thấy, nghĩ rằng: Sao mình bạc phước quá, căn nhà mới làm chưa được bao lâu đã cháy rồi.

Bà bước vào, thấy căn nhà vẫn y nguyên như cũ, và vị Tỳ-kheo đang ngồi trong ngọn lửa sáng ấy, nên rất đỗi vui mừng. Khi lâm chung, bà được sanh lên Trời. Khi Thái tử Tất-đạt-đa thành Phật, mạng Trời chưa hết, bà bay xuống bạch Phật:

– Ngày mai con xin thỉnh Phật và Thánh chúng thọ trai.

Đức Phật im lặng nhận lời. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc lại thỉnh Phật.

Phật bảo:

– Ta đã nhận lời thỉnh của thiên nhân rồi.

Vua hỏi:

– Con chưa từng thấy thien nhân xuống đây cúng dường, nay vì sao lại có việc này?

Hôm sau, vua sai người đến chờ, nhưng chẳng thấy bày biện gì cả, và trong nhà cũng vắng vẻ. Vua sai người chuẩn bị thức ăn thịnh soạn, nếu không có ai cúng thì vua sẽ cúng dường Phật. Đến giờ Ngọ, vị Trời xuống, nhưng không mang theo thức ăn, chỉ dẫn theo các ngọc nữ, đánh trống, trỗi nhạc đảnh lễ và bạch Phật rằng:

– Nay đã đến giờ.

Vị Trời liền quơ khăn tay. Mọi thứ hiện ra đầy đủ. Sau khi dâng nước để Phật và chúng Tăng rửa tay, thiên nhân đưa tay lên, nhà trù và trăm vị cam lồ đều hiện ra ở đó. Tự tay thiên nhân tiếp thêm thức ăn cho chúng hội, ai nấy đều no đủ. Vua nhìn thấy vừa kinh ngạc vừa vui mừng. Tắm gội xong, nhà vua bạch Phật:

– Xin hỏi vị thiên nhân đời trước tu tạo phước gì mà trong tay hiện ra trăm vị, có nhiều công đức đến thế?

Đức Phật nói cho vua nghe:

– Đời trước, tự tay vị này làm nhà cho Tỳ-kheo. Kể từ đó, trong chín mươi mốt kiếp, vị này đều được sanh lên Trời, trong tay hiện ra các vật, phước đức không bao giờ cùng tận.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 1)

6. BÀ MẸ CÓ HAI NGƯỜI CON CHẾT ĐUỐI

Có bà mẹ sinh được hai đứa con. Đứa thứ nhất không biết bơi, bị rớt xuống sông mà chết, nhưng bà không khóc. Đứa thứ hai biết bơi, cũng rơi xuống sông chết, bà lại buồn khóc. Có người hỏi:

– Vì sao đứa trước chết, bà không khóc mà đứa sau chết, bà lại khóc?

Bà ta đáp:

– Đứa trước không biết bơi nên nó chết là đúng. Còn đứa sau bơi giỏi, chết thì thật oan uổng.

(Trích kinh Thí Dụ bộ mười quyển, quyển 8)

7. PHƯƠNG TIỆN TREO LINH ĐƯỢC THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC

Thuở xưa, có hai vợ chồng nọ, người chồng không tin Phật pháp, còn người vợ rất kính tin Tam bảo. Một hôm, người vợ khuyên chồng:

– Mạng người vô thường, chúng ta nên tu tạo phước đức.

Thấy người chồng không nghe theo, lại thêm biếng nhác, người vợ lo sợ sau này chồng mình sẽ đọa vào địa ngục, liền nói với chồng:

– Em muốn treo cái linh trên cánh cửa, khi anh ra vào, chạm phải cái linh phát ra tiếng, thì anh niệm “Nam mô Phật ”.

Người chồng nói:

– Được lắm!

Trải qua một thời gian lâu, người chồng mạng chung. Ngục tốt chĩa ông ta vào vạc nước sôi. Cái chĩa chạm vào vạc phát ra tiếng kêu. Ông ta liền niệm: “Nam mô Phật”.

Nghe vậy, ngục tốt tưởng ông ta kính tin Tam bảo, nên cho thả ra.

Sau đó, ông được sanh làm người.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ)

8. NGƯỜI NỮ CHIÊM BÀ SANH CON TRÊN GIÀN HỎA

Người nước Chiêm Bà thờ Lục sư ngoại đạo, chưa từng nghe tên Phật, pháp, Tăng, nên đã tạo nghiệp cực ác. Khi ấy, Đức Phật vì thương xót chúng sanh nên đi đến thành Chiêm Bà. Vị trưởng giả ở thành này không có con nối dõi, nên thờ Lục sư để cầu con. Ít lâu sau, vợ ông mang thai. Trưởng giả được tin vui liền đến hỏi Lục sư:

– Đứa bé trong bụng vợ con là trai hay gái?

Lục sư đáp:

– Chắc là bé gái.

Trưởng giả lo buồn. Có người thấy vậy đến nói với Trưởng giả:

– Trước đây, ông có nghe anh em của Ưu lâu Tần Loa Ca-diếp là đệ tử của ai không? Nếu Lục sư là người có trí biết tất cả thì lẽ nào Cadiếp lại bỏ ông ta mà theo Phật? Lại nữa, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…, và các Quốc vương như Tần Bà Sa La, phu nhân của các vua như Mạt-lợi phu nhân v.v…, và các trưởng giả như Tu Đạt v.v… đều là đệ tử Phật. Đức Thế tôn Như Lai đối với tất cả pháp thấy biết không có ngăn ngại cho nên gọi là Phật. Nay Đức Như Lai ở cách đây không xa, nếu trưởng giả muốn biết rõ ràng thì hãy đến chỗ Phật.

Bấy giờ, trưởng giả đến chỗ Phật và trình bày mọi việc. Đức Phật bảo trưởng giả:

– Đứa bé trong bụng vợ ông quả đúng là con trai, có phước không ai sánh bằng.

Trưởng giả hết sức vui mừng.

Biết được tin này, Lục sư khởi tâm ganh ghét, lấy quả Am-la hòa với thuốc độc đưa cho Trưởng giả và nói:

– Vui thay! Cù Đàm thật khéo xem tướng. Vợ ông mang thai đã đầy tháng, nên uống thuốc này, đứa bé sẽ xinh đẹp và người mẹ không đau đớn.

Trưởng giả nhận thuốc đưa cho vợ uống. Uống xong, bà ngã ra chết. Lục sư vui mừng đi khắp thành thị rao:

– Sa-môn Cù Đàm đã thọ ký cho vợ trưởng giả kia sẽ sanh con trai, nhưng nay đứa bé chưa chào đời mà người mẹ đã chết rồi.

Bấy giờ, Trưởng giả sanh lòng bất tín đối với Phật. Ông ta tẩm liệm vợ vào quan tài rồi đưa đi hỏa táng. Biết được sự việc này, Đức Phật sai A-nan mang y của Ngài theo để đến đó dẹp trừ tà kiến. Bọn Lục sư từ xa trông thấy Đức Phật đi đến, bèn nói với nhau:

– Sa-môn Cù-đàm đến gò mã này định ăn thịt ư?”

Các vị Ưu bà tắc chưa đắc pháp nhãn đều lo sợ và bạch với Phật:

– Vợ của Trưởng giả đã chết rồi, xin Ngài đừng đến đây nữa.

Bấy giờ, A-nan bảo mọi người:

– Hãy đợi giây lát, Đức Như Lai sẽ tuyên nói cảnh giới của chư Phật.

Đức Phật đến nơi, trưởng giả gạn hỏi:

– Ngài nói không hai lời, nhưng bây giờ mẹ của đứa bé đã chết rồi, sao Ngài bảo là sanh con trai?.

Đức Phật bảo Trưởng giả:

– Lúc đó, ta không nghe ông hỏi mạng sống của người mẹ dài hay ngắn, mà chỉ hỏi đứa bé trong bụng là trai hay gái. Chư Phật Như Lai nói không hai lời. Thế nên biết rõ nhất định sẽ sanh con trai.

Lúc hỏa thiêu tử thi, đứa bé từ trong bụng nhảy ra, ngồi ngay thẳng trong ngọn lửa như ngồi trên đài sen. Lục sư nhìn thấy cho là huyễn thuật. Trưởng giả thấy vậy vui mừng, quở mắng bọn Lục sư:

– Nếu các ông cho là huyễn, sao không làm thử đi?

Bấy giờ, Đức Phật bảo Kỳ Bà:

– Ông hãy vào lửa ôm đứa bé ra đây.

Kỳ Bà bước vào đống lửa giống như nhảy xuống sông lớn mát mẻ, ôm đứa bé ra trao cho Đức Phật. Ngài nhận đứa bé rồi bảo Trưởng giả:

– Thọ mạng của tất cả chúng sanh là bất định như bọt bèo trên mặt nước. Đứa bé này không có nghiệp báo nặng nên lửa và trùng độc không làm hại được, chứ không phải ta cứu nó.

Trưởng giả bạch:

– Lành thay! Bạch Đức Thế tôn, đứa bé này sống hết mạng Trời, cúi xin Ngài đặt tên cho nó.

Đức Phật bảo trưởng giả:

– Đứa bé này sinh ra trong ngọn lửa lớn, mà lửa gọi là Thọ đề.

Nhân đây đặt tên là Thọ Đề.

(Trích kinh Đại Niết-bàn quyển 28)

9. MA-NA-KỲ PHỈ BÁNG PHẬT NÊN HIỆN ĐỜI ĐỌA ĐỊA NGỤC

Tại nước Xá-vệ, Đức Phật thuyết pháp yếu cho vô số chúng Tăng. Lúc đó, đệ tử nữ của ngoại đạo là Ma-na-kỳ là người có nghiệp chướng đời trước sâu dày. Một hôm, cô ta lấy gáo gỗ độn bụng, đi đến chùa Kỳ-hoàn ở thành Xá-vệ. Từ xa trông thấy Đức Thế tôn đang thuyết pháp cho đại chúng, cô ta vui mừng khôn tả, nghĩ rằng: Nay ta phải hủy nhục Cù-đàm ngay giữa chúng hội này, để thầy ta được mọi người cúng dường. Thế rồi, ở giữa chúng hội, cô ta vu khống:

– Người đang thuyết pháp đây đã làm tôi mang thai.

Khi ấy, trong chúng hội có nhiều ngoại đạo, Phạm chí lõa hình; số người tin Phật thì ít, số theo ngoại đạo thì nhiều. Nghe cô ta nói vậy, số theo ngoại đạo đều tán đồng, còn số tin Phật lại suy nghĩ: Xưa kia, nơi chốn cung vàng điện ngọc, Đức Phật xả bỏ vương vị cao sang, xa lánh thể nữ, xuất gia học đạo, thành bậc Chánh giác, làm sao Ngài khởi tâm ái nhiễm với người nữ xấu xa này?

Cùng lúc ấy, Thích đề hoàn nhân đang quạt sau lưng Đức Thế tôn, cũng suy nghĩ: Nữ Phạm chí tệ ác này vì sao khởi tâm phỉ báng Đức Phật như thế. Thích đề hoàn nhân liền hóa làm con chuột trắng cắn đứt sợi dây, cây gỗ rớt xuống lăng long lóc, mọi người đều thấy. Bấy giờ, những người không có lòng tin mạnh mẽ đều ngạc nhiên, cho đó là tiếng gì mới vang xa như thế, còn những người tin Phật vô cùng vui mừng. Ngay lập tức, có một người từ chỗ ngồi đứng dậy, tay cầm cây gỗ, nói với cô ta:

– Cái này là đứa con của cô chăng?

Vừa lúc đó, đất nứt ra, cô ta rơi ngay vào địa ngục A-tỳ. Thân quyến của cô tương tiếc, khóc than, không nỡ bỏ đi. Những người không tin Phật giờ đây thành tâm sám hối Ngài, những người có lòng tin cùng nói với nhau:

– Quả báo phỉ báng mắc tội nặng như thế, có thể thấy trước mắt, đâu đợi đến đời sau.

(Trích kinh Ma-na-kỳ Toàn Thân Nhập Địa Ngục)

10. CÔNG ĐỨC GIỮ TRỌNG GIỚI

Vị Ca-la-việt vô cùng giàu có sinh được người con trai tuấn tú, thông minh, giỏi về kinh Phật. Cậu bé theo thầy xuất gia, trở thành Sa-môn thực hành lời Phật dạy. Trước tiên, vị thầy bảo Sa-môn đi khất thực. Ngày thứ 7, Sa-môn gặp một người phụ nữ dâm đãng. Bà ta gọi Sa-môn vào, đóng cửa lại, rồi lôi vào phòng. Sa-môn không đồng ý, bà nổi giận, sai nô tỳ đào hầm lửa sâu một trượng, lại bảo bốn nô tỳ mau trói chặt Sa-môn lại. Sắp đưa lên hầm lửa, Sa-môn nói:

– Hãy khoan! Đợi tôi tính lại.

Bấy giờ, Sa-môn suy nghĩ: Ta vào hầm lửa chỉ chết một thân này, còn giữ giới thì chết có thể được sanh thiên. Nếu phạm giới, chết sẽ đọa địa ngục, không có ngày ra. Thế rồi, Sa-môn nhảy vào hầm lửa. Lửa biến thành nước, cao đến ngang lưng, Sa-môn từ từ ra khỏi hầm.

(Trích kinh Thí Dụ gồm 10 quyển, quyển )

11. TRINH NỮ HƠ LỬA MANG THAI

Thuở xưa, trưởng giả Thiện Thí có người con gái chưa lập gia đình. Cô ta ngồi hơ lửa trong nhà, hơi ấm vào thân liền mang thai. Cha mẹ cô kinh ngạc, gạn hỏi nguyên do. Cô thưa:

– Con không biết tại sao.

Cha mẹ cô hỏi lần nữa, lại dùng roi vọt, cô cũng trả lời y như trước.

Cha mẹ cô đem việc này tâu vua. Nhà vua quở trách, cô cũng đáp như vậy. Vua gán cô vào tội chết, cô kêu oan:

– Thiên hạ này có vị vua vô đạo, giết oan kẻ vô tội. Nếu tôi gian dối, xin cứ khám nghiệm.

Nghe cô kêu oan, vua cho người khám nghiệm. Quả thật, đúng như lời cô nói. Vua nói với cha mẹ cô:

– Tôi muốn cưới cô gái này.

Người mẹ trả lời:

– Xin thuận theo ý vua, nhưng vua rước đứa con gái đáng chết này về làm gì?

Vua cho đưa cô vào cung, thương yêu chung sống. Khi đủ ngày đủ tháng, cô hạ sinh một bé trái khôi ngô tuấn tú. Lớn lên, cậu bé xuất gia tu học, thông minh tài giỏi, lại thêm tinh tấn. Không bao lâu, cậu đắc quả A-la-hán, trở về độ cha mẹ.

(Trích kinh Phân Biệt Công Đức quyển )

12. ẢNH HƯỞNG CỦA THAI NHI

Xưa có vị Tỳ-kheo, từ nhỏ đã tinh tấn tu học, nghiêm trì cấm giới, không hề hủy phạm, thường tụng kinh Bát-nhã-ba-la-mật. Hễ ai nghe tiếng Tỳ-kheo này tụng kinh đều khởi tâm hoan hỷ.

Có một cậu bé bảy tuổi chăn trâu ngoài thành, xa nghe tiếng Tỳkheo tụng kinh, tìm đến Tinh xá, đảnh lễ Tỳ-kheo. Khi nghe đến đoạn nói về Sắc-Không, cậu liền bừng ngộ. Cậu bé vui mừng, hỏi vị Tỳkheo, nhưng Tỳ-kheo trả lời không đúng với ý của cậu bé. Trái lại, cậu bé giảng giải nghĩa lý xưa nay ít được nghe.

Nghe xong, Tỳ-kheo vui mừng, khen ngợi cậu bé là bậc có trí tuệ siêu phàm.

Bấy giờ, cậu bé trở lại chỗ thả trâu, phát hiện có một con nghé chạy lạc vào núi. Lần theo dấu chân nghé tìm kiếm, bỗng cậu bé bị hổ sát hại. Sau khi chết, cậu bé thác sanh làm con của nhà trưởng giả. Trong thời gian mang thai, phu nhân có thể nói Bát-nhã-ba-la-mật từ sáng đến chiều, không hề ngưng nghỉ.

Gia đình trưởng giả lấy làm lạ, cho là phu nhân bị quỷ nhập, ăn nói bậy bạ, xem bói, hỏi thăm, cầu đảo, cúng tế, cũng không ai biết được.

Lúc ấy, vị Tỳ-kheo kia vào thành khất thực, ngang qua nhà trưởng giả nghe tiếng tụng kinh, lòng rất vui mừng, liền hỏi trưởng giả:

– Trong nhà, ai nói kinh cao siêu vậy?

Trưởng giả đáp:

– Vợ tôi bị quỷ nhập, ngày đêm cứ lảm nhảm mãi.

Vị Tỳ-kheo bảo:

– Không phải bệnh ma đâu, chỉ nói tôn kinh, Thánh điển của Phật.

Cho tôi vào gặp bà ấy.

Trưởng giả đồng ý.

Đến chỗ bà ta, Tỳ-kheo gạn hỏi nhiều lần, bèn hiểu ra vấn đề. Họ mời Tỳ-kheo lưu lại dùng cơm. Tỳ-kheo cho biết:

– Phu nhân mang thai, miệng tụng tôn kinh, Âm thanh vi diệu.

Hôm sau, trưởng giả đến thỉnh chúng Tăng về nhà thọ trai, bày đủ các thức ăn uống. phu nhân ra đảnh lễ và thuyết pháp cho chúng Tỳkheo nghe. Hễ ai có điều nghi nào chưa giải tỏa đều được bà giải thích rõ ràng. Chúng Tăng vui mừng.

Khi đủ ngày đủ tháng, phu nhân hạ sinh một bé trai. Đứa bé vừa được sanh ra, liền chắp tay, quỳ gối, nói kinh Bát-nhã-ba-la-mật, còn phu nhân sanh xong, trở lại bình thường. Trưởng giả hỏi:

– Đứa bé này là ai?

Tỳ-kheo đáp:

– Đúng là đệ tử Phật. Hãy khéo nuôi dưỡng, bảo bọc. Lớn lên, nó sẽ làm thầy của tất cả mọi người. Chúng ta đều phải theo thọ giáo.

Khi lên bảy, đứa bé đã rành rẽ giáo pháp, các lẽ vi diệu và trí tuệ vô cực. Những chỗ sai lầm, thiếu xót trong kinh, đứa bé san định đầy đủ. Mỗi khi đến đâu, đứa bé liền giáo hóa mọi người. Năm trăm người lớn nhỏ, nội ngoại trong nhà trưởng giả đều theo đứa bé tu học. tám vạn bốn ngàn người phát tâm Vô thượng chánh chân giác. năm trăm Tỳ-kheo nghe đứa bé giảng giải, dứt sạch lậu hoặc, tâm ý khai mở, chí cầu Đại thừa, đắc pháp nhãn tịnh.

Đức Phật bảo A-nan:

– Đứa bé thuở ấy chính là ta, còn vị Tỳ-kheo là Phật Ca-diếp. (Trích Độ Vô Cực Tập quyển 6)

13. CÔ GÁI MANG THAI SINH RA BỐN VẬT LẠ

Có hai vợ chồng không con, cúng tế Thiên thần để cầu con nối dõi. Vị thần hứa khả. Người vợ về mang thai, sanh ra bốn vật lạ:

1/ Đấu chiên đàn đựng đầy gạo

2/ Bình cam lồ

3/ Túi báu

4/ Gậy thần bảy đốt Người vợ than thở:

– Ta cầu con trai, sao lại sanh ra những thứ này?

Hai vợ chồng bèn đến chỗ vị thần cầu xin một lần nữa. Thần bảo:

– Các ngươi muốn được con, nhưng nó có ích gì?

– Nó sẽ nuôi dưỡng vợ chồng con.

– Nay đấu gạo này ăn hoài không hết. Bình mật cam lồ này uống không hề cạn, lại còn trị lành trăm bệnh. Túi châu báu kia dùng mãi chẳng vơi. Gậy thần bảy đốt ấy để phòng kẻ hung bạo. Con trai của các ngươi há có thể làm được việc này ư?

Nghe vị thần nói vậy, vợ chồng họ vô cùng vui mừng, trở về nhà nghiệm thử thì quả đúng như lời thần nói. Họ trở thành người giàu nhất nước. Nghe tin này, nhà vua sai quân lính đến đánh để chiếm đoạt. Họ cầm gậy ném lên đánh quan quân tan tác. Kể từ đó, hai vợ chồng không còn lo gì nữa.

(Trích kinh Thí Dụ quyển 10)

14. MÊ TRAI HẠI CON

Chuyện kể về: Người dâm loạn thà để người thân chết, chứ không dứt được tâm dâm.

Một người phụ nữ ở cạnh thành Xá-vệ ẵm con, mang bình đến giếng múc nước. Một thanh niên tuấn tú đang ngồi bên phải thành giếng say mê đánh đàn. Người phụ nữ này dâm dục, say đắm người thanh niên ấy. Người thanh niên kia cũng ham thích người phụ nữ này.

Để thoả mãn lòng dâm, cô ta cõng con treo trong giếng. Xong việc, cô trở lại kéo lên thì đứa con đã chết rồi. Cô ta buồn bã, đau đớn, kêu Trời khóc than một mình.

Đức Phật nhóm chúng lại, bảo:

– Này các Tỳ-kheo! Lửa dâm lừng lẫy có thể thiêu đốt thiện căn. Người dâm loạn không nghĩ đến thiện ác, không phân biệt trắng đen, chẳng biết ràng buộc giải thoát. Những người này không biết xấu hổ, thà để cho người thân chết, mình cam chịu xỉ nhục. Có người do tình dục tà vạy đã giết hại cha mẹ, anh em, họ hàng, bị phép vua phanh thây, chết thọ ác báo đến vô số kiếp.

Thuở xưa, có một người rất tốt, nhưng mắc thói dâm đãng. Cha mẹ chỉ có một mình cậu ta. Ban đêm, ngoài đường không bóng người, gặp lúc Trời tối sấm sét, người con mang dao, cầm tên định đến xóm dâm nữ. Người mẹ biết được, liền kéo con lại bảo:

– Đêm hôm tối tăm, con đi sẽ bị người hại. Đời trước, mẹ thiếu phước nên nay chỉ có mình con. Nhỡ con gặp chuyện không may, mẹ biết trông cậy vào đâu?

Người con trả lời:

– Con phải đi thôi. Mẹ đừng cản.

Người mẹ biết ý nên không cản nữa, liền đi theo con. Người con rút dao đâm mẹ chết, rồi đến gõ cửa nhà dâm nữ. Dâm nữ hỏi:

– Ông là ai?

Cậu ta dùng kệ đáp:
Dâm dục, các căn suy
Do tưởng khiến sai lầm
Không sợ các thứ nghiệp
Bị ngu ám lấp che
Nay ta đã hại mẹ
Hạ mình tựa nô tỳ
Đứng chực ở ngoài cửa
Như khách chờ khiến sai.
Dâm nữ dùng kệ đáp lại:
Thôi đi! Kẻ bất hiếu
Hại mẹ gây tai ương
Ta quyết không nhìn mặt
Mau cút khỏi nơi này.
Cha mẹ công nuôi dưỡng
Vì con khổ bao điều
Giữa đường đi hại mẹ
Chính là tội ngươi mang.

Cậu ta nói cho cô gái biết:

– Vì nàng mà ta đã hại mẹ ta, gây tội tày Trời. Xin nàng hãy lượng thứ, mở cửa để cùng nói chuyện một lát, rồi ta sẽ trở về nhà.

Cô gái trả lời:

Thà nhảy vào lò lửa
Gieo mình xuống hang sâu
Sống cùng với rắn dữ
Không tùy thuận kẻ ngu.

Cậu ta trở về nhà, giữa đường bị ác tặc giết chết, đọa địa ngục A-tỳ, chịu tội.

(Trích kinh Xuất Diệu)

15. VAY NHIỀU TRẢ ÍT, CHẾT LÀM TRÂU

Xưa có vị trưởng giả giàu có vô hạn gả em gái của mình cho một nhà nghèo. Người anh thường đem của cho em. Dần dần mệt mỏi, người anh bảo em đến lấy. Người em đến anh vay bột. Anh nói:

– Hãy tự đến lấy.

Nén giận mà lấy. Mỗi khi đến trả cho anh, người em vẩy nước vào bột cho nặng cân. Nhiều lần như thế, nhưng người anh không biết. Về sau, người em chết đi, làm trâu trong nhà anh. Người anh rất thương trâu, nuôi cho ăn béo phì để giết tế thần. Khi ấy, năm trăm khách vay đến nói với chủ số tiền tính lãi.

Đứng bên ngoài, họ hỏi nhau:

– Ông mượn mấy tiền?

Mỗi người nói lên số tiền nhiều ít.

Đến lượt người cuối cùng nói:

– Tôi muốn mượn thêm.

Sau đó, họ đồng lòng không trả lãi, con trâu đứng bên cạnh, nói tiếng người:

– Vì sao các ông khởi lên ý tưởng này? Ta là em gái của người chủ, do trước đây vay bột, dối trá anh, nên nay phải làm trâu để trả nợ.

Nghe trâu nói vậy, năm trăm khách buôn đều run sợ, không mượn tiền nữa mà ra đi.

(Trích Chư Kinh Yếu Sự)

16. CÔNG ĐỨC CÚNG DƯỜNG

Có vị Bích chi Phật đến nhà trưởng giả khất thực. Thấy tướng mạo uy nghiêm của vị này, phu nhân trưởng giả nói:

– Nếu chiều ý tôi, tôi sẽ cúng dường.

Vị Bích chi Phật trả lời:

– Không được, tôi không thể chiều ý phu nhân.

Thẹn quá hóa giận, phu nhân sai người đuổi đi.

Nữ tỳ của trưởng giả hiềm trách phu nhân: Vì sao bảo người làm việc không đúng. Nữ tỳ liền lấy phần ăn của mình cúng dường vị Bích chi Phật. Cúng xong, nữ tỳ về phòng ngủ. Vừa thức dậy, lớp da đen dơ bẩn tự nhiên biến mất, nhan sắc nữ tỳ trở nên xinh đẹp hơn người, giống như ngọc nữ cõi Trời. Trưởng giả kinh lạ, hỏi nguyên nhân, rồi cho làm đệ nhất phu nhân.

(Trích kinh Tạp Thí Dụ quyển 1)

17. THẤY BÓNG NGƯỜI CHO MÌNH LÀ ĐẸP

Trưởng giả Thần Cư là người giàu có ở nước Xá-vệ. Nhà ông nuôi một tớ gái tên Phất-ni-trì, đầu to lại hói, cặp mắt ti hí, mũi gãy miệng hô, chẳng giống người ta chút nào. Trưởng giả thường bảo tớ gái làm những việc chặt củi, cắt cỏ bên ngoài.

Cách nhà trưởng giả không xa, có một suối nước vừa thơm vừa ngọt. Hôm nọ, nhà bên cạnh có một phụ nữ thắt cổ trên cây, bóng in xuống nước. Cô tớ gái cầm bình lấy nước, thấy bóng bà ta tưởng là bóng mình, liền giận dữ nói:

– Ta xinh đẹp như vầy mà bắt làm ruộng, coi vườn cực khổ thế sao?

Nghĩ rồi, cô tớ gái đập vỡ bình, trở về nhà, ngồi trong màn tía trên toà bảy báu của phu nhân. Cả nhà kinh sợ, tưởng cô tớ gái điên dại, bèn hỏi nguyên do. Cô đáp:

– Soi mình dưới nước, tôi thấy tôi cũng xinh đẹp như ai.

Mọi người chẳng thấy có gì khác lạ, chỉ thấy trước mặt là con ma lem, mới đem gương cho cô soi. Thấy thân hình xấu xí, nữ tỳ vẫn không tin. Mọi người dẫn cô đến dòng nước trước kia. Thấy bóng người chết, cô mới nhận ra sự thật, cảm thấy xấu hổ vô cùng. (Trích kinh Thí Dụ quyển 7)