KINH LĂNG-GIÀ A-BẠT-ĐA-LA BẢO

Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Đại sư Cầu-na-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 3

Phẩm 3: NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM (Phần 3)

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Nay ta sẽ thuyết giảng về tướng thông phân biệt của ý sinh thân, người hãy lắng nghe và khéo ghi nhớ.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Có ba thứ ý sinh thân. Thế nào là ba? Ấy là: Tam-muội lạc chánh thọ ý sinh thân, giác pháp tự tánh tánh ý sinh thân và chủng loại câu sinh vô hình tác ý sinh thân. Người tu hành thấu đạt về tướng ấy, từ Sơ địa dần dần tiến lên, thì được ba thứ thân này.

Này Đại Tuệ! Thế nào là ý sinh thân Tam-muội lạc chánh thọ? Ấy là Tam-muội lạc chánh thọ của Bồ-tát ở Địa thứ ba, Địa thứ tư và Địa thứ năm, an trụ nơi biển tâm, tự tâm tịch tĩnh, mỗi mỗi làn sóng của “thức tướng” chẳng sinh khởi, biết cảnh giới của tự tâm hiện tánh phi tánh, gọi là ý sinh thân Tam-muội lạc chánh thọ.

Này Đại Tuệ! Thế nào là ý sinh thân giác pháp tự tánh tánh? Là Bồ-tát ở Địa thứ tám quan sát các pháp như huyễn, đều chẳng có thì thân tâm chuyển biến, đắc Tam-muội như huyễn và nhiều môn Tammuội khác. Sức tướng vô lượng tự tại, ánh sáng như diệu hoa trang nghiêm, đều được như ý. Cũng như mộng huyễn, trăng đáy nước, bóng trong gương, phi chủ thể tạo, phi đối tượng được tạo, như tạo chỗ được tạo, tất cả sắc mỗi mỗi khác biệt đều đầy đủ trang nghiêm, do đại chúng trong tất cả cõi Phật đều thông đạt pháp tự tánh, nên gọi là ý sinh thân giác pháp tự tánh tánh.

Này Đại Tuệ! Thế nào là ý sinh thân chủng loại câu sinh vô hình tác? Là nói giác ngộ được tất cả pháp Phật, theo duyên đó tự đắc tướng hành, ấy gọi là ý sinh thân chủng loại câu sinh vô hình tác. Đại Tuệ! Đối với sự quan sát nhận biết rõ nơi ba thứ thân tướng này, cần nên tu học.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Phi thừa phi Đại thừa
Phi thuyết phi văn tự
Phi đế phi giải thoát
Phi cảnh giới hữu vô.
Pháp Đại thừa chứng đạt
Tam-ma-đề tự tại
Mỗi mỗi ý sinh thân
Hoa trang nghiêm tự tại.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói: “Thiện nam, tín nữ tạo năm tội Vô gián mà chẳng đọa địa ngục A-tỳ.” Bạch Thế Tôn! Tại sao thiện nam, tín nữ tạo năm tội Vô gián mà chẳng đọa vào địa ngục Atỳ?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Thế nào là năm tội Vô gián? Ấy là giết cha mẹ, hại La-hán, phá hòa hợp Tăng, tâm ác làm thân Phật ra máu.

Này Đại Tuệ! Nói giết cha mẹ ở đây, là ám chỉ hai thứ căn bản của sự thọ sinh, do tham ái làm mẹ, vô minh làm cha, đoạn dứt hai thứ căn bản ấy, gọi là giết cha mẹ.

Thế nào là hại La-hán? Dụ như con chuột bị độc chết, thì những tai hại do con chuột gây ra đều chẳng sinh khởi nữa, cũng như các pháp phiền não tập khí đoạn dứt trọn vẹn, gọi là hại Lahán.

Thế nào là phá hòa hợp Tăng? Là nói các tướng tập khí phiền não khác nhau của năm ấm hòa hợp tích tụ, tất cả đều được đoạn dứt, gọi là phá hòa hợp Tăng.

Thế nào là tâm ác làm thân Phật ra máu? Vì chẳng biết bản thể của bảy thứ thức là do tự tâm biến hiện, chẳng ngoài tự tướng cộng tướng, nay dùng tâm ác (tâm mãnh liệt) của ba vô lậu giải thoát (Không, Vô tướng, Vô nguyện) để đoạn dứt bảy thứ thức nơi tự tánh Phật, gọi là tâm ác làm thân Phật ra máu. Nếu thiện nam, tín nữ hành những việc vô gián này, gọi là năm Vô gián, cũng gọi là đẳng vô gián.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Có pháp ngoài năm tội Vô gián nay ta sẽ thuyết giảng, ông và các Đại Bồ-tát nghe nghĩa này rồi, nơi đời vị lai chẳng rơi vào chốn ngu si.

Thế nào là ngoài năm tội vô gián? Nghĩa là nếu người muốn chứng được pháp của năm tội Vô gián kể trên, mà thực hành theo ba cửa giải thoát (Không, Vô tướng, Vô nguyện trong kinh Đại Bát-nhã) thì mỗi mỗi đều chẳng thể chứng được pháp của năm tội vô gián, như dùng cửa Không cũng chẳng thể chứng được, dùng cửa Vô tướng cũng chẳng thể chứng được, dùng cửa Vô nguyện cũng chẳng thể chứng được, nên nói ở ngoài năm tội vô gián.

Ngoài trừ pháp này ra, còn có các pháp, nhờ thần lực biến hóa mà hiện ra vô gián. Như thần lực biến hóa của Thanh văn, thần lực biến hóa của Bồ-tát, thần lực biến hóa của Như Lai… Đối với những những kẻ tạo tội vô gián, vì sự sám hối tội lỗi và trừ nghi cho họ, cũng vì khuyến phát nhân lành cho họ, nên nhờ thần lực biến hóa mà hiện vô gián. Trừ khi người giác ngộ được tự tâm hiện lượng, lìa được vọng tưởng thân tài, lìa sự thâu nhận về ngã và ngã sở, hoặc lúc gặp tri thức thiện khiến khai ngộ bản tâm thì mới được giải thoát sự sinh tử tương tục nơi các cõi, chứ chẳng phải trước kia đã tạo tội vô gián mà chẳng bị đọa vào địa ngục Vô gián.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Tham ái gọi là mẹ
Vô minh gọi là cha.
Thức giác ngộ là Phật
Các sử là La-hán.
Năm ấm gọi là Tăng
Hành vô gián đoạn ác.
Gọi là năm vô gián
Chẳng đọa ngục A-tỳ.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng giảng thuyết thế nào là tri giác của Phật?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Giác ngộ được nhân và pháp vô ngã, thấu rõ hai chướng phiền não và sở tri, lìa phần đoạn sinh tử và biến dịch sinh tử, đoạn dứt hai thứ phiền não vô minh và ái nghiệp, ấy gọi là tri giác của Phật. Thanh văn, Duyên giác chứng đắc được pháp này, cũng gọi là Phật, do nhân duyên ấy nên ta nói Nhất thừa.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Khéo biết hai vô ngã
Hai chướng phiền não dứt.
Lìa hẳn hai sinh tử
Gọi là tri giác Phật.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn nơi đại chúng nói: “Ta là tất cả Phật quá khứ và có đủ thứ thọ sinh. Xưa kia ta làm Chuyển luân thánh vương Mạn-đà, voi lớn sáu ngà và chim anh vũ, Thích Đề-hoàn Nhân, Tiên nhân Thiện Nhãn… thuyết giảng trăm ngàn quyển kinh Thọ Sinh như thế?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Do bốn thứ bình đẳng nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, nơi đại chúng nói lời thế này: “Khi ấy ta làm Phật Câu-lưu-tôn,

Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp.”

Thế nào là bốn thứ bình đẳng? Ấy là tự đẳng, ngữ đẳng, pháp đẳng và thân đẳng. Vì bốn thứ bình đẳng này, nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở trong chúng nói lời như thế.

Thế nào là tự đẳng? Là danh tự xưng ta là Phật, cũng xưng tất cả chư Phật, mà tự tánh của danh tự chẳng có sai biệt, ấy gọi là tự đẳng.

Thế nào là ngữ đẳng? Ta dùng sáu mươi bốn thứ Phạm âm hiển bày tướng ngôn ngữ, các Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng dùng sáu mươi bốn thứ Phạm âm hiển bày tướng ngôn ngữ như thế, chẳng thêm chẳng bớt, chẳng có sai biệt. Tánh của Phạm âm vi diệu như chim Ca-lăng-tần-già, gọi là ngữ đẳng.

Thế nào là thân đẳng? Nói thân ta với Pháp thân của chư Phật, sắc thân và tướng tốt chẳng có sai biệt, trừ khi vì điều phục các loại chúng sinh sai biệt, mới thị hiện mỗi mỗi sắc thân sai biệt, ấy gọi là thân đẳng.

Thế nào là pháp đẳng? Nói ta và chư Phật đều dùng pháp Bồ-đề phần gồm ba mươi bảy phẩm, lược thuyết trí vô chướng ngại của Phật pháp, gọi là pháp đẳng. Gọi chung là bốn thứ pháp bình đẳng. Cho nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở trong đại chúng nói lời như thế.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Ca-diếp, Câu-lưu-tôn
Câu-na-hàm là ta
Dùng bốn pháp bình đẳng
Vì Phật tử thuyết pháp.

Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã thuyết giảng: “Ta từ đêm kia đắc tối Chánh giác, cho đến đêm kia nhập Niết-bàn, ở nơi khoảng giữa đó chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết, nói “chẳng thuyết là Phật thuyết. Bạch Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vì sao nói “Chẳng thuyết tức là Phật thuyết?”

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Ta vì hai pháp nên nói như thế. Thế nào là hai pháp? Là pháp duyên tự đắc và pháp bản trụ, gọi là hai pháp. Do hai pháp này nên ta nói như thế.

Thế nào là pháp duyên tự đắc? Là pháp do chư Như Lai chứng đắc, ta cũng chứng đắc, chẳng thêm chẳng bớt. Cảnh giới cứu cánh của pháp duyên tự đắc lìa hai tướng ngôn thuyết và văn tự, chỉ có thể tự đắc tự biết, nên gọi là pháp duyên tự đắc.

Thế nào là pháp bản trụ? Là đạo pháp của bậc Thánh xưa như tánh vàng bạc chẳng hoại, thường trụ nơi pháp giới, vô thủy vô chung. Hoặc Như Lai ra đời, hoặc chẳng ra đời, đạo pháp vẫn thường trụ nơi pháp giới như thế, gọi là pháp bản trụ. Ví như sĩ phu đi trong đồng vắng, thấy con đường bằng phẳng hướng về thành cổ, liền đi theo đường đó vào thành, được thọ sự vui như ý. Đại Tuệ! Ý ông thế nào? Con đường và mỗi mỗi sự vui kia là do người ấy làm ra chăng?

Đáp:

–Không! Bạch Thế Tôn!

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Ta và tất cả chư Phật quá khứ thường trụ nơi pháp giới cũng như thế. Nên nói: “Ta từ đêm kia đắc Tối chánh giác, cho đến đêm kia nhập Niết-bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết.”

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Ta từ đêm thành đạo
Đến đêm nhập Niết-bàn.
Nơi khoảng chính giữa này
Chẳng thuyết một chữ nào.
Vì pháp duyên tự đắc
Và pháp bản trụ kia
Nên ta và chư Phật
Thuyết pháp chẳng sai biệt.

Bồ-tát Đại Tuệ lại thỉnh Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng hữu và vô của tất cả pháp, khiến con và các Đại Bồ-tát lìa tướng hữu và vô, mau đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ! Ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Người thế gian nương theo hữu và vô, rơi vào hai thứ dục kiến và tánh phi tánh, nếu chẳng lìa tướng dục kiến thì chẳng thể lìa sinh tử. Đại Tuệ! Tại sao người thế gian nương theo hữu? Là nói thế gian do nhân duyên sinh, chẳng phải không có từ hữu sinh, cũng chẳng phải vô sinh. Họ thuyết như thế là nói thế gian vô nhân mà có. Vì sao người thế gian nương theo vô? Vì họ thọ nhận tánh của tham, sân, si rồi, sau lại vọng tưởng chấp trước nơi tánh tham, sân, si là phi tánh, chẳng chấp lấy hữu, lại chấp lấy vô. Đại Tuệ! Nếu chẳng chấp lấy tánh hữu thì tánh tướng tịch tĩnh, nên chư Như Lai và Thanh văn, Duyên giác chẳng chấp lấy tánh tham, sân, si cho là hữu hay vô.

–Này Đại Tuệ! Trong đó có cái nào là hoại (đoạn diệt)?

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu họ trước kia chấp lấy tánh của tham, sân, si rồi, về sau chẳng chấp lấy nữa, ấy gọi là hoại.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Lành thay! Lành thay! Đúng như ông hiểu. Đại Tuệ! Chẳng những tánh của tham, sân, si, phi tánh là hoại, đối với Thanh văn, Duyên giác và Phật, chẳng chấp lấy tham, sân, si cũng gọi là hoại. Vì sao? Vì trong ngoài là chẳng thể nắm giữ, nên tánh phiền não chẳng phải khác hay chẳng khác.

Này Đại Tuệ! Sự tham, sân, si hoặc trong hoặc ngoài đều không thể nắm giữ. Vì tánh của tham, sân, si chẳng có bản thể, nên chẳng thể chấp lấy, cho nên nói hoại, là hoại tánh tham, sân, si, chứ chẳng phải hoại Phật và Thanh văn, Duyên giác. Vì Phật và Thanh văn, Duyên giác tự tánh vốn đã giải thoát, chẳng có tánh làm nhân cho chủ thể trói buộc và đối tượng bị trói buộc. Đại Tuệ! Nếu có trói thì phải có nhân trói, nói hoại như thế là chẳng có tướng để hoại.

Này Đại Tuệ! Vì thế nên ta nói: “Thà chấp lấy ngã kiến như núi Tu-di, chứ đừng khởi kiến chấp “Không” cho là vô sở hữu, thành kẻ tăng thượng mạn.” Đại Tuệ! Kẻ tăng thượng mạn chấp trước về vô sở hữu, ấy gọi là hoại. Vì họ chẳng biết tự tâm hiện lượng, thấy ngoài tánh vô thường, sát-na lần lượt biến hoại, ấm, giới, nhập tương tục lưu chú biến diệt, nên rơi vào kiến chấp hy vọng tự tướng cộng tướng, lìa tướng vọng tướng văn tự, chấp trước đoạn diệt, ấy gọi là hoại.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Tâm thấy hữu hoặc vô
Là cảnh giới nhị biên.
Trừ sạch cảnh giới ấy
Tâm bình đẳng tịch diệt.
Tâm chẳng chấp cảnh giới
Hữu diệt chẳng phải vô.
Hữu vô đều như như
Là cảnh giới Thánh hiền.
Vô chủng mà sinh hữu
Sinh rồi hữu lại diệt.
Nhân duyên hữu và vô
Chẳng trụ giáo pháp ta.
Phi ngoại đạo phi Phật
Phi ta cũng phi khác.
Do nhân duyên sinh khởi
Tại sao có thể vô!
Nhân duyên hợp nói hữu
Nhân duyên tan nói vô.
Sinh kiến chấp tà luận
Vọng tưởng chấp hữu vô.
Nếu biết pháp vô sinh
Cũng là pháp vô diệt.
Quán pháp không tịch này
Hữu vô thảy đều lìa.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con và các Đại Bồ-tát thuyết tướng tông thông, khiến con và các Đại Bồ-tát thông đạt tướng này, rồi khéo phân biệt tướng tông thông, chẳng theo giác tưởng của chúng ma, ngoại đạo, chóng thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát có hai thứ tướng thông là tông thông và thuyết thông.

Này Đại Tuệ! Nói tông thông, là tướng duyên tự đắc thắng tiến, xa lìa vọng tưởng nơi ngôn thuyết và văn tự, tiến vào tự tướng địa tự giác của hàng vô lậu, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả chúng ma, ngoại đạo, phát huy ánh sáng của duyên tự giác, ấy là tướng tông thông.

Thế nào là tướng thuyết thông? Là nói mỗi mỗi giáo pháp trong chín bộ kinh, lìa những tướng khác hay chẳng khác, hữu và vô…, dùng phương tiện khéo léo tùy thuận căn tánh của chúng sinh mà ứng cơ thuyết pháp, khiến họ được độ thoát, gọi là tướng thuyết thông. Đại Tuệ! Đối với hai tướng thông này, ông và các Bồ-tát cần nên tu học.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Tướng tông thông, thuyết thông
Duyên giáo pháp tự giác.
Khéo phân biệt chánh tà
Chẳng theo giác ngoại đạo.
Như phàm phu vọng tưởng
Chẳng có tánh chân thật.
Tại sao vọng chấp cho
Phi tánh là giải thoát?
Quan sát pháp hữu vi
Sinh và diệt tương tục.
Điên đảo Vô sở tri
Tăng trưởng theo nhị kiến.
Chân đế chỉ là một
Niết-bàn là không lỗi.
Quan sát việc thế gian
Như hoa đốm mộng huyễn.
Dù có tham, sân, si
Có cũng như mộng huyễn.
Ái dục sinh năm ấm
Thân người vốn chẳng thật.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng vọng tưởng chẳng thật. Vọng tưởng đã chẳng thật, do đâu mà sinh khởi? Pháp gì gọi là vọng tưởng chẳng thật? Ở trong pháp nào có vọng tưởng chẳng thật?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Lành thay! Lành thay! Ông khéo hỏi Như Lai những nghĩa như thế, là thương xót tất cả hàng trời, người ở thế gian, khiến họ được nhiều lợi ích và nhiều an lạc. Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Mỗi mỗi nghĩa lý là mỗi mỗi vọng tưởng chấp trước chẳng thật, do đó sinh khởi vọng tưởng. Đại Tuệ! Người chẳng biết tự tâm hiện lượng, rơi vào kiến chấp hữu và vô, chấp trước nơi chủ thể thâu nhiếp, đối tượng được thâu nhiếp, tăng trưởng kiến chấp của ngoại đạo. Do tập khí vọng tưởng, chấp trước đủ thứ nghĩa lý của ngoại đạo, đối với pháp tâm, tâm số vọng tưởng chấp trước, cho là chỗ nhân duyên sinh khởi của ngã và ngã sở.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu mỗi mỗi nghĩa lý mỗi mỗi chẳng thật, do tập khí vọng tưởng, chấp trước những pháp tâm và tâm số mà sinh khởi kiến chấp về ngã và ngã sở. Nếu như thế thì mỗi mỗi tướng nghĩa của ngoại đạo, rơi vào tướng hữu và vô, lìa tướng thấy, lìa tánh phi tánh, thì Đệ nhất nghĩa cũng thế, lìa tướng nhân căn lượng thí dụ phân biệt. Bạch Thế Tôn! Tại sao chỉ có một chỗ nghĩa vọng tưởng chẳng thật của ngoại đạo thì mỗi mỗi tánh vọng tưởng chấp trước sinh, mà chấp trước chỗ Đệ nhất nghĩa thì vọng tưởng bất sinh? Nói một sinh (ngoại đạo), một bất sinh (Phật), lẽ nào chẳng phải Thế Tôn thuyết tà Nhân luận chăng?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Chẳng phải vọng tưởng một sinh một bất sinh. Vì sao? Vì bậc Thánh vọng tưởng hữu vô bất sinh, nên ngoài hiện tánh phi tánh, do giác ngộ được tự tâm hiện lượng mà vọng tưởng bất sinh. Đại Tuệ! Ta nói mỗi tướng vọng tưởng tự tâm của phàm phu, vì trước kia đã tạo nghiệp chấp trước phân biệt, nên mỗi mỗi tánh tướng vọng tưởng sinh. Nay muốn khiến phàm phu ngộ pháp vốn vô sinh, phải lìa kiến chấp nơi ngã và ngã sở, lìa kiến chấp vọng tưởng về năm pháp tự tánh, thì thân tâm chuyển biến, thấu rõ cảnh giới địa Cứu cánh nhất thiết của Như Lai tự giác, do nhân duyên này nên ta nói vọng tưởng từ chấp trước mỗi nghĩa chẳng thật mà sinh. Nếu ngộ nghĩa như thật thì chẳng sinh, mà được giải thoát khỏi mỗi mỗi vọng tưởng của tự tâm.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Từ nhân duyên hữu vô
Mà sinh khởi thế gian.
Vọng tưởng chấp tứ cú
Chẳng rõ thuyết thông ta.
Thế gian chẳng hữu sinh
Cũng chẳng phải vô sinh.
Chẳng từ hữu, vô sinh
Cũng chẳng phi hữu vô.
Tại sao những phàm phu
Vọng tưởng chấp nhân duyên.
Tất cả pháp vô sinh
Do nhân duyên có sinh.
Phi hữu cũng phi vô
Cũng chẳng phải hữu, vô.
Quán thế gian như thế
Chuyển tâm đắc vô ngã.
Tất cả duyên sở tác
Sở tác chẳng tự có.
Việc chẳng tự sinh việc
Vì có lỗi hai việc.
Nếu chẳng lỗi hai việc
Thì chẳng tánh để đạt.
Quán các pháp hữu vi
Lìa năng duyên, sở duyên.
Tâm lượng của vô tâm
Ta nói là tâm lượng.
Nơi tư duy nói lượng
Nhân duyên thảy đều lìa.
Tự tánh vốn trong sạch
Ta gọi là tâm lượng.
Phương tiện lập tục đế
Bản lai chẳng sự thật.
Phương tiện lập năm ấm
Chẳng thật cũng như thế.
Có bốn thứ bình đẳng:
Tướng, vô tướng bình đẳng.
Sinh, vô sinh bình đẳng
Ngã, vô ngã bình đẳng.
Tu, sở tu bình đẳng
Vọng tưởng tập khí chuyển
Có mỗi mỗi tâm sinh.
Cảnh giới hiện bên ngoài
Là tâm lượng thế tục.
Ngoài hiện vốn chẳng có
Tâm lại thấy đủ thứ.
Do kiến lập thân, tài
Ta nói là tâm lượng.
Lìa tất cả kiến chấp
Năng tưởng và sở tưởng.
Vô đắc cũng vô sinh
Ta nói là tâm lượng.
Phi tánh chẳng phi tánh
Tánh phi tánh đều lìa.
Nơi tâm được giải thoát
Ta nói là tâm lượng.
Như như với hư không
Niết-bàn và pháp giới.
Mỗi mỗi ý sinh thân
Ta nói là tâm lượng.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã thuyết giảng, Đại Bồ-tát nên thấu rõ ngữ nghĩa. Thế nào là Bồ-tát khéo thấu ngữ nghĩa? Thế nào là ngữ? Thế nào là nghĩa?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hãy chú ý nghe! Ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Thế nào là ngữ? Là nói nương theo cổ họng, môi, lưỡi, răng, nướu, cằm, hòa hợp vọng tưởng, sinh ra văn tự ngôn thuyết, do đó tập khí chấp trước sinh khởi, ấy gọi là ngữ.

Thế nào là nghĩa? Là nói lìa tất cả tướng vọng tưởng và ngôn thuyết mà hiển bày tánh nghĩa, ấy gọi là nghĩa. Đại Tuệ! Đại Bồ-tát ở nơi tĩnh lặng, dùng tuệ văn, tư, tu, quán theo nghĩa này thì được duyên tự thấu tỏ, hướng vào thành Niết-bàn, cho đến thân tập khí chuyển biến rồi thì chứng cảnh giới tự giác, khéo quán tướng nghĩa thắng tiến từ Sơ địa đến Thập địa, ấy gọi là Đại Bồ-tát khéo thông tướng nghĩa.

Lại nữa, nói Đại Bồ-tát khéo thông ngữ nghĩa, là quán ngữ và nghĩa chẳng phải khác, chẳng phải không khác; quán nghĩa và ngữ cũng như thế. Nếu ngữ khác với nghĩa thì chẳng do ngữ mà hiểu nghĩa, thật thì do ngữ vào nghĩa, cũng như ngọn đèn chiếu soi mà hiện bày sắc tướng.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Tự tánh Niết-bàn là bất sinh bất diệt, Tam thừa, Nhất thừa, tâm và tự tánh vốn bình đẳng. Nếu duyên theo nghĩa ngôn thuyết chấp trước, thì rơi vào kiến chấp phủ nhận và kiến lập, cho có kiến lập khác biệt và vọng tưởng khác biệt, hiện mỗi mỗi vọng tưởng như huyễn. Ví như mỗi mỗi tướng huyễn, chúng sinh ngu si cho là vọng tưởng có khác biệt, chẳng phải Thánh hiền.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Theo vọng tưởng ngôn thuyết
Kiến lập nơi các pháp.
Do lỗi kiến lập ấy
Chết rồi đọa địa ngục.
Trong ấm chẳng có ngã
Ấm tức chẳng phải ngã.
Cũng chẳng phải vô ngã
Chẳng như vọng tưởng kia.
Chấp tất cả có tánh
Là vọng tưởng phàm phu.
Nếu như kiến chấp họ
Tất cả thành chân đế.
Tất cả pháp vô tánh
Dơ sạch thảy đều lìa.
Kiến chấp họ chẳng thật
Cũng chẳng phải đoạn diệt.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Nay ta sẽ thuyết giảng về tướng trí thức, nếu ông và các Bồ-tát khéo phân biệt được tướng trí thức, tức là thông đạt tướng trí thức, sẽ chóng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đại Tuệ! Có ba thứ trí là: Trí thế gian, trí xuất thế gian và trí xuất thế gian thượng thượng.

Thế nào là trí thế gian? Là nói tất cả phàm phu ngoại đạo chấp trước về hữu và vô. Thế nào là trí xuất thế gian? Là nói tất cả Thanh văn, Duyên giác do chấp trước hy vọng chứng quả Niết-bàn, rơi vào đối tượng được chứng đắc của tự tướng cho là cộng tướng. Thế nào là trí xuất thế gian thượng thượng? Ta nói chư Phật, Bồ-tát quán pháp vô sinh, thấy bất sinh bất diệt, lìa pháp hữu và vô, duyên vô sư trí, tự chứng đắc nhân, pháp vô ngã của quả vị Như Lai.

Này Đại Tuệ! Sinh diệt là thức, bất sinh bất diệt là trí. Lại nữa, rơi vào tướng vô tướng và đọa mỗi mỗi nhân tướng hữu và vô là thức, siêu việt tướng hữu vô là trí. Lại nữa, nuôi dưỡng tướng là thức, chẳng nuôi dưỡng tướng là trí. Lại nữa, có ba thứ trí: Là biết sinh diệt, biết tự, cộng tướng, biết bất sinh bất diệt. Lại nữa, tướng vô ngại là trí, mỗi mỗi cảnh giới tướng ngại là thức. Lại nữa, chấp ba sự hòa hợp sinh tướng phương tiện là thức, tướng tự tánh chẳng nhờ sự phương tiện là trí. Lại nữa, đắc tướng là thức, chẳng đắc tướng là trí. Vì cảnh giới Thánh trí tự giác chẳng xuất chẳng nhập, như bóng trăng trong nước, chẳng thể nắm bắt.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Tích tụ nghiệp là thức
Chẳng tích tụ là trí.
Quan sát tất cả pháp
Thông đạt nghĩa vô sinh.
Khi đắc sức tự tại
Thì gọi là trí tuệ.
Tâm lìa cảnh giới trói
Trí giác tưởng liền khởi.
Cho đến tướng thắng diệu
Đại trí tuệ tự sinh.
Xa lìa tư duy tưởng
Tâm, ý và ý thức.
Bồ-tát Vô phân biệt
Thanh văn chẳng thể đến.
Tịch tĩnh thắng tiến nhẫn
Trí Như Lai trong sạch.
Khéo sinh thắng nghĩa đế
Sở hành thảy xa lìa.
Ta thuyết ba thứ trí
Nêu rõ tánh chân thật.
Nhị thừa có chứng đắc
Chấp trước nơi tự tánh.
Nơi tưởng tư duy kia
Thâu nhận tất cả tướng.
Thành Thanh văn, Duyên giác
Bậc trí lìa chư hữu
Siêu việt những tâm lượng
Là Như Lai thanh tịnh.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Ngoại đạo có chín thứ Chuyển biến luận sinh chuyển biến kiến chấp của ngoại đạo, ấy là: Hình xứ chuyển biến, tướng chuyển biến, nhân chuyển biến, thành chuyển biến, kiến chuyển biến, tánh chuyển biến, duyên phân minh chuyển biến, đối tượng tạo tác phân minh chuyển biến, Sự chuyển biến, gọi là chín thứ chuyển biến kiến chấp. Đại Tuệ! Tất cả ngoại đạo vì chấp hữu và vô, sinh khởi chuyển biến luận.

Thế nào là chuyển biến hình xứ? Là thấy nhiều hình xứ khác nhau, ví như vàng ròng chuyển biến thành các thứ đồ dùng thì có mỗi mỗi hình xứ hiển hiện, mà chẳng phải có tánh vàng chuyển biến. Tất cả chuyển biến cũng như thế. Hoặc có ngoại đạo tự sinh vọng tưởng như thế; từ vọng tưởng hình xứ chuyển biến cho đến sự chuyển biến, tất cả tánh của chín thứ chuyển biến như thế, chẳng phải như vọng tưởng, cũng chẳng phải khác với vọng tưởng. Nên biết chuyển biến vọng tưởng của ngoại đạo, cũng như tô lạc, rượu, trái cây… từ nhân ban sơ chuyển biến thành quả chín muồi, hoặc có hoặc không, tất cả đều do tự tâm hiện, ngoài tánh phi tánh, thật ra tự tâm chẳng có chuyển biến. Đại Tuệ! Chúng sinh ngu si như thế, tự sinh vọng tưởng tu tập, thấy pháp hữu vô hoặc sinh hoặc diệt, như thấy sắc tướng sinh nơi mộng huyễn.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Lúc hình xứ chuyển biến
Là bốn đại chuyển biến.
Trung ấm (thân) chẳng bốn đại
Cũng không ngoài hình xứ.
Chuyển biến thuộc vọng tưởng
Chẳng phải bậc minh trí.
Vậy duyên khởi thế gian
Như thành Càn-thát-bà.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết giảng nghĩa tương tục và giải thoát của tất cả pháp. Nếu khéo phân biệt tướng của tất cả pháp tương tục hay chẳng tương tục, sẽ khiến con và các Bồ-tát sẽ hiểu rõ về tất cả phương tiện khéo léo, chẳng rơi vào chỗ nghĩa được thuyết của ngoại đạo chấp trước tương tục. Đối với tướng tương tục, chẳng tương tục của tất cả các pháp, lìa vọng tưởng nơi ngôn thuyết, văn tự, dạo qua tất cả cõi Phật, trước vô lượng đại chúng hiện sức thần thông tự tại, Tổng trì pháp ấn, đủ thứ biến hóa, ánh sáng giác tuệ chiếu soi, khéo dùng mười cú vô tận, vô lượng phương tiện hạnh, cũng như nhật nguyệt, châu ma-ni và bốn đại, nơi tất cả Địa, lìa tự tướng vọng tưởng mà hiện. Thấy tất cả pháp như mộng huyễn, vào quả vị Phật nơi tất cả cõi chúng sinh, tùy cơ thích ứng mà thuyết pháp để dẫn dắt họ, khiến được an trụ nơi tự tâm, lìa pháp hữu vô và vọng tưởng sinh diệt, tất cả các pháp như mộng huyễn… Chuyển tướng nơi chỗ dựa thành thân tối thắng, khác với nghĩa ngôn thuyết của ngoại đạo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Lành thay! Lành thay! Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì người mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Tất cả các pháp vô lượng, như nghĩa nơi chỗ được nêu giảng chấp trước tương tục của ngoại đạo, ấy là chấp trước tương tục về tướng, chấp trước tương tục nơi duyên, chấp trước tương tục về tánh phi tánh, chấp trước tương tục theo vọng tưởng sinh bất sinh, chấp trước tương tục theo vọng tưởng diệt bất diệt, chấp trước tương tục theo vọng tưởng thừa phi thừa, chấp trước tương tục theo vọng tưởng hữu vi, vô vi; chấp trước tương tục theo vọng tưởng địa địa tự tướng, chấp trước tương tục theo vọng tưởng tự vô gián, chấp trước tương tục theo vọng tưởng y pháp hữu vô của ngoại đạo, chấp trước tương tục theo vọng tưởng của Tam thừa, Nhất thừa vô gián.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đây là những chúng sinh ngu tối tự sinh vọng tưởng tương tục. Phàm phu vọng tưởng, đem những tương tục này, như con tằm nhả tơ làm kén, dùng tơ vọng tưởng tự trói và buộc trói người, tương tục chấp trước tướng có và không có.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Trong đó thật chẳng có tướng tương tục và bất tương tục. Nếu quán tất cả pháp tịch tĩnh thì vọng tưởng chẳng sinh, nên Đại Bồ-tát phải quán tất cả pháp tịch tĩnh.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Giác ngộ được ngoài tánh phi tánh thì tướng tự tâm hiện lượng chẳng có, thuận theo sự quan sát tự tâm hiện lượng chẳng có thì tất cả tánh hữu và vô đều là vô tướng. Vì tương tục tịch tĩnh, nên nơi tất cả pháp chẳng có tướng tương tục và bất tương tục.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Trong đó chẳng có trói hay mở, cũng chẳng rơi vào tri kiến “không thật không như thật” cho là có trói có mở. Vì sao? Vì tất cả pháp hữu và vô đều không thể nắm giữ. Nếu thấy có tất cả pháp để “Không” là chưa thể quên nơi pháp; thấy có tất cả chúng sinh để độ thì chưa thể quên nơi chúng sinh, dù nói mở trói, nhưng chưa lìa trói, chẳng thể gọi là cảnh giới chân như, thật tế.

Nếu giác ngộ như thật tế, đối với tất cả pháp chẳng thấy có tất cả pháp để “Không” tức là nơi pháp mà lìa pháp; độ tất cả chúng sinh mà chẳng thấy có tất cả chúng sinh để độ, tức là nơi chúng sinh mà lìa chúng sinh, vì tất cả pháp và tất cả chúng sinh đều không nắm giữ.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Phàm phu có ba thứ tương tục (là nguồn gốc của mười một thứ tương tục kể trên) ấy là: Tham, sân, si, nghiệp ái và tham ái của kiếp sau. Từ tham, sân, si sinh ra nghiệp ái và tham ái kiếp sau, do ba thứ tương tục này, khiến chúng sinh luân hồi tương tục trong sáu đường. Đại Tuệ! Nếu “tương tục” đoạn dứt thì chẳng có tướng tương tục và bất tương tục.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Chấp trước ba duyên hòa hợp làm phương tiện thì sinh thức ấm tương tục chẳng ngừng, vì chấp trước nơi phương tiện nên có tương tục. Nếu ba duyên hòa hợp và thức ấm đoạn dứt thì thấy được ba giải thoát, tất cả tương tục đều chẳng sinh.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Vọng tưởng chẳng chân thật
Nói là tướng tương tục.
Nếu thấu tỏ chân thật
Thì lưới tương tục dứt.
Vì chúng sinh vô tri
Tùy ngôn thuyết thâu nhận.
Ví như con tằm kia
Nhả tơ để tự trói.
Vọng trói của phàm phu
Tương tục cũng như thế.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã thuyết giảng, vì chấp trước nơi mỗi mỗi nghĩa, mỗi mỗi vọng tưởng chẳng thật mà vọng tưởng sinh. Thế thì mỗi mỗi vọng tưởng phân biệt, mỗi mỗi các pháp vốn chẳng thật tánh, chỉ là hư vọng phân biệt mà thôi. Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ có vọng tưởng tự tánh, chẳng phải có pháp tự tánh khác làm đối đãi mà khởi thì các pháp đều chẳng có tự tánh, há chẳng phải Thế Tôn nói: “Tập khí phiền não với thanh tịnh Niết-bàn thảy đều vô tánh chăng?” Nếu nhiễm tịnh đều hoại, há chẳng phải có cái lỗi cho các pháp là đoạn diệt chăng? Vì sao Thế Tôn nói tất cả pháp chỉ là tự tánh vọng tưởng, là phi tánh, chẳng có thật thể? Há chẳng phải thành kiến chấp đoạn diệt chăng?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Đúng thế! Đúng thế! Như ông đã nêu. Đại Tuệ! Như Thánh trí có tánh của tự tánh là: Thánh tri, Thánh kiến, Thánh tuệ nhãn, như thế, tánh của tự tánh tự tri, chẳng như tánh chấp của phàm phu, cho vọng tưởng tự tánh là chân thật. Cái vọng tưởng tự tánh này chẳng phải có tánh tướng của tự tánh.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Giả sử bậc Thánh dùng Thánh tri, Thánh kiến, Thánh tuệ nhãn tự tri, chẳng như Thiên nhãn và Nhục nhãn của phàm phu do vọng tưởng phân biệt mà nhận biết. Thế thì vọng tưởng phân biệt chẳng thể kiến tánh đã rõ ràng, làm sao phàm phu lìa được vọng tưởng ấy? Chỉ có cảnh giới giác tri đúng như thật của bậc Thánh mới chuyển được vọng thức, xa lìa vọng tưởng phân biệt. Bạch Thế Tôn! Phàm phu hay phân biệt mỗi mỗi pháp, chẳng phải điên đảo; nhưng chẳng thể lìa mỗi mỗi phân biệt, cũng chẳng phải không điên đảo. Vì sao? Vì chẳng thể thấy cảnh giới như thật của bậc Thánh và chẳng thấy tướng lìa hữu và vô.

Bạch Thế Tôn! Bậc Thánh cũng có phân biệt như thế, cũng thấy như sự vọng tưởng, do tưởng chẳng lìa sự, cũng là chấp tướng. Chấp tướng là cảnh giới của phàm phu, chẳng chấp tướng mới là cảnh giới nơi chính nẻo hành hóa của bậc Thánh. Bậc Thánh chẳng cho cảnh giới tự tướng là cảnh giới, do cảnh giới của phàm phu mà tự tâm thấy cảnh giới. Theo tướng duy nhất là vô tướng, bản thể của vô tướng là pháp thể; bậc Thánh cũng thấy có tướng tự tánh, cũng thấy có pháp thể nơi tự tánh, nơi tướng của tự tánh phân biệt pháp thể cũng giống như vọng tưởng của phàm phu. Hiển hiện tự tánh như thế, chỉ là chẳng nói hữu nhân mà gọi là hữu, chẳng nói vô nhân mà gọi là vô, cho nên chẳng nói hữu vô, vì nói hữu nói vô thì rơi vào kiến chấp tánh tướng của các pháp. Nói bậc Thánh “chẳng rơi vào nơi hữu và vô” như thế này là chẳng rơi vào nơi tướng thấy là cảnh giới tự tướng, nên chẳng phải phàm phu có thể so bằng mà khác với cảnh giới của phàm phu. Nhưng sự thấy của bậc Thánh hoặc thấy cho là hữu nhân thì rơi vào nơi hữu hoặc thấy cho là vô nhân thì rơi vào nơi vô, theo những thuyết kể trên là có rất nhiều lỗi. Vì sao? Vì chẳng biết tất cả pháp tướng vốn chẳng có tướng tự thể.

Bạch Thế Tôn! Do vọng tưởng tự tánh phân biệt, chẳng thể thấy được tánh tướng của tự tánh, vậy cái nào là vọng tưởng, cái nào chẳng phải vọng tưởng? Làm sao mà biết đúng như thật về vọng tưởng? Bạch Thế Tôn! Tướng vọng tưởng và tướng tự tánh có khác hay chẳng khác? Nếu nói tướng vọng tưởng và tướng tự tánh chẳng khác thì chẳng có cái nhân tương tự, vậy tại sao phàm phu chẳng biết đúng như thật chỗ chẳng vọng tưởng của các pháp? Nếu nói là chúng sinh lìa vọng tưởng, thì tướng vọng tưởng chẳng như thật mà có, vậy tại sao Thế Tôn khiến chúng sinh lìa kiến chấp các pháp hữu vô mà lại chấp trước có cảnh giới của bậc Thánh, rơi vào nơi hữu kiến? Sao chẳng nói pháp không tịch tĩnh phi tánh, mà lại nói sự Thánh trí tự tánh?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Chẳng phải ta chẳng thuyết giảng pháp không phi tánh, cũng chẳng phải rơi vào nơi hữu kiến, nói sự Thánh trí tự tánh. Vì muốn khiến chúng sinh lìa sự kinh sợ, do chúng sinh từ vô thủy đến nay chấp trước tánh tướng của tự tánh và sự Thánh trí tự tánh, đã chấp thật có tướng, nếu nói pháp không thì họ kinh sợ, nên ta chẳng nói tánh tướng của tự tánh. Nhưng ta trụ nơi pháp không như thật đã tự chứng đắc, lìa tướng mê hoặc, lìa kiến chấp tánh phi tánh do tự tâm hiện đắc ba giải thoát, đúng như pháp ấn thật tướng đã ấn chứng nơi tánh của tự tánh do tự giác quan sát, lìa tướng thấy hữu và vô.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Đại Bồ-tát chẳng nên lập “Tất cả pháp bất sinh” làm tông. Vì sao? Vì tông của tất cả tánh đều phi tánh, do có nhân đối đãi sinh ra tướng, nên nói tất cả pháp chẳng thể lập tông, lập tông ắt phải hoại. Nói “Lập tông phải hoại” là vì tông ấy do sự đối đãi mà lập. Nếu tất cả pháp chẳng lập tông thì tướng vô sinh chẳng hoại, nên “Tất cả pháp chẳng thể lập tông thì hoại”. Đại Tuệ! Hữu và vô chẳng sinh tông, vì đem tông vào tất cả tánh thì tướng hữu vô không thể nắm bắt. Đại Tuệ! Giả sử tông kia chẳng sinh, đem “tất cả tánh chẳng sinh” mà lập tông, thế thì tông kia phải hoại. Vì tánh tướng hữu và vô bất sinh, do đó chẳng nên lập tông; vì năm phần luận có rất nhiều lỗi (luận nhân minh nhập chánh lý ghi có ba mươi ba lỗi), là do nhiều tướng khác biệt lần lượt làm nhân lẫn nhau và có chỗ tạo tác, do đó chẳng nên lập tông. Nói tất cả pháp bất sinh thì tất cả pháp không, như thế, tất cả pháp không có tự tánh thì chẳng nên lập tông.

Này Đại Tuệ! Nhưng Đại Bồ-tát thuyết giảng tất cả pháp như mộng huyễn, vì thấy tướng hiện hay chẳng hiện là do lỗi của sự thấy biết, nên nói tất cả pháp tánh như mộng huyễn. Đại Tuệ! Vì phàm phu rơi vào kiến chấp hữu và vô, muốn lìa sự kinh sợ của họ, phải tùy cơ thuyết pháp, chớ khiến họ sinh tâm sợ hãi, xa lìa pháp Đại thừa.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Vô thuyết, vô tự tánh
Vô sự, vô tương tục.
Phàm phu vọng chấp thật
Như xác chết có giác.
Tất cả pháp bất sinh
Chẳng như tông ngoại đạo
Các pháp vốn vô sinh
Do nhân duyên thành tựu.
Tất cả pháp bất sinh
Bậc trí chẳng phân biệt
Việc do lập tông sinh
Kẻ giác phải diệt trừ.
Ví như bệnh nhặm mắt
Vọng thấy tướng hoa đốm.
Tánh chấp trước cũng thế
Do phàm phu vọng tưởng.
Phân biệt hiện ba cõi
Sự tự tánh chẳng có.
Mà lập sự tự tánh
Vì tư duy khởi vọng.
Tùy sự lập ngôn giáo
Vọng tưởng rất lăng xăng.
Phật tử hãy siêu thoát
Xa lìa các vọng tưởng.
Phi nước tưởng là nước
Do khát nước vọng sinh.
Phàm phu mê như thế
Bậc Thánh chẳng thấy vậy.
Bậc Thánh thấy trong sạch
Chánh định ba giải thoát.
Xa lìa nơi sinh diệt
Dạo đi cõi vô sinh.
Tu hành không chốn tu
Cũng chẳng tánh phi tánh.
Tánh phi tánh bình đẳng
Do đó sinh quả Thánh.
Thế nào tánh phi tánh?
Thế nào pháp bình đẳng?
Tâm tri tâm bất tri
Trong ngoài và động tịnh.
Nếu người được đoạn dứt
Ắt thấy tâm bình đẳng.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã thuyết giảng, trí tuệ quan sát tiền cảnh duyên dựa nơi các pháp, chẳng thấy có một pháp để đắc, ấy chỉ là giả lập phương tiện, đối tượng được thâu nhận và chủ thể thâu nhận phi tánh thì cả hai đều không, thế thì trí cũng chẳng thể thâu nhận cái thuyết “Phân biệt bất sinh”, ấy gọi là trí. Vậy cái tên trí này cũng là phương tiện giả lập mà thôi. Thế nào? Bạch Thế Tôn! Vì chẳng giác ngộ được tánh của tự tướng cộng tướng khác hay chẳng khác nên chẳng đắc tướng trí chăng? Hoặc vì mỗi mỗi tánh tướng của tự tướng cộng tướng tự che khuất nên chẳng đắc tướng trí chăng? Hoặc vì hòn núi vách đá địa, thủy, hỏa, phong làm chướng ngại nên chẳng đắc tướng trí chăng? Hoặc vì quá xa quá gần nên chẳng đắc tướng trí chăng? Hoặc vì quá già quá nhỏ, mù điếc, các căn chẳng đủ nên chẳng đắc tướng trí chăng?

Bạch Thế Tôn! Nếu do chẳng giác ngộ được sự khác hay chẳng khác của tự tướng cộng tướng nên chẳng đắc tướng trí, thì chẳng nên nói trí, nên nói vô trí, vì có sự “chẳng đắc” vậy. Nếu do mỗi mỗi tánh tướng của tự tướng cộng tướng tự che khuất nên chẳng đắc tướng trí thì cũng là vô trí, chẳng phải trí. Bạch Thế Tôn! Do có Nhĩ diệm (mẹ của trí) nên trí sinh, chẳng phải vô tánh có thể hợp thành sở tri của Nhĩ diệm mà gọi là trí. Nếu do hòn núi vách đá địa, thủy, hỏa, phong, quá xa, quá gần, quá già, quá nhỏ, mù điếc, các căn chẳng đủ nên chẳng đắc tướng trí, vậy là vô trí, cũng chẳng phải trí, vì sự “có trí” không thủ đắc.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Chẳng phải nghĩa vô trí như ông nói mà cho là trí. Ta chẳng nói sự duyên dựa ẩn lấp như thế, trí tuệ chẳng đắc tướng, là theo phương tiện kiến lập, giác ngộ được tự tâm hiện lượng, hữu và vô hữu, ngoài tánh phi tánh, biết mà “sự” chẳng thể đắc. Vì chẳng đắc nên trí ở nơi Nhĩ diệm chẳng sinh; nếu tùy thuận ba cửa giải thoát, trí cũng chẳng thể đắc. Nếu người chẳng vọng tưởng thì có cái trí thấu tỏ các tập khí hư dối tánh phi tánh từ vô thủy, cái tri này phàm phu ngoại đạo chẳng thể tri. Do đó, phàm phu đối với xứ sở ngoại cảnh, tánh tướng vô tánh, vọng tưởng chẳng dứt, vì chấp trước sự thâu nhận, kiến lập tự tâm hiện lượng nói có tướng ngã và ngã sở, chẳng biết tự tâm hiện lượng nơi trí Nhĩ diệm mà khởi vọng tưởng, vì vọng tưởng chẳng thể quan sát ngoài tánh phi tánh, lại dựa theo đoạn kiến của ngoại đạo.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Chẳng trụ sự duyên dựa
Và trí tuệ quan sát
Vô trí tức chánh trí
Vọng cho là phi trí.
Nơi tánh tướng chẳng khác
Nếu chấp theo quan sát
Những chướng ngại xa gần
Ấy gọi là tà trí.
Do sáu căn chẳng đủ
Nói trí tuệ chẳng sinh.
Thật thì có Nhĩ diệm
Ấy cũng gọi tà trí.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Phàm phu ngu si chẳng khéo thấu tỏ, chấp tướng ngoài tánh tự tâm hiện, bị vọng tưởng tà ác hư dối từ vô thủy xoay chuyển. Lúc xoay chuyển thì chẳng thể đạt đến tự tông thông và thuyết thông, nên chấp cái thuyết phương tiện mà chẳng khéo phân biệt bốn luận chứng của tự tông thông và thuyết thông trong sạch.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Đúng như Phật dạy! Cúi xin Thế Tôn vì chúng con phân biệt về thuyết thông và tông thông, khiến con và các Đại Bồ-tát thấu rõ hai thứ thông, cũng khiến cho các phàm phu, Thanh văn và Duyên giác đời vị lai chẳng mắc lỗi lầm.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Lành thay! Lành thay! Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Ba đời chư Như Lai có hai thứ pháp thông, là thuyết thông và tự tông thông. Nói thuyết thông, là tùy sự thích ứng của tâm chúng sinh mà thuyết mỗi mỗi pháp ghi đủ trong khế kinh (khế lý, khế cơ), gọi là thuyết thông. Nói tự tông thông, là nói người tu hành lìa mỗi mỗi vọng tưởng do tự tâm hiện, chẳng rơi vào kiến chấp nhị biên nhất hay dị, đồng hay chẳng đồng, siêu thoát tất cả tâm, ý, ý thức. Đối với cảnh giới của Thánh trí tự giác, lìa kiến chấp nhân duyên và kiến chấp tương ưng do công hạnh tạo tác mà thành. Tất cả ngoại đạo, Thanh văn, Duyên giác, người rơi vào nhị biên đều chẳng thể biết, ta gọi là pháp tự tông thông. Đại Tuệ! Tướng Tự tông thông và thuyết thông này, ông và các Đại Bồ-tát cần nên tu học.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Ta nói hai thứ thông
Tông thông và thuyết thông.
Thuyết thông dạy sơ cơ
Tông thông là giải thoát.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn có khi nghĩ rằng: “Đối với mỗi mỗi lập luận của thế gian chớ nên gần gũi học tập. Nếu gần gũi học tập là thâu giữ tham dục, chẳng thâu nhận giáo pháp.” Vì sao Thế Tôn nói như thế?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Mỗi mỗi nghĩa cú nơi ngôn luận của thế gian theo nhân duyên tích tập, những nhân duyên thí dụ giống như trang nghiêm để dụ dẫn, dối gạt những phàm phu ngu si, chẳng thể vào tự thông chân thật, chẳng biết tất cả pháp vọng tưởng điên đảo. Phàm phu mê hoặc, rơi vào nơi tà kiến nhị biên, tự phá hoại chánh kiến chánh pháp, luân hồi sáu nẻo, chẳng thể giải thoát. Do vọng tưởng chấp trước, chẳng thể giác ngộ được tự tâm hiện lượng, chẳng lìa ngoài tánh của tự tánh. Do đó, mỗi mỗi lập luận của thế gian chẳng thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, lo, buồn, khổ não, dối gạt và mê hoặc.

Này Đại Tuệ! Xưa kia Thích Đề-hoàn Nhân rộng hiểu các luận, tự tạo thanh luận. Bọn Thế luận kia có một người đệ tử hiện hình tượng rồng, đến Thiên cung Đế Thích kiến lập tông chỉ Thế luận và hẹn nhau với Thích Đề-hoàn Nhân: “Nay ta cùng ngươi biện luận, nếu ta thắng thì ta sẽ hoại bánh xe ngàn căm của ngươi, nếu ngươi thắng thì sẽ chém đầu ta để tạ lỗi cho ngươi.” Hẹn xong bèn dùng thế pháp lật đổ Thanh luận của Đế Thích, liền phá hủy bánh xe rồi trở về thế gian. Đại Tuệ! Như con rồng là súc sinh cũng có thể dùng mỗi mỗi nghĩa cú, ngôn luận thế gian, nhân duyên thí dụ trang nghiêm để mê hoặc chư Thiên và A-tu-la, khiến vướng mắc vào kiến chấp sinh diệt, huống hồ là loài người chăng. Do đó, ngôn luận thế gian cần nên xa lìa, vì hay làm nhân sinh ra quả khổ, chớ nên gần gũi học tập.

Này Đại Tuệ! Bọn Thế luận chỉ nói cảnh giới của thân giác mà thôi. Đại Tuệ! Có trăm ngàn Thế luận kia, sau khi Phật diệt độ năm trăm năm, sẽ phá hoại sự kết tập kinh điển, do giác ác họ thịnh hành nơi thế gian, có nhiều đệ tử ác ham thọ pháp họ. Đại Tuệ! Họ dùng đủ thứ nghĩa cú nhân duyên thí dụ trang nghiêm thuyết giảng việc ngoại đạo dùng Thế luận để phá hoại sự kết tập kinh điển, vì tự chấp nhân duyên, chẳng có tự thông. Đại Tuệ! Đám ngoại đạo kia chẳng có Tự thông luận, lập ra Thế luận, rộng thuyết giảng vô lượng trăm ngàn sự môn, chẳng thể tự thông, cũng chẳng tự biết là ngu si, chấp Thế luận là chân lý.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu ngoại đạo thuyết giảng mỗi mỗi nghĩa cú nhân duyên thí dụ trang nghiêm của Thế luận, do tự chấp trước, có tự thông, thì Thế Tôn cũng thuyết giảng thế luận vì mỗi mỗi Trời, Người và A-tu-la từ các phương đến tụ hội, Phật cũng rộng thuyết vô lượng nghĩa cú, há cũng chẳng phải không có tự thông chăng! Lẽ nào cũng lọt vào số ngôn thuyết trí tuệ của tất cả ngoại đạo sao?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Ta chẳng thuyết Thế luận, chẳng thuyết khứ lai, chỉ thuyết bất khứ bất lai. Đại Tuệ! Lai là tụ họp, khứ là tan rã, chẳng khứ chẳng lai là bất sinh bất diệt. Cái nghĩa của ta thuyết chẳng rơi vào nơi số vọng tưởng của Thế luận. Vì sao? Vì chẳng chấp trước ngoài tánh phi tánh, vọng tưởng nhị biên nơi tự tâm hiện chẳng thể xoay chuyển, là cảnh tướng phi tánh. Giác ngộ được tự tâm hiện thì vọng tưởng của tự tâm hiện chẳng sinh. Vọng tưởng chẳng sinh thì vào ba cửa giải thoát: Không, Vô tướng, Vô tác, gọi là giải thoát.

Này Đại Tuệ! Ta nhớ xưa kia cư trú tại một nơi có Bà-la-môn theo Thế luận đến chỗ ta ở, chẳng màng đến ta có rảnh hay không, bèn hỏi: “Cù-đàm! Tất cả pháp là được tạo tác chăng?” Ta đáp ngay: “Bà-la-môn! Nói tất cả pháp được tạo tác là thuộc về Thế luận thứ nhất.” Họ lại hỏi: “Tất cả pháp là không chỗ tạo tác chăng?” Ta cũng đáp: “Tất cả pháp phi chỗ tạo tác thuộc Thế luận thứ hai.” Họ hỏi tiếp: “Tất cả pháp thường chăng? Tất cả pháp vô thường chăng? Tất cả pháp sinh chăng? Tất cả pháp bất sinh chăng?” Ta liền đáp: “Ấy là Thế luận từ thứ ba đến thứ sáu.”

Này Đại Tuệ! Họ lại hỏi: “Tất cả pháp là nhất chăng? Tất cả pháp là dị chăng? Tất cả pháp đồng chăng? Tất cả pháp chẳng đồng chăng? Tất cả pháp do mỗi mỗi thọ sinh mà hiện chăng?” Ta trọn đáp: “Ấy là Thế luận từ thứ bảy đến thứ mười một.” Đại Tuệ! Họ lại hỏi: “Tất cả pháp là vô ký chăng? Tất cả pháp là ký chăng? Hữu ngã chăng? Vô ngã chăng? Có đời này chăng? Chẳng đời này chăng? Có đời khác chăng? Chẳng đời khác chăng? Có giải thoát chăng? Không giải thoát chăng? Tất cả là sát-na chăng? Tất cả chẳng là sát-na chăng? Là hư không chăng? Là chẳng phải số diệt chăng? Là Niếtbàn chăng? Là do Cù-đàm tác chăng? Chẳng phải tác chăng? Có thân trung ấm chăng? Chẳng thân trung ấm chăng?” Đại Tuệ! Ta đáp: “Này Bà-la-môn! Những câu hỏi như thế đều là Thế luận của ngươi, chẳng phải là chỗ thuyết giảng của ta. Ta chỉ thuyết giảng mỗi mỗi nghiệp ác tập khí vọng tưởng hư dối từ vô thủy là nhân của ba cõi, những người chẳng thể biết rõ tự tâm hiện lượng mà sinh vọng tưởng duyên dựa ngoài tự tánh như pháp của ngoại đạo nói: “Do ngã và căn, cảnh ba duyên hòa hợp mà có cái biết sinh khởi.” Ta thì chẳng như thế. Bà-la-môn! Ta chẳng thuyết nhân, chẳng thuyết vô nhân, chỉ thuyết cái tánh vọng tưởng về chủ thể thâu nhiếp, đối tượng được thâu nhiếp giả lập pháp duyên khởi, chẳng phải ngươi và những người chấp ngã tương tục có thể biết được.” Đại Tuệ! Nói Niết-bàn, hư không và tịch diệt chẳng phải có ba thứ, chỉ là số lượng có ba mà thôi.

Lại nữa, này Đại Tuệ! Khi ấy Bà-la-môn theo Thế luận lại hỏi ta: “Do si ái nghiệp làm nhân mà có ba cõi chăng? Hay vô minh là nhân chăng?” Ta đáp: “Hai thứ này cũng là Thế luận thôi”. Họ lại hỏi: “Tất cả pháp đều vào tự tướng cộng tướng chăng?” Ta lại đáp: “Đây cũng là Thế luận. Bà-la-môn! Nói tóm lại, từ những câu hỏi của ngươi cho đến dòng suối ý thức vọng chấp theo ngoại trần, tất cả đều là Thế luận.”

Lại nữa, này Đại Tuệ! Khi ấy Bà-la-môn theo Thế luận lại hỏi ta: “Mỗi mỗi nghĩa cú nhân duyên thí dụ trang nghiêm là tông chỉ của tất cả ngoại đạo, đều thuộc Thế luận, vậy còn có pháp nào chẳng phải là Thế luận?” Ta đáp: “Bà-la-môn! Có, mà chẳng phải ngươi có, phi tác phi tông, phi thuyết phi bất thuyết, phi bất nhân duyên thí dụ trang nghiêm.” Bà-la-môn hỏi: “Thế nào là phi Thế luận, phi phi tông chỉ phi phi thuyết?” Ta đáp: “Bà-la-môn! Có phi Thế luận mà ngoại đạo các ngươi chẳng thể biết, vì vọng tưởng chẳng thật, hư dối chấp trước nơi ngoài tánh. Nói vọng tưởng chẳng sinh, nếu giác ngộ về pháp hữu vô và tự tâm hiện lượng thì vọng tưởng chẳng sinh, chẳng nhiễm ngoại trần, dứt hẳn vọng tưởng, ấy gọi là phi Thế luận. Đây là pháp của ta, chẳng phải ngươi có.” Khi ấy, Bà-la-môn lại lược thuyết sự nhận thức của họ, hoặc khứ hoặc lai, hoặc sinh hoặc tử, hoặc vui hoặc khổ, hoặc chìm hoặc nổi, hoặc ẩn hoặc hiện, hoặc hòa hợp hoặc tương tục, hoặc ái hoặc nhân ái, chấp trước đủ thứ tướng. Ta nói: “Bà-la-môn! So đo như thế đều là Thế luận của các ngươi, chẳng phải ta có.” Đại Tuệ! Bà-la-môn Thế luận hỏi như thế, ta đáp như thế, họ liền im lặng chẳng từ giã mà lui ra, lại còn suy tư chỗ tự thông mà nghĩ: “Sa-môn Thích tử vượt ra ngoài tướng thông, nói vô sinh, vô tướng, vô nhân, giác ngộ được tướng hiện của tự vọng tưởng thì vọng tưởng chẳng sinh.” Đại Tuệ! Đây tức là chỗ ông hỏi ta: “Tại sao nói gần gũi học tập Thế luận đủ thứ biện luận, là thâu giữ tham dục, chẳng thâu nhận giáo pháp?” Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thâu giữ tham dục và pháp có nghĩa cú gì? Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Lành thay! Lành thay! Ông khéo vì chúng sinh đời vị lai mà tư duy nêu hỏi về nghĩa cú như thế. Ta sẽ vì ông mà thuyết giảng, hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Đối với nghĩa tham, có thủ có xả, hoặc ham tiếp xúc hoặc ham mùi vị, vướng mắc ngoại trần, rơi vào nhị biên tà kiến, do đó luân hồi tương tục, lại sinh năm ấm, sinh, lão, bệnh, tử, lo buồn, khổ não, các thứ nghiệp khổ đều từ tham ái sinh khởi, đều do gần gũi nhiễm tập Thế luận, thành kẻ Thế luận. Ta và chư Phật nói là tham, ấy gọi là thâu nhận tham dục mà chẳng thâu nhận giáo pháp.

Này Đại Tuệ! Thế nào là thâu nhận pháp? Là khéo thấu rõ tự tâm hiện lượng, thấy tướng nhân vô ngã và pháp vô ngã thì vọng tưởng chẳng sinh, khéo biết từng bậc tiến lên các Địa của Bồ-tát, lìa tâm, ý, ý thức, được tất cả chư Phật trí tuệ nhận pháp quán đảnh, thâu nhận trọn vẹn cú thập vô tận, nơi tất cả pháp cũng chẳng có mở mang tự tại, ấy gọi là pháp, nghĩa là chẳng rơi vào tất cả kiến chấp, tất cả hư dối, tất cả vọng tưởng, tất cả tánh tướng, tất cả nhị biên…

Này Đại Tuệ! Có nhiều hạng si mê ngoại đạo rơi vào nơi nhị biên, hoặc thường hoặc đoạn, chẳng phải người có trí tuệ. Chấp thọ vô nhân luận thì sinh khởi thường kiến, chấp ngoại nhân hoại, nhân duyên phi tánh thì sinh khởi đoạn kiến. Ta chẳng thấy sinh, trụ, diệt, nên nói là pháp. Đại Tuệ! Ấy gọi là tham dục và pháp, ông và các Đại Bồ-tát cần nên tu học.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Tất cả luận thế gian
Là ngoại đạo vọng thuyết.
Vọng thấy tác, sở tác
Thuyết họ chẳng tự thông.
Duy nhất tự tông ta
Lìa nơi tác, sở tác.
Vì các đệ tử thuyết
Xa lìa những thế luận.
Tâm lượng chẳng thể thấy
Nhiếp, sở nhiếp phi tánh.
Chẳng quan sát hai tâm
Đoạn thường thảy đều lìa.
Ngoại đạo tâm lưu chuyển
Ta gọi là thế luận.
Người vọng tưởng chẳng chuyển
Người ấy thấy tự tâm.
Lai thì có sự sinh
Khứ thì sự chẳng hiện.
Thấu rõ việc khứ lai
Thì vọng tưởng chẳng khởi.
Hữu thường và vô thường
Năng tác và sở tác
Đời này hay đời sau
Đều là thế luận thông.

Khi ấy, Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Phật nói Niết-bàn, pháp nào gọi là Niết-bàn? Mà các ngoại đạo đối với pháp Niết-bàn mỗi mỗi sinh khởi vọng tưởng khác nhau?

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ông mà thuyết giảng.

Bồ-tát Đại Tuệ bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Bồ-tát Đại Tuệ:

–Như vọng tưởng Niết-bàn của các ngoại đạo, vọng tưởng của họ chẳng tùy thuận Niết-bàn. Hoặc có ngoại đạo diệt ấm, giới, nhập, lìa cảnh giới tham dục, thấy pháp vô thường, tâm và tâm pháp chẳng sinh, chẳng ghi nhớ cảnh giới quá khứ, hiện tại, vị lai, thọ ấm hết như ngọn đèn tắt, như chủng tử hoại, vọng tưởng chẳng sinh, nghĩ những cảnh giới này cho là Niết-bàn. Đại Tuệ! Họ chẳng do hoại tánh kiến, gọi là Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Hoặc có ngoại đạo cho “từ phương này đến phương kia” gọi là giải thoát, thấy cảnh giới của tưởng ấm diệt cũng như gió ngưng. Hoặc thấy chủ thể giác ngộ, đối tượng được giác ngộ đoạn diệt, gọi là giải thoát; hoặc thấy mỗi mỗi tướng của tư tưởng là cái nhân sinh ra khổ, qua suy nghĩ rồi, chẳng khéo giác tri tự tâm hiện lượng, kinh sợ nơi tưởng mà thấy vô sinh, sinh tâm ưa thích, tưởng là Niết-bàn; hoặc có tưởng mà thấy vô sinh, sinh tâm ưa thích, tưởng là Niết-bàn; hoặc có ngoại đạo, biết các pháp trong ngoài tự tướng cộng tướng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai có tánh chẳng hoại, cho là Niết-bàn; hoặc đối với ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng tất cả pháp ngoại, tưởng là Niết-bàn; hoặc có ngoại đạo, trí tuệ bị ác kiến thiêu đốt, chấp có ngã kiến tự tánh làm căn bản, thấy tự tánh và sĩ phu, giữa hai có chút ngăn cách, nói thần ngã của sĩ phu hay sinh tự tánh, vì do sĩ phu sinh ra, gọi là tự tánh, ví như minh sơ, Cầu-na là y theo thần ngã ban sơ sinh giác. Cầu-na dụ cho vi trần, cho Cầu-na là tác giả, nói từ vi trần sinh bốn đại, cũng như từ sĩ phu sinh tự tánh, rồi chấp có thần ngã, chấp cõi mười phương, cho là Niết-bàn.

Hoặc có ngoại đạo nói hết phước và phi phước, hoặc nói các phiền não chẳng do tu trí tuệ mà tự dứt, hoặc thấy cõi trời tự tại là kẻ chân thật tạo tác sinh tử, cho là Niết-bàn. Hoặc nói chúng sinh ở nơi này chết thọ sinh nơi khác, lần lượt luân hồi từ tám ngàn kiếp đến nay, vô nhân tự có, do đó chấp trước sinh tử chẳng có nhân nào khác, rồi chấp trước vô nhân, tưởng là Niết-bàn. Hoặc nói từ tự tánh sinh bốn đại, bốn đại sinh ý, ý sinh trí, trí sinh năm phần, năm phần sinh năm tri căn, năm tri căn sinh năm nghiệp căn, năm nghiệp căn sinh năm đại, gọi là hai mươi lăm minh đế của tự tánh, hay sinh các pháp rồi trở về tự tánh thì lìa tất cả sinh tử. Chấp minh đế này cho là đắc đạo chân đế, tưởng là Niết-bàn.

Hoặc thấy tướng nhất dị, đồng chẳng đồng hòa hợp sinh khởi công đức (như vi trần sinh khởi thế giới, vi trần là chủ thể tạo tác, thế giới là đối tượng được tạo tác, tức là công đức), cho là Niết-bàn. Hoặc thấy vạn vật như cây gai ngọn, như sự lộng lẫy của con công và đủ thứ bảo vật, chẳng có kẻ tác, vô nhân tự có, cho là Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Hoặc cho hai mươi lăm minh đế là chân thật và cho Lục Đức luận:

  1. Thật.
  2. Đức.
  3. Nghiệp.
  4. Bốn đại.
  5. Hòa hợp.
  6. Đồng dị.

Đó là nhân sinh ra các pháp, nói giữ được hai pháp này hộ trì quốc độ chúng sinh, khiến được an lạc tức là Niết-bàn. Hoặc cho thời gian là kẻ tác tạo ra thời tiết thế gian, kẻ biết như thế, tưởng là Niếtbàn. Hoặc thấy tánh, hoặc thấy phi tánh, biết là tánh phi tánh, thấy có giác này với Niết-bàn sai biệt mà chẳng khác, tưởng là Niết-bàn. Đủ thứ vọng tưởng so đo chấp trước của ngoại đạo đã thuyết giảng nơi lý chẳng thành, bậc Trí nên bỏ những thuyết này.

Này Đại Tuệ! Niết-bàn vọng tưởng của ngoại đạo, tất cả đều rơi vào kiến chấp nhị biên mà họ cho là Niết-bàn. Mỗi mỗi Niết-bàn của ngoại đạo họ tự lập luận, bậc Trí tuệ quan sát vọng tưởng của họ, tâm ý khứ lai, trôi giạt lưu động, hoặc sinh hoặc diệt, lập như không chỗ lập, thật thì chẳng có kẻ đắc Niết-bàn.

Này Đại Tuệ! Pháp Niết-bàn của ta thuyết là khéo giác ngộ về tự tâm hiện lượng, chẳng chấp ngoài tánh, lìa nơi bốn luận chứng thấy chỗ như thật, chẳng rơi vào tự tâm hiện lượng và vọng tưởng nhị biên, chủ thể thâu nhiếp đối tượng được thâu nhiếp là không nắm giữ, tất cả đo lường chẳng thấy chỗ tạo thành, đối với vọng chấp chân thật của phàm phu chẳng nên thâu nhận. Người xả bỏ rồi thì đắc pháp Thánh trí tự giác, biết hai vô ngã, lìa hai phiền não, trừ sạch hai chướng, lìa hẳn hai sinh tử, dần dần tiến lên các Địa, đến quả vị Như Lai, các Tam-muội thâm sâu, lìa tâm, ý, ý thức, đều như bóng huyễn, gọi là Niết-bàn. Đại Tuệ! Ông và các Đại Bồ-tát cần nên tu học, mau xa lìa tất cả kiến chấp về Niết-bàn của ngoại đạo.

Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nên nói kệ:

Niết-bàn của ngoại đạo
Mỗi mỗi sinh vọng tưởng.
Vọng tưởng từ tâm khởi
Chẳng cách nào giải thoát.
Không dây mà tự trói
Xa lìa phương tiện khéo.
Dù tưởng là giải thoát
Thật chẳng thể giải thoát.
Tướng thông của ngoại đạo
Nhiều loại trí khác nhau.
Vì ngu si vọng tưởng
Giải thoát chẳng có phần.
Tất cả ngoại đạo kia
Vọng thấy tác, sở tác.
Chấp hữu, vô lập luận
Thảy đều chẳng giải thoát.
Phàm phu ham vọng tưởng
Chẳng nghe pháp chân thật.
Chân thật diệt nhân khổ
Ba cõi gồm ba khổ:
Khổ khổ, vui, hoại khổ
Hành khổ ba nẻo ác.
Ví như ảnh trong gương
Dù hiện mà chẳng thật.
Vọng tưởng nơi tâm gương
Phàm phu sinh nhị kiến.
Chẳng biết tâm và duyên
Sinh vọng tưởng nhị biên.
Rõ tâm và cảnh giới
Thì vọng tưởng chẳng sinh.
Tâm thể tức vạn pháp
Sự hiện mà chẳng hiện.
Xa lìa tướng, sở tướng
Như phàm phu phân biệt.
Vọng tưởng sinh ba cõi
Vọng hiện đủ thứ tướng.
Đều chẳng có nghĩa thật
Mà kẻ ngu chẳng biết.
Chư kinh nói vọng tưởng
Chẳng ra ngoài giả danh.
Nếu lìa nơi ngôn thuyết
Phật nói vô sở thuyết.

Pages: 1 2 3 4