KINH HOẰNG ĐẠO QUẢNG HIỂN TAM-MUỘI
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 7: CHUYỂN BÁNH XE PHÁP
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo các thái tử…
–Lại nữa, này các Hiền giả! Sao gọi là Bồ-tát được chuyển xe pháp, đó là nói theo ý nghĩa tượng pháp như vậy để thọ trì không quean mà tu hành. Các hữu tình không phát khởi ý đại Bi, nhưng vì hưng khởi Phổ trí, tùy thuận mong ước của mọi người, nên mới thuyết pháp rộng rãi tuyên bố, mở bày chí không mệt mỏi, vứt bỏ lợi dưỡng, khuyên nên nhớ nghĩ thuận thời, thọ trì gìn giữ tu hạnh. Đó gọi là Bồ-tát chuyển pháp luân.
Lại nữa, nếu Như Lai đã chuyển xe pháp, nhưng xe pháp của Như Lai là hành tượng nhập đức, nên phân tích trình bày; không dùng khởi pháp, cũng không diệt pháp, không dùng hành pháp của kẻ phàm phu thấp hèn, lại cũng không dùng pháp của Hiền thánh để chuyển bánh xe pháp.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không cắt đứt nửa chừng, bình đẳng dứt hết tốt xấu. Vị ấy nhờ vậy, nên xe pháp không bị cắt đứt.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, khởi lên do nhân duyên; chẳng khởi, không khởi, nhưng có sự chuyển vận. Vì lý do ấy, nên bánh xe pháp không khởi chuyển.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không dùng mắt, sắc, tai, âm thanh, mũi, hương, lưỡi, vị, thân, cánh, tâm pháp, các tình mà chuyển; nó tùy theo hữu duyên chuyển; vì lý do ấy không có hai loại bánh xe pháp. Nếu có hai thì chẳng phải bánh xe pháp.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, cũng không dính mắc vào quá khứ, đương lai, hiện tại mà chuyển. Đó là bánh xe không chấp trước.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không do ngã kiến chuyển, chẳng phải do nhân, mạng thọ, chỗ trụ mà chuyển. Đó gọi là bánh xe Không.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không do thức, hành, tướng, diệt niệm mà chuyển. Đó là bánh xe Vô tướng.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không phải mong ước đối với Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới mà chuyển. Đó là bánh xe Vô nguyện.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không tính toán chúng sinh có sai khác mà chuyển. Không ở nơi hai pháp; đó là pháp của người phàm; là pháp Thánh giới; là pháp Thanh văn; là pháp Duyên giác; là pháp Bồ-tát; là pháp của Phật. Vì vậy gọi vị ấy là bánh xe không đổi khác.
Lại nữa, bánh xe pháp ấy, không dùng bánh xe pháp có trụ mà chuyển. Vì vậy, nên gọi là bánh xe không trụ vậy.
Tên của bánh xe pháp thế nào?
–Này chư Hiền! Vì bánh xe pháp chánh chân, chắc thật, thường không hủy hoại vậy. Nghĩa cơ bản của chữ bánh xe là bình đẳng ba đời, vì bánh xe không nơi chốn. Vì các tập kiến xứ, nhờ bình đẳng vượt qua, bánh xe trong sáng, hiu quạnh; thân tâm không đắm trước, không thể thấy bánh xe. Vì ý thức xa lìa, nên không có khe hở của bánh xe, không ở nơi năm đường. Xét kỹ về bánh xe. Không có chân đế hiển hiện. Bánh xe của sự thực hành tín tâm, bình đẳng giáo hóa chúng sinh, vì không lừa dối vậy. Bánh xe là không thể tận, vì chữ, không chữ vậy. Bánh xe của pháp tánh, bởi vì các pháp đều nương nhờ pháp tánh vậy. Bánh xe vốn chứa chân đế, vốn không chứa vậy. Bánh xe hoàn toàn không, như vốn không vậy. Không chỗ tạo ra bánh xe, vì không nhớ nghĩ đến các lậu. Bánh xe vô số, dẫn đến chí Thánh. Bánh xe như hư không, vì thấy rõ bên trong. Bánh xe không tướng, vì không nhớ nghĩ bên ngoài. Bánh xe vô nguyện, vì không có trong va ngoài. Bánh xe không thể được, tu để vượt qua.
Lại nữa, này các Hiền giả! Đức Như Lai dùng bánh xe pháp này, chuyển vận các ý hành của chúng sinh. Chuyển mà không chuyển. Nó không thể nắm bắt, vì pháp không có chỗ để xả.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn, khi giảng nói phẩm Chuyển bánh xe pháp này; thì trời, rồng, quỷ, người và các loại thần, trong lòng vô cùng hân hoan sung sướng, phát ra ánh sáng, ca tụng pháp ấy của Đức Như Lai. Đồng thanh ngợi khen:
–Lành thay Thế Tôn! Thật là khó gặp! Như Lai đã chỉ bày, chuyển nói bánh xe pháp này.
Người nghe phụng hành phải phù hợp với bánh xe pháp. Pháp này tên gọi là bánh xe chuyển hư không. Các Đức Phật quá khứ và đương lai, cùng Phật hiện tại đều thờ pháp này mà thành. Nếu ai có lòng tin, thì sẽ được độ thoát. Những người thực hành pháp này, ta nói là đã ngang bằng với Thế Tôn. Ta sẽ thay họ khuyên giúp cho các chúng sinh, để họ hưng khởi tâm này. Còn ai muốn nghe phẩm bánh xe pháp này; nghe rồi nên cầu đạo hạnh cơ bản này, họ cũng không lâu sẽ được chuyển bánh xe pháp.
Bấy giờ, trong chúng nghe Đức Phật thuyết như vậy; có một vạn Thiên tử đều phát đạo ý Vô thượng Chánh chân; năm ngàn Bồtát mau được pháp Nhẫn.
Lúc này Đức Thế Tôn bảo các vị Hiền giả:
–Này các Chánh sĩ! Ai gìn giữ chánh pháp, thọ trì chánh pháp, làm chánh pháp lớn mạnh, đó gọi là bảo vệ pháp.
Vì sao? Vì đối với vị hành giả ấy, vĩnh viễn không bị hủy diệt, dù trời hay người đời, trọn không thể địch nổi vị ấy.
Bấy giờ, Vô Ưu đến trước Đức Phật, bạch:
–Lại nữa, thưa Thế Tôn! Nếu vị Chánh sĩ ấy, dùng pháp như vậy, mà được Tối giác; vậy vị ấy vốn có sự mê hoặc? Vả lại, hình tượng các Chánh sĩ như vậy, nên phải cùng nhau ủng hộ. Sở dĩ ủng hộ, là khiến cho các vị Chánh sĩ ấy mau phù hợp với pháp Đại thừa này; các vị ấy đều đã hành như vậy sẽ được chuyển bánh xe pháp. Lại có thể hiểu biết được pháp đại minh.
Thưa Thế Tôn! Cho nên, Thế Tôn mới vì những người ấy, mà dạy pháp cơ bản chính là ủng hộ họ, khiến họ phát Đại thừa. Và cũng để bảo vệ cho Pháp sư an lạc, kính lễ, thuận nghe giới cấm.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi con của Long vương là Vô Ưu rằng:
–Lành thay! Lành thay! Này Chánh sĩ Vô Ưu! Các người phát Đại thừa, vì các Pháp sư cho nên an tâm ủng hộ. Đó gọi là bảo vệ pháp. Vì các Pháp sư làm chánh pháp lớn mạnh nên phải bảo vệ gìn giữ chánh pháp.
Lại nữa, này Vô Ưu! Người bảo vệ chánh pháp có mười công đức. Những gì là mười?
–Đó là:
- Không có tánh tự đại, hàng phục sự cao ngạo.
- Thực hành cung kính.
- Không có hạnh dối trá.
- Siêng suy nghĩ, yêu thích pháp.
- Chí ưa tập theo pháp.
- Ý thường xuyên tùy pháp.
- Hành quán nơi pháp.
- Ưa thích nói pháp.
- Thích tu hành pháp.
- Đến nơi nào cũng tùy thuận thuyết pháp.
Đó là mười hạnh nhờ bảo vệ chánh pháp.
Lại nữa, này Vô Ưu! Cũng có mười việc hầu hạ, để bảo vệ chánh pháp. Những gì là mười?
- Tộc tánh nam và tộc tánh nữ nghe Pháp sư đến, đã từ xa lễ bái.
- Suy nghĩ ưa thích được hầu hạ.
- Pháp sư đến, liền kính yêu.
- Cung cấp những nhu cầu về y phục, ẩm thực.
- Hộ trợ các việc.
- Đi đến đâu cũng khiêm nhường cung kính.
- Nghe theo lời Pháp sư dạy, để nói cho người đồng học.
- Ngăn chặn người nói xấu.
- Thường Thích-ca tụng khen ngợi.
- Làm cho tiếng tốt của Pháp sư được lan xa.
Đó là mười việc hầu hạ để bảo vệ chánh pháp.
Lại nữa, này Vô Ưu! Có bốn điều cần ban cho, để bảo vệ chánh pháp. Những gì là bốn?
- Dùng bút mực, lụa trắng cung cấp cho Pháp sư.
- Dùng y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men để cúng dường.
- Nếu theo Pháp sư để nghe thuyết pháp, thì dùng tâm không dối trá để khen ngợi.
- Nghe rồi thì nhận lãnh gìn giữ, rộng nói cho người khác. Đó là bốn việc cần ban cho để bảo vệ chánh pháp.
Lại nữa, này Vô Ưu! Có bốn việc sáng suốt tiến tới để giữ gìn chánh pháp. Những gì là bốn?
–Đó là:
- Sáng suốt tiến tới sự cầu pháp.
- Siêng năng rộng rãi giảng nói pháp.
- Cung kính và đủ lễ Pháp sư.
- Nếu có người pháp bỏ chánh pháp, dùng chánh pháp và sự tinh tấn để hàng phục họ.
Đó là bốn sự tinh tấn, để giữ gìn chánh pháp.
Bấy giờ, năm trăm thái tử của A-nậu-đạt, nghe Đức Phật dạy như vậy, lòng vui mừng sung sướng, ưa thích vô lượng, cùng nhau thưa:
–Những điều Đức Như Lai đã dạy, thật là hay không gì bằng, đã giải trừ các hồ nghi của chúng con. Chúng con dùng cung điện và các quan cùng quyến thuộc của mình, dâng lên Đức Phật và cung cấp những vật cần dùng, dùng tâm kính thuận để thưa lại: Từ nay, Đức Thế Tôn ân cần thọ hóa, mãi không mệt mỏi, cho đến lúc Đức Như Lai đã nhập Niết-bàn. Điều Đức Phật đã dạy, là biểu tượng của pháp báu. Chúng con phải cùng nhau kính thọ phẩm kinh quan trọng này, cầu mong thông đạt, khuyên nhau cố gắng tu hành. Vì vậy, thưa Thế Tôn! Chúng con xin hết lòng phát nguyện.
Lại nữa, nếu sau khi Đức Như Lai đã nhập Niết-bàn, chúng con, đối với Đức Thánh Tôn, ở tại đất nước mình, cùng nhau đồng tâm cúng dường xá-lợi, hộ trì phụng thờ, lễ kính cho đến lúc không còn hiện hữu.
Bấy giờ Hiền giả Ca-diếp, bậc kỳ túc bảo các thái tử:
–Này các Hiền giả! Chư vị nói là chỉ riêng một mình các vị được cúng dường thân thần xá-lợi của Đức Như Lai. Những lời nói của quý vị, làm mất hết các gốc đức của chúng sinh, ngăn che sự thanh tịnh sáng suốt, làm mờ đạo chí hóa nên mới nói như vậy.
Vì sao? Vì Đức Như Lai vốn đã phát nguyện sẽ làm cho xá-lợi được ban cho khắp, giống như hạt cải, vì các chúng sinh rủ lòng đại Bi; sao các vị lại muốn cúng dường một mình?
Các Chánh sĩ ấy, liền trả lời Hiền giả Đại Ca-diếp:
–Thưa Tôn giả Ca-diếp! Tôn giả đừng dùng trí hữu hạn của Thanh văn mà hạn chế trí tuệ minh đạt vô cùng sâu xa của Đức Như Lai!
Vì sao? Vì Đức Như Lai có Phổ trí tâm thấy tất cả nơi; Như Lai dùng thần túc, cảm động biến hóa. Nếu Như Lai khởi niệm, có thể khiến cho các cung điện của trời, rồng, quỷ thần, ở tam thiên đại thiên thế giới đều có thể hoàn toàn là chỗ đặt để xá-lợi của Phật; khiến cho ai nấy cũng đều nghĩ rằng: “Riêng ta mới là người cúng dường xá-lợi của Đức Như Lai, người khác thì không được.”
Lại nữa, này Tôn giả Ca-diếp! Đức Thế Tôn sau khi nhập Niếtbàn, tùy tâm chúng sinh mà có sự đặt để, phụng thờ xá-lợi.
Lại nữa, thưa Tôn giả Ca-diếp! Nếu Đức Như Lai, ở nơi trời Sắc cứu cánh, tạo chỗ đặt để xá-lợi, giống như hạt cải thì cũng có thể làm cho ánh sáng chiếu khắp trong cõi trời đất ấy. Đó là sức cảm động, oai thần biến hóa của Đức Phật Thế Tôn vậy.