KINH DUYÊN SINH SƠ THẮNG PHẦN PHÁP BẢN
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Đạt-ma-cấp-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Bà-già-bà ở tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo.
Lúc đó, tại giảng đường có rất nhiều Tỳ-kheo đang tập hợp bàn luận:
–Này các vị! Đức Thế Tôn thường dùng vô lượng các môn để nói về mười hai phần duyên sinh. Trong mười hai chi đó, trước tiên diễn nói vô minh dùng làm thể của duyên. Do nhân duyên gì, trong tất cả phiền não nơi các hành duyên chỉ nói vô minh dùng làm thể của duyên? Đối với vô minh này thấy được điều thù thắng gì?
Các Tỳ-kheo này đang tụ tập bàn luận về vấn đề đó chưa xong. Cũng ngay hôm ấy, Đức Thế Tôn nhập định, dùng Thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn người thường, nghe sự nghị luận của các Tỳ-kheo ấy. Về xế chiều, Đức Thế Tôn xả định, đến nơi giảng đường, đến rồi đứng trước chúng Tỳ-kheo và ngồi vào tòa vừa được bày biện. Ngồi xong, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo! Cớ gì các vị tụ tập nơi đây và đang bàn luận dở dang về vấn đề gì?
Các Tỳ-kheo thưa:
–Thưa Đại Đức! Chúng Tỳ-kheo các con tụ tập nơi đây nghị luận thế này:
–Này các vị! Đức Thế Tôn từng dùng vô lượng các môn để nói về mười hai phần duyên sinh. Trong mười hai chi đó, trước hết diễn nói vô minh dùng làm thể của duyên. Do nhân duyên gì trong tất cả phiền não nơi các hành duyên chỉ nói vô minh dùng làm thể của duyên. Đối với vô minh này thấy được sự thù thắng gì?
–Thưa Đại Đức! Chúng Tỳ-kheo các con tập trung nơi đây và đang bàn luận chưa xong về vấn đề đó.
Các Tỳ-kheo vừa thưa xong, Đức Thế Tôn liền bảo:
–Này các Tỳ-kheo! Có pháp môn tên là Duyên Sinh Sơ Thắng Phần, các vị hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các vị mà giảng nói!
Này các Tỳ-kheo! Thế nào là pháp môn Duyên Sinh Sơ Thắng Phần? Có mười một pháp thù thắng trong sự thù thắng, an lập vô minh làm duyên đầu tiên cho duyên sinh. Những gì là mười một?
- Phan duyên thù thắng.
- Chủng loại thù thắng.
- Do tự thù thắng.
- Đẳng khởi thù thắng.
- Chuyển sinh thù thắng.
- Điên đảo thù thắng.
- Tướng thù thắng.
- Nghiệp thù thắng.
- Chướng ngại thù thắng.
- Thuận phược thù thắng.
- Đối trị thù thắng.
Khi ấy, có Tỳ-kheo khác, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, bày vai phải, hướng lên Đức Thế Tôn, chắp tay cúi mình bạch: –Bạch Đại Đức! Thế nào là Phan duyên thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nhân, quả đều là lỗi lầm, tất cả phần nhiễm nơi nhân quả, cùng với tất cả phần tịnh của công đức, cả hai đều là chỗ duyên dựa của vô minh.
Này Tỳ-kheo! Đó là Phan duyên thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là Chủng loại thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Che lấp chân thật, hiển bày cái không chân thật.
Này Tỳ-kheo! Đó là Chủng loại thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là Do tự thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với tất cả Phiền não nhiễm, Nghiệp nhiễm, Sinh nhiễm làm đầu mối cho trụ xứ căn bản.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả Phiền não nhiễm?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói có ba thứ phiền não là tất cả phiền não nhiễm. Đó là phiền não không trí tuệ, phiền não nghi tuệ và phiền não tà tuệ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả Nghiệp nhiễm?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói về tự tướng nơi ba thứ sai biệt là thân, miệng, ý và tướng chướng ngại đối trị nơi ba thứ sai biệt (chướng ngại không phải là phước; đối trị là phước và bất động) thâu tóm chung mọi Nghiệp nhiễm.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả thứ Sinh nhiễm?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói về chỗ nương dựa của ba thọ. Đó là thọ khổ, thọ vui và thọ không khổ không vui.
Ba khổ là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, thâu tóm chung mọi Sinh nhiễm.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả thứ phiền não nhiễm, nghiệp nhiễm và sinh nhiễm đều do vô minh làm đầu mối cho trụ xứ căn bản?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ở trong thật đế có hai thứ ngu: Chưa sinh phiền não nhiễm liền khiến nó sinh. Nếu đã sinh rồi thì làm cho nó dần dần tăng trưởng. Chưa sinh nghiệp nhiễm thì khiến nó sinh, nếu đã sinh rồi lại theo đó mà tích tập. Chưa sinh sinh nhiễm thì khiến nó sinh, nếu đã sinh rồi thì không thể di chuyển. Thế nên nói tất cả thứ phiền não nhiễm, nghiệp nhiễm và sinh nhiễm đều do vô minh làm đầu mối của trụ xứ căn bản.
Này Tỳ-kheo! Đó là Đầu mối (do tự) thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là Đẳng khởi thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Vô minh này đối với Khổ đế nơi đời vị lai thâu giữ thân sinh do ngu lầm nên không rõ. Đối với Khổ đế của hiện tại, thâu giữ thân đã đạt được cũng do ngu lầm nên không hiểu. Do ngu lầm cho nên thâu chứa duyên sinh và chuyển xuất duyên sinh, thâu chứa hòa hợp cùng chuyển xuất hòa hợp. Hai thứ duyên sinh này và hai thân vị lai, hiện tại ngu lầm, đều do vô minh làm duyên đẳng khởi.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là thâu chứa duyên sinh, hòa hợp nơi thâu chứa?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Thứ nhất, vô minh duyên hành, hành duyên thức. Cũng như vậy danh sắc, lục nhập, xúc duyên thọ. Đó gọi là thâu chứa duyên sinh, hòa hợp nơi thâu chứa.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là Chuyển xuất duyên sinh hòa hợp Chuyển xuất?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Thứ hai, trong duyên của vô minh thì thọ duyên ái, ái duyên thủ. Cũng giống như vậy, hữu duyên sinh, cho đến sinh duyên lão tử. Đó gọi là chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là vô minh đứng đầu, đối với sự thâu chứa duyên sinh hòa hợp nơi thâu chứa mà khởi lên duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Vô minh này đối với thân sinh trở lại do ngu lầm không hiểu, liền cầu sinh tử lại. Do ngu lầm cầu sinh trở lại ấy nên ở trong chỗ sinh lại ấy đã thấy toàn việc tốt. Nhưng ở nơi ái của hiện tại không ái cảnh giới, do chấp trước phân biệt tạo ra hạnh phi phước. Nghĩa là đối với các vật dụng sinh ra bần cùng, đối với chỗ tổn não sinh ra sân hận tương ưng, đối với tốt xấu không giữ được sự suy nghĩ so lường, liền khởi các hành buông lung, mê lầm, suy nghĩ về việc ác của đời khác lại không hay biết. Thế nên tạo hành phi phước, vô minh làm duyên. Nếu ở trong chỗ sinh trở lại hoặc thấy việc tốt, hoặc thấy nẻo xuất ly, liền tạo hành phước và hành bất động, hoặc nhân nơi chỗ giảng nói pháp mà hiểu biết, hoặc tự tu tập tĩnh niệm. Trong sự giác niệm ấy tuy có tâm thiện nhưng chẳng phải là suy nghĩ chân chánh. Vì lý do đó cho nên bị sự sinh trở lại mê hoặc dắt dẫn. Đó là đối với sự sinh trở lại chỉ thấy việc tốt, không có khiếp nhược, thấy nẻo xuất ly không khiếp nhược, nơi phước, phi phước đều hành bất động, tướng ác, đối được đối trị… trong sáu thức thân cùng sinh cùng diệt, tức ở trong quả báo hiện tại Thức sinh diệt, đặt để các hạnh được huân tập ấy, sau mới sinh ra mọi chủng tử hiện có thâu giữ tương ưng, mọi chủng tử hiện có đều đã thâu giữ, sau nếu phát sinh tức là có thứ lớp. Nghĩa là thâu tóm danh sắc, lục nhập, xúc… dần dần phát sinh, danh sắc… ở trong quả báo hiện tại nơi thức ấy sinh ra tướng nhân, chưa phải là tướng quả. Thế nên nói là thâu chứa duyên sinh.
Này Tỳ-kheo! Đó là vô minh thứ nhất đối với những sự thâu chứa duyên sinh hòa hợp nơi sự thâu chứa mà khởi duyên.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là vô minh sau, đối với chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất ấy mà khởi duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nơi thân hiện tại này khởi lên mê lầm, do lục nhập, xúc làm duyên thọ sinh, liền được mùi vị ấy. Do được mùi vị ấy cho nên đời vị lai trở lại tìm cầu thọ nhận loại này. Khi cầu liền khởi lên thủ, ở trong lạc thọ khát ái làm duyên nên sinh ra dục thủ.
Dục thủ là dục phân biệt, dục ấy đứng đầu nên mới có phiền não của cõi Dục. Nếu lại cùng thọ mới làm duyên liền sinh không có khát ái, cùng hạnh chán lìa, nó tương ưng với sự nhàm chán, xa lìa chưa là đạo lý. Nó dựa vào khát ái, chẳng phải phương tiện, tìm cầu không có thời hạn tức có xuất ly khởi tà kiến, quyết định là tà kiến và nương tựa vào hai tà kiến đó (nương tựa cũng có hai hợp làm bốn thứ), do nó khiến khát ái ấy duyên vào thủ. Nếu lấy thủ ấy làm chỗ nương tựa thì chưa được lìa dục. Như vậy, lúc chết, bốn thứ kiến chấp ấy cùng với phiền não của cõi Dục, do dục khát ái làm duyên sinh thủ. Nếu lại lìa dục, lìa sắc thì khát ái của cõi Sắc, cõi Vô sắc sinh ra thường hữu. Nếu ở trong cõi Sắc, cõi Vô sắc khi sinh phiền não thì nơi hai cõi ấy liền khởi thủ. Phiền não của hai cõi ấy và các cái kiến chấp này, hoặc do khát ái của cõi Sắc làm duyên sinh thủ; hoặc do khát ái của cõi Vô sắc làm duyên sinh thủ. Như vậy là khát ái duyên thủ, đã được quả báo của các hành huân tập nơi thức cùng thủ mà sinh. Thủ ấy thâu tóm rồi, trước đã tích tập các hành hiện có, khát ái hiện có chưa diệt, mỗi mỗi xứ ấy được hiện tiền, vì khiến tự thân chuyển xuất. Do nhân duyên ấy, hữu đối với xuất sinh, cho nên nói hành ấy là hữu. Vì lực của thủ ấy nên hành là hữu, đối với tử này trước đã thâu chứa, nên sự xuất sinh làm duyên chuyển xuất, do đó gọi là hữu duyên sinh. Ở trong sự chuyển xuất, khi xuất sinh tướng hoại khác với đời trước. Lại đến giai đoạn ấy, cái chết tới gần, thọ mạng hết, thế nên gọi là sinh duyên lão tử.
Này Tỳ-kheo! Đó là Vô minh thứ hai đối với chuyển xuất duyên sinh hòa hợp chuyển xuất dấy khởi làm duyên.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Vì sao trong chuyển xuất duyên sinh chỉ nói đến hai thứ khát ái, thủ mà không nói là các hành duyên.
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Khát ái, thủ nơi cảnh giới của mình, theo sự sai biệt mà đoạn trừ. Như khát dục và thủ, không nên tạo nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc với hành bất động, duyên chẳng phải là cảnh giới. Như khát dục, đối với hành bất động như là sắc khát, ở trong cõi Vô sắc là vô sắc khát, ở trong cõi Dục, cõi Sắc là sắc khát, ở trong cõi Dục cũng giống như vậy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Vì sao dục khát cùng thủ không làm duyên với hành phước và hành phi phước?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với cảnh giới đang có hiện tiền này, ái cùng với không ái làm duyên tăng thượng. Do có dục khát khởi lên căn bất thiện, tạo hành phi phước. Vì ở trong nhân quả nơi hành phi phước không biết được cái ác ấy, đó là tâm ác và chỗ làm ác… Vì không biết nên khởi hành phi phước. Mà tâm và chỗ làm ác… ấy chỉ do vô minh làm duyên, chẳng phải khát ái làm duyên, cùng với căn bất thiện nhưng không cùng với cảnh giới. Nếu do dục khát tạo hành phước, nương vào lòng tin mà làm. Nghĩa là tin chết rồi sinh, sinh ắt phải nhờ vào duyên. Do tin thâu tóm nên mọi khát thủ được hiện bày. Ta chỉ nêu bày về chỗ làm che lấp vô ký, nếu pháp che lấp vô ký thì không thể dấy khởi hành. Do ở trong nhân quả hành phước không biết xuất ly, mong cầu có thể sinh ái liền tạo hành phước. Thế nên, tuy nói hành phước cũng do vô minh làm duyên.
–Bạch Đại Đức! Vì sao khát thủ của cõi Sắc không cùng với cõi Sắc làm duyên cho hành bất động?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Người chưa lìa dục, sắc khát chưa sinh, chưa được trụ xứ, vì chưa có thời, chưa được trụ xứ, nên không thể làm duyên cho hành bất động của cõi Sắc khiến nó được khởi. Như Sắc giới khát ở trong hành bất động của cõi Sắc. Do vậy, cõi Vô sắc khát ở trong hành bất động của cõi Vô sắc cũng như vậy. Do ở trong thân cõi Sắc, thân cõi Vô sắc có lỗi lầm xấu ác, thấy được việc tốt ấy tưởng niệm suy nghĩ, hoặc nhân nói pháp, hoặc nhân dạy dỗ trao truyền pháp, nên có sự suy nghĩ không chân chánh này, cùng với hành ấy làm duyên. Nhưng sự suy nghĩ không chân chánh này do vô minh dẫn dắt, không suy nghĩ quả chân chánh cùng với vô minh hòa hợp và hành bất động làm duyên, thế nên hành bất động ấy cũng do vô minh làm duyên.
Tỳ-kheo nên biết! Lại không có một khát ái làm nương tựa, tạo các hành phước và hành bất động. Do không có khát ái cho nên thấy sự lỗi lầm của các hữu, thế thì đâu cần cầu hữu, nhưng lại không biết như thật về vô hữu. Do không biết như thât, lại chưa được đạo đối trị, cho nên mê lầm chỗ chẳng phải đối trị làm tưởng đối trị, liền tạo hành phước và hành bất động.
Này Tỳ-kheo! Do nhân duyên đó cho nên biết chỉ do vô minh duyên hành, chẳng phải khát thủ làm duyên.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu hành đối với sáu thức thân hòa hợp cùng sinh thì vì sao nói hành duyên với thức?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong sáu thức thân này, hành bất động phước, phi phước… hòa hợp cùng sinh cùng diệt, tức đối với quả báo nơi thức nêu bày các hành huân tập, đối với cái mới và cái khác xuất sinh sau quả báo nơi thức, tạo phương tiện dẫn dắt. Thế nên nói hành duyên thức.
–Bạch Đại Đức! Danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, các phần như thế đối với thức đồng thời thâu chứa chủng tử thì vì sao nói thời tùy theo thứ lớp mà nêu bày?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Là do thứ lớp của vị lai sinh chuyển.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Do đâu nói danh sắc, lục nhập, xúc, thọ… là thiền ma, theo nghĩa dịch là sinh. Tức là quả báo chưa chết, tên gọi chung đã nêu ở trước, chẳng phải là mới thọ sinh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Cùng nhân nơi sự nương dựa của thọ dụng và cùng nhân thọ dụng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu chỉ gọi là sinh, không sắc thì sẽ có lỗi gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu danh không trụ trong sắc thì thiền ma (sinh) tiếp tục chuyển thì không tương ưng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu chỉ có sắc sinh, không danh thì sẽ có lỗi gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu sắc không cùng hợp với danh, không được thâu giữ thì sẽ hoại mất, không được tăng trưởng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu chỉ có thức duyên lục nhập thì sẽ có lỗi gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lúc đầu chưa đủ lục nhập, chỉ có thân căn và ý căn, khi nó chuyển sinh thì chưa có hữu. Hai căn thể này, chỉ có danh sắc là có mặt từ lúc đầu dùng làm thứ lớp cùng với lục nhập ấy làm duyên đầy đủ. Thế nên nói danh sắc duyên lục nhập.
–Bạch Đại Đức! Nếu chỉ có lục nhập đầy đủ tức là thiền ma (sinh) đã rốt ráo, vì sao lại nói xúc và thọ?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lục nhập và thiền ma rốt ráo này là chỗ nương tựa thọ dụng rốt ráo nhưng chưa thọ dụng. Phải có thọ dụng rốt ráo, mới là nhân chung để lãnh thọ. Do đó chỗ nương dựa của thọ dụng rốt ráo và thọ dụng rốt ráo mới được gọi là thiền ma (sinh) rốt ráo. Nên biết như thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Đó là do vô minh duyên khát ái cũng nói là thọ duyên. Nếu chỉ vô minh duyên khát ái không dùng thọ duyên thì sẽ có lỗi lầm gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ba thứ khát, ba thứ hữu nhất thời chuyển sinh. Quả nhiên là do thọ duyên nơi khát cùng nhau làm lực thì không có chuyển sinh. Thế nên không chỉ có vô minh duyên khát ái.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu chỉ thọ duyên khát ái thì sẽ có lỗi gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Tất cả các khát đều dùng thọ làm duyên, nhưng lại có thọ chẳng phải là duyên của các thứ khát nên cùng với các khát làm diệt duyên. Thế nên không chỉ có thọ duyên với khát.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu chỉ có khát duyên với hữu không dùng thủ duyên, thì sẽ có lỗi gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Khát gọi là cầu, đối với đường ác kia, ắt không có cầu, nhưng lại tạo hành phi phước. Tuy cầu đường thiện nhưng lại trái nhau. Khi quả chuyển sinh chẳng phải khát làm duyên, tự dùng thủ làm duyên nên khiến nó chuyển sinh.
Tỳ-kheo nói:
–Người không có khát gọi là không mong cầu. Người này không mong cầu, tuy là trái nhau, nhưng tạo hành phước hành bất động thì quả cũng chuyển sinh.
Này Tỳ-kheo! Do nhân duyên đó cho nên không chỉ khát duyên với hữu.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu thủ duyên hữu, hữu duyên sinh thì do đâu không nói thủ ấy và hữu dùng làm Tập đế?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do khát nên có thể tạo ra bốn thứ nghiệp.
- Đối với tự thân thọ cảnh giới, tham đẹp bị nghiệp trói buộc.
- Đối với khát thủ tạo ra nghiệp đẳng khởi.
- Đối với hành hữu tạo nghiệp dắt dẫn.
- Đối với khi chết rồi gây ra nghiệp trói buộc liên tục.
Thế nên nói khát là Tập đế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Có sinh, có già và có chết thì vì sao danh sắc, lục nhập, xúc, thọ cùng tướng của sinh đều hiển bày, gọi là già chết?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Chỗ có phát sinh ra tướng ấy, do thuận với ba khổ trói buộc thị hiện.
Tỳ-kheo bạch với Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Sinh biểu hiện cái khổ nào?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Biểu hiện hành khổ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Già biểu hiện cái khổ nào?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Biểu hiện hoại khổ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Chết biểu hiện cái khổ nào?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Biểu hiện khổ khổ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Bốn tướng phát sinh cùng với sinh, già, bệnh, chết có gì sai khác?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Bốn thứ tướng phát sinh ấy tùy theo thứ tự mà sinh. Nếu sinh thì tùy theo chỗ tương tợ mà sinh, trong chỗ phát sinh ấy, nên biết tướng sinh là như vậy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Tướng phát sinh sinh theo thứ tự, vậy nó giống cái gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Khi mới gieo giống tức sẽ mọc, rồi dần dần phát triển. Thứ tự nơi chỗ xuất thai sinh kia cùng với thứ lớp tăng trưởng, tăng trưởng rồi nên có thể được thọ dụng sinh của thế tục, nó sinh theo thứ tự vậy cái gì là đối tượng được sinh? Các giới nhập sinh mà không có ngã. Vì sao? Vì năm chúng (uẩn) tăng trưởng dời đổi. Do vô thường và sức của mạng căn, thời, trụ có hạn lượng, cũng là chỗ sinh của vô thường.
Này Tỳ-kheo! Bốn thứ tướng phát sinh bị thời phần hủy hoại liền tạo ra năm thứ suy xấu nên gọi là già.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Những gì là năm tướng suy xấu?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo!
- Tóc suy xấu, là tóc bạc.
- Chỗ nương tựa suy xấu (nương tựa tức là thân) thịt, sắc lực suy xấu.
- Nghiệp suy xấu, nghĩa là khi nói năng bị ho hen đứt quãng; lúc đứng thì cong như lưng bò; lúc ngồi thì thân nặng nề chồm về phía trước, khi đi phải chống gậy, ý chí rối bời, suy niệm càng yếu ớt.
- Thọ dụng suy xấu, nghĩa là đối với các thứ cần dùng trong hiện tại lại dùng rất ít. Đối với các việc vui chơi thích thú lại không còn hứng thú nữa. Đối với sắc căn nơi cảnh giới của mình không thể đi nhanh chóng và cũng không thể đi được.
- Mạng căn suy xấu, tức tuổi thọ hết, cái chết tới gần, duyên ít dần đi, chết là điều không thể tránh khỏi.
Này Tỳ-kheo! Trong bốn tướng phát sinh ấy cũng có sáu thứ chết sai khác, nên biết:
- Tận cánh tử.
- Bất tận cánh tử.
- Tự tướng tử.
- Bất tận cánh tử phần.
- Tận cánh tử phần.
- Phi thời thời tử.
Này Tỳ-kheo! Nơi số đó, Tự tướng tử là thức ở trong thân, dời đổi, phát xuất phần khác cùng với sắc căn diệt mất, nên biết như vậy.
Này Tỳ-kheo! Tướng phát sinh của danh sắc cùng với sinh, già, chết có sự sai khác như thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Ba thứ khát ái đều nói là duyên sinh cùng với sinh tạo nhân, vì sao chỉ nói sinh của cõi Dục.
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do sinh của cõi Dục là thô nên không thể tán thán cũng không thể chỉ dạy. Vì quay trở lại chẳng phải là thể của pháp giải thoát.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu thâu chứa duyên sinh này cùng với chuyển xuất để nói về mười hai phần thì trong mười hai phần đó, bao nhiêu là phần của chủ thể thâu chứa, bao nhiêu là phần của đối tượng được thâu chứa, bao nhiêu là phần của chủ thể chuyển xuất, bao nhiêu là phần của đối tượng được chuyển xuất?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Vô minh cùng với hành và một phần của thức là phần của chủ thể thâu chứa. Một phần thức ấy và danh sắc, lục nhâp, xúc, thọ là phần của đối tượng được thâu chứa.
Này Tỳ-kheo! Một phần thọ ấy và khát ái, thủ, hữu là phần của chủ thể chuyển xuất. Sinh, già, chết là phần của đối tượng được chuyển xuất. Nên biết, một phần danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, cũng là phần của đối tượng được chuyển xuất.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Phần của chủ thể thâu chứa này và phần của chủ thể chuyển xuất ấy là một thời sinh có thể thấy, hay là theo thứ tự?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Một thời sinh, cũng nói là theo thứ tự.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Phần của chủ thể thâu chứa và phần của chủ thể chuyển xuất đã là một thời sinh thì vì sao lúc đầu nói phần của chủ thể thâu chứa, sau nói phần của chủ thể chuyển xuất?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do đối tượng được thâu chứa có chuyển xuất, cho nên không thể không do đối tượng được thâu chứa.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Vô minh duyên với suy nghĩ không chân chánh thì do đâu nói cùng với vô minh làm duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do vô minh ấy bị suy nghĩ không chân chánh dắt dẫn cùng với hành làm duyên, từ vô minh sinh xúc, thọ và khát ái làm duyên.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Có bao nhiêu tướng khi lược nói về duyên sinh, có thể nhận biết?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói có ba tướng duyên sinh có thể nhận biết:
- Tướng duyên sinh bất động (Nê-lê đời Hạ dịch là bất động, tức là nghĩa không. Do không cho nên không có động tác).
- Tướng duyên sinh vô thường.
- Tướng duyên sinh kham năng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Có bốn thứ duyên như Đức Thế Tôn đã nói như nhân duyên, vô gián duyên (xưa gọi là Thứ đệ duyên), phan duyên và tăng thượng duyên (cũng gọi là sinh duyên).
Thưa Đại Đức! Trong đó do những duyên gì vô minh cùng hành làm duyên, cũng do những duyên gì sinh cùng với lão tử làm duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do các hành chuyển sinh đồng tướng cho nên ta nói bốn thứ duyên. Trong nghĩa này chỉ có tăng thượng duyên. Ý ta nói là vô minh duyên hành cho đến sinh duyên lão tử thì tăng thượng duyên ấy lại đắm chấp nơi không tướng và đắm chấp nơi tướng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là không đắm chấp tướng tăng thượng duyên? Thế nào là đắm chấp tướng tăng thượng duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong chỗ chưa sinh suy nghĩ không chân chánh thì vô minh thuận với tùy miên, cùng với các hành không đắm chấp nơi tướng làm duyên. Nếu sinh rồi thì là đắm chấp nơi tướng.
Này Tỳ-kheo! Suy nghĩ không chân chánh ấy hòa hợp cùng với hành, đối với lục thức thân hòa hợp cùng sinh, sinh rồi nhưng chưa diệt, cùng với Thức không đắm chấp nơi tướng làm duyên. Nếu sinh diệt rồi tức là đắm chấp nơi tướng.
Này Tỳ-kheo! Nếu thức chưa đến lúc chết cùng với danh sắc không đắm chấp nơi tướng làm duyên (thức cùng danh sắc đắm chấp nơi tướng làm duyên, trong bản Phạm không có câu này), thì như thức đối với danh sắc như vậy. Thâu chứa danh sắc đối với chuyển xuất danh sắc cũng vậy. Như danh sắc đối với danh sắc, như thế đối với lục nhập, xúc đối với xúc, thọ đối với thọ cũng lại như vây. Như vô minh đối với hành, như vậy vô minh đối với khát ái, khát ái đối với thủ, thủ đối với hữu cũng như vậy. Như thức đối với danh sắc…, đối với danh sắc… như thế hữu đối với sinh cũng vậy.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Thai nhi còn trong thai, sinh ra em bé, đến lúc thiếu niên, cùng với già chết không đắm chấp nơi tướng làm duyên. Nếu đến lúc căn tàn, tuổi thọ hết thì trong cái đắm chấp tướng làm duyên cũng vậy, nên biết như thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu Đức Thế Tôn đã từng ở nơi nhân chung duyên chung cùng do pháp môn, nhân nơi khát ái cho nên nói về nghiệp, trong đó có mât ý gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do có chỗ thâu tóm nghiệp, nhân nơi khát ái cho nên giảng nói. Đấy là mật ý.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nhân nơi nghĩa nào để nhận thấy, duyên nơi nghĩa nào để nhận thấy, do dùng nghĩa nào để nhận thấy?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Chính ở chỗ gieo trồng chủng tử nơi đời sau, nhân nơi nghĩa ấy để nhận thấy. Quyết định giữ vững chỗ chuyển xuất của sinh ấy, duyên nơi nghĩa này để thấy. Chết rồi, hướng đến chỗ sinh cùng với sinh, do nơi nghĩa ấy để thấy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Duyên sinh thì cú nghĩa là gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đều tự có duyên, đồng tích tụ tương tục, cho nên sinh ra các phần này.
KINH DUYÊN SINH SƠ THẮNG PHẦN PHÁP BẢN
QUYỂN HẠ
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Chỉ phát sinh duyên sinh liên tục này hay là riêng có duyên sinh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ta nói tám môn Duyên sinh:
- Thọ dụng thế tục. Như nhãn duyên sắc sinh ra nhãn thức, ba thứ hòa hợp có xúc, xúc duyên thọ như vậy…
- Nói trợ trì, duyên sinh như bốn thứ thức ăn làm duyên, căn lớn lên được trụ sẽ có tăng ích.
- Nói nhân trợ trì, duyên sinh như mầm trong các thứ lúa, một khi ruộng có đầy đủ yếu tố như nước… gieo hạt liền nảy mầm.
- Nói xuất sinh tục hệ, duyên sinh như phần của chủ thể thâu giữ và phần của chủ thể chuyển xuất, đối với xuất sinh thâu chứa và đối tượng được chuyển xuất.
- Nói đối với xuất sinh chỗ tương tục gắn với duyên sinh. Như thế giới hoặc nhân hoặc duyên chuyển thành, chuyển hoại có thể biết.
- Xuất sinh nhập là duyên sinh như nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu. Ba đường ác và hàng trời, người… sai khác có thể biết.
- Nói thanh tịnh là duyên sinh, như dùng âm thanh khác và tự suy nghĩ chân chánh làm nhân, do chánh kiến sinh nên vô minh diệt, vô minh diệt nên hành diệt.
Như vậy cho đến sinh diệt cho nên lão tử diệt.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Như vô minh thứ tự duyên hành… sinh… ngược lại diệt cũng theo thứ tự phải không?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Không phải thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Vậy sao phải nói diệt theo thứ tự?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Phần trước không sinh chủ thể, phần sau không sinh pháp thị hiện.
Này Tỳ-kheo! Không có tướng bất sinh, tức có diệt chuyển. Tám là nói tự tại, là duyên sinh như Tỳ-kheo khéo suy nghĩ, tu định làm duyên, nếu muốn như vậy thì tùy theo sự tin hiểu, tức là sự sai khác giữa đây có, kia không.
Này Tỳ-kheo! Đây là ta nói tám môn duyên sinh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Như Đức Thế Tôn tứng nói, nhân nơi nghiệp cho nên thọ sinh, nhân nơi khát ái cho nên chuyển xuất, có mật ý gì khi nói như thế?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do Vô minh duyên cho nên mỗi mỗi hành phước, hành phi phước hành bất động ở trong cái hữu thuở xưa đã làm, đã tích tập, mỗi mỗi chủng tử của nhân thọ sinh tích tụ mà thâu giữ. Trong đó khát ái còn chưa trừ diệt. Do khát ái cho nên lại đối với hữu mà thân kia chuyển xuất. Hành hữu ấy có thể chẳng phải là không khát ái. Thế nên nói nhân nơi nghiệp nên thọ sinh, nhân nơi khát ái nên chuyển xuất.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu nhân nơi khát ái mà chuyển xuất thì do đâu thủ duyên hữu, chẳng phải khát ái duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Có khát ái này như không thủ kia, không thể duyên nơi hành phi phước ở trong đường ác mà xuất sinh và không có khát ái như không thủ kia, không thể duyên nơi hành phước, hành bất động, đối với thân phi định địa và thân định địa trong hai đường thiện mà xuất sinh. Thế nên chẳng phải chỉ khát ái duyên hữu mà thủ cũng duyên hữu.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Như Đức Thế Tôn từng đối với đại do trong pháp môn, nói rằng: “Này A-nan-đà! Các chúng sinh ấy ở trong chủng loại chúng sinh, hoặc không có sinh nhưng cũng có sinh. Nếu tất cả các chủng loại đó đều không có sinh duyên lão tử thì cũng có thể biết.”
Bạch Thế Tôn! Có mật ý gì mà Thế Tôn nói như thế?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Mật ý ta nói là sinh của thâu chứa và sinh của chuyển xuất, đối với tăng thượng duyên của lão tử không đắm chấp tướng và đắm chấp tướng, là mật ý này.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế Tôn đã nói cú nghĩa của duyên sinh, nhưng chưa nói nghĩa của duyên sinh, làm thế nào để thấy nghĩa đó?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói có mười một thứ nghĩa duyên sinh có thể nhận thấy. Đó là nghĩa không tác giả là nghĩa duyên sinh, nghĩa cộng nhân giả, nghĩa không chúng sinh, nghĩa tha sinh, nghĩa bất động, nghĩa vô thường, nghĩa niệm niệm không, nghĩa nhân quả liên tục không gián đoạn, nghĩa chủng chủng nhân quả, nghĩa nhân quả tương tự, nghĩa quyết định nhân quả, nghĩa duyên sinh này có thể nhận thấy như thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Đức Thế Tôn từng nói duyên sinh ấy rất là thâm diệu nhưng làm sao để thấy sự thâm diệu của duyên sinh ấy?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do mười một nghĩa thâm diệu như vậy cho nên có thể thấy năm thứ thâm diệu. Đó là nhân, tướng, sinh, chuyển trụ, phát chuyển thâm diệu.
Này Tỳ-kheo! Lại có năm thứ duyên sinh thâm diệu có thế thấy: Tướng thâm diệu, nhiếp chủng thâm diệu, nhân thâm diệu. Quả thâm diệu, chuyển xuất nhân quả sai khác đối trị thâm diệu.
Này Tỳ-kheo! Lại có năm thứ Duyên sinh thâm diệu có thể thấy: Nhiếp thâm diệu, thuận thâm diệu, nghịch thâm diệu, thủ thâm diệu, cảnh giới thâm diệu.
Này Tỳ-kheo! Đó là Đẳng khởi thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là Chuyển trụ thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói vô minh có bốn thứ chuyển trụ: Thuận miên chuyển trụ (xưa gọi là Sử). Khởi xứ chuyển trụ (xưa gọi là Phược, cũng gọi là thượng tâm). Tương ưng chuyển trụ. Độc bất cộng chuyển trụ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Cái gì là chỗ chuyển trụ làm duyên cho vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ngoài cái này ra, phàm phu do không suy nghĩ chân chánh dắt dẫn bốn thứ vô minh cùng với hành phước, hành phi phước hành bất động làm duyên.
Này Tỳ-kheo! Ngoài cái này ra, phàm phu nếu cùng phước, bất động tương ưng với tâm tạo nghiệp thiện, thì vẫn còn là nơi cần thiết của suy nghĩ không chân chánh.
Này Tỳ-kheo! Pháp bên trong ấy nơi hàng phàm phu buông lung, lại do không cùng với vô minh. Còn phần vô minh khác thì buông lung dắt dẫn kia cùng với hành làm duyên.
Này Tỳ-kheo! Pháp bên trong ấy nơi hàng phàm phu không buông lung hàng tu học theo bậc Thánh, vọng niệm dắt dẫn ba thứ vô minh cùng với phi phước làm duyên, nhưng phi phước ấy không thể tạo ra hữu nơi cõi ác. Thế nên, phi phước ấy không phải là vô minh duyên hành. Ta thường nói về vô minh bất cộng, pháp bên trong ấy, nơi hàng phàm phu hàng tu học buông lung chưa đoạn, nhưng Thánh học giả đã đoạn. Phàm phu không buông lung ấy, nếu phát sinh hành phước hành bất động, đối với chánh pháp phát sinh suy nghĩ chân chánh tương ưng với tâm, đồng thời nhân giải thoát và hướng giải thoát đều cũng phát sinh. Vì chỗ tăng thượng ấy, nên hai đường thiện phát sinh tức sẽ chuyển xuất, nhưng chưa đoạn bốn thứ vô minh tăng thượng.
Này Tỳ-kheo! Nhưng Thánh học giả do đoạn vô minh bất cộng, không tạo nghiệp mới, mọi nghiệp cũ do thuận theo sức của tùy miên. Nếu chưa trừ đoạn thì xúc ấy cũng có thể dứt hết. Như vậy vô minh ấy duyên hành sinh, sinh dần dần diệt không lại tăng trưởng. Vì nhân duyên đó cho nên biết bậc tu hóa nơi pháp bên trong ấy không tạo vô minh duyên hành.
Này Tỳ-kheo! Vì ngoài pháp phàm phu ấy cho nên phát khởi, ta nói tùy thuận đầy đủ. Duyên sinh nhiễm ô chẳng phải là pháp bên trong ấy.
Này Tỳ-kheo! Đó là Chuyển trú thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là điên đảo thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Bốn thứ vô minh này ở trong đế thì không nhưng cho là có và có thì lại hủy báng là không là hai thứ điên đảo.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là không mà cho là có và có mà hủy báng là không là hai thứ điên đảo?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do bốn thứ nhân duyên: Đó là phi pháp thấy là pháp, pháp thấy là phi pháp. Cõi trời và giải thoát, không phải là phương tiện thấy là phương tiện. Đó là điên đảo: Không mà cho là có hoặc do tà kiến nên đều hủy báng cho là không. Nghĩa là có mà hủy báng là không.
Này Tỳ-kheo! Đó là Điên đảo thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng mạo thù thắng của vô minh? Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Có hai thứ có thể nhận thấy.
- Tự tướng vi tế sai biệt.
- Ái không ái và cảnh giới của hai thứ điên đảo, đồng tướng sai biệt.
Này Tỳ-kheo! Mọi thứ vô minh hiện có khởi lên như vậy, vi tế, khó nhận biết, khó thấy, huống nữa là thuận theo tùy miên. Tất cả những gì tương ưng với vô minh đều vi tế khó biết, khó thấy huống nữa là bất cộng. Các ái, không ái cùng trong cảnh giới của hai thứ điên đảo che lấp tướng chân thật nên chỉ thấy mỗi tướng điên đảo, cùng nhau chuyển hành, còn các phiền não khác thì không như thế. Nếu thân kiến khác cùng với đồng tướng phiền não, cũng lại do vô minh ấy làm chỗ nương tựa mới được chuyển sinh.
Này Tỳ-kheo! Đó là tướng mạo thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tác nghiệp thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nên biết, lược nói về vô minh có hai thứ nghiệp.
- Tất cả các thứ phát chuyển, cùng nương tựa nơi nghiệp là vô minh.
- Tất cả các thứ bội chuyển cùng tạo nghiệp chướng ngại là vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả các thứ phát chuyển?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu xứ chuyển sinh, hoặc chuyển sinh như chuyển sinh thì đó là tất cả các thứ phát chuyển.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Xứ nào chuyển sinh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong đạo lưu chuyển, do tự ngã phân biệt.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Pháp nào chuyển sinh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Các nhập trong ngoài, do tự ngã thâu lấy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chuyển sinh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nghiệp và báo phát chuyển liên tục, do tự ngã phân biệt và phân biệt tà.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tất cả các thứ bội chuyển?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói về bốn thứ bội chuyển:
- Bội chuyển nương tựa.
- Bội chuyển duyên vin.
- Bội chuyển tư niệm.
- Bội chuyển quả thành.
Này Tỳ-kheo! Đó là tác nghiệp thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là ác đối (chướng ngại) thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ác đối thắng pháp nơi vô minh và ác đối quảng pháp nơi vô minh, nên thấy hai thứ chướng ngại nơi vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là ác đối thắng pháp nơi vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong năm căn ấy, dùng để thâu lấy hoặc dùng để hòa hợp thì gọi là tuệ căn. Gây chướng ngại điều này tức là vô minh. Thế nên gọi là ác đối thắng pháp.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là ác đối quảng pháp nơi vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Mọi trí do văn, tư, tu tạo nên, tạo chướng ngại đối với điều ấy tức là vô minh. Thế nên gọi là ác đối quảng pháp.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu nói vô trí là vô minh thì há cho vô hữu kia là vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Không phải thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu cho trí vô hữu là vô minh thì sẽ có lỗi gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Tướng vô minh như vậy là không thể an lập. Vì sao? Này Tỳ-kheo! Vì văn tuệ không có tư tuệ; tư tuệ không có tu tuệ. Tu tuệ thế gian không có tu tuệ xuất thế gian. Học trí xuất thế gian không có vô học trí. Trí của bậc Thanh văn vô học không có Trí của Như Lai. Như vậy thì kia cũng là có trí, kia cũng là vô trí. Như thế là có vô minh nên có thể lập tướng ấy.
Lại nữa, Tỳ-kheo! Trong ba thiện căn ta nói không có si. Trong đó si không có mà có không si, chẳng phải do si không có mà là không si. Nay cũng chẳng phải do minh không mà là vô minh. Lại các pháp của tâm không biết chân thật nên gọi là vô minh; cũng như các pháp của tâm nhận biết chân thật cho nên gọi là trí.
Lại nữa, Tỳ-kheo! Nếu cho vô hữu là vô minh thì trong mười một thứ vô minh thù thắng ấy, đây tức là vô hữu. Thế nên chẳng phải là minh không có mà là vô minh.
Này Tỳ-kheo! Đó là ác đối thù (chướng ngại) thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là thuận phược thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Cho đến cõi trời Hữu đảnh… chúng sinh trong ba cõi đối với Đế ấy nếu chưa có trí thì nó là không, không thiếu chỗ thuận theo tùy miên luôn bị trói buộc, cũng do sự trói buộc đó nên các chúng sinh kia bị đủ sự trói buộc. Hoặc phần nhân quả trong cõi thiện, cõi ác cũng chưa có trí, thì sự vi tế ấy là chúng sinh nơi cõi Vô sắc, kế đến là cõi Sắc, tăng thượng là cõi Dục. Nhưng vi tế, trung bình tăng thượng, nơi vị lai có pháp sinh như thế là thuận theo sự trói buộc.
Lại nữa, Tỳ-kheo! Nếu A-la-hán dứt hết các lậu thì nên biết chướng ngại ấy, cũng là thuận theo sự trói buộc của vô minh. Như thế thuận theo sự trói buộc từ hành… của vô minh, cũng có thể thấy.
Này Tỳ-kheo! Đó là thuận phược thù thắng của vô minh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là đối trị thù thắng của vô minh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Có hai thứ trí dùng để đối trị vô minh:
- Nhân nơi âm thanh khác hoặc là chẳng nhân, là thiểu phần nơi trí pháp giới.
- Nhân nơi âm thanh khác mà không phải là thiểu phần, là trí pháp giới vô lượng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Tất cả thiểu phần nơi trí pháp giới, duyên vin thế nào, chủng tướng thế nào, tạo nghiệp thế nào, làm sao để nhận thấy?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Thiểu phần nơi trí pháp giới ấy, duyên vin nơi bốn niệm có mười sáu thứ tướng, cùng với vô minh kết hợp, đối với phiền não, nghiệp sinh khởi các nhiễm, tạo nghiệp xa lìa. Nên nhận thấy như thế.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Sinh khổ, vậy làm thế nào để thấy?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nương tựa nhân khổ bên trong, nương tựa nhân khổ bên ngoài và nương tựa nơi hai thứ khổ ấy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là nhân khổ bên trong?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Là bệnh khổ, già khổ và chết khổ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là nhân khổ bên ngoài?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Không thương yêu gặp nhau là khổ. Yêu thương phải chia lìa là khổ; mong cầu không được là khổ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là nương tựa hai thứ khổ ấy?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Lược nói về năm thọ ấm.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là khát ái?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu thân trong hiện tại có tham ái.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là lại có khát ái?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu ở nơi thân vị lai có mong cầu.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là ưa muốn cùng hành với khát ái?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu đối với bản thân có thể thân lấy thọ dụng trong cảnh giới hiện tại mà có tham đắm vị.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là xứ xứ ưa muốn khát ái?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu chưa được cảnh giới thì truy cầu mọi thứ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Khát ái này làm thế nào để đoạn trừ hết sa chỉ?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Bậc Kiến đạo nên đoạn trừ. Đoạn trừ phiền não, đoạn trừ thượng phần hạ phần kết sử, quả khổ nơi vị lai nên đoạn khát ái, quả khổ hiện tại nên đoạn khát ái. Vì thế cho nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là xả?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Hoặc nói bậc Kiến đạo nên đoạn, đoạn trừ phiền não nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là bờ bến rốt ráo?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Hoặc nơi bậc Tu đạo nên đoạn, đoạn trừ phiền não, nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tận?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu đoạn trừ hạ phần kết sử, nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là lìa?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do đoạn trừ thượng phần kết sử nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là diệt?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do đoạn trừ rốt ráo nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là vắng lặng?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Quả khổ nơi vị lai là khát ái cần đoạn trừ nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là dứt bặt?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Quả khổ nơi hiện tại là khát ái cần đoạn trừ nên đoạn.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh kiến?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Hoặc lúc chứng biết về hành trí ở trước, hoặc lúc chứng đắc về trí, hoặc chứng đạt Hậu đắc trí, siêu việt hơn chỗ nhận biết nơi phương tiện hành giáo.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là phân biệt chân chánh (chánh tư duy)?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu đối với Tam bảo có sự hiểu biết đúng đắn rồi, thì nơi vào lòng tin chân chánh, đối với công đức ấy nhớ nghĩ, phân biệt thuận hợp, siêu việt hơn các các giáo pháp nơi những dị luận…
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh ngữ?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Là bậc Thánh đã yêu kính giới, thâu nhận pháp vô lậu, suy nghĩ vô lậu cùng chuyển, xa lìa bốn nghiệp của miệng, thoát khỏi đường ác.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh nghiệp?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Là bậc Thánh yêu kính giới, thâu nhận pháp vô lậu, suy nghĩ vô lậu cùng chuyển, xa lìa ba nghiệp của thân, thoát khỏi đường ác.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh mạng?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Là bậc Thánh yêu kính giới, thâu nhận pháp vô lậu, suy nghĩ vô lậu cùng chuyển, xa lìa chỗ dấy khởi nghiệp nơi thân miệng của tà mạng, thoát khỏi đường ác.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh tinh tấn?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu đối với giải thoát vô thượng, nương tựa ưa thích, phát khởi tinh tấn, xa lìa chướng ngại, đầy đủ đối trị.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh niệm?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu khi tương ưng, hợp với chỉ, quán, ba thứ cùng tạo chỗ nương tựa rồi, lúc nào cũng ở trong ba thứ tướng ấy, do không buông lung, cùng nhập nơi chánh trụ, đối với cảnh duyên tâm luôn không quên. Ở trong tu đạo siêu việt, chẳng tương ưng.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là chánh định?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Nếu ở nơi bảy thứ định này tu hành đối trị đầy đủ rồi thì nhất tâm chuyên hướng, cho đến bảy thứ ấy cùng với hành sai biệt làm chỗ nương tựa, cùng với công đức thù thắng phát sinh làm chỗ nương tựa.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu niệm xứ như vậy cùng với các Giác trợ pháp (bảy Giác chi) đều thâu tóm làm đạo, vì sao chỉ nói tám phần đạo của bậc Thánh, dùng làm tướng của đạo?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Do tám phần đạo của bậc Thánh, nên mọi sở hữu còn lại nơi các giác trợ pháp đều được thâu nhận.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu cái khổ này có bốn thứ tướng, thì trong đó thế nào là tướng vô thường?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong cái khổ, nếu thấy được pháp sinh diệt thì đó là tướng vô thường.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng khổ?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Dùng pháp sinh diệt kia làm chỗ nương tựa rồi, nếu thấy chỗ thuận theo sự trói buộc của ba khổ thì đó là tướng khổ.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng không?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong khổ, nếu thấy lìa nơi ngã, vật, thì đó là tướng không.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng vô ngã?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Trong khổ, nếu thấy ngã tự lìa tướng, thì đó là tướng vô ngã.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu nơi bốn thứ dùng làm tướng tập, thì trong đó cái gì là tướng nhân?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với khát ái, nếu thấy được thể của nhân nơi chủng tử của các khổ thì đó là tướng nhân.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng tập?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với khát ái, nếu thấy được thể của sinh nhân tương tục thì đó là tướng tập.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng sinh?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ở nơi khát ái nếu thấy thể của sinh nhân năm sai biệt nơi năm cõi thì đó là tướng sinh.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng duyên?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Ở trong khát ái nếu thấy được thể của nhân chấp trì nơi duyên sai biệt khác thì đó là tướng duyên.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu Diệt đế này có bốn thứ tướng, thì trong đó cái gì là tướng diệt?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với giải thoát, nếu thấy phiền não diệt thì đó là tướng diệt.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng chỉ (dừng dứt)?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với giải thoát, nếu thấy khổ chấm dứt thì đó là tướng dừng dứt.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng vi diệu?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với giải thoát, nếu thấy vô tội, thanh tịnh, an lạc thì đó là tướng vi diệu.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng xuất?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với giải thoát, nếu thấy ra khỏi vô thường, thì đó là tướng xuất.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu bốn thứ ấy dùng làm tướng đạo thì trong đó cái gì là tướng đạo?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với đạo ấy, nếu thấy chỗ nhận thức tương ưng và không điên đảo thì đó là tướng đạo.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng như?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với đạo ấy, nếu thấy được pháp xuất thế vô lậu, thì đó là tướng như.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng dấu vết?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với Thánh đạo nếu thấy được hành ở nơi thuận hành thì đó là tướng dấu vết.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Thế nào là tướng thừa?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với đạo ấy, nếu thấy được chỗ vô thượng thì đó là tướng thừa.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Do đâu chỉ có bốn Thánh đế?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Cùng nhân quả nhiễm tịnh đều thâu tóm (cùng nhân quả là nhiễm tức nhân quả cùng nhiễm, tịnh tức nhân quả cùng tịnh, nên gọi là cùng).
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Các đế như khổ… do đâu lần lượt nói đế?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Bệnh là do thoát dược là pháp tương tợ (Bênh nghĩa là khổ. Do nghĩa là tập. Thoát nghĩa là diệt. Dược nghĩa là đạo).
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Bốn Thánh đế này là chứng đắc cùng một lúc hay là chứng đắc theo thứ tự?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Có đạo lý nên chứng đắc trong một lúc. Có đạo lý nên chứng đắc theo thứ lớp (Đạo lý cũng gọi là nhân duyên, cũng gọi là phương tiện).
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu chứng đắc trong một lúc thì đạo lý ấy là gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Bên trong tự nhận biết cảnh giới của chân trí nơi đế, duyên dựa chẳng phải là nghĩa an lập, do duyên dựa chung nên chứng đắc trong một lúc.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Còn những đạo lý nào chứng đắc theo thứ tự?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Người đã có trí tu trị và trí hậu đắc nên nơi tự tướng, nhân quả đã quán sát tướng ấy, vì chẳng phải là duyên vào nhau nên chứng đắc theo thứ lớp.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nay Đức Thế Tôn đã nói bốn Thánh đế rồi, vì sao lại nói hai đế là Thế đế và Tối thắng nghĩa đế?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Đối với bốn Thánh đế ấy, nếu là cảnh giới của trí pháp trụ thì đó là Thế đế. Còn nếu bên trong tự có cảnh giới của trí tối thắng nghĩa, chẳng phải là cảnh giới của trí an lập, thì đó là Tối thắng nghĩa đế. Nên thấy như vậy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Nếu bốn Thánh đế chẳng phải là Thánh, cũng là đế nơi Thánh cũng là đế, thì vì sao lấy Thánh gọi về đế ấy. Vì Thánh đế là do Đức Thế Tôn đã giảng nói?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Tuy chẳng phải là Thánh, nhưng cũng ở trong pháp thể của đế ấy, không trí mà tin. Còn bậc Thánh, đối với thể của pháp ấy thì tin bằng trí tuệ. Vì ý nghĩa đó, cho nên đây gọi là Thánh đế. Nên thấy như vậy.
Tỳ-kheo bạch Đức Phật:
–Bạch Đại Đức! Chẳng phải là thiểu phần mà là trí pháp giới vô lượng, thì duyên vin như thế nào, chủng tướng nào, tạo nghiệp gì?
Đức Phật nói:
–Này Tỳ-kheo! Cũng là bốn Thánh đế dùng làm chỗ duyên vào, tướng đế thanh tịnh là tướng, tất cả thứ nhập đế là tướng, cùng với hết thảy chúng sinh tạo tất cả nghĩa lợi làm tướng.
Lại thiểu phần trí pháp giới là Thanh văn, không trái với nghĩa lợi của chúng sinh, không hiện tiền là tướng. Duyên giác trái với nghĩa lợi của chúng sinh làm tướng.
Lại trí pháp giới vô lượng là xa lìa tạo nghiệp, nghĩa là xa lìa tất cả phiền não chướng và sở tri chướng, cùng với chỗ nương tựa tạo nghiệp. Tức là cùng đạt được Nhất thiết chủng biến trí pháp giới thanh tịnh, làm chỗ nương tựa, che chở cứu giúp làm nghiệp. Nghĩa là che chở cứu giúp tất cả các chúng sinh… các nơi chốn bức não.
Này Tỳ-kheo! Đó là sự đối trị thù thắng của vô minh.
Các Tỳ-kheo tán thán:
–Hay thay! Thưa Đại Đức!
Các Tỳ-kheo ấy nghe lời Đức Thế Tôn giảng dạy đều vui mừng im lăng, tâm rất thích thú, hoan hỷ.