KINH CỰU THÀNH DỤ

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hiền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với đại chúng hội đủ.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng:

–Này Tỳ-kheo! Vào thuở trước, khi ta chưa chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở đơn độc một chỗ, tâm sinh nghi vấn: Nhân gì mà tất cả chúng sinh nơi thế gian phải chịu khổ não theo luân hồi? Vì sinh, lão, tử, diệt rồi lại sinh, do các chúng sinh đó chẳng biết như thật, nên không thể xuất ly khỏi cái khổ nơi sinh, lão tử. Nay ta suy tư về cái khổ của lão tử ấy do nhân gì mà có? Lại do duyên gì có lão tử này? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa các duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ, mới biết như thật. Nay, lão tử này do từ nhân sinh mà có, lại do duyên sinh mà có lão tử, ta đã biết pháp này. Lại còn tư duy: Nhân gì có sinh? Lại vì duyên gì có pháp sinh ấy? Đã suy nghĩ rồi, liền lìa các duyên dựa định tâm mà quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật: Sinh là do nhân hữu mà khởi, lại do duyên hữu mà phát khởi pháp sinh ấy, ta đã biết pháp này. Lại còn tư duy: Nhân gì phát khởi hữu? Lại vì duyên gì mà có pháp hữu ấy? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa các duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật, hữu do nhân thủ mà phát khởi, lại do duyên thủ phát khởi pháp hữu ấy. Ta đã biết pháp này. Lại còn tư duy, nhân gì có thủ? Lại do duyên gì có pháp thủ ấy? Đã tư duy vậy, liền lìa các duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ, mới biết như thật, thủ do nhân ái mà có, lại do duyên ái mà có pháp thủ ấy. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Nhân gì có ái? Lại vì duyên gì có pháp ái ấy? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa các duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Ái do nhân thọ mà có, lại do duyên thọ mà có pháp ái ấy. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy. Nhân gì có thọ? Lại vì duyên gì có pháp thọ ấy? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật. Thọ do nhân xúc mà có, lại do duyên xúc mà có pháp thọ ấy. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Nhân gì có xúc? Lại vì duyên gì có pháp xúc ấy? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật, xúc do nhân lục xứ mà có, lại do duyên lục xứ mà có pháp xúc ấy. Ta đã biết pháp này. Lại còn tư duy: Nay, nhân gì mà có lục xứ ấy? Lại do duyên gì có pháp lục xứ? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật, lục xứ là do nhân danh sắc mà có, do duyên danh sắc mới có pháp lục xứ. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Nay, nhân gì mà danh sắc ấy có? Lại do duyên gì có danh sắc ấy? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật, danh sắc kia do nhân thức mà có, lại do duyên thức mới có pháp danh sắc. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Nhân gì có thức? Lại do duyên gì có pháp thức ấy? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật. Như thế pháp thức do nhân danh sắc mà có, do duyên danh sắc mới có pháp thức ấy. Do duyên thức này nên sinh được các hành. Do đó danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ, não, cho nên hình thành đại khổ uẩn. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Do nhân gì nên không có được lão tử? Pháp gì đã được diệt thì lão tử diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp sinh tức là không có lão tử, pháp sinh đã diệt thì lão tử cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Pháp gì không có thì pháp sinh không có? Pháp gì đã diệt thì pháp sinh được diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm mà quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp hữu thì không có pháp sinh, nếu pháp hữu diệt thì pháp sinh cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy; pháp gì không có thì pháp hữu không sinh? Pháp gì đã diệt thì pháp hữu diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát. Đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp thủ thì pháp hữu cũng không có, pháp thủ đã diệt thì pháp hữu cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy. Pháp gì không có thì pháp thủ không có? Pháp gì đã diệt thì pháp thủ được diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp ái thì không có pháp thủ. Pháp ái đã diệt thì pháp thủ cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy. Pháp gì không có thì pháp ái không? Pháp gì đã diệt thì pháp ái diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp thọ thì pháp ái cũng không có. Pháp thọ diệt thì pháp ái cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy. Pháp gì không có thì pháp thọ không có? Pháp gì đã diệt thì pháp thọ được diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp xúc thì pháp thọ cũng không có. Pháp xúc đã diệt thì pháp thọ cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Pháp gì không có thì pháp xúc chẳng có? Pháp gì đã diệt thì pháp xúc được diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm mà quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có lục xứ thì pháp xúc cũng không có được. Lục xứ đã diệt thì pháp xúc cũng diệt. Ta đã biết pháp này lại còn tư duy: Pháp gì không có thì pháp lục xứ không có? Pháp gì đã diệt thì lục xứ cũng diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm mà quán sát. đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có danh sắc thì lục xứ chẳng có. Danh sắc đã diệt, lục xứ cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Pháp gì không có thì danh sắc chẳng có? Pháp gì đã diệt thì danh sắc cũng diệt. Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp thức thì danh sắc cũng không. Pháp thức diệt thì danh sắc cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy: Pháp gì không có thì pháp thức cũng chẳng có? Pháp gì đã diệt thì pháp thức cũng diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có pháp hành thì pháp thức cũng không có. Nếu pháp hành diệt thì pháp thức cũng diệt. Ta đã biết pháp này, lại còn tư duy. Pháp gì không có thì pháp hành cũng chẳng có? Pháp gì đã diệt thì pháp hành được diệt? Đã suy nghĩ vậy, liền lìa mọi duyên dựa định tâm để quán sát, đã quán sát kỹ mới biết như thật. Nếu không có vô minh thì pháp hành chẳng có. Vô minh đã diệt thì pháp hành cũng diệt. Do đó vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Do vậy một khổ uẩn lớn diệt, mỗi mỗi đều biết rõ về pháp đã như vậy.

Lại còn tư duy: Nay ta đã theo dấu tích con đường mà chư Phật đi, đã mặc áo giáp người xưa mặc, đã đến thành Niết-bàn của người xưa.

Đức Phật lại bảo:

–Này các Tỳ-kheo! Ví như có người muốn đến chỗ xa thì theo dấu tích con đường mà người xưa đi, lại mặc áo giáp người xưa mặc, mới tìm thấy đô thành cũ của người xưa, hoặc đi vào núi sâu, hoặc đi vào đồng rộng, đi mãi chẳng dừng, nên đến thành cũ kia. Thành ấy rộng lớn, mới là đô thành của nhà vua thuở trước. Đô thành này uy nghiêm, tráng lệ, thanh tịnh, ao hồ, vườn cây, cung điện đều rất đẹp. Người đó trông thấy thì lòng không muốn rời. Người đó đã thấy liền tự tư duy: “Nay ta về trở lại nơi bản quốc, đem đầy đủ việc này khởi tấu lên vua.” Đã về bản quốc rồi liền tấu lên vua: “Đại vương nên biết! Thần mặc áo giáp người xưa mặc, theo dấu tích nơi con đường người xưa đi, hoặc đi vào núi sâu, hoặc đi vào đồng rộng, đi mãi chẳng dừng, nên đến một thành cũ, thành ấy rộng lớn là đô thành của vua thuở trước, đô thành kia uy nghiêm, tráng lệ, thanh tịnh, ao hồ, vườn cây, cung điện đều rất đẹp. Người ta trông thấy tâm không chán bỏ. Đại vương nên dời đô đến nơi đó.” Vua nghe tâu, liền chuẩn tấu, bèn giao cho cận thần lo liệu công việc dời đô, vua ngự trị nơi thành đô càng trở nên uy nghiêm, tráng lệ, dân chúng đông đúc, đời sống sung túc bội phần.

Này các Tỳ-kheo! Ta cũng như vậy, theo dấu tích nơi con đường cũ chư Phật đi, mặc áo giáp cũ chư Phật đã mặc, đi đến thành Niết-bàn cũ của chư Phật.

Này các Tỳ-kheo! Con đường cũ là gì? Áo giáp cũ là gì? Thành cũ là gì? Tức là tám con đường chánh mà chư Phật quá khứ đã đi, nghĩa là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Này các Tỳ-kheo! Tám con đường chân chánh ấy tức là con đường cũ, tức là áo giáp cũ, tức là thành cũ. Chư Phật trước đã đi, ta cũng đi theo dấu tích đó mới có thể thấy được nguyên nhân của lão tử. Cho nên ta chứng được sự diệt trừ lão tử, cho đến quán thấy sinh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục xứ, danh sắc, thức… đều diệt. Lại quán nguyên nhân của hành cũng hành diệt. Pháp hành đã diệt, Vô minh cũng diệt. Vô minh đã diệt tức là không có chỗ quán. Lúc ấy, ta tự dùng lực Thần thông thành tựu Chánh đẳng Chánh giác.

Này các Tỳ-kheo! Ta đã thuyết giảng rõ chánh pháp như thế. Các ông phải siêng năng, nên học như thế, nên hành như thế, ghi nhớ, tu tập mới thành tựu các phạm hạnh, truyền bá giáo pháp khắp cả Trời, người, độ khắp chúng sinh tạo nhiều lợi ích. Cho đến các Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Bà-la-môn, ngoại đạo, Ni-kiền-tử… cũng nên tu tập lưu truyền như thế, để độ khắp chúng sinh tạo nhiều lợi ích.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn giảng nói kinh ấy xong, tất cả đại chúng nghe Đức Phật giảng nói thảy đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.