KINH ĐẠI TRANG NGHIÊM PHÁP MÔN
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Na-liên-đề-lê-da-xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Bấy giờ, cùng với vị Tăng theo hầu là A-nan, từ nơi kinh hành, tại đỉnh núi Kỳ-xà-quật, Đức Thế Tôn từ xa khen ngợi Văn-thù-sư-lợi:
–Lành thay, lành thay! Văn-thù-sư-lợi đã khéo nói pháp môn Bồ-tát Tối thắng tinh tấn phương tiện. Đúng như ông đã nói.
Những lời khen ngợi này, khi phát ra âm thanh của Đức Thế Tôn vang khắp tam thiên đại thiên thế giới, tất cả mặt địa có sáu cách chấn động. Lúc ấy có vô lượng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thátbà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân Phi nhân… Đế Thích, Thiên vương, Đại phạm Thiên vương, bốn Đại Thiên vương, nghe theo âm thanh này, đều đi đến chỗ Đức Phật cung kính, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên và cùng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Vừa rồi, chúng con nghe Như Lai khen ngợi: “Lành thay!”, âm thanh vang khắp đại thiên thế giới, mặt đất đều chấn động; nhưng chúng con chưa biết rõ Như Lai khen ngợi ai?
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các đại chúng:
–Vừa rồi, ta khen ngợi Văn-thù-sư-lợi.
Khi ấy, đại chúng lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Văn-thù-sư-lợi nay ở đâu?
Phật bảo:
–Ở trên ngã tư đường, thuộc cửa Đông thành Vương xá, cùng với cô gái sắc vàng, giảng giải trình bày pháp vi diệu cho mọi người. Các ông, người nào thích nghe pháp, nên đến chỗ ấy.
Tất cả Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… Đế Thích, Thiên vương, Đại phạm Thiên vương, Tứ đại Thiên vương… nghe Phật dạy rồi, đều đến chỗ Văn-thù-sư-lợi, mỗi người từ thân mình hiện lên ánh sáng cao đẹp khác lạ, làm mưa hoa trời khắp cả thành Vương xá và khắp cả mọi người.
Bấy giờ, tất cả trời, người và đại chúng, đều cùng được thấy nhau mà không có chướng ngại. Tất cả nhân dân thành Vương xá thấy các chúng trời và thấy hoa vi diệu, đều cùng nhau đi đến chỗ Văn-thù-sư-lợi. Lúc ấy, vua A-xà-thế cùng oai đức lớn, trang nghiêm bốn bộ binh, cùng các thể nữ ở hậu cung, cũng đi đến chỗ Văn-thùsư-lợi. Lúc này, trong thành tất cả con vua, con của trưởng giả, con đại thần, con của cư sĩ… thấy cô gái sắc vàng tâm trụ Niết-bàn, họ đều bỏ hết tâm ô nhiễm, năm căn trong sạch, có đầy đủ sự hổ thẹn, không còn phiền não.
Khi thấy những người này, không còn sinh tâm ô nhiễm với Thắng Kim Sắc nữ, Văn-thù-sư-lợi mới hỏi Thắng Kim Sắc nữ:
–Nay ngươi để phiền não ở chồ nào, khiến con vua cho đến con của cư sĩ… không còn sinh tâm ô nhiễm?
Cô gái sắc vàng thưa:
–Tất cả phiền não và chúng sinh phiền não, đều ở nơi bờ trí tuệ giải thoát, ở trong pháp: “Pháp giới như như bình đẳng”. Các phiền não kia chẳng phải có sinh, chẳng phải có diệt, cũng chẳng phải ở yên một chỗ. Tôi biết như vậy, thấy chính xác như vây về thể tánh phiền não.
Văn-thù-sư-lợi hỏi Thắng Kim Sắc nữ:
–Thể tánh của phiền não là gì?
Thắng Kim Sắc nữ đáp:
–Các thấy biết ác, là thể tánh của phiền não. Phan duyên không trong sạch, nên phiền não phát sinh. Thấy biết được trong sạch nên phiền não như khách. Như vậy, phiền não không hòa hợp với “không trí”; không hòa hợp với vô tướng, vô nguyện. Như rắn độc lớn, khi mắt nó nhìn thấy người, người liền bị cắn chết. Nếu có người trí, giữ thuốc trị độc rắn, đi đến chỗ con rắn ấy, rắn nghe hơi thuốc, liền mất chất độc. Thậm chí đến những đứa trẻ, với các loại xúc não không vì thế mà làm hại. Thưa Văn-thù-sư-lợi! Ngày trước, vì cái thấy hiểu xấu, nên con phát sinh tâm điên đảo, bị lửa phiền não thiêu đốt, yêu đắm thân mình, không biết thân đó như bọt nước, như ngọn lửa, như huyễn, như hóa, như trong giấc mộng; nhận năm thứ sướng vui như nếm mật bôi trên dao. Người ngu ham mùi vị, không biết sẽ bị đứt lưỡi. Lại như sương trên ngọn cỏ, gặp mặt trời liền tan; không biết các hành là vô thường chóng qua, không biết năm ấm toàn là thường và khổ; không biết tánh của thân mình là không trong sạch; không biết tất cả pháp đều xa lìa các thứ sai khác của ngã và ngã sở; không biết mình vô sở kiến nên khiến người khác tối tăm; không biết mình đã tự trói buộc, lại làm cho người khác bị trói buộc. Con chưa được nghe pháp, nên đối với các pháp này, không được giải thoát. Con nay nghe pháp, đạt được trí tuệ rồi, đối với các phiền não đã được giải thoát. Thế nên, tất cả chúng sinh đã không còn có tâm tham muốn đối với thân con. Văn-thù-sư-lợi! Ví như ánh sáng không ở chung với bóng tối. Như vậy, xa lìa tâm tham, thì phiền não sẽ không còn.
Khi nói pháp này với Văn-thù-sư-lợi xong, Thắng Kim Sắc nữ liền bạch:
–Tất cả trời, người đại chúng đã tập hợp, xin hãy rủ lòng lành thương xót dùng pháp lực nói rõ cho mọi người, làm cho họ biết được thể tánh của tát cả phiền não. Biết được thể tánh phiền não rồi, họ phát lòng thương xót tất cả chúng sinh, làm cho các chúng sinh được an ổn, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Thể tánh của phiền não, khó tin, khó hiểu. Vì sao? Vì tánh của phiền não, tức là Bồ-đề. Ví như lửa chưa phát ra, thì không thể đốt được củi. Như vậy, không phát sinh phiền não, thì không bị sự lưu chuyển trong vòng sinh tử. Như lửa mà phát rồi, thì liền có thể đốt cháy củi. Cái hiểu biết xấu mà phát sinh, thì sẽ lưu chuyển trong sinh tử. Như lửa mà thiêu đốt cỏ cây lớn, thì thế lửa khó mà dập tắt. Như vậy, cái thấy xấu, cái tâm độc hòa hợp với phiền não, ở trong ba cõi, nó như lửa dữ, luôn thiêu đốt không có dừng nghỉ. Ví như không có củi, thì lửa không đốt cháy được. Như vậy, xa lìa cái xấu ác và phiền não, thì không sinh vào ba cõi. Ví như lửa đốt, giả sử đến trăm ngàn năm cũng không có lợi ích, cũng không tăng thêm nhiều. Lửa phiền não bùng cháy cũng lại như vậy, cho đến trăm ngàn năm cũng không có lợi ích, cũng không tăng thêm được gì. Ví như lửa tắt, không biết đi về đâu. Như vậy, trí tuệ diệt các phiền não, cũng như vậy, không biết đi về đâu. Ví như lửa dữ, không thể vào được; như vậy tự tánh mà trong sạch thì dù khách trần phiền não có phát sinh, cũng không bị nó làm ố nhiễm.
Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi hỏi Thắng Kim Sắc nữ:
–Thế nào là thân kiến?
Thắng Kim Sắc nữ đáp:
–Như thấy trăng ở trong nước.
Lại hỏi:
–Thế nào là thấy năm ấm?
Nữ đáp:
–Như thấy Đức Phật giáo hóa người.
Lại hỏi:
–Thế nào là thấy mười tám giới?
Nữ đáp:
–Như thấy kiếp lửa, thiêu đốt các thế giới.
Lại hỏi:
–Thế nào là thấy mười hai nhập?
Nữ đáp:
–Như không tạo hạnh nghiệp.
Lại hỏi:
–Thế nào là thấy bốn chúng?
Nữ đáp:
–Như thấy hư không ở trên.
Lại hỏi:
–Quán tự thân là thế nào?
Nữ đáp:
–Biết được từ cha mẹ hòa hợp sinh ra.
Lại hỏi:
–Thấy thân mình là thế nào?
Nữ đáp:
–Như người mù thấy màu sắc.
Lại hỏi:
–Cô nay nghe phấp này chăng?
Nữ đáp:
–Như người huyễn nghe pháp.
Lại hỏi:
–Cô phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?
Nữ đáp:
–Con đã phát tâm, không phát tâm lại nữa.
Lại hỏi:
–Cô thực hành Bố thí ba-la-mật chăng?
Nữ đáp:
–Trong phiền não, không thực hành, cũng không xả bỏ.
Lại hỏi:
–Cô trì giới đầy đủ chăng?
Nữ đáp:
–Đầy khắp, như đầy khắp hư không. Lại hỏi:
–Cô tu Nhẫn nhục ba-la-mật chăng?
Nữ đáp:
–Đã tu như tất cả chúng sinh, không sinh, không xuất.
Lại hỏi:
–Cô phát hạnh Tinh tấn ba-la-mật chăng?
Nữ đáp:
–Đã phát như tất cả pháp, không thể được.
Lại hỏi:
–Cô trụ Thiền ba-la-mật chăng?
Nữ đáp:
–Đã trụ, như trụ trong pháp giới.
Lại hỏi:
–Cô đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật chăng?
Nữ đáp:
–Đã đầy đủ. Thế nào là đầy đủ? Không tăng không giảm phương tiện trí.
Lại hỏi:
–Cô tu lòng lành chăng?
Nữ đáp:
–Đã tu như tất cả chúng sinh, không sinh.
Lại hỏi:
–Bồ-tát có lòng thương lớn nên cầu ở đâu?
Nữ đáp:
–Cầu ở trong phiền não của tất cả chúng sinh. Vì sao? Vì nếu chúng sinh, không có phiền não, thì Bồ-tát không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Tâm vui vẻ nên cầu ở đâu?
Nữ đáp:
–Cầu ở trong lòng tin cao cả, vui vẻ, trong sạch Bồ-đề.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Bồ-tát xả tâm thế nào là đầy đủ?
Nữ đáp:
–Xả bỏ, xa lìa mọi sự tranh cãi của tất cả chúng sinh, thì gọi là đầy đủ. Xa lìa tất cả pháp tranh luận, gọi là đầy đủ.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Thế nào là tranh luận?
Nữ đáp:
–Vị Bồ-tát nào tự nói: “Ta đang xả bỏ, xa lìa, tất cả phiền não, độ thoát tất cả chúng sinh”, thì gọi là tranh luận.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Tranh luận với ai?
Nữ đáp:
–Với tất cả ngoại đạo.
Lại hỏi:
–Ngoại đạo là ai?
Nữ đáp:
–Chấp nhận theo các tà thuyết, thì gọi là ngoại đạo.
Lại hỏi:
–Tâm nhẫn nhục của Bồ-tát do đâu mà sinh?
Nữ đáp:
–Từ trong sự não loạn của tất cả chúng sinh mà phát sinh. Vì sao? Nếu không não loạn, thì tâm nhẫn nhục không sinh. Bồ-tát bị các chúng sinh mắng chửi, đánh đập, làm nhục; mà tâm Bồ-tát vẫn như đất, không khởi lên sự oán hận, như vậy gọi là nhẫn.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Thế nào là sân hận?
Nữ đáp:
–Sân hận có thể làm tiêu tan các nghiệp lành đã tạo từ trăm
ngàn kiếp. Như vậy gọi là sân hận.
Lại hỏi:
–Thế nào là chẳng phải sân hận?
Nữ đáp:
–Ai đối với tất cả cảnh giới của phiền não mà không bị chướng ngại, gọi là không sân hận.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Bồ-tát làm sao vượt được các việc tranh luận?
Nữ đáp:
–Bồ-tát đối với tất cả pháp, không có chỗ phân biệt, cũng không có chỗ để đạt. Như vậy gọi là vượt được các việc tranh luận.
Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:
–Bồ-tát làm sao xa lìa được ma oán?
Nữ đáp:
–Bồ-tát tuy hiện ra để thực hành ma nghiệp, mà không bị dính mắc. Như vậy gọi là xa lìa ma oán. Vì sao? Bồ-tát, tuy đang sống trong năm ấm phiền não; nhưng không hòa hợp với năm ấm phiền não. Thể tánh không bị ô nhiễm. Bồ-tát, tuy đang sống trong sinh tử, để giáo hóa chúng sinh; nhưng biết tất cả pháp là không đi, không đến. Tuy vì chúng sinh nói thiên ma đạo, nhưng đối với Nhất thiết trí tự thân xa lìa ngã và ngã sở.
Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:
–Bồ-tát làm sao giáo hóa chúng sinh?
Nữ đáp:
–Bồ-tát nên tu phương tiện Bát-nhã ba-la-mật, là có thể giáo hóa chúng sinh.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Bồ-tát làm thế nào an trụ được tất cả chúng sinh?
Nữ đáp:
–Như Bồ-tát tự an trụ trong trí, tất cả chúng sinh cũng như vậy mà an trụ.
Văn-thù-sư-lợi bảo:
–Này cô gái, hết thảy mọi người nghe cô thuyết pháp, tâm đều sinh vui thích, yêu mến và cung kính cô.
Nữ nói:
–Thưa Văn-thù-sư-lợi! Không nên cung kính, cúng dường như vậy. Cúng dường như vậy, không gọi là cúng dường. Vì sao? Vì nếu thấy thân mình, thân người và thấy có pháp mà có thể nói, thì không được gọi là cúng dường. Nếu không thấy thân mình, thân người và không thấy có pháp; thì gọi là cúng dường. Như vậy, không nghe, không chấp trước; thì gọi là nghe pháp, cũng gọi là cúng dường.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Thế nào là pháp cúng dường?
Nữ đáp:
–Nếu xem thân như mộng, người nói như huyễn, pháp được nghe tiếng vang. Như vậy, tin rồi, không tạo hai loại giải thoát, thì được gọi là pháp cúng dường.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Thế nào là nghe pháp?
Nữ đáp:
–Cứ như nói mà tu hành, gọi là nghe pháp.
Nhờ sức thần thông của Văn-thù-sư-lợi, lại dùng sức trí tuệ, căn lành đời quá khứ của chính mình, Kim Sắc nữ thuyết pháp đúng như pháp, cho những người kia.
Khi Kim Sắc nữ thuyết pháp này, trong đại chúng có ức ngàn người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có các chúng trời, người, đã trồng căn lành sâu xa từ đời trước, số người ấy nhiều đến năm trăm người, đạt được Vô sinh pháp nhẫn, ba vạn ba ngàn trời, người xa lìa bụi nhơ cõi trần, đạt được mắt pháp trong sạch.
Thắng Kim Sắc nữ tâm trong sạch, vui mừng, đắc được pháp Thuận nhẫn. Đạt được pháp Thuận nhẫn rồi, Kim Sắc nữ liền đảnh lễ sát chân Văn-thù-sư-lợi và sinh lòng hổ thẹn sâu sắc, đối với thân mình, cô nói:
–Con đối với chánh pháp giống như người chết, xin hãy rủ lòng lành thương xót, cho phép con xuất gia.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Bồ-tát xuất gia, chẳng phải tự mình cắt tóc mà gọi là xuất gia. Vì sao? Vì nếu phát lòng đại tinh tấn, thì trừ được tất cả phiền não của chúng sinh. Gọi đó là Bồ-tát xuất gia. Bồ-tát xuất gia, chẳng phải do tự mình đắp y gọi là xuất gia. Phải siêng năng, đoạn trừ ba độc, làm ô nhiễm tâm của chúng sinh, mới gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự thọ trì giới hạnh, gọi là xuất gia, mà có thể làm cho người phá hủy cấm giới, an trụ trong tịnh giới, mới gọi là xuất gia.
Chẳng phải một mình, ngồi ở nơi chùa vắng, suy nghĩ, mà gọi là xuất gia, đối với nữ sắc, lưu chuyển trong sinh tử, phải biết dùng tuệ phương tiện để giáo hóa, làm cho giải thoát, mới được gọi là xuất gia.
Không phải tự thân, giữ gìn luật nghi mà gọi là xuất gia. Nếu phát khởi bốn Vô lượng tâm rộng rãi, làm an ổn chúng sinh, thì được gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự thân, tu hành pháp lành mà gọi là xuất gia. Hay làm cho chúng sinh tăng trưởng căn lành mới được gọi là xuất gia.
Chẳng phải được vào Niết-bàn, gọi là xuất gia, mà vì muốn an ổn cho tất cả chúng sinh vào đại Niết-bàn, đó mới gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự mình trừ được các phiền não, thì gọi là xuất gia; mà phải siêng năng đoạn trừ tất cả phiền não của chúng sinh, đó mới được gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự giữ gìn thân tâm của chính mình, thì gọi là xuất gia, mà phải giữ gìn thân tâm cho tất cả chúng sinh, đó mới gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự cởi bỏ phiền não ràng buộc trong thân tâm của mình, thì gọi là xuất gia, mà phải vì sự cởi bỏ phiền não trói buộc trong thân tâm của tất cả chúng sinh, đó mới được gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự mình biết sợ hãi sinh tử, để được giải thoát, thì gọi là xuất gia, mà có thể trừ được tất cả sự sợ hãi sinh tử của chúng sinh, làm cho họ được giải thoát, đó mới gọi là xuất gia.
Chẳng phải tự mình vui với Niết-bàn thì gọi là xuất gia, mà phải chuyên cần tu hành tinh tấn, làm cho chúng sinh đầy đủ tất cả Phật pháp, đó mới được gọi là xuất gia.
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Này cô gái! Người xuất gia, là khởi lòng Từ bi đối với tất cả chúng sinh, thì mới gọi là xuất gia. Xuất gia, nghĩa là không thấy tất cả chúng sinh xấu xa, cũng không chấp giữ lấy tướng, đó là xuất gia. Xuất gia, là không nêu ra tội của người khác, giáo hóa người biết hổ thẹn, khiến họ sám hối, đó là xuất gia. Này cô gái! Người xuất gia khó khăn là vì lệ thuộc người khác; Bồ-tát không như vậy, thân tâm tự tại, nên không có sự lệ thuộc.
Nữ hỏi:
–Tại sao xuất gia lại gọi là lệ thuộc?
Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Người phụ thuộc vào giới, gọi là xuất gia. Người phá giới, không được gọi là xuất gia. Người phụ thuộc thiền định, gọi là xuất gia; người loạn tâm, không được gọi là xuất gia. Phụ thuộc vào trí tuệ, thì gọi là xuất gia, ngu si không được gọi là xuất gia. (Người) phụ thuộc giải thoát, gọi là xuất gia, xa lìa giải thoát, không gọi là xuất gia.
Nữ hỏi:
–Văn-thù-sư-lợi! Tại sao Bồ-tát gọi là không phụ thuộc?
Văn-thù-sư-lợi đáp:
–Bồ-tát, bên trong tự mình chứng ngộ được pháp, chứ không từ nơi sự học kia, nên gọi là không phụ thuộc. Vì sao? Vì Bồ-tát đối với Nhất thiết trí, tự mình mở ra mà hiểu.
Khi Văn-thù-sư-lợi thuyết pháp xuất gia này, có năm trăm Bồtát tâm sinh vui vẻ, cởi bỏ y phục và chuỗi ngọc trên thân, dâng lên Văn-thù-sư-lợi và khen ngợi:
–Hay thay, hay thay! Nói pháp này, thật sướng thích, ta nên tu hành theo.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi bảo Kim Sắc nữ:
–Người có thể lên xe, giáo hóa cho con của Trưởng giả là Thượng Oai Đức. Nếu có thể giáo hóa được con của trưởng giả này, thì mới được gọi là xuất gia.
Khi Văn-thù-sư-lợi nói lời này xong, tất cả đại chúng đều kinh ngạc, nghĩ: “Người con gái này, nay đã lìa bỏ tham dục, vì sao lại sai đến gặp người tham dục?”.
Biết ý nghi ngờ của đại chúng, Kim Sắc Nữ nói:
–Bồ-tát xa lìa tham dục, dù vậy, vẫn thường gần với người tham dục để giáo hóa, làm cho họ xa lìa điều ác. Bồ-tát tự mình đã xa lìa sân si, dù có ở chung với người đầy đủ sân si để giáo hóa, cũng không có gì gọi là xấu. Bồ-tát tự mình đã xa lìa phiền não, tuy có gần với người nhiều phiền não mà để giáo hóa họ, thì đó cũng là cách xa lìa điều ác. Ví như mẹ con cùng ở chung, nhưng đâu có sự tham nhiễm. Bồ-tát xa lìa sự tham dục, cũng lại như vậy, gần với người tham dục, cũng không nhiễm cái tham ấy. Ví như kẻ không có nam căn ở chung với con gái thì cũng không có tham nhiễm. Như vậy, Bồ-tát xa lìa ba cõi, dù ở trong cõi Dục cũng không có tâm dục.
Khi đã biết rõ ác pháp phiền não sinh tử, đứng vững nơi ngằn mé của ly dục, Kim Sắc nữ liền đạt được ánh sáng ly dục, trừ được bóng tối tham dục, liền cúi đầu, đảnh lễ Văn-thù-sư-lợi, đi nhiễu bên phải ba vòng, nàng nói kệ, trước khi lên xe:
Con đang lên xe, lìa ba độc
Thể tánh trong sạch không tham nhiễm
Xa lìa sân hận phát lòng lành
Diệt ngu si để được trí tuệ.
Bỏ ham dò xét con trong sạch
Nay sẽ lên xe, đi đến rừng
Trước, con vì tham, tâm mê muội
Đam mê tài sắc, không biết rõ.
Giống như mây lớn che ánh nắng
Nên mặt đất không được chiếu tỏ
Ánh sáng kia, không đến, không đi
Bị mây lớn che, nên không hiện.
Như chúng sinh bị phiền não lấp
Trí trong sạch không, sáng rõ được
Trí kia, không đến, cũng không đi
Biết phiền não rồi, trí sáng ra.
Cũng chẳng phải từ nơi khác đến
Hiểu biết xấu, nên phiền não sinh
Hiểu biết trong sáng, phiền não diệt
Không chấp, cũng không xả, danh, sắc.
Cũng lại không sinh, cũng không diệt
Không đem cho, cũng không giữ lấy
Pháp vị như vậy, rất trong sạch
Giống như đèn sáng, trừ bóng tối.
Bóng tối kia, không đến, không đi
Như vậy, trí tuệ lìa phiền não
Phiền não không đi, cũng không đến
Cũng không sinh và cũng không diệt.
Như thầy thuốc giỏi chữa các bệnh
Trừ cả bệnh lạ, bệnh không sinh
Nhưng không trị được đất, lửa, gió
Văn-thù đúng là thầy thuốc lớn.
Trị bệnh phiền não cho chúng sinh
Trí tuệ, nhân duyên, không phiền não
Phiền não không đi, pháp không mất
Thân con đây, có đủ năm ấm
Và mười tám giới, mười hai nhập
Con trước kia chứa đầy phiền não
Nay đã xa lìa, được sạch trong.
Văn-thù-sư-lợi thuyết pháp giáo hóa cho đại chúng xong rồi, đại chúng rất là vui mừng. Văn-thù-sư-lợi lại nói:
–Lành thay, lành thay! Đại chúng đã hết lòng nghe pháp.
Khi đã khen ngợi rồi, ở giữa đại chúng, ngài nói:
–Hôm nay ta sẽ đi đến chỗ Như Lai. Đại chúng muốn nghe pháp, thì nên đến chỗ Đức Phật.
Nói xong, Văn-thù-sư-lợi và các đại chúng, đều trở về chỗ của mình. Khi ấy, Thắng Kim Sắc nữ cùng với tám mươi cô gái theo hầu vây quanh trước sau và cả con của trưởng giả cùng nhau lên xe báu, đi đến vườn. Đến nơi, họ bày ra đủ các loại lọng báu, cờ phướn, hương, hoa, chuỗi ngọc, cùng trăm thứ hương, đốt khắp rừng cây, để làm vui, ca hát, nhảy múa, vui đùa. Lại còn bày ra đủ các thứ thức ăn, thức uống ngon ngọt.
Bấy giờ, Thắng Kim Sắc nữ gối đầu lên đầu gối của con trưởng giả là Thượng Oai Đức, ngủ. Nàng liền dùng thần lực, biến thành thây chết trên chỗ nằm, phình trương, hôi thối, khó có thể đến gần. Chốc lát, gan ruột phanh ra, ngũ tạng lộ liễu, mùi hôi thối đáng ghét, đường đại tiểu tiện chảy tràn thứ nước bẩn. Trong mắt, tai, mũi và các phần khác trên thân cũng như tất cả các lỗ chân lông đều có máu mủ chảy tràn, miệng toát ra mùi hôi thối, mùi phình trướng hôi thối lan khắp khu rừng, xương đầu lâu bể ra, não văng khắp nơi, tay, chân, gân cốt, rã rời đầy khắp; ruồi xanh, giòi bọ rúc rỉa. Các thứ mùi hôi thối, nhơ nhớp đáng ghét, không thể kể hết.
Lúc thấy thây chết này, con của trưởng giả vô cùng sợ hãi, lông trên thân dựng ngược lên và suy nghĩ: “Ta đang ở đây, đối với thây chết này không thể cứu giúp, không thể nương tựa”. Xem khắp bốn phương, không biết nương dựa vào ai, càng thêm sợ hãi, con của trưởng giả kêu la hãi hùng. Con của trưởng giả vì hai lý do mà sinh sợ hãi lớn:
Một là, vốn chưa từng thấy việc đáng sợ hãi đến như vậy; hai là, mọi người đều biết ta và cô gái kia, cùng đi đến chỗ này, mà nay bỗng nhiên cô chết, cho rằng ta giết, sợ vua A-xà-thế không xét rõ sự thật, có thể bị giết oan!
Lúc này, con của trưởng giả một mình ở trong rừng, chung quanh không thấy một người nào, lại tự nghĩ: “Ta đang sợ hãi. Hỡi các Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Rồng, Thần, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Atu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… ai là người có thể cứu ta?!”
Con của trưởng giả kia, dù căn lành đời trước chín muồi, nhưng vì không nghe thấy những pháp của Văn-thù-sư-lợi và Kim Sắc nữ đã nói, nên mới quá sợ hãi như vậy. Văn-thù-sư-lợi thấy vậy, liền dùng thần lực, làm cho các cây rừng đều nói kệ:
Thể tánh của các pháp
Như con trưởng giả thấy
Ba cõi đều giả dối
Như huyễn, đều không thật.
Da che sự xấu bẩn
Phàm phu không hổ thẹn
Do vì hiểu biết xấu
Vọng tưởng sinh tham đắm.
Ví như bình đầy phân
Trang trí đẹp bên ngoài
Người ngu si không biết
Đội lên đầu mà đi.
Bình rơi, liền bể tan
Vật dơ bẩn tràn khắp
Mùi hôi thối khó gần
Hối hận muốn lìa bỏ.
Như vậy, các phàm phu
Qua phân biệt nữ sắc
Thấy dài, ngắn, trắng, đỏ
Ưa nhiễm các biết xấu.
Nếu thấy thật tánh thân
Thân ngươi cũng như vậy
Ai thật thấy có người
Lại tham đắm thây thối.
Ngươi nay, không nên sợ
Pháp này, thể tánh không
Tất cả chẳng chân thật
Ngươi trước đã tham đắm.
Sao nay lại sợ hãi
Thích-ca Văn Đạo sư
Ban an vui cho ngươi
Trong lời pháp cao cả.
Nói các dục: Vô thường
Như sương mù, điện chớp
Năm dục: Dối, không thật
Người trí nào tham đắm.
Như gió kích động nước
Làm bọt nước nổi lên
Chúng không thật tạo ra
Mà chỉ do nhân duyên.
Hòa hợp rồi sinh ra
Như vậy pháp danh sắc
Cũng không thật tạo ra
Do nghiệp lực không mất.
Các pháp hòa hợp sinh
Sắc đẹp, đã từng thấy
Nay đã đi đâu rồi!
Sắc xấu từ đâu lại.
Mà sinh lòng hoảng sợ?
Pháp không có chỗ dừng
Cũng không nơi khác đến
Không đi đến vị lai.
Do tập khởi nên thấy
Trong ấy không người tạo
Cũng không người nhận lấy
Xa lìa pháp tác thọ.
Như huyễn, không, không thật
Ngươi với thân người kia
Không nên sinh sợ hãi
Nếu tự mình xem xét.
Thân ngươi cũng như vậy
Như sướng vui trong mộng
Rất hớn hở, sung sướng
Người thức, đắm dục lạc.
Cũng như mộng, không khác
Ngươi sợ, không dám bỏ
Cũng không người an ủi
Ngươi nay nên mau đến.
Chỗ Đại sư Như Lai
Nỗi sợ lớn của ngươi
Chẳng cha mẹ, họ hàng
Hay bậc trí, cứu được!
Chỉ có Phật, Thế Tôn
Nhổ trừ được gốc rễ
Đem vui, cho người sợ
Và giúp người không giúp.
Ngươi nên quy y Phật
Cùng Pháp, Tăng thù thắng
Nếu có các trời, rồng
Quy y với Thế Tôn
Sợ hãi đều giải thoát
Mau được thân trời, người.
Khi con của trưởng giả là Thượng Oai Đức, nghe bài kệ này rồi, lòng tự cảm thấy vô cùng sung sướng hớn hở không gì tả được; liền bỏ thây người chết đi ra khỏi rừng. Khi ấy, ở nơi đỉnh núi Kỳxà-quật, Phật biết Thượng Oai Đức căn lành đã thành thục, có thể lãnh nhận sự giáo hóa, liền phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp nước Ma-già-đà. Trong ánh sáng đó, từ xa, con của trưởng giả, trông thấy thân Phật như mặt trời hiện ra, có đủ mọi người vây quanh nghe nói pháp.
Thấy như vậy rồi, một lòng nhớ nghĩ Phật, con của trưởng giả bỗng nhiên lại thấy con đường làm bằng bảy báu, có lan can hai bên, trải dài đến chỗ Phật. Lại thấy các thứ hoa rất đẹp, rải khắp các ngã đường. Khi ấy, con của trưởng giả muốn tìm đường để đến chỗ Phật. Vừa cất bước, Thích Đề-hoàn Nhân liền chặn lại, đứng ngang giữa đường, nói:
–Này con của trưởng giả, nhà ngươi muốn đến gặp Phật, để nhận lãnh điều lợi lành lớn, Phật cũng sẽ thương xót cho ngươi. Ta phải cùng với ngươi đến chỗ Phật.
Con của trưởng giả, cùng với Đế Thích liền đi đến chỗ Phật. Đến nơi rồi, Đế Thích vạch vạt áo, lấy hoa Mạn-đà-la đưa cho con của trưởng giả để dâng lên Đức Phật. Khi nhận hoa trời rồi, con trưởng giả phát lòng vui vẻ, đem dâng hoa lên Đức Phật, cúi đầu làm lễ và đi nhiễu bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên, mà bạch Phật:
–Con nay hết lòng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Ba lần quy y rồi, con của trưởng giả nghĩ: “Nhờ các loại công đức và căn lành này, nguyện đời sau được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Rồi con của trưởng giả lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Mọi người đều biết, với cô Kim Sắc nữ này, con đã vì lòng ham muốn, dùng tiền của, cùng cô ta định vào rừng tìm những vui thú. Đến khu rừng, cô ta gối lên đầu gối con mà nằm và bỗng nhiên chết đi, chốc lát thối nát, tan hoại, hôi thối, đáng sợ. Những người thân thuộc đều bỏ con đi, không người nào nhìn lại. Con sợ vua A-xà-thế biết người con gái này chết, cho rằng con giết, rồi giết oan con, nên con rất là sợ hãi!
Khi ấy, Phật bảo con của trưởng giả:
–Ngươi chớ nên lo rầu, sợ hãi. Ta sẽ ban cho ngươi tất cả sự không biết sợ. Này con của trưởng giả! Ngươi đã quy y Phật rồi, thì không còn sợ hãi ở bất cứ chỗ nào nữa.
Phật bảo:
–Ngươi nên dứt bỏ lý do sợ hãi.
Con của trưởng giả bạch Phật:
–Tất cả sợ hãi từ đâu sinh ra?
Phật nói:
–Sợ hãi từ nhân duyên tham, sân, si sinh ra. Từ những nhân duyên thấy được ở thân, mà sợ hãi sinh ra. Từ nhân duyên thấy cái xấu ác mà sợ hãi sinh. Từ nhân duyên thèm khát yêu thương, mà sợ hãi sinh ra. Từ những nhân duyên ngã, ngã sở, dính mắc ôm giữ, đấu tranh, tham đắm, tự thân trói buộc mà sợ hãi phát sinh. Ở trong vô thường lại tưởng là thường, nên sợ hãi sinh ra. Ở trong pháp khổ mà sinh tưởng vui, cho nên sinh ra sợ hãi. Ở trong cái không sạch mà cứ tưởng rằng sạch nên sinh ra sợ hãi. Ở trong không ngã sinh tưởng ngã, nên sinh ra sợ hãi. Do dính mắc vào nhân duyên của năm ấm, mà sợ hãi sinh ra. Do không quán mười hai nhập, mà sợ hãi sinh ra. Do không quán mười tám giới, mà sợ hãi sinh ra. Do không thấy ác báo ở đời sau, mà sợ hãi sinh ra. Do không thấy nhân duyên trong ngoài của thân, mà sợ hãi sinh ra. Do ưa thích tuổi sống còn của thân mạng, mà sợ hãi sinh ra. Này con của trưởng giả! Như vậy, do các nhân duyên trên, nên tất cả sợ hãi phát sinh. Các việc như vậy, ngươi nên xả bỏ.
Phật lại bảo:
–Ngươi có thấy các sự xấu xa trên thân cô gái này không?
Con của trưởng giả đáp:
–Thưa Thế Tôn! Con đã thấy.
Phật nói:
–Như vậy, tất cả pháp là vô thường, biến hoại, khổ, không, không thật, chỉ là hư dối. Người ngu si không biết, đó là do nghiệp duyên sinh ra. Sắc tướng nên xa lìa, vì nó như huyễn, không thật. Như sự vui vẻ trong mộng, không phải là sự vui vẻ thật. Như khi trời nắng, sóng nắng bốc lên, chẳng phải nước mà tưởng là nước. Cũng như bóng nước phản chiếu trên tường, nước động thì bóng trên tường động, thật ra không có xao động. Như hình ảnh trong gương, đều do nghiệp lực sinh ra. Như trăng trong nước, nước lặng thì trăng hiện ra, trăng không có thật. Như tiếng vang là do âm thanh phát sinh bị dội lại, không thể nói là có thật. Như cái bóng, không thể hoạt động được. Như thể tánh là huyễn, là không vậy. Như tánh của gió là không thể nắm bắt được… Như vậy, tất cả pháp đều là rỗng, là giả tạm, không thật, không tăng, không giảm. Như vậy, này con của trưởng giả! Nên biết, tất cả pháp không có chủ, không ai tạo ra, không có người nhận. Ngươi, trước đây muốn hiểu biết, nay sao lại ở đây?
Con của trưởng giả đáp:
–Những gì thấy ở đây: Dài, ngắn, sắc đẹp, … là do nhân duyên từ cái biết xấu. Kẻ phàm phu dính mắc vào; đối với Thánh pháp không phải việc như vậy. Trong pháp của Thánh nhân, chỉ xem là không sạch, như thật thấy, xa lìa cái biết xấu, tham, sân, si dứt sạch.
Phật bảo:
–Lành thay, lành thay! Này con của trưởng giả! Thấy được tánh tham nên xa lìa sự thấy hiểu (dò xét) xấu. Xa lìa sự dò xét xấu nên tham, sân, si dứt sạch. Vì vậy, ngươi nên phát lòng trong sạch, tu hạnh phương tiện, phát khởi nghiệp trí tuệ đối với tất cả cảnh, xa lìa sự tham đắm vào thân mình và mê đắm thân người khác.
Con của trưởng giả nói:
–Bồ-tát làm thế nào để phát lòng trong sạch, thực hành hạnh trí tuệ?
Phật bảo:
–Này con của trưởng giả! Bồ-tát phải cầu Bồ-đề ở trong thể tánh tham. Như vậy, cũng cầu Bồ-đề trong thể tánh sân, si. Cũng cầu Bồ-đề trong thể tánh tất cả phiền não. Như vậy, thể tánh của tất cả phiền não, tham, sân, si… là không, là không có vật gì. Bồ-tát phát sinh hạnh trí tuệ, đối với tất cả pháp. Vì thế, này con của trưởng giả! Thể tánh của tham, sân, si không có gốc rễ, cũng không có chỗ trụ, cũng không có chủ, không có ai tạo ra, trong ngoài trong sạch, hoàn toàn không có sở hữu; không có ngã, không có chúng sinh, không có thọ mạng; xa lìa người, không có tướng, xa lìa sự dò xét xấu, nên không có ước mong, xa lìa khát ái và sự nắm giữ. Như vậy, thể tánh của tham, sân, si là không sinh. Bồ-tát phát sinh hạnh trí tuệ đối với tất cả pháp.
Lại nữa, này con của trưởng giả! Trong sạch phan duyên với phương tiện hạnh. Bồ-tát, đối với tất cả tâm pháp của chúng sinh, đều có Bồ-đề. Vì sao? Vì tâm Bồ-tát không có sắc, xa lìa sắc, xa lìa phân biệt. Thể tánh như huyễn, đây và kia; trong và ngoài không có sự tiếp nối. Đấy gọi là Bồ-đề.
Lại nữa, này con của trưởng giả! Bồ-tát không nên biết các việc khác, chỉ biết tâm mình. Vì sao? Vì hiểu biết tâm mình, là hiểu biết tâm của tất cả chúng sinh. Nếu tâm mình trong sạch, tức là tâm của chúng sinh trong sạch. Như thể tánh của tâm mình, tức là thể tánh của tâm chúng sinh. Tâm mình xa lìa bụi nhơ cõi trần, tức tâm chúng sinh cũng xa lìa bụi trần nhơ bẩn. Tâm mình xa lìa tham, tức là tâm tất cả chúng sinh cũng xa lìa tham. Tâm mình xa lìa sân hận, tức là tâm tất cả chúng sinh cũng xa lìa sân hận. Tâm mình xa lìa si mê, tức là tâm của tất cả chúng sinh cũng xa lìa si mê. Tâm mình xa lìa phiền não, tức là tâm tất cả chúng sinh cũng xa lìa phiền não. Hiểu biết như thế này, gọi là Nhất thiết trí tri giác. Như vậy, trong sạch duyên với phương tiện hạnh. Bồ-tát có thể biết thể tánh của phiền não, làm ô nhiễm tâm tất cả chúng sinh. Như có thuyết nói: Khách trần phiền não liên tục làm nhiễm ố tâm. Bồ-tát tìm thấy các pháp phương tiện, đối với chúng sinh kia, để khéo giáo hóa, để không có não loạn. Nếu chúng sinh kia, mà hiểu biết được khách trần phiền não, thì khách trần phiền não không thể làm ô nhiễm chúng sinh được.
Phật thuyết pháp này rồi, con của trưởng giả đạt được pháp Thuận nhẫn. Khi biết con của trưởng giả đã nhận sự giáo hóa rồi; Kim Sắc nữ đem đến năm trăm xe ngựa, vây quanh trước sau, tấu lên các loại âm nhạc và đi đến chỗ Đức Thế Tôn. Đến nơi, nàng xuống xe, lạy ba lạy, đi nhiễu bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi hỏi con của trưởng giả:
–Ngươi đã hiểu rõ cô gái này chưa?
Con của trưởng giả đáp:
–Con thực sự đã hiểu rõ cô gái này.
Văn-thù-sư-lợi hỏi:
–Làm thế nào ngươi hiểu rõ được?
Con của trưởng giả, hướng về Văn-thù-sư-lợi mà nói kệ trả lời:
Thấy sắc như bọt nước
Các thọ như bong bóng
Xem tưởng như ánh nắng
Con hiểu được như vậy.
Xem hành như thân chuối
Biết thức như huyễn hóa
Tên cô, giả đặt ra
Con hiểu được như vậy.
Thân không hiểu như cây
Cũng như cỏ, đá sỏi
Tâm không thể thấy được
Con hiểu ra như vậy.
Chẳng ngã, chẳng chúng sinh
Chẳng thọ, chẳng hữu tình
Mười tám giới liên tục
Con hiểu được như vậy.
Trong ấy chẳng tham, sân
Cũng lại chẳng ngu si
Chẳng nhiễm, chẳng trong sạch
Con biết được như vậy.
Phàm phu như kẻ say
Sinh hiểu biết điên đảo
Người trí không bị nhiễm
Con hiểu được như vậy.
Như thây chết trong rừng
Hôi thối, bẩn, không sạch
Thể tánh thân như vậy
Như thế con hiểu được.
Quá khứ vốn không mất
Vị lai cũng không sinh
Hiện tại không tạm dừng
Con hiểu được như vậy.
Văn-thù xin lắng nghe
Ân đó khó đáp đền
Con vốn nhiều ham muốn
Thấy bẩn, muốn trốn bỏ
Thân kia thật không chết
Vì dạy con hiện chết
Thương người bày ra vậy
Ai thấy chẳng phát tâm
Như vậy tham, sân, si
Và tất cả phiền não
Thể tánh pháp là vậy
Lành thay! Thật nhiệm mầu!
Khi ấy, Như Lai mỉm cười, trên khuôn mặt, phát ra sắc sáng, chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Chiếu sáng rồi thâu lại, nhập vào đỉnh đầu. Thấy ánh sáng ấy, Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi, đứng dậy, vạch vai áo bên phải, đảnh lễ Đức Phật, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, hướng Phật, khen ngợi:
–Lành thay, Thế Tôn! Do nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười? Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã hiện mỉm cười chẳng phải không lý do!
Phật bảo A-nan:
–Ông có thấy cô Kim Sắc nữ này không?
A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.
Phật bảo A-nan:
–Kim Sắc Nữ này đời quá khứ đã được Văn-thù-sư-lợi giáo hóa, khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; nay cũng lại ở chỗ Văn-thù-sư-lợi nghe giảng pháp và đắc được pháp Thuận nhẫn.
Phật bảo A-nan:
–Ông có thấy Thượng Oai Đức, con của trưởng giả không?
A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.
Phật bảo A-nan:
–Người con của trưởng giả này, đời quá khứ, từng được ta giáo hóa, khiến phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nay cũng lại ở nơi chỗ ta, nghe thuyết pháp và đắc được pháp Thuận nhẫn. Anan! Thắng Kim Sắc Nữ này, hơn chín mươi trăm ngàn kiếp về sâu sẽ thành Phật, hiệu là Bảo Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, thọ mạng vô lượng. Thế giới của Đức Phật này, gọi là Bảo đức sát, kiếp tên là Lạc sinh. Cô gái này, trong tương lai khi thành Phật, chúng sinh ở trong nước của cô ấy, áo quần, thực phẩm, đời sống, thân sắc, đều như các vua trời ở trời Đao-lợi, không khác. Thế giới của Phật này, không có hàng Thanh văn và Bích-chi-phật, thuần nhất một ngôi là Đại thừa Bồ-tát. Khi Bảo Quang Như Lai kia thành Phật, người con của trưởng giả này mang thân Bồ-tát, gọi là Đức Quang, giữ gìn tạng Phật pháp của Bảo Quang Như Lai. Khi Bảo Quang Như Lai sắp nhập Niết- bàn, sẽ thọ ký Bồ-đề cho Đức Quang Bồ-tát và bảo các đại chúng rằng:
–Sau khi ta diệt độ, pháp của ta diệt rồi, Đức Quang Bồ-tát sẽ thành Phật, hiệu là Bảo Viêm Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Khi Như Lai, thọ ký cho hai người rồi, thì tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, áng sáng lớn phóng khắp tất cả mười phương thế giới. Khi Phật nói pháp thọ ký này, có tám ngàn người, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Khi ấy, A-nan bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?
Phật bảo:
–Kinh này gọi là kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn. Cứ như vậy mà thọ trì. Kinh này cũng gọi là kinh Văn-thù-sư-lợi Thần Thông Phấn Tấn Lực. Cũng gọi là kinh Thắng Kim Sắc Quang Minh Đức Nữ Giáo Hóa.
Phật nói kinh này rồi, Tôn giả A-nan, Thắng Kim Sắc nữ, con của Trưởng giả, Văn-thù-sư-lợi và Người, Trời, A-tu-la… tất cả đại chúng sinh đều vui vẻ thọ lãnh để tu hành.