KINH ĐẠI THỪA BẤT TƯ NGHỊ THẦN THÔNG CẢNH GIỚI

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với năm mươi vạn đại Tỳ-kheo ở tại cung Bồ-tát Pháp Giới Quang Minh. Các vị Tỳ-Kheo ấy đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, an trụ trong vắng lặng, tâm thiện giải thoát, tuệ thiện giải thoát, như rồng chúa lớn, những việc cần làm đã xong, vứt bỏ gánh nặng, được thiện lợi lớn, chấm dứt mọi kết sử, chánh trí không ngại, tâm tư tịch tĩnh, thần thông đầy đủ.

Lại có chúng Đại Bồ-tát từ các nơi đến hội chúng này. Đó là những vị đạt đến địa vị không thoái chuyển, là bậc Nhất sinh bổ xứ, sẽ được thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng giác, an trụ trong vô biên thần thông biến hóa của Như Lai, tiến lên Bồ-đề, không đắm chấp diệu hạnh, tất cả chúng sinh đều rất yêu thích, trụ trong tuệ chánh niệm, nhập trí phổ biến, đủ hạnh bình đẳng, thành tựu vô lượng các công đức, chứng được pháp môn bình đẳng của Như Lai, chuyển bánh xe diệu pháp, khéo léo dạy dỗ vô biên học chúng, đạt được công đức của tất cả pháp thiện, khéo biết tâm ý của tất cả chúng sinh, hiểu rõ trình độ cao thấp của chúng sinh, đã đến bờ tự tại tối thượng, thành tựu đầy đủ các pháp thiện và hoàn tất sự nghiệp của chư Phật. Đó là các vị: Đại Bồ-tát Phổ Hiền, Đại Bồ-tát Phổ Tràng, Đại Bồ-tát Phổ Bộ, Đại Bồ-tát Phổ Tín, Đại Bồ-tát Phổ Nhãn, Đại Bồ-tát Phổ Ngộ, Đại Bồ-tát Phổ Quang, Đại Bồ-tát Phổ Hương, Đại Bồ-tát Phổ Ý Âm, Đại Bồ-tát Phổ Chiếu, Đại Bồ-tát Phổ Niệm, Đại Bồ-tát Phổ Trí Tràng, Đại Bồ-tát Phổ Duyên Quán, Đại Bồ-tát Pháp Đại Bồ-tát Giới Phổ Quang,… gồm một vạn hai ngàn vị. Lại có các Thiên tử như: Thiên tử Trí Tràng, Thiên tử Phổ Hoa Tràng, Thiên tử Phổ Quang, Thiên tử Châu Kế, Thiên tử Bảo Tích Ma-ni Phong… gồm một vạn vị cùng đến hội chúng này. Những Thiên tử ấy đều đã từng trồng các căn lành nơi các Đức Phật đời quá khứ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập định Phổ biến quang minh. Ra khỏi định này, Đức Thế Tôn phóng ánh sáng rộng lớn chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới và tất cả các cõi Phật ở mười phương. Lúc ấy, tất cả chúng sinh ở những thế giới này đều nhờ ánh sáng Phật mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Những người đã phát tâm thì được an trụ trong quả vị không thoái chuyển.

Khi ấy, các chúng Bồ-tát gần gũi chư Phật Thế Tôn trong tất cả cõi Phật ở các thế giới khắp mười phương, thấy ánh sáng này đều thưa cùng Đức Phật của mình:

–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì, do thần lực gì mà ánh sáng này chiếu khắp các cõi nước?

Các Đức Phật nói:

–Này các thiện nam! Các ông nên biết, có thế giới tên Ta-bà, Đức Phật cõi ấy hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác. Có các Bồ-tát đang tập hợp nghe pháp, Đức Phật ấy sắp nói chánh pháp về cảnh giới không thể nghĩ bàn. Do nhân duyên này nên ánh sáng chiếu sáng khắp các cõi nước.

Các vị Bồ-tát ấy lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con muốn đến cõi Ta-bà để chiêm ngưỡng cung kính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tùy hỷ nghe nhận chánh pháp về cảnh giới không thể nghĩ bàn và muốn được thấy các chúng Bồ-tát ở đó.

Các Đức Phật nói:

–Các ngươi hãy đi, nay đã đúng lúc, theo ý muốn của mình.

Khi ấy, tất cả các vị Bồ-tát gần gũi chư Phật trong các cõi Phật ở mười phương đều dùng thần thông của hàng Bồ-tát, hiện các sự biến hóa cùng vô số Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… cung kính vây quanh đến chỗ Phật Thích-ca Mâu-ni. Đến nơi, các vị Bồ-tát ấy đều ân cần đảnh lễ sát chân Phật và thưa:

–Bạch Đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, chúng con nghe tên chánh pháp nói về cảnh giới không thể nghĩ bàn thì đều mong mỏi tùy hỷ nghe nhận, giảng nói và muốn chiêm ngưỡng cung kính Đức Thế Tôn, được gặp các chúng Bồ-tát. Vì nhân duyên ấy nên chúng con đến cõi Ta-bà.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường ở cõi Phật Bảo Tràng, thuộc thế giới Đại bảo nơi phương Đông lại nghĩ: “Hiện nay trong cõi Phật Thích-ca Mâu-ni ở thế giới Ta-bà nơi phương Tây, có chúng Đại Bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng nơi các cõi nước khắp mười phương đều tập hợp để nghe Đức Phật ấy thuyết giảng chánh pháp về cảnh giới không thể nghĩ bàn. Ta cũng nên đến đó để đảnh lễ, gần gũi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và tùy hỷ nghe nhận pháp môn chân chánh này, đồng thời được gặp các Bồ-tát Đại sĩ. Vì sao? Vì tất cả cõi Phật ở mười phương, những nơi tập hợp lợi ích, ta đều đến, không nơi nào là ta không đến. Vả lại, chư Phật và Bồ-tát tập hợp thuyết pháp mà ta thường thấy không giống như ngày nay. Trong cõi Phật đó có vô lượng vô biên Bồ-tát Đại sĩ tập hợp như thế, ta xét tướng trạng này thật khó có, được thấy nghe càng khó hơn. Vì thế hôm nay ta cũng nên đến đó.” Nghĩ thế, Bồ-tát Diệu Cát Tường thưa với Đại Bồ-tát Từ Thị:

–Bồ-tát Từ Thị nên biết! Hiện nay trong cõi Phật Thích-ca Mâu-ni có vô số trăm ngàn câu-chi na-du-đa Đại Bồ-tát tập hợp nghe nhận giảng nói chánh pháp về cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chúng ta nên đến đó chiêm ngưỡng, đảnh lễ Đức Thế Tôn và gặp các vị Bồ-tát Đại sĩ. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát ở các thế giới trong mười phương được tập hợp tại một nơi thì thật là việc khó có.

Bấy giờ Đại Bồ-tát Từ-Thị thưa với Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Cõi Phật hôm nay Bồ-tát sẽ đến không phải là nơi tôi đến. Vì sao? Vì việc này rất khó. Các vị Bồ-tát trong hội Phật đó đều đạt được pháp Đà-la-ni, trụ trong trí vô trước, đủ các pháp lành, dù hội chúng ấy có các tướng có thể thấy, nghe được, tôi cũng không có khả năng đó.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nên biết! Dù sắc thân của Như Lai có các tướng để có thể thấy được thì thật sự cũng không thể thấy. Vì thế tôi nay không thể thấy. Hoặc dù Pháp thân của Như Lai có các tướng để có thể thấy Pháp thân chính là pháp tánh thì trong pháp tánh ấy không thấy, nghe được, không thể cúng dường, không thể chiêm ngưỡng, đảnh lễ và cũng không thể hiểu biết hoàn toàn.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Bồ-tát nên tùy thuận tới đó để cúng dường Đức Như Lai.

Bồ-tát Từ-Thị nói:

–Không đâu! Bồ-tát Diệu Cát Tường, không phải tôi cúng dường Như Lai. Vì sao? Vì không có Đức Như Lai để có thể cúng dường. Như Lai chính là pháp chân như. Trong pháp chân như không có hai tướng. Pháp chân như chính là Như Lai.

Bồ-tát Diệu Cát Tường hỏi:

–Pháp này không có hai tướng sao Bồ-tát lại nói được?

Bồ-tát Từ-Thị đáp:

–Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Một tánh phiền não và các tánh ở đây nói là hai. Nhưng nếu hiểu được một tánh chính là các tánh thì đó là pháp không hai. Nếu phân biệt đây là phiền não, đây là pháp xuất thế gian. Hiểu như thế là hai tướng. Lại nữa, nếu phân biệt đây là trì giới, đây không phải là trì giới, đây là pháp Thanh văn, đây là pháp Duyên giác, đây là bố thí, đây không phải là bố thí, đây là chánh đạo, đây là tà đạo, đây là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đây là Duyên giác, đây là Bồ-tát, đây là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, đây là pháp đoạn diệt, đây là pháp hữu tưởng, đây là pháp quyết định, đây không phải là pháp quyết định, đây là pháp do trí hiểu biết, đây là pháp do thức hiểu biết, đây là pháp chứng đạo giác ngộ, đây là pháp chứng đạo Niết-bàn. Phân biệt như thế là hai tướng. Hai tướng đó thay đổi theo thức. Nếu không phát khởi những tướng như thế gọi là pháp không hai.

Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Giả sử tôi dùng biện tài trí tuệ để nói pháp không hai này thì dù một kiếp hoặc hơn một kiếp cũng không thể nói hết và cũng không thể biết được biên vực của nó. Vì sao? Vì tất cả pháp xa rời các tánh dù ở trong hoặc ở ngoài cũng không thể thấy và nắm bắt được.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Thật lớn lao thay! Bồ-tát Từ-Thị! Bồ-tát đã được pháp Nhẫn vô sinh nên nói như thế. Đúng vậy! Đúng vậy! Giả sử tôi phải trải qua một kiếp hay hơn một kiếp nói pháp không hai này thì cũng không có trí tuệ biện tài nào có thể nêu bày hết được.

Bồ-tát Từ-Thị nói:

–Này Bồ-tát Diệu Cát Tường! Đừng chấp trên văn tự mà sinh vọng tưởng, tất cả các pháp xa lìa văn tự, là tướng không sinh, không bị biến đổi.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường nói với các Bồ-tát trong cõi Phật ấy:

–Này các Thiện nam! Bây giờ các vị nên cùng đến cõi của Phật Thích-ca Mâu-ni để chiêm ngưỡng đảnh lễ Đức Phật gặp trăm ngàn câu-chi na-du-đa các chúng Bồ-tát, tùy hỷ nghe nhận chánh pháp về cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Khi ấy, có Bồ-tát tên Biện Tích Tràng Vương thưa với Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Như Lai không có tướng để có thể thấy được, vì sao nay lại nói chúng ta đến gặp Như Lai? Vì sao Như Lai lại có thể thấy được? Lại do nghĩa gì mà gọi là Như Lai? Vì sao? Vì Như Lai không phải là tướng mà quá khứ, hiện tại, vị lai có thể nắm bắt được. Các pháp ấy cũng không thuộc ba đời, vì tất cả đều không. Trong pháp không đó không có chủ thể nhận thấy. Như lời Bồ-tát Diệu Cát Tường nói: Như Lai có tướng, có thể thấy, nhưng nay làm sao để thấy Như Lai? Dùng mắt nào để chiêm ngưỡng? Nếu dùng nhục nhãn để có thể chiêm ngưỡng thì nhục nhãn là không, trong tánh không đó không có đối tượng được thấy. Hoặc dùng Thiên nhãn để chiêm ngưỡng Như Lai thì Thiên nhãn cũng lại do tưởng mà có. Còn nếu sự quán sát không do mắt thì làm sao gọi là thấy? Vì thế chúng ta nay không thể đi đến cõi ấy.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Này Thiện nam! Nếu Bồ-tát nay trụ trong pháp bất bình đẳng mà nói như thế, thì đối với Phật Như Lai tức không thể thấy và cũng không cúng dường. Còn nếu Bồ-tát trụ trong tướng không chấp trước mà nói đúng như thật thì có thể thấy được, có thể đến và có thể cúng dường Đức Như Lai. Vì không chấp trước, nơi tướng của tất cả văn tự và cũng không ra ngoài tướng của văn tự, vì tự tánh của nó là không. Do vậy, Ta đứng trên pháp bình đẳng mà nói như thế. Chư Phật Như Lai vốn thanh tịnh, không bị biến đổi. Các vị dù trụ trong pháp nhẫn ý hay không trụ trong pháp nhẫn ý cũng đều nên đến cõi đó.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường lại vì chúng Bồ-tát, tìm phương tiện để giảng nói. Nhờ thần lực của Phật, các vị Bồ-tát đó đối với các pháp đều đạt được Vô sở trụ. Bồ-tát Diệu Cát Tường lại nghĩ: “Ta không nên một mình đến cõi Ta-bà. Vì sao? Vì chúng sinh hiện có ở cõi đó tạo nghiệp bất thiện, ít hiểu biết, không sinh tịnh tín. Ta nay nên hiện các sắc tướng và những việc hy hữu để đến đó, khiến cho chúng sinh thấy được, phát sinh tín tâm, đạt điều chưa từng có, được thiện lợi rộng lớn.” Nghĩ thế, Bồ-tát Diệu Cát Tường liền nhập định Vô cấu phổ quang. Trong định, Bồ-tát hiện ra vô số trăm ngàn vị Đại Bồ-tát cùng vây quanh, có Phạm Thiên vương và Thiên chủ Đế Thích cầm phất trần báu đứng hầu hai bên. Lúc này, từ nơi mỗi lỗ chân lông trên thân Bồ-tát xuất hiện hoa sen cõi trời lớn như bánh xe, trong mỗi mỗi hoa đều có Đức Thế Tôn ngồi kiết già, mỗi mỗi Đức Thế Tôn cầm hoa sen báu. Khi ấy, chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều rất hoan hỷ, Bồ-tát Diệu Cát Tường thấy được tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh cũng đồng thấy được Bồ-tát Diệu Cát Tường và đều đạt được tâm không thoái chuyển nơi đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hiện các tướng ấy rồi, Bồ-tát Diệu Cát Tường xuất định, từ cõi Phật Đại Bảo nơi phương Đông đi đến cõi Ta-bà này. Những cõi Phật đi qua, Bồ-tát đều hiện thần thông biến hóa như vậy, làm cho tất cả đều được lợi ích lớn. Bồ-tát thấy nơi các cõi Phật đó, các Đức Như Lai đều cầm hoa sen báu thuyết pháp cho chúng sinh. Hoặc thấy có cõi Phật, thấy những chúng sinh chịu khổ ở địa ngục, được Đức Phật cứu độ thoát khỏi mọi thống khổ. Những loài súc sinh, ngạ quỷ ăn nuốt lẫn nhau hết sức khổ não cũng đều dứt hết khổ, cho đến trong cõi Diễm-ma, những chúng sinh đang chịu khổ bức, Đức Phật đều tùy ý nguyện của họ mà thuyết pháp, khiến cho tất cả chúng sinh ấy xa lìa khổ bức, phát tâm hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hoặc thấy có cõi Phật, Đức Như Lai tùy ý nguyện của tất cả A-tu-la mà thuyết pháp, làm cho chúng chuyển được thân A-tu-la. Có cõi Phật, Đức Như Lai trụ trong cảnh giới thần thông Diệu cát tường, tùy ý nguyện của các dòng họ Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, Trưởng giả mà thuyết pháp, làm cho họ được lợi ích. Hoặc tùy ý nguyện của Thiên chúng ở cõi trời Tứ Đại vương mà thuyết pháp, Phật bảo các Thiên tử: “Các vị nên biết! Tất cả hành đều vô thường, đừng nghĩ đó là pháp cứu cánh”. Những người nghe pháp này đều được lợi ích. Có cõi Phật, Đức Như Lai trụ trong cảnh giới thần thông Diệu cát tường, tùy ý nguyện của Thiên chủ Đế Thích ở cõi trời Tam thập tam và các Thiên tử mà thuyết pháp, cũng nói: “Các hành là vô thường, không phải là pháp cứu cánh. Những kẻ có trí phải biết như thật, đối với pháp ấy đừng nghĩ đó là cứu cánh”. Những người nghe pháp này đều được lợi ích. Có cõi Phật, Đức Như Lai trụ trong cảnh giới thần thông Diệu cát tường, tùy ý nguyện của các Thiên tử nơi cõi Trời: Dạ-ma, Tri túc, Hóa lạc, Tha hóa tự tại, Phạm chúng, Phạm phụ, Đại Phạm vương… cho đến các Thiên tử ở cõi trời Sắc cứu cánh mà thuyết pháp, những người nghe pháp đều được lợi ích. Hoặc thấy Đức Như Lai trụ trong cảnh giới thần thông Diệu cát tường, tùy ý nguyện của chúng Đại Bồ-tát Sơ địa mà thuyết pháp. Hoặc tùy ý nguyện của chúng Đại Bồ-tát trụ Địa thứ hai, trụ Địa thứ ba, trụ Địa thứ tư, trụ Địa thứ năm, trụ Địa thứ sáu, trụ Địa thứ bảy, trụ Địa thứ tám, trụ Địa thứ chín, trụ Địa thứ mười và Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, sắp thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác mà thuyết pháp, chủ yếu là muốn cho họ tiến tới trụ không thoái chuyển và an trụ viên mãn trong cảnh giới đại Niết-bàn.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường hiện các tướng thần thông biến hóa như thế, tất cả chúng sinh ở những cõi Phật mà Bồ-tát đi qua thấy được tướng ấy đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác. Năm trăm Tỳ-kheo được dứt hết các lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, tám ngàn Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh, mười ngàn Thiên tử xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn tịnh. Lúc ấy, các vị Bồ-tát đạt được lợi ích, đồng thanh nói kệ:

Thấy việc thần thông biến hóa này

Ai cũng thỏa nguyện, chưa từng có Cảnh giới Bồ-tát Diệu Cát Tường Tất cả chúng sinh được lợi ích.

Bấy giờ, các chúng Bồ-tát từ các cõi Phật ở mười phương đã đến đại hội, đều dùng sức thần thông thấy các việc rất hy hữu này, cùng bạch Đức Thích-ca Mâu-ni:

–Ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới và việc hy hữu kia là do thần lực gì biến hóa ra? Xin Phật Thế Tôn nói cho chúng con nghe.

Đức Phật bảo các Đại Bồ-tát:

–Này các Thiện nam! Các vị nên biết có Đại sĩ Bồ-tát tên Diệu Cát Tường, là người trụ trong địa không thoái chuyển, đã được pháp Quán đảnh, từ phương Đông đang đến cõi này. Do thần thông của vị ấy đã hiện ra những điềm tốt đẹp kia. Lại nữa, này các thiện nam! Người nào nghe được danh hiệu Diệu Cát Tường thì được trụ nơi tâm không thoái chuyển, huống chi là được thấy, thật là việc khó.

Lúc Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói lời này cho các Đại Bồ-tát, thì Bồ-tát Diệu Cát Tường liền dùng thần lực hiện đến đại hội này. Đến nơi, Bồ-tát đảnh lễ sát chân Phật, thưa:

–Bạch Đức Thích-ca Mâu-ni! Thế Tôn được khỏe mạnh, thư thái, nhẹ nhàng và an lạc chăng? Con từ cõi Phật Bảo Tràng thuộc thế giới Đại bảo nơi phương Đông đến đây để lễ lạy, gần gũi Đức Thế Tôn và nghe chánh pháp.

Khi ấy, trong đại hội, Thiên tử Phổ Hoa Tràng từ chỗ ngồi đứng đậy, bạch với Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng Đại Bồ-tát nên tu pháp môn nào để thành tựu sự nghiệp thần thông, biện tài, trí tuệ sâu xa tối thắng như Bồ-tát Diệu Cát Tường?

Đức Phật bảo Thiên tử Phổ Hoa Tràng:

–Đại Bồ-tát nào muốn thành tựu sự nghiệp thần thông ấy thì nên tu tập đầy đủ bốn pháp môn:

  1. Tùy hỷ nghe nhận pháp sâu xa.
  2. Rộng nói pháp sâu xa cho mọi người.
  3. Nghe pháp nên hỏi về nghĩa lý.
  4. Nghe rồi thì tin, hiểu, tu hành đúng lý.

Lại có bốn pháp phải tu tập đầy đủ:

  1. Quyết định nắm giữ các kinh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng.
  2. Vui thích tu tập các kinh pháp.
  3. Ghi nhớ không quên các kinh pháp.
  4. Giảng nói rộng lưu truyền các kinh pháp.

Lại có bốn pháp phải tu tập đầy đủ:

  1. Nghe nhận chắc chắn pháp môn chân chánh.
  2. Sinh tâm tôn trọng Pháp sư.
  3. Cung kính phụng sự người trì pháp không sinh lười mỏi thoái chuyển.
  4. Luôn tán thán Pháp sư, không hề mỏi mệt.

Lại có bốn pháp phải tu tập đầy đủ: Đó là luôn phát khởi bốn tâm:

  1. Tâm bình đẳng.
  2. Tâm nhu hòa, dịu dàng.
  3. Tâm không biếng trễ.
  4. Tâm không gây hại.

Bồ-tát nào tu tập bốn pháp môn đó, sẽ đạt được sự nghiệp thần thông biến hóa tối thắng và có thể thành tựu trí tuệ biện tài.

Khi Đức Phật giảng nói về bốn thứ pháp môn đó, có năm ngàn Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh, bốn ngàn Thiên tử xa lìa trần cấu được Pháp nhãn tịnh. Các Bồ-tát và chư Thiên được lợi ích rồi, đều nói: Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được an trụ trong cảnh giới của chư Phật, tin hiểu sâu xa pháp môn chân chánh, ghi nhớ, thọ trì chánh pháp đã nghe, ở đời vị lai đạt đại thần thông như Diệu Cát Tường, nơi các cõi Phật biến hóa tự tại.

Khi ấy, Thiên tử Phổ Hoa Tràng hỏi Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Bồ-tát từ đâu đến đại hội này? Cõi Phật mà Bồ-tát an trụ tên là gì? Đức Phật hóa chủ nơi cõi ấy tên hiệu là gì?

Bồ-tát Diệu Cát Tường bảo Thiên tử Phổ Hoa Tràng:

–Ông đừng nên hỏi từ đâu đến. Vì sao? Thiên tử nên biết! Pháp giới không đến, cũng không có nơi đi, không biến động, không an trụ, tất cả đều không vướng mắc, tánh của pháp giới là không chỗ nghi hoặc lìa các hý luận.

Thiên tử! Nếu nói có đến, có đi, có chỗ trụ thì đó là pháp hý luận.

Bấy giờ Thiên tử Phổ Hoa Tràng và đại chúng, nghe Bồ-tát Diệu Cát Tường giảng nói pháp này, đều khen là việc chưa từng có, nên đồng thanh nói kệ:

Tối thượng, hy hữu Diệu Cát Tường
Phát xuất từ nơi Phật Thế Tôn
Đầy đủ thần thông các pháp môn
Người thấy, người nghe đều lợi lạc.
Đại sĩ nay hiện các tướng này
Tuyên thuyết pháp vi diệu sâu xa
Được thấy, nghe tôi đều tùy hỷ
Hôm nay có được lợi ích lớn.
Chúng tôi xưa từng nghe Đại sĩ
Nay thấy thần thông, sắc tướng đẹp
Bồ-tát là ánh sáng pháp lớn
Hiện ra tất cả các pháp Phật.
Đã được viên mãn mọi thứ hành
Trang nghiêm bằng y phục hổ thẹn
Tự lợi, lợi tha Diệu Cát Tường
Công đức tối thắng khó nghĩ bàn.
Bồ-tát như Từ phụ thế gian
Tất cả chúng sinh đều quy phục
Khai thị môn phương tiện Niết-bàn
Làm cho chúng sinh đến bờ giác.
Bồ-tát giống như đại sư tử
Một tiếng phá được các ngoại luận
Viên mãn các công đức chánh pháp
Thanh tịnh tất cả pháp nhiễm ô.
Bồ-tát như mặt đất thế gian
Sinh ra tất cả các pháp lành
Lại là Đại y vương tối thượng
Cứu chữa các bệnh cho chúng sinh.
Bồ-tát như trăng rất trong mát
Xua tan nhiệt não, được thanh tịnh
Lại như ánh mặt trời rực rỡ
Chiếu soi tất cả Tam-ma-địa.
Bồ-tát, đại Đạo sư đại lợi
Chỉ dẫn chúng sinh đạo Bồ-đề
Thường sinh tâm Từ bi bao la
Cứu khổ chúng sinh nơi cõi ác.
Bồ-tát luôn là nơi nương tựa
Hiểu rõ tâm tất cả chúng sinh
Trí Nhất thiết trí, diệu pháp môn
Dạy khắp chúng sinh đều giải thoát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên tử Phổ Hoa Tràng và đại chúng:

–Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói, Bồ-tát Diệu Cát Tường có những công đức như vậy.

Trang 1 2 3